Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Quang cảnh Lễ Phục sinh trong Đêm Cực Thánh: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quang cảnh Lễ Phục sinh trong Đêm Cực Thánh: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô


Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô - Bàn thờ Ngai tòa

Thứ Bảy Thánh, 3 tháng Tư, 2021



Những người phụ nữ nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy xác để xức dầu, nhưng thay vào đó họ lại tìm thấy một ngôi mộ trống. Họ đi để than khóc một người đã chết, nhưng thay vào đó họ nghe thấy một lời loan báo về sự sống. Tin Mừng cho biết vì lý do này những người phụ nữ đó “đầy sợ hãi và kinh ngạc” (Mc 16: 8), đầy sợ hãi, run rẩy và kinh hãi. Kinh ngạc: trong trường hợp này là sự sợ hãi xen lẫn vui mừng, khiến họ kinh ngạc khi thấy tảng đá lớn của ngôi mộ đã bị lăn ra, và tìm thấy một người thanh niên mặc áo choàng trắng. Thật kinh ngạc khi nghe được những lời đó: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi” (câu 6) Và sau đó là lời mời: “Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người” (câu 7). Cả chúng ta nữa, hãy chào đón lời mời này, lời mời Phục sinh: chúng ta đi đến Galilê là nơi Chúa Phục Sinh đến trước chúng ta. Nhưng “đến Galilê” có nghĩa là gì?

Trước hết, đến Galilê có nghĩa là bắt đầu lại. Với các môn đệ, điều đó có nghĩa là trở lại nơi Chúa đã tìm kiếm họ lần đầu tiên và kêu gọi họ đi theo Người. Đó là nơi của cuộc gặp gỡ đầu tiên và là nơi của mối tình đầu. Kể từ giây phút đó, họ bỏ lại chài lưới, đi theo Chúa Giêsu, lắng nghe Người rao giảng và chứng kiến ​​những điều kỳ diệu Người thực hiện. Nhưng cho dù họ luôn ở bên Người, họ vẫn không hiểu hết về Người, họ thường hiểu sai lời Người và bỏ chạy khỏi thập giá, bỏ mặc Ngài một mình. Bất kể những thất bại này, Chúa Phục Sinh một lần nữa cho thấy Người là Đấng đến Galilê trước họ; việc đó đi trước họ, tức là diễn ra trước họ. Người kêu gọi họ và lại kêu gọi họ đi theo Người, không bao giờ mệt mỏi. Đấng Phục sinh nói với họ: “Chúng ta hãy bắt đầu lại từ nơi chúng ta đã khởi đầu. Chúng ta hãy bắt đầu lại. Thầy muốn anh em một lần nữa cùng với Thầy, gạt bỏ và vượt qua mọi thất bại”. Tại Galilê này, chúng ta học được sự kinh ngạc trước tình yêu vô bờ của Chúa, tình yêu này vạch ra những con đường mới trong những con đường thất bại của chúng ta. Và Chúa cũng vậy: Người chỉ ra những con đường mới trong những con đường thất bại của chúng ta. Người là như vậy và Người mời gọi chúng ta đến Galilê để làm điều này.

Quang cảnh Lễ Phục sinh trong Đêm Cực Thánh: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đây là lời loan báo Phục sinh đầu tiên mà cha muốn gửi đến anh chị em: luôn luôn có thể bắt đầu lại từ đầu, bởi vì Thiên Chúa luôn có thể khởi động lại một sự sống mới trong chúng ta sau tất cả những thất bại của chúng ta. Ngay cả từ đống đổ nát của tâm hồn chúng ta - mỗi người chúng ta đều biết, đều biết rõ đống đổ nát của tâm hồn mình - thậm chí Chúa có thể xây dựng một kiệt tác từ đống đổ nát của tâm hồn chúng ta, ngay cả từ những mảnh vỡ vụn của nhân loại chúng ta Chúa sắp đặt một lịch sử mới. Người luôn đi trước chúng ta: trong thập giá đau khổ, trong cảnh quạnh hiu và cái chết, cũng như trong vinh quang của một đời sống được tái sinh, của một lịch sử thay đổi, của niềm hy vọng được tái sinh. Và trong những tháng đen tối của đại dịch này, chúng ta nghe thấy Chúa Phục Sinh, Đấng mời gọi chúng ta hãy bắt đầu lại, để không bao giờ mất hy vọng.

