Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Sứ điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha và phép lành “Urbi et Orbi”: “Xin Chúa Giêsu mang đến cho tất cả anh chị em Tình yêu của Thiên Chúa”

“Xin Chúa Giêsu mang đến cho tất cả anh chị em Tình yêu của Thiên Chúa”

Sứ điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha và phép lành “Urbi et Orbi”

Sứ điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha và phép lành “Urbi et Orbi”: “Xin Chúa Giêsu mang đến cho tất cả anh chị em Tình yêu của Thiên Chúa”

Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đại Lễ Chúa Giáng Sinh, từ Ban công Trung Tâm của Vương Cung Thánh Đường Vatican, trước khi ban Phép Lành “Urbi et Orbi”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi Sứ điệp Giáng sinh theo truyền thống đến các tín hữu hiện diện trong Quảng Trường Thánh Phêrô và những người lắng nghe qua đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Sau đây là Sứ điệp Giáng sinh 2022 của Đức Thánh Cha:

_______________________________________


Sứ điệp Giáng sinh của Đức Thánh Cha

Anh chị em ở Roma và trên toàn thế giới thân mến, chúc anh chị em Giáng sinh hạnh phúc!

Xin Chúa Giêsu, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, mang đến cho tất cả anh chị em tình yêu của Thiên Chúa, suối nguồn của niềm tin vững vàng và hy vọng, cùng với ơn bình an đã được các thiên thần loan báo cho các mục đồng Bêlem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).

Vào ngày lễ này, chúng ta hãy hướng mắt nhìn về Bêlem. Chúa đến thế gian trong một chuồng chiên bò và được đặt nằm trong máng cỏ dành cho thú vật, vì cha mẹ Người không tìm được chỗ trong quán trọ, mặc dù đã đến ngày sinh nở của Đức Maria. Ngài đến giữa chúng ta trong thinh lặng và trong đêm tối, vì lời Chúa không cần ánh đèn sân khấu hay tiếng nói ồn ào của con người. Chính Người là Lời mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, Người là Ánh Sáng soi đường chúng ta. “Là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người – Tin Mừng cho chúng ta biết” (Ga 1:9).

Chúa Giêsu sinh ra ở giữa chúng ta; Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đến để đồng hành với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để chia sẻ với chúng ta mọi sự: những niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và sợ hãi của chúng ta. Ngài đến như một trẻ thơ mong manh. Ngài sinh ra trong đêm đông giá lạnh, nghèo khó giữa những người nghèo. Thiếu thốn mọi sự, Ngài gõ cửa trái tim chúng ta để tìm hơi ấm và nơi nương tựa.

Giống như những người mục đồng ở Bêlem được ánh sáng chiếu tỏa, chúng ta hãy lên đường để nhìn xem dấu chỉ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta hãy chiến thắng tình trạng ngủ mê tinh thần và sự lộng lẫy hời hợt của ngày lễ làm chúng ta quên đi Đấng mà chúng ta đang mừng ngày sinh. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng những màu sắc và sự ồn ào làm u mê tâm hồn và khiến chúng ta dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị những đồ trang trí và quà tặng hơn là suy ngẫm về biến cố trọng đại: Con Thiên Chúa sinh ra cho chúng ta.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy hướng mắt về Bêlem và lắng nghe tiếng kêu mong manh đầu đời của vị Hoàng tử Hòa bình. Vì Chúa Giêsu thật là sự bình an của chúng ta. Sự bình an thế gian không thể ban tặng, sự bình an mà Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại khi sai Con của Người đến thế gian. Thánh Lê-ô Cả đã tóm tắt thông điệp của ngày hôm nay trong một câu súc tích bằng tiếng Latinh: Natalis Domini, natalis est pacis: “Sự chào đời của Chúa là sự chào đời của bình an” (Serm. 26, 5).

Chúa Giêsu Kitô cũng là con đường hòa bình. Qua sự nhập thể, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh, Ngài đã mở ra con đường dẫn từ một thế giới khép kín và bị đè nặng bởi bóng tối của thù hận và chiến tranh, đến một thế giới rộng mở và tự do để sống trong tình huynh đệ và hòa bình. Thưa anh chị em, chúng ta hãy đi theo con đường đó! Tuy nhiên, để làm được như vậy, để có thể bước đi theo sau Chúa Giêsu, chúng ta phải trút bỏ những chướng ngại đang đè nặng trên chúng ta và cản đường chúng ta.

