Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 12 tháng 12, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 12 tháng 12, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 12 tháng Mười Hai, 2021

________________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật Thứ Ba của Mùa Vọng, giới thiệu cho chúng ta nhiều nhóm người khác nhau – đám đông, những người thu thuế và binh lính – họ được những lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả đánh động, họ hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3:10). Chúng tôi phải là làm gì đây? Đây là câu hỏi mà họ đã đặt ra. Chúng ta cùng suy niệm một chút về câu hỏi này.

Nó không xuất phát từ ý thức trách nhiệm. Đúng hơn, tâm hồn đã được Chúa chạm đến. Chính lòng nhiệt thành chờ mong Người đến đã khiến họ đặt câu hỏi: chúng tôi phải làm gì đây? Và ông Gioan nói: “Chúa đã đến gần. Chúng ta phải làm gì?” Chúng ta lấy một ví dụ: hãy nghĩ về một người rất thân sắp đến thăm chúng ta. Chúng ta vui mừng và thậm chí nóng lòng chờ đợi người đó. Để chào đón người ấy, chúng ta sẽ làm những việc cần làm: dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa tối ngon nhất có thể, có lẽ là một món quà… Tóm lại, có những việc chúng ta sẽ làm. Với Chúa cũng vậy. Niềm vui khi Người đến khiến chúng ta tự hỏi: chúng ta phải làm gì đây? Nhưng Chúa nâng câu hỏi này lên một tầm mức cao hơn: tôi nên làm gì với cuộc đời của tôi? Tôi được kêu gọi làm gì? Tôi sẽ trở thành gì?

Bằng cách gợi ý câu hỏi này, Tin Mừng nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: cuộc sống có một nghĩa vụ cho chúng ta. Cuộc sống không vô nghĩa; nó không bị phó mặc cho cơ hội. Không! Đó là một món quà Chúa ban cho chúng ta, nói với chúng ta rằng: hãy khám phá bạn là ai, và hãy siêng năng làm việc để biến ước mơ của cuộc đời bạn thành hiện thực! Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh phải hoàn thành – anh chị em đừng quên điều này. Vì vậy, đừng ngại hỏi Chúa: con phải làm gì? Chúng ta hãy liên tục hỏi đi hỏi lại Người câu hỏi này. Nó cũng được kể lại trong Kinh thánh: trong sách Tông đồ Công vụ, một số người khi nghe Thánh Phêrô loan báo sự sống lại của Chúa Giêsu, “họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: ‘Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’” (2:37). Chúng ta cũng hãy tự hỏi mình: tôi nên làm điều gì tốt cho chính bản thân và cho anh chị em của tôi? Làm thế nào tôi có thể đóng góp những việc tốt lành cho lợi ích của Giáo hội, cho lợi ích của xã hội? Ý nghĩa của Mùa Vọng như thế này: dừng lại và tự hỏi bản thân làm thế nào để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh. Chúng ta rất bận rộn với tất cả các sự chuẩn bị, với những món quà và những thứ mau qua. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta phải làm gì cho Chúa Giêsu và cho người khác! Chúng ta phải làm gì?

Sau câu hỏi, “chúng tôi phải làm gì đây?”, Tin Mừng liệt kê các câu trả lời khác nhau của ông Gioan Tẩy Giả cho mỗi nhóm. Thật vậy, ông Gioan đề nghị rằng những người có hai áo nên chia sẻ với những người không có; với những người thu thuế ông nói: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc 3:13); và với những người lính: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta (xem câu 14).” Ông nói một việc cụ thể cho mỗi người phù hợp với hoàn cảnh thực tế của họ trong cuộc sống. Việc này cho chúng ta một bài học quý giá: đức tin được hóa thân trong đời sống cụ thể. Nó không phải là một lý thuyết trừu tượng. Đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, một lý thuyết tổng quát – không! Đức tin chạm vào cá nhân chúng ta và biến đổi cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về sự cụ thể của đức tin của chúng ta. Đức tin của tôi có trừu tượng không, có phải là điều trừu tượng hay cụ thể? Nó có dẫn tôi đến việc phục vụ người khác, giúp đỡ họ không?

