Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Kinh Mân Côi với các bạn trẻ bị bệnh

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Kinh Mân Côi với các bạn trẻ bị bệnh

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Kinh Mân Côi với các bạn trẻ bị bệnh

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Nhà Nguyện Hiện Ra của Đền Thờ Đức Mẹ Fatima

Thứ bảy, ngày 5 tháng 8 năm 2023

_______________________________________


Anh chị em thân mến, chào (buổi sáng) anh chị em!

Tôi xin cảm ơn Đức Giám mục Ornelas vì lời chào của ngài, và tôi cảm ơn tất cả anh chị em vì sự hiện diện và lời cầu nguyện của anh chị em. Chúng ta đã đọc Kinh Mân Côi, một lời cầu nguyện rất đẹp và quan trọng; quan trọng vì nó kết nối chúng ta với cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúng ta đã suy niệm về Các Mầu nhiệm Sự Vui, nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội là ngôi nhà của niềm vui. Nhà Nguyện Đức Mẹ Hiện Ra này là một hình ảnh đẹp của Giáo Hội: chào đón và không có cánh cửa. Thật vậy, Giáo hội không cần có cửa để mọi người có thể vào. Ở đây, tại nơi này, chúng ta phải chắc chắn rằng mọi người đều được vào, vì đây là nhà của Mẹ, và trái tim của một người mẹ luôn rộng mở với tất cả những người con của mình, tất cả mọi người, mọi người, mọi người, không loại trừ một ai.

Chúng ta ở đây [với tư cách là những người hành hương], dưới cái nhìn từ mẫu của Đức Maria; chúng ta ở đây với tư cách là Giáo hội, Giáo hội Mẹ. Hành hương là một điểm đặc biệt của Thánh Mẫu, bởi vì người đầu tiên đi hành hương sau biến cố truyền tin của Chúa Giêsu là Đức Maria. Ngay khi nghe tin người chị họ lớn tuổi của Mẹ đang mang thai – mặc dù đã cao tuổi –, Mẹ Maria vội chạy đi. Đây là cách dịch hơi phóng túng, vì Tin Mừng nói rằng Mẹ “vội vã lên đường”; nhưng chúng ta có thể nói rằng Mẹ chạy đi, háo hức chạy đến giúp đỡ, để có mặt.

Mẹ Maria có nhiều tước hiệu, nhưng chúng ta có thể nghĩ ra một tước hiệu khác mà chúng ta có thể thêm vào: “Đức Mẹ chạy”, mỗi khi có vấn đề gì; bất cứ khi nào chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Mẹ, Mẹ không chậm trễ, Mẹ đến với chúng ta, Mẹ vội vã. Mẹ là “Mẹ vội vã”. Các con có thích tước hiệu đó không? Tất cả chúng ta cùng nhau nói: Đức Mẹ vội vã. Mẹ vội vã đến gần chúng ta; Mẹ vội vã vì Mẹ là mẹ của chúng ta. Đức Giám mục Ornelas nói với chúng ta rằng tiếng Bồ Đào Nha [có nghĩa vội vã] là apressada. Đó là cách Mẹ Maria đồng hành với Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời của Người; và Mẹ không rút lui sau Phục Sinh, nhưng đồng hành với các môn đệ, chờ đợi Chúa Thánh Thần. Mẹ cũng đồng hành với Giáo hội bắt đầu phát triển sau Lễ Ngũ tuần. Đức Mẹ vội vã và Đức Mẹ đồng hành. Mẹ luôn đồng hành, không bao giờ giữ vị trí ở trên! Cử chỉ chào đón của Đức Maria gồm hai phần: đầu tiên là chào đón và sau đó chỉ đến Chúa Giêsu. Mẹ Maria không làm gì trong cuộc sống của Mẹ ngoài việc chỉ đến Chúa Giêsu: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo”; hãy theo chúa Giêsu.

Đây là hai cử chỉ của Mẹ Maria, chúng ta hãy suy ngẫm thật kỹ. Mẹ chào đón tất cả chúng ta và Mẹ chỉ về Chúa Giêsu, và Mẹ làm việc này một cách vội vã, vội vã, apressada. Đức Mẹ vội vã, Mẹ chào đón tất cả chúng ta và hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Mỗi lần đến Fatima, chúng ta lại nhớ đến Mẹ Maria đã hiện ra nơi đây cách đặc biệt, để không biết bao nhiêu tâm hồn không tin được mở ra đón nhận Chúa Giêsu. Bằng sự hiện diện của Mẹ, Mẹ hướng chúng ta đến với Chúa Giêsu; luôn luôn hướng tới Chúa Giêsu. Hôm nay Mẹ cũng ở đây giữa chúng ta. Mặc dù Mẹ luôn ở giữa chúng ta, nhưng hôm nay chúng ta cảm nhận Đức Mẹ vội vã thậm chí còn gần chúng ta hơn nữa.