Thứ hai, đến Galilê có nghĩa là đi theo những con đường mới. Đó là di chuyển theo hướng ngược lại với ngôi mộ. Những người phụ nữ tìm kiếm Chúa Giêsu ở ngôi mộ, tức là họ đi để hoài niệm lại những gì họ đã sống với Người và giờ đây đã mất đi vĩnh viễn. Họ đi để khơi dậy nỗi buồn của họ. Đó là hình ảnh của một đức tin đã trở thành sự hoài niệm về một sự thật đẹp đẽ nhưng đã kết thúc, chỉ để được nhớ lại. Chúng ta cũng vậy, nhiều người sống theo “đức tin của ký ức”, dường như Chúa Giêsu là một nhân vật trong quá khứ, một người bạn thời trẻ giờ đã đi xa, một sự việc đã xảy ra cách đây rất lâu, khi tôi học lớp giáo lý lúc còn bé. Một đức tin được tạo nên từ những thói quen, từ những điều trong quá khứ, từ những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu, không còn chạm đến tôi, không còn thách đố tôi nữa. Ngược lại, đến Galilê có nghĩa là nhận thức rằng đức tin đó, để được sống, phải lên đường trở lại. Nó phải làm hồi sinh sự khởi đầu của hành trình mỗi ngày, sự kinh ngạc của cuộc gặp gỡ đầu tiên. Và sau đó là tin tưởng, nhưng không kiêu căng cho rằng đã biết mọi thứ, mà với sự khiêm nhường của một người cho phép bản thân ngạc nhiên trước đường lối của Chúa. Chúng ta e sợ những điều ngạc nhiên của Chúa; chúng ta thường sợ rằng Chúa sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Và hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy cho phép bản thân được ngạc nhiên. Chúng ta đến Galilê để khám phá rằng không thể đặt Thiên Chúa vào trong những ký ức của tuổi thơ, nhưng đang sống, luôn luôn đầy ngạc nhiên. Đấng Phục sinh, Người liên tục làm chúng ta kinh ngạc.

Đây là lời loan báo Phục Sinh thứ hai: đức tin không phải là bản sao của quá khứ, Chúa Giêsu không phải là một nhân vật đã lỗi thời. Người đang sống, ở đây và ngay bây giờ. Đồng hành cùng anh chị em mỗi ngày, trong hoàn cảnh anh chị em đang trải qua, trong thử thách anh chị em đang vượt qua, trong những giấc mơ anh chị em mang ấp ủ trong lòng. Điều đó mở ra những con đường mới ở nơi dường như chẳng có con đường nào đối với anh chị em, nó thúc đẩy anh chị em đi ngược lại dòng trào lưu tiếc nuối và cái “đã thấy”. Ngay cả khi mọi thứ dường như bị mất đi đối với anh chị em, xin hãy mở lòng với sự kinh ngạc trước sự mới lạ của nó: nó sẽ làm anh chị em ngạc nhiên.

Quang cảnh Lễ Phục sinh trong Đêm Cực Thánh: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đến Galilê cũng có nghĩa là đi đến những vùng biên giới. Vì Galilê là nơi xa xôi nhất: trong vùng đủ mọi thành phần và đa dạng đó là nơi sinh sống những người xa cách nhất với sự thanh khiết nghi lễ của Giêrusalem. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh của Người từ đó, loan báo cho những người đang gánh chịu những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, loan báo cho những người bị loại trừ, những người mong manh, nghèo khó, để trở thành khuôn mặt và sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đi tìm những ai ngã lòng hoặc lạc lối, những người tiến đến bên lề cuộc sống, vì trong mắt Người không có ai là sau rốt, không có ai bị loại trừ, không ai mệt mỏi. Đấng Phục sinh yêu cầu các môn đệ của Người đến đó, thậm chí hôm nay Người cũng yêu cầu chúng ta đi đến Galilê, đến “Galilê” đích thực này. Đó là nơi của cuộc sống hàng ngày, chúng là những con đường chúng ta đi hàng ngày, chúng là những góc phố của chúng ta, nơi Chúa đi trước chúng ta và hiện diện ở đó, ngay trong cuộc sống của những người đi qua và chia sẻ với chúng ta thời gian, ngôi nhà, công việc, những cố gắng và hy vọng. Tại Galilê, chúng ta biết được rằng chúng ta có thể tìm thấy Đấng Phục sinh trong khuôn mặt của những người anh em, trong lòng nhiệt thành của những người mơ ước và trong sự nhẫn nhục của những người ngã lòng, trong nụ cười của những người vui mừng và trong những giọt nước mắt của người đau khổ, đặc biệt là người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Chúng ta sẽ kinh ngạc về cách tỏ lộ sự cao cả của Thiên Chúa trong những người bé mọn, vẻ đẹp của Người tỏa sáng nơi những người đơn sơ và nghèo khó.

Và đây là lời loan báo Phục sinh thứ ba: Chúa Giêsu, Đấng Sống lại, yêu thương chúng ta vô bờ bến và đến thăm từng hoàn cảnh sống của chúng ta. Ngài hiện diện giữa lòng thế giới và mời gọi chúng ta vượt qua những rào cản, vượt qua những định kiến, đến gần những người lân cận của chúng ta mỗi ngày, để tái khám phá ân sủng của cuộc sống hàng ngày. Chúng ta hãy nhận ra sự hiện hữu của ân sủng trong Galilê của chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày. Cùng với Người, cuộc sống sẽ thay đổi. Bởi vì Đấng Phục sinh đang sống và Đấng Phục sinh dẫn dắt lịch sử vượt trên mọi thất bại, mọi sự ác và bạo lực, vượt qua mọi đau khổ và sự chết.

