Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Pew tìm thấy rằng hầu hết người Mỹ vẫn còn mừng Giáng sinh, nhưng lý do đang thay đổi

Pew tìm thấy rằng hầu hết người Mỹ vẫn còn mừng Giáng sinh, nhưng lý do đang thay đổi



14 tháng Mười Hai, 2017

Chín mươi phần trăm mừng Lễ, nhưng số người đi Lễ ít hơn

Một khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew tìm ra rằng hầu hết người Mỹ vẫn mừng Giáng sinh, đa số người lớn đều tin rằng những khía cạnh tôn giáo của ngày nghỉ bây giờ ít được chú ý như trong quá khứ.

Theo một khảo sát công bố tuần này, chín trong số mười người Mỹ nói rằng họ vẫn mừng Giáng sinh — một con số không thay đổi từ năm 2013.

Nhưng với hầu hết người Mỹ nói rằng họ vẫn xem Giáng sinh là một ngày nghỉ tôn giáo, và nay số phần trăm đó đã sụt giảm nhẹ.

Một nửa trong tổng số người Mỹ nói rằng họ dự định tham dự Lễ Đêm Vọng Giáng sinh hoặc Ngày Giáng Sinh, thay đổi rất ít kể từ năm 2013 là lần gần đây nhất Trung tâm Nghiên cứu Pew đặt câu hỏi.


Ngoài ra, đã có sự sụt giảm đáng kể về số người Mỹ trưởng thành nói rằng họ tin vào những yếu tố kinh thánh của câu chuyện Giáng sinh phản ánh những sự kiện lịch sử đã thực sự xảy ra:

Hiện nay, 55% số người Mỹ trưởng thành nói rằng họ mừng Giáng sinh như một ngày nghỉ tôn giáo, trong đó có 46% xem đó là một ngày nghỉ tôn giáo hơn là một ngày nghỉ theo văn hóa, và 9% mừng Giáng sinh vừa như một ngày lễ tôn giáo vừa như lễ hội văn hóa. Năm 2013, 59% số người Mỹ nói rằng họ mừng Giáng sinh như một ngày lễ tôn giáo, trong đó 51% xem đó là ngày lễ tôn giáo hơn là văn hóa và 7% đánh dấu ngày đó vừa là tôn giáo vừa là văn hóa.

Cuộc khảo sát cũng nhìn đến những khía cạnh khác liên quan đến Giáng sinh, trong đó có truyền thống chào hỏi người không quen (chẳng hạn khách hàng) bằng câu “Merry Christmas” (chúc Giáng sinh vui vẻ) hoặc “Happy Holidays,” (chúc ngày nghỉ hạnh phúc) hoặc việc trưng bày hang đá nơi công cộng, và câu hỏi ngày Giáng sinh có phải đang bị tục hóa không:

Khi được hỏi trực tiếp, hầu hết người trả lời trong cuộc khảo sát ý kiến cho biết họ nghĩ rằng những khía cạnh tôn giáo của ngày Giáng sinh ở Mỹ ngày nay được chú ý ít hơn trong quá khứ. Nhưng khá ít người Mỹ nhận ra được khuynh hướng này và lo lắng về nó. Nói chung, 31% số người trưởng thành nói rằng ít nhất họ có “một chút” lo lắng về sự giảm sút khía cạnh tôn giáo trong cách mừng ngày Giáng sinh ở Mỹ, và trong đó có 18% nói rằng họ “rất” lo lắng về điều này. Nhưng hai phần ba số người Mỹ còn lại hoặc chẳng quan tâm về sự giảm sút tính tôn giáo trong ngày Giáng sinh hoặc không tin rằng sự chú ý vào những yếu tố tôn giáo của ngày Giáng sinh đang bị mất dần đi.

