Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

Toàn văn bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Người nghèo: Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng

Toàn văn bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Người nghèo: Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng

Toàn văn bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Người nghèo: Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup

13/11/22


Khi những biến cố tai ương xảy ra dẫn đến nghèo đói và đau khổ, người Kitô hữu đặt câu hỏi: “Tôi có thể làm điều gì tốt lành cách cụ thể?” Đừng chạy trốn, hãy tự hỏi mình câu hỏi: Chúa đang nói gì với tôi và tôi có thể làm điều gì tốt lành?

Vào Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô và suy tư về chủ đề của năm nay: “Vì anh em, Đức Kitô đã trở nên nghèo khó.”

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng khoảng 1.300 người được hỗ trợ bởi Caritas Roma và Cộng đồng giáo dân Thánh Egidio dùng bữa trưa tại Khán phòng Phaolô VI.

Sau đây là bài giảng lễ của Đức Thánh Cha:

********

Trong khi một số người nói về vẻ đẹp bên ngoài của Đền thờ và ca tụng những viên đá của đền thờ, thì Chúa Giêsu hướng sự chú ý đến những biến cố tai họa và thảm kịch đánh dấu lịch sử nhân loại. Đền thờ do bàn tay con người xây dựng sẽ qua đi, giống như mọi thứ khác trên thế giới này, nhưng điều quan trọng là có thể phân định được thời đại mà chúng ta đang sống, để luôn là người môn đệ của Tin Mừng ngay cả giữa những biến động của lịch sử.

Để chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến sự phân định như vậy, Chúa đưa ra cho chúng ta hai lời khuyên: anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt và hãy làm chứng.

Điều đầu tiên Chúa Giêsu nói với những người đang lắng nghe Ngài, những người quan tâm đến “khi nào” và “như thế nào” của những biến cố kinh hoàng mà Chúa nói đến, là: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần’; anh em chớ có theo họ” (Lc 21:8). Sau đó, Chúa nói thêm: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi” (c. 9). Điều này thật an ủi đặc biệt là trong thời điểm hiện tại. Nhưng ý Chúa Giêsu là gì khi nói rằng coi chừng kẻo bị lừa gạt? Ý Chúa là hãy tránh sự cám dỗ giải thích các biến cố thảm kịch theo cách mê tín hoặc số phận, như thể chúng ta đang cận kề với ngày tận thế và cam kết làm điều tốt lành chỉ là vô ích.

Nếu chúng ta suy nghĩ theo cách này, chúng ta để cho bản thân bị hướng dẫn bởi nỗi sợ hãi, và cuối cùng có thể tìm kiếm những câu trả lời sai quấy trong pháp thuật hoặc tử vi luôn hiện hữu – ngày nay nhiều người Kitô hữu đến gặp các thầy bói toán; họ xem lá số tử vi như thể họ là tiếng nói của Chúa. Hoặc một lần nữa, chúng ta dựa vào một “đấng cứu thế” đến vào phút cuối nào đó, người rao giảng những thuyết hoang đường, thường là thuyết âm mưu và đầy cam chịu và u ám – thuyết âm mưu là xấu xa, chúng gây hại cho chúng ta rất nhiều.

Không thể tìm thấy Thần Khí của Chúa trong những cách tiếp cận như vậy: cũng không thể tìm thấy Ngài bằng cách đến gặp một “đạo sư” hoặc trong tinh thần âm mưu; Chúa không có ở đó. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa”. Đừng cả tin hay sợ hãi, nhưng hãy học cách giải thích các biến cố bằng con mắt đức tin, chắc chắn rằng khi gần gũi với Thiên Chúa thì “dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (c. 18).

Toàn văn bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Người nghèo: Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng


Nếu lịch sử nhân loại đầy rẫy những biến cố thảm kịch, những hoàn cảnh đau khổ, chiến tranh, cách mạng và tai ương, thì Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng đó cũng không phải là ngày tận thế (x. câu 9). Đó không phải là lý do chính đáng để chúng ta cho phép mình bị tê liệt vì sợ hãi hoặc đầu hàng tư tưởng chủ bại của những người nghĩ rằng mọi thứ đã mất và thật vô ích để tham gia tích cực vào cuộc sống. Người môn đệ của Chúa không buông xuôi hay nản lòng, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, vì Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự phục sinh và hy vọng, Đấng luôn nâng dậy: với Người, chúng ta có thể ngước mắt nhìn lên và bắt đầu lại. Do đó, người Kitô hữu khi đối mặt với những thử thách – bất kể đó là thử thách về văn hóa, lịch sử hay cá nhân – hãy đặt câu hỏi: “Chúa đang nói gì với chúng ta qua thời điểm khủng hoảng này?” – tôi cũng vậy, hôm nay tôi cũng tự hỏi mình câu hỏi đó: Chúa đang nói gì với chúng ta, nhất là giữa cuộc chiến tranh thế giới thứ ba này? Chúa đang nói gì với chúng ta? Và khi những biến cố tai ương xảy ra làm phát sinh nghèo đói và đau khổ, người Kitô hữu tự hỏi: “Tôi có thể làm điều gì tốt lành cách cụ thể?” Đừng chạy trốn, hãy tự hỏi: Chúa đang nói gì với tôi và tôi có thể làm được điều gì tốt lành?