Những gánh nặng đó là gì? Gánh nặng của sự chết đó là gì? Đó cũng chính là những gánh nặng xấu đã ngăn cản vua Hêrôđê và triều thần không nhìn nhận và chào đón sự giáng sinh của Chúa Giêsu: ham muốn quyền lực và tiền bạc, kiêu căng, đạo đức giả, dối trá.

Những sức nặng này ngăn cản chúng ta đến Bêlem; chúng ngăn cản chúng ta khỏi ân sủng của Giáng Sinh, và chúng chặn lối đi vào của con đường hòa bình. Thật vậy, chúng ta đau buồn thừa nhận rằng, ngay cả khi vị Hoàng tử Hòa bình được ban cho chúng ta, thì những ngọn gió lạnh giá của chiến tranh vẫn tiếp tục tàn phá nhân loại.

Nếu chúng ta muốn Giáng Sinh, sự Chào đời của Chúa Giêsu và của sự bình an, chúng ta hãy nhìn về Bêlem và chiêm ngắm dung nhan của Hài Nhi sinh ra cho chúng ta! Và trên khuôn mặt nhỏ bé và thơ ngây đó, chúng ta hãy nhìn khuôn mặt của tất cả những trẻ nhỏ ở khắp nơi trên thế giới đang khao khát hòa bình.

Chúng ta cũng hãy nhìn khuôn mặt của những anh chị em Ukraine đang trải qua lễ Giáng sinh năm nay trong tối tăm và giá lạnh, tha hương vì sự tàn phá của mười tháng chiến tranh. Xin Chúa soi dẫn chúng ta biết thể hiện những cử chỉ cụ thể của tình liên đới trợ giúp tất cả những người đang đau khổ, và xin Chúa soi sáng tâm trí của những người quyền lực hãy dập tắt tiếng gầm rú của vũ khí và chấm dứt ngay cuộc chiến vô nghĩa này! Thật đáng buồn, chúng ta lại thích nghe theo những lời cố vấn khác, theo lối suy nghĩ của thế gian sai khiến. Vậy, ai đang lắng nghe tiếng nói của Hài Nhi?

Thời đại của chúng ta cũng đang trải qua một nạn đói hòa bình nghiêm trọng ở những khu vực khác và ở những nơi đang trong cuộc chiến tranh thế giới thứ ba này. Chúng ta hãy nghĩ về Syria, vẫn còn mang vết sẹo bởi một cuộc xung đột đã lùi vào hậu trường nhưng vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến Đất Thánh trong những tháng gần đây, bạo lực và sự đối đầu đã gia tăng, gây ra chết chóc và thương tổn. Chúng ta cầu xin Chúa cho nơi đó, trên mảnh đất đã chứng kiến sự giáng sinh của Ngài, đối thoại và những nỗ lực xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa người Palestine và người Israel có thể được nối lại. Xin Chúa Hài Đồng Giêsu nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu ở Trung Đông, để mỗi quốc gia đó có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp của sự chung sống trong tình huynh đệ giữa những cá nhân thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Xin Chúa Kitô Hài đồng giúp cho đất nước Li Băng cách đặc biệt, để cuối cùng họ có thể phục hồi với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế và với sức mạnh sinh ra từ tình huynh đệ và đoàn kết. Nguyện xin ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi vùng Sahel, nơi sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các truyền thống bị phá vỡ bởi xung đột và những hành động bạo lực. Nguyện xin ánh sáng đó dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Yemen và hòa giải ở Myanmar và Iran, và chấm dứt mọi cuộc đổ máu. Nguyện xin ánh sáng đó truyền cảm hứng cho các nhà hữu trách chính trị và tất cả những người thiện chí ở Châu Mỹ cố gắng làm dịu bớt những căng thẳng chính trị và xã hội mà nhiều quốc gia đang trải qua; Tôi đặc biệt nghĩ đến người dân Haiti đã phải chịu đau khổ trong một thời gian dài.

