Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 23 tháng 5, 2021

Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng của Đức Thánh Cha Phanxicô


Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 23 tháng Năm, 2021




Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Sách Công Vụ Tông đồ (xem 2: 1-11) kể lại những gì xảy ra tại Giêrusalem 50 ngày sau Lễ Vượt qua của Chúa Giêsu. Các môn đệ tập trung trong Phòng Tiệc Ly, và Đức Trinh Nữ Maria cùng ở với họ. Chúa Phục Sinh đã bảo các ông hãy ở lại trong thành cho đến khi các ông nhận được ơn Thần Khí từ Trời. Và điều này được mạc khải với một “âm thanh” mà các ông bất ngờ nghe thấy từ trời, giống như “như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp” (xem câu 2). Do đó, nó liên quan đến một kinh nghiệm thực tế nhưng cũng mang tính biểu tượng. Điều đã xảy ra nhưng cũng trao cho chúng ta một thông điệp tượng trưng cho cả cuộc đời của chúng ta.

Kinh nghiệm này cho thấy rằng Chúa Thánh Thần giống như một cơn gió mạnh và thổi tự do; nghĩa là Ngài mang đến cho chúng ta sức mạnh và mang lại cho chúng ta sự tự do: một cơn gió mạnh và thổi tự do. Không thể điều khiển, chặn đứng, cũng không thể đo lường được Ngài; cũng không thể nhìn thấy trước được hướng đi của Ngài. Không thể hiểu Ngài theo các đòi hỏi của con người chúng ta – chúng ta luôn cố gắng đóng khung mọi thứ – Ngài không để cho bản thân Ngài bị đóng khung trong các phương pháp và định kiến của chúng ta. Thần Khí xuất phát từ Thiên Chúa Cha và từ Chúa Giêsu Kitô Con của Người và tuôn đổ trên Giáo Hội; Ngài tuôn đổ trên mỗi người chúng ta, mang đến sự sống cho tâm trí và tâm hồn của chúng ta. Như Kinh Tin Kính nói: Ngài là “Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Ngài có quyền năng vì Ngài là Thiên Chúa, và Ngài ban sự sống.

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn còn mất phương hướng và sợ hãi. Họ vẫn chưa có đủ can đảm để bước ra ngoài công khai. Chúng ta cũng vậy, có lúc chúng ta cũng thích ở bên trong những bức tường bảo vệ của môi trường xung quanh. Nhưng Chúa biết cách tiếp cận chúng ta và mở rộng cửa cho tâm hồn chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng bao phủ chúng ta và khuất phục mọi sự do dự của chúng ta, phá đổ những phòng thủ của chúng ta, phá bỏ những sự chắc chắn giả tạo của chúng ta. Thần Khí làm cho chúng ta trở thành những con người mới, giống như Ngài đã làm ngày hôm đó với các Tông đồ: Ngài đổi mới chúng ta, những con người mới.

Sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, các ông không còn như trước nữa – Ngài đã thay đổi các ông, và các ông ra ngoài và bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu, rao giảng rằng Chúa Giêsu đã sống lại, rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, theo cách để mỗi người hiểu được bằng ngôn ngữ của họ. Bởi vì Thần Khí là phổ quát; Ngài không xóa bỏ những khác biệt về văn hóa, những khác biệt về tư tưởng, không. Ngài là cho tất cả mọi người, nhưng mỗi người hiểu Ngài trong nền văn hóa của riêng mình, bằng ngôn ngữ của riêng mình. Thần Khí thay đổi tâm hồn, mở rộng tầm nhìn cho các môn đệ. Ngài cho phép họ truyền đạt cho mọi người những công trình vĩ đại, vô hạn của Thiên Chúa, vượt qua giới hạn văn hóa và giới hạn tôn giáo mà họ đã quen trong suy nghĩ và lối sống. Với các Tông đồ, Ngài cho phép họ tiếp cận với những người khác, tôn trọng khả năng lắng nghe và hiểu biết của họ, bằng văn hóa và ngôn ngữ của mỗi người (các câu 5-11). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần đưa những con người khác nhau vào sự giao tiếp, đạt được sự hiệp nhất và phổ quát của Giáo hội.

