Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Đức Thánh Cha nói, ‘Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Mẹ Sầu bi & và tạ ơn vì Mẹ đã nhận lời làm Mẹ’ (Toàn văn Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)

Đức Thánh Cha nói, ‘Chúng ta hãy nghĩ đến Đức Mẹ Sầu bi & và tạ ơn vì Mẹ đã nhận lời làm Mẹ’ (Toàn văn Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nói, ‘Chúng ta hãy suy nghĩ về Mẹ Sầu bi & và cảm tạ vì Mẹ đã nhận lời làm Mẹ’ (Toàn văn Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)

Tại Nhà nguyện Thánh Marta, ngài nhắc nhở rằng Mẹ Maria không bao giờ xin điều gì cho riêng Mẹ, nhưng chỉ xin cho người khác


03 tháng Tư, 2020 10:17

“Chúng ta hãy nghĩ đến những sự thương khó của Đức Mẹ và cảm tạ Mẹ vì đã nhận lời làm Mẹ.”

Theo Vatican News, hôm nay ngày 3 tháng Tư Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh đến điểm này trong Thánh Lễ riêng ngài dâng tại Nhà nguyện Thánh Marta hôm Thứ Sáu Thương khó trước Chúa nhật Lễ Lá, ngày chúng ta tưởng nhớ đến những đau đớn của Mẹ Maria.

Đức thánh Cha dành riêng bài giảng nói về Đức Nữ Đồng trinh Sầu bi.

Ngài nói, “Hôm nay, thật tốt lành khi chúng ta suy nghĩ về những sự thương khó của Đức Mẹ và cảm tạ Mẹ vì đã nhận lời làm Mẹ.”

Bắt đầu Thánh Lễ tưởng nhớ tất cả các nạn nhân coronavirus, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người mang trách nhiệm cao cả, cho dù cuối cùng có thể gánh hậu quả của đại dịch, để giúp đỡ những người trong thời gian này gặp các vấn đề túng thiếu, việc làm và đói kém.

“Có những người bây giờ đang bắt đầu suy nghĩ về hậu quả: hậu quả của đại dịch. Với tất cả các vấn đề sẽ xảy đến: những vấn đề về sự túng thiếu, việc làm, đói kém …,” ngài mời gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người hôm nay giúp đỡ, nhưng cũng nghĩ về ngày mai, để giúp đỡ tất cả chúng ta.”

Thứ Sáu Thương Khó này, Giáo hội tưởng nhớ những đau đớn của Mẹ Maria, Đức Phanxico động viên các tín hữu thực hiện bài thực hành này: “Chiều tối nay tôi đọc Kinh Truyền tin, cầu nguyện và hồi tưởng lại bảy sự thương khó như sự tưởng nhớ của Mẹ của Giáo hội, như là Mẹ của Giáo hội đã sinh ra tất cả chúng ta với quá nhiều đau đớn …”

Đức Phanxico nói, lòng đạo hạnh của người Ki-tô hữu noi theo con đường của Mẹ Maria đồng hành với Chúa Giê-su.

Đức Thánh Cha nói, “Đức Mẹ không bao giờ xin bất cứ điều gì cho bản thân, không bao giờ.”

Ngài nhấn mạnh, “Có, nhưng chỉ xin cho người khác: chúng ta hãy nghĩ đến Ca-na, khi Mẹ đến nói với Chúa Giê-su.”

Nhắc lại lòng hoàn toàn vị tha của Mẹ, Đức Phanxico nói: “Tôn vinh Mẹ chúng ta và nói: “Đây là Mẹ tôi,” vì Mẹ là Mẹ.

Đức Giáo hoàng người Argentine nói, “Đức Mẹ không muốn nhận bất kỳ tước hiệu nào từ Chúa Giê-su; Mẹ đón nhận ân huệ làm Mẹ của Ngài và trách nhiệm đồng hành với chúng ta như người Mẹ, là Mẹ của chúng ta.”

Ngài nói, “Mẹ là Mẹ của chúng ta,” Đấng với sức mạnh và niềm tín thác vào Thiên Chúa. “Đó không phải là một tiếng khóc giả tạo, đó là trái tim của Mẹ bị đâm thâu vì nỗi đau đớn.”

