Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

LỄ THÁNH GIA THẤT: Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô 26 tháng 12, 2021

LỄ THÁNH GIA THẤT:  Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô 26 tháng 12, 2021

LỄ THÁNH GIA THẤT NADARÉT
Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 26 tháng Mười Hai, 2021

_____________________________

 

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Thánh Gia thất Nadarét. Thiên Chúa đã chọn một gia đình khiêm nhường và đơn sơ để đến ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm vẻ đẹp của mầu nhiệm này với sự kinh ngạc, nhấn mạnh đến hai khía cạnh cụ thể cho gia đình chúng ta.

Thứ nhất: gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Mỗi người trong chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình. Không ai trong chúng ta được sinh ra cách thần thông bằng một cây đũa thần. Tất cả chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình và gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả Chúa Giêsu cũng là người con của câu chuyện gia đình. Chúng ta thấy Ngài đi đến Giêrusalem với Mẹ Maria và Thánh Giuse để dự Lễ Vượt Qua; sau đó làm cho mẹ và cha của Ngài phải lo lắng khi không tìm thấy Ngài; khi tìm lại được, Ngài trở về nhà với cha mẹ (x. Lc 2:41-51).

Thật đẹp khi nhìn thấy Chúa Giêsu đi vào chiều kích tình cảm gia đình được sinh ra và lớn lên trong sự âu yếm và quan tâm chăm sóc của cha mẹ Ngài. Điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chúng ta đến từ một câu chuyện của những mối ràng buộc của tình yêu, và con người chúng ta hôm nay được sinh ra không phải từ của cải vật chất mà chúng ta sử dụng, nhưng là từ tình yêu mà chúng ta đã đón nhận, từ sự yêu thương trong giữa gia đình. Có thể chúng ta không được sinh ra trong một gia đình nổi bật, một gia đình không có các vấn đề, nhưng đây là câu chuyện của chúng ta – ai cũng phải nghĩ rằng: đây là câu chuyện của tôi – đây là cội nguồn của chúng ta: nếu chúng ta cắt đứt chúng, cuộc sống sẽ khô héo! Chúa không bắt chúng ta trở thành những người kiểm lâm đơn độc, nhưng cùng nhau bước đi. Chúng ta hãy cảm tạ Ngài và dâng lên Ngài lời cầu nguyện cho gia đình của chúng ta. Chúa nghĩ về chúng ta và muốn chúng ta ở bên nhau: biết ơn, hiệp nhất, có khả năng giữ gìn cội nguồn của chúng ta. Chúng ta cần phải suy nghĩ về điều này, về câu chuyện của chính mình.

Khía cạnh thứ hai: mỗi ngày chúng ta cần học cách trở thành một gia đình. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ngay cả trong Gia đình Thánh, mọi việc cũng không luôn diễn ra suôn sẻ: có những rắc rối bất ngờ, lo lắng, đau khổ. Gia đình Thánh trên những tấm thẻ thánh không tồn tại. Mẹ Maria và Thánh Giuse đã lạc mất Chúa Giêsu và lo lắng tìm kiếm Ngài, và ba ngày sau mới tìm được. Và khi ngồi giữa các thầy dạy trong Đền thờ, Ngài trả lời rằng Ngài có bổn phận với công việc của Chúa Cha, cha mẹ Ngài không hiểu. Họ cần thời gian tìm hiểu để biết về con của mình. Với chúng ta cũng vậy: mỗi ngày, một gia đình cần học cách lắng nghe nhau để hiểu nhau, cùng nhau bước đi, đối mặt với những mâu thuẫn và khó khăn. Đó là một thử thách hàng ngày và phải vượt qua nó bằng thái độ đúng đắn, qua những hành động đơn sơ, quan tâm đến những chi tiết trong các mối tương quan của chúng ta. Và điều này cũng giúp chúng ta rất nhiều khi nói chuyện trong gia đình, nói chuyện tại bàn ăn, đối thoại giữa cha mẹ và con cái, đối thoại giữa anh chị em. Nó giúp chúng ta có kinh nghiệm về nguồn gốc gia đình đến từ ông bà của chúng ta. Đối thoại với ông bà!

Và điều này được thực hiện như thế nào? Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria trong Tin Mừng hôm nay nói với Chúa Giêsu: “Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (câu 48). Cha của con và Mẹ; Mẹ Maria không nói, Mẹ và Cha của con. Đứng trước “tôi” là “bạn”! Chúng ta hãy học lấy điều này: trước chữ “tôi” là chữ “bạn”. Trong ngôn ngữ quê hương của tôi, có một tính từ dành cho những người đặt chữ “tôi” trước chữ “bạn”: “Tôi, bản thân tôi và tôi, vì bản thân và vì lợi ích của tôi”. Những người như thế – trước hết là “tôi” và sau đó là “bạn”. Không, trong Gia đình Thánh, trước tiên là “bạn” rồi mới đến “tôi”. Để bảo vệ sự hòa thuận trong gia đình, cần phải chống lại sự độc tài của cái “tôi” – khi cái “tôi” phình lên.