Và vì vậy, để kết thúc, chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta phải làm cụ thể điều gì trong những ngày này khi chúng ta gần đến lễ Giáng sinh? Tôi có thể làm phần việc của mình như thế nào? Hãy chọn điều gì đó cụ thể, cho dù nó nhỏ bé, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống, và hãy tiếp tục làm việc đó để chuẩn bị cho Giáng sinh này. Chẳng hạn: tôi có thể gọi điện thoại cho một người đang ở một mình, đến thăm người già hoặc người bị bệnh, làm điều gì đó để phục vụ một người nghèo, một người đang gặp khó khăn. Và thậm chí là: có thể tôi cần xin sự tha thứ, cần tha thứ, cần làm rõ một tình huống, trả một món nợ. Có lẽ tôi đã bỏ bê việc cầu nguyện và sau rất nhiều thời gian đã trôi qua, đã đến lúc xin Chúa tha thứ. Thưa anh chị em, hãy tìm một điều gì đó cụ thể và thực hiện nó! Xin Mẹ Maria, Đấng Thiên Chúa mặc lấy xác phàm trong cung lòng Mẹ, trợ giúp chúng ta.

______________________________________

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 12 tháng 12, 2021


Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin dâng lời cầu nguyện cho đất nước Ukraine thân yêu, cho tất cả các Giáo hội và cộng đoàn dòng tu, và cho toàn thể người dân của đất nước để những căng thẳng mà quốc gia này đang trải qua có thể được giải quyết thông qua một cuộc đối thoại quốc tế nghiêm túc chứ không phải bằng vũ khí. Một thống kê tôi đọc gần đây khiến tôi rất buồn: năm nay vũ khí được sản xuất nhiều hơn năm ngoái. Vũ khí không phải là con đường đúng đắn. Cầu mong Giáng sinh của Chúa mang lại hòa bình cho Ukraine.

Tôi cũng cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão lốc xoáy đã tấn công Kentucky và các khu vực khác của Hoa Kỳ.

Và bây giờ, cho phép tôi chuyển sang tiếng Tây Ban Nha để tôi có thể gửi lời chào đến các cộng đồng của toàn lục địa Mỹ Latinh và Philippines – có rất nhiều quốc kỳ của các quốc gia Mỹ Latinh – anh chị em đã tập trung tại đây trong Quảng trường Thánh Phêrô đọc kinh Mân Côi để tôn vinh Đức Trinh nữ Guadalupe và để dâng mình cho Mẹ, xin chúc mừng! Tôi xin chúc mừng anh chị em, bằng cách này, đã hiệp thông với anh chị em từ Alaska đến Patagonia đang cử hành Đức Mẹ Guadalupe, Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta mừng kính vào ngày 12 tháng Mười Hai hàng năm. Xin Đức Trinh Nữ Guadalupe và Thánh Juan Diego dạy chúng ta biết luôn cùng nhau bước đi từ những vùng ngoại vi hướng về trung tâm trong sự hiệp thông với Đấng Kế vị các Tông đồ, là các Đức Giám mục, để loan tin vui cho mọi người. Kinh nghiệm này phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Bằng cách này, Thiên Chúa, Đấng hiệp thông, sẽ thúc đẩy chúng ta sám hối và canh tân Giáo hội và xã hội, điều mà chúng ta rất cần ở Châu Mỹ – tình hình ở nhiều nước Châu Mỹ Latinh rất đáng buồn – cũng như trên toàn thế giới. Tôi rất vui vì thông qua các hành động đức tin, và làm chứng ​​công khai như những gì anh chị em đang làm hôm nay, chúng ta bắt đầu chuẩn bị cho Năm Thánh Guadalupe vào năm 2031 và Năm Thánh Cứu chuộc vào năm 2033, chúng ta phải luôn tiếp tục mong chờ, phải không? Tất cả mọi người cùng nhau – Viva la Virgen de Guadalupe!

Tôi cũng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Caritas Quốc tế nhân kỷ niệm 70 năm thành lập. Tổ chức vẫn còn non trẻ. Tổ chức cần phải lớn lên và trở nên mạnh mẽ hơn! Caritas là cánh tay yêu thương của Giáo hội dang rộng ra cho những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trên khắp thế giới, những người mà Chúa Kitô hiện diện trong họ. Tôi mời gọi anh chị em thi hành việc phục vụ của mình với sự khiêm tốn và sáng tạo để tiếp cận những người bị thiệt thòi nhất và thúc đẩy sự phát triển toàn diện như liều thuốc giải độc cho văn hóa “vứt bỏ” và sự thờ ơ. Đặc biệt, tôi khuyến khích chiến dịch “Together We Campaign” quốc tế của anh chị em, được thành lập dựa trên sức mạnh của cộng đồng trong việc thúc đẩy sự chăm sóc cho tạo vật và người nghèo. Những vết thương gây ra cho ngôi nhà chung của chúng ta đã gây ra những hậu quả tàn phá đối với những người bé mọn nhất. Nhưng các cộng đồng có thể góp phần vào việc hoán cải sinh thái cần thiết. Vì lý do này, tôi mời gọi anh chị em tham gia vào chiến dịch của Caritas Quốc tế. Và với anh chị em Caritas Quốc tế, hãy tiếp tục công việc sắp xếp hợp lý tổ chức để số tiền không đi vào tổ chức mà đến với người nghèo. Sắp xếp tổ chức thật hợp lý.