Vì lý do này, Đức Phanxico kêu gọi: “Sẽ rất tốt lành cho chúng ta khi dừng lại một chút và thưa với Mẹ: “Cảm tạ Mẹ đã nhận lời là Mẹ khi Sứ thần báo tin cho Mẹ và tạ ơn Mẹ đã nhận lời làm Mẹ khi Chúa Giê-su thưa với Mẹ”

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng trong thời gian khó khăn này, và kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Chầu Thánh Thể và Phép lành.

***

***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT’]

Thứ Sáu Thương khó này, Giáo hội tưởng nhớ những sự thương khó của Mẹ Maria, Addolorata [Đấng Sầu bi]. Sự sùng kính của Dân Chúa đã có chiều dài nhiều thế kỷ. Những bài thánh ca được viết để tôn vinh Đấng Addolorata: Mẹ đứng dưới chân Thập giá, và chúng ta chiêm ngắm Mẹ ở đó, đau thương. Lòng đạo hạnh Ki-tô giáo đã lấy những sự đau thương của Mẹ và kể ra “bảy sự thương khó.” Sự thương khó thứ nhất, chỉ 40 ngày sau khi sinh Chúa Giê-su, lời tiên báo của ông Si-mê-on nói đến một lưỡi gươm đâm thâu trái tim Mẹ (x. Lc 2:35). Sự thương khó thứ hai là cuộc chạy trốn sang Ai-cập để cứu mạng sống của Chúa Con (x. Mt 2:13-23). Sự thương khó thứ ba là ba ngày đau khổ khi Cậu bé Giê-su ở lại Đền thờ (x. Lc 2:41-50). Sự thương khó thứ tư là khi Mẹ gặp Chúa Giê-su trên con đường lên đồi Can-vê (x. Ga 19:25). Sự thương khó thứ năm là cái chết của Chúa Giê-su, nhìn thấy Con của Mẹ ở đó, bị đóng đinh, trần truồng, và chịu chết. Sự thương khó thứ sáu, tháo xác Chúa Giê-su khỏi Thập giá. Mẹ ẵm Chúa trong vòng tay của Mẹ như Mẹ đã ẵm Người trong vòng tay hơn 30 năm trước tại Bê-lem. Sự thương khó thứ bảy là chôn xác Chúa Giê-su. Và như vậy, lòng đạo hạnh của người Ki-tô hữu đi theo con đường của Đức Mẹ, Đấng đồng hành với Chúa Giê-su. Thật tốt lành cho cha tôi chiều tối nay, khi cha đọc Kinh Truyền tin, cầu nguyện bảy sự thương khó như là việc tưởng nhớ của Mẹ của Giáo hội, Mẹ của Giáo hội đã sinh ra tất cả chúng ta với quá nhiều đau đớn.

Mẹ không bao giờ xin điều gì cho bản thân — không bao giờ. Có, Mẹ xin cho người khác. Chúng ta hãy nhớ đến Ca-na, khi Mẹ đến nói với Chúa Giê-su. Mẹ không bao giờ nói: “Mẹ là Mẹ; hãy nhìn đến Mẹ này, Mẹ sẽ trở thành Mẫu Hậu.” Mẹ chẳng bao giờ nói điều đó. Mẹ không đòi hỏi điều gì quan trọng cho bản thân trong Tông đồ đoàn. Mẹ chỉ chấp nhận là Mẹ. Mẹ đồng hành với Chúa Giê-su như một môn đệ, vì Tin mừng cho thấy rằng Mẹ đi theo Chúa Giê-su với các bạn bè, những người phụ nữ đạo đức. Mẹ đi theo Chúa Giê-su; Mẹ lắng nghe Chúa Giê-su. Có lần có người nhận ra Mẹ: “À, Mẹ đến đây rồi; có Mẹ của Thầy đang ở đây” (x. Mc 3:31). Mẹ đi theo Chúa Giê-su – lên đồi Can-vê. Và đứng ở đó … chắc chắn người ta nói: “Kìa, người phụ nữ tội nghiệp, bà ấy sẽ đau đớn,” và những người ác độc chắc chắn nói: “Bà ấy cũng chịu trách nhiệm, vì nếu Bà ấy dạy bảo Ông ta tốt thì đã không có kết thúc như vậy.” Mẹ ở đó với Chúa Con, với sự nhục nhã của Chúa Con.

