Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi thiếu nhi nhân Ngày Thiếu nhi Thế giới đầu tiên

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi thiếu nhi nhân Ngày Thiếu nhi Thế giới đầu tiên

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi thiếu nhi nhân Ngày Thiếu nhi Thế giới đầu tiên

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup

04/03/24


“Các bạn trẻ thân yêu, để chúng ta và thế giới của chúng ta phát triển và hưng thịnh, việc hiệp nhất với nhau thôi là chưa đủ; trên hết, chúng ta cần hiệp nhất với Chúa Giêsu.”

Sau khi xướng đọc kinh Truyền tin trưa ngày 8 tháng Mười Hai năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố thành lập Ngày Thiếu nhi Thế giới. Ngày đầu tiên sẽ được tổ chức tại Rome vào 25 và 26 tháng 5 năm 2024.

Cổng thông tin chính thức của Vatican News cho biết sự kiện này dự kiến sẽ thu hút “hàng ngàn thiếu nhi nam nữ từ khắp nơi trên thế giới đổ về Rome”.

Và tất cả bắt đầu từ một cậu bé 9 tuổi với một ý tưởng và đã chia sẻ được ý tưởng đó cho Đức Giáo Hoàng.

Cậu Alessandro đề xuất ý tưởng này với Đức Thánh Cha trong một podcast phát sóng vào tháng Bảy năm ngoái ngay trước Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon. “Cha rất thích ý tưởng đó,” Đức Giáo Hoàng trả lời.

Giờ đây, Đức Thánh Cha công bố một thông điệp dành cho thiếu nhi, trước thềm ngày cử hành.

Sau đây là văn bản thông điệp:

______________________________________


Các con thiếu nhi thân yêu!

Ngày Thế giới đầu tiên của các con sẽ được tổ chức tại Rome vào ngày 25 và 26 tháng 5 năm nay đang đến rất gần. Đó là lý do tại sao cha nghĩ đến việc gửi cho các con một Thông điệp. Cha rất vui vì các con có thể đọc được thông điệp và cha cảm ơn tất cả những người chịu trách nhiệm chuyển thông điệp đến các con.

Các con thân yêu, cha muốn nói chuyện với từng người các con, bởi vì, như Kinh Thánh dạy chúng ta, và như Chúa Giêsu đã nhiều lần tỏ cho thấy, “các con thật quý giá” trước mắt Thiên Chúa (Is 43:4).

Đồng thời, cha gửi Thông điệp này tới tất cả các con, bởi vì tất cả các thiếu nhi ở mọi nơi đều là dấu chỉ của ước muốn phát triển và hưng thịnh của mọi người. Các con nhắc nhở chúng tôi rằng tất cả chúng ta đều là những đứa con, là anh chị em. Chúng ta đã không sống được nếu không có người khác đưa chúng ta đi vào thế giới này, chúng ta cũng không thể lớn lên nếu không có người khác để yêu thương và đón nhận tình yêu từ họ (x. Tông huấn Fratelli Tutti, 95).

Tất cả các con, thiếu nhi nam nữ, là nguồn vui cho cha mẹ và gia đình các con, cũng như cho gia đình nhân loại của chúng ta và cho Giáo hội, trong đó mỗi người chúng ta giống như một mắt xích trong sợi dây lớn kéo dài từ quá khứ đến tương lai và bao phủ toàn bộ trái đất. Đó là lý do tại sao cha khuyến khích các con hãy chú ý đến câu chuyện của những người trưởng thành: của cha mẹ, của ông bà nội ngoại và ông bà cố của các con. Và các con đừng quên tất cả những thiếu nhi và thanh thiếu niên khác đang phải chiến đấu với bệnh tật và khó khăn, ở bệnh viện hay ở nhà, và những bạn hiện nay đang bị cướp mất tuổi thơ của mình một cách tàn nhẫn. Cha nghĩ đến những trẻ em là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, những trẻ phải chịu đói khát, những trẻ sống trên đường phố, những trẻ bị buộc phải đi lính hoặc phải chạy trốn như những người tị nạn, bị chia cách khỏi cha mẹ, những trẻ không được đến trường và những trẻ trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, ma túy hoặc các hình thức nô lệ và lạm dụng khác. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của họ. Chúng ta cần phải nghe thấy những tiếng nói đó, vì giữa những đau khổ của họ, họ nhắc nhở chúng ta về thực tại, với đôi mắt đẫm lệ và với lòng khao khát không ngơi sự thiện hảo tồn tại trong tâm hồn của những người thực sự nhìn thấy nỗi kinh hoàng của cái ác.

