Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Đức Thánh Cha dâng Lễ Năm Thánh các Giáo Lý Viên

Đức Thánh Cha dâng Lễ Năm Thánh các Giáo Lý Viên

Pope Francis arrives to celebrate a Jubilee mass for catechists, at the Vatican, Sunday, Sept. 25, 2016 - AP
Đức Thánh Cha Phanxico đến dâng Thánh lễ cho các Giáo lý viên tại Vatican, Chúa nhật 25 tháng 9, 2016 - AP
25/09/2016 13:44
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico đã dâng Thánh lễ để đánh dấu Năm Thánh của các Giáo lý viên hôm Chủ nhật – Chúa nhật 26 mùa Thường niên và Năm Thánh của các Giáo lý viên trong Năm thánh đặc biệt Lòng thương xót.
Dưới đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico, văn bản dịch tiếng Anh chính thức.
********************************************************
Trong bài đọc hai Thánh Tông đồ Phaolo gửi Ti-mô-thêu, nhưng cũng là gửi cho chúng ta, những lời khuyên xuất phát từ con tim của ngài. Trong nhiều vấn đề, ngài buộc ông rằng “hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách” (1 Tim 6:14).  Ngài đơn giản nói đến một điều răn. Dường như ngài muốn giữ sự tập trung của chúng ta gắn chặt vào những gì là quan trọng cho đức tin của chúng ta. Quả thật, Thánh Phaolo Tông đồ không đưa ra quá nhiều điểm khác nhau, nhưng chỉ nhấn mạnh vào điểm cốt lõi của đức tin. Mọi việc đều quay xung quanh tâm điểm này, trái tim đang đập này trao tặng sự sống cho mọi loài đó là Bài ca Phục sinh, lời loan báo đầu tiên: Đức Giê-su đã sống lại, Đức Giê-su yêu thương chúng ta, và Người đã trao tặng sự sống của Người cho chúng ta; hãy trỗi dậy và sống, Người ở cạnh chúng ta và Người chờ đợi chúng ta mỗi ngày. Chúng ta không bao giờ được quên điều này. Trong Năm thánh cho Giáo lý viên này, chúng ta đang được yêu cầu kiên tâm bền chí giữ vững thông điệp then chốt của đức tin luôn ở phía trước và ở trung tâm: Thiên Chúa đã sống lại. Không có điều gì quan trọng hơn thế; không có điều gì chắc chắn và chính đáng hơn điều này. Mọi điều trong đức tin trở nên rất đẹp khi được liên kết đến vấn đề trọng tâm này, nếu nó được hòa trộn trọn vẹn trong Bài ca Phục sinh. Tuy nhiên, nếu nó vẫn còn ở trong tình trạng cách ly, nó sẽ mất ý nghĩa và sức mạnh của nó. Chúng ta được kêu gọi để sống thực hành và tuyên xưng tính mới lạ của tình yêu của Thiên Chúa: “Giê-su thực sự yêu bạn, như chính con người của bạn. Hãy cho Ngài một không gian: cho dù bao chán nản và vết thương trong cuộc đời bạn, hãy cho Ngài cơ hội để yêu bạn. Ngài sẽ không làm bạn thất vọng.”
Lề luật mà Thánh Phaolo đang nói tới bắt chúng ta cũng phải nghĩ đến lề luật mới của Chúa Giê-su: “anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 15:12).  Chính bởi tình yêu và Thiên Chúa-là-tình-yêu được loan báo cho thế giới: không phải bằng sức mạnh của tính thuyết phục, không bao giờ bằng cách áp đặt sự thật, cũng chẳng bằng cách mở rộng sự gắn bó với một nghĩa vụ tôn giáo hay đạo đức nào đó. Thiên Chúa được loan báo qua việc gặp gỡ giữa con người, với sự quan tâm đến lịch sử và hành trình của họ. Vì Thiên Chúa không phải là một ý tưởng, nhưng là một con người đang sống: thông điệp của Ngài được chuyển qua chứng tá đơn sơ và đích thực, bằng cách lắng nghe và chào đón, với niềm vui lan tỏa ra ngoài. Chúng ta không thể nói về Giê-su một cách thuyết phục khi chúng ta buồn; chúng ta cũng chẳng thể chuyển tải vẻ đẹp của Thiên Chúa đơn thuần bằng những bài giảng hay. Thiên Chúa của hy vọng được loan báo bằng đời sống thực hành Tin mừng tình yêu trong giây phút hiện tại, mà không hề e sợ phải chứng thực nó, thậm chí bằng nhiều cách mới lạ.
Tin mừng Chúa nhật hôm nay giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của sự yêu thương là gì, và còn là cách để tránh những mối nguy hiểm nào đó. Trong dụ ngôn có một người giàu có, ông ta không để ý đến La-za-rô, một người nghèo đang ở “ngoài cổng của ông ta” (Lc 16:20).  Thực ra, người giàu có này không làm điều gì xấu với bất kỳ ai; cũng không có câu nào nói rằng ông ta là người xấu. Nhưng ông ta có một chứng bệnh nặng hơn bệnh của La-za-rô là người chịu “nhiều đau đớn” (ibid.): người giàu có này bị một chứng mù lòa kinh khủng, vì ông ta không thể nhìn vượt ra khỏi thế giới của ông ta, một thế giới chỉ có dạ tiệc và quần áo lụa là. Ông ta không thể nhìn xa hơn cánh cửa nhà của ông ta nơi có La-za-rô đang nằm, vì những gì xảy ra bên ngoài kia không làm ông ta bận tâm. Ông ta không nhìn thấy bằng đôi mắt, vì ông ta không thể cảm nhận bằng con tim.  