Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Roma

Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Roma

‘Nguyện xin các thánh của mọi hệ phái Ki-tô, hiệp nhất trọn vẹn trong Giê-ru-sa-lem trên thiên quốc, mở ra cho chúng ta ở dưới thế này cách thức để đi đến mọi con đường khả  thi cho một hành trình Ki-tô giáo chung và huynh đệ. Ở nơi đâu chúng ta hiệp nhất nhân danh Chúa Giê-su, nơi đó có Ngài hiện diện’
27 tháng Hai, 2017
Bài giảng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Roma
CTV Screenshot
Đánh dấu là Giáo hoàng đầu tiên đi vào một nhà thờ Anh giáo trong giáo phận của ngài với tư cách là Giám mục Roma, chuyến viếng thăm của Đức Phanxico hôm Chúa nhật, ngày 26 tháng Hai, 2017, đến nhà thờ các Thánh Anh giáo ở Roma, Hiệp hội Anh giáo lớn nhất ở Ý, là một chuyến đi lịch sử. Dưới đây là bản dịch do Vatican cung cấp bài giảng của Đức Thánh Cha trong chuyến đi này:

***
Anh chị em thân mến,
Tôi xin cảm ơn anh chị em với nhã ý mời tôi dâng Lễ trong giáo xứ này với anh chị em. Hơn hai trăm năm trôi qua từ khi nghi thức phụng vụ Anh giáo đầu tiên được tổ chức ở Roma cho nhóm người Anh trong khu vực này của thành phố. Đã có rất nhiều thay đổi ở Roma và trên thế giới kể từ đó. Theo dòng thời gian của hai thế kỷ qua, cũng đã có rất nhiều đổi thay giữa người Anh giáo và Công giáo, mà trong quá khứ nhìn nhau trong sự nghi kỵ và chống đối nhau. Ngày nay, nhờ ơn Chúa, chúng ta nhận ra nhau theo đúng giá trị của chúng ta: là anh em chị em trong Đức Ki-tô, qua phép rửa tội chung của chúng ta. Là bạn bè và là những người lữ hành chúng ta mong muốn cùng nhau bước đi trên hành trình, cùng nhau theo chân Chúa Giê-su Ki-tô.
Anh chị em mời tôi ban phép lành cho bức ảnh Đức Ki-tô Đấng Cứu thế. Đức Ki-tô đang nhìn chúng ta, cái nhìn của Người trên chúng ta là cái nhìn của sự cứu độ, của tình yêu và của lòng thương xót. Nó cũng là cái nhìn đầy lòng xót thương đã đâm thâu vào con tim của các tông đồ, các ngài đã bỏ lại đàng sau tất cả quá khứ và bắt đầu một hành trình của cuộc sống mới, để bước theo và loan báo Thiên Chúa. Trong bức ảnh thánh này, khi Chúa Giê-su nhìn chúng ta, Ngài dường như cũng kêu gọi chúng ta, đưa ra cho chúng ta một thỉnh cầu: “Anh em có sẵn sàng bỏ đi mọi điều trong quá khứ vì thầy? Anh em có muốn làm cho tình yêu của thầy, lòng thương xót của thầy được mọi người biết đến?”
Cái nhìn của lòng thương xót của Chúa là nguồn cội của toàn bộ sứ vụ của Ki-tô giáo. Thánh Tông đồ Phao-lô nói điều này với chúng ta, qua lời của ngài gửi cho giáo đoàn Cô-rinh-tô mà chúng ta vừa nghe. Ngài nói: “vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí” (2 Cr 4:1). Sứ vụ của chúng ta tuôn chảy từ lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót của Người duy trì cho sứ vụ của chúng ta và làm nó không bị mất đi sức mạnh.
Thánh Phao-lô không phải luôn luôn có mối quan hệ suôn sẻ với cộng đoàn Cô-rinh-tô, như các thư của ngài cho thấy. Cũng đã có một cuộc viếng thăm đau đớn đến cộng đoàn này, với những lời lẽ giận giữ được trao đổi qua thư từ. Nhưng trích đoạn này cho thấy thánh Phao-lô vượt qua được những kinh nghiệm quá khứ. Bằng cách sống đời phục vụ dưới ánh sáng của lòng thương xót ngài đã đón nhận, ngài không bỏ cuộc trước những sự chia rẽ, nhưng cống hiến bản thân cho việc hòa giải. Khi chúng ta, cộng đoàn của những Ki-tô hữu được thánh tẩy, thấy mình đứng trước những bất đồng liền chạy đến trước nhan thương xót của Đức Ki-tô để vượt qua được nó, thì điều đó cho chúng ta biết chắc rằng chúng ta đang làm như Thánh Phao-lô đã từng làm với một trong những cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi.
