Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Đừng sợ ánh sáng của Chúa Giêsu mang đến ánh sáng cho bóng tối hàng ngày của chúng ta

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Đừng sợ ánh sáng của Chúa Giêsu mang đến ánh sáng cho bóng tối hàng ngày của chúng ta
© Vatican Media

Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Đừng sợ ánh sáng của Chúa Giêsu mang đến sự sáng láng cho bóng tối hàng ngày của chúng ta

Nhắc nhở tín hữu rằng trở nên nhỏ bé trước Thiên Chúa làm cho chúng ta được tự do

06 tháng Năm, 2020 12:41

Đừng sợ ánh sáng của Chúa Giêsu mang đến sự sáng láng cho bóng tối mỗi ngày của chúng ta … 

Hôm nay, ngày 6 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra sự động viên này với những người theo dõi Thánh Lễ riêng của ngài tại Nhà nguyện Thánh Marta, theo Vatican News.

Vào đầu Lễ, Đức Thánh Cha Phanxico cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân Coronavirus, và cho giới truyền thông phải làm việc rất vất vả trong thời gian này.

“Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người nam và nữ làm việc trong ngành truyền thông. Trong thời gian đại dịch này họ phải mạo hiểm nhiều, rất nhiều. “Xin Chúa giúp họ luôn truyền tải được sự thật,” ngài nói.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha suy tư về bài đọc Tin mừng trong ngày theo Thánh Gioan (Ga 12:44-50) trong đó Chúa Giêsu nói: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.”

Nhắc nhở rằng Chúa Giêsu là ánh sáng của thế gian, Đức Phanxico giải thích sứ mạng của Chúa Giêsu là đến để soi sáng thế gian này sống trong bóng tối.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Người cũng yêu cầu các Tông đồ tiếp tục làm lan tỏa ánh sáng của Người.

Nhưng bi kịch của ánh sáng của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “bị từ chối; dân của Người không đón tiếp Người. Họ yêu bóng tối hơn ánh sáng; họ làm nô lệ cho bóng tối.”

Đức Phanxico phân tích rằng ánh sáng làm cho chúng ta nhìn thấy mọi điều theo đúng bản chất của nó, và nhìn thấy sự thật.

Thánh Phaolô, Đức Thánh Cha nhớ lại, đã có kinh nghiệm về chặng đường chuyển đi từ bóng tối ra ánh sáng, “một chặng đường mà chúng ta cũng được kêu gọi.”

“Tội thường làm chúng ta trở nên mù lòa và chúng ta không thể chấp nhận ánh sáng, vì đôi mắt của chúng ta đã bị bệnh,” ngài cảm thán.

Đức Giáo hoàng nói rằng những thói hư tật xấu, sự kiêu căng và tính thế gian làm chúng ta trở nên mù lòa.

Ngài nói, “Thật không dễ để sống trong ánh sáng, vì nó làm cho chúng ta nhìn thấy những điều xấu xa trong lòng mà chúng ta không muốn nhìn thấy: tội lỗi của mình.”

Nhưng khi chúng ta rộng mở lòng, Đức Phanxico đề nghị, chia sẻ những khía cạnh khó ưa nhất của chúng ta thì “chúng ta không chạm trán với bức tường,” “nhưng tìm được một lối ra,” ngài nói.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, Chúa Giêsu đến thế gian không phải để lên án nhưng để cứu thoát, và “chúng ta phải cho phép bản thân mình được soi sáng trong bóng tối hàng ngày của mình.”

Hãy can đảm, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “hãy để cho bản thân được soi sáng, hãy để cho bản thân được nhìn thấy những gì có trong lòng, vì chính Chúa Giêsu sẽ hướng dẫn anh chị em tiến bước; Ngài giải thoát cho anh chị em.”

Ngài nhấn mạnh, “Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi bóng tối mà chúng ta mang trong lòng, khỏi bóng tối của cuộc sống hàng ngày, của đời sống xã hội, của đời sống chính trị, của đời sống quốc gia và quốc tế.”

Sự hoán cải, ngài nhấn mạnh, là “bước đi từ bóng tối ra ánh sáng.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Chúa giải thoát chúng ta, nhưng Ngài yêu cầu chúng ta trước hết phải nhìn thấy bóng tối … Thiên Chúa vô cùng tốt lành, Ngài thì nhân lành, Ngài gần gũi với chúng ta. Ngài đến để giải thoát chúng ta. Chúng ta đừng sợ ánh sáng của Chúa Giêsu.”

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể và Phép lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.

