Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương: Ở lại trong tình yêu của Đức Ki-tô

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương: Ở lại trong tình  yêu của Đức Ki-tô
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương: Ở lại trong tình yêu của Đức Ki-tô

Bằng cách tuân giữ “những giới răn của Người, được tóm lại qua cách yêu thương tha nhân như Người đã yêu thương chúng ta”

06 tháng Năm, 2018 15:07

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 6 tháng Năm, 2018, trước và sau Kinh Lạy Nữ Vương giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *

Trước Kinh Lạy Nữ Vương:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trong Mùa Phục sinh này, Lời Chúa tiếp tục chỉ ra cho chúng ta những cách sống gắn liền trong cộng đoàn hiệp nhất với Đấng Phục Sinh. Tin mừng hôm nay trình bày huấn lệnh của Chúa Giê-su: “hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15:9). Sống trong tình yêu của Thiên Chúa, cư ngụ bền vững là điều kiện để tình yêu của chúng ta không bị mất nhiệt tâm và lụi tàn dần trên đường. Cũng như Chúa Giê-su và trong Người, chúng ta cũng phải đón nhận tình yêu đến từ Chúa Cha với lòng tri ân và ở lại trong tình yêu này, cố gắng không chia cách bản thân vì tính kiêu ngạo và tội. Đó là một lệnh truyền nhưng không phải là chương trình bất khả thi.

Trước hết, điều quan trọng là phải ý thức rằng tình yêu của Đức Ki-tô không phải là một cảm xúc hời hợt, nhưng là một thái độ cần thiết của con tim được thể hiện trong cách sống như Người mong muốn. Thật vậy, Chúa Giê-su đã khẳng định: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (c. 10). Tình yêu được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, qua những thái độ và hành động, nếu không như vậy thì nó chỉ là chuyện viển vông. Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta tuân giữ các giới răn của Người, được tóm tắt trong “cụm từ” sau: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (c. 12).

Bằng cách nào chúng ta có thể làm cho tình yêu này, tình yêu được Chúa Phục sinh ban tặng cho chúng ta, có thể chia sẻ với tha nhân? Chúa Giê-su thường chỉ ra cho chúng ta biết phải yêu thương ai, không phải bằng lời nói nhưng bằng hành động. Đó chính là người mà tôi gặp trên đường và là người chất vấn tôi bằng khuôn mặt và lịch sử của họ; đó chính là người kéo tôi thoát ra khỏi những thú vui và sự an toàn của tôi bằng sự hiện diện của họ; đó chính là người đang chờ đợi tôi sẵn sàng lắng nghe và cùng đồng hành một chút với họ. Hãy sẵn sàng đón tiếp mọi người anh chị em, bất kể người đó là ai và họ ở trong hoàn cảnh nào, bắt đầu từ những người gần gũi nhất với tôi trong gia đình, trong cộng đoàn, tại nơi làm việc, tại trường học … Vì vậy, nếu tôi giữ sự kết hiệp với Chúa Giê-su thì tình yêu của Người có thể đến được với người khác và đưa họ lại gần Chúa, lại gần với tình bạn của Người.

Và sự yêu thương dành cho tha nhân không phải chỉ dành cho những giây phút đặc biệt nào đó nhưng phải là một sự liên tục trong cuộc sống. Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi phải bảo vệ người cao tuổi như là một gia tài quý giá của chúng ta, và bằng tình thương, cho dù họ có tạo ra những vấn đề khó khăn về kinh tế. Đó là lý do chúng ta phải đưa ra mọi khả năng có thể cho bệnh nhân, cho dù họ ở giai đoạn cuối. Đó là lý do tại sao phải chào đón trẻ em chuẩn bị chào đời; cuối cùng, đó là lý do tại sao sự sống luôn luôn phải được bảo vệ và được yêu thương từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên. Thiên Chúa yêu thương chúng ta qua Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng yêu cầu chúng ta phải yêu thương như Ngài yêu thương chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm được điều này nếu chúng ta không có Tâm hồn của Người trong chúng ta. Mục đích của Thánh Lễ, mà chúng ta được kêu gọi tham dự mỗi Chúa nhật, là để xây dựng Tâm hồn của Đức Ki-tô trong chúng ta để toàn bộ cuộc sống của chúng ta được hướng dẫn bởi những hành động quảng đại của Người. Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa Giê-su và phát triển sự yêu thương đối với mọi người, đặc biệt là những người yếu kém nhất, để xứng đáng trọn vẹn với ơn gọi Ki-tô hữu của chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


 

Sau Kinh Lạy Nữ vương

Anh chị em thân mến,

Hôm qua ở Aachen (Đức) đã tuyên phong Chân phước cho chị Clare Fey, Người Sáng lập Dòng Nữ tu Trẻ Giê-su Nghèo khó, chị sống trong nửa cuối thế kỷ 19. Chúng ta tạ ơn Chúa vì chứng nhân nhiệt thành này của Tin mừng, một nhà giáo dục tận hiến cho giới trẻ bị thua thiệt.

Cha mời gọi anh chị em cầu nguyện cho dân tộc Cộng hòa Trung Phi, một quốc gia cha đã có niềm vui được viếng thăm và cha luôn ghi nhớ trong lòng, và trong những ngày qua bạo lực kinh hoàng đã nổ ra gây nên nhiều người chết và bị thương, trong đó có một linh mục. Nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria Đồng trinh, xin Chúa giúp mọi người biết nói không với bạo lực và báo thù, để cùng nhau xây dựng hòa bình.