Bằng cách nào Thánh Phao-lô duy trì được công việc này, ngài bắt đầu từ đâu? Bằng sự khiêm nhường, đó không chỉ là một nhân đức đẹp, nhưng là một yêu cầu của giá trị. Thánh Phao-lô nhìn thấy mình là một người phục vụ, không phải loan báo để thể hiện bản thân mình nhưng là loan báo Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa (c. 5). Và ngài đã thực hiện sự phục vụ này, sứ vụ này theo lòng thương xót đã tuôn đổ cho ngài (c. 1): không đặt trên khả năng của ngài, cũng không phải dựa trên sức mạnh của riêng ngài, nhưng bằng sự tín thác rằng Thiên Chúa đang dõi theo ngài và làm thành trì cho sự yếu đuối của ngài với lòng thương xót. Trở nên khiêm nhường nghĩa là kéo sự chú ý ra khỏi bản thân mình, chấp nhận sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa như một người hành khất xin lòng thương xót: đây là điểm khởi đầu để Thiên Chúa có thể hoạt động trong chúng ta. Một cựu chủ tịch của Hội đồng Thế giới các Giáo hội đã mô tả việc rao giảng Đức Ki-tô cũng giống như “một người hành khất kể lại cho người hành khất khác biết nơi tìm được lương thực.” Tôi tin rằng Thánh Phao-lô chuẩn y điều đó. Ngài đã nắm lấy sự thật là ngài được “nuôi dưỡng bằng lòng thương xót” và việc ưu tiên của ngài là chia sẻ miếng bánh của ngài với mọi người: niềm vui được yêu thương bởi Thiên Chúa, và yêu mến Người.
Đây là điều tốt lành quý giá nhất của chúng ta, gia tài của chúng ta, và chính trong ngữ cảnh này Thánh Phao-lô giới thiệu một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của ngài, một hình ảnh tất cả chúng ta có thể áp dụng cho bản thân: “chúng tôi đựng kho tàng này trong những bình sành” (c. 7). Chúng ta là những chiếc bình sành, nhưng bên trong chúng ta lại cất giữ gia tài quý giá nhất trên thế giới. Người Cô-rinh-tô biết rất rõ rằng thật khờ khạo nếu cất giữ những thứ quý giá trong bình sành, nó chẳng có giá trị gì và rất dễ bị vỡ. Cất giữ đồ quý giá trong chúng có nghĩa là đang bị nguy hiểm có thể mất nó. Thánh Phao-lô, một tội nhân được đầy ân sủng, khiêm nhường chấp nhận thân phận mỏng giòn giống như một chiếc bình sành. Nhưng ngài đã trải nghiệm và biết rằng chính ở điểm đó mà sự đau khổ của con người mở ra cho hoạt động thương xót của Thiên Chúa; Thiên Chúa thực hiện những kỳ công. Đó là cách “quyền năng phi thường” của Thiên Chúa hoạt động (c. 7).
Tín thác trong sức mạnh khiêm nhường này, Thánh Phao-lô phục vụ Tin mừng. Nói về một số kẻ chống đối ngài ở Cô-rinh-tô, ngài gọi họ là “các Tông đồ siêu đẳng” (2 Cr 12:11), có lẽ, và với một sự hơi mỉa mai, vì họ đã chỉ trích ngài vì những yếu đuối của ngài thậm chí khi họ tự coi mình là tinh tường, là hoàn hảo. Ngược lại, Thánh Phao-lô dạy rằng chỉ bằng cách nhận ra chúng ta là những chiếc bình sành mong manh, là những tội nhân luôn luôn cần lòng thương xót, thì kho báu của Thiên Chúa mới được tuôn đổ vào trong chúng ta và qua chúng ta đến với những người khác. Ngược lại, chúng ta sẽ chỉ đổ đầy chúng ta bằng những gia tài của mình, là những thứ mau hư nát trong những chiếc bình sành có vẻ là đẹp. Nếu chúng ta nhìn nhận sự yếu đuối của mình và cầu xin sự tha thứ, rồi lòng thương xót chữa lành của Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa trong chúng ta và sẽ thể hiện cụ thể ra bên ngoài; người khác sẽ chú ý theo cách nào đó, qua chúng ta, vẻ đẹp nhân từ của dung nhan Đức Ki-tô.
