Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Tổng thống Trump và Đức Giáo hoàng Phanxico cùng nhau ủng hộ tự do tôn giáo

Tổng thống Trump và Đức Giáo hoàng Phanxico cùng nhau ủng hộ tự do tôn giáo

Ngài Bergoglio không mỉm cười khi buổi gặp gỡ bắt đầu, nhưng Tòa Bạch Ốc nói: “Có sự đồng thuận rất mạnh về việc bảo vệ nhân quyền”

Tổng thống Trump và Đức Giáo hoàng Phanxico cùng nhau ủng hộ tự do tôn giáo
Ông Trump và phu nhân Melania thăm Điện Sistine
Pubblicato il 25/05/2017
Ultima modifica il 25/05/2017 alle ore 19:31
ANDREA TORNIELLI
VATICAN CITY
Còn hơn cả các nội dung của cuộc phỏng vấn điều thực sự được quan tâm là cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxico và Tổng thống Donald Trump gặp nhau và có cơ hội lắng nghe nhau. Cuộc gặp gỡ mặt đối mặt diễn ra sáng hôm qua trong Vatican, bắt đầu vào một giờ khác thường là 8.30 để không làm cản trở buổi tiếp kiến chung của thứ Tư ("Trước tiên là con người" Ngài Phanxico thường lặp lại trong những dịp như vậy), nói chung là rất tốt, dù đó là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa ngài Phanxico và ông Donald.
Ngoài “sự hài lòng” vì những mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa thánh và Hoa kỳ, các điểm trong buổi gặp gỡ là “cam kết chung liên quan đến sự sống và sự tự do thờ phụng và tự do lương tâm.” Rồi, theo số báo phát hành của Vatican, cả hai bên mong muốn có một “sự hợp tác bình thường giữa Chính phủ và Giáo hội Công giáo ở Hoa kỳ, gắn kết trong việc phục vụ con người trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hỗ trợ người nhập cư” cho thấy rằng đã có những căng thẳng khi Giáo hội Công giáo Hoa kỳ chỉ trích các quyết định của tân nội các của Mỹ về di trú.
Bản tin của Tòa Thánh tiếp tục bằng trích dẫn “sự trao đổi quan điểm” về một số chủ điểm liên quan đến những vấn đề quốc tế và thúc đẩy hòa bình trên thế giới thông qua đàm phán chính trị và đối thoại tôn giáo, với sự quan tâm đặc biệt đến tình hình Trung Đông và việc bảo vệ những cộng đoàn Ki-tô hữu.” Trong cuộc đối thoại với Đức Giáo hoàng có nói đến vấn đề hòa bình và nhiều cuộc bùng nổ đe dọa nền hòa bình. Mọi người đều biết rõ rằng Ngài Phanxico từ lâu đã nói đến một “Thế Chiến Thứ Ba theo từng vùng.” Trong cuộc đối thoại tiếp theo với Đức Hồng y Pietro Parolin và ngài Bộ trưởng ngoại giao Vatican Richard Gallagher, Tổng thống Trump giữ vững ý kiến về vấn đề đối thoại liên tôn. Ngài Parolin, từng có lần nói với người đồng cấp của Mỹ, Bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson, yêu cầu tổng thống không từ bỏ những cam kết của Hoa kỳ tại hội nghị Paris về khí hậu. Ông Trump không cam kết và “không đưa ra một quyết định.”
Nhà Trắng nói rằng tổng thống có nói đến cam kết chung để chống lại chủ nghĩa khủng bố: “Hoa kỳ và Tòa Thánh có chung nhiều giá trị nền tảng và tìm cam kết chung để thúc đẩy nhân quyền toàn cầu, chống lại sự đau khổ của con người và bảo vệ tự do tôn giáo.” Ông Trump tái lập lại cam kết của Hoa kỳ chống lại nạn đói trên thế giới, với hơn 300 triệu dollar cấp vốn cho cuộc khủng hoảng ở Yemen, Sudan, Somalia và Nigeria.
Buổi tiếp kiến bắt đầu lúc 8.31, sau khi Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân đi qua các phòng thời Phục hưng của Điện Tông truyền, hướng mắt nhìn ngắm các trần nhà được vẽ tranh. Bà Melania phu nhân của ông và con gái Ivanka mặc toàn màu đen với khăn voan trùm đầu, theo một nghi thức ngoại giao ngày càng ít được sử dụng. Đức Thánh Cha và Tổng thống Trump bắt tay nhau lần đầu tiên bên ngoài Thư viện. Căng thẳng đều thể hiện trên khuôn mặt của hai vị. Đức Phanxico nói, “Xin chào mừng.” Ông Trump đáp lời, “Rất hân hạnh.” Trong phòng tiếp khách, hai nhà lãnh đạo đứng cạnh nhau chụp hình theo nghi thức. Ông Trump mỉm cười, ngài Bergoglio cười ít hơn. “Đó là nghi thức ngoại giao,” Đức Thánh Cha nói thầm với vị khách, dường như là xin lỗi. “Tôi nói tiếng Tây Ban nha,” đức Phanxico nói sau khi ngồi xuống bàn. Khi buổi gặp gỡ kết thúc, phái đoàn Mỹ vào thăm Thư viện. Phu nhân Melania xin Đức Giáo hoàng làm phép Tràng Chuỗi Mân côi. Ngài Phanxico hài hước hỏi bà có cho chồng bà dùng món "potizza," không, một món bánh ngọt truyền thống của Slovenia. Đệ nhất Phu nhân không hiểu câu hỏi nên trả lời: “Thưa vâng, pizza. Rất ngon.”
Ông Trump tặng Đức Thánh Cha một rương đựng các tác phẩm của Martin Luther King. Đức Thánh Cha tặng tổng thống một huy chương bằng đồng chạm nổi mô tả một cây dầu ô-liu. “Có một chỗ gãy - ngài nói - điều đó có nghĩa là sự chia rẽ do chiến tranh. Hình ảnh này nói lên “khát khao hòa bình của tôi.” Tôi tặng cho ngài để ngài có thể trở thành một khí cụ của hòa bình.” Chúng ta có thể sử dụng hòa bình, chúng ta cần hòa bình,” ông Trump nói. Ngài Phanxico cũng tặng cho Tổng thống những Tông huấn của ngài, trong đó có Tông huấn Laudato si’,” nói về việc bảo vệ tạo vật. Ông Trump chào tạm biệt Đức Thánh Cha bằng câu: “Xin chúc ngài may mắn, chúc ngài may mắn. Tôi sẽ không quên những gì ngài nói.” Gia đình ông Trump sau đó tiếp tục đi thăm Điện Sistine và Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. “Chúng tôi đã có một buổi gặp gỡ tuyệt vời,” là lời bình luận cuối cùng của tổng thống.
Sau buổi gặp gỡ, Tổng thống đến Cung điện Quirinale lúc 11 giờ sáng để thăm ngoại giao Tổng thống Sergio Mattarella. Ở đây cuộc gặp gỡ trực tiếp kéo dài nửa giờ đồng hồ tập trung vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Trước khi đi Brussels, nhà lãnh đạo Hoa kỳ tiếp Thủ tướng Ý, Paolo Gentiloni, tại Villa Taverna, khu Đại sứ quán Hoa kỳ, và cảm ơn ông vì cam kết của Ý trong việc ổn định tình hình Libya và cuộc chiến chống lại nhà nước Hồi giáo.
[Nguồn: vaticaninsider]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/05/2017]


Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Chúa Lên Trời

Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Chúa Lên Trời

Lên án những vụ tấn công ở Manchester và Ai-cập, kể về chuyến viếng thăm Genoa và Ngày Truyền thông Xã hội
28 tháng Năm, 2017
Giáo huấn Kinh Truyền Tin: Chúa Lên Trời
Angelus / PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT giáo huấn Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay, ở Ý và nhiều quốc gia khác, Lễ Chúa Giê-su Lên Trời, 40 ngày sau Phục sinh, được mừng trọng thể. Với phần kết thúc của Tin mừng Mát-thêu hôm nay (x. Mt 28: 16-20), chúng ta được trình bày cho thấy giây phút chia tay của Thiên Chúa Phục sinh với các môn đệ của Ngài. Cảnh tượng diễn ra ở Ga-li-lê, nơi Chúa Giê-su đã kêu gọi các ông đi theo Ngài và thành lập nhóm đầu tiên trong cộng đoàn mới của Ngài. Bây giờ những môn đệ đó đã bước qua “những cảm xúc mạnh mẽ” của Cuộc Thương Khó và sự Phục sinh; đứng trước Thiên Chúa Phục sinh, các ông đã cúi mình trước Ngài, một vài người vẫn còn hoài nghi. Với cộng đoàn còn run sợ này, Chúa Giê-su để lại một trách nhiệm vô cùng lớn lao là rao giảng tin mừng cho thế giới; và để cụ thể hóa công việc này, ngài bảo các ông giảng dạy và rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. c. 19).
Như vậy, việc Lên Trời của Chúa Giê-su là kết thúc sứ vụ của Chúa Con đã nhận từ Chúa Cha và bắt đầu sự tiếp nối sứ vụ này của Giáo hội. Quả thật, từ giây phút đó sự hiện hữu của Đức Ki-tô trên trần gian được thể hiện qua các môn đệ của Người, qua những người tin vào Người và công bố danh Người. Sứ vụ này sẽ kéo dài đến tận cùng lịch sử và sẽ nhận được sự trợ giúp của Thiên Chúa Phục sinh mỗi ngày, Đấng đã bảo đảm: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (c. 20).
Sự hiện hữu của Người đem đến sức mạnh trong những khi bị bắt bớ, nguồn an ủi những khi đau khổ, hỗ trợ trong những hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành sứ mạng và loan báo Tin mừng. Chúa Lên Trời nhắc chúng ta nhớ đến sự trợ giúp của Chúa Giê-su và của Thần Khí Người trao ban sự vững tin và an toàn cho chứng tá của người Ki-tô hữu trên trần gian. Người tỏ lộ cho chúng ta biết tại sao có Giáo hội hiện hữu: Giáo hội hiện hữu để loan báo Tin mừng, chỉ một việc đó thôi! Cũng vậy, niềm vui của Giáo hội là để loan báo Tin mừng. Tất cả chúng ta được rửa tội bởi Giáo hội. Hôm nay chúng ta được mời gọi để hiểu rõ hơn rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta phẩm giá và trách nhiệm lớn lao là loan báo Tin mừng cho thế giới, để làm cho Tin mừng tiến đến được với nhân loại. Đó là phẩm giá của chúng ta, đây là niềm vinh dự lớn lao cho mỗi chúng ta, cho tất cả những người được rửa tội!
Trong ngày Chúa Lên Trời này, khi cái nhìn của chúng ta hướng về trời, nơi Đức Ki-tô đã ngự lên và ngồi bên hữu Chúa Cha, chúng ta được vững mạnh trong những bước đi trên trần gian để tiếp tục với lòng nhiệt thành và can đảm trên hành trình của chúng ta, sứ mạng làm chứng tá và sống Tin mừng trong mọi môi trường của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta ý thức rất rõ rằng điều này không tùy thuộc chính vào sức mạnh của chúng ta, không tùy thuộc vào những kỹ năng tổ chức và nguồn nhân sự của chúng ta. Chỉ với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần thì chúng ta mới có thể hoàn thành một cách hiệu quả sứ mạng của chúng ta là làm cho tình yêu và lòng nhân từ của Chúa Giê-su ngày càng được nhiều người biết đến và trải nghiệm nhiều hơn.
Chúng ta hãy xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta biết chiêm ngắm những sự tốt lành của nước trời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta, và ngày càng trở nên những chứng nhân trung tín hơn cho Sự Phục Sinh của Người, cho Sự Sống Thật.

