Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

“Chúng ta có thể đồng hành với người khác, lắng nghe họ”

“Chúng ta có thể đồng hành với người khác, lắng nghe họ”

là ơn gọi của Giáo hội

“Chúng ta có thể đồng hành với người khác, lắng nghe họ”


Vào lúc 10:15 sáng nay, Chúa nhật XXVIII Mùa Thường niên, trong sân trước của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh Lễ và Nghi thức Tuyên phong thánh cho các Chân phước Giovanni Battista Scalabrini và Artemide Zatti. Hiện diện tại đó có các phái đoàn chính thức của Ý và Argentina.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha sau phần công bố Tin mừng:

*******

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Khi Chúa Giêsu đang đi, mười người phong hủi đến gặp Ngài và kêu lên: “Xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17:13). Tất cả mười người đều được chữa lành, nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn Chúa Giêsu. Ông ta là một người Samari, là người ngoại giáo đối với người Do Thái. Ban đầu, họ đi cùng nhau, nhưng sau đó người Samari bỏ những người khác và quay trở lại, “lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (câu 15). Chúng ta cùng dừng lại và suy ngẫm về hai khía cạnh này của Tin Mừng hôm nay: cùng đồng hành và tạ ơn.

Trước hết là cùng đồng hành. Ở phần đầu của trình thuật, không có sự khác biệt giữa người Samari và chín người khác. Chúng ta chỉ nghe nói rằng họ là những người bị bệnh phong, những người cùng nhau tiến đến với Chúa Giêsu, như một nhóm. Như chúng ta biết, bệnh phong không chỉ là một nỗi đau đớn về thể xác, một căn bệnh mà ngày nay chúng ta phải cố gắng hết sức để loại bỏ, mà còn là một “căn bệnh xã hội”, vì ở thời đó, vì sợ bị lây lan, người bệnh phong phải tách biệt khỏi cộng đồng (xem Lv 13:46). Do đó, họ không thể vào làng; họ phải giữ khoảng cách, bị cô lập và bị gạt ra ngoài lề của đời sống xã hội và thậm chí cả tôn giáo. Bằng cách đồng hành cùng nhau, những người bệnh phong này đã chính thức lên án một xã hội loại trừ họ. Chúng ta cũng nên lưu ý rằng người Samari, mặc dù bị coi là ngoại giáo, “một người ngoại quốc”, nhưng vẫn là một phần của nhóm. Thưa anh chị em, bất cứ khi nào bệnh tật và sự mong manh trở thành tình trạng chung thì những rào cản sẽ bị sụp đổ và sự loại trừ sẽ bị đánh bại.

