Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Một người vô thần trở thành nhà thần bí: câu chuyện đáng kinh ngạc của Itala Mela

Một người vô thần trở thành nhà thần bí: câu chuyện đáng kinh ngạc của Itala Mela

28 tháng Một, 2018
Một người vô thần trở thành nhà thần bí: câu chuyện đáng kinh ngạc của Itala Mela

Chị chọn phương châm “Lạy Chúa, con sẽ theo Người vào cả bóng đêm đen, đến cả cái chết.”

Sinh năm 1904 trong một gia đình vô thần, nhưng Itala Mela được nuôi dưỡng bởi ông bà là người Công giáo. Họ chuẩn bị cho cô được Rước lễ lần đầu và lãnh nhận Bí tích Thêm sức, cả hai Bí tích năm 1915. Tuy nhiên, một biến cố đau thương trong cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của cô về Thiên Chúa.

Năm 15 tuổi em trai của cô chết (9 tuổi) và điều đó để lại một khoảng trống hoàn toàn trong tâm hồn cô. Cô viết về cảm nhận của cô lúc đó, “Sau cái chết của em trai, chẳng còn gì.”

Chủ nghĩa vô thần theo chị nhiều năm sau đó cho đến năm 18 tuổi, chị có một trải nghiệm thiêng liêng sâu thẳm. Chuyện xảy ra vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm và sau đó chị quyết tâm kiên vững và tuyên bố, “Lạy Chúa, con sẽ theo Người vào cả bóng đêm đen, đến cả cái chết.”

Sau đó chị trở thành một thành viên của Liên đoàn Sinh viên Đại học Công giáo (FUCI) và vào Đại học Genoa. Chính trong những cuộc họp của FUCI mà chị gặp được Don Giovanni Battista Montini, người sau này trở thành Đức Giáo hoàng Phao-lô VI. Ngài Montini đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc đối với Mela.

Khi chị đang thăng tiến trên đời sống thiêng liêng chị có sự trải nghiệm thần bí khác, được miêu tả như tia sáng chói phát ra từ nhà tạm và đi vào tâm hồn chị. Sau đó chị viết, “Tôi cảm nhận thấy ý định của Đức Ki-tô tận trong sâu thẳm tâm hồn tôi, kéo tôi đi, nhận chìm tôi vào trong Ngài trong những đại dương của Chúa Ba Ngôi … Thật vô ích nếu tìm những con đường khác: đây là cách Người đã chọn cho sự thánh hóa của tôi.”

Cảm nhận được tiếng gọi vào đời sống tu trì, chị xin vào Dòng Biển Đức, nhưng sức khỏe không cho phép chị ở lại. Nhưng chị trở thành một Hiến sĩ của Dòng Biển Đức và tận hiến mình cho Chúa Ba Ngôi.

Chị viết nhiều bài viết về đời sống thiêng liêng sâu sắc và tiếp tục có những thị kiến thiêng liêng và xuất thần. 

Chị Mela qua đời năm 1957 ở tuổi 52. Đức Thánh Cha Phanxico nói về việc chị được nâng lên hàng chân phước trong một Huấn từ Kinh Truyền tin.

Anh chị em thân mến, hôm qua chị Itala Mela đã được nâng lên bậc chân phước ở La Spezia. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất xa cách đức tin; khi còn trẻ chị tuyên bố mình là một người vô thần, nhưng đã trở lại sau một trải nghiệm thiêng liêng rất lớn. Chị hoạt động giữa các sinh viên Đại học Công giáo; sau đó chị trở thành một Hiến sĩ Dòng Biển Đức và đi theo con đường thần bí tập trung vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng đặc biệt hôm nay. Mong sao chứng tá của vị Tân Chân Phước động viên chúng ta, trong mọi ngày của chúng ta, biết hướng ý nghĩ về Thiên Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần Đấng ngự trong tâm hồn chúng ta.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2018]


Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Phao-lô Tông đồ Trở lại (Toàn văn)

Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Phao-lô Tông đồ Trở lại (Toàn văn)

Kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất

25 tháng Một, 2018
Bài giảng của Đức Thánh Cha Lễ Thánh Phao-lô Tông đồ Trở lại (Toàn văn)
Vatican Media Screenshot
Lúc 5:30 chiều ngày 25 tháng Một, 2018, trong Vương cung Thánh đường Thánh Phao-lô Ngoại thành, Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Lễ Kinh Chiều thứ hai trong ngày Lễ trọng Thánh Phaolo Tông đồ Trở lại, cuối Tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất thứ 51, với chủ đề: Lạy Chúa, uy quyền thay bàn tay của Người (x. Xh 15:1-21).

Tham dự trong Thánh Lễ có đại diện của các Giáo hội và Cộng đoàn Hội thánh khác ở Roma.

Khi kết thúc Giờ Kinh Chiều, trước Phép Lành Tòa Thánh, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Ki-tô hữu, đọc lơi chào mừng Đức Thánh Cha.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh lễ.


