Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Chính phủ Iraq áp đặt các hạn chế COVID vài tuần trước chuyến thăm của Giáo hoàng

Chính phủ Iraq áp đặt các hạn chế COVID vài tuần trước chuyến thăm của Giáo hoàng

Chính phủ Iraq áp đặt các hạn chế COVID vài tuần trước chuyến thăm của Giáo hoàng

Một người Công giáo Iraq đeo khẩu trang trong Thánh Lễ ở Baghdad ngày 24 tháng Mười Hai, 2020. Credit: Ahmad al-Rubaye/Getty Images/CNA.

Courtney Mares

Rome Newsroom, 15 tháng Hai, 2021 / 06:30 am MT (CNA). - Chính phủ Iraq đã thông báo những hạn chế COVID-19 mới, gồm cả việc đóng cửa tất cả các nơi thờ tự, không đầy ba tuần trước chuyến đi dự kiến của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Iraq.

Ngày 14 tháng Hai, Bộ Y tế Iraq viết rằng chính phủ sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc, cùng với việc đóng cửa tất cả các trường học, nhà hàng, đền thờ Hồi giáo và những nơi thờ tự khác.

Những biện pháp này được đưa ra trong các tuần lễ trước chuyến công du từ ngày 5 đến 8 tháng Ba của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Iraq. Lịch trình của Đức Giáo hoàng gồm một thánh lễ tại Nhà thờ Canđê Thánh Giuse ở Baghdad vào ngày 6 tháng Ba và chuyến thăm Nhà thờ Chính tòa Syria Đức mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Bakhdida vào ngày 7 tháng Ba.

Hầu hết các biện pháp chống coronavirus mới sẽ có hiệu lực từ ngày 18 tháng Hai đến ngày 4 tháng Ba, nhưng theo trang web của chính phủ Iraq việc đóng cửa các địa điểm thờ tự là “cho đến khi có thông báo mới”. Lệnh giới nghiêm toàn quốc sẽ được giữ nguyên cho đến ít nhất là ngày 8 tháng Ba.

Đức Tổng giám mục Mitja Leskovar, Đại sứ của Vatican tại Baghdad, đã gặp Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi vào ngày 14 tháng Hai để thảo luận về việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Giáo hoàng.

Theo Hãng tin Shafaqna Shia, Thủ tướng Al-Kadhimi cho biết trong cuộc họp rằng chính phủ Iraq hoan nghênh chuyến thăm của Giáo hoàng và những nỗ lực của ngài nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan trong nước.

Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến sẽ gặp gỡ Thủ tướng Al-Kadhimi ngay sau khi ngài đến Baghdad ngày 5 tháng Ba trước khi tới dinh tổng thống để thăm Tổng thống Iraq Barham Salih.

Chuyến đi của Giáo hoàng đã vấp phải một số phản đối ở Iraq. Giáo sĩ dòng Shiite theo chủ nghĩa dân túy, Muqtada al-Sadr, đã giải quyết sự phản đối này và nhấn mạnh sự chấp thuận của ông về chuyến thăm sắp tới của Giáo hoàng Phanxicô trong một lời Tweet vào ngày 13 tháng Hai.

“Tôi nghe nói có những người phản đối chuyến viếng thăm của giáo hoàng tới đất nước Iraq thân yêu của chúng ta. Tôi nói rằng sự cởi mở đối với các tôn giáo là điều mong muốn và chuyến thăm này được hoan nghênh,” giáo sĩ al-Sadr viết bằng tiếng Ả Rập. Vị giáo sĩ có hơn 1,3 triệu người theo dõi trên Twitter.

Giáo sĩ viết, “Najaf là thủ đô của các tôn giáo, vì vậy ngài được chào đón như một người yêu hòa bình.”

Trong chuyến thăm Iraq, Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến gặp Giáo sĩ Ali al-Sistani, nhà lãnh đạo của người Hồi giáo dòng Shia ở Iraq, tại Najaf vào ngày 6 tháng Ba.

Sau đó, Đức Giáo hoàng sẽ đến đồng bằng Ur ở miền nam Iraq, nơi được Kinh thánh ghi lại là nơi sinh của tổ phụ Abraham. Tại Ur, Đức Giáo hoàng sẽ có bài diễn từ tại một cuộc gặp gỡ liên tôn.

Một linh mục ở Iraq đã lưu ý rằng các hạn chế toàn quốc về coronavirus ở Iraq không nên áp dụng cho khu vực tự trị phía bắc Kurdistan của Iraq, nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến sẽ đến vào ngày cuối cùng của chuyến thăm.