Pew nói rằng một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong những năm gần đây liên quan đến số người Mỹ cho biết họ tin sự giáng sinh của Chúa Giê-su đã xảy ra đúng như được mô tả trong Tin mừng. Nhóm nghiên cứu cho biết ngày nay, 66% cho biết họ tin Chúa Giê-su được sinh ra bởi một trinh nữ, giảm hơn so với con số 73% của năm 2014. Cũng như vậy, 68% số người Mỹ trưởng thành nói rằng họ tin việc ba nhà thông thái được ngôi sao dẫn đường và mang tặng phẩm đến dâng cho Hài nhi Giê-su, thấp hơn so với con số 75% trước đây. Và cũng có sự giảm sút tương tự về số người Mỹ tin rằng sự giáng sinh của Chúa Giê-su được loan báo trước bởi một thiên sứ của Chúa và việc chúa Giê-su được đặt nằm trong máng cỏ khi mới sinh.

Nói chung, 57% số người Mỹ hiện nay còn tin vào tất cả bốn yếu tố này trong câu chuyện Giáng sinh, giảm hơn so với con số 65% của năm 2014.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/12/2017]



Kinh Truyền Tin: Chúa nhật Hãy Vui Lên

Kinh Truyền Tin: Chúa nhật Hãy Vui Lên

Chúng ta “chuẩn bị cho việc Chúa đến bằng cách mang lấy ba thái độ: vui mừng luôn mãi, cầu nguyện liên lỷ và tạ ơn trong mọi lúc”


17 tháng Mười Hai, 2017



Kinh Truyền Tin: Chúa nhật Hãy Vui Lên


Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *



Trước Kinh Truyền Tin:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Những Chúa nhật vừa qua, phụng vụ nhấn mạnh vào ý nghĩa của việc phải biết cảnh giác, và phải biết chuẩn bị con đường cho Chúa một cách cụ thể. Trong Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng này, được gọi là “Chúa nhật Hãy vui lên,” phụng vụ mời gọi chúng ta đón nhận lấy thần khí khi tất cả những việc này xảy đến, nghĩa là, mừng vui. Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta chuẩn bị cho việc Chúa đến bằng cách mang lấy ba thái độ: vui mừng luôn mãi, cầu nguyện liên lỷ và tạ ơn trong mọi lúc. Hãy nghe thật kỹ: ba thái độ: thứ nhất, vui mừng luôn mãi; thứ hai, cầu nguyện liên lỷ, và thứ ba, tạ ơn mọi lúc — vui mừng luôn mãi, cầu nguyện liên lỷ và tạ ơn trong mọi lúc.

Thái độ thứ nhất, vui mừng luôn mãi: như Thánh Tông đồ nói “Hãy vui mừng luôn mãi” (1 Tx 5:16). Nó có nghĩa là hãy luôn ở trong niềm vui, cho dù có những lúc mọi việc không đi theo những gì chúng ta muốn; tuy nhiên, còn có một niềm vui sâu thẳm, đó là sự bình an: đó cũng là niềm vui, nó ở trong tâm hồn. Và bình an là một niềm vui “ở mức độ nền tảng,” nhưng nó là một niềm vui. Những lo âu, những khó khăn và những đau khổ đi qua cuộc đời của mỗi người, tất cả chúng ta đều biết chúng; và vì thế thực tại xung quanh chúng ta dường như không thân thiện và khô cằn, giống như sa mạc nơi tiếng nói của Gio-an Tiền hô vang lên, như Tin mừng hôm nay thuật lại (x. Ga 1:23). Tuy nhiên, những lời của Gio-an tiết lộ rằng niềm vui của chúng ta được đặt trên nền tảng vững chắc ngay giữa sa mạc này: “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (c. 26). Đó chính là Chúa Giê-su, Đấng được Chúa Cha sai đến đang đến gần, như I-sai-a nhấn mạnh, “sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (61:1-2). Chúa Giê-su đã đọc những lời này ứng nghiệm vào Người trong hội đường của Na-da-rét (x. Lc 4:16-19), công bố rõ rằng sứ mạng của Ngài trong thế gian này là giải phóng khỏi tội lỗi và khỏi những sự nô lệ cá nhân và xã hội mà nó gây ra. Ngài đến trần gian để trả lại cho con người phẩm giá và sự tự do được làm con cái của Thiên Chúa, điều mà chỉ có Ngài mới có thể truyền tải, và từ đó, ban cho niềm vui.