Các bạn thân mến, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta quá đỗi đến nỗi Ngài đồng hóa với chúng ta, và Ngài yêu cầu chúng ta cộng tác với Ngài. Mẹ Maria cho chúng ta thấy những gì Chúa Giêsu đang đòi hỏi chúng ta: đó là chúng ta hành trình trong cuộc sống và chia sẻ công việc của Người.

Hôm nay, tôi muốn chúng ta nhìn vào ảnh của Đức Maria và tự hỏi: “Mẹ Maria đang nói gì với tôi với tư cách là Mẹ? Mẹ đang cho tôi thấy điều gì?”. Mẹ đang hướng chúng ta đến với Chúa Giêsu; tuy nhiên, có những lúc Mẹ cũng chỉ cho chúng ta thấy những khía cạnh không được suôn sẻ trong cuộc sống của chúng ta, nhưng Mẹ luôn hướng chúng ta đến với Chúa Giêsu. “Mẹ ơi, Mẹ muốn cho con thấy điều gì?” Chúng ta hãy dành ít phút thinh lặng, mỗi người chúng ta tự hỏi trong lòng: “Mẹ ơi, Mẹ muốn chỉ cho con thấy điều gì? Mẹ quan tâm đến điều gì trong cuộc sống của con? Có điều gì trong cuộc sống của con làm khuấy động trái tim của Mẹ ? Có gì trong cuộc sống của con làm Mẹ quan tâm? Xin Mẹ, xin Mẹ chỉ cho con”. Và trái tim Mẹ hướng dẫn chúng ta theo cách đó, để Chúa Giêsu đến. Và khi Mẹ hướng chúng ta đến với Chúa Giêsu, Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu mỗi trái tim của chúng ta.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, Mẹ luôn nói: “Hãy làm mọi điều Chúa Giêsu bảo các con”. Mẹ chỉ Chúa Giêsu cho chúng ta. Tuy nhiên, Mẹ cũng là người nói với Chúa Giêsu: “Hãy làm những gì họ xin Con”. Đó là Mẹ Maria. Đó là Mẹ của chúng ta, Mẹ vội vã đến gần chúng ta. Xin Mẹ chuyển cầu cho tất cả chúng con. Amen!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/8/2023]


Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Chặng đàng Thánh Giá với Giới trẻ

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Chặng đàng Thánh Giá với Giới trẻ

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Bồ Đào Nha nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 (2 đến 6 tháng 8 năm 2023) – Chặng đàng Thánh Giá với Giới trẻ

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Công viên “Parque Eduardo VII” (Lisbon)
Thứ Sáu, 4 tháng Tám, 2023

_______________________________________


Anh chị em thân mến, chào (buổi tối) anh chị em!

Hôm nay các con sẽ cùng bước đi với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Đường và chúng ta sẽ bước đi với Người, vì chính Người đã thực hiện cuộc hành trình. Khi ở giữa chúng ta, Chúa Giêsu ra đi. Ngài đi khắp nơi chữa lành người bệnh, chăm sóc người nghèo, thực hiện việc công bằng. Vừa đi Chúa vừa rao giảng và dạy bảo. Chúa Giêsu ra đi. Nhưng hành trình khắc sâu vào tâm hồn chúng ta nhất là con đường Canvê, con đường của Thập Giá. Và hôm nay các con và cha sẽ đi lại các Chặng Đàng Thánh Giá nguyện ngắm. Chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu đi ngang qua và bước đi với Người.