Tới một mức độ, có lẽ là thời gian khó khăn nhất cho cộng đoàn ở Rô-rinh-tô, Thánh Tông đồ Phao-lô hủy bỏ một chuyến thăm mà ngài đã dự định trước, và cũng phải bỏ đi những thứ mà ngài sẽ nhận được từ họ (2 Cr 1:15-24). Dù những căng thẳng vẫn tồn tại trong quan hệ của họ, nhưng chúng không phải là lời nói cuối cùng. Mối quan hệ lại được phục hồi và Phao-lô nhận được đề nghị chăm sóc cho Giáo hội ở Giê-ru-sa-lem. Ki-tô hữu ở Cô-rinh-tô lại một lần nữa đón nhận công việc, cùng với những cộng đoàn khác mà Thánh Phao-lô đã đến thăm, cứu giúp những người thiếu thốn. Đây là một dấu hiệu mạnh mẽ của sự hiệp nhất canh tân. Công việc mà anh chị em đang thực hiện cùng với những cộng đồng nói tiếng Anh khác ở tại đây trong Roma có thể được nhìn thấy dưới ánh sáng này. Quả thật, sự hiệp nhất vững vàng phát triển và được xây dựng khi con người cùng hoạt động với nhau cho những người thiếu thốn. Qua một chứng tá hiệp nhất trong bác ái, dung nhan lòng thương xót của Chúa Giê-su được thể hiện hữu hình trong thành phố của chúng ta.
Là người Công giáo và Anh giáo, chúng ta khiêm nhường tri ân rằng, sau nhiều thế kỷ ngờ vực nhau, bây giờ chúng ta có thể nhận ra ơn sủng trổ sinh hoa trái của Đức Ki-tô trong công việc cũng là ở trong tha nhân. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì trong các Ki-tô hữu, lòng khát khao được gần gũi nhau ngày càng phát triển lớn hơn, nó được thể hiện trong việc cùng nhau cầu nguyện của chúng ta và trong chứng tá chung của chúng ta cho Tin mừng, trên tất cả là nhiều hình thức phục vụ của chúng ta. Có những lúc, tiến trình trên con đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn của chúng ta dường như có vẻ chậm và không chắc chắn, nhưng hôm nay chúng ta được động viên lớn bằng sự tụ họp của chúng ta. Vì đây là lần đầu tiên, một Giám mục Roma đến thăm cộng đoàn của anh chị em. Nó là một ơn sủng và cũng là một trách nhiệm: trách nhiệm làm vững mạnh những mối dây liên kết của chúng ta, để ca khen Đức Ki-tô, trong sự phục vụ Tin mừng và thành phố này.
Chúng ta hãy động viên nhau ngày càng trở nên những môn đệ trung thành hơn của Chúa Giê-su, luôn thoát khỏi những thành kiến về nhau trong quá khứ và khao khát hơn bao giờ hết được cầu nguyện cho nhau và với nhau. Một dấu hiệu tốt cho lòng khao khát này là sự “kết nghĩa” diễn ra giữa giáo xứ Các Thánh của anh chị em và giáo xứ Các Thánh của Công giáo. Nguyện xin các thánh của mọi hệ phái Ki-tô, kết hiệp trọn vẹn trong Giê-ru-sa-lem trên thiên quốc, mở ra cho chúng ta ở dưới thế này cách thức để đi đến mọi con đường khả  thi cho một hành trình Ki-tô giáo chung và huynh đệ. Ở nơi đâu chúng ta kết hiệp nhân danh Chúa Giê-su, nơi đó có Ngài hiện diện (x. Mt 18:20), là cội nguồn của sự hiệp nhất và yêu thương. Nguyện xin dung nhan Thiên Chúa chiếu tỏa trên anh chị em, gia đình anh chị em và toàn thể cộng đoàn này!
[Văn bản gốc: tiếng Anh] [bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/02/2017]