Hình ảnh này cũng rất có ý nghĩa đối với chúng ta: khi thành thật với chính bản thân, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đều bị bệnh tật trong tâm hồn, tất cả chúng ta đều là những tội nhân cần đến lòng thương xót của Chúa. Và rồi chúng ta sẽ không gây ra sự những chia rẽ dựa trên cơ sở thành tích, vị trí xã hội hoặc một số tiêu chí bề ngoài khác; những rào cản và định kiến ​​nội tâm của chúng ta cũng sụp đổ theo. Cuối cùng, một lần nữa chúng ta nhận ra rằng chúng ta là anh chị em của nhau. Như bài đọc một nhắc nhở chúng ta, ngay cả ông Naaman người Syria, cho dù có đầy của cải và quyền lực, chỉ có thể được chữa lành bằng cách thực hiện một việc đơn giản: tắm trong dòng sông nơi mọi người khác vẫn tắm. Trước hết, ông phải trút bỏ áo giáp và áo choàng của ông (xem 2V 5). Chúng ta cũng hãy gạt bỏ sang một bên tấm áo giáp của mình, những hàng rào phòng thủ của chúng ta, và dìm mình tắm mát trong sự khiêm tốn, luôn nhớ rằng tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương trong lòng và cần được chữa lành. Tất cả chúng ta đều là anh chị em. Chúng ta hãy nhớ điều này: đức tin Kitô giáo luôn yêu cầu chúng ta đi bên cạnh những người khác, không bao giờ là người du hành đơn độc. Đức tin luôn thúc giục chúng ta vượt ra khỏi bản thân và hướng tới Thiên Chúa cũng như anh chị em của chúng ta, không bao giờ khép kín co cụm trong bản thân. Đức tin mời gọi chúng ta liên tục nhìn nhận rằng chúng ta đang cần được chữa lành và tha thứ, và chia sẻ sự mong manh của những người thân cận với chúng ta, không thấy mình là cao hơn.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy suy ngẫm và xét xem trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình, ở nơi chúng ta hằng ngày làm việc và trải qua thời gian, liệu chúng ta có khả năng cùng đồng hành với người khác, lắng nghe họ, chống lại cám dỗ chỉ quan tâm đến bản thân, và chỉ nghĩ đến nhu cầu của chính mình. Cùng nhau tiến bước cũng là ơn gọi của Giáo Hội. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân xem chúng ta có phải là những cộng đồng thực sự cởi mở và bao gồm tất cả mọi người hay không; nếu chúng ta cộng tác trong vai trò là các linh mục và giáo dân trong việc phục vụ Tin Mừng; và nếu chúng ta thể hiện mình là người chào đón, không chỉ bằng lời nói mà bằng những cử chỉ cụ thể, đối với những người gần xa, và tất cả những người bị vùi dập bởi những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta có làm cho họ cảm thấy họ là một phần của cộng đồng không? Hay chúng ta loại trừ họ? Tôi thật không yên lòng khi thấy các cộng đoàn Kitô hữu phân chia thế giới thành người tốt và kẻ xấu, thánh nhân và tội nhân: điều này khiến họ cảm thấy mình vượt trội hơn những người khác và loại trừ quá nhiều người mà Thiên Chúa muốn đón nhận. Xin hãy luôn bao gồm: trong Giáo hội và trong xã hội, vốn vẫn còn mang những vết nhơ của nhiều hình thức bất bình đẳng và gạt ra bên lề xã hội. Hãy luôn bao gồm. Hôm nay, ngày mà Đức Giám mục Scalabrini trở thành một vị thánh, tôi nghĩ đến những người di cư. Việc loại trừ người di cư là một sự ô nhục. Thật ra, việc loại trừ người di cư là tội ác. Họ đang chịu chết ngay trước mặt chúng ta, Địa Trung Hải là nghĩa trang lớn nhất trên thế giới. Việc loại trừ người di cư là xấu xa, tội lỗi và tội ác. Không mở cửa cho những người túng thiếu – “Không, chúng tôi không loại trừ họ, chúng tôi chuyển họ đi” đến các trại, nơi họ bị bóc lột và bán như những nô lệ. Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta hãy nhớ đến những người di cư này, đặc biệt là những người đang hấp hối. Và những người được tiếp nhận, chúng ta có chào đón họ như những người anh chị em hay chúng ta bóc lột họ? Tôi chỉ nêu lên câu hỏi.

Điều thứ hai là tạ ơn. Trong nhóm mười người bị bệnh phong, chỉ có một người nhận ra rằng mình đã được chữa lành, quay trở lại để ngợi khen Thiên Chúa và tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu. Chín người còn lại cũng được chữa lành, nhưng rồi lại đi theo con đường riêng của họ, quên đi người đã chữa lành cho họ. Họ quên đi những ân sủng mà Chúa đã ban cho họ. Trái lại, người Samari biến ơn mà anh ta nhận được trở thành bước khởi đầu cho một hành trình mới: anh ta trở lại với Đấng đã chữa lành anh; anh ta trở lại với Chúa Jêsus để hiểu biết về Ngài nhiều hơn; anh ta đi vào mối quan hệ với Chúa. Vì vậy, thái độ biết ơn của anh không chỉ là hành động lịch sự đơn thuần, mà là khởi đầu của hành trình tạ ơn: anh sấp mình dưới chân Chúa Giêsu (x. Lc 17:16) và thờ lạy Ngài. Anh ta chân nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, rằng Chúa Giêsu còn quan trọng hơn sự chữa lành mà anh ta đã nhận được.