Trong ngày này, khi chúng ta ngồi quanh chiếc bàn trải rộng, mong rằng chúng ta không rời mắt khỏi Bêlem, một thị trấn mà tên của nó có nghĩa là “ngôi nhà bánh mì”, và nghĩ đến tất cả những người đang đói, đặc biệt là trẻ em, trong khi có quá nhiều thức ăn lãng phí hàng ngày và các nguồn tài nguyên đang được sử dụng cho vũ khí. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình đó, đẩy toàn bộ các dân tộc vào nguy cơ bị đói, đặc biệt là ở Afghanistan và các quốc gia vùng Sừng Châu Phi. Chúng ta biết rằng mọi cuộc chiến tranh đều gây ra nạn đói và lợi dụng lương thực như là vũ khí, cản trở việc phân phát lương thực cho những người vốn đã phải chịu đau khổ. Vào ngày này, chúng ta hãy học nơi vị Hoàng tử Hòa bình việc cam kết biến lương thực thành một công cụ duy nhất của hòa bình, và bắt đầu từ những người nắm giữ trách nhiệm chính trị. Và trong khi chúng ta tận hưởng không khí quây quần bên những người thân yêu của mình, chúng ta hãy nghĩ đến các gia đình đang trải qua vô vàn khó khăn, và những gia đình đang gặp khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế này do thất nghiệp và thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Anh chị em thân mến, hôm nay cũng như thuở xưa, Chúa Giêsu, ánh sáng thật, đã đến trong thế gian, nơi mang căn bệnh thờ ơ nặng nề, một thế gian không chào đón Người (x. Ga 1:11) và từ chối Người, như đã xảy ra với nhiều người ngoại quốc, hoặc không để ý đến Người, như thái độ của tất cả chúng ta thường có với người nghèo. Hôm nay chúng ta đừng quên nhiều người di tản và tị nạn gõ cửa nhà chúng ta để tìm kiếm sự an ủi, hơi ấm và thức ăn. Chúng ta đừng quên những người bị gạt ra bên lề, những người sống một mình, những đứa trẻ mồ côi, những người già – là sự khôn ngoan cho dân tộc của mình – những người có nguy cơ bị gạt sang một bên, và những tù nhân, những người mà chúng ta chỉ chú ý đến lỗi lầm mà họ đã phạm chứ không phải như những người đồng loại của chúng ta.

Anh chị em thân mến, Bêlem cho chúng ta thấy sự đơn sơ của Thiên Chúa, Đấng không tỏ mình ra cho những người thông thái và giỏi giang, nhưng cho những người bé mọn, cho những ai có tâm hồn trong sạch và rộng mở (x. Mt 11:25). Như các mục đồng, chúng ta cũng hãy vội vã lên đường và cho phép mình kinh ngạc trước biến cố không thể tưởng tượng nổi của Thiên Chúa, Đấng trở thành người phàm để cứu độ chúng ta. Ngài, nguồn cội của mọi sự tốt lành, tự hạ mình trở nên nghèo khó [1], xin sự bố thí từ nhân loại nghèo hèn của chúng ta. Chúng ta hãy cho phép mình rung động sâu sắc trước tình yêu của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy theo Chúa Giêsu, Đấng đã trút bỏ vinh quang của mình để cho chúng ta được thông phần vào sự viên mãn của Người. [2]

________________________________________________

[1] Cf. SAINT GREGORY NAZIANZEN , Or. 45.

[2] Cf. ibid.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2022]


Toàn văn bài giảng lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha: máng cỏ được đề cập 3 lần cho chúng ta biết 3 điều

Toàn văn bài giảng lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha: máng cỏ được đề cập 3 lần cho chúng ta biết 3 điều

Toàn văn bài giảng lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha: máng cỏ được đề cập 3 lần cho chúng ta biết 3 điều

Photo by Andreas SOLARO / AFP

Kathleen N. Hattrup 

24/12/22

“Chúng ta đừng để Giáng sinh này trôi qua mà không làm được điều gì tốt đẹp. Vì đây là lễ kỷ niệm, là sinh nhật của Chúa, chúng ta hãy tặng Chúa những món quà mà Ngài đẹp lòng!”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ đêm Giáng sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Ngài tập trung bài giảng vào các bài học từ hình ảnh của máng cỏ, nhấn mạnh rằng Kinh thánh đã ba lần đề cập rằng đó là nơi tìm thấy Hài nhi Giêsu.