Niềm vui là điểm đặc trưng của sự mong chờ Đấng Mê-xi-a có nền tảng từ sự cầu nguyện liên lỷ, đây là thái độ thứ hai. Thánh Phao-lô nói: “hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5:17). Bằng sự cầu nguyện, chúng ta có thể đi vào một mối quan hệ vững chắc với Thiên Chúa, Đấng là nguồn cội của niềm vui thật sự. Niềm vui của người Ki-tô hữu không thể mua bán, không thể mua nó bằng tiền, nó đến từ niềm tin và từ sự gặp gỡ với Chúa Giê-su Ki-tô, là lý do của sự hạnh phúc của chúng ta. Và chúng ta càng gắn kết trong Đức Ki-tô, thì chúng ta càng gần gũi với Chúa Giê-su hơn, chúng ta càng tái khám phá được sự bình an nội tâm, cho dù giữa bao mâu thuẫn của cuộc sống mỗi ngày. Vì vậy, một người Ki-tô hữu đã gặp gỡ Chúa Giê-su thì không thể trở thành một tiên tri của những sự bất hạnh, nhưng trở thành một chứng nhân và là một sứ giả của niềm vui — một niềm vui được chia sẻ với mọi người, một niềm vui có sức lan tỏa làm hành trình cuộc sống bớt rã rời hơn.

Thái độ thứ ba mà Thánh Phao-lô chỉ ra đó là tạ ơn mọi lúc, cụ thể là, lòng mến cảm tạ trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Quả thật, Người rất rộng rãi với chúng ta, và chúng ta được mời gọi phải luôn biết cảm tạ vì những ân ban của Người, vì tình yêu thương xót của Người, vì sự kiên nhẫn và lòng nhân từ của Người, từ đó biết sống trong tâm tình tri ân mãi mãi.

Niềm vui, cầu nguyện và cảm tạ là ba thái độ chuẩn bị cho chúng ta sống Giáng sinh một cách chân thực nhất – niềm vui, cầu nguyện và cảm tạ. Chúng ta hãy cùng đồng thanh nói lớn: niềm vui, cầu nguyện và cảm tạ [mọi người trong Quảng trường lặp lại]. Một lần nữa! [Họ lặp lại]. Trong thời gian cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của tình mẫu tử của Mẹ Maria Đồng Trinh. Mẹ là “căn nguyên của niềm vui của chúng ta,” không chỉ vì Mẹ sinh ra Chúa Giê-su, nhưng vì Mẹ không ngừng chuyển chúng ta lên với Ngài.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/12/2017]


Đức Thánh Cha Phanxico mừng sinh nhật thứ 81 với thiếu nhi và bánh Pizza


Đức Thánh Cha Phanxico mừng sinh nhật thứ 81 với thiếu nhi và bánh Pizza

Đức Thánh Cha gặp gỡ nhóm thiếu nhi được trợ giúp bởi Nhà thuốc Nhi khoa của Thánh Marta

17 tháng Mười Hai, 2017

ZENIT TEAM

Đức Thánh Cha Phanxico mừng sinh nhật thứ 81 với thiếu nhi và bánh Pizza
© L'Osservatore Romano
Lúc 10:30 sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxico đã có buổi tiếp kiến chung trong Đại sảnh Phao-lô VI với nhóm thiếu nhi được trợ giúp bởi Nhà thuốc Nhi khoa của “Thánh Marta.”

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT bài nói ứng khẩu của Đức Thánh Cha chào các người thiện nguyện, cha mẹ và tất cả nhóm thiếu nhi có mặt.


* * *

Lời chào của Đức Thánh Cha

Chào (buổi sáng) các con thiếu nhi!