Các bạn trẻ thân yêu, để chúng ta và thế giới của chúng ta phát triển và hưng thịnh, việc hiệp nhất với nhau thôi là chưa đủ; trên hết, chúng ta cần hiệp nhất với Chúa Giêsu. Chúng ta nhận được rất nhiều sự can đảm từ Ngài. Chúa luôn ở gần chúng ta, Thần Khí của Ngài đi trước chúng ta và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của thế giới. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21:5); đây là chủ đề cha chọn cho Ngày Thế giới đầu tiên của các con. Những lời này mời gọi chúng ta hãy trở nên thông minh như các trẻ trong việc nắm bắt những thực tại mới được Thánh Thần khơi dậy, cả bên trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể mơ ước về việc đổi mới gia đình nhân loại và nỗ lực xây dựng một xã hội huynh đệ hơn biết chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Điều này bắt đầu từ những việc rất nhỏ như ngỏ lời chào người khác, xin phép, xin lỗi và nói lời cảm ơn. Thế giới của chúng ta sẽ thay đổi nếu tất cả chúng ta bắt đầu từ những điều nhỏ bé này, không xấu hổ khi thực hiện từng bước đi nhỏ, từng bước một. Sự thật về sự nhỏ bé của mình nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cũng yếu đuối và cần đến nhau như những chi thể của một thân thể (x. Rm 12:5; 1 Cr 12:26).

Đó không phải là tất cả. Thực tế là chúng ta không thể tự mình hạnh phúc được, bởi vì niềm vui của chúng ta tăng lên khi chúng ta chia sẻ nó. Niềm vui sinh ra từ lòng biết ơn đối với những món quà chúng ta đã nhận được và những món quà mà chúng ta chia sẻ, và nó phát triển trong mối tương quan của chúng ta với những người khác. Khi chúng ta ôm giữ những phúc lành đã nhận cho riêng mình, hoặc nổi cơn cáu kỉnh để được món quà này hay món quà nọ, chúng ta quên mất rằng món quà lớn nhất mà chúng ta sở hữu chính là bản thân mình, cho nhau: Tất cả chúng ta, cùng nhau, là “món quà của Chúa”. Những món quà khác là tốt, nhưng chỉ tốt khi chúng giúp chúng ta được ở bên nhau. Nếu không sử dụng chúng vào mục đích đó thì cuối cùng chúng ta sẽ luôn cảm thấy bất hạnh; chúng sẽ không bao giờ là đủ.

Ngược lại, khi tất cả chúng ta ở bên nhau, mọi thứ đều khác! Hãy nghĩ đến bạn bè của các con, và thật là tuyệt vời khi được dành thời gian với bạn bè: ở nhà, ở trường, ở giáo xứ và sân chơi, ở mọi nơi. Vui chơi, ca hát, khám phá những điều mới mẻ, vui đùa, mọi người ở bên nhau và không loại trừ ai. Tình bạn thật tuyệt vời và nó chỉ phát triển theo cách này: qua việc chia sẻ và tha thứ, với sự kiên nhẫn, can đảm, sáng tạo và trí tưởng tượng, không sợ hãi và không thành kiến.

Bây giờ cha chia sẻ với các con một bí mật đặc biệt. Nếu chúng ta thực sự muốn được hạnh phúc, chúng ta cần cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, cầu nguyện mỗi ngày, bởi vì lời cầu nguyện kết nối chúng ta trực tiếp với Thiên Chúa. Cầu nguyện làm cho tâm hồn chúng ta tràn ngập ánh sáng và sự ấm áp; nó giúp chúng ta làm mọi việc với sự tin tưởng và an tâm. Chúa Giêsu không ngừng cầu nguyện với Chúa Cha. Các con có biết Chúa Giêsu gọi Chúa Cha là gì không? Trong ngôn ngữ của Chúa Giêsu, Ngài chỉ đơn giản gọi Chúa Cha là “Abba”, có nghĩa là “Cha ơi” (x. Mc 14:36). Chúng ta hãy làm như vậy! Chúng ta sẽ luôn cảm thấy Chúa Giêsu ở gần chúng ta. Chính Chúa đã hứa với chúng ta điều đó khi Ngài nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20).

Các con thiếu nhi thân yêu, có thể các con biết rằng vào tháng Năm, nhiều người trong chúng ta sẽ họp nhau ở Rome, để cùng với thiếu nhi từ khắp nơi trên thế giới. Để chuẩn bị tốt cho sự kiện này, cha yêu cầu tất cả các con hãy cầu nguyện bằng lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta – Kinh Lạy Cha. Hãy đọc kinh Lạy Cha mỗi sáng và mỗi tối, trong gia đình của các con, cùng với cha mẹ, anh chị em và ông bà của các con. Nhưng không chỉ bằng cách đọc thuộc lòng! Hãy suy nghĩ về những lời Chúa Giêsu dạy chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta và Ngài muốn chúng ta tích cực tham gia cùng Ngài, trong Ngày Thiếu nhi Thế giới này, để trở thành những người xây dựng một thế giới mới, nhân ái hơn, công bằng hơn và hòa bình hơn. Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mình trên Thập Giá để quy tụ tất cả chúng ta lại với nhau trong tình yêu, Đấng đã chiến thắng cái chết và hòa giải chúng ta với Chúa Cha, muốn tiếp tục công việc của Ngài trong Giáo Hội qua chúng ta. Các con hãy suy nghĩ về điều này, đặc biệt là những người trong các con đang chuẩn bị Rước lễ lần đầu.