***


***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Trình thuật Tin mừng của Thánh Gioan (x. 12:44-50) cho chúng ta nhìn thấy sự mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Chúa Giêsu thi hành những điều Chúa Cha yêu cầu Ngài làm. Vì vậy, Ngài nói: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi” (c. 44). Rồi Ngài xác định rõ sứ mạng của Ngài; “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (c. 46). Ngài trình bày Ngài là ánh sáng. Sứ mạng của Chúa Giêsu là soi sáng — ánh sáng. Chính Ngài đã nói: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8:12). Tiên tri Isaia đã tiên báo về ánh sáng này: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (c. 9:1). Lời hứa ánh sáng, ánh sáng chiếu soi cho muôn dân. Và đó cũng là sứ mạng của các Tông đồ mang đến ánh sáng. Thánh Phaolô nói điều đó với Vua Ácríppa: “Tôi đã được chọn để soi sáng, để mang đến ánh sáng này — đó không phải là ánh sáng của tôi, nó là của một Đấng khác, nhưng để mang đến ánh sáng” (x. Cv 26:18). Đây là sứ mạng của Chúa Giêsu: mang đến ánh sáng. Và sứ mạng của các Tông đồ là đem đến ánh sáng của Chúa Giêsu, để soi sáng, vì thế gian chìm trong tối tăm.

Tuy nhiên, bi kịch ánh sáng của Chúa Giêsu bị chối bỏ. Ngay khởi đầu Tin mừng của Thánh Gioan đã nói rất rõ: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Họ yêu bóng tối hơn ánh sáng” (x. Ga 1:9-11). Quen với bóng tối, sống trong bóng tối: họ không thể chấp nhận ánh sáng. Họ không thể; họ là nô lệ của bóng tối. Và đây là cuộc chiến liên tục của Chúa Giêsu: soi sáng, đem đến ánh sáng để làm cho mọi sự được nhìn thấy rõ ràng đúng với bản chất của chúng; nó làm cho sự tự do được nhìn thấy rõ ràng, con đường sự thật được nhìn thấy để đi theo, với ánh sáng của Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô có kinh nghiệm về chặng đường đi từ bóng tối ra ánh sáng, khi Chúa gặp gỡ ông trên đường đến Đamát. Ông vẫn còn bị mù — bị mù. Ánh sáng của Chúa làm ông bị mù. Và sau đó ít ngày, với Phép Rửa tội, ông lại được nhìn thấy (x. Cv 9:1-19). Ngài có kinh nghiệm về giai đoạn từ trong bóng tối, tình trạng mà ngài đã rơi vào, bước ra ánh sáng. Đó cũng là chặng đường của chúng ta, chặng đường chúng ta lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội: vì vậy Phép Rửa trong những thế kỷ đầu được gọi là “sự khai sáng” (x. Thánh Justin, Apologia I, 61, 12), vì nó trao cho con người ánh sáng, “để con người bước vào.” Đó là lý do trong nghi thức Rửa tội chúng ta trao một cây nến được thắp sáng, một cây nến được thắp sáng cho người cha và người mẹ, để đứa con được soi sáng. Chúa Giêsu đem đến ánh sáng, nhưng dân chúng, dân Người đã chối bỏ nó. Họ đã quá quen với bóng tối nên ánh sáng làm họ lóa mắt, họ không thể bước đi … (x. Ga 1:10-11). Và đây là thảm kịch do tội của chúng ta: tội lỗi làm chúng ta trở nên mù lòa và không thể chấp nhận ánh sáng. Đôi mắt chúng ta bị bệnh. Và Chúa Giêsu nói rõ điều đó trong Tin mừng Thánh Mátthêu: “Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” (x. Mt 6:22-23). Bóng tối … Và hối cải tức là chuyển từ bóng tối ra ánh sáng. Nhưng những điều gì làm cho đôi mắt chúng ta trở nên bệnh tật, tức là con mắt đức tin? Đôi mắt chúng ta bị đau bệnh: đâu là những điều “làm nó nặng trĩu,” làm nó mù lòa? Là những thói hư tật xấu, tính thế gian, sự kiêu căng. Những thói hư tật xấu “kéo chúng nặng trĩu xuống” và cả ba điều này — thói hư tật xấu, sự kiêu căng, tính thế gian — làm cho bạn hòa nhập với những người khác để duy trì sự an nhiên trong bóng tối. Chúng ta thường nói đến mafia: nó như vậy đấy. Tuy nhiên, có những “mafia tinh thần,” có những “mafia trong gia đình, luôn luôn tìm cách để che đậy bản thân và ở lại trong bóng tối. Thật không dễ để sống trong ánh sáng. Ánh sáng làm cho người ta nhìn thấy quá nhiều điều kinh khủng trong con người chúng ta mà chúng ta không muốn nhìn thấy: những thói hư tật xấu, những tội lỗi … Chúng ta hãy nghĩ về các thói hư tật xấu của mình, chúng ta hãy nghĩ về sự kiêu căng của mình, chúng ta hãy nghĩ về tính thế gian của mình: những điều này làm chúng ta đui mù, chúng làm chúng ta xa lánh ánh sáng của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta bắt đầu suy nghĩ về những điều này, chúng ta sẽ không tìm thấy một bức tường. Không, chúng ta sẽ tìm thấy một lối ra, vì chính Chúa Giêsu nói rằng ngài là ánh sáng, và: “Tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian” (x. Ga 12:46-47). Chúa Giêsu, chính Ngài, là ánh sáng, nói: “Hãy can đảm: hãy để cho mình được soi sáng, hãy cho phép mình nhìn thấy những gì có trong lòng mình, vì Ta sẽ dẫn con tiến bước để giải thoát con. Ta không kết án con. Ta giải thoát con” (x. c. 47). Chúa cứu chúng ta thoát khỏi bóng tối mà chúng ta mang trong lòng, thoát khỏi bóng tối của đời sống hàng ngày, đời sống xã hội, đời sống chính trị, đời sống quốc gia, quốc tế … Có quá nhiều bóng tối bên trong. Và Chúa giải thoát chúng ta, nhưng Ngài yêu cầu chúng ta trước hết phải nhìn thấy nó, có can đảm nhìn thấy bóng tối để ánh sáng của Chúa có thể đi vào và giải thoát chúng ta.