Chúng ta phải tôn vinh Mẹ và nói: “Đây là Mẹ tôi,” vì Mẹ là Mẹ. Và đây là tước hiệu Mẹ đón nhận từ Chúa Giê-su, chính trong lúc đó, trong giây phút trên thập giá (x. Ga 19:26-27). Mẹ là Mẹ của các con cái Mẹ. Ngài không đặt Mẹ lên làm Thủ tướng hay cho Mẹ những tước hiệu “mang tính chức năng,” — chỉ là “Mẹ.” Và từ đó, sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta thấy Mẹ cầu nguyện với các Tông đồ như người Mẹ (x. Cv 1:14). Đức Mẹ không nhận bất cứ một tước hiệu nào từ Chúa Giê-su. Mẹ đón nhận ân huệ làm Mẹ của Ngài và trách nhiệm đồng hành với chúng ta như người Mẹ, là Mẹ của chúng ta. Mẹ không đòi được là một quasi-Redemptrix hay là một Co-Redemptrix (đồng công cứu chuộc), không. Đấng Cứu thế chỉ có một và tước hiệu này không được nhân đôi. Mẹ chỉ là một môn đệ và là Mẹ. Và như vậy, chúng ta phải nghĩ đến Mẹ, chúng ta phải tìm kiếm Mẹ là Mẹ chúng ta; chúng ta phải cầu xin với Mẹ. Mẹ là Mẹ — trong Giáo hội Mẹ. Trong tình mẫu tử của Đức Mẹ chúng ta nhìn thấy tình mẫu tử của Giáo hội, đón nhận tất cả, người thiện cũng như ác — tất cả.

Sẽ rất tốt lành cho chúng ta hôm nay khi dừng lại một chút và suy nghĩ về sự đau đớn và những sự thương khó của Đức Mẹ. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Và Mẹ mang đến sự tốt lành, với sức mạnh, với tiếng khóc, đó không phải là tiếng khóc giả tạo; đó chính là một trái tim bị đâm thâu bởi sự đau thương. Sẽ rất tốt lành cho chúng ta khi dừng lại một chút và thưa với Mẹ: “Cảm tạ Mẹ đã nhận lời là Mẹ khi Sứ thần báo tin cho Mẹ, và tạ ơn Mẹ đã nhận lời làm Mẹ khi Chúa Giê-su thưa với Mẹ.”

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Chầu Thánh Thể và Phép lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng liêng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/4/2020]


Trình bày về COVID19 & Trung hoa – của Đức Hồng y Bo của Myanmar, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Á

Trình bày về COVID19 & Trung hoa – của Đức Hồng y Bo của Myanmar, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Á
Cardinal Bo - Archdiocese Of Yangon Website

Trình bày về COVID19 & Trung hoa – của Đức Hồng y Bo của Myanmar, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Á

‘Nhà nước Trung hoa và tội trạng về đạo đức của họ đối với sự lây nhiễm toàn cầu – trình bày về COVID’

03 tháng Tư, 2020 12:21

Đức Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục Yangon, Myanmar, đã phát hành một thông điệp ngày 1 tháng Tư, ngài gửi cho ZENIT, nói rằng ‘Nhà nước Trung hoa và tội trạng về luân lý của họ đối với sự lây nhiễm toàn cầu – COVID’

Dưới đây là toàn văn thông điệp của Đức Hồng y Bo, văn bản bằng tiếng Anh ngài gửi cho Zenit:

***

Nhà nước Trung hoa và tội trạng về luân lý của họ đối với sự lây nhiễm toàn cầu – COVID

Trình bày của Hồng y Charles Bo – Tổng Giám mục Yangon, Myanmar

Thứ Sáu tuần trước Đức Thánh Cha Phanxico đứng trước Quảng trường Thánh Phê-rô trống không, nói với hàng triệu người trên thế giới qua truyền hình trực tiếp. Quảng trường trống không nhưng khắp mọi nơi lòng người đang đầy hãi hùng và thống khổ, nhưng cũng đầy tràn yêu thương. Trong bài giảng Phép lành Urbi et Orbi đầy cảm xúc, ngài nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch coronavirus đã hiệp nhất nhân tính của chúng ta. Ngài nói: “Chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời lại quan trọng và rất cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi để cùng nhau chèo chống.”