Niềm vui của thiếu nhi … Niềm vui của thiếu nhi là một kho báu — những thiếu nhi vui vẻ … Và chúng ta phải làm mọi việc có thể để cho thiếu nhi tiếp tục được nhiều niềm vui, vì niềm vui cũng giống như một trái đất tốt lành. Một tâm hồn mừng vui cũng giống như một trái đất tốt lành, nó làm cho sự sống trổ sinh mạnh mẽ, với hoa trái tốt tươi. Và đó là lý do tại sao buổi tiệc mừng hôm nay được tổ chức: ngày Giáng sinh gần kề luôn luôn là một dịp để chúng ta tụ họp với nhau để tổ chức buổi tiệc mừng cho các bé.

Hãy nghe thật kỹ nhé. Điều thứ nhất: hãy duy trì niềm vui cho thiếu nhi. Đừng làm cho các bé buồn. Khi các bé nhìn thấy những vấn đề xảy ra trong gia đình, thấy cha mẹ cãi nhau, các bé rất đau khổ. Đừng làm cho thiếu nhi buồn. Các bé phải được lớn lên trong niềm vui. Các con có vui không? [“Thưa có!”] Cha không tin các con: có hay không? [“Thưa có!”] Rất tốt, niềm vui là vậy đấy.

Điều thứ hai, để cho thiếu nhi được phát triển tốt: hãy để cho các bé được chuyện trò với ông bà – hai thái cực của sự sống, vì ông bà có sự ghi nhớ, có cội nguồn, và chính là ông bà sẽ truyền lại những cội nguồn đó cho thiếu nhi. Xin làm ơn, đừng để người ta nhổ rễ những cội nguồn của thiếu nhi, không hề có sự ghi nhớ của một dân tộc, không có sự ghi nhớ của đức tin, không có sự ghi nhớ của quá nhiều điều đẹp đẽ đã làm lên lịch sử, không có sự ghi nhớ những giá trị. Và ai sẽ giúp trẻ em có sự ghi nhớ này? Chính là ông bà. Các bé phải được nói chuyện với ông bà, với người cao tuổi. Các con có nói chuyện với ông bà không? [“Dạ có!”] Có chắc không? [“Dạ có!”] Chắc là để xin kẹo phải không? [“Dạ không!] Không ư? Kể cho cha nghe coi … Có khi, ông bà không còn nữa, đúng vậy không? Nhưng vẫn có những ông bà cao tuổi khác giống như ông bà của chúng con. Phải năng nói chuyện với ông bà cao tuổi. Cha hỏi chúng con một câu nhé, phải trả lời nghiêm túc nhé: ông bà của chúng con, những ông bà cao tuổi, có chán không? [“Không ạ … Có ạ”] Con trả lời xem … [“Ông bà cho chúng con rất nhiều quà”] có một bạn rất thích: ông bà cho chúng con nhiều quà! Ông bà không chán; ông bà rất tốt. Nói cho cha nghe xem … [“Ông bà yêu chúng con rất nhiều”]. Họ yêu chúng con rất nhiều. Mong sao cho trẻ em học được cách nói chuyện với ông bà cao tuổi, cách nói chuyện với ông bà của chúng.

Và lời khuyên thứ ba cho chúng con: hãy dạy cho trẻ cách nói chuyện với Chúa. Mong sao trẻ em học được cách cầu nguyện, cách nói ra những gì chúng cảm nhận trong tâm hồn.

Chuyện trò với ông bà, với người cao tuổi, và với Thiên Chúa là niềm vui. Chúng con đồng ý không? Tất cả chúng con đồng ý không? Cả con nữa, con đồng ý chứ? Cha chúc chúng con một ngày tốt lành, với nhiều niềm vui. Và ăn hết bốn mét bánh pizza: ăn hết nhé, nó bồi bổ tốt cho chúng con đấy — nó làm chúng con lớn lên. Và chúng ta bắt đầu nào! Cảm ơn chúng con, cảm ơn chúng con!

Và bây giờ chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ ban ơn lành của Mẹ cho chúng ta: Kính mừng Maria … 

[Phép lành]

Và cầu nguyện cho cha nhé!


[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/12/2017]