Đức Thánh Cha nhận quà tặng từ cộng đoàn Anh giáo ở Roma trong chuyến viếng thăm

Đức Thánh Cha nhận quà tặng từ cộng đoàn Anh giáo ở Roma trong chuyến viếng thăm

Đức Thánh Cha nhận quà tặng từ cộng đoàn Anh giáo ở Roma trong chuyến viếng thăm
Đức Thánh Cha Phanxico nhận một chiếc bánh ngọt 'Simnel Sunday' trong chuyến viếng thăm của ngài đến nhà thờ Các Thánh của Anh giáo tại Roma - ANSA
27/02/2017 10:42
(Vatican Radio)  Các bữa ăn cho người nghèo, kinh thánh cho các nạn nhân buôn người, và một chiếc bánh Mùa chay đặc biệt. Đây là những món quà Đức Thánh Cha Phanxico nhận được từ cộng đoàn Anh giáo của Roma trong chuyến viếng thăm hôm Chúa nhật đến nhà thờ Các Thánh.
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm, giáo xứ Anh giáo của Roma tặng Đức Thánh Cha Phanxico nhiều món quà, hai món quà cho người nghèo đứng tên của ngài và một món quà theo khẩu vị của ngài.
Đầu tiên, giáo xứ Các Thánh và giáo xứ Công giáo cùng tên ở Roma, Ognissanti (tiếng Anh có nghĩa là ‘Các Thánh’), nói rằng họ sẽ phục vụ một bữa ăn mỗi tối thứ Sáu cho người nghèo quanh khu ga xe lửa Ostiense đứng tên của Đức Giáo hoàng Phanxico.
Thứ hai, 200 bản Kinh thánh tiếng Anh được in nhân dịp kỷ niệm của giáo xứ, 50 quyển sẽ được tặng cho ‘những người mại dâm ở Tây Phi thường hỏi xin kinh thánh.’
Sách Kinh thánh sẽ được gửi qua một hệ thống mạng lưới các nữ tu giúp các nạn nhân của nạn buôn người, nhiều người trong số họ cuối cùng bị ép buộc bán dâm.
Cuối cùng, một trong những sản phẩm ngon nhất của nhà thờ Anh giáo, trong đó có món mứt và mù-tạc tự làm, và ‘bánh ngọt Simnel Sunday’.
Bánh ngọt này là một bánh truyền thống của Anh cho ngày Chúa nhật thứ Tư mùa Chay (Laetare Sunday) và được trang trí bằng 11 viên bột hạnh nhân tượng trưng cho 12 Tông đồ, trừ Giu-đa Ít-ca-ri-ô. Từ 'Simnel' lấy từ gốc tiếng La-tinh 'simila', nghĩa là bột lúa mì. Bánh Simnel trước đây thường được các cô gái làm tặng mẹ trong gia đình khi họ có một ngày nghỉ hiếm hoi là ‘Chủ nhật của Mẹ’.

