Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Huấn từ giờ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ giờ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

© Vatican Media

Huấn từ giờ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

‘Thập giá là dấu thánh tình yêu của Thiên Chúa và Hy tế của Chúa Giêsu’

30 tháng Tám, 2020 13:09

ZENIT STAFF

 

Trước giờ Kinh Truyền tin trong Quảng trường Thánh Phêrô hôm nay, Đức Thánh Cha phân tích về đoạn Tin mừng trong ngày (Mt 16:21-27) trong đó Chúa Giêsu giải thích về cuộc khổ nạn của Người sắp tới và sự cần thiết đối với các môn đệ đi theo Người trong đau khổ.

Đức Thánh Cha nói, “Suy nghĩ về điều này, chúng ta cho phép thập giá treo trên tường nhà hoặc thập giá nhỏ mà chúng ta đeo trên cổ trở thành một dấu chỉ cho mong muốn của chúng ta được kết hiệp với Đức Kitô trong sự phục vụ đầy yêu thương những người anh chị em chúng ta, đặc biệt những người bé mọn và yếu đuối nhất. Thập giá là dấu thánh tình yêu của Thiên Chúa và hy tế của Chúa Giêsu, không được xem đó là một vật mê tín hay một vòng trang sức đeo cổ.”

Dưới đây là bản dịch huấn từ (ND: tiếng Anh) của Vatican:


******

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trích đoạn Tin mừng hôm nay (x. Mt 16:21-27) được liên kết với trích đoạn Chúa nhật tuần trước (x. Mt 16:13-20). Sau khi Phêrô, thay mặt cho các môn đệ khác, tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu là Đấng Mêxia và là Con Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu bắt đầu nói với các ông về cuộc Thương khó của Người. Trên con đường về Giêsusalem, Người giải thích một cách rõ ràng cho những người bạn của Ngài về những gì đang chờ đợi Ngài ở cuối con đường trong Thành Thánh: Người báo trước về mầu nhiệm cái chết và sự Phục sinh của Người, về sự nhục nhã và vinh quang của Người. Người nói rằng Người sẽ phải “chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21). Nhưng các môn đệ không hiểu được lời của Người, vì các ông có một đức tin vẫn còn non nớt và còn gắn chặt với não trạng của thế giới này (x. Rm 12:2). Các ông nghĩ đến một vinh quang của thế gian, và vì thế họ không hiểu được ngôn ngữ của thập giá.

Trước viễn cảnh Chúa Giêsu có thể bị thất bại và chết trên thập giá, chính Phêrô phản đối và nói với Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (c. 22). Ông tin vào Chúa Giêsu – Phêrô là con người như vậy, ông có đức tin, ông tin vào Chúa Giêsu, ông tin – ông muốn đi theo Người, nhưng không chấp nhận rằng vinh quang của Người sẽ phải vượt qua cuộc Thương khó. Đối với Phêrô và những môn đệ khác – và cả đối với chúng ta! – thập giá là một chướng ngại vật, một ‘sự cản trở’, trong khi Chúa Giêsu lại xem việc chối bỏ thập giá mới là sự cản trở, điều đó có nghĩa là chối bỏ thánh ý của Chúa Cha, là sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó cho Người vì ơn cứu độ của chúng ta. Vì lý do này, Chúa Giêsu trả lời cho Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (c. 23). Mười phút trước, Chúa Giêsu khen ngợi Phêrô, Người hứa với ông rằng ông sẽ trở thành nền tảng cho Giáo hội của Người, là nền tảng của Giáo hội; mười phút sau Người nói với ông, “Satan”. Có thể hiểu điều này như thế nào? Chuyện đều xảy ra đối với tất cả chúng ta! Trong những thời gian nhiệt thành, hăng hái, đầy thiện chí, gần gũi với anh em của chúng ta, chúng ta nhìn đến Chúa Giêsu và chúng ta tiến bước; nhưng trong những lúc chúng ta phải tiến tới thập giá, chúng ta bỏ chạy. Ma quỷ, Satan – như Chúa Giêsu nói với Phêrô – cám dỗ chúng ta. Nó là điển hình cho tinh thần ma quỷ, đó là điển hình cho ma quỷ khiến chúng ta lạc hướng khỏi thập giá, lạc khỏi thập giá của Chúa Giêsu.

Rồi khi nói với mọi người, Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c. 24). Bằng cách này Người chỉ ra con đường của người môn đệ đích thực, cho thấy hai thái độ. Thái độ thứ nhất là ‘từ bỏ chính mình’, và nó không có nghĩa là thay đổi bề ngoài, nhưng là một sự hối cải, một sự thay đổi lại tâm tính và những giá trị. Thái độ còn lại là vác lấy thập giá của mình. Nó không chỉ là vấn đề kiên nhẫn chịu đựng những đau khổ hàng ngày, nhưng là gánh vác những đau khổ đó với niềm tin và trách nhiệm đối với phần vất vả đó, và phần đau khổ mà cuộc chiến chống ma quỷ mang đến. Đời sống của người Kitô hữu luôn luôn là một cuộc chiến đấu. Kinh Thánh nói rằng đời sống của người Kitô hữu là một cam kết chiến đấu: chiến đấu chống lại tinh thần của ma quỷ, chống lại Ác thần.