Các nhà chức trách tôn giáo và dân sự của người Kurdistan ở Iraq sẽ chào đón Đức Giáo hoàng tại sân bay Erbil vào ngày 7 tháng Ba trước khi đến Mosul để cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại quảng trường Hosh al-Bieaa.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm các cộng đoàn Kitô giáo ở Đồng bằng Ninivê và sẽ dâng Thánh lễ tại một sân vận động ở Erbil. Các cộng đoàn Kitô giáo này đã chịu đựng đau khổ rất nhiều dưới sự chiếm đóng của Nhà nước Hồi giáo từ năm 2014 đến năm 2016, khiến nhiều người Kitô hữu phải chạy trốn khỏi khu vực. Đức Giáo hoàng đã nhiều lần bày tỏ sự gần gũi của ngài với những Kitô hữu bị đàn áp này.

Chuyến thăm của Giáo hoàng đến Iraq sẽ là chuyến công du quốc tế đầu tiên của Đức Giáo hoàng Phanxicô sau hơn một năm do đại dịch coronavirus.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 2.530 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 ở Iraq vào ngày 13 tháng Hai, đã ghi nhận tổng số 641.628 trường hợp ở Iraq trong năm ngoái với 13.164 ca tử vong ở Iraq do COVID-19.

Theo Cơ quan Thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Y tế Iraq đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm chủng coronavirus mới trong cuộc họp báo vào ngày 15 tháng Hai.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận cả hai liều vaccine coronavirus Pfizer-BioNtech vào đầu năm nay. Tất cả các nhà báo và nhân viên an ninh của Vatican đi cùng Đức Giáo hoàng Phanxicô trong chuyến công du của ngài tới Iraq cũng phải tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/2/2021]


Đi vào những điều trọng yếu của Mùa Chay: sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho năm nay

Đi vào những điều trọng yếu của Mùa Chay: sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho năm nay

Đi vào những điều trọng yếu của Mùa Chay: sau đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho năm nay

Antoine Mekary | ALETEIA | I.MEDIA

Kathleen N. Hattrup

12/02/21

Tin tưởng trong việc ăn chay, hy vọng trong việc làm phúc, bác ái trong cầu nguyện …

Dưới đây là sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô.

*****

“Này, chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20:18).

Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng, và Tình yêu.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ ý nghĩa sâu xa nhất của sứ vụ của Ngài khi Ngài nói cho các ông về cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh, để thực hiện thánh ý của Chúa Cha. Sau đó Ngài gọi các môn đệ cùng chia sẻ sứ vụ cứu độ thế giới này.

Trong hành trình Mùa Chay của chúng ta hướng tới Lễ Phục Sinh, chúng ta hãy nhớ Đấng “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8). Trong mùa sám hối này, chúng ta hãy làm tươi mới lại niềm tin của chúng ta, kín múc niềm hy vọng từ “nước hằng sống, và với tâm hồn rộng mở đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta trở thành anh chị em trong Đức Kitô. Trong đêm canh thức Phục sinh, chúng ta sẽ lặp lại những lời hứa rửa tội của mình và trải nghiệm sự tái sinh là những con người mới nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Hành trình Mùa Chay này, giống như toàn bộ cuộc lữ hành của đời sống người Kitô hữu, bây giờ được soi sáng bởi ánh sáng phục sinh, truyền cảm hứng cho những suy nghĩ, thái độ và quyết định của những người môn đệ của Chúa Kitô.

Ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái, như lời Chúa Giêsu giảng dạy (xem Mt 6:1-18), làm cho chúng ta có thể hoán cải và là cách thể hiện sự hoán cải của chúng ta. Con đường nghèo khó và từ bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và đối thoại như trẻ thơ với Chúa Cha (cầu nguyện) giúp chúng ta có thể sống đời sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái hiệu quả.

1. Đức tin kêu gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Chúa và tất cả anh chị em của mình.

Trong Mùa Chay này, chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Đức Kitô trước hết có nghĩa là rộng mở tâm hồn trước Lời của Chúa, Lời mà Giáo hội truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự thật này không phải là một khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số ít người thông thái được chọn. Thay vì vậy, nó là một thông điệp mà tất cả chúng ta có thể đón nhận và hiểu được nhờ sự khôn ngoan và một tâm hồn rộng mở trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, là Đấng yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta ý thức được điều đó. Chính Chúa Kitô là sự thật này. Bằng cách mặc lấy nhân tính của chúng ta, thậm chí cả những giới hạn của nó, Ngài đã làm cho chính Ngài trở thành con đường dẫn đến sự sống viên mãn – dù con đường đòi hỏi khó khăn nhưng mở ra cho tất cả mọi người.