Không một miền nào trên thế giới không bị đại dịch chạm đến, không đời sống nào không bị ảnh hưởng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cho đến nay gần một triệu người đã bị nhiễm bệnh, và trên 40.000 đã chết. Đến khi đại dịch qua đi con số tử vong toàn cầu được ước tính sẽ lên hàng triệu.

Những tiếng nói quốc tế đang vang lên chống lại thái độ cẩu thả của Trung hoa, đặc biệt đối với Đảng Cộng sản Trung hoa chuyên chế (CCP) được lãnh đạo bởi con người đầy quyền lực Tập Cận Bình. Tờ London Telegraph (29 Tháng Ba 2020) nói rằng Bộ trưởng Y tế Anh tố cáo Trung hoa che giấu những con số thật của coronavirus. Tờ báo tường thuật với sự kinh hoàng về việc mở cửa lại các chợ ‘tươi sống’ đã bị xem như là nguyên nhân của sự lây lan virus. James Kraska, một giáo sư Luật đáng kính, viết trong ấn bản gần đây nhất của War on Rocks nói rằng Trung hoa phải chịu trách nhiệm về pháp lý đối với dịch COVID 19 và sự bồi thường có thể lên đến hàng tỷ tỷ. (War on the Rocks, 23 tháng Ba, 2020).

Một mẫu nghiên cứu dịch bệnh tại Đại học Southampton tìm thấy rằng nếu Trung hoa hành động có trách nhiệm chỉ cần một, hai hoặc ba tuần sớm hơn, thì con số bị ảnh hưởng bởi virus đã giảm bớt 66 phần trăm, 86 phần trăm và 95 phần trăm theo tỷ lệ tương ứng. Sự thất bại của họ đã làm bùng phát sự lây nhiễm toàn cầu cướp đi mạng sống hàng ngàn người.

Ở đất nước của tôi, Myanmar, chúng tôi rất dễ bị tổn thương. Giáp biên giới với Trung hoa, nơi COVID-19 khởi đầu, chúng tôi là một quốc gia nghèo, không có những nguồn tài nguyên chăm sóc sức khỏe và xã hội như những quốc gia phát triển có được. Hàng trăm ngàn người ở Myanmar bị di tản do xung đột, sống trong các trại ở miền quê hoặc trên các biên giới và không có sự vệ sinh phù hợp, không có thuốc hoặc y tế. Trong những trại quá đông đúc như vậy thì những biện pháp “cách ly xã hội” được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng là không khả thi. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã quá tải, như vậy hãy tưởng tượng những mối nguy hiểm trong một đất nước nghèo và bị xung đột tàn phá như Myanmar sẽ như thế nào.

Khi chúng ta khảo sát về thiệt hại đối với cuộc sống trên toàn thế giới, chúng ta phải đặt câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm? Đương nhiên, những chỉ trích có thể nhắm đến các nhà chức trách ở đâu đó. Nhiều chính phủ bị tố cáo đã thất bại trong việc chuẩn bị khi họ nhìn thấy coronavirus bùng phát ở Vũ hán.

Nhưng có một chính phủ chịu trách nhiệm chính, vì những gì họ đã làm và những gì họ đã không làm, và đó chính là Nhà nước Đảng Cộng sản Trung hoa (CCP) ở Bắc Kinh. Tôi xin nói rõ – người chịu trách nhiệm đó là CCP, không phải là người dân Trung hoa, và không người nào được phản ứng với cuộc khủng hoảng này bằng sự thù hận sắc tộc đối với người Trung hoa. Quả thật, người dân Trung hoa là những nạn nhân đầu tiên của virus này và đã từ lâu là nạn nhân chính của chính thể đàn áp của họ. Họ xứng đáng được sự thông cảm, sự đoàn kết và sự hỗ trợ của chúng ta. Nhưng chính sự đàn áp, những dối trá và sự thối nát của CCP phải chịu trách nhiệm.

Khi virus vừa mới xuất hiện, các nhà chức trách Trung hoa đã ngăn chặn tin tức. Thay vì bảo vệ công chúng và hỗ trợ các bác sĩ, CCP đã bịt miệng những người thông báo tin tức. Tệ hơn thế, các bác sĩ cố gắng gióng lên tiếng cảnh báo – như Bác sĩ Li Wenliang ở Bệnh viện Trung ương Vũ hán là người đã đưa ra cảnh báo cho các đồng nghiệp y bác sĩ ngày 30 tháng Mười Hai – bị công an bắt buộc phải “ngừng đưa ra những tin tức giả.” Bác sĩ Li, một bác sĩ nhãn khoa, được thông báo là ông sẽ bị điều tra về tội “lan truyền tin đồn” và bị công an buộc phải ký một bản tự thú. Ông sau đó đã bị chết vì nhiễm coronavirus.

