Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

Đức Thánh Cha đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 400 của Pascal bằng một tông thư

Đức Thánh Cha đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 400 của Pascal bằng một tông thư


Đức Thánh Cha đánh dấu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 400 của Pascal bằng một tông thư

Natata / Shutterstock

Blaise Pascal.

Kathleen N. Hattrup - I.Media for Aleteia

19/06/23


Dưới đây là những suy nghĩ của Đức Thánh Cha Phanxicô về một trong những nhà tư tưởng được yêu thích …

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một tông thư về Blaise Pascal, với tên gọi là Sublimitas et miseria hominis – “Sự vĩ đại và khốn khổ của con người.”

Được xuất bản ngày 19 tháng Sáu năm 2023, tông thư đánh dấu bốn trăm năm ngày sinh của nhà tư tưởng người Pháp (19 tháng 6 năm 1623 – 19 tháng 8 năm 1662). Vị Giáo hoàng Dòng Tên bày tỏ lòng kính trọng riêng và cảm xúc đối với nhà triết gia, “người đồng hành trên đường” trong “việc tìm kiếm hạnh phúc đích thực của chúng ta”.

Văn bản dài 12 trang là tông thư thứ hai mà Đức Thánh Cha Phanxicô dành riêng để nói về một tác giả giáo dân. Năm 2021, ngài viết tông thư Candor Lucis Æterne nói về thi hào Dante Alighieri.

Giống như thi hào người Ý, Pascal là một trong những nguồn tham khảo về văn hóa và tinh thần thường xuyên của Đức Thánh Cha; Đức Phanxicô là một cựu giáo sư văn học và là người ham mê sách.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với Eugenio Scalfari, người sáng lập tờ báo Ý La Repubblica, Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí còn nói rằng “cá nhân” ngài thấy rằng ông Pascal “nên được phong chân phước”.

Dưới đây là năm điểm trong tài liệu:

Nếu Pascal đề nghị nói về con người và Thiên Chúa, đó là vì ông đã đi đến chỗ chắc chắn rằng “không những chúng ta chỉ có thể biết Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, mà chúng ta cũng chỉ biết chính mình qua Chúa Giêsu Kitô.

Một ngày nọ, cha của Blaise bắt gặp cậu đang học hình học và chợt nhận ra rằng, Blaise mười hai tuổi, hoàn toàn tự mình vẽ các hình trên mặt đất, đã chứng minh 32 mệnh đề đầu tiên của Euclid, mà không biết rằng những định lý tương tự có thể tìm thấy trong các quyển sách mang tên khác.

Sau khi dùng trí thông minh phi thường của mình để nghiên cứu thân phận con người, Kinh thánh và truyền thống của Giáo hội, Pascal giờ đây thể hiện mình trong sự đơn sơ của trẻ thơ như một chứng nhân khiêm nhường của Tin Mừng. Là một người Kitô hữu, ông muốn nói về Chúa Giêsu Kitô cho những người vội vàng kết luận rằng không có lý do vững chắc nào để tin vào những chân lý của Kitô giáo.

Vào ngày 23 tháng 11 năm 1654, Pascal đã có một trải nghiệm mạnh mẽ mà cho đến bây giờ vẫn được gọi là “đêm của lửa” của ông. … dường như đó là cuộc gặp gỡ mà chính ông thừa nhận tương tự như cuộc gặp gỡ mà ông Môsê đã có được trước bụi gai bốc cháy, là nền tảng cho toàn bộ lịch sử mặc khải và ơn cứu độ, … ngay sau khi ngọn lửa được tạo ra, [ông] nhắc lại danh xưng mà Chúa đã tự đặt cho Người trước mặt ông Môsê – “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6.15) – và rồi thêm: “không phải của các triết gia và các nhà thông thái. Sự chắc chắn. Sự chắc chắn. Cảm giác. Vui sướng. Bình an. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô.”