(Devin Sean Watkins)

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/02/2017]



Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Tín thác vào Thiên Chúa

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Tín thác vào Thiên Chúa

“Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho bẻ ngược đãi anh em”
26 tháng Hai, 2017
HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Tín thác vào Thiên Chúa
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau Kinh Truyền tin giữa trưa cùng với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trang Tin mừng hôm nay (x. Mt 6:24-34) là một tiếng gọi mạnh mẽ sự tín thác vào Thiên Chúa, đừng quên: hãy tín thác vào Thiên Chúa, Đấng chăm sóc mọi loài thụ tạo trong Tạo vật. Người cung cấp thức ăn cho tất cả mọi loài động vật, quan tâm đến cả những bông huệ và cỏ ngoài đồng nội (x. cc. 26-28); Lòng từ nhân và cái nhìn đầy quan tâm của Người theo dõi từng ngày đời sống của chúng ta. Nó tuôn chảy dưới sự dằn vặt của biết bao điều lo lắng đe dọa lấy mất của chúng ta sự an bình và cân bằng; tuy nhiên, sự lo lắng này thường là vô ích vì nó không thành công trong việc thay đổi dòng sự kiện. Chúa Giê-su thúc giục chúng ta kiên trì đừng lo lắng về ngày mai (x. cc. 25.28.31), nhắc nhở chúng ta rằng trên tất cả có một người Cha yêu thương không bao giờ quên những đứa con của Người: phó thác chúng ta cho Người không phải là giải quyết được mọi vấn đề như một phép màu, nhưng làm cho chúng ta có thể đối mặt với chúng bằng một tinh thần chính đáng, đầy can đảm; tôi can đảm vì tôi tín thác vào Chúa Cha, Đấng chăm sóc mọi vật và yêu thương tôi rất nhiều.
Thiên Chúa không phải là một Đấng ở xa xôi và vô danh: Người cư ngụ trong chúng ta, là nguồn thanh thản và bình an của chúng ta. Người là đá tảng của ơn cứu độ của chúng ta, Đấng mà chúng ta có thể bám chặt vào với sự vững tin không sợ bị té ngã; người bấu víu vào Thiên Chúa không bao giờ té ngã! Người là thành trì bảo vệ chúng ta khỏi điều ác luôn rình rập. Thiên Chúa đối với chúng ta là một người bạn tuyệt vời, một đồng minh, Chúa Cha, nhưng chúng ta không luôn ý thức được điều này. Chúng ta không ý thức được rằng chúng ta có một người bạn, một người đồng minh, một người Cha yêu thương chúng ta, và chúng ta thích cậy dựa vào những thứ ngay trước mắt mà chúng ta có thể sờ đụng vào, cậy dựa vào những thứ không chắc chắn, quên đi và có những lúc chối bỏ một sự tốt lành vô cùng, là tình phụ tử của Thiên Chúa. Điều cũng quan trọng nữa là phải cảm nhận Ngài là Cha ngay cả những lúc trong cảnh mồ côi! Cảm nhận Ngài là Cha trong thế giới mồ côi này. Chúng ta tách mình ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa khi chúng ta mải miết đi tìm những của cải và những sự thuộc về trần gian, do đó bày tỏ một tình yêu được phóng đại về những thực tại này.
Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng sự tìm kiếm mải miết và hão huyền này là nguyên nhân của những bất hạnh của chúng ta. Và Ngài cho các môn đệ của Ngài một quy tắc nền tảng của cuộc sống: “Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa” (c. 33). Đó là việc nhận biết ra chương trình mà Chúa Giê-su đã công bố trong Bài Giảng Trên Núi, tín thác vào Thiên Chúa là Đấng không bao giờ làm thất vọng — rất nhiều người bạn hay quá nhiều người mà chúng ta tưởng là bạn, đã làm chúng ta thất vọng; Thiên Chúa không bao giờ làm thất vọng! — cho chúng ta trở thành những người quản lý trung tín của những tài sản mà Người tặng ban cho chúng ta, kể cả những thứ thuộc trần gian, nhưng không bao giờ “cường điệu” xem như mọi điều, kể cả ơn cứu độ của chúng ta, chỉ tùy thuộc vào chúng ta. Thái độ theo tin mừng này đòi hỏi một sự lựa chọn rõ ràng, mà trích đoạn hôm nay đưa ra cho chúng ta sự dứt khoát:Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (c. 24) — hoặc là Thiên Chúa, hoặc là theo những ngẫu thần hão huyền. Lựa chọn này, mà chúng ta phải quyết định, có ảnh hưởng đến tất cả những hành động, những chương trình và cam kết của chúng ta. Đó là một lựa chọn được đưa ra dứt khoát và phải canh tân liên tục, vì những cám dỗ hướng mọi điều về với đồng tiền, sự khoái lạc và quyền lực là rất lớn. Có quá nhiều những cám dỗ chỉ vì điều này.
Trong khi tôn vinh các ngẫu thần này dẫn đến những kết quả ngay lập tức cho dù là chóng qua, thì chọn Thiên Chúa và Vương quốc của Người không phải luôn luôn cho thấy kết quả ngay. Đó là một quyết định được đưa ra trong sự cậy trông và phó thác trọn vẹn mọi sự được thực hiện trong tay của Thiên Chúa. Lòng cậy trông của người Ki-tô hữu được trải dài đến sự kiện toàn tương lai của lời hứa của Thiên Chúa và không dừng lại trước một khó khăn, vì nó được xây dựng trên sự trung tín của Thiên Chúa, sự trung tín không bao giờ mất. Người rất tín trung, Người là một người Cha trung tín; Người là một người bạn trung tín, Người là một đồng minh trung tín.
Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh trợ giúp chúng ta biết phó thác bản thân cho tình yêu và lòng nhân hậu của Cha của chúng ta trên trời, để biết sống trong Người và cùng với Người. Đây là điều kiện tiên quyết để vượt qua những đau khổ và nghịch cảnh của cuộc sống, và kể cả những sự ngược đãi, như biết bao nhiêu những chứng tá của các anh chị em của chúng ta thể hiện.
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
*********
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, những người hành hương của Roma, của nước Ý và của nhiều quốc gia khác. Tôi xin chào các tín hữu Ba lan thuộc thủ đô Warsaw và những địa phương khác, những người thực hiện chuyến hành hương Mẹ Maria, và từ Tây ban nha, những tín hữu của vùng Ciudad Real và các bạn trẻ từ Formentera. Cha xin chào các bạn trẻ của Cuneo, Zelarino, Mattarello và Malcesine, Fino Mornasco và Monteolimpino; các ứng sinh Thêm sức của Cavenago d’Adda, Almenno San Salvatore và Serravalle Scrivia; các tín hữu của Ferrara, Latina, Sora, Roseto degli Abruzzi, Creazzo và Rivalta sul Mincio.
Tôi xin chào nhóm đến đây nhân dịp “Ngày của những Căn bệnh hiếm” — xin cảm ơn, xin cảm ơn vì tất cả những gì anh chị em làm — và tôi hy vọng rằng những bệnh nhân và gia đình của họ được hỗ trợ xứng đáng cho trường hợp không dễ dàng này, trên cả phương diện y khoa cũng như pháp lý.
Tôi xin chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật tốt lành. Xin, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và hẹn sớm gặp lại anh chị em!
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]
[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/02/2017]



Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Đức Rabbi Skorka và các Rabbi nhân dịp giới thiệu phiên bản mới của Ngũ Thư

Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Đức Rabbi Skorka và các Rabbi nhân dịp giới thiệu phiên bản mới của Ngũ Thư

‘Giữa vô vàn những từ ngữ của con người dẫn đến sự chia rẽ và đua tranh bi thảm, những lời minh ước này của Thiên Chúa mở ra trước tất cả chúng ta những con đường tốt lành để đồng hành với nhau.’
23 tháng Hai, 2017
Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Đức Rabbi Skorka và các Rabbi nhân dịp giới thiệu phiên bản mới của Ngũ Thư
ZENIT- SC
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha trước một nhóm các Đức Rabbi dẫn đầu là Đức Rabbi Abraham Skorka, một người bạn thân của Đức Thánh Cha ở Buenos Aires, nhân dịp giới thiệu cho ngài phiên bản mới của bộ Ngũ Thư:
* * *
Các bạn thân mến,
Tôi xin gửi lời chào nồng hậu tới tất cả các bạn, đã đến và giới thiệu cho tôi một phiên bản mới và giá trị của bộ Ngũ Thư. Tôi xin cảm ơn Đức Rabbi Abraham Skorka với những lời chào tốt đẹp của ngài, và tôi rất tri ân tất cả các bạn với hành động đầy ý nghĩa này, đem chúng ta lại bên nhau chung quanh bộ Ngũ Thư như là món quà của Thiên Chúa, là mặc khải của Người, là lời của Người.
Ngũ Thư, mà Thánh Gio-an Phao-lô II gọi là “giáo huấn sống của Thiên Chúa hằng sống” (Diễn từ Kỷ niệm 25 năm Tuyên ngôn “Nostra Aetate”, 6 tháng Mười Hai 1990, 3), tỏ lộ tình yêu phụ tử của Thiên Chúa, một tình yêu được thể hiện bằng lời nói và hành động cụ thể, một tình yêu trở nên minh ước. Cụm từ minh ước lại âm vang lên với những sự kết hiệp đem chúng ta lại với nhau. Thiên Chúa là một người bạn vĩ đại nhất và trung tín theo minh ước nhất. Người gọi tổ phụ A-bra-ham để thành lập nơi ông một dân tộc sẽ trở thành một sự chúc phúc cho mọi dân tộc trên trái đất này. Thiên Chúa mong muốn một thế giới trong đó mọi người gắn kết với Người và từ đó sống hòa hợp với nhau và với tạo vật. Giữa vô vàn những từ ngữ của con người dẫn đến sự chia rẽ và đua tranh bi thảm, những lời minh ước này của Thiên Chúa mở ra trước tất cả chúng ta những con đường tốt lành để đồng hành với nhau. Chính ấn bản này là hoa trái của một ‘giao ước’ giữa những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tuổi tác và nền tảng tôn giáo khác nhau, cùng chung sức trong nỗ lực chung ngày.
Sự đối thoại huynh đệ và mang tính tổ chức giữa tín hữu Do thái và Ki-tô hữu hiện nay đã được thiết lập vững vàng và hiệu quả, được tạo nên bởi những cuộc gặp gỡ vẫn đang tiếp tục diễn ra và trong sự cộng tác với nhau. Món quà các bạn tặng cho tôi hôm nay là một phần trọn vẹn của sự đối thoại này, và nó được thể hiện không chỉ bằng lời nói nhưng cả bằng hành động. Phần giới thiệu mở rộng cho văn bản và chú giải của nhà biên tập nhấn mạnh đến bước tiếp cận đối thoại này và truyền tải một tầm nhìn văn hóa cởi mở, sự tôn trọng lẫn nhau và hòa bình phù hợp theo thông điệp tinh thần của Ngũ Thư. Các vị tu trì làm việc với phiên bản mới này đã đặt sự chú ý rất đặc biệt đến khía cạnh văn chương của văn bản và những ảnh minh họa màu sắc làm tăng thêm giá trị cho ấn bản này.
Tuy nhiên, mỗi phiên bản của Kinh Thánh đều mang một giá trị tinh thần hoàn toàn vượt qua giá trị vật chất. Tôi khẩn nguyện Thiên Chúa chúc phúc cho tất cả các bạn là những người đã đóng góp vào công trình này và, bằng một cách đặc biệt, tôi xin chúc lành cho các bạn là những người tôi xin thể hiện lòng tri ân của cá nhân tôi.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/02/2017]



Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Ki-tô hữu Iraq dựng Thập giá khổng lồ trên đồi, đánh dấu sự giải thoát khỏi ISIS
Thập giá trong vùng Telekuf-Tesqopa, gần Mosul, Iraq. (Patriarchate of Babylon via CNA)
24 tháng Hai, 2017


Ki-tô hữu Iraq dựng Thập giá khổng lồ trên đồi, đánh dấu sự giải thoát khỏi ISIS
Đức Thượng phụ Công giáo Can-đê của Baghdad đã làm phép thập giá khổng lồ và dâng Thánh Lễ đầu tiên sau hai năm rưỡi.
Bản tin của CNA/EWTN
MOSUL, Iraq — Sau nhiều năm trong bóng tối, sự hy vọng đã trở lại với vùng Telekuf-Tesqopa. Nằm cách Mosul 17 dặm, ngôi làng đang được tái kiến thiết sau khi được giải phóng khỏi ISIS.

Như là một dấu hiệu của sự tái thiết, một thập giá khổng lồ được dựng lên trên ngọn đồi, đánh dấu sự chiến thắng của đức tin Ki-tô chống lại bóng tối của chiến binh jihad.

Ngày 18 tháng Hai, Đức Thượng phụ Công giáo Can-đê, Louis Sako, của Baghdad, đã đến thăm ngôi làng, tại đây ngài làm phép thập giá khổng lồ và dâng Thánh Lễ đầu tiên trong nhà thờ Thánh George sau hai năm rưỡi.

Theo website của Tòa Thượng phụ Babylon, các nhà lãnh đạo và viên chức trong vùng cũng hiện diện trong Thánh lễ.

Trong bài giảng, Đức Thượng phụ nói rằng sự kiện này là “ánh lửa đầu tiên soi sáng trong mọi thành phố của vùng Đồng bằng Ni-ni-vê từ sau bóng tối của ISIS, kéo dài suối gần hai năm rưỡi..”

“Đây là vùng đất của chúng ta, và đây là quê hương của chúng ta,” ngài nói với các tín hữu. Ngài cũng nói rằng bây giờ là thời gian lấy lại những hy vọng và thời gian cho mọi người trở lại với thành phố của mình để bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc sống.