Chúng ta đừng sợ Chúa. Ngài vô cùng tốt lành. Ngài nhân hậu; Ngài gần gũi với chúng ta. Ngài đến để cứu chúng ta. Chúng ta đừng sợ ánh sáng của Chúa Giêsu.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/5/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 01-03/05/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 01-03/05/2020

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 01-03/05/2020


1 tháng Năm: Hôm nay là Lễ Thánh Giuse Thợ, và cũng là Ngày Quốc tế Lao động. Chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả những người lao động, để không một ai không có việc làm, và tất cả đều có thể được trả lương xứng đáng. Ước mong tất cả mọi người được hưởng lợi từ phẩm giá của việc làm và vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi.

1 tháng Năm: “Làm” là từ ngữ Kinh Thánh sử dụng để miêu tả hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm” (St 2:2). Thiên Chúa trao phó công việc này cho nhân loại: Làm việc là ơn gọi của con người. #HomilySantaMarta

1 tháng Năm: Chúng ta hãy tám khám phá nét đẹp của việc #đọc Kinh Mân Côi tại nhà trong Tháng Năm! Cuối mỗi tràng Mân Côi, chúng ta đọc kinh xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria, để xin Thiên Chúa giải thoát cho chúng ta khỏi đại dịch này và đời sống có thể lấy lại dòng chảy bình thường bình an của nó. 

2 tháng Năm: Chúng ta #cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính quyền là những người chịu trách nhiệm chăm sóc cho dân tộc của họ. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và chỉ bảo cho họ rằng họ cần phải thể hiện sự hiệp nhất lớn lao trong những thời khắc khủng hoảng vì lợi ích của dân tộc, vì sự hiệp nhất thì vượt trên xung khắc.

2 tháng Năm: Khủng hoảng là thời gian để dẫn đến sự lựa chọn. Đại dịch này là thời gian của sự khủng hoảng xã hội. Chúng ta phải phản ứng như thế nào? Bằng sự kiên trì, trầm tĩnh, và trung thành với Chúa và những quyết định đã được đưa ra. Thời gian khủng hoảng cũng giống như vượt qua lửa để trở nên mạnh mẽ hơn. #HomilySantaMarta

2 tháng Năm: Chúng ta hãy biến thời gian #đại dịch này trở thành một bài kiểm tra để chuẩn bị cho tương lai chung của chúng ta. Không có tầm nhìn ôm lấy tất cả mọi người thì sẽ không có tương lai cho bất kỳ ai.

3 tháng Năm: Chúa nhật Chúa Chiên lành là Chúa nhật rất đẹp, một Chúa nhật của sự bình an, hiền lành, và dịu dàng vì Đấng Chăn chiên chăm sóc chúng ta. “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" (Tv 23). #HomilySantaMarta

3 tháng Năm: Chúng ta #cùng cầu nguyện cho những mục tử đã hy sinh cho người tín hữu. Cha thường nghĩ đến những linh mục, cũng như các mục tử chăm lo lợi ích cho người dân: các bác sĩ. Nguyện xin cho tấm gương của những mục tử này, những linh mục và bác sĩ giúp chúng ta chăm sóc cho dân thánh trung thành của Chúa.

3 tháng Năm: Hôm nay chúng ta #cùng cầu nguyện cho #các ơn gọi, xin Chúa ban ơn có những người thợ giỏi cho Nước của Người, những người thợ với tâm hồn và đôi bàn tay rộng mở với tình yêu của Ngài. http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/vocations/documents/papa-francesco_20200308_57-messaggio-giornata-mondiale-vocazioni.html

3 tháng Năm: Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, chúng ta cần có ngành báo chí tự do, tốt lành để phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt những người không có tiếng nói: ngành báo chí tận tâm đi tìm sự thật và mở ra những con đường tiến đến sự hiệp nhất và hòa bình. #WPFD2020





[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 4/5/2020]