Khi lâm bệnh nặng và sắp chết, ông xin được rước lễ, nhưng điều đó không thể thực hiện ngay được. Vì vậy, ông yêu cầu chị gái mình: “vì em không thể hiệp thông trong tâm trí [Chúa Giêsu Kitô] nên em muốn hiệp thông bằng các chi thể”. Ông “rất muốn được chết cùng với những người nghèo.” Người ta nói về Pascal, ngay sau khi ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19 tháng 8 năm 1662, rằng “ông đã chết với sự đơn sơ của một đứa trẻ.” Sau khi lãnh nhận các bí tích, lời cuối cùng của ông là: “Xin Chúa đừng bao giờ bỏ rơi con”.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/6/2023]


Sứ điệp Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao niên lần thứ ba: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”

“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1:50)

Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao niên lần thứ ba

Sứ điệp Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao niên lần thứ ba: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”

© Pexels. Magda


*******

Sau đây bản văn Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao niên lần thứ Ba được cử hành vào Chúa nhật thứ tư của tháng Bảy – ngày 23 tháng 7 năm nay – với chủ đề “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc. 1:50):

__________________________________________


Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1:50). Đây là chủ đề của Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao niên lần thứ Ba, và nó đưa chúng ta trở lại cuộc gặp gỡ hân hoan giữa thiếu nữ Maria và người chị họ cao tuổi Êlisabét (x. Lc 1:39-56). Được tràn đầy Thánh Thần, bà Êlisabét nói với Mẹ Thiên Chúa bằng những lời mà hàng thiên niên kỷ sau vẫn tiếp tục vang vọng trong lời cầu nguyện hàng ngày của chúng ta: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (c. 42). Chúa Thánh Thần trước đó đã ngự xuống trên Đức Maria, thúc đẩy Mẹ đáp lại bằng bài ca Magnificat, trong đó Mẹ công bố rằng lòng thương xót của Chúa trải dài từ đời nọ đến đời kia. Cũng Thần Khí đó chúc phúc và đồng hành với mọi cuộc gặp gỡ trổ sinh hoa trái giữa các thế hệ khác nhau: giữa ông bà và cháu chắt, giữa người trẻ và người già. Thiên Chúa muốn những người trẻ mang đến niềm vui cho tâm hồn của người già, như Mẹ Maria đã làm cho bà Êlisabét, và tìm được sự khôn ngoan từ kinh nghiệm của họ. Tuy nhiên, trên hết, Chúa muốn chúng ta không bỏ rơi người già hoặc đẩy họ ra bên lề cuộc sống, như vẫn thường xảy ra trong thời đại chúng ta.

Năm nay, Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên diễn ra gần với Ngày Giới trẻ Thế giới. Cả hai việc cử hành đều nhắc nhở chúng ta về sự “vội vã” (x. câu 39) khi Đức Maria lên đường đi thăm bà Êlisabét. Bằng cách này, hai biến cố mời gọi chúng ta suy tư về mối dây liên kết giữa người trẻ và người già. Chúa tin tưởng rằng người trẻ, qua mối tương quan của họ với những người cao tuổi, sẽ nhận ra rằng họ được kêu gọi để vun đắp ký ức và nhận ra vẻ đẹp của việc trở thành một phần của lịch sử rộng lớn hơn. Tình bạn với một người lớn tuổi hơn có thể giúp người trẻ nhìn cuộc sống không chỉ ở khía cạnh hiện tại và nhận ra rằng không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào họ và khả năng của họ. Về phần người cao tuổi, sự hiện diện của một người trẻ trong cuộc đời họ có thể mang lại cho họ hy vọng rằng kinh nghiệm của họ sẽ không bị mất đi và những giấc mơ của họ sẽ có thể được thực hiện. Cuộc viếng thăm của Mẹ Maria đến với bà Êlisabét và nhận thức chung của hai người rằng lòng thương xót của Thiên Chúa từ đời nọ đến đời kia nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể tiến về phía trước một mình, càng không thể tự mình cứu lấy mình, và rằng sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa luôn là một phần của điều lớn lao hơn, lịch sử của một dân tộc. Chính Mẹ Maria đã nói điều này trong Kinh Magnificat, khi Mẹ vui mừng trong Chúa, Đấng trung tín với lời hứa với tổ phụ Ápraham, đã thực hiện bao kỳ công mới mẻ và lạ lùng (x. các câu 51-55).