Đức Thượng phụ nói người Ki-tô hữu sẽ cho thế giới thấy rằng những lực lượng của bóng tối, nó đã gieo rắc hoang tàn và phá hủy quê hương của họ, chỉ là phù du và rằng Giáo hội của Chúa Ki-tô, dù phải chịu đau khổ, vẫn được xây trên đá tảng.

Khi Thánh Lễ kết thúc, mọi người đi lên một ngọn đồi nằm ở vùng ngoại vi của thành phố. Tại đó, Đức Thượng phụ Sako làm phép cây thập giá khổng lồ được dựng lên giữa pháo hoa và những tiếng hô vang “Chiến thắng! Chiến thắng! Chiến thắng! Cho những ai chọn đức tin và những ai trở về!”

Đức Thượng phụ Công giáo nói thập giá này sẽ công bố “cho thế giới rằng đây là vùng đất của chúng ta, chúng ta đã sinh ra tại đây. Tổ tiên của chúng ta được chôn cất trong vùng đất tinh tuyền này, và chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ nó bằng tất cả sức mạnh của chúng ta và cho các thế hệ tương lai.”

“Đó là một tiếng gọi chân thành và vĩ đại cho mọi người trở lại và tái thiết. Chúng ta cùng chung sức với vùng đất của chúng ta, với tương lai trên vùng đất của cha ông chúng ta. Tại đây chúng ta có thể tự hào về lịch sử của chúng ta, và tại đây chúng ta giành lại quyền của chúng ta,” Đức Thượng phụ Sako nói.

Trước Thánh lễ, một phái đoàn đến Telekuf-Tesqopa để đánh giá tình trạng thiệt hại và xin hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho sự tái thiết. Nhà thờ Thánh George được lau dọn bởi những người thiện nguyện từ tổ chức cứu trợ của Pháp SOS Chrétiens d’Orient. (SOS những Ki-tô hữu Phương Đông.

Việc đặt những thánh giá đã trở thành một dấu hiệu trở lại từ khi Quân đội Iraq bắt đầu tấn công để lấy lại thành phố Mosul, thành trì của ISIS ở Iraq.

Trong mỗi ngôi làng được giải phóng ở Đồng bằng Ni-ni-vê, các tín hữu Ki-tô làm những thập tự bằng gỗ và dựng lên trên nóc các nhà thờ và nhà ở.

Người Hồi giáo cũng tham gia vào những sự kiện này. Tuần trước, một nhóm các bạn trẻ Hồi giáo tham gia lau dọn nhà thờ cung hiến Mẹ Maria Đồng trinh nằm ở phía đông Mosul, được Quân đội Iraq giải phóng. Hoạt động này là một phần của chiến dịch gợi nhớ lại sự chung sống của các tôn giáo đã hiện hữu trong thành phố trước khi các chiến binh jihad chiến đóng nó năm 2014.




[Nguồn: ncregister]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/02/2017]



Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Vatican về ‘Nhân quyền về nước’

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Vatican về ‘Nhân quyền về nước’

