Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Những lời cuối cùng của Đức Bênêđictô: Lạy Chúa, con yêu mến Ngài

Những lời cuối cùng của Đức Bênêđictô: Lạy Chúa, con yêu mến Ngài

Những lời cuối cùng của Đức Bênêđictô: Lạy Chúa, con yêu mến Ngài

MARCIN MAZUR CCN | catholicnews.org.uk

I.Media for Aleteia

31/12/22 - updated on 01/01/23


Và theo các bản tin, Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên ở bên giường của Đức nguyên Giáo hoàng sau khi ngài qua đời.

Cập nhật:

Vào tối ngày 1 tháng Một, Vatican News đã xác nhận với một chút sửa đổi nhỏ trong bản tin ban đầu về những lời cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI.

Nhà báo Andrea Tornielli tường thuật rằng Đức Tổng Giám mục Georg Gänswein, thư ký của Đức Nguyên Giáo hoàng, kể lại rằng Đức Bênêđictô nói lời cuối vào khoảng 3 giờ sáng ngày 31 tháng 12, khoảng sáu giờ trước khi ngài trút hơi thở cuối cùng. Ngài chưa hấp hối, và những người hầu cận thay phiên nhau hỗ trợ ngài; trong ca trực đó có một y tá không nói được tiếng Đức.

“Đức Bênêđictô XVI, với một giọng nói yếu ớt nhưng rõ ràng, nói bằng tiếng Ý, ‘Signore ti amo!’ (‘Lạy Chúa con yêu mến Ngài!). Tôi không có mặt vào thời điểm đó, nhưng người y tá đã kể lại với tôi ngay sau đó. Đó là những lời cuối cùng còn có thể nhận thức được của ngài, vì từ đó về sau ngài không thể diễn đạt được gì nữa.”

Bản tin ban đầu:

“Jesus, ich liebe dich” (Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài) là những lời cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI, theo phóng viên Vatican người Argentina Elisabetta Piqué của tờ La Nacion, ngày 31 tháng Mười Hai, 2022.

Nhà báo, được coi là có nguồn tin giá trị ở Vatican, cho biết rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô ngay lập tức đến bên giường của vị tiền nhiệm ngay sau khi ngài qua đời. Điều này sau đó đã được Vatican xác nhận.

Khi Đức Nguyên Giáo hoàng trút hơi thở cuối cùng lúc 9:34 sáng, vị thư ký của ngài là Đức Tổng Giám mục Georg Ganswein đã gọi điện thoại cho Đức Thánh Cha Phanxicô để thông báo về cái chết của Đức Nguyên Giáo hoàng. “Mười phút sau, ngài cựu tổng giám mục Buenos Aires là người đầu tiên đến bên giường người chết để ban phép lần cuối và thinh lặng cầu nguyện bên cạnh thi hài đức Nguyên Giáo hoàng,” trang web của tờ báo Argentina viết.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô chia buồn với những người ở tu viện Mater Ecclesiae, khu nhà của Vatican nơi Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã sống từ sau khi ngài từ nhiệm vào tháng 2 năm 2013. Đức Phanxicô chào hai bác sĩ và hai y tá có mặt, và bốn nữ giáo dân thánh hiến phụ trách chăm sóc Đức nguyên Giáo hoàng hàng ngày, và cuối cùng là thư ký của Đức Giáo hoàng người Đức, Nữ tu Birgit Wansing.

Theo bản tin trên tờ La Nacion, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn tin tức được chia sẻ ngay lập tức, nên Đức Tổng Giám mục Ganswein đã gọi ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, thông báo về sự qua đời của Đức Bênêđictô cho thế giới.

Vào ngày 28 tháng 12, Đức Giáo hoàng người Argentina đã đến thăm Đức nguyên Giáo hoàng, khi đó sức khỏe ngài đã xấu hơn.

Chiều nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã “rất xúc động” nói về vị tiền nhiệm của ngài, “Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI kính yêu” trong bài giảng Kinh Chiều Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Trong những lời đầu tiên trước công chúng sau khi vị giáo hoàng thứ 265 qua đời, ngài ca ngợi “sự tốt lành” của vị Giáo hoàng người Đức và bày tỏ sự tri ân đối với “tất cả những điều tốt đẹp mà Đức Cố Giáo hoàng đã thực hiện, và trên hết là chứng tá đức tin và lời cầu nguyện của ngài”.

An táng

Đức Bênêđictô XVI yêu cầu được chôn cất trong ngôi mộ ban đầu đã chôn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trước khi vị Giáo hoàng người Ba Lan được chuyển đến tầng chính của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/1/2023]


Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô: Tạ ơn Chúa vì Đức Bênêđictô XVI, ‘Người tôi tớ trung thành của Tin Mừng và Giáo hội’

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô: Tạ ơn Chúa vì Đức Bênêđictô XVI, ‘Người tôi tớ trung thành của Tin Mừng và Giáo hội’

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô: Tạ ơn Chúa vì Đức Bênêđictô XVI, ‘Người tôi tớ trung thành của Tin Mừng và Giáo hội’

© Vatican Media


*******

Cuối Thánh Lễ trọng Đức Maria Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Vatican và nhân Ngày Thế Giới Hòa Bình lần thứ 56, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa để đọc kinh Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô theo lịch gặp gỡ thông thường vào Chúa nhật.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi ngài xướng đọc Kinh Truyền tin:

_________________________________________________

Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em ngày tốt lành và Chúc mừng Năm mới!

