Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Các nhà lãnh đạo Công giáo và Hồi giáo Shia đoàn kết tố cáo WMDs, chủ nghĩa khủng bố

Các nhà lãnh đạo Công giáo và Hồi giáo Shia đoàn kết tố cáo WMDs, chủ nghĩa khủng bố

A nuclear bomb explosion at the Nevada Test Site, April 18, 1953. Photo courtesy of National Nuclear Security Administration/Nevada Site Office.
Một vụ nổ bom nguyên tử tại địa điểm thử nghiệm ngày 18 tháng 4 năm 1953. Ảnh của National Nuclear Security Administration/Nevada Site Office.

Roma, Ý, 30 tháng 8, 2016 / 12:02 sáng (CNA/EWTN News). - Các nhà lãnh đạo Hồi giáo Shia từ Iran và các Giám mục Công giáo Hoa kỳ nói rằng họ có một cuộc chiến chung chống lại vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố, và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo bạo lực.
“Ki-tô giáo và Hồi giáo chia sẻ cam kết yêu thương và tôn trọng sự sống, nhân phẩm, và ích lợi của mọi thành viên của cộng đồng nhân loại,” họ nói trong một tuyên ngôn chung ngày 18 tháng 8. “Việc cùng chung sống hòa bình được xây dựng trên nền tảng công bằng và pháp lý. Chúng tôi kêu gọi tất cả cùng làm việc hướng đến phát triển một văn hóa gặp gỡ, khoan dung, đối thoại, và hòa bình để tôn trọng truyền thống tôn giáo của nhau.”
Hai phái đoàn cùng đồng thuận rằng niềm tin vào một Thiên Chúa hợp nhất Do thái giáo, Ki-tô giáo, và Hồi giáo.
“Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải đưa ra những hướng dẫn đạo đức và lên tiếng nói chống lại sự bất công và bất kỳ điều gì gây nguy hại cho nhân loại,” bản tuyên ngôn nói, với tiêu đề “Tập họp nhân danh Thiên Chúa.”
Đức Hồng y Theodore McCarrick, Đức Tổng giám mục Emeritus giáo phận Washington, ký văn kiện, đồng ký có Đức Giám mục Oscar Cantú giáo phận Las Cruces, ngài là chủ tịch Ủy ban Quốc tế Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.
Tuyên ngôn chung được đưa ra sau các phiên họp 5-10 tháng 6 tại Roma. Đối thoại được xây dựng trên nền tảng cuộc họp ở Qom, bắc Iran, tháng 3 năm 2014 tập trung vào việc loại trừ vũ khí nguyên tử.
Đức Giám mục Cantú nói rằng bản tuyên ngôn chung là kết quả của “sự đối thoại chân tình giữa hai tôn giáo hiệp nhất trong những quan tâm về sự sống và nhân phẩm của con người.”
“Cùng nhau, chúng tôi cam kết tiếp tục đối thoại về những vấn đề căng thẳng nhất đang đối mặt với gia đình nhân loại, chẳng hạn tình trạng đói nghèo, bất công, phi nhân đạo, chủ nghĩa khủng bố, và chiến tranh,” ngài nói thêm, theo Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.
Phía Iran ký văn kiện có Ayatollah Ali-Reza A'arafi, chủ tịch Đại học Quốc tế Al-Mustafa, và tiến sĩ Abdul-Majid Hakim-Elahi, giám đốc văn phòng quan hệ Quốc tế của Hiệp hội Các học giả của Qom Seminary.
Tuyên ngôn chung loại bỏ mọi hình thức phát triển và sử dụng những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như “mọi hành động của chủ nghĩa khủng bố.”
“Chúng tôi cùng nhau xây dựng một thế giới không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chúng tôi kêu gọi mọi dân tộc từ bỏ việc sở hữu những loại vũ khí như vậy, và kêu gọi những quốc gia đang sở hữu chúng nên bỏ những vũ khí hủy diệt này, bao gồm vũ khí hóa học, sinh học và nguyên tử,” bản tuyên ngôn nói.
Cũng như vậy, các nhà lãnh đạo tôn giáo chống lại “những biện pháp trừng phạt hủy diệt” và những chính sách khác làm nguy hại đến những công dân vô tội, chẳng hạn việc ép buộc đuổi người dân ra khỏi quê hương của họ.
Họ cũng đoạn tuyệt với chủ nghĩa cực đoan.
“Chúng tôi thực sự vô cùng lo lắng vì sự lan tràn của những hệ tư tưởng cực đoan, thường được kích động bởi những bài diễn giải văn bản tôn giáo hời hợt và sai lệch, phủ nhận giá trị vốn có và phẩm giá của mỗi con người, bất kể niềm tin tôn giáo,” bản tuyên ngôn viết. “Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo vào cộng đồng phải ngăn chặn sự lan rộng những ý thức hệ như vậy đang tạo ra những chủ nghĩa bè phái và bạo lực.”
Họ miêu tả chủ nghĩa cực đoan bạo lực và chủ nghĩa khủng bố là “những xuyên tạc niềm tin tôn giáo chính trực.”
“Tội lỗi của những hành động khủng bố không được gán cho mọi thành viên của toàn thể một tôn giáo, một dân tộc, một nền văn hóa, hay nhóm sắc tộc,” họ nói thêm. “Chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực đòi hỏi phải có sự xác định chắc chắn và sự hợp tác để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của nó.”
“Chúng tôi kêu gọi tất cả cùng làm việc hướng đến phát triển một văn hóa gặp gỡ, khoan dung, đối thoại, và hòa bình để tôn trọng truyền thống tôn giáo của nhau,” họ nói.
“Phục vụ Thiên Chúa đòi hỏi phải làm việc vì lợi ích cho những tạo vật của Người và những lợi ích chung của toàn nhân loại. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải đưa ra những hướng dẫn đạo đức và lên tiếng nói chống lại sự bất công và bất kỳ điều gì gây nguy hại cho nhân loại,” bản tuyên ngôn viết.
Những Giám mục khác trong phái đoàn Công giáo gồm Đức Giám mục Richard Pates giáo phận Des Moines và Đức Giám mục phó Denis Madden giáo phận Baltimore. Năm thành viên của phái đoàn Iran được dẫn đầu bởi Ayatollah Mahdi Hadavi Moghaddam Tehrani và Ayatollah Abolghasem Alidoost.