Sau đây là bản dịch bài giảng của ngài:

__________________________

Đêm nay vẫn còn những điều gì để nói với cuộc sống của chúng ta? Hai ngàn năm sau sinh nhật của Chúa Giêsu, sau bao nhiêu lễ Giáng sinh đi qua với những trang trí và quà tặng, sau quá nhiều những tiêu tốn đã đóng gói mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, thì có một nguy cơ. Chúng ta biết nhiều điều về Lễ Giáng Sinh, nhưng chúng ta lại quên ý nghĩa thực sự của ngày lễ. Vậy chúng ta làm cách nào để tái khám phá ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh? Trước hết, chúng ta đi tìm nó ở đâu? Tin mừng về sự giáng sinh của Chúa Giêsu đã được viết chính cho mục đích này: nắm lấy tay chúng ta và dẫn chúng ta đến nơi Thiên Chúa muốn chúng ta đi.

Nó bắt đầu với một tình huống không khác gì tình huống của chúng ta: Mọi người đang hối hả chuẩn bị cho một biến cố quan trọng, cuộc điều tra dân số lớn, đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều. Theo ý nghĩa đó, bầu không khí rất giống việc mừng lễ Giáng sinh hiện đại của chúng ta. Tuy nhiên, Tin Mừng nói rất ít đến bối cảnh trần tục đó; Tin mừng nhanh chóng chuyển hướng nhìn của chúng ta sang một điều khác quan trọng hơn. Đó là một chi tiết nhỏ và dường như không đáng kể, tuy nhiên nó vẫn được nhắc đến đến ba lần, luôn gắn liền với các nhân vật trung tâm trong câu chuyện. Trước hết, Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu “trong máng cỏ” (Lc 2:7); rồi các thiên thần kể cho các mục đồng nghe về “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (c. 12); và cuối cùng là các mục đồng tìm thấy “Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Để khám phá lại ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, chúng ta cần nhìn vào máng cỏ. Nhưng tại sao máng cỏ lại quan trọng như vậy? Bởi vì đó là dấu chỉ, và không phải là ngẫu nhiên, về việc Chúa Kitô đến trong thế gian này. Đó là cách Chúa loan báo sự xuất hiện của Ngài. Đó là cách Thiên Chúa sinh ra trong lịch sử, để chính lịch sử được tái sinh. Vậy máng cỏ nói với chúng ta điều gì? Ít nhất là ba điều: gần gũi, nghèo khó và cụ thể.

Máng cỏ đóng vai trò là một máng ăn, giúp thức ăn được tiêu thụ nhanh hơn. Bằng cách này, nó có thể tượng trưng cho một khía cạnh thuộc con người chúng ta: lòng tham tiêu dùng của chúng ta.

Trong khi động vật được ăn trong chuồng của chúng, thì có những người trong thế giới của chúng ta, trong cơn đói khát của cải và quyền lực, thậm chí ăn thịt cả những người lân cận, những người anh chị em của họ. Chúng ta đã chứng kiến biết bao cuộc chiến tranh! Và ở không biết bao nhiêu nơi, ngay cả hôm nay, nhân phẩm và quyền tự do của con người bị khinh miệt! Như vẫn luôn xảy ra, nạn nhân chính cho lòng tham này của con người là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Giáng sinh này cũng vậy, cũng như hoàn cảnh của Chúa Giêsu, một thế giới khao khát tiền bạc, quyền lực và lạc thú không nhường chỗ cho những trẻ nhỏ, cho biết bao trẻ thơ chưa chào đời, cho những trẻ nghèo khổ và bị lãng quên. Trên hết, tôi nghĩ đến những trẻ em bị tàn phá bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công. Tuy nhiên, đó chính là những nơi mà Chúa Giêsu đến, một hài nhi nằm trong máng cỏ bị chối bỏ và khước từ. Nơi Người, Hài Nhi Bêlem, là sự hiện diện của mọi trẻ thơ. Và chúng ta được mời gọi nhìn cuộc sống, chính trị và lịch sử qua đôi mắt của trẻ em.