Quang cảnh Lễ Phục sinh trong Đêm Cực Thánh: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thưa anh chị em, nếu trong đêm nay, anh chị em còn mang trong lòng một giờ đen tối, một ngày bình minh chưa ló dạng, một ánh sáng bị chôn vùi, một giấc mơ bị tan vỡ, hãy đi, hãy mở rộng tâm hồn với sự kinh ngạc trước lời loan báo Phục sinh: “Đừng sợ, Người đã sống lại! Người đang chờ bạn ở Galilê”. Những mong đợi của anh chị em sẽ không còn dang dở, nước mắt anh chị em sẽ được lau khô, những sợ hãi của anh chị em sẽ được vượt qua bởi niềm hy vọng. Vì anh chị em biết rằng, Chúa luôn đi trước anh chị em, luôn luôn đi trước anh chị em. Và cùng với Người, sự sống luôn luôn bắt đầu trở lại.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/4/2021]


Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô: “Ngoại thành” nhưng ở trung tâm của Giáo hội

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô: “Ngoại thành” nhưng ở trung tâm của Giáo hội

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô: “Ngoại thành” nhưng ở trung tâm của Giáo hội

RaksanstudioSStock | Shutterstock

Marinella Bandini

07/03/21


Nhà thờ Chặng Đàng Ngày 19: Từ xa xưa, địa điểm này là một nghĩa trang, và do đó nằm bên ngoài các tường thành.



Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 19

Vương cung thánh đường Thánh Laurensô Ngoại thành nằm trên ngôi mộ của tổng phó tế Laurensô, người đã chịu tử đạo năm 258; truyền thống nói rằng ngài bị thiêu sống trên một tấm vỉ sắt. Vào ngày thứ 9 chúng ta đã đến viếng nơi tử đạo của ngài; Bây giờ vào ngày 19, chúng ta trở lại mộ của ngài.

Thánh Laurensô là một trong những vị thánh được yêu mến và tôn kính nhất trong Giáo hội Roma. Ngài phụ trách ngân khố của cộng đoàn, và người ta kể rằng khi hoàng đế yêu cầu ngài giao lại tất cả tài sản của Giáo hội, ngài trình lên nhà vua những người nghèo mà tài sản đã được phân phát cho họ, và nói: “Đây là những kho báu của Giáo hội.”

Hoàng đế Constantine ra lệnh nhà thờ ban đầu được xây dựng trên khu vực chôn cất Thánh Laurensô, nhưng ngày nay chỉ còn lại một ít dấu vết của nó. Vào thế kỷ thứ 6, nó được xây dựng lại bởi Đức Giáo hoàng Pelagius II. Đức Giáo hoàng Honorius III đã cho nó hình dáng như hiện nay vào thế kỷ 13, sử dụng nhà thờ Pelagian làm gian cung thánh. Trong hầm mộ dưới bàn thờ chính là mộ của Thánh Laurensô.

Vương cung thánh đường Thánh Laurensô nằm ở ngoài các tường thành, dưới chân đồi Verano, vì từ xa xưa nơi đây là một nghĩa trang. Đây là lý do tại sao Vương cung thánh đường còn được gọi là “Nhà thờ Thánh Laurensô tại Verano.”

Nó là một trong “bảy nhà thờ” được đến viếng trong cuộc hành hương do Thánh Philip Neri thiết lập.

Truyền thống kể rằng vào ngày 10 tháng Tám, được gọi là “đêm của Thánh Laurensô” ở Ý, các ngôi sao băng của trận mưa sao băng Perseid là một lời nhắc nhở về các tia lửa bay lên trời từ tấm vỉ đỏ lửa mà thánh tử đạo đã bị giết trên đó.

Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. (1 Cr 1:25)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô: “Ngoại thành” nhưng ở trung tâm của Giáo hội

Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô “Ngoại thành” (mặt ngoài)

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô: “Ngoại thành” nhưng ở trung tâm của Giáo hội

Quang cảnh Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô “Ngoại thành”

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô: “Ngoại thành” nhưng ở trung tâm của Giáo hội

Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô “Ngoại thành”. Dưới bàn thờ chính là lối vào hầm mộ, nơi chôn cất Thánh Laurensô

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô: “Ngoại thành” nhưng ở trung tâm của Giáo hội

Gian cung thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô “Ngoại thành”

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Laurensô: “Ngoại thành” nhưng ở trung tâm của Giáo hội

Bức tranh sơn dầu Thánh Laurensô, với cành cọ tử đạo và tấm vỉ sắt mà ngài bị thiêu sống trên đó.

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/4/2021]