[Nguồn:  catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/08/2016]



Lá thư của Mẹ Teresa gửi một cô dâu trẻ

Lá thư của Mẹ Teresa gửi một cô dâu trẻ


Khi tác giả và vợ của anh mời thánh nhân đến dự tiệc cưới của họ, họ không ngờ nhận được món quà tuyệt vời này

WEB-Mother_Teresa_letter
Mẹ Teresa không thể đến đám cưới của chúng tôi, vì vậy Mẹ viết nhanh vài dòng chia sẻ những điều Mẹ sẽ nói nếu Mẹ đến dự đám cưới.
Thực ra, chính vợ tôi, April, mời Mẹ. Cô ta cũng mời Tổng thống và Đức Giáo hoàng. Ông và bà Tổng thống George và Barbara Bush gửi tới một tấm thiệp in sẵn. Vatican gửi một lời chúc lành. Nhưng Mẹ Teresa gửi cho chúng tôi một thư hồi âm riêng, một trang đánh máy có ít nhất một lỗi (chữ “s” bị đánh lộn thành “a”) và Mẹ ký ở cuối thư.
Trong những ngày này đang hướng đến ngày lễ phong thánh của Mẹ, rất nhiều những chú ý tập trung vào những giây phút vĩ đại của cuộc đời Mẹ Teresa (ngày tôi đến làm việc, Đại học Bê-nê-đi-tô đang chuẩn bị rất nhiều hướng về Mẹ). Nhưng đối với chúng tôi, sự liên lạc thân thương này với Mẹ là điều ý nghĩa nhất.
Những điều Mẹ viết cho chúng tôi lấy trực tiếp trong hồi ký của riêng Mẹ.
“Hãy chào đón những đứa trẻ vào trong cuộc đời hôn nhân của hai con và giúp chúng lớn lên là ánh dương của tình yêu Thiên Chúa trong gia đình và trong khu xóm,” Mẹ nói.
Đây đúng là những gì thân phụ của Mẹ đã làm cho Mẹ. “Thân phụ của Mẹ thật là một người mẫu mực. Người có ảnh hưởng rất lớn đối với Mẹ,” một nhà ngoại giao Albania biết Mẹ và cũng là bạn của Mẹ kể (told) với Washington Post.
“Con gái bé nhỏ của cha,” thân phụ của Mẹ nói với Mẹ khi còn bé, “phải luôn biết chia sẻ phần ăn nhỏ nhất của con với những người khác, đặc biệt với người nghèo. Tính ích kỷ là một căn bệnh tâm hồn biến chúng ta thành những nô lệ của sự giàu có.”
Nhưng lời nói của ông không phải là bài học lớn nhất. Nhà của Mẹ là địa điểm của nhiều sự kiện chính trị, và thân phụ của Mẹ bắt đầu khai mạc bằng cách giới thiệu giọng của con gái của ông. Agnes có giọng “soprano tuyệt vời” có thể trình diễn hoàn hảo bài hát Albania “Tại hồ nước” cho các vị khách.
Mẹ không bao giờ rời khỏi con con đường thân phụ Mẹ đã vạch ra cho Mẹ. Mẹ dành suốt cuộc đời nhổ tận gốc rễ tính ích kỷ, như phụ thân của Mẹ đã nói với Mẹ, và đứng thẳng trước những con người quyền lực, cũng như thân phụ Mẹ đã bảo Mẹ.