[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch của Deborah Castellano Lubov]

Sau Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến,
Tôi xin bày tỏ tình thân hữu với hiền huynh của tôi, Đức Giáo Chủ Chính thống Cốp-tíc Tawadros II và Cộng đoàn Chính thống Cốp-tíc ở Ai-cập, hai ngày trước đã phải hứng chịu một hành động bạo lực tàn ác khác. Những nạn nhân, các tín hữu, trong đó có trẻ em, đang trên đường đến một thánh điện để cầu nguyện, và đã bị giết khi họ không chịu chối bỏ đức tin Ki-tô giáo của họ. Thiên Chúa sẽ đón nhận những chứng nhân anh dũng này trong sự bình an của Người, và nguyện xin Người hoán cải những tâm hồn của các kẻ bạo lực.
Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ tấn công khủng khiếp ở Manchester thứ Hai vừa qua, nhiều mạng sống trẻ đã bị cướp mất một cách hung tàn. Chúng ta tỏ tình thân ái với những gia đình và những người phải khóc vì những sự mất mát đó.
Hôm nay, chúng ta mừng Ngày Truyền thông Xã hội, với chủ đề “Đừng sợ vì ta ở cùng ngươi” (Is 43.5). Truyền thông xã hội tạo ra cơ hội để chia sẻ và phổ biến tin tức nhanh chóng; những bản tin như vậy có thể tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai; Hãy cầu nguyện cho truyền thông, dưới mọi hình thức của nó, mang tính xây dựng thực sự, trong việc phục vụ sự thật qua cách chối bỏ những thiên kiến và bằng cách làm lan truyền hy vọng và niềm tin trong thời đại của chúng ta.
Tôi xin chào tất cả các anh chị em người Roma và khách hành hương: các gia đình, nhóm giáo xứ, hội đoàn, trường học.
Đặc biệt tôi xin chào các tín hữu đến từ Colorado; các nhóm người vùng Bavaria đến tham dự buổi đại diễu hành mừng một trăm năm thánh Bổn mạng của Bavaria; và các tín hữu Ba lan, và phép lành cho tất cả những người tham dự chuyến hành hương đến Đền thờ Piekary.
Tôi xin chào Hội Thừa sai Comboni, kỷ niệm 150 năm thành lập; Chuyến hành hương của các Nữ tu Ascoli Piceno; các nhóm đến từ Naples, Scandicci, Thiesi, Nonantola, và học sinh của trường “Thánh Tâm Ngôi Lời Nhập Thế” của Palermo.
Xin gửi tình cảm và lời động viên đặc biệt đến các đại diện của những hiệp hội thiện nguyện thúc đẩy việc hiến tặng các cơ quan nội tạng, “hành động cao quý và đáng tán dương” (Giáo lý, số 2296). Tôi cũng xin gửi lời chào đến nhóm công nhân của Mediaset Roma, hy vọng rằng tình hình công việc của họ có thể được giải quyết, với mục đích nhận ra được thiện chí của công ty, không vì lợi nhuận, nhưng tôn trọng quyền của tất cả mọi người có liên quan.
Tôi xin kết thúc bằng những lời chào trân trọng đến người dân Genoa và chân thành cảm ơn anh chị em vì sự chào đón nồng hậu mà tôi nhận được hôm qua. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn dồi dào, và nguyện xin Đức Bà phù hộ bảo vệ họ.
Tôi xin chúc mọi người một Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]

[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/05/2017]