Chúa Thánh Thần là vai chính của sự loan báo
Bài giáo lý thứ 5 của Đức Thánh Cha Phanxicô về nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng
Vatican Media
*******
Buổi tiếp kiến sáng nay được tổ chức lúc 9:00 sáng tại Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha, tiếp tục loạt bài giáo lý về sự nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề: “Vai chính của việc loan báo: Chúa Thánh Thần” (Bài đọc: Mt 28:18-20).
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện. Sau đó, ngài đưa ra lời kêu gọi cho Ukraine một năm sau khi cuộc xung đột bắt đầu.
Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.
__________________________________________________
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Giáo lý. Nhiệt tâm rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu 6. Vai chính của việc loan báo: Chúa Thánh Thần
Anh chị em thân mến, chào mừng anh chị em!
Trong hành trình giáo lý của chúng ta về sự nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, hôm nay chúng ta bắt đầu từ những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta đã nghe: ‘Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Mt 28:19). Đấng Phục Sinh nói: ‘Hãy đi, không phải để nhồi sọ, không phải để cải đạo, không phải, nhưng để chuẩn bị các môn đệ, tức là cho mọi người cơ hội tiếp xúc với Chúa Giêsu, để hiểu biết và yêu mến Ngài một cách tự do. Hãy đi và làm phép rửa: làm phép rửa có nghĩa là dìm mình xuống nước; và như vậy, trước khi thể hiện một hành động phụng vụ, nó diễn tả một hành động vô cùng quan trọng: đắm chìm đời sống một người trong Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần; để mỗi ngày cảm nhận được niềm vui về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng gần gũi với chúng ta như người Cha, như người Anh, như Thần Khí hoạt động trong chúng ta, trong tinh thần của chúng ta.” Chịu phép rửa là đắm mình trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài – và với cả chúng ta – ‘Hãy đi!’, Ngài không chỉ truyền đạt một lời nói. Không. Ngài đồng thời thông ban Chúa Thánh Thần, vì chỉ nhờ Ngài, nhờ Thần Khí, con người mới có thể đón nhận và thi hành sứ vụ của Chúa Kitô (x. Ga 20:21-22). Thật vậy, các Tông Đồ vì sợ hãi nên đã đóng chặt cửa Phòng Tiệc Ly cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các ông (x. Cv 2:1-13). Và trong khoảnh khắc đó, nỗi sợ hãi biến mất, và với quyền năng của Người, những người ngư phủ đó, hầu hết là những người không biết chữ, sẽ thay đổi thế giới. ‘Nhưng nếu họ không thể nói…?’ Nhưng chính lời của Thần Khí, sức mạnh của Thần Khí đã đưa họ tiến lên để thay đổi thế giới. Do đó, việc loan báo Tin Mừng chỉ được thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đi trước các nhà truyền giáo và chuẩn bị tâm hồn: Ngài là ‘động cơ loan báo Tin Mừng’.
Chúng ta khám phá ra điều này trong sách Công Vụ Tông Đồ, trong đó trên mỗi trang chúng ta thấy rằng vai chính của việc loan báo không phải là Phêrô, Phaolô, Stêphanô hay Philipphê, mà là Chúa Thánh Thần. Tiếp tục với sách Công vụ, một thời điểm quan trọng trong buổi đầu của Giáo hội được kể lại, và nó cũng nói lên rất nhiều điều cho chúng ta. Khi đó cũng như bây giờ, không thiếu những sự khổ não, những thời khắc rất đẹp và khoảnh khắc không mấy đẹp, những niềm vui đi kèm với lo lắng, cả hai điều đó. Nhất là nỗi lo: làm thế nào để đối xử với những người ngoại đạo đến với đức tin, chẳng hạn với những người không thuộc dân tộc Do Thái. Họ có bị buộc phải tuân theo các quy định của Luật Môsê hay không? Đây không phải là vấn đề nhỏ đối với những người đó. Từ đó hình thành nên hai nhóm, giữa những người coi việc tuân thủ Luật là điều rất cần thiết và những người không coi đó là quan trọng. Để phân định, các Tông đồ đã tập hợp trong cuộc họp được gọi là ‘Công đồng Giêrusalem’, công đồng đầu tiên trong lịch sử. Làm thế nào để giải quyết tình trạng tiến thoái lưỡng nan? Các ông có thể tìm đến một sự thỏa hiệp tốt đẹp giữa truyền thống và sự đổi mới: một số quy tắc được tuân thủ và những quy tắc khác bị gạt sang một bên. Tuy nhiên, các Tông đồ không chạy theo sự khôn ngoan của con người để tìm kiếm một sự cân bằng khéo léo giữa cái này và cái kia, họ không làm theo con đường này, nhưng thuận theo công việc của Thần Khí, Đấng dự liệu cho họ bằng cách ngự xuống người dân ngoại cũng như Người đã ngự xuống trên họ.