Thật nguy hiểm khi chúng ta lại đổ tội cho nhau về những sai lỗi thay vì lắng nghe nhau; thay vì thể hiện sự quan tâm dành cho nhau, chúng ta lại tập trung vào những nhu cầu của riêng mình; thay vì đối thoại, chúng ta lại tự cô lập mình với chiếc điện thoại di động – thật buồn khi trong bữa ăn tối của gia đình, mọi người với chiếc điện thoại của riêng mình và không nói chuyện với nhau, tất cả mọi người chuyện trò trên điện thoại của họ; khi chúng ta buộc tội lẫn nhau thì luôn lặp lại những cụm từ giống nhau, diễn lại một cảnh cũ trong đó mỗi người đều giành phần đúng về mình và nó luôn kết thúc trong sự im lặng lạnh lùng, sự im lặng đó bạn có thể cắt bằng một con dao, lạnh lùng, sau cuộc thảo luận gia đình.

Điều này thật kinh khủng, thực sự kinh khủng! Cha nhắc lại một lời khuyên: buổi tối, hãy luôn làm hòa khi mọi chuyện đã kết thúc. Đừng bao giờ đi ngủ mà không làm hòa, nếu không sẽ xảy ra cuộc “chiến tranh lạnh” vào ngày hôm sau! Và điều này thật nguy hiểm vì nó tạo ra một loạt những sự nhiếc mắng, một loạt những lời oán giận. Thật đáng buồn, đã bao nhiêu lần xung đột phát xuất và phát triển bên trong các bức tường gia đình do thời gian im lặng kéo dài, và từ sự ích kỷ không được kiểm soát! Đôi khi nó thậm chí kết thúc bằng bạo lực thể xác và đạo đức. Điều này xé nát sự hòa hợp và giết chết gia đình.

Chúng ta hãy chuyển từ “tôi” thành “bạn”. Điều phải trở nên quan trọng hơn trong một gia đình là chữ “bạn”. Và mỗi ngày, xin chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện một chút – nếu anh chị em có thể cố gắng – để xin Chúa ban cho món quà bình an. Và tất cả chúng ta hãy cam kết bản thân – cha mẹ, con cái, Giáo hội, xã hội – để duy trì, nâng đỡ và bảo vệ gia đình là kho báu của chúng ta!

Xin Đức Maria Đồng Trinh, hiền thê của Thánh Giuse, là Mẹ của Chúa Giêsu, bảo vệ gia đình chúng ta.

______________________________


Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Giờ đây cha hướng đến những đôi vợ chồng trên khắp thế giới. Hôm nay, nhân ngày Lễ Thánh Gia thất, một bức thư cha viết về các con đang được công bố. Đây là món quà Giáng sinh của cha gửi tới các con là những người vợ người chồng – một sự động viên, một dấu chỉ cho sự gần gũi của cha, và cũng là một cơ hội để suy niệm. Điều quan trọng là phải suy tư và cảm nghiệm sự tốt lành và dịu dàng của Thiên Chúa, là Đấng với bàn tay hiền phụ của Ngài đã hướng dẫn bước chân của vợ chồng trên con đường thiện hảo. Xin Chúa ban cho các đôi vợ chồng sức mạnh để tiếp tục cuộc hành trình đã thực hiện.

Hôm nay cha cũng muốn nhắc lại rằng chúng ta đang tiến gần đến Đại hội Gia đình Thế giới. Cha mời gọi tất cả anh chị em hãy chuẩn bị tinh thần cho biến cố này, đặc biệt là qua lời cầu nguyện và sống trong giáo phận của anh chị em cùng với các gia đình khác.

Và nói về gia đình, tôi có một sự lo lắng, một lo lắng thực sự, ít nhất là ở đây tại nước Ý: đó là mùa đông nhân khẩu. Có vẻ như nhiều đôi vợ chồng không muốn có con hoặc chỉ có một con. Hãy suy nghĩ về điều này. Đó là một bi kịch. Cách đây ít phút, tôi đọc trên tạp chí Sua Immagine cách họ nói về vấn đề nghiêm trọng này, mùa đông nhân khẩu. Chúng ta hãy làm mọi cách có thể để phục hồi nhận thức nhằm vượt qua mùa đông nhân khẩu này, vì nó đi ngược lại gia đình chúng ta, ngược lại đất nước của chúng ta, thậm chí chống lại tương lai của chúng ta.