Cha chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương, đặc biệt anh chị em đến từ Oviedo (Tây Ban nha), các sinh viên từ Vrbove (Slovakia) và các lễ sinh từ Berne. Cha gửi lời chào đặc biệt đến các Tân binh Đội Hiến binh Thụy sĩ, gia đình và bạn bè của họ, nhân ngày lễ lịch sử và đặc biệt này của Đội.

Cha chào các đại diện của Hiệp hội Meter, cha động viên anh chị em hãy tiếp tục cam kết của mình giúp đỡ các trẻ em là nạn nhân của bạo lực, cũng như các tín hữu của Piacenza và Borgoricco, và các vận động viên thể dục dụng cụ của Castelfranco Emilia.

Cha chúc anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc, và đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/5/2018]

Đối thoại với Trung quốc: không có cây đũa thần

Đối thoại với Trung quốc: không có cây đũa thần
Đối thoại với Trung quốc

Đối thoại với Trung quốc: không có cây đũa thần

Dù một số tín hiệu gần đây cho thấy có những bước đi quan trọng trong việc đối thoại của Tòa Thánh với Trung quốc, nhưng chưa cho thấy bất kỳ một Thỏa thuận chính thức nào sắp có giữa hai bên

Sergio Centofanti và Cha Bernd Hagenkord, SJ
02 tháng Năm 2018, 10:37
Những liên lạc giữa đại diện của Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đã và đang được thực hiện trong một thời gian. Mục tiêu của họ là giải quyết những vấn đề liên quan đến Giáo hội ở quốc gia đó, theo con đường xây dựng và không đối đầu. Những vấn đề này bao gồm trước hết là việc bổ nhiệm Giám mục. Bước tiếp cận của Giáo hội là một bước đi mục vụ nhằm đề xướng một hình thức hợp tác có thể có lợi cho tất cả. Chắc chắn Giáo hội hoàn toàn không giả định có thể giải quyết mọi vấn đề tồn tại bằng một đường quét của cây đũa thần. Vì chẳng có cây đũa nào như vậy.

Trong một phỏng vấn với tờ báo của Ý, "La Stampa", Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói: “Như mọi người đều biết, với việc tiến lên nước ‘Tân Trung hoa’, đã có những thời gian có sự đối chọi nghiêm trọng và đau khổ rất lớn trong đời sống của Giáo hội ở quốc gia to lớn đó. Tuy nhiên, vào thập niên 1980, những liên lạc đã được bắt đầu giữa các đại diện của Tòa Thánh và nước Trung hoa. Những liên lạc này có những lúc thăng trầm. Nhưng Tòa Thánh vẫn luôn duy trì một bước tiếp cận mục vụ, cố gắng vượt qua sự đối đầu và luôn giữ thái độ cởi mở cho sự đối thoại đầy tôn trọng và xây dựng với các giới chức dân sự. Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã thể hiện tinh thần đối thoại rất tốt trong Thư gửi người Công giáo Trung hoa năm 2007. Ngài viết, ‘Không thể theo đuổi một giải pháp cho những vấn đề đang tồn tại bằng một sự đối chọi mãi mãi với các giới chức dân sự' (Số. 4). Trong suốt triều đại của Đức Thánh Cha Phanxico, những đàm phán tiếp nối liên tục đi theo lộ trình cởi mở xây dựng cho sự đối thoại và trung thành với Truyền thống đích thực của Giáo hội.”

Việc thành lập một thể chế chính trị cộng sản mới ở Trung quốc là kết quả của cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông. Mục tiêu của nó là giải phóng dân chúng khỏi sự chi phối của Tây phương, sự nghèo đói và ngu dốt, khỏi sự áp bức của những tầng lớp thống trị phong kiến, nhưng cũng là thoát khỏi lý tưởng của Thiên Chúa và tôn giáo. Từ đó bắt đầu một giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn và một thời gian đau khổ rất lớn cho các mục tử và tín hữu Công giáo.

Rồi trong thập niên 1980, có sự thay đổi ở Trung quốc. Dĩ nhiên, hệ tư tưởng cộng sản vẫn rất mạnh và đã có những dấu hiệu mới đây cho thấy sự kiểm soát ngày càng chặt đối với những lĩnh vực thuộc an ninh và quy định về đời sống văn hóa xã hội. Nhưng có thể, đây cũng là một nỗ lực áp đặt trật tự do sự phát triển kinh tế quá nhanh. Về một mặt, sự bùng nổ về kinh tế này đã tạo nên sự thịnh vượng, những cơ hội mới và những sáng kiến. Về mặt khác, nó làm rối loạn cấu trúc xã hội: mức độ tham nhũng tăng cao, những giá trị truyền thống đã bị suy yếu, đặc biệt đối với giới trẻ. Trong bối cảnh này, sự cứng nhắc về hệ tư tưởng không thể có câu trả lời thỏa đáng cho những thay đổi sâu sắc như vậy, đương nhiên cũng sẽ đụng chạm đến phạm vi tôn giáo.

Tòa Thánh vẫn tiếp tục giữ thái độ sẵn sàng, trong không khí đối thoại tôn trọng, trong nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy những điều thiện hảo của Giáo hội và của xã hội. Tín hữu trên toàn thế giới cần phải hiểu rằng thật ra việc này có liên quan rất gần gũi với họ: đó không phải là những biến cố đang xảy ra trong một quốc gia xa xôi, nhưng là về đời sống và sứ mạng của Giáo hội mà trong đó tất cả chúng ta đều là thành viên, bất kể chúng ta đang sống ở đâu.

Đây là bài đầu tiên trong loạt bài chuyên sâu về sự đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung quốc.


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/5/2018]