Và do đó, loại bỏ hầu hết mọi nghĩa vụ liên quan đến Luật pháp, họ truyền đạt các quyết định cuối cùng, được đưa ra – và đây là những gì các ông viết – ‘bởi Thánh Thần và chúng tôi’ (xem Cv 15:28), và việc này hóa ra là ‘Chúa Thánh Thần ở cùng chúng tôi’, và các Tông đồ luôn hành động theo cách này. Cùng nhau, không chia rẽ, mặc dù có những sự nhạy cảm và quan điểm khác nhau, họ lắng nghe Thánh Thần. Và Người dạy một điều, mà ngày nay cũng có giá trị: mọi truyền thống tôn giáo đều hữu ích nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu, mọi truyền thống tôn giáo đều hữu ích nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói rằng quyết định lịch sử của Công đồng đầu tiên, điều mà chúng ta cũng được hưởng lợi ích, được thúc đẩy bởi một nguyên tắc, nguyên tắc loan báo: mọi sự trong Giáo hội phải phù hợp với những đòi hỏi của việc loan báo Tin Mừng; không theo quan điểm của những người bảo thủ hay cấp tiến, mà là việc Chúa Giêsu đến với cuộc sống của mọi người. Do đó, mọi sự lựa chọn, mọi cách sử dụng, mọi cơ cấu và mọi truyền thống phải được đánh giá trên cơ sở liệu những việc đó có ưu tiên cho việc rao giảng Đức Kitô hay không. Và khi các quyết định được tìm thấy trong Giáo hội – chẳng hạn những chia rẽ về ý thức hệ: ‘Tôi bảo thủ vì…’ ‘Tôi cấp tiến vì…’ Nhưng Chúa Thánh Thần ở đâu? Hãy lưu ý rằng Tin Mừng không phải là một ý tưởng, Tin Mừng không phải là một hệ tư tưởng: Tin Mừng là một lời loan báo chạm đến con tim bạn và làm cho bạn thay đổi tâm hồn, nhưng nếu bạn trú ẩn trong một ý tưởng, một ý thức hệ, dù là cánh hữu hay cánh tả hoặc ở giữa, bạn đang biến Tin Mừng thành một đảng chính trị, một ý thức hệ, một câu lạc bộ của con người. Tin Mừng luôn trao tặng cho bạn sự tự do này của Thánh Thần, Đấng hoạt động trong bạn và đưa bạn tiến tới. Và ngày nay chúng ta được yêu cầu nắm lấy sự tự do của Tin Mừng và cho phép bản thân được Thần Khí thúc đẩy.
Bằng cách này, Chúa Thánh Thần soi sáng con đường của Giáo hội. Quả thật, Người không những là ánh sáng của tâm hồn; Người là ánh sáng định hướng cho Giáo hội: Người đem đến sự rõ ràng, giúp phân biệt, giúp phân định. Đây là lý do tại sao cần phải luôn khẩn cầu Người; hôm nay chúng ta hãy làm như vậy, ngay vào đầu Mùa Chay. Bởi vì, là Giáo hội, chúng ta có thể có thời gian và không gian được xác định rõ ràng, các cộng đoàn, các tổ chức và phong trào được tổ chức tốt, nhưng không có Chúa Thánh Thần, mọi thứ vẫn không có sức sống. Tổ chức… sẽ không hữu hiệu, nó không đủ: chính Chúa Thánh Thần mang lại sức sống cho Giáo hội. Giáo hội, nếu không cầu nguyện với Người và khẩn xin Người, thì Giáo hội sẽ tự khép kín mình trong những cuộc tranh luận vô ích và mệt mỏi, trong những sự phân cực chán ngắt, trong khi ngọn lửa sứ vụ bị dập tắt. Thật buồn khi thấy Giáo hội dường như chẳng khác gì một nghị viện. Giáo hội là một điều gì đó khác. Giáo Hội là cộng đoàn gồm những người tin cậy và loan báo Chúa Giêsu Kitô, nhưng do Chúa Thánh Thần tác động, chứ không phải do lý trí riêng. Vâng, bạn sử dụng lý trí của mình, nhưng Thánh Thần đến soi sáng và tác động nó. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta ra đi, thúc giục chúng ta loan báo đức tin để khẳng định mình trong đức tin, ra đi trên con đường sứ vụ để khám phá ra chúng ta là ai. Đó là lý do tại sao Thánh Tông đồ Phaolô khuyến cáo: ‘Anh em đừng dập tắt Thần Khí’ (1 Tx 5:19). Đừng dập tắt Thần Khí. Chúng ta phải thường xuyên cầu xin Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy khẩn cầu Người, chúng ta hãy xin Người thắp lên ánh sáng của Người trong chúng ta mỗi ngày. Chúng ta hãy làm điều này trước mỗi cuộc gặp gỡ, để trở thành người tông đồ của Chúa Giêsu với những người chúng ta gặp gỡ. Đừng dập tắt Thần Khí, dù là trong cộng đoàn hay trong mỗi con người chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy bắt đầu và bắt đầu trở lại từ Chúa Thánh Thần, với tư cách là Giáo hội,. ‘Rõ ràng điều quan trọng là khi chúng ta lên kế hoạch mục vụ, chúng ta bắt đầu từ những cuộc khảo sát, phân tích xã hội học, liệt kê những khó khăn, liệt kê những kỳ vọng và thậm chí cả những than phiền, điều này phải được thực hiện, để chạm đến thực tế. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều là hãy bắt đầu từ những kinh nghiệm của Thần Khí: đó mới là sự ra đi thực sự. Và do đó, cần phải tìm kiếm chúng, liệt kê chúng, nghiên cứu chúng, giải thích chúng. Đó là một nguyên tắc cơ bản mà trong đời sống thiêng liêng, nó được gọi là tính ưu việt của niềm an ủi so với sự u sầu. Trước hết có Thần Khí là Đấng an ủi, hồi sinh, soi sáng, tác động; thì cũng sẽ có sự u sầu, đau khổ, tăm tối, nhưng nguyên tắc để thích nghi trong bóng tối là ánh sáng của Thần Khí’ (C. M. Martini, Truyền Giáo trong Sự An Ủi của Thần Khí, 25 tháng 9, 1997). Đây là nguyên tắc để hướng dẫn chúng ta trong những điều chúng ta không hiểu, trong những sự lộn xộn, ngay cả trong bóng tối lớn như vậy, đó là điều quan trọng. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình, chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có mở lòng với ánh sáng này không, liệu chúng ta dành không gian cho ánh sáng đó: tôi có khẩn cầu Chúa Thánh Thần không? Mỗi người chúng ta hãy trả lời cho chính mình. Có bao nhiêu anh chị em cầu nguyện với Chúa Thánh Thần? “Không, thưa cha, con cầu nguyện với Đức Mẹ, con cầu nguyện với các Thánh, con cầu nguyện với Chúa Giêsu, đôi khi con đọc Kinh Lạy Cha, con cầu nguyện với Chúa Cha…” “Thế còn Chúa Thánh Thần? Bạn không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần sao, là Đấng đánh động tâm hồn bạn, Đấng mang đến cho bạn niềm an ủi, Đấng mang đến cho bạn khát khao loan báo Tin Mừng, dấn thân truyền giáo? Tôi có cho phép mình được Người hướng dẫn không, Đấng mời gọi tôi không khép kín trong bản thân mà hãy mang đến Chúa Giêsu, làm chứng cho tính ưu việt của sự an ủi của Thiên Chúa đối với sự u sầu của thế giới? Xin Đức Mẹ, Đấng đã thấu hiểu điều này, giúp chúng ta hiểu được nó.
____________________________________
Lời chào đặc biệt
Cha gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Hà Lan, Philippines và Hoa Kỳ. Xin cho hành trình Mùa Chay mà chúng ta bắt đầu hôm nay dẫn đưa chúng ta đến Lễ Phục Sinh với tâm hồn được thanh tẩy và đổi mới bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình.
____________________________________________________
LỜI KÊU GỌI
Anh chị em thân mến,
Hai ngày nữa, ngày 24 tháng Hai, sẽ là tròn một năm kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến phi lý và tàn ác này. Một kỷ niệm buồn! Số người chết, bị thương, người tị nạn và người di tản, sự tàn phá, thiệt hại kinh tế và xã hội đã nói lên tất cả. Xin Chúa tha thứ cho quá nhiều tội ác và quá nhiều bạo lực. Người là Thiên Chúa của hòa bình. Chúng ta hãy gần gũi với những người dân Ukraine đau khổ, họ tiếp tục chịu đau khổ, và chúng ta hãy tự hỏi: đã có gì được thực hiện để ngừng chiến tranh chưa? Tôi kêu gọi những người có thẩm quyền đối với các quốc gia hãy đưa ra một cam kết cụ thể để chấm dứt xung đột, đạt được một lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Những gì được xây dựng trên đống đổ nát sẽ không bao giờ là một chiến thắng thực sự!
[Nguồn: exaudi]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/2/2023]