Và cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người dân thành Roma và anh chị em hành hương; đặc biệt là các thiếu nhi và thiếu niên nam nữ đã đến với các tượng Chúa Hài Đồng Giêsu để được làm phép. Cuối cùng, cha sẽ làm phép tất cả các tượng Chúa Hài Đồng Giêsu. Tôi xin cảm ơn Trung tâm Oratory của Roma, và cha nhờ các con chuyển những lời chúc Giáng sinh của cha đến ông bà và tất cả những người thân yêu của các con.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Một lần nữa, chúng ta kính chào Mẹ Maria Guadalupe. Viva la Virgen de Guadalupe!. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/12/2021]


Tiếp kiến các phái đoàn dâng cúng Cây thông Noel và Cảnh Chúa Giáng sinh ở Quảng trường Thánh Phêrô, 10.12.2021

Tiếp kiến các phái đoàn dâng cúng Cây thông Noel và Cảnh Chúa Giáng sinh ở Quảng trường Thánh Phêrô, 10.12.2021

Tiếp kiến các phái đoàn dâng cúng Cây thông Noel và Cảnh Chúa Giáng sinh ở Quảng trường Thánh Phêrô, 10.12.2021

*****

Sáng nay trong Khán phòng Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các phái đoàn từ vùng Huancavelica của Peru và từ Andalo thuộc tỉnh Trentino đến dâng tặng món quà là Cảnh Chúa Giáng sinh và Cây thông Noel trong Quảng trường Thánh Phêrô năm nay.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha với những người có mặt:

Tiếp kiến các phái đoàn dâng cúng Cây thông Noel và Cảnh Chúa Giáng sinh ở Quảng trường Thánh Phêrô, 10.12.2021


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi xin chào mừng anh chị em nhân dịp khánh thành Cây thông Noel và Cảnh Chúa giáng sinh trong Quảng trường Thánh Phêrô, cũng như Cảnh Chúa Giáng sinh trong Khán phòng này.

Tôi xin gửi lời chào thân ái tới phái đoàn Peru từ Huancavelica, khu vực có ngôi làng Chopcca, nơi xuất xứ của Cảnh Chúa Giáng sinh lớn trong Quảng trường. Tôi xin cảm ơn Đức cha Carlos Salcedo Ojeda về những lời của ngài, và tôi xin gửi lời cảm ơn đến các cơ quan dân sự và giáo hội, đặc biệt là ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Peru, và tất cả những người đã cộng tác. Các nhân vật trong máng cỏ, được làm từ các chất liệu và trang phục đặc trưng của các vùng lãnh thổ đó, đại diện cho các dân tộc trên dãy Andes và tượng trưng cho tiếng gọi ơn cứu độ phổ quát. Chúa Giêsu đến thế gian trong thực tại cụ thể của một dân tộc để cứu rỗi mọi người, thuộc mọi nền văn hóa và quốc gia. Ngài đã hạ mình trở nên nhỏ bé để chúng ta có thể chào đón và đón nhận ân huệ là sự dịu dàng của Thiên Chúa.