* * *


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Bài đọc trích Sách Xuất hành, kể chuyện ông Môi-sê và bà Ma-ri-am, anh chị em, ông bà đã cất lên bài ngợi ca Thiên Chúa trên bờ Biển Đỏ, cùng với cộng đoàn dân Chúa đã được giải thoát khỏi Ai-cập. Họ hát lên niềm vui vì trong những dòng nước đó Thiên Chúa đã cứu họ thoát khỏi kẻ thù đang quyết tâm diệt trừ họ. Trước đó, Pha-ra-ông đã ra lệnh: “Mọi con trai Híp-ri sinh ra, hãy ném xuống sông Nin” (Xh 1:22). Nhưng khi tìm thấy một đứa trẻ bên trong một chiếc giỏ giữa đám lau sậy của sông Nin, con gái của Pha-ra-ông đã đặt tên cho bé là Môi-sê, vì bà nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước!” (Xh 2:10). Câu chuyện cứu thoát Môi-sê khỏi dòng nước đã báo trước một cuộc giải thoát lớn hơn, đó là cuộc giải thoát toàn dân, cuộc giải thoát mà Thiên Chúa đã mở ra lối đi xuyên qua dòng nước của Biển Đỏ, rồi sau đó đổ ập xuống trên kẻ thù. Nhiều Giáo phụ xưa giải thích cuộc giải thoát này như là một hình ảnh của Bí tích Thánh Tẩy. Chính tội của chúng ta đã bị Thiên Chúa nhận chìm trong những dòng nước của Phép Thánh Tẩy. Còn hơn cả Ai-cập, tội luôn đe dọa bắt chúng ta làm nô lệ, nhưng sức mạnh của tình yêu của Thiên Chúa đã nhận chìm nó. Thánh Augustine (Bài giảng 223E) giải thích Biển Đỏ, nơi người Israel chứng kiến sự giải thoát của Thiên Chúa, như là dấu hiệu báo trước của Máu của Đức Ki-tô Đóng Đinh, nguồn cội ơn cứu độ. Tất cả người Ki-tô hữu chúng ta đã đi qua những dòng nước của Phép Thánh Tẩy, và ơn sủng của Bí tích đã phá hủy những kẻ thù của chúng ta, tội, và sự chết. Bước lên khỏi dòng nước, chúng ta lấy lại được sự tự do của con cái; chúng ta đứng lên như một dân tộc, như một cộng đoàn gồm những anh em chị em được giải thoát, như là những người đồng hương của các thánh và là người nhà của Thiên Chúa” (Eph 2:19). Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm nền tảng: ân sủng của Thiên Chúa, lòng thương xót đầy quyền năng của Người giải thoát chúng ta. Và chính vì Thiên Chúa đã thực hiện vinh quang này nơi chúng ta, nên chúng ta cùng nhau hát lên lời ca khen.

Trong đời sống, chúng ta trải nghiệm lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng mỗi ngày yêu thương giải thoát chúng ta khỏi tội, khỏi sự sợ hãi, và khỏi những thống khổ. Những kinh nghiệm quý báu này được cất giữ trong tâm hồn và trong ký ức. Tuy nhiên, đối với Môi-sê, kinh nghiệm cá nhân được liên kết đến một lịch sử lớn hơn, đó là lịch sử cứu độ dân Chúa. Chúng ta nhìn nó trong bài ca được người Israel đồng thanh cất lên. Nó bắt đầu từ một câu chuyện riêng tư: Chúa là sức mạnh của tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi (Xh 15:2). Nhưng ngay lập tức nó trở thành câu chuyện cứu độ toàn dân: “Còn dân đã chuộc về, Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự” (c. 13). Người cất lên lời ca này nhận ra rằng ông không cô đơn trên bờ Biển Đỏ, nhưng xung quanh là những anh em chị em, những người đã đón nhận cùng ân sủng và cùng cất lên lời ca khen.

Và Thánh Phao-lô mà chúng ta mừng sự trở lại của ngài hôm nay, đã có kinh nghiệm rất mạnh mẽ về ân sủng, ân sủng đã gọi ngài từ một kẻ bắt đạo trở thành một Tông đồ của Đức Ki-tô. Ân sủng của Thiên Chúa cũng dẫn đưa ông ngay lập tức đi tìm mối quan hệ với những Ki-tô hữu khác, đầu tiên tại Đa-mát và sau đó tại Giê-ru-sa-lem (x. Cv 9:19.26-27). Đây là kinh nghiệm của người tín hữu chúng ta. Khi chúng ta càng lớn lên trong đời sống thiêng liêng, chúng ta hiểu rõ hơn rằng ân sủng đến với chúng ta cùng với tha nhân và phải được chia sẻ với tha nhân. Vì vậy, khi tôi cất tiếng ca tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Người đã làm cho tôi, tôi khám phá ra rằng tôi không hát một mình vì những người anh em chị em khác cùng có tiếng ca tạ ơn như tôi.