Những nhà báo độc lập trẻ cố gắng báo cáo về virus sau đó đã biến mất. Li Zehua, Chen Qiushi và Fang Bin nằm trong số những người được tin là đã bị bắt chỉ vì nói sự thật. Học giả Xu Zhiyong cũng đã bị tống giam sau khi đăng tải một thư ngỏ chỉ trích phản ứng của nhà nước Trung hoa. 

Khi sự thật được tiết lộ, ban đầu CCP đã từ chối những đề nghị giúp đỡ. Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh của Hoa kỳ đã bị Bắc kinh làm lơ trong hơn một tháng, và ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới, cho dù tổ chức này cộng tác gần gũi với nhà nước Trung hoa, lúc đầu cũng bị gạt ra ngoài.

Còn hơn tất cả những điều này, có một sự quan ngại rất lớn rằng những số thống kê chính thức của nhà nước Trung hoa đã giảm bớt rất nhiều tỷ lệ ca nhiễm ở Trung hoa. Đồng thời, CCP đã tố cáo quân đội Hoa kỳ gây ra nạn đại dịch. Những dối trá và sự tuyên truyền đã đặt hàng triệu mạng sống con người trên khắp thế giới vào vòng nguy hiểm.

Sự điều khiển của CCP thể hiện bản chất đàn áp ngày càng nhiều. Trong những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến sự trừng trị thẳng tay ngày càng mạnh đối với sự tự do bày tỏ ở Trung hoa. Các luật sư, các blogger và các nhà hoạt động dân sự đã bị bắt bớ và biến mất. Đặc biệt, nhà nước đã khởi động một chiến dịch chống lại tôn giáo, dẫn đến hậu quả là sự phá hủy hàng ngàn nhà thờ và thánh giá và tống giam ít nhất một triệu người Hồi giáo Duy Ngô nhĩ trong các trại tập trung. Một tòa án độc lập ở London, chủ tịch là Sir Geoffrey Nice QC, người đã khởi tố Slobodan Milosevic, tố cáo CCP về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm. Và Hong Kong – đã từng là một trong những thành phố năng động nhất của Châu Á – đã nhìn thấy những quyền tự do, quyền con người và pháp quyền của mình bị cắt xén nghiêm trọng.

Qua việc xử lý phi nhân tính và vô trách nhiệm đối với dịch coronavirus, CCP đã chứng minh cho suy nghĩ của nhiều người trước đây: rằng họ là một mối đe dọa cho thế giới. Trung hoa là một đất nước vĩ đại, và nền văn minh cổ đại của họ đã đóng góp rất nhiều cho thế giới xuyên suốt lịch sử, nhưng nhà nước của họ thì vô trách nhiệm, qua sự cẩu thả gây ra tội ác và đàn áp, đối với đại dịch đang quét qua các đường phố của chúng ta hôm nay.

Nhà nước Trung hoa được lãnh đạo bởi Tập Cận Bình toàn quyền và Đảng Cộng sản Trung hoa (CCP) – không phải dân tộc Trung hoa – nợ tất cả chúng ta một lời xin lỗi, và bồi thường cho thiệt hại nó đã gây ra. Tối thiểu họ phải ghi những khoản nợ với các quốc gia khác, để bù lại chi phí cho Covid-19. Vì ích lợi của toàn nhân loại, chúng ta đừng sợ bắt chính thể này phải chịu trách nhiệm. Người Ki-tô hữu tin rằng, theo lời của Thánh Tông đồ Phaolo, “sự thật sẽ giải phóng các ông.” Sự thật và tự do là hai trụ cột song song mà dựa trên đó các quốc gia chúng ta phải xây dựng các nền tảng chắc chắn và vững mạnh hơn.

Hồng y Charles Bo., SDB

Tổng Giám mục Yangon và Chủ tịch của FABC

[Nguyên văn Trình bày bản tiếng Anh được Đức Hồng y Bo cung cấp cho ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/4/2020]