Thưa anh chị em, đây cũng là một bài học lớn cho chúng ta, những người hàng ngày được hưởng những ân tứ của Thiên Chúa, nhưng lại thường đi theo con đường riêng của mình, không vun đắp mối quan hệ sống động và thực sự với Ngài. Đây là một căn bệnh thiêng liêng khó chịu: chúng ta coi mọi thứ là điều tất nhiên, kể cả đức tin, kể cả mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, đến mức chúng ta trở thành những người Kitô hữu không còn khả năng biết kinh ngạc hoặc tạ ơn, thiếu lòng biết ơn và không có khả năng nhìn thấy những điều kỳ diệu của Thiên Chúa. Một người phụ nữ mà tôi biết đã từng nói: “Họ là những người Kitô hữu như nước hoa hồng”. Cuối cùng, chúng ta nghĩ rằng tất cả những ơn mà chúng ta nhận được mỗi ngày là điều tự nhiên và do bởi chúng ta. Lòng biết ơn, khả năng cảm ơn, làm cho chúng ta biết trân quý sự hiện diện của Thiên Chúa là Tình yêu trong cuộc sống của chúng ta. Và để nhận ra tầm quan trọng của người khác, vượt thắng sự bất mãn và thờ ơ làm xấu tâm hồn của chúng ta. Điều vô cùng cần thiết là phải biết cách nói lời “tạ ơn”. Tạ ơn Chúa mỗi ngày và cảm ơn lẫn nhau. Trong gia đình của chúng ta, cảm ơn vì những ơn nhỏ bé mà chúng ta nhận được hàng ngày mà chúng ta thậm chí thường không nghĩ đến. Ở những nơi chúng ta trải qua thời gian của mình, cảm ơn vì những sự phục vụ mà chúng ta được hưởng và vì tất cả những người ủng hộ chúng ta. Trong các cộng đoàn Kitô hữu, cảm tạ vì tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm được trong sự gần gũi của những anh chị em của chúng ta, những người thường âm thầm cầu nguyện, hy sinh, chịu đựng và đồng hành với chúng ta. Vì vậy, xin đừng quên nói những từ quan trọng sau: cảm ơn bạn!

Hai vị thánh được tuyên phong hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc cùng nhau đồng hành và có khả năng cảm ơn. Đức Giám mục Scalabrini, người đã thành lập hai Hội dòng – một nam và một nữ – để chăm sóc người di cư, từng nói rằng trong hành trình chung của những người di cư, chúng ta không nên nhìn thấy duy nhất các vấn đề, mà còn là một chương trình theo sự quan phòng. Theo lời của ngài: “Chính vì những cuộc di cư cưỡng bức do các cuộc bách hại, Giáo hội đã vượt ra khỏi những giới hạn của Giêrusalem và của Israel, và trở thành ‘công giáo’; nhờ những cuộc di cư trong thời đại của chúng ta, Giáo hội sẽ là một khí cụ của hòa bình và tình hiệp thông giữa các dân tộc” (L’emigrazione degli operai italiani, Ferrara, 1899). Cuộc di cư hiện đang diễn ra ở Châu Âu mang đến nhiều đau khổ và buộc chúng ta phải rộng mở tấm lòng – đó là cuộc di cư của những người Ukraine đang chạy trốn chiến tranh. Chúng ta đừng quên những người di cư Ukraine bị tấn công. Với tầm nhìn tuyệt vời, Đức Cha Scalabrini hướng đến một thế giới và một Giáo hội không có những rào cản, nơi không có ai là người nước ngoài.

Về phần Tu huynh Artemide Zatti Dòng Salêdiêng – với chiếc xe đạp của mình – ngài là một tấm gương sống động về lòng biết ơn. Được chữa khỏi bệnh lao, ngài dành trọn cuộc đời mình để phục vụ tha nhân, chăm sóc người đau bệnh bằng tình yêu thương dịu dàng. Ngài được biết đã từng vác trên vai thi thể đã chết của một người bệnh của ngài. Đầy lòng biết ơn đối với tất cả những gì ngài đã nhận được, tuy huynh muốn nói lời “cảm ơn” của riêng mình bằng cách tự gánh lấy vết thương của người khác.