Bên cạnh máng cỏ là cây vân sam đồ sộ đến từ rừng Andalo, ở Trentino. Tôi xin chào phái đoàn đã đến từ vùng đó: các nhà hữu trách, các linh mục và tín hữu đi cùng với Đức Tổng Giám mục Lauro Tisi, và tôi xin cảm ơn những lời của ngài. Tối nay, khi kết thúc lễ bàn giao chính thức, đèn trang trí cây Noel sẽ được bật lên. Cây Noel sẽ đứng bên cạnh máng cỏ cho đến hết mùa Giáng sinh và sẽ được người hành hương từ nhiều nơi đến chiêm ngưỡng. Cây linh sam là dấu chỉ của Chúa Kitô, cây sự sống (x. Kh 2:7), loài cây mà con người không thể chạm vào vì tội lỗi (x. St 2:9). Nhưng với lễ Giáng sinh, sự sống nước trời được giao hòa với sự sống của con người. Do đó, cây thông Noel gợi lên sự tái sinh, món quà của Thiên Chúa, Đấng đã kết hợp Ngài với con người mãi mãi, Đấng ban cho chúng ta sự sống của Ngài. Đèn trang trí của cây linh sam nhắc lại ánh sáng của Chúa Giêsu, ánh sáng của tình yêu tiếp tục chiếu tỏa trong đêm tối của thế gian.

Các bạn thân mến, Giáng sinh là như vậy, chúng ta đừng để Lễ Giáng sinh bị ô nhiễm bởi chủ nghĩa tiêu dùng và sự thờ ơ. Các biểu tượng của nó, đặc biệt là cảnh Chúa Giáng sinh và cây được trang trí, đưa chúng ta trở lại sự chắc chắn rằng tâm hồn chúng ta được đổ đầy sự bình an, trở lại với niềm vui của sự Nhập thể, trở lại với Thiên Chúa, Đấng trở nên quen thuộc: Người sống với chúng ta, Người mang đến một nhịp điệu hy vọng cho ngày của chúng ta. Cây Noel và khung cảnh Chúa Giáng sinh giới thiệu cho chúng ta bầu không khí Giáng sinh điển hình là một phần di sản của cộng đoàn chúng ta: bầu không khí của sự dịu dàng, chia sẻ và sự mật thiết gia đình. Xin chúng ta đừng trải qua một Giáng sinh giả tạo, một Giáng sinh thương mại! Chúng ta hãy để cho mình được bao bọc bởi sự gần gũi của Thiên Chúa, sự gần gũi này là lòng từ bi, là sự dịu dàng; được bao trùm bởi bầu không khí Giáng sinh mà nghệ thuật, âm nhạc, những bài ca và các truyền thống mang đến cho tâm hồn chúng ta.

Những người sẽ đến đây, đến Khán phòng Phaolô VI, trong những ngày tới sẽ có thể thưởng thức bầu không khí này cũng nhờ cảnh Chúa Giáng sinh sắp được khánh thành. Cảnh này được thực hiện bởi những bạn trẻ đến từ giáo xứ San Bartolomeo ở Gallio, thuộc giáo phận Padua, các bạn đang hiện diện ở đây cùng với Đức Cha Claudio Cipolla, và tôi xin cảm ơn ngài vì những điều ngài chia sẻ. Tôi xin cảm ơn về món quà này, hoa trái của sự cam kết và suy tư về Giáng sinh, ngày lễ của sự tin tưởng và hy vọng. Lý do của niềm hy vọng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Ngài tin tưởng chúng ta và Ngài không bao giờ mệt mỏi vì chúng ta! Và Người không bao giờ mệt mỏi với sự tha thứ: chính chúng ta là những người mệt mỏi về việc xin tha thứ. Ngài đến để cư ngụ với con người, Ngài chọn mặt đất làm nơi cư ngụ của Ngài để ở cùng chúng ta và đón nhận những thực tại nơi chúng ta sống. Đây là điều mà cảnh Chúa giáng sinh dạy chúng ta. Vào Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa mặc khải Người không phải là Đấng ở trên cao để thống trị, nhưng là Đấng cúi mình xuống, nhỏ bé và nghèo khó, một người bạn đồng hành trên đường, để phục vụ: điều này có nghĩa là để trở nên giống với Ngài, hãy theo con đường hạ mình xuống, phục vụ. Để có ngày Lễ Giáng Sinh, chúng ta đừng quên điều này: Thiên Chúa đến cư ngụ giữa chúng ta và yêu cầu chúng ta chăm sóc cho anh chị em của mình, đặc biệt là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, mong manh nhất, những người mà đại dịch đã gạt họ ra ngoài lề nhiều hơn nữa. Đây là cách Chúa Giêsu đến, và cảnh Chúa Giáng sinh nhắc nhở chúng ta về điều đó.

Xin Mẹ Maria và Thánh Giuse giúp chúng ta sống Lễ Giáng sinh theo cách này. Một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng biết ơn với tất cả anh chị em, với đất nước và gia đình của anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/12/2021]