Nhiều tông phái Ki-tô giáo khác cũng có kinh nghiệm này. Trong thế kỷ qua, cuối cùng chúng ta tìm thấy mình cùng ở trên những bờ Biển Đỏ. Chúng ta được cứu thoát trong Bí tích Thánh Tẩy và cất lên bài ca ngợi khen, bài ca mà những người anh em chị em khác cùng cất lên, thuộc về chúng ta vì nó cũng là của chúng ta. Khi chúng ta nói rằng chúng ta công nhận Bí tích Rửa tội của những Ki-tô hữu thuộc các truyền thống khác, chúng ta tuyên xưng rằng họ cũng đã đón nhận sự tha thứ và ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong họ. Và chúng ta thừa nhận sự tôn thờ của họ như là cách bày tỏ sự ca khen đích thực vì những gì Thiên Chúa đã thực hiện. Vì vậy chúng ta ước mong được cầu nguyện chung với nhau, hiệp nhất những tiếng nói của chúng ta nhiều hơn. Và ngay cả khi những sự khác biệt chia cách chúng ta, chúng ta vẫn biết rằng chúng ta thuộc về dân tộc được cứu chuộc, thuộc về cùng gia đình của những anh em chị em được một Chúa Cha thương yêu.

Sau sự giải thoát, dân được chọn thực hiện một hành trình dài thời gian và khó khăn qua sa mạc, có những lúc do dự, nhưng lấy sức mạnh từ ký ức của công cuộc cứu độ của Thiên Chúa và của sự hiện hữu gần gũi của Người. Người Ki-tô hữu hôm nay cũng tìm thấy nhiều khó khăn trên hành trình, vây quanh bởi quá nhiều những sa mạc tinh thần, chúng làm cho niềm hy vọng và niềm vui bị khô kiệt. Trên hành trình cũng có nhiều sự nguy hiểm lớn, chúng đặt cuộc sống vào những mối hiểm nguy: không biết bao nhiêu anh em ngày nay đang chịu bắt bớ vì danh Chúa Giê-su! Khi máu của họ đổ ra, cho dù họ có thuộc về các Tông phái khác, thì họ trở thành những chứng nhân của đức tin, những người tử đạo, được hiệp nhất trong mối dây của ân sủng bí tích rửa tội. Cùng với bạn bè thuộc các truyền thống tôn giáo khác, người Ki-tô hữu cũng đối mặt với những thử thách hạ thấp nhân phẩm của hôm nay: họ chạy trốn khỏi những hoàn cảnh xung đột và nghèo khó; là nạn nhân của nạn buôn người và những hình thức nô lệ hiện đại; họ chịu đựng sự nhọc nhằn và đói, trong một thế giới giàu có hơn về của cải nhưng nghèo hơn về sự yêu thương, nơi tiếp tục gia tăng những sự bất bình đẳng. Tuy nhiên, như người Israel trong cuộc Xuất hành, người Ki-tô hữu được kêu gọi cùng nhau bảo vệ ký ức về tất cả những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi họ. Làm sống lại ký ức này, chúng ta có thể chịu đựng lẫn nhau và đối mặt với mọi thử thách bằng lòng dũng cảm và hy vọng, vũ khí duy nhất là cùng với Chúa Giê-su và sức mạnh nhân từ của Tin mừng của Người.

Thưa anh chị em, với tâm hồn ngập tràn niềm vui vì hôm nay đã cùng nhau cất lên lời ngợi ca Thiên Chúa Cha, qua Đức Ki-tô Đấng Cứu Độ chúng ta và trong Thần Khí ban tặng sự sống, cha gửi những lời chào thân ái đến tất cả anh chị em: đến Đức Tổng Giám mục Chính tòa Gennadios, Đại diện của Thượng phụ Đại kết; Đức Bernard Ntahoturi, đại diện riêng của Đức tổng giám mục Canterbury ở Roma, và tất cả quý vị Đại diện và thành viên của các tông phái Ki-tô giáo khác ở đây. Tôi rất vui được gửi lời chào đến Phái đoàn Đại kết của Phần lan, mà tôi được hân hạnh tiếp sáng nay. Cha xin chào các sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, đang thực hiện chuyến viếng thăm Roma để đào sâu kiến thức về Giáo hội Công giáo, và các bạn trẻ Chính thống giáo và Chính thống Đông phương đang theo học tại đây nhờ sự quảng đại của Ủy ban hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Chính thống, hoạt động trong Ủy ban Giáo hoàng Thúc đẩy sự Hiệp nhất Ki-tô hữu. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa vì những gì Người đã thực hiện trong cuộc sống và trong cộng đoàn của chúng ta. Bây giờ chúng ta dâng lên Người những sự thiếu thốn của chúng ta và của thế giới, tin tưởng rằng Người, với tình yêu trung tín, sẽ tiếp tục giải thoát và đồng hành với dân Người trên hành trình.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/1/2018]