Trong máng cỏ bị chối bỏ và khốn khó, Thiên Chúa tỏ lộ mình. Chúa đến đó bởi vì ở đó chúng ta nhìn thấy vấn đề của nhân loại chúng ta: sự thờ ơ được sinh ra bởi lòng tham hối hả muốn sở hữu và tiêu thụ. Ở đó, trong máng cỏ đó, Chúa Kitô đã sinh ra, và ở đó chúng ta khám phá ra sự gần gũi của Người với chúng ta. Chúa đến đó, trong một cái máng cỏ, để trở thành lương thực cho chúng ta. Thiên Chúa không phải là người cha tàn phá con cái mình, mà là Chúa Cha làm cho chúng ta trở nên con cái của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu dịu dàng của Người, qua Chúa Giêsu. Ngài đến để chạm vào tâm hồn chúng ta và nói với chúng ta rằng chỉ có tình yêu mới là sức mạnh thay đổi dòng lịch sử. Ngài không còn xa cách và hùng mạnh, nhưng đến gần chúng ta trong sự khiêm nhường; rời bỏ ngai vàng trên trời, Chúa để Ngài được đặt trong máng cỏ.

Anh chị em thân mến, đêm nay Thiên Chúa đến gần anh chị em, vì anh chị em quan trọng đối với Ngài. Từ máng cỏ, như lương thực cho sự sống của anh chị em, Ngài nói với anh chị em: “Nếu con cảm thấy bị các biến cố làm cho kiệt sức, nếu con bị cảm giác tội lỗi và bất xứng đè bẹp, nếu con khao khát công lý, thì Ta, Đức Chúa của con, ở cùng con. Ta biết những gì con đang trải qua, vì chính Ta đã trải qua điều đó trong máng cỏ. Ta biết những điểm yếu, những thất bại và lịch sử của con. Ta được sinh ra để nói với con rằng Ta đang, và sẽ luôn ở bên con.” Máng cỏ Giáng Sinh, sứ điệp đầu tiên của Hài Nhi Thánh, nói với chúng ta rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Người yêu thương chúng ta và Người tìm kiếm chúng ta. Vì vậy, hãy vững tâm! Đừng để bản thân bị khuất phục bởi sự sợ hãi, cam chịu hay nản lòng. Chúa sinh ra trong máng cỏ để anh chị em có thể tái sinh ở chính nơi mà anh chị em nghĩ rằng mình đã chạm đến tận cùng. Không có sự dữ, không có tội nào mà Chúa Giêsu không muốn giải thoát. Và Ngài có thể. Giáng sinh nghĩa là Chúa ở gần chúng ta: Hãy để niềm tin được tái sinh!

Máng cỏ Bêlem không chỉ nói với chúng ta về sự gần gũi, mà còn về sự nghèo khó. Xung quanh máng cỏ có rất ít thứ: cỏ khô và rơm, một vài con vật, ít thứ khác. Mọi người ấm áp trong quán trọ, nhưng không phải ở đây trong cái lạnh lẽo của chuồng chiên bò. Nhưng đó là nơi Chúa Giêsu được sinh ra. Máng cỏ nhắc nhở chúng ta rằng xung quanh Ngài không có gì khác ngoài tình yêu: Mẹ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng; tất cả những người nghèo, được hiệp nhất bởi tâm tình cảm mến và sự kinh ngạc, không phải bởi của cải và kỳ vọng lớn. Do đó, sự nghèo khó của máng cỏ cho chúng ta biết nơi để tìm thấy sự giàu có thực sự trong cuộc sống: không phải ở tiền bạc và quyền lực, mà là ở các mối quan hệ và con người.