Để tán dương đường lối hành động của Chúa, chúng ta hãy nhớ rằng đời sống của chúng ta là hướng đến sự sống trọn vẹn, và những hy vọng và ước mơ lớn nhất của chúng ta không đạt được ngay lập tức mà thông qua một quá trình phát triển và trưởng thành, trong đối thoại và trong mối tương quan với người khác. Những người chỉ tập trung vào hiện tại ở đây và ngay lúc này, tập trung vào tiền bạc và của cải, vào việc “có tất cả ngay bây giờ”, thì mù lòa trước đường lối hành động của Chúa. Kế hoạch yêu thương của Chúa trải dài từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai; nó bao trùm và kết nối các thế hệ. Nó lớn lao hơn chúng ta, nhưng bao gồm từng người chúng ta và kêu gọi chúng ta luôn tiếp tục tiến về phía trước. Đối với người trẻ, điều này có nghĩa là sẵn sàng thoát khỏi hiện tại phù du mà thực tế ảo có thể đang đánh lừa chúng ta, ngăn cản chúng ta thực hiện việc hữu ích. Đối với người già, điều đó có nghĩa là không chú ý vào vấn đề mất sức khỏe thể lý và suy nghĩ cách tiếc nuối về những cơ hội đã bỏ lỡ. Tất cả chúng ta hãy nhìn về phía trước! Và cho phép mình được uốn nắn bởi ân sủng của Thiên Chúa, mà từ đời nọ sang đời kia đã giải thoát chúng ta khỏi sự trì trệ và sống quá khứ!

Trong cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét, giữa người trẻ và người già, Thiên Chúa hướng chúng ta về tương lai mà Người đang mở ra trước mắt chúng ta. Thật vậy, cuộc viếng thăm của Mẹ Maria và lời chào của bà Êlisabét mở rộng đôi mắt chúng ta trước bình minh ơn cứu độ: trong cái ôm của hai người, lòng thương xót của Thiên Chúa lặng lẽ đi vào lịch sử nhân loại giữa niềm vui tràn đầy. Tôi khuyến khích mọi người suy nghĩ về cuộc gặp gỡ đó, hình dung giống như một bức ảnh chụp nhanh, cái ôm giữa người Mẹ trẻ của Thiên Chúa và người mẹ cao tuổi của Thánh Gioan Tẩy Giả, và khắc ghi nó vào tâm trí và trái tim mình như một hình ảnh rạng ngời.

Tiếp theo, tôi muốn mời gọi anh chị em thực hiện một cử chỉ cụ thể bao gồm cả ông bà và người cao niên. Chúng ta đừng bỏ rơi họ. Sự hiện diện của họ trong các gia đình và cộng đồng là một điều quý giá, vì nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có cùng một di sản và là một phần của một dân tộc cam kết gìn giữ nguồn cội của mình. Chúng ta đón nhận được món quà thuộc về dân thánh Chúa từ những người cao tuổi. Giáo hội cũng như xã hội cần đến họ, vì họ trao phó cho hiện tại quá khứ cần thiết để xây dựng tương lai. Chúng ta hãy tôn vinh họ, không đánh mất sự đồng hành của họ cũng như không gạt bỏ họ ra khỏi chúng ta. Mong rằng chúng ta không bao giờ để người già bị gạt sang một bên!

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên ngụ ý là một dấu hiệu hy vọng dù nhỏ bé nhưng quý giá cho họ và cho toàn thể Giáo hội. Tôi lặp lại lời mời gọi tất cả mọi người – các giáo phận, giáo xứ, hội đoàn và cộng đồng – hãy cử hành Ngày này và biến nó thành dịp gặp gỡ hân hoan và đổi mới giữa người trẻ và người già. Với giới trẻ các con đang chuẩn bị gặp gỡ nhau ở Lisbon hoặc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới tại các quốc gia của các con, cha yêu cầu các con: trước khi các con lên đường, hãy đến thăm ông bà của các con hoặc một người già sống cô đơn! Những lời cầu nguyện của họ sẽ bảo vệ các con và các con sẽ ghi khắc trong tim phúc lành của cuộc gặp gỡ đó. Tôi xin ông bà cao niên chúng ta, hãy đồng hành với những người trẻ sắp cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới bằng lời cầu nguyện của mình. Những người trẻ đó là câu trả lời của Thiên Chúa cho lời cầu nguyện của các ông bà, là hoa trái của tất cả những gì ông bà đã gieo trồng, là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người, nhưng luôn làm cho họ trẻ lại với sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần.

Thưa những người ông người bà, thưa anh chị em cao niên, nguyện xin phúc lành của cái ôm giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét đến với các ông bà và đổ đầy sự bình an trong tâm hồn ông bà. Với tâm tình trìu mến, tôi chúc lành cho ông bà. Và xin ông bà cầu nguyện cho tôi.

Rome, Đền Thánh Gioan Lateran, 31 tháng Năm, 2023, Lễ Đức Mẹ Thăm viếng

PHANXICÔ

[Văn bản gốc: tiếng Ý]



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/6/2023]