Và ngày nay sự thật này nói cho chúng ta biết rất nhiều, thực tại này của Chúa Thánh Thần, trong Giáo Hội có những nhóm nhỏ luôn tìm cách chia rẽ, để tách mình ra khỏi những người khác. Đây không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Thần Khí của Thiên Chúa là sự hòa hợp, là sự hiệp nhất, hợp nhất những khác biệt. Một vị Hồng y giỏi, ngài từng là Tổng Giám mục Genoa, đã nói rằng Giáo hội giống như một dòng sông: điều quan trọng là ở bên trong; nếu bạn có ở một chút bên đó và ở một chút bên kia cũng không quan trọng; Chúa Thánh Thần tạo ra sự hiệp nhất. Ngài đã sử dụng hình ảnh của một dòng sông. Điều quan trọng là ở trong con sông, trong sự hiệp nhất của Thần Khí, và không nhìn vào tiểu tiết vụn vặt rằng bạn ở bên này một chút và bên kia một chút, rằng bạn phải cầu nguyện theo cách này hay cách khác….. Giáo hội là cho mọi người, cho mọi người, như Chúa Thánh Thần đã tỏ ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

Hôm nay, chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ Giáo hội, cầu bầu để Chúa Thánh Thần ngự xuống dồi dào, đổ đầy tâm hồn các tín hữu và thắp lên ngọn lửa tình yêu của Ngài trong mọi người.

________________________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến! Xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tình hình ở Colombia, nơi tiếp tục đáng lo ngại. Trong ngày đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống này, tôi cầu nguyện rằng người dân Colombia thân yêu có thể đón nhận các ân tứ của Chúa Thánh Thần để họ có thể tìm ra những giải pháp cho nhiều vấn đề thông qua sự đối thoại nghiêm túc, và đặc biệt là những người nghèo nhất phải gánh chịu do đại dịch. Tôi chân thành kêu gọi mọi người, vì lý do nhân đạo, hãy tránh những hành vi gây tổn hại cho người dân khi thực hiện quyền phản đối ôn hòa.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người dân ở thành phố Goma, thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Congo, buộc phải tháo chạy do sự phun trào của núi lửa lớn, Núi Nyiragongo.

Ngày mai, các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc cử hành Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Đấng phù hộ các giáo hữu và là Đấng Bảo trợ của đất nước rộng lớn đó. Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo hội được tôn kính với lòng sùng kính đặc biệt tại Đền thờ Sheshan ở Thượng Hải, và được các gia đình Kitô giáo khẩn thiết kêu cầu, trong những thử thách và hy vọng của cuộc sống hàng ngày. Thật đẹp biết bao và cần thiết biết bao khi các thành viên của một gia đình và của một cộng đồng Kitô hữu ngày càng hiệp nhất hơn trong tình yêu và đức tin! Bằng cách này, cha mẹ và con cái, ông bà và các cháu, các mục tử và các tín hữu có thể noi gương các môn đệ đầu tiên, những người đã hiệp nhất cầu nguyện cùng với Mẹ Maria khi họ trông đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống, trong ngày đại lễ Ngũ Tuần. Vì thế, cha mời gọi anh chị em đồng hành với các tín hữu Kitô giáo ở Trung Quốc bằng lời cầu nguyện sốt sắng, là những người anh chị em thân yêu nhất của chúng ta, những người mà cha luôn ghi nhớ trong sâu thẳm tâm hồn. Xin Chúa Thánh Thần, là vai chính trong sứ mệnh của Giáo hội trên thế giới, hướng dẫn họ và giúp họ trở thành những người mang thông điệp hạnh phúc, là những chứng nhân của thiện tính và lòng bác ái, và là những người xây dựng công bằng và hòa bình trên đất nước của họ.