Và người đầu tiên, gia tài lớn nhất, là chính Chúa Giêsu. Vậy chúng ta có muốn đứng bên Ngài không? Chúng ta có đến gần Ngài không? Chúng ta có yêu sự nghèo khó của Ngài không? Hay chúng ta thích tiếp tục thu mình trong những điều quan tâm và lợi ích của riêng mình? Trên hết, chúng ta có đến viếng thăm Chúa ở nơi Ngài được tìm thấy không, cụ thể là trong những máng cỏ nghèo nàn của thế giới chúng ta? Vì đó là nơi Chúa hiện diện. Chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội tôn thờ một Chúa Giêsu nghèo khó và phục vụ Ngài nơi những người nghèo. Như một vị giám mục thánh thiện từng nói: “Giáo hội ủng hộ và chúc lành cho những nỗ lực thay đổi các cơ cấu bất công, và chỉ đặt ra một điều kiện: đó là sự thay đổi về xã hội, kinh tế và chính trị thực sự mang lại lợi ích cho người nghèo” (O.A. ROMERO, Sứ điệp mục vụ cho năm mới, ngày 1 tháng 1 năm 1980). Chắc chắn, không dễ gì rời bỏ sự ấm áp tiện nghi của thế gian để ôm lấy vẻ đẹp khắc nghiệt của hang đá Bêlem, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng đó không thực sự là Giáng Sinh nếu không có người nghèo. Không có người nghèo, chúng ta có thể mừng lễ Giáng sinh, nhưng không phải là sự hạ sinh của Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, trong Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa trở thành người nghèo khó: hãy để lòng bác ái được tái sinh!

Bây giờ chúng ta đi đến điểm cuối cùng: máng cỏ nói với chúng ta về tính cụ thể. Thật vậy, hài nhi nằm trong máng cỏ cho chúng ta thấy một cảnh tượng gây sững sờ, thậm chí là khó chịu. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã thật sự trở nên người phàm. Do đó tất cả những lý thuyết, những ý nghĩ tốt đẹp và những tình cảm nhiệt thành của chúng ta không còn đủ nữa. Chúa Giêsu sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo; Chúa không nói nhiều về sự nghèo khó mà sống nghèo khó, cho đến cùng, vì lợi ích của chúng ta. Từ máng cỏ đến thập giá, tình yêu của Chúa dành cho chúng ta luôn rõ ràng và cụ thể. Từ khi sinh ra cho đến lúc chết, con trai của bác thợ mộc đã ôm lấy cái thô ráp của gỗ, sự khắc nghiệt của cuộc sống chúng ta. Chúa không chỉ yêu chúng ta bằng lời nói; Ngài yêu thương chúng ta cách trọn vẹn!

Do đó, Chúa Giêsu không hài lòng với những hình thức bề ngoài. Đấng đã mặc lấy xác phàm của chúng ta không đơn thuần muốn những ý định tốt lành. Đấng được sinh ra trong máng cỏ, đòi hỏi một đức tin cụ thể, được xây dựng bởi lòng tôn thờ và bác ái, không phải bằng những lời nói suông và hời hợt. Đấng nằm trần trụi trong máng cỏ và bị treo trần trụi trên thập giá, yêu cầu chúng ta về sự thật, Ngài yêu cầu chúng ta đi đến thực tại trần trụi của mọi sự, và đặt dưới máng cỏ tất cả những lời ngụy biện, biện minh và giả hình của chúng ta. Được Mẹ Maria âu yếm quấn trong tã, Chúa muốn chúng ta được mặc lấy tình yêu. Thiên Chúa không muốn vẻ bề ngoài mà muốn sự cụ thể. Chúng ta đừng để Giáng sinh này trôi qua mà không làm được điều gì tốt đẹp. Vì đây là lễ kỷ niệm, là sinh nhật của Chúa, chúng ta hãy tặng Chúa những món quà mà Ngài đẹp lòng! Vào ngày Giáng Sinh, Thiên Chúa trở nên cụ thể: nhân danh Ngài, chúng ta hãy giúp đỡ để một chút hy vọng được tái sinh nơi những người cảm thấy tuyệt vọng!

Lạy Chúa Giêsu, chúng con trông thấy Chúa nằm trong máng cỏ. Chúng con thấy Chúa gần gũi, ở bên cạnh chúng con: tạ ơn Chúa! Chúng con xem Chúa là người nghèo, để dạy chúng con rằng của cải đích thực không nằm ở vật chất mà ở con người, và nhất là ở người nghèo: xin tha thứ cho chúng con nếu chúng con đã không nhận ra Chúa và phục vụ Chúa trong người nghèo. Chúng con xem Chúa là sự cụ thể, bởi vì tình yêu của Chúa dành cho chúng con là quá rõ ràng. Xin giúp chúng con dâng hiến thân xác và sự sống cho đức tin của chúng con. Amen.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2-22]