Do đó bổn phận “vác thập giá mình” trở thành việc dự phần với Đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc thế giới. Suy nghĩ về điều này, chúng ta cho phép thập giá treo trên tường nhà hoặc thập giá nhỏ mà chúng ta đeo trên cổ trở thành một dấu chỉ cho mong muốn của chúng ta được kết hiệp với Đức Kitô trong sự phục vụ đầy yêu thương những người anh chị em chúng ta, đặc biệt những người bé mọn và yếu đuối nhất. Thập giá là dấu thánh tình yêu của Thiên Chúa và hy tế của Chúa Giêsu, không được xem đó là một vật mê tín hay một vòng trang sức đeo cổ. Mỗi khi chúng ta gắn chặt ánh mắt vào hình ảnh Đức Kitô chịu đóng đinh, chúng ta hãy chiêm ngắm rằng Ngài là Người Phục vụ đích thực của Thiên Chúa, đã hoàn tất sứ mạng của Ngài, hy sinh mạng sống, đổ máu mình để tha thứ tội. Và chúng ta không cho phép bản thân bị lôi kéo bởi hướng đi khác, bởi cám dỗ của Ma quỷ. Vì thế, nếu chúng ta muốn trở thành môn đệ của Người, chúng ta được kêu gọi hãy bắt chước Ngài, dứt khoát dành đời sống chúng ta cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh, Đấng hiệp nhất với Con của Mẹ trên đồi Canvê, giúp chúng ta không đầu hàng trước những thử thách và đau khổ để làm chứng cho Tin mừng.


******

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Ngày 1 tháng Chín, là Ngày Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Tạo vật. Từ hôm đó đến ngày 4 tháng Mười, chúng ta sẽ cùng với những anh chị em Kitô hữu của chúng ta thuộc các Giáo hội và truyền thống khác nhau cử hành “Năm thánh Trái đất,” để kỷ niệm sự thành lập Ngày Trái đất 50 năm về trước. Tôi gửi lời chào đến các sáng kiến khác nhau được thúc đẩy trên mọi miền thế giới, và trong số đó là buổi Hòa nhạc được tổ chức hôm nay trong Nhà thờ Chính tòa Port-Louis, thủ đô của Mauritius, nơi gần đây không may đã xảy ra một thảm họa về môi trường.

Tôi theo dõi với sự lo ngại về những căng thẳng ở khu vực Đông Địa Trung Hải, nơi đang bị đe dọa bởi nhiều đợt bùng phát bất ổn khác nhau. Tôi kêu gọi sự đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết các xung đột đe dọa nền hòa bình của các dân tộc trong khu vực.

Và cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em tập trung ở đây hôm nay đến từ Roma, Ý, và nhiều quốc gia khác. Cha nhìn thấy các quốc kỳ ở đằng kia, và cha gửi lời chào Cộng đoàn Tu sĩ Đông Timor ở Ý. Chúc mừng anh chị em với những lá cờ! Những khách hành hương từ Londrina và Formosa, ở Brazil; và các bạn trẻ của Grantorto, thuộc giáo phận Vicenza. Chào mừng các con! Cha cũng nhìn thấy những lá cờ của Ba Lan, cha xin chào anh chị em người Ba Lan; những lá cờ của Argentine, và cả anh chị em người Argentine. Cha xin chào mừng tất cả anh chị em!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/8/2020]


Đức Thánh Cha gặp gỡ người đàn ông mất cả cha và mẹ vì Covid

Đức Thánh Cha gặp gỡ người đàn ông mất cả cha và mẹ vì Covid

Đức Thánh Cha gặp gỡ người đàn ông mất cả cha và mẹ vì Covid

Facebook Carlo Chiodi

 

Ary Waldir Ramos Diaz

27 tháng Tám, 2020


Đức Phanxico nói với ông rằng sự tức giận vì đau buồn là một hình thức cầu nguyện.

Carlo Chiodi, một tài xế xe buýt 50 tuổi đến từ vùng Bergamo bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Ý, đã mất cả cha mẹ già do Covid. Đức Thánh Cha Phanxico đã mời ông cùng gia đình đến khu Casa Santa Marta vào Chủ nhật tuần trước, và sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã dành ít phút với họ.

Chỉ một lúc sau cuộc gặp gỡ đó, khi Đức Thánh Cha thực hiện giờ Kinh Truyền tin buổi trưa, ngài kêu gọi mọi người hãy luôn nhớ đến các nạn nhân coronavirus trong lời cầu nguyện:

Và chúng ta không quên, chúng ta không quên các nạn nhân coronavirus. Sáng nay cha nghe được chứng tá của một gia đình đã bị mất ông bà mà không thể nói lời từ biệt họ, trong cùng một ngày. Quá đau đớn, quá nhiều người đã mất mạng sống, những nạn nhân của căn bệnh này; và quá nhiều người thiện nguyện, bác sĩ, y tá, nữ tu, linh mục, cũng đã hy sinh mạng sống của họ. Chúng ta hãy nhớ đến các gia đình chịu đau khổ vì điều này.

Nói với một tờ báo của Bergamo, ông Chiodi cho biết Đức Thánh Cha nói với ông “sự đau buồn và tức giận là bản tính của con người. Nổi điên lên là điều bình thường và đó là một hình thức cầu nguyện khi cô đơn và cảm thấy đau đớn. Ngài tiếp tục nói rằng đầu hàng và thuyết phục bản thân đừng đau khổ không phải là giải pháp. Chúng ta phải giải phóng bản thân khỏi những sức nặng đang đè lên tâm hồn.”

Ông Chiodi cho biết Đức Phanxico nói rằng “bản thân ngài cảm nhận được sự thống khổ của thế giới, và ngài cầu nguyện mỗi ngày với Chúa để hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ đó. Trong cuộc gặp gỡ, chúng tôi cảm thấy tun lên. Chúng tôi đã hoàn toàn mở lòng trước tính nhân văn của đức giáo hoàng.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/8/2020]