Vì tính trần tục đã đi vào trong tim và làm u mê linh hồn. Tính trần tục giống như một “hố đen” nuốt chửng những gì tốt đẹp, nó làm lụi tàn tình yêu, vì nó nuốt lấy hết mọi thứ ngay từ trong bản thân nó. Và ở đây là một con người chỉ nhìn thấy dáng vẻ bên ngoài, không chú ý đến người khác vì anh ta đã trở nên thờ ơ trước mọi người. Một người bị chứng mù nặng thường thường có hành vi “bị lé mắt”: anh ta nhìn với thái độ a dua nịnh hót những người nổi tiếng, những người có chức vụ cao, được thế giới ngưỡng mộ, nhưng lại quay cái nhìn tránh khỏi rất nhiều La-za-rô ngày nay, khỏi những người nghèo, khỏi những người đau khổ là người được Chúa yêu.
Nhưng Thiên Chúa lại nhìn đến những người bị thế giới chối bỏ và bị gạt ra bên lề. La-za-rô là cái tên duy nhất được gọi trong tất cả các dụ ngôn của Chúa Giê-su. Tên của ông ta nghĩa là “Thiên Chúa cứu giúp.” Thiên Chúa không quên ông ta. Thiên Chúa sẽ chào đón ông ta vào dự tiệc trong vương quốc của Người, cùng với A-bra-ham, trong tình hiệp nhất với tất cả những người chịu đau khổ. Về mặt khác, người giàu có trong dụ ngôn thậm chí không có tên; cuộc sống ông ta qua đi trong quên lãng, vì ai chỉ biết sống cho riêng mình không viết nên lịch sử. Và người Ki-tô hữu phải viết nên lịch sử! Nhưng những ai chỉ biết sống cho riêng họ không thể viết nên lịch sử. Sự nhẫn tâm ngày nay gây ra những hố ngăn cách lớn và bị đào sâu không bao giờ có thể vượt qua. Và bây giờ, chúng ta đã rơi vào căn bệnh thờ ơ, ích kỷ và trần tục.
Có một chi tiết khác trong dụ ngôn, một trái ngược. Cuộc sống giàu sang của người đàn ông không tên này được miêu tả là phô trương: mọi điều về ông ta chỉ liên quan đến nhu cầu và quyền lợi. Ngay cả khi ông ta chết ông ta năn nỉ xin được giúp đỡ và đòi hỏi những gì thuộc quyền lợi của ông ta. Tuy nhiên, sự nghèo đói của La-za-rô được gắn với một phẩm giá rất lớn: từ miệng của ông không có lời phàn nàn hay phản đối hay khinh khi. Đây là một bài học rất giá trị: là những tôi tớ của Lời của Đức Giê-su, chúng ta được kêu gọi không phô trương hình thức bên ngoài của chúng ta và không tìm đến vinh quang; chúng ta cũng không thể buồn bã hay đầy lời than vãn. Chúng ta không phải là những tiên tri của bóng tối ảm đạm đem niềm vui chôn vào những mối nguy hiểm vừa được tìm ra hay đi sai đường; chúng ta không phải là những người ngồi bó gối trong môi trường riêng của chúng ta, đưa ra những phán xét cay đắng về xã hội, về Giáo hội, về mọi thứ và mọi người, làm ô nhiễm thế giới bằng sự tiêu cực của chúng ta. Chủ nghĩa hoài nghi đáng thương không thuộc về những người gần gũi với Lời của Chúa.
Những ai loan truyền sự hy vọng của Đức Giê-su mang theo niềm vui và nhìn thấy từ một khoảng cách rất xa; những người như vậy có chân trời riêng rộng mở trước họ; chẳng có bức tường nào chắn lối họ; họ nhìn thấy từ rất xa vì họ biết cách nhìn vượt ra ngoài tội lỗi và vượt ra ngoài những vấn đề của họ. Đồng thời, họ nhìn thấy rất rõ từ khoảng cách gần, vì họ chú tâm đến anh em và đến những nhu cầu của họ. Hôm nay Thiên Chúa đặt câu hỏi này cho chúng ta: trước tất cả những La-za-rô mà chúng ta nhìn thấy, chúng ta được kêu gọi phải biết can thiệp vào, tìm cách để gặp gỡ và giúp đỡ, mà không chuyển cho người khác và nói rằng: “Ngày mai tôi sẽ giúp bạn; hôm nay tôi không có giờ, ngày mai tôi sẽ giúp bạn.” Đây là một cái tội. Thời gian dành để giúp người khác là thời gian dành cho Chúa Giê-su; đó là tình yêu sẽ mãi trường tồn: đó là gia tài của chúng ta trên thiên đàng mà chúng ta mua được ở trên trần gian này.
Và vì vậy, các anh chị em giáo lý viên thân mến, nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng được canh tân mỗi ngày bởi sự vui mừng của lời loan báo đầu tiên cho chúng ta: Đức Giê-su đã chết và nay sống lại, Đức Giê-su yêu từng người chúng ta! Nguyện xin Người ban cho chúng ta sức mạnh để biết sống và loan báo giới răn yêu thương, vượt qua được sự mù quáng vì những cách thể hiện bên ngoài, và sự buồn bã của trần gian. Nguyện xin Người làm cho chúng ta biết trở nên rung cảm trước người nghèo, họ không phải là những người đến sau trong Tin mừng nhưng là một trang quan trọng, luôn mở ra trước mắt chúng ta.

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/09/2016]