Chúng ta hãy cầu nguyện để những vị Thánh này, những người anh em của chúng ta, có thể giúp chúng ta cùng nhau tiến bước, không có những bức tường ngăn cách; và để nuôi dưỡng tâm hồn cao thượng làm đẹp lòng Thiên Chúa, đó là lòng biết ơn.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/10/2022]


Người du khách ‘muốn nhìn thấy giáo hoàng’ đập phá các bức tượng bán thân tại Bảo tàng Vatican

Người du khách ‘muốn nhìn thấy giáo hoàng’ đập phá các bức tượng bán thân tại Bảo tàng Vatican

Người du khách ‘muốn nhìn thấy giáo hoàng’ đập phá các bức tượng bán thân tại Bảo tàng Vatican

Các tác phẩm điêu khắc của Phòng trưng bày Chiaramonte trong Bảo tàng Vatican ngày 8 tháng Sáu năm 2020, tại Thành phố Vatican. | Photo by Marco Di Lauro/Getty Images

Zelda Caldwell

Washington, D.C. Newsroom, 5 tháng Mười, 2022 / 15:30 pm

Một người đàn ông đến tham quan viện bảo tàng Vatican ở Rome hôm thứ Tư đã hất đổ hai bức tượng bán thân La Mã cổ đại xuống đất, gây hư hại cho các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Theo một bài báo trên tờ Il Messaggero, một du khách trung niên người Mỹ yêu cầu được nhìn thấy giáo hoàng và đã nổi khùng khi được thông báo rằng điều đó là không thể. Sau đó, ông ta đã quăng một bức tượng bán thân xuống đất và xô đổ bức khác khi cố tìm cách bỏ chạy.

Người đàn ông này đã mua vé vào Bảo tàng Chiaramonti của Vatican, nơi trưng bày các bức tượng bán thân.

Sau khi sự việc xảy ra, ông ta bị nhân viên bảo vệ khống chế và đưa về đồn cảnh sát để thẩm vấn.

Ông Matteo Bruni, phát ngôn nhân của Vatican nói với các phóng viên: “Người xô đổ các bức tượng xuống đã bị hiến binh bắt giữ và giao cho các nhà hữu trách Ý.”

Nhật báo Corriere Della Sera cho biết người đàn ông này từng bị buộc tội vì hành vi khiếm nhã nơi công cộng trong quá khứ.

Các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch bị hư hại tượng trưng cho “những nhân vật không quan trọng” và là một phần của bộ sưu tập trong Bảo tàng Chiaramonti được tạo ra dưới thời của Đức Giáo hoàng Piô VII Chiaramonti (1800-1823) bao gồm hơn 1.000 tượng bán thân, tượng (toàn thân) và quan tài bằng đá từ thời La Mã cổ đại.

Vatican nói với Corriere Della Sera rằng thiệt hại đối với các tượng bán thân là “không đáng kể, khuôn mặt không bị hư hại nhiều, có lẽ một trong hai tượng bị gãy một phần mũi.”

Bản tin cho biết các bức tượng đã được chuyển đến xưởng phục hồi đá cẩm thạch của Bảo tàng Vatican.

Chị Elizabeth Lev, một nhà sử học nghệ thuật, người phụ trách các chuyến tham quan Bảo tàng Vatican, đã chia sẻ tin trên Twitter, cho biết, “Thật đáng buồn, mùa du lịch hậu đại dịch đầu tiên của chúng tôi đã bị làm hỏng bởi những khách du lịch vô trách nhiệm.”

Người du khách ‘muốn nhìn thấy giáo hoàng’ đập phá các bức tượng bán thân tại Bảo tàng Vatican

Kể từ khi nước Ý mở cửa du lịch trở lại, trong một số trường hợp, du khách đã làm hỏng hoặc đưa các địa danh lịch sử của đất nước vào tình trạng nguy cơ.

Đầu năm nay, ở Roma và Pisa, các du khách đã đâm máy bay không người lái vào các tòa nhà thời Trung cổ. Và vào tháng Sáu, hai khách du lịch đã chạy xe scooter trượt xuống các bậc Tam cấp Tây Ban Nha của Roma, gây thiệt hại trị giá 27.000 đô la.

Những sự cố này không thể so sánh với thời điểm vào tháng 5 năm 1972 khi một người đàn ông tiến vào Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô với một chiếc búa giấu trong áo khoác. Sau đó, anh ta tiến đến đập phá bức tượng Pietà của Michelangelo, làm hỏng cánh tay, mũi và mí mắt của Đức Mẹ. Tác phẩm điêu khắc Đức Mẹ ẵm xác Chúa Giêsu đã được phục hồi và hiện được đặt trở lại trong Đền Thánh Phêrô, được bảo vệ sau một tấm acrylic chống đạn.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/10/2022]