Toàn văn bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Người nghèo: Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng


Không phải ngẫu nhiên mà lời khuyên thứ hai của Chúa Giêsu, sau lời “đừng để mình bị lừa gạt,” là rất tích cực. Chúa nói: “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy” (c. 13). Một cơ hội để làm chứng. Tôi muốn nhấn mạnh từ ngữ rất đẹp này: cơ hội. Nó có nghĩa là có cơ hội để làm điều gì đó tốt lành, bắt đầu từ hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi nó không lý tưởng. Đó là một kỹ năng điển hình của người Kitô hữu để không trở thành nạn nhân của mọi điều xảy ra – người Kitô hữu không phải là nạn nhân, và tâm lý trở thành nạn nhân là không tốt, nó có hại – nhưng nắm bắt cơ hội tiềm ẩn trong mọi việc xảy đến với chúng ta, điều tốt lành – dù nhỏ bé – có thể xuất hiện ngay cả trong những hoàn cảnh xấu.

Mỗi cuộc khủng hoảng là một khả năng và mang lại cơ hội phát triển. Mỗi cuộc khủng hoảng là một sự mở ra cho sự hiện diện của Thiên Chúa, mở ra cho con người. Nhưng ác thần muốn chúng ta làm gì? Hắn muốn chúng ta biến khủng hoảng thành xung đột, và xung đột luôn là khép kín, không có chân trời; một ngõ cụt. Không. Chúng ta hãy trải qua một cuộc khủng hoảng như con người, như người Kitô hữu, chúng ta đừng biến nó thành xung đột, bởi vì mọi cuộc khủng hoảng đều là một khả năng và mang lại những cơ hội phát triển. Chúng ta nhận ra điều này nếu nghĩ lại lịch sử của chính mình: Trong cuộc sống, những bước tiến quan trọng nhất của chúng ta được thực hiện giữa những khủng hoảng nhất định, trong những tình huống thử thách, mất kiểm soát hoặc bất an.

Khi đó chúng ta mới hiểu được những lời động viên mà Chúa Giêsu hôm nay trực tiếp nói với tôi, với anh chị em, với mỗi người chúng ta: Khi anh chị em nhìn thấy những biến cố bất an xung quanh anh chị em, khi chiến tranh và xung đột gia tăng, khi động đất, đói kém và dịch bệnh xảy ra, anh chị em sẽ làm gì; tôi làm gì? Anh chị em có đánh lạc hướng bản thân để không nghĩ về nó không? Anh chị em có tự vui thú để không can dự vào không? Anh chị em có quay mặt đi để không phải nhìn thấy? Anh chị em có đi theo con đường trần tục, không chủ động và không quan tâm đến những tình huống thảm kịch này không? Anh chị em có cam chịu với những gì đang xảy ra không?

Hay những hoàn cảnh này trở thành cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng? Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: Giữa những tai ương này, giữa cuộc chiến tranh thế giới thứ ba khủng khiếp này, giữa nạn đói đang ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là trẻ em: Tôi có thể sử dụng tiền bạc, cuộc sống của mình và ý nghĩa của nó không?

Thưa anh chị em, trong Ngày Thế giới Người nghèo này, Lời Chúa là một lời khuyên hữu hiệu để vượt qua căn bệnh điếc bên trong mà tất cả chúng ta đều mắc phải, và nó ngăn cản chúng ta không nghe thấy tiếng kêu đau đớn bị bóp nghẹt của những người yếu đuối nhất. Ngày nay, chúng ta cũng đang sống trong những xã hội đầy rắc rối và đang chứng kiến những cảnh bạo lực, như Tin Mừng đã nói với chúng ta – chúng ta chỉ cần nghĩ về sự tàn ác mà người dân Ukraine đang chịu đựng – bất công và ngược đãi; ngoài ra, chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu và đại dịch gây ra, đã để lại hậu quả không chỉ về thể chất mà còn cả tâm lý, kinh tế và xã hội.