“Trong ngày cưới của các con, các con sẽ nhận được nhiều quà – một số sẽ rất đắt tiền. Nhưng món quà quý giá nhất các con sẽ nhận trong ngày đó là món quà của  nhau,” Mẹ nói. “Hãy giữ lấy niềm vui yêu thương nhau và hãy chia sẻ niềm vui này.”
Mẹ Teresa biết chính xác món quà tình yêu có thể làm được những gì cho con người.
Năm 1946, Mẹ Teresa viết về việc Đức Ki-tô gọi Mẹ sang Ấn độ. Quan điểm lãng mạn cho rằng Mẹ Teresa yêu người nghèo và vội vã chạy đến phục vụ họ là sai. Mẹ đã không muốn đi. Tuy nhiên Mẹ đã đi.
Cáo thỉnh viên của Mẹ nói rằng câu “Xin vâng” của Mẹ đã được tưởng thưởng bằng một “sự hiệp nhất thật sự, gần gũi và mãnh liệt với Chúa Giê-su trong năm 1946 và 1947.”
Thật khó mà phóng đại sức mạnh của “món quà tình yêu” này. Năm tháng Mẹ được Đức Ki-tô luôn ở gần đã làm Mẹ rung động và biến đổi Mẹ. Và đó là điều tốt lành đã xảy ra. Tiếp theo là những thập niên trong bóng tối. Suốt 50 năm “đêm đen của linh hồn,” mà Mẹ đã thiếu vắng sự an ủi từ Thiên Chúa, đã chịu đựng tới mức khó mà hình dung được.
Nhưng tôi không nghĩ đến Mẹ như một mẫu gương của một tâm hồn vẫn có thể tự nó trụ vững mà không cần đến Chúa Giê-su; nhưng nghĩ đến Mẹ như một mẫu gương chỉ cần Chúa Giê-su thôi cũng có thể trụ vững tâm hồn suốt cuộc đời.
“Đừng sợ,” Chúa Giê-su nói với Mẹ. “Chính Cha đang gọi con làm điều này cho cha. Đừng sợ. Cho dù cả thế giới chống lại con, cười nhạo con, những người đồng hành và các bề trên có khinh khi con, đừng sợ. Chính cha ở trong con,cùng với con, và cho con.”
Nhớ đến trải nghiệm yêu thương ban đầu của Chúa Giê-su biến Mẹ thành “tông đồ của niềm vui,” chào mừng thế giới bằng một nụ cười, và bảo những người khác cùng làm như vậy, ngay cả những khi Mẹ phải trả lời báo chí tận đêm khuya, kể cả lời mời đến dự đám cưới của Tom và April Hoopes.
“Từ ngày đầu tiên của cuộc sống vợ chồng, hãy cùng nhau cầu nguyện,” Mẹ nói. “Với gia đình biết cầu nguyện cùng nhau thì sẽ cùng nhau ở trong yêu thương, trong an bình và hiệp nhất.”
Nhờ ân sủng của Thiên Chúa và sự cầu bầu của một trong những vị thánh lớn của Người, chúng tôi đã làm được những gì Mẹ yêu cầu chúng tôi làm. Và bằng cách trưng bày lá thư của Mẹ trong gia đình, Mẹ cũng đã dẫn đưa những người khác vào trong đời sống cầu nguyện này.”
Trên hết chúng tôi cầu xin ơn sủng để có thể làm một điều gì đó kỳ diệu mà một người Ki-tô hữu có thể làm để sẽ lay động thế giới với những tổ chức của nó và để thế giới được biến đổi: Hãy vâng lời Giê-su. Nên như Mẹ Teresa.