Khởi đầu năm mới được phó thác cho Mẹ Maria Rất Thánh mà hôm nay chúng ta mừng kính là Mẹ Thiên Chúa. Vào lúc này, chúng ta xin Mẹ chuyển cầu cách đặc biệt cho Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã qua đời sáng hôm qua. Tất cả chúng ta cùng hiệp chung một lòng một linh hồn để tạ ơn Chúa vì hồng ân của người tôi tớ trung tín của Tin mừng và Giáo hội. Gần đây chúng ta đã được xem trên truyền hình chương trình “Sua Immagine”, tất cả những gì ngài đã làm và cuộc đời của Đức Benedict.

Khi chiêm ngắm Đức Maria trong chuồng bò nơi Chúa Giêsu hạ sinh, chúng ta hãy tự hỏi mình: Đức Trinh Nữ rất Thánh dùng ngôn ngữ nào để nói với chúng ta? Đức Maria nói với chúng ta cách nào? Chúng ta học được gì nơi Mẹ cho năm mới đang bắt đầu? Chúng ta hãy thưa, “Lạy Mẹ, xin dạy chúng con những gì chúng con cần phải làm trong năm nay.”

Quả thật, nếu chúng ta quan sát khung cảnh mà Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta, chúng ta thấy rằng Mẹ Maria không nói. Mẹ đón nhận mầu nhiệm mà Mẹ đang trải qua với lòng tôn kính, Mẹ nâng niu mọi sự trong lòng, và trên hết, Mẹ quan tâm đến Hài nhi được “đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2:16), như Tin mừng nói. Động từ “đặt nằm” này có nghĩa là đặt cách cẩn thận, và điều này nói cho chúng ta biết rằng ngôn ngữ thích đáng với Mẹ Maria là từ mẫu: Mẹ dịu dàng chăm sóc Hài Nhi. Đây là sự vĩ đại của Mẹ Maria. Khi các thiên thần ca mừng, các mục đồng chạy đến và mọi người lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa vì những gì đã xảy ra, Đức Maria không nói, Mẹ không làm vui lòng khách bằng cách giải thích mọi điều đã xảy ra với Mẹ, Mẹ không giành sự chú ý và khen ngợi – với chúng ta thì thích giành được sự chú ý và khen ngợi! – Mẹ không giành sự chú ý và khen ngợi. Ngược lại, Mẹ đặt Hài Nhi vào trung tâm, Mẹ âu yếm chăm sóc Hài Nhi. Một nhà thơ từng viết rằng Mẹ Maria “thậm chí biết cách thinh lặng cách trang trọng, […] vì Mẹ không muốn lạc mất ánh mắt nhìn vào Thiên Chúa” (A. Merini, Corpo d’amore. Un incontro con Gesù, Milano 2001, 114).

Đây là ngôn ngữ đặc trưng của tình mẫu tử: dịu dàng chăm sóc. Quả thật, sau khi mang trong cung lòng món quà kỳ diệu huyền nhiệm suốt chín tháng, những người mẹ luôn đặt con của họ vào trung tâm chú ý: họ cho các bé ăn, họ bồng ẵm chúng trong vòng tay, họ dịu dàng đặt chúng nằm trong nôi. Chăm sóc – đây là ngôn ngữ của Mẹ Thiên Chúa, ngôn ngữ của những người mẹ: chăm sóc.

Thưa anh chị em, cũng như tất cả những người mẹ, Đức Maria đã cưu mang sự sống trong cung lòng Mẹ, và do đó Mẹ nói với chúng ta về tương lai của chúng ta. Nhưng đồng thời, Mẹ nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta thật sự muốn một Năm mới tốt lành, nếu chúng ta muốn xây dựng lại niềm hy vọng, chúng ta phải từ bỏ thứ ngôn ngữ, những hành động và lựa chọn được khơi gợi bởi chủ nghĩa vị kỷ, và học lấy ngôn ngữ của tình yêu, đó là chăm sóc. Chăm sóc là ngôn ngữ mới để chống lại những ngôn ngữ của chủ nghĩa vị kỷ. Đây là sự cam kết: chăm sóc cuộc sống của chúng ta – mỗi người chúng ta cần phải chăm sóc cuộc sống của riêng mình – chăm sóc thời gian, linh hồn của chúng ta; chăm sóc tạo vật và môi trường chúng ta đang sống; và hơn thế nữa là chăm sóc người lân cận của mình, những người mà Thiên Chúa đặt bên cạnh chúng ta, cũng như những anh chị em túng thiếu và những người kêu gọi sự quan tâm và lòng trắc ẩn của chúng ta. Nhìn vào Đức Mẹ với Hài Nhi, ở đó đang chăm sóc Hài Nhi, chúng ta hãy học cách chăm sóc người khác, ngay cả việc chăm sóc bản thân, chăm sóc sức khỏe tâm hồn, đời sống tinh thần, lòng bác ái của chúng ta.

Kỷ niệm Ngày Thế giới Hòa bình hôm nay, chúng ta hãy ý thức lại trách nhiệm đã được trao phó cho chúng ta để xây dựng tương lai – trước những khủng hoảng cá nhân và xã hội mà chúng ta đang trải qua, trước thảm kịch chiến tranh, “chúng ta được kêu gọi đối phó với những thách thức của thế giới trong tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn” (Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 56, 5). Và chúng ta có thể làm được điều này nếu chúng ta biết chăm sóc lẫn nhau, và nếu tất cả chúng ta cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung.

Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa, để trong thời đại này đã bị ô nhiễm bởi sự mất lòng tin và thờ ơ, xin Mẹ làm cho chúng ta có khả năng thương xót và chăm sóc – có khả năng thương xót và chăm sóc – có khả năng “nhìn gần hơn và cảm thông hơn với người khác bất cứ khi nào cần” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 169).



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/1/2023]