Thứ Năm, 12 tháng 10, 2023

“Con thuyền của Thánh Phêrô” cập bến Bảo tàng Vatican

“Con thuyền của Thánh Phêrô” cập bến Bảo tàng Vatican

Con thuyền sẽ được đặt trên đoạn dốc của Via del Mare

“Con thuyền của Thánh Phêrô” cập bến Bảo tàng Vatican

Vatican News


*******

Sự xuất hiện ‘Con thuyền của Thánh Phêrô’ tại Bảo tàng Vatican là một sự kiện quan trọng đối với Giáo hội Công giáo và văn hóa thế giới, vì con thuyền là biểu tượng cho sứ mệnh của Giáo hội dẫn dắt các tín hữu đến với ơn cứu độ, và từ góc độ lịch sử, con thuyền là bằng chứng cho cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu Nadarét.

Ngày 15 tháng Ba, theo một thông cáo của Bảo tàng Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được một món quà là chiếc thuyền do gia đình Aponte, nhà đóng tàu từ bán đảo Sorrento, phối hợp với Viện Ngoại giao Quốc tế đóng thủ công. Chiếc thuyền, một bản sao theo mẫu nguyên thủy của một chiếc thuyền thuộc thế kỷ thứ nhất tìm được từ Biển hồ Galilê, là một tác phẩm có giá trị lịch sử và tôn giáo rất lớn.

Việc lắp đặt

Thuyền dài 8,2 mét, rộng 2,3 mét và cao 1,7 mét.

Thuyền nặng 4.500 kg.

Thuyền được đóng bằng gỗ sồi và gỗ thông.

Nó được vận chuyển đến Bảo tàng Vatican bằng một xe tải đặc biệt.

Một cần cẩu 40 tấn được chuyển đến để lắp đặt thuyền.

Các công việc xử lý và lắp đặt phức tạp diễn ra vào Chúa nhật bên trong các cánh cửa đóng kín, nhờ việc thi công lắp đặt công phu cùng với sự hỗ trợ của các công ty chuyên ngành, và sự cộng tác chung của các nhân viên từ Phòng Bảo tàng và Di sản Văn hóa và Phòng Cơ sở hạ tầng và Dịch vụ (Chính quyền thành quốc Vatican). Việc lắp đặt con thuyền là một sự kiện quan trọng vì nó cho phép du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của tác phẩm độc đáo này.




[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/10/2023]


Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 11.10.2023

Hãy tha thứ vì theo cách đó chúng ta sẽ được tha thứ: tha thứ là sự âu yếm của Chúa dành cho mọi người

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong buổi Tiếp kiến chung

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 12.10.2023

Vatican Media


*******

Buổi tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục chủ đề giáo lý về Lòng Nhiệt thành rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề “Thánh Josephine Bakhita: chứng nhân về sức mạnh biến đổi của sự tha thứ của Chúa Kitô” (bài đọc: Lc 23:32-34).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài đưa ra lời kêu gọi về những diễn biến đang xảy ra ở Israel và Palestine, và hướng lòng về người dân Afghanistan, nơi bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh trong những ngày gần đây. Buổi tiếp kiến chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

____________________________

Giáo lý. Lòng Nhiệt thành rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 22. Thánh Josephine Bakhita: chứng nhân về sức mạnh biến đổi của sự tha thứ của Chúa Kitô

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý của chúng ta về lòng nhiệt thành tông đồ – chúng ta đang suy tư về lòng nhiệt thành tông đồ – hôm nay chúng ta cho phép bản thân được truyền cảm hứng bởi chứng tá của Thánh Josephine Bakhita, một vị thánh người Sudan. Thật đáng buồn, Sudan đã bị xâu xé bởi cuộc xung đột vũ trang kinh hoàng trong nhiều tháng, nhưng ít được nói đến; chúng ta cùng cầu nguyện cho người dân Sudan để họ được sống trong hòa bình! Nhưng danh tiếng của Thánh Bakhita đã vượt qua mọi ranh giới và đến với tất cả những người mà danh tính và phẩm giá của họ bị chối bỏ.