Và về lễ cử hành ngày mai, Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, ý nghĩ của cha hướng về những tu sĩ nam nữ Dòng Salêdiêng, những người làm việc rất nhiều trong Giáo hội cho những người ở xa xôi nhất, cho những người bị thiệt thòi nhất, cho người trẻ. Xin Chúa chúc lành và dẫn dắt anh chị em tiến bước với nhiều ơn gọi thánh thiện!

Ngày mai, “Năm Laudato Si’”sẽ kết thúc. Tôi cảm ơn những người đã tham gia với nhiều sáng kiến trên khắp thế giới. Nó là một hành trình mà chúng ta phải cùng nhau tiếp tục lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và của người nghèo. Vì lý do này, “Nền tảng Laudato Si’”, một tiến trình hoạt động kéo dài 7 năm, sẽ ngay lập tức bắt đầu để hướng dẫn các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận, trường học và đại học, các bệnh viện, các doanh nghiệp, các nhóm, những phong trào, tổ chức, học viện tôn giáo áp dụng một lối sống bền vững. Và xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những người hôm nay nhận được sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Tạo vật và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Cha thân ái chào tất cả anh chị em đến từ Roma, từ nước Ý và các quốc gia khác. Cha nhìn thấy ở đây cờ của Ba Lan, Mexico, Chile, Panama và rất nhiều nước khác…. Cha nhìn thấy những lá cờ ở đằng kia: Colombia. Cảm ơn anh chị em đã đến đây! Đặc biệt cha xin chào các bạn trẻ của Phong trào Focolare…. Họ đang huyên náo, đúng là những người Focolare!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng! Arrivederci! Gửi lời chào đến anh chị em!

________________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/5/2021]


Đây là 10 bức tượng lớn nhất thế giới của Kitô Giáo

Đây là 10 bức tượng lớn nhất thế giới của Kitô Giáo

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Johannes M. Graf | Shutterstock

J-P Mauro

05/05/21


Mỗi tượng đài này củng cố cộng đoàn trong Đức Kitô.

Có điều gì đó về một tượng đài cao vút lôi cuốn các tín hữu tề tựu về và truyền cảm hứng cho những người không có đức tin. Con người luôn tỏ sự thán phục trước một bức tượng khổng lồ, từ xa xưa như Bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Tuy nhiên, trong thời hiện đại, đó là một truyền thống mà các người Kitô giáo đã mang theo vào thế kỷ 21 và hoàn thiện.

Ngày nay, người tín hữu Kitô giáo đã xây dựng những bức tượng sừng sững như vậy trên khắp thế giới. Mỗi khi một bức tượng mới phá kỷ lục về chiều cao, thì một tượng khác lại được lên kế hoạch để đạt độ cao hơn nữa. Ngay cả tượng Chúa Cứu Thế của Rio de Janeiro, có thể là tượng Chúa Kitô nổi tiếng nhất, cũng đã trở nên thấp so với các công trình hiện đại hơn.

Sự cạnh tranh thân thiện này giữa những người anh chị em trong Đức Kitô thúc đẩy mối liên kết bền chặt hơn giữa các cộng đoàn Kitô giáo. Vượt ra ngoài những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, những tượng đài này tự chúng nói lên. Mặc dù các điểm tham quan thường khiến người xem không thốt nên lời, nhưng thông điệp về niềm tin luôn rõ ràng.

Chúng ta cùng xem một số bức tượng Kitô giáo lớn nhất trên thế giới. Xin lưu ý, danh sách này không tính đến các bệ tượng, thường cộng thêm chiều cao đáng kể cho một bức tượng. Ở đây, chúng tôi chỉ xem xét kích thước của chính các bức tượng.