Tom Hoopes

Tom Hoopes là một cây bút của trường đại học Bê-nê-đi-tô ở Atchison, Kansas, và là tác giả của quyển sách sắp ra mắt Những điều Đức Thánh Cha Phanxico thực sự muốn nói (What Pope Francis Really Said).
[Nguồn:  aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/08/2016]



Một người trở lại đạo ở Bhutan trở thành một linh mục nhờ Mẹ Teresa

Một người trở lại đạo ở Bhutan trở thành một  linh mục nhờ Mẹ Teresa

25 tháng 8, 2016
SPECIAL TO CRUX
Lone convert from Bhutan became priest thanks to Mother Teresa
Cha Kinley Tshering. (Ảnh: Asia News.)
Một thanh niên trở lại Đạo Công giáo ở Bhutan, người đang đấu vật với ý nghĩ của tiếng gọi đi theo con đường thánh chức linh mục có lần tình cờ ngồi trên máy bay cạnh Mẹ Teresa, Mẹ cầm lấy tay anh và nói: “Con có ơn thiên triệu, hãy quảng đại với Thiên Chúa, và Người sẽ quảng đại với con.”
[Cha dòng Tên Kinley Tshering hiện tại là bề trên giám tỉnh của  Darjeeling ở Ấn độ, và, theo mọi người được biết, là một người Bhutan trở lại đạo Công giáo. Là một quốc gia nằm sâu trong đất liền thuộc Nam Á, nằm giữa Trung quốc và Ấn độ, Bhutan có dân số gồm 2/3 theo đạo Phật và 1/3 theo đạo Hindu, số người Công giáo chiếm không đến 1% của tổng dân số khoảng 750.000 người.
Cha Tshering khám phá ra ơn gọi làm linh mục Công giáo của mình khi cha ngồi cạnh Mẹ Teresa Calcutta trên một chuyến bay, và cha chia sẻ câu chuyện với Crux.]
Đó là năm 1986 và tôi đang từ Hyderabad trở về sau khi tham dự một Hội nghị Bottlers. Tôi vừa hoàn tất bằng Thạc sĩ ở Học viện Quản lý Ấn độ ở Bangalore, và đang quản lý một Đại lý của Parle ở Bhutan trong ba năm. [Parle là một thương hiệu của Ấn độ về các loại bánh quy.]
Tôi trở lại đạo Công giáo năm 1974 lúc còn là học sinh tại trường Thánh Giu-se ở North Point, Darjeeling, một trong những trường nội trú tốt nhất ở Ấn độ. Sau khi học xong ở Darjeeling, tôi đi học Đại học Thánh Giu-se ở Bangalore, và sau đó sang Đại học Thánh Xavier ở Mumbai, để tốt nghiệp. Tôi trở lại Bangalore để hoàn tất văn bằng sau đại học về Quản trị (PGDM), cũng tại Học viện Quản trị Ấn độ.
Từ sau khi trở lại đạo, tôi luôn mong ước được làm linh mục. Tuy nhiên, việc học của tôi ở đây ở kia, những áp lực gia đình, và lối sống riêng của tôi không giúp tôi đưa ra quyết định dứt khoát. Rất nhiều linh mục là cha linh hướng của tôi luôn khuyến khích tôi chờ đợi, và có một cha thậm chí đề nghị tôi nên lập gia đình vì tôi là người Công giáo duy nhất từ Bhutan để Giáo hội có thể phát triển ở đó.