Hành trình của Chúa Giêsu là thế này: Thiên Chúa đi ra khỏi chính Người để bước đi bên cạnh chúng ta. Chúng ta thường nghe trong Thánh Lễ rằng, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Các con nhớ chứ? Ngôi Lời đã trở thành người phàm và đi bên cạnh chúng ta; và Chúa làm việc này vì yêu, vì tình yêu. Cây Thánh giá đồng hành với mỗi Đại hội Giới trẻ Thế giới là biểu tượng hoặc hình ảnh của cuộc hành trình này. Thánh giá là dấu chỉ vĩ đại nhất của tình yêu vĩ đại nhất, tình yêu mà Chúa Giêsu muốn ôm lấy cuộc đời chúng ta. Cuộc đời của chúng ta? Đúng! Cuộc đời của các con, cuộc đời của mỗi người trong các con, của mỗi chúng ta. Chúa Giêsu bước đi vì chúng ta. Tất cả chúng ta phải nói rằng: “Chúa Giêsu thực hiện cuộc hành trình này cho tôi, để hiến mạng sống của Người cho tôi”. Và không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của những người hy sinh tính mạng vì bạn hữu, hơn những người hy sinh tính mạng vì tha nhân. Các con đừng quên điều này: không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu của những người hiến mạng sống mình. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta điều này; đó là lý do tại sao khi chúng ta nhìn lên Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, mặc dù đau đớn và khó khăn, chúng ta thấy được vẻ đẹp của tình yêu hiến mạng sống vì mỗi người chúng ta. Một tín hữu rất sùng đạo đã từng nói một điều làm cha xúc động: “Lạy Chúa, khi con chiêm ngắm những đau khổ khủng khiếp của Chúa, con thấy mình có thể tin vào tình yêu”. Lạy Chúa, khi con chiêm ngắm những đau khổ khủng khiếp của Chúa, con thấy mình có thể tin vào tình yêu.

Chúa Giêsu bước đi, nhưng Người hy vọng một điều: Người muốn chúng ta đồng hành, Người hy vọng chúng ta sẽ chăm chú nhìn vào Người. Có lẽ Chúa hy vọng mở được cửa sổ tâm hồn của tôi, tâm hồn bạn, tâm hồn mỗi chúng ta. Những tâm hồn xem mình là trung tâm và cố gắng chỉ thầm mỉm cười chẳng có gì cuốn hút. Họ không có ý nghĩa! Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn đồng hành thể hiện hy vọng của Người qua tình yêu và sự dịu dàng, để ban cho chúng ta niềm an ủi, để lau khô những giọt nước mắt của cuộc đời chúng ta.

Bây giờ cha hỏi các con một câu hỏi, nhưng đừng trả lời thành tiếng; mỗi người các con hãy tự trả lời trong lòng. Thỉnh thoảng các con có khóc không? Có những điều gì trong cuộc sống của các con làm cho các con phải khóc không? Tất cả chúng ta đã từng khóc trong đời, và chúng ta vẫn khóc. Và Chúa Giêsu ở đó với chúng ta, Ngài khóc với chúng ta, bởi vì Ngài đồng hành cùng chúng ta đi vào những nơi tăm tối khiến chúng ta phải khóc.

Giờ đây, trong một phút thinh lặng, mỗi người các con hãy chia sẻ với Chúa Giêsu điều gì đã khiến chúng ta phải khóc trong cuộc đời mình; bây giờ chúng ta hãy kể cho Người điều đó, trong thinh lặng…

Chúa Giêsu lau khô những giọt lệ giấu kín của chúng ta bằng sự dịu dàng của Người. Chúa Giêsu muốn xoa dịu nỗi cô đơn của chúng ta bằng sự gần gũi của Người. Những giây phút cô đơn thật đáng buồn, nhưng Chúa Giêsu vẫn ở đó; Người muốn giải tỏa nỗi cô đơn đó. Chúa Giêsu muốn xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng ta, nỗi sợ hãi của các con, nỗi sợ hãi của cha; Chúa muốn xoa dịu những nỗi sợ hãi sâu thẳm đó bằng sự an ủi của Người. Người cũng khát khao động viên chúng ta chấp nhận phiêu lưu trong tình yêu. Quả thật, các con biết rõ điều đó hơn cha, rằng yêu là mạo hiểm. Chúng ta phải chấp nhận rủi ro khi yêu. Tuy nhiên, mặc dù đó là một rủi ro, nhưng đó là một rủi ro đáng để chấp nhận, và Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta khi chúng ta làm như vậy. Người luôn đồng hành với chúng ta, luôn sánh bước cùng chúng ta. Trong suốt cuộc đời của chúng ta, Người luôn ở bên cạnh chúng ta.

Cha không muốn nói thêm nhiều nữa. Hôm nay chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu trên con đường đau khổ của Người, trên con đường của những âu lo, con đường của sự cô đơn của chúng ta.

Giờ đây, trong giây phút thinh lặng, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ về những đau khổ, lo lắng, yếu đuối của chính mình. Đừng sợ hãi, chỉ cần nghĩ về chúng. Và hãy nghĩ về ước muốn tâm hồn chúng ta phải tỏa sáng một lần nữa…

Và Chúa Giêsu bước lên Thập Giá, chết trên Thập Giá, để làm cho linh hồn chúng ta được tỏa sáng. Amen.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/8/2023]