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các quốc gia khác. Cha nhìn thấy những người Ba Lan ở đằng kia, người Brazil, và cha thấy người Colombia ở đó… các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hội đoàn. Cha hy vọng rằng việc chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, là trái tim và là trung tâm của các lễ hội Giáng sinh, có thể khơi dậy những thái độ huynh đệ và sự chia sẻ trong các gia đình và cộng đồng. Và để có một chút mừng Giáng sinh, sẽ rất tốt nếu anh chị em đến thăm viếng 100 Cảnh Chúa giáng sinh phía dưới hàng cột. Điều này cũng sẽ hữu ích cho chúng ta.

Trong những ngày vừa qua, tôi đã nhận được lời chúc Giáng sinh từ Roma và các nơi khác trên thế giới. Rất tiếc, tôi không thể trả lời cho tất cả anh chị em, nhưng tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người và đặc biệt biết ơn những lời cầu nguyện mà nhiều anh chị em đã hứa. Xin cầu nguyện cho tôi! Đừng quên điều này! Chân thành cảm ơn anh chị em và chúc anh chị em Lễ Thánh Gia hạnh phúc! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2021]


Chiếc nhẫn 1.700 năm tuổi mang hình ảnh Người Mục tử Nhân lành được tìm thấy dưới đáy biển

Chiếc nhẫn 1.700 năm tuổi mang hình ảnh Người Mục tử Nhân lành được tìm thấy dưới đáy biển

Chiếc nhẫn 1.700 năm tuổi mang hình ảnh Người Mục tử Nhân lành được tìm thấy dưới đáy biển

© AHMAD GHARABLI / AFP

Caroline Becker

26/12/21


Hàng trăm cổ vật khảo cổ được phát hiện trong những tháng gần đây trong cuộc khai quật dưới biển ở Địa Trung Hải đã được Israel công bố trong tuần này. Trong đó, một chiếc nhẫn vàng 1.700 năm tuổi được khắc hình Người Mục tử Nhân lành, một câu chuyện dụ ngôn về Chúa Giêsu Kitô.

Các nhà khảo cổ học Israel đã tìm được được một phát hiện hiếm có và rất đặc biệt trong những tháng gần đây! Trong khi khai quật ngoài khơi Caesarea, nằm giữa Tel Aviv và Haifa, nơi hai con tàu bị chìm cách đây khoảng 1.700 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vô số đồ cổ vật khác nhau, bao gồm một chiếc nhẫn vàng hình bát giác được trang trí bằng đá quý màu xanh lá cây. Nhưng phần đáng kinh ngạc nhất của chiếc nhẫn này là hình ảnh được khắc trên mặt đá: một người chăn chiên trẻ trong chiếc áo thụng vác một con cừu hoặc một con chiên trên vai. Hình ảnh miêu tả của chiếc nhẫn rõ ràng cho thấy danh tính của chủ thể: đó là hình ảnh mô tả Chúa Giêsu Kitô là Người Mục tử Nhân lành!

Chị Helena Sokolov, người phụ trách các tác phẩm tại Cơ quan Cổ vật Israel (IAA), xác nhận rằng đó quả thật là hình ảnh của Đấng Chăn chiên Nhân lành. Hình ảnh này là rất hiếm cho một chiếc nhẫn, nhưng mặt khác lại phổ biến rộng rãi trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Những hang toại đạo Priscilla ở Roma chứng minh việc sử dụng rộng rãi hình ảnh (chúng lưu giữ một trong những hình ảnh lâu đời nhất về Chúa Kitô được miêu tả là Người Mục tử Nhân lành). Vì kích thước nhỏ bé nên viên ngọc chắc chắn thuộc về một người phụ nữ. Việc phát hiện chiếc nhẫn ngoài khơi bờ biển Caesarea không có gì đáng ngạc nhiên, vì thành phố này từng là thủ phủ địa phương của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ ba. Đây là thời kỳ Kitô giáo đang mở rộng rất nhiều, “đặc biệt là trong các thành pha trộn như Caesarea,” người phụ trách cho biết.


Người Mục tử Nhân lành, một hình ảnh của Đức Kitô

Danh hiệu được trao cho Đức Kitô — “Mục tử Nhân lành” — nói đến những lời của Đức Kitô trong Tin Mừng theo Thánh Gioan (Ga 10:11): “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Nó cũng nhắc lại Thánh vịnh 23: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.” Trong thời kỳ khi người Kitô hữu vẫn bị bắt bớ gắt gao, những câu chuyện dụ ngôn này đã cho phép các tông đồ của Đức Kitô nhận biết mình và làm chứng cho đức tin của họ trong khi vẫn thận trọng. Thật vậy, người Roma đã sử dụng hình ảnh người mục tử nhân lành này trong các nghi thức tang lễ của họ bằng cách trang trí lăng mộ với hình một người chăn chiên trẻ tuổi giữa bầy chiên của anh ta. Hình ảnh đồng quê tượng trưng cho một thế giới bên kia ngập tràn sự an bình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2021]