Toàn văn bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Người nghèo: Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng


Ngay cả lúc này, thưa anh chị em, chúng ta chứng kiến các dân tộc nổi dậy chống lại các dân tộc và chúng ta lo âu chứng kiến sự lan rộng các cuộc xung đột và thảm họa chiến tranh, gây ra cái chết của không biết bao người vô tội và làm gia tăng độc tố của hận thù. Ngày nay, hơn cả trong quá khứ, nhiều anh chị em của chúng ta, bị thử thách nặng nề và ngã lòng, di cư để tìm kiếm hy vọng, và nhiều người cảm thấy bất an do thiếu việc làm hoặc điều kiện làm việc bất công và không được tôn trọng. Ngày nay cũng vậy, người nghèo phải trả giá đắt nhất trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Nhưng nếu tâm hồn của chúng ta câm lặng và thờ ơ, chúng ta không thể nghe thấy tiếng khóc đau đớn yếu ớt của họ, chúng ta không thể khóc cùng họ và khóc cho họ, chúng ta không thể nhìn thấy biết bao nỗi cô đơn và đau khổ còn ẩn giấu trong những góc bị lãng quên của thành phố chúng ta. Chúng ta phải đi đến các góc của thành phố, vì trong những góc khuất và tối tăm này, chúng ta mới nhìn thấy sự khốn khổ, đau đớn và nghèo đói cùng cực.

Chúng ta hãy ghi tâm những lời hiệu triệu rõ ràng và không thể nhầm lẫn trong Tin Mừng không để mình bị lừa gạt. Chúng ta đừng nghe những lời tiên tri về sự diệt vong. Chúng ta đừng để bị mê hoặc bởi tiếng còi hú của chủ nghĩa dân túy, khai thác nhu cầu thực sự của con người bằng các giải pháp hời hợt và vội vàng. Chúng ta đừng đi theo những “đấng cứu thế” giả, những người nhân danh lợi nhuận, công bố những công thức chỉ hữu ích để tăng thêm sự giàu có của một số ít người, đồng thời kết án người nghèo ở bên lề xã hội.

Thay vào đó, chúng ta hãy làm chứng. Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng giữa bóng tối. Giữa những tình huống bi thảm, chúng ta hãy nắm bắt cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng của niềm vui và xây dựng một thế giới huynh đệ, hoặc ít nhất là huynh đệ hơn một chút. Chúng ta hãy can đảm cam kết với công lý, pháp quyền và hòa bình, và luôn đứng về phía những người yếu đuối nhất. Chúng ta đừng lùi bước để bảo vệ mình thoát khỏi lịch sử, nhưng hãy cố gắng mang đến cho khoảnh khắc lịch sử mà chúng ta đang trải qua một diện mạo khác.

Toàn văn bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha Ngày Thế giới Người nghèo: Chúng ta hãy thắp lên những ngọn nến hy vọng


Làm thế nào để chúng ta tìm thấy sức mạnh cho tất cả những điều này? Trong Chúa. Bằng cách tín thác nơi Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Đấng trông nom chúng ta. Nếu chúng ta mở lòng với Chúa, Người sẽ củng cố khả năng yêu thương trong chúng ta. Đây là con đường: lớn lên trong tình yêu. Thật vậy, sau khi mô tả các viễn cảnh bạo lực và khủng bố, Chúa Giêsu kết luận bằng cách nói: “Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng sẽ không mất đâu” (câu 18). Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là Chúa ở cùng chúng ta; Người đồng hành với chúng ta để hướng dẫn chúng ta.

Tôi có niềm tin vững vàng này không? Anh chị em có vững tin rằng Chúa đồng hành với anh chị em không? Chúng ta phải luôn lặp lại điều này với chính mình, đặc biệt là vào những lúc khó khăn nhất: Thiên Chúa là Cha, và Ngài ở bên tôi. Chúa biết và Chúa yêu tôi; Người không ngủ, nhưng trông chừng tôi và quan tâm đến tôi. Nếu tôi ở gần Chúa, không một sợi tóc trên đầu tôi sẽ bị mất đi. Và tôi trả lời cho điều này bằng cách nào? Bằng cách nhìn những người anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn; bằng cách nhìn vào cái văn hóa vứt bỏ xua đuổi người nghèo và những người có ít khả năng; cái nền văn hóa loại bỏ người già và người chưa ra đời… bằng cách nhìn vào tất cả những người đó; Là một người Kitô hữu, tôi nên làm gì trong thời điểm này?

Vì Chúa yêu chúng ta, chúng ta hãy quyết tâm yêu mến Người trong những đứa con bị bỏ rơi nhất của Người. Chúa ở đó. Có một truyền thống lâu đời, ngay cả ở một số vùng của nước Ý, và tôi chắc chắn một số anh chị em vẫn làm theo nó: đặt một chiếc ghế trống cho Chúa trong bữa tối Giáng sinh, và tin rằng chắc chắn chính Chúa sẽ đến gõ cửa trong hình ảnh của một người nghèo gặp khó khăn.