Ăn chay, trải nghiệm như một hình thức từ bỏ chính mình, giúp những ai thực hiện nó với tâm hồn đơn sơ để tái khám phá ân huệ của Chúa và để nhận ra rằng chúng ta tìm được sự hoàn thành trong Người vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Người. Khi đi theo kinh nghiệm của sự nghèo khó, người ăn chay làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích góp gia tài tình yêu đã đón nhận và chia sẻ. Bằng cách này, ăn chay giúp chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương người lân cận, tới mức tình yêu, như Thánh Tôma Aquinô dạy, trở thành một chuyển động hướng ngoại tập trung sự chú ý của chúng ta vào tha nhân và xem họ như là một với chính bản thân chúng ta (xem Fratelli Tutti, 93).

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, để chào đón Chúa vào trong đời sống của chúng ta và cho phép Người “ở lại” giữa chúng ta (xem Ga 14:23). Ăn chay là được giải phóng khỏi tất cả những gì đè nặng chúng ta – chẳng hạn chủ nghĩa tiêu thụ và sự thừa mứa thông tin, bất kể là thật hoặc giả – để mở rộng cửa tâm hồn chúng ta cho Đấng đến với chúng ta, khó nghèo mọi sự, nhưng “tràn đầy ân sủng và sự thật” (Ga 1:14): là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta.

2. Niềm hy vọng như “nước hằng sống” giúp chúng ta tiếp tục hành trình của mình.

Người đàn bà Samari tại giếng nước, người mà Chúa Giêsu xin nước uống, không hiểu ý nghĩa khi Ngài nói rằng Ngài có thể ban cho bà “nước hằng sống” (Ga 4:10). Theo lẽ tự nhiên, bà ta nghĩ rằng Ngài đang nói đến nước vật chất, nhưng Chúa Giêsu đang nói đến Chúa Thánh Thần là Đấng Ngài sẽ ban cho dồi dào qua mầu nhiệm vượt qua, ban tặng niềm hy vọng không làm thất vọng. Chúa Giêsu đã nói đến niềm hy vọng này, khi nói đến cuộc thương khó và cái chết của Ngài, Ngài nói rằng Ngài sẽ “trỗi dậy vào ngày thứ ba” (Mt 20:19). Chúa Giêsu đang nói đến tương lai được rộng mở bởi lòng thương xót của Chúa Cha. Hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin rằng lịch sử không kết thúc với những lỗi lầm, bạo lực và bất công của chúng ta, hay tội ác đóng đinh Đấng là Tình yêu. Nó có nghĩa là đón nhận sự tha thứ của Chúa Cha từ trái tim rộng mở của Người.

Trong thời gian bất an này, khi mọi thứ dường như mong manh và bấp bênh, có vẻ như là một thách đố khi nói về hy vọng. Tuy nhiên Mùa Chay chính là mùa hy vọng, khi chúng ta trở về với Thiên Chúa là Đấng luôn kiên nhẫn chăm sóc cho tạo vật của Người, mà chúng ta lại thường ngược đãi (xem Tông huấn Laudato Si’, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta hãy đặt niềm hy vọng vào sự hòa giải: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20). Bằng cách đón nhận sự tha thứ trong bí tích vốn là trung tâm của quá trình hoán cải của chúng ta, về phần mình chúng ta có thể lan tỏa sự tha thứ cho người khác. Đã đón nhận được sự tha thứ cho chính mình, chúng ta có thể trao tặng nó qua sự sẵn sàng đi vào cuộc đối thoại ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua bất hạnh và đau khổ. Sự tha thứ của Chúa, cũng được trao tặng qua lời nói và hành động của chúng ta, giúp chúng ta có thể trải nghiệm Phục sinh của tình huynh đệ.

Trong Mùa Chay, ước mong rằng chúng ta ngày càng quan tâm hơn để “nói những lời an ủi, củng cố, nâng đỡ và khích lệ, chứ không phải là những lời sỉ nhục, u uất, giận dữ hay trách mắng” (Tông huấn Fratelli Tutti, 223). Để trao tặng niềm hy vọng cho người khác, đôi khi đơn giản chỉ cần thái độ tử tế, “sẵn sàng đặt mọi sự khác qua một bên để bày tỏ sự quan tâm, để trao món quà là một nụ cười, để nói một lời khích lệ, để lắng nghe giữa một thế giới dửng dưng” (sđd, 224).