Chúa đã yêu thương chúng ta từ muôn thuở (x. Gr 1:5). Người nhìn chúng ta bằng đôi mắt của người cha yêu thương và người mẹ dịu hiền. Chúa không bao giờ quên chúng ta (x. Is 49:15) và mỗi ngày Ngài đồng hành với chúng ta và đổi mới chúng ta bằng Thần Khí của Ngài.

Cùng với Đức Trinh nữ Maria và Thánh cả Giuse, chúng ta hãy cầu nguyện bằng những lời này:

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến,

cho chúng con thấy được vẻ đẹp của Người,

phản ánh trên những gương mặt

của trẻ em trên khắp thế giới.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến,

Chúa là Đấng làm cho mọi sự trở nên mới mẻ,

Chúa là con đường dẫn chúng con đến với Chúa Cha,

xin hãy đến và ở lại với chúng con luôn mãi.

Amen.


Rome, Đền Thánh Gioan Lateran, 2 tháng Ba, 2024

PHANXICÔ



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/3/2024]


Bức họa Mùa Chay thứ 4 của Vatican nói về Điều răn thứ nhất

Bức họa Mùa Chay thứ 4 của Vatican nói về Điều răn thứ nhất

Bức họa Mùa Chay thứ 4 của Vatican nói về Điều răn thứ 1

© Maupal via Dicastery for Promoting Integral Human Development

J-P Mauro

05/03/24


Những bức tranh minh họa của nghệ sĩ đường phố Maupal, người Ý, cho Sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô đang được phát hành hàng tuần trong suốt mùa Chay.

Khi cử hành Mùa Chay, Vatican đã phát hành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo về thông điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô, với chủ đề: “Vượt qua sa mạc, Thiên Chúa dẫn chúng ta đến tự do”. Các tác phẩm nghệ thuật mang phong cách nghệ thuật graffiti này xuất phát từ ý tưởng của nghệ sĩ đường phố nổi tiếng người Ý, Maupal – Mauro Pallotta – người ra mắt các tác phẩm nghệ thuật mới vào mỗi Thứ Hai Mùa Chay.

Việc phát hành được tổ chức thông qua Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện. Chị Muriel Fleury trưởng phòng truyền thông của thánh bộ, lưu ý rằng phong cách nghệ thuật graffiti của ông Maupal nhằm “thoát khỏi cách trình bày cổ điển” và mang đến cho người Kitô hữu một góc nhìn mới, mở rộng tầm nhìn của họ.

Bức họa Mùa Chay thứ 4 của Vatican nói về Điều răn thứ 1


Bức tranh được phát hành vào Thứ Hai của tuần thứ Tư Mùa Chay thể hiện hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, lần này có sự tham gia của một ông già và hai thiếu nhi, cả bốn người đang cố gắng kéo đổ một bức tượng bằng vàng có nhiều biểu tượng tiền tệ khác nhau từ trên bệ dán nhãn “Các thần”. Tác phẩm cảnh báo các tín hữu không nên xây dựng ngẫu tượng tiền bạc, hay kinh tế nói chung. Trong đó, bức tranh đề cập đến Điều Răn Thứ Nhất:

“Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.” – Xh 20:3

Ông Maupal rất chú ý đến chi tiết của các nhân vật, lần này chúng ta nhìn thấy điều đó cách đặc biệt nhất trong trang phục của Đức Giáo hoàng Phanxicô, đòi hỏi rất nhiều đường nét để tạo ra các nếp gấp trên trang phục của ngài trong cảnh mô tả hành động. Tất cả các nhân vật dường như cố gắng rất nhiều để kéo đổ bức tượng xuống, và trong tranh vẽ nó dường như sắp rơi khỏi bệ.

Đức Thánh Cha thường lặp lại điều răn của Chúa Giêsu chống lại lòng tham tiền bạc, với một lời cảnh báo đầy sự liên tưởng về các thủ đoạn của ma quỷ:

Ngài nói: “Ma quỷ xâm nhập qua các túi quần túi áo.”

Chúng ta bắt đầu lòng yêu quý tiền bạc, khao khát sở hữu; rồi tính phù phiếm xuất hiện: “À, tôi giàu rồi và tôi tự hào về điều đó”; và cuối cùng là sự kiêu hãnh và kiêu căng. Đây là cách ma quỷ hành động trong chúng ta. Nhưng cửa vào luôn là các túi quần túi áo.
Những tranh vẽ trước đây

Những bức tranh trước đây của ông Maupal được phát hành trong Mùa Chay năm 2024 bao gồm: bức vẽ Đức Giáo hoàng Phanxicô đẩy xe cút kít chở một bao tải có dán nhãn “đức tin” vượt qua sa mạc, hai bên phủ đầy những chiếc đinh nhọn; Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức một cuộc vượt ngục để giải thoát các tù nhân khỏi xiềng xích của sợ hãi và thù hận; và Đức Thánh Cha Phanxicô trao “Thẻ Xanh” cho hai thiếu nhi nhập cư đang chơi bóng đá trên bãi biển.

Có thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật của ông Maupal đến từ Vatican, sẽ được phát hành vào thứ Hai hàng tuần của Mùa Chay năm 2024.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/3/2024]