Tâm hồn của anh chị em có chỗ cho những người như vậy không? Có chỗ nào trong tâm hồn tôi dành cho những người như vậy không? Hay chúng ta quá bận rộn với tiếp đón bạn bè, tham dự các sự kiện xã hội và các hoạt động khác không bao giờ cho phép chúng ta có không gian cho những người như vậy. Chúng ta hãy quan tâm đến người nghèo, nơi họ chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta (x. 2Cr 8:9). Chúa đồng hóa với người nghèo. Chúng ta hãy cảm thấy được thử thách để chăm sóc họ, kẻo một sợi tóc trên đầu họ bị mất đi. Chúng ta đừng chỉ hài lòng trong việc chiêm ngưỡng những viên đá đẹp đẽ của đền thờ, giống như những người trong Tin Mừng, trong khi không nhận ra đền thờ đích thực của Thiên Chúa, những người đồng loại của chúng ta, đặc biệt là những người nghèo, với khuôn mặt của họ, lịch sử của họ, những vết thương của họ, chúng ta gặp Chúa Giêsu. Chúa nói với chúng ta như vậy. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/11/2022]


Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với người nghèo

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với người nghèo

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với người nghèo

Đức Thánh Cha nhận được cái ôm của một thiếu nhi trong bữa ăn trưa nhân Ngày Quốc tế Người nghèo 13 tháng 11, 2022. Daniel Ibáñez / CNA

Hannah Brockhaus

Rome Newsroom, 14 tháng 11, 2022 / 03:26 am


Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng bữa trưa với khoảng 1.300 người nghèo ở Roma hôm Chúa nhật.

Bữa ăn là một phần của những sáng kiến do Vatican tài trợ đánh dấu Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ sáu, bao gồm một phòng khám y tế lưu động miễn phí tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau hai năm bị gián đoạn do những hạn chế về đại dịch COVID-19, bữa trưa miễn phí một lần nữa được cung cấp tại Khán phòng Phaolô VI cho những người nghèo ở Roma.

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với người nghèo

Đức Thánh Cha nhận được cái ôm của một thiếu nhi trong bữa ăn trưa nhân Ngày Quốc tế Người nghèo 13 tháng 11, 2022. Daniel Ibáñez / CNA


Đức Thánh Cha Phanxicô luôn dùng chung bữa trưa — bắt đầu từ năm 2017 trong Ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên; ngài dành thời gian trò chuyện với những người cùng bàn và ngài chào những người khác đến với ngài.

Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến việc tiếp cận cụ thể với những người thiếu thốn.

Ngài thường nói về những người ở bên lề xã hội và lên án điều mà ngài gọi là “văn hóa vứt bỏ” coi thường những người mà nó thấy bất tiện hoặc là gánh nặng.

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với người nghèo

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bữa trưa nhân Ngày Quốc tế Người nghèo 13 tháng 11, 2022. Daniel Ibáñez / CNA


Trong Thánh lễ ngày 13 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta phải luôn lặp lại điều này với chính bản thân, đặc biệt vào những lúc khó khăn nhất: Thiên Chúa là Cha, và Người ở bên cạnh tôi. Chúa biết và yêu thương tôi; Người không ngủ, nhưng trông chừng tôi và quan tâm đến tôi. Nếu tôi ở gần Chúa, thì không một sợi tóc nào trên đầu tôi bị mất đi.”

Ngài nói thêm: “Và tôi trả lời cho điều này bằng cách nào? Bằng cách nhìn những người anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn; bằng cách nhìn vào cái văn hóa vứt bỏ xua đuổi người nghèo và những người có ít khả năng; cái nền văn hóa loại bỏ người già và người chưa ra đời… bằng cách nhìn vào tất cả những người đó; Là một người Kitô hữu, tôi nên làm gì trong thời điểm này?”

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với người nghèo

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bữa trưa nhân Ngày Quốc tế Người nghèo 13 tháng 11, 2022. Daniel Ibáñez / CNA


Đức Thánh Cha Phanxicô cũng dùng chung bữa ăn với người nghèo trong các chuyến viếng thăm thành phố Assisi và Bologna của Ý.

Sau lễ Tuyên phong thánh cho Thánh Têrêsa Calcutta vào ngày 4 tháng Chín năm 2016, Đức Thánh Cha đã cung cấp bữa trưa pizza cho 1.500 người nghèo được chăm sóc bởi Hội Thừa Sai Bác Ái, dòng của Mẹ Teresa.

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng bữa trưa với người nghèo

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bữa trưa nhân Ngày Quốc tế Người nghèo 13 tháng 11, 2022. Daniel Ibáñez / CNA




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/11/2022]