Chào đời ở vùng Darfur năm 1869 – vùng Darfur đầy bất ổn! Thánh nữ bị bắt cóc khỏi gia đình khi mới 7 tuổi và bị bắt làm nô lệ. Những kẻ bắt cóc gọi thánh nữ là “Bakhita”, có nghĩa là “vận may”. Thánh nữ đã đi qua tám đời chủ – người này bán ngài cho người khác. Những đau khổ về thể xác và tinh thần mà thánh nữ phải chịu khi còn nhỏ khiến ngài không còn nhân dạng. Ngài phải chịu đựng sự tàn ác và bạo lực: trên thân thể ngài có hơn một trăm vết sẹo. Nhưng chính thánh nhân đã làm chứng: “Là một nô lệ, tôi không bao giờ tuyệt vọng, vì tôi cảm thấy có một sức mạnh huyền nhiệm đang hỗ trợ tôi”.

Trước vấn đề này, cha tự hỏi: bí mật của Thánh Bakhita là gì? Chúng ta biết rằng những người bị tổn thương thường gây tổn thương ngược lại cho người khác: những người bị đàn áp dễ dàng trở thành kẻ đàn áp. Thay vào đó, ơn gọi của những người bị áp bức là giải phóng bản thân họ và những kẻ áp bức họ, trở thành những người phục hồi nhân tính. Sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa có thể được tỏ lộ nơi sự yếu đuối của những người bị áp bức, sức mạnh tình yêu đó giải thoát cả hai. Thánh Bakhita diễn đạt sự thật này thật tuyệt vời. Một ngày nọ, gia sư của thánh nhân đưa cho ngài một cây thánh giá nhỏ, và ngài là người chưa bao giờ sở hữu bất cứ thứ gì, khư khư giữ lấy kho báu của mình. Ngắm nhìn thánh giá, ngài cảm nhận được sự giải thoát trong lòng, vì ngài cảm thấy được thấu hiểu và được yêu thương, và từ đó có khả năng thấu hiểu và yêu thương: đây là sự khởi đầu. Ngài cảm thấy được thấu hiểu, ngài cảm nhận được yêu thương, và kết quả là ngài có khả năng thấu hiểu và yêu thương người khác. Thật vậy, thánh nữ nói: “Tình yêu của Thiên Chúa luôn đồng hành với tôi một cách huyền nhiệm… Chúa yêu thương tôi: con phải yêu thương mọi người… con phải có lòng thương xót!”. Đây là tâm hồn của Thánh Bakhita. Quả thật, thương xót có nghĩa là cùng chịu đau khổ với những nạn nhân của sự vô nhân vô cùng lớn trên thế giới, nhưng cũng rủ lòng thương những người gây lỗi lầm, bất công, không phải biện minh mà là nhân đạo. Đây là sự âu yếm mà thánh nữ dạy chúng ta: có lòng nhân. Khi chúng ta đi vào luận lý của sự đấu tranh, chia rẽ, ác cảm, chống đối nhau, chúng ta đánh mất nhân tính. Và chúng ta rất thường nghĩ rằng chúng ta cần lòng nhân, trở nên nhân văn hơn. Và đây là công việc mà Thánh Bakhita dạy chúng ta: có lòng nhân, có lòng nhân với chính chúng ta và có lòng nhân với người khác.

Thánh Bakhita, đã trở thành Kitô hữu, được biến đổi bởi những lời của Chúa Kitô mà thánh nữ suy niệm hàng ngày: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Và vì thế thánh nhân nói: “Nếu Giuđa xin Chúa Giêsu tha thứ thì anh ta cũng sẽ được thương xót”. Chúng ta có thể nói rằng cuộc đời của Thánh Bakhita đã trở thành một dụ ngôn cuộc sống về sự tha thứ. Thật đẹp vô cùng khi nói với một người rằng “anh ấy luôn có khả năng tha thứ, cô ấy luôn có khả năng tha thứ”. Và thánh nữ luôn có khả năng tha thứ; thật vậy, cuộc đời của ngài là một dụ ngôn cuộc sống về sự tha thứ. Hãy tha thứ vì khi đó chúng ta sẽ được thứ tha. Đừng quên điều này: tha thứ, đó là sự âu yếm của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta.