Tuy nhiên, vì tôi có một mong ước ẩn giấu muốn làm linh mục, tôi bắt đầu cầu xin với Thiên Chúa cho tôi một dấu chỉ. Tôi nhớ đã cầu nguyện rằng Chúa không cần phải cho tôi một dấu chỉ như Thánh Teresa Hài đồng Giê-su bằng cách cho tuyết rơi vào mùa hè, nhưng là một dấu chỉ rõ ràng để tôi không còn do dự.
Vào một sáng Chúa nhật khi chuông nhà thờ đổ ở Hyderabad, tôi đi lễ vì nhà thờ gần với khách sạn. Tôi cầu xin một dấu chỉ. Đêm hôm đó, trên chuyến bay đêm đến Calcutta, tôi đang mong ngóng đến gặp một người bạn gái, nhưng chuyến bay bị trễ vì có một nhân vật quan trọng (VIP) đến. Tôi hơi bực mình, nhưng cảm tính của tôi thay đổi ngay lập tức khi tôi nhìn thấy Mẹ Teresa đi vào và ngồi gần tôi ở ngay hàng ghế trước.
Tim tôi đập thình thịch, và tôi nín thở! Máy bay cất cánh, và Mẹ thậm chí chẳng nói một lời hay chào tôi. Mẹ đang chú tâm cầu nguyện, và, sau một khoảng thời gian như vô tận, Mẹ quay lại tôi và hỏi tôi ở đâu đến.
Tôi nói với Mẹ tôi ở Darjeeling, và Mẹ vui hẳn lên và kể lại rành rọt cho tôi những ngày Mẹ ở với các soeur Loretto ở đó. Khi tôi nói với Mẹ thực ra tôi quê ở Bhutan và tôi là một người Công giáo, Mẹ rất tò mò. Tôi nói với Mẹ tôi là người trở lại đạo, và, chỉ vài giây sau, tôi thổ lộ hết mọi lo âu trong lòng cho Mẹ - không phải chỉ ước muốn trở thành linh mục, nhưng tất cả những cám dỗ tôi đang có.
Mẹ cầm lấy tay tôi và nói, “Mẹ chưa nói chuyện này với nhiều người, nhưng Mẹ nói với con. Con có ơn thiên triệu, vì vậy hãy quảng đại với Chúa, và Người sẽ quảng đại với con.”
Đôi mắt tôi đẫm lệ, và tôi khóc suốt trên đường đến Calcutta vì tràn ngập niềm vui. Tôi xin Chúa một phép lạ để xác định ơn gọi của mình, và Chúa gửi cho tôi một thiên thần, giống như Đức Mẹ Maria. Tôi chẳng còn gì phải nói ngoài, “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Người.”
Vài tháng sau tôi xin gia nhập Nhà tập Núi Carmel của dòng Tên ở Kurseong. Năm 1995, sau khi được tiến chức, tôi đến Calcutta gặp Mẹ Teresa. Câu đầu tiên Mẹ nói với tôi là, “Mẹ đã cầu nguyện cho con trong suốt mười năm qua.”

[Nguồn:  cruxnow]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/08/2016]