Cristo Resucitado - Mexico

Cristo Resucitado, còn gọi là Chúa Kitô Phục sinh, được hoàn thành vào năm 1981. Với độ cao 98,5 bộ Anh (hơn 30 mét), tượng được cho là có được màu sắc sống động từ các khối màu đỏ được sử dụng trong xây dựng.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Chúa Kitô ban phép lành - Indonesia

Mặc dù phần đế của tượng khiến chiều cao của nó còn lớn hơn nhiều, chính bức tượng chỉ cao 98,5 bộ Anh (hơn 30 mét). Nó sử dụng những trụ chống bằng kim loại để giữ cho bức tượng được nâng cao khỏi bệ nhằm tạo ấn tượng rằng Chúa Giêsu đang bay trên không trung.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Cristo del Otero - Tây Ban Nha

Cũng bằng với hai tượng trước, tượng Cristo del Otero vươn tới độ cao 98,5 bộ Anh. Được hoàn thành vào năm 1931, phong cách của tượng dựa theo trường phái Art Deco và Cubism. Tượng được thiết kế bởi nhà điêu khắc Victorio Macho, ông cũng được chôn trong đền thờ bên dưới.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Chúa Cứu thế - Brazil

Rất có thể là bức tượng nổi tiếng nhất trong danh sách này, Tượng Chúa Cứu Thế là niềm tự hào của Rio de Janiero. Tác phẩm này cũng được hoàn thành vào năm 1931 và cũng được vẽ theo phong cách của trường phái Art Deco. Mặc dù không phải là cao nhất, nhưng tượng trở nên hùng vĩ hơn bởi vị trí của nó trên đỉnh núi Corcovado, ở độ cao 700 mét.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Chúa Kitô Vũng Tàu - Việt Nam

Được hoàn thành vào năm 1993, tượng Chúa Kitô này cao 105 bộ Anh (hơn 32 mét). Hiện tại đây là tượng chúa Giêsu lớn nhất Châu Á và là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất Việt Nam.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Chúa Kitô Vua - Ba Lan

Đây là bức tượng Chúa Giêsu cao thứ hai trên thế giới, cao 108 bộ Anh (gần 33 mét). Được hoàn thành vào năm 2010, chi phí xây dựng mất hơn 1,5 triệu đô la, với kinh phí được huy động từ 21.000 công dân của thị trấn Świebodzin. Bức tượng được quyết định chiều cao là 33 mét, vì Chúa Giêsu được cho là 33 tuổi vào thời điểm Ngài chịu Khổ nạn.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Cristo de la Concordia - Bolivia

Tượng Chúa Kitô Hòa bình ở Bolivia là bức tượng Chúa Giêsu cao nhất thế giới. Với độ cao hơn 112 bộ Anh (34,13 mét), bạn chỉ có thể đến địa điểm này bằng cáp treo hoặc leo 2.000 bậc thang.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Tượng Đức Mẹ Đồng trinh Socavón - Bolivia

Còn được gọi là Đức Mẹ Mineshaft, tác phẩm điêu khắc Đức Mẹ và Chúa Con này cao hơn bất kỳ tượng Chúa Giêsu nào, hơn 120 bộ Anh (hơn 36,5 mét). Vương miện của Đức Trinh Nữ được rèn từ các tấm nhôm.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Monumento a la Virgen de la Paz - Venezuela

Với chiều cao 153,3 bộ Anh (hơn 46,72 mét), đây không chỉ là tượng Đức Mẹ lớn thứ hai mà còn là tượng lớn thứ 48 trên thế giới. Được hoàn thành vào năm 1983, bức tượng được xây hoàn toàn bằng bê tông. Đức Mẹ Hòa bình là bổn mạng của Trujillo từ năm 1568.

Đây là 10 bức tượng của Kitô Giáo lớn nhất thế giới

Đức Mẹ Toàn Châu Á - Tháp Hòa bình - Philippines

Tuy chưa mở cửa tham quan nhưng bức tượng mới này của Philippines sẽ trở thành bức tượng Kitô giáo lớn nhất thế giới. Đứng ở độ cao ấn tượng 315 bộ Anh (hơn 96 mét), Đức Mẹ Toàn Châu Á được hy vọng sẽ trở thành điểm hành hương lớn nhất Châu Á khi mở cửa. Nó được lên kế hoạch mở cửa vào năm 2021, trong dịp kỷ niệm 500 năm Kitô giáo ở Philippines, nhưng việc mở cửa đã bị trì hoãn do đại dịch COVID.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/5/2021]