Sự tha thứ đã giải phóng thánh nữ. Sự tha thứ trước hết được đón nhận nhờ tình yêu thương xót của Thiên Chúa, và từ đó ơn tha thứ đã làm cho thánh nữ trở thành một người phụ nữ tự do, vui tươi, có khả năng yêu thương.

Thánh Bakhita có khả năng trải nghiệm việc hầu hạ không phải như tình trạng nô lệ, mà như một cách thể hiện sự tự hiến cách tự do. Và điều này rất quan trọng: ngài bị bắt làm người hầu – thánh nữ bị bán làm nô lệ – rồi ngài chọn cách trở thành người hầu tự nguyện, gánh trên vai gánh nặng của người khác.

Bằng tấm gương của mình, Thánh Josephine Bakhita chỉ cho chúng ta con đường để cuối cùng thoát khỏi tình trạng nô lệ và sợ hãi. Ngài giúp chúng ta vạch trần những thói đạo đức giả và tính ích kỷ của mình, chiến thắng những oán giận và xung đột. Và thánh nhân luôn động viên chúng ta.

Anh chị em thân mến, tha thứ không lấy đi điều gì mà chỉ thêm vào – sự tha thứ cộng thêm điều gì? – phẩm giá: tha thứ không lấy đi điều gì của bạn nhưng lại tăng thêm phẩm giá cho con người, nó khiến chúng ta hướng cái nhìn từ bản thân đến người khác, để thấy họ cũng mong manh như chúng ta, nhưng luôn là anh chị em trong Chúa. Thưa anh chị em, tha thứ là nguồn mạch của lòng nhiệt thành để có lòng thương xót và kêu gọi chúng ta nên thánh cách khiêm nhường và vui tươi, giống như thánh Bakhita.

__________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào thân ái đến những anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham gia buổi tiếp kiến hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ nước Anh, Scotland, Đan Mạch, Na Uy, Indonesia, Malaysia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Tôi cũng gửi lời chào mừng phái đoàn đặc biệt của Trường Cao đẳng Quốc phòng NATO, với những lời nguyện chúc tốt đẹp cho công cuộc phục vụ hòa bình của họ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đổ xuống trên tất cả anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

_____________________________________

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Tôi tiếp tục theo dõi những diễn biến đang xảy ra ở Israel và Palestine trong nước mắt và sự lo sợ: nhiều người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Tôi cầu nguyện cho những gia đình đã chứng kiến ngày lễ hội biến thành ngày tang tóc, và tôi yêu cầu các con tin phải được thả ngay lập tức. Những người bị tấn công có quyền tự vệ, nhưng tôi rất lo ngại về cuộc bao vây toàn diện đối với người Palestine đang sống ở dải Gaza, nơi cũng có nhiều nạn nhân vô tội. Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan không giúp đạt được giải pháp cho cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine, mà chỉ khơi dậy hận thù, bạo lực, trả thù và gây đau khổ cho nhau. Trung Đông không cần chiến tranh nhưng cần hòa bình, một nền hòa bình được xây dựng trên sự đối thoại và lòng can đảm của tình huynh đệ.

Tôi hướng lòng cách đặc biệt về người dân Afghanistan đang gánh chịu đau khổ sau trận động đất kinh hoàng xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn nạn nhân, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và những người di tản. Tôi mời gọi tất cả những người có thiện chí hãy giúp đỡ dân tộc này, vốn đã bị thử thách nặng nề, đóng góp trong tinh thần huynh đệ để giảm bớt những đau khổ của người dân và hỗ trợ công cuộc tái thiết vô cùng cần thiết.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/10/2023]