‘Mỗi ngày một ngàn trẻ em chết vì những căn bệnh liên quan đến nước và hàng triệu người uống nước ô nhiễm. Đây là những con số nghiêm trọng; chúng ta phải chặn lại và thay đổi tình hình này. Nó vẫn chưa quá muộn, nhưng đã rất cấp bách phải nhận ra nhu cầu và giá trị đặc biệt của nước cho lợi ích của con người.’
24 tháng Hai, 2017
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Vatican về ‘Nhân quyền về nước’
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của Vatican bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước các tham dự viên trong hội nghị tại Vatican “Nhân Quyền về Nước.” Hội nghị, ngày 23-24 tháng Hai 2017, được tổ chức bởi Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Khoa Học và diễn ra trong Biệt thự Casina Pio IV của Vatican trong tuần này:
_
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tôi xin chào toàn thể anh chị em và tôi xin cảm ơn anh chị em đã tham gia vào cuộc họp này liên quan đến nhân quyền về nước và sự cần thiết có những chính sách chung phù hợp liên quan đến vấn đề này. Điều quan trọng là anh chị em đã tập trung để đào sâu kiến thức và những nguồn tài nguyên để đáp lời cho nhu cầu bức thiết này của con người hôm nay.
Sách Sáng Thế kể cho chúng ta biết rằng nước có ngay từ ban đầu (x. St 1:2); theo lời của Thánh Phanxico Assisi, nó “hữu ích, trinh trong và khiêm nhường” (x. Bài ca Tạo vật). Những câu hỏi mà anh chị em đang thảo luận không những quan trọng, nhưng còn là nền tảng và bức bách. Nền tảng, vì nơi đâu có nước, nơi đó có sự sống, làm cho các xã hội có thể phát triển và tiến bộ. Bức bách, vì ngôi nhà chung của chúng ta cần được bảo vệ. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhận thức rằng không phải tất cả mọi loại nước đều tạo sự sống, nhưng chỉ có nước an toàn và chất lượng tốt.
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Vatican về ‘Nhân quyền về nước’
Tất cả mọi người đều có quyền sử dụng nước uống. Đây là nhân quyền căn bản và là vấn đề trung tâm của thế giới hôm nay (x. Tông huấn Chúc tụng Chúa - Laudato Si’, 30; Caritas in Veritate, 27). Đây là một vấn đề ảnh hưởng đến mọi người và là một nguồn gốc của nỗi đau khổ lớn trong ngôi nhà chung của chúng ta. Nó cũng đang đòi những giải pháp thực tế đủ khả năng giải quyết những ích kỷ ngăn cản mọi người thi hành quyền căn bản này. Nước cần được cho một vị trí trung tâm mà nó xứng đáng có trong khung chính sách chung. Quyền của chúng ta đối với nước cũng là trách nhiệm của chúng ta đối với nước. Quyền của chúng ta đối với nước làm tăng trách nhiệm không thể tách rời của chúng ta. Chúng ta buộc phải công bố quyền con người quan trọng này và bảo vệ nó - như chúng ta đã làm - nhưng chúng ta cũng phải hoạt động thật cụ thể để đưa ra được những cam kết về chính trị và pháp lý liên quan đến vấn đề này. Mọi chính phủ được kêu gọi thực thi, cũng qua những công cụ pháp lý, những Nghị quyết được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua từ năm 2010 liên quan đến quyền con người tiếp cận với nguồn cấp nước uống an toàn. Tương tự như vậy, những tổ chức phi chính phủ cũng được đòi hỏi phải có trách nhiệm của họ tôn trọng quyền này.
Quyền sử dụng nước là thiết yếu cho sự tồn tại của con người (x. Tông huấn Laudato Si’, 30) và là quyết định cho tương lai của nhân loại. Phải dành ưu tiên cao cho việc giáo dục các thế hệ tương lai về tính nghiêm trọng của tình hình. Rèn luyện lương tâm là một trách nhiệm bắt buộc, một trách nhiệm đòi phải có nhận thức và sự cống hiến.
Những thống kê của Liên Hợp Quốc rất đáng lo lắng, chúng ta không thể thờ ơ. Mỗi ngày một ngàn trẻ em chết vì những căn bệnh liên quan đến nước và hàng triệu người uống nước ô nhiễm. Những con số này là nghiêm trọng; chúng ta phải chặn lại và thay đổi tình hình này. Nó vẫn chưa quá muộn, nhưng đã rất cấp bách phải nhận ra nhu cầu và giá trị đặc biệt của nước cho lợi ích của con người.
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Vatican về ‘Nhân quyền về nước’
Tôn trọng nước là một điều kiện để thực hành những quyền khác của con người (x. nt., 30). Nếu chúng ta cho đây là quyền cơ sở, chúng ta đang đặt nền tảng để bảo vệ cho những quyền khác. Nhưng nếu chúng ta chối bỏ quyền căn bản này, làm sao chúng ta có thể bảo vệ và bênh vực cho những quyền khác? Cam kết của chúng ta đặt nước vào một vị trí phù hợp kêu gọi phải phát triển một văn hóa chăm sóc (x. nt., 231) và gặp gỡ, kết hợp tất cả những nỗ lực cần thiết của các nhà khoa học và doanh nhân, các nhà lãnh đạo chính phủ và chính trị gia theo một nguyên tắc chung. Chúng ta cần phải hợp nhất những tiếng nói trong một nguyên tắc chung; để không còn tình trạng nghe thấy những tiếng nói cá nhân lẻ loi hay lạc lõng, nhưng nó sẽ hòa thành một lời yêu cầu khẩn thiết của anh chị em của chúng ta trong thành phố, và là tiếng kêu của trái đất đòi hỏi sự tôn trọng và chia sẻ có trách nhiệm đối với gia sản của tất cả. Trong văn hóa gặp gỡ này, điều quan trọng là mỗi chính phủ phải hoạt động như một người bảo đảm cho sự tiếp cận với nguồn nước an toàn và sạch trên toàn cầu.
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Vatican về ‘Nhân quyền về nước’
Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng không bỏ rơi chúng ta trong những nỗ lực cung cấp sự tiếp cận với nguồn nước uống sạch cho tất cả mọi người. Hy vọng của tôi là Hội nghị này sẽ giúp củng cố vững mạnh niềm tin của anh chị em và tầm quan trọng tối thượng để mọi người có thể sống. Bằng một “sự nhỏ bé” chúng ta có được, chúng ta sẽ giúp làm cho ngôi nhà chung của chúng ta trở thành một nơi đáng sống hơn và huynh đệ hơn, một nơi không ai bị từ chối và loại trừ, nhưng tất cả đều tận hưởng được những sự tốt lành cần thiết cho sự sống và phát triển phẩm giá.
Xin cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Tây Ban Nha] [bản dịch (tiếng Anh) do Vatican cung cấp]


[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 25/02/2017]
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Vatican về ‘Nhân quyền về nước’

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Hội Nghị Vatican về ‘Nhân quyền về nước’