Qua tĩnh tâm và thinh lặng cầu nguyện, niềm hy vọng được trao tặng cho chúng ta như nguồn cảm hứng và ánh sáng nội tâm, soi dẫn cho những thách đố và lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt trong sứ mệnh của mình. Vì thế, cần phải cầu nguyện (xem Mt 6:6) và gặp gỡ Chúa Cha giàu tình thương dịu dàng, trong nơi kín đáo.

Trải nghiệm Mùa Chay trong hy vọng làm phát triển ý thức rằng trong Chúa Giêsu Kitô chúng ta là những chứng nhân của thời đại mới, trong đó Thiên Chúa đang “đổi mới mọi sự” (xem Kh 21:1-6). Nó có nghĩa là đón nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban sự sống của Người trên thập giá và được Thiên Chúa cho trỗi dậy vào ngày thứ ba, và luôn luôn “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em [chúng ta]” (1 Pr 3:15).

3. Theo bước chân Chúa Kitô, yêu thương trong sự quan tâm và động lòng thương là biểu hiện cao nhất của niềm tin và hy vọng của chúng ta.

Tình yêu mừng vui khi nhìn thấy người khác lớn lên. Vì thế nó đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là một bước nhảy vọt của con tim; nó đưa chúng ta thoát ra khỏi bản thân mình và tạo ra những mối dây liên kết chia sẻ và hiệp thông.

“‘Tình yêu có tính xã hội’ giúp người ta có thể tiến tới một nền văn minh tình thương, điều mà tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy mình được kêu gọi. Tình yêu, với xung năng hướng tới tính phổ quát của nó, có khả năng xây dựng một thế giới mới. Không phải là cảm tính đơn thuần, nó là phương tiện tốt nhất để khám phá những nẻo đường hiệu quả cho sự phát triển của mọi người” (Tông huấn Fratelli Tutti, 183).

Tình yêu là một món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Nó làm cho chúng ta có khả năng nhìn đến những người thiếu thốn như thành viên trong gia đình chúng ta, như là bạn bè, anh chị em của chúng ta. Một số lượng dù nhỏ, nhưng nếu được trao tặng bằng tình yêu, sẽ không bao giờ cạn, nhưng sẽ trở nên một nguồn sống và hạnh phúc. Đó là trường hợp của hũ bột và bình dầu của bà góa thành Xarépta, là người đã làm cho tiên tri Êlia một chiếc bánh (xem 1 V 17:7-16); đó cũng là trường hợp của những ổ bánh được Chúa Giêsu chúc lành, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát cho đám đông (xem Mc 6:30-44). Đó cũng là trường hợp xảy ra với của bố thí của chúng ta khi được trao tặng với niềm vui và sự đơn sơ, dù ít hay nhiều.

Trải nghiệm Mùa Chay với tình yêu có nghĩa chăm sóc những người đau khổ hoặc cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong những ngày vô cùng bấp bênh về tương lai này, chúng ta hãy ghi nhớ lời của Chúa nói với Tôi tớ của Người, “Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi về” (Is 43:1). Trong tình bác ái của chúng ta, chúng ta nói lên những lời làm vững tâm và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

“Chỉ một cái nhìn bởi lòng bác ái có thể làm cho phẩm giá của người khác được nhìn nhận, và nhờ đó người nghèo được đón nhận và trân trọng trong phẩm giá của họ, được tôn trọng trong căn tính và văn hóa của họ, và như thế được hội nhập thực sự vào xã hội” (Tông huấn Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến, mọi giây phút trong cuộc sống chúng ta đều là một thời gian để tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Tiếng gọi sống Mùa Chay như một hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp chúng ta – những cộng đoàn và cá nhân – làm sống lại đức tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được truyền cảm hứng bởi hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu tuôn đổ từ trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Cha.

Xin Mẹ Maria, Thân mẫu của Đấng Cứu Thế, trung thành dưới chân thập giá và trong lòng Giáo hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện đầy lòng yêu thương của Mẹ. Xin phúc lành của Chúa Phục sinh đồng hành với tất cả chúng ta trên hành trình hướng về ánh sáng Phục sinh.

Roma, Đền Thánh Gioan Lateran, 11 tháng Mười Một, 2020, Lễ Thánh Martin thành Tours

GH Phanxicô


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/2/2021]