Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Trong giờ Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi sống đời sống trọn vẹn với Đức Kitô

Trong giờ Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi sống đời sống trọn vẹn với Đức Kitô
© Vatican Media

Trong giờ Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi sống đời sống trọn vẹn với Đức Kitô

‘Chúa Giêsu kêu yêu cầu các môn đệ của Ngài thực hiện các đòi hỏi của Tin mừng một cách nghiêm túc, thậm chí cả khi phải có những hy sinh và cố gắng’

28 tháng Sáu, 2020 12:32

Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại những lời thách đố trong chương 10 của Thánh Mátthêu, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài rằng đi theo Ngài đòi hỏi phải có hy sinh. Thật vậy, như Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu, nó đòi phải đặt Đức Kitô trên cả gia đình.

Những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin buổi trưa với đám đông “giãn cách xã hội” tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô. Dưới đây là toàn văn huấn từ, của Vatican (bản tiếng Anh).


******

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng Chúa nhật này (x. Mt 10:37-42) vang lên mạnh mẽ lời mời gọi sống kết hiệp với Chúa trọn vẹn và không đắn đo. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài thực hiện những đòi hỏi của Tin mừng một cách nghiêm túc, thậm chí cả khi phải có những hy sinh và cố gắng.

Đòi hỏi đầu tiên mà Ngài gửi đến những người đi theo Ngài là hãy đặt lòng yêu mến Ngài trên cả tình cảm gia đình. Ngài nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, [...] Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (c. 37). Chắc chắn Chúa Giêsu không có ý xem thường tình yêu dành cho cha mẹ và con cái, nhưng Ngài biết rằng những mối ràng buộc gia đình, nếu được đặt lên hàng đầu, có thể đi lệch hướng khỏi những điều tốt lành thật sự. Chúng ta đã nhìn thấy điều này: một số hình thức hủ hóa trong các chính phủ xuất phát từ tình yêu dành cho gia đình lớn hơn tình yêu dành cho đất nước, và thế là họ đưa các thành viên gia đình vào các vị trí. Với Chúa Giêsu cũng tương tự như vậy: khi tình yêu lớn hơn Ngài thì điều đó không tốt. Tất cả chúng ta đều có thể đưa ra nhiều ví dụ liên quan đến vấn đề này, đó là chưa nói đến những tình huống trong đó tình cảm gia đình bị trộn lẫn với những lựa chọn đối nghịch lại với Tin mừng. Ngược lại, khi tình yêu dành cho cha mẹ và con cái được truyền cảm hứng và được làm tinh sạch bởi lòng yêu mến Thiên Chúa, thì nó sẽ hoàn toàn tốt lành và sinh hoa kết trái tốt đẹp cho chính gia đình và còn vượt xa hơn thế. Chúa Giêsu nói câu này với ý như vậy. Cũng vậy, chúng ta nhớ lại cách Chúa Giêsu quở trách các luật sĩ khiến cho cha mẹ của họ thiếu những thứ cần thiết cho họ với cái cớ là dâng lên bàn thờ, là dâng cho Giáo hội. Ngài trách mắng họ! Lòng yêu mến Chúa Giêsu thật sự đòi hỏi một tình yêu thương đích thực đối với cha mẹ và con cái, nhưng đặt việc tìm kiếm ích lợi cho gia đình trên hết luôn luôn dẫn đến con đường sai lệch.

Rồi Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (c. 28). Điều này có nghĩa là đi theo Ngài trên con đường chính Ngài đã đi, không tìm những con đường tắt. Không có tình yêu thương thật sự nào mà không có thập giá, nghĩa là không có cái giá phải trả đối với cá nhân. Và rất nhiều người mẹ, rất nhiều người cha hy sinh nhiều điều cho con cái của họ, và mang lấy những hy sinh, những thập giá thật sự, nhưng vì họ yêu thương chúng. Và khi được mang lấy cùng với Chúa Giêsu, thập giá không còn đáng sợ vì Ngài luôn luôn ở bên chúng ta để hỗ trợ chúng ta trong giờ phút thử thách khó khăn nhất, để ban cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm. Cũng như không cần phải lo lắng níu kéo lấy mạng sống của riêng mình với thái độ hoảng sợ và ích kỷ. Chúa Giêsu răn dạy:

“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” – nghĩa là, vì yêu, vì yêu mến Chúa Giêsu, vì yêu thương tha nhân, để phục vụ người khác (c. 39). Đây là nghịch lý của Tin mừng. Nhưng về vấn đề này, chúng ta có nhiều, nhiều tấm gương. Tạ ơn Chúa! Chúng ta nhìn thấy điều đó trong những ngày này, không biết bao nhiêu người, không biết bao nhiêu người, đang mang những thập giá để giúp đỡ người khác, họ hy sinh để giúp đỡ người khác đang thiếu thốn trong đại dịch này … Nhưng luôn luôn cùng với Chúa Giêsu thì có thể làm được. Sự viên mãn của cuộc sống và niềm vui được tìm thấy qua cách cho đi bản thân cho Tin mừng và cho tha nhân, qua sự rộng mở, chào đón, và thiện hảo.

Khi làm như vậy, chúng ta trải nghiệm được sự quảng đại của Chúa và lòng tri ân. Chúa Giêsu nhắc chúng ta điều này: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, [...] Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, [...] người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (cc. 40-42). Tấm lòng quảng đại của Chúa xét đến ngay cả hành động nhỏ bé nhất của sự yêu thương và phục vụ cho anh chị em của chúng ta. Trở lại trong những ngày vừa qua, cha được nghe từ một linh mục quá xúc động vì trong giáo xứ của ngài, một thiếu nhi đến gặp ngài và nói, “Thưa cha, đây là số tiền tiết kiệm của con; không nhiều lắm. Chúng dành cho người nghèo, cho những người cần đến vì đại dịch.” Một điều nhỏ bé, nhưng lại là sự vĩ đại. Nó là một thái độ dễ lan truyền giúp mọi người chúng ta biết tri ân những người chăm sóc cho nhu cầu của chúng ta. Khi một người nào đó phục vụ chúng ta, chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta xứng đáng với mọi thứ. Không. Nhiều dịch vụ được thực hiện một cách nhưng không. Hãy nghĩ đến công việc của những người thiện nguyện, nó là một trong những điều lớn lao nhất về xã hội nước Ý. Những người thiện nguyện … và có bao nhiêu người trong số họ đã hy sinh mạng sống trong đại dịch này. Họ làm vì yêu, đơn giản để phục vụ. Lòng tri ân, trước hết sự cảm kích là thái độ tốt lành, nhưng nó cũng là nét đặc trưng của một người Kitô hữu. Nó là một dấu chỉ đơn sơ nhưng đích thực của Nước Thiên Chúa, là vương quốc của tình yêu nhưng không và lòng biết ơn.

Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Đấng yêu thương Chúa Giêsu hơn cả sự sống và là Đấng theo chân Ngài đến thập giá, giúp chúng ta luôn biết trình diện trước mặt Chúa với tâm hồn sẵn sàng, cho phép Lời Người xét xử thái độ và những chọn lựa của chúng ta.

__________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Thứ Ba tới, ngày 30 tháng Sáu, Hội nghị lần thứ tư của Liên minh Châu Âu và Liên Hợp quốc để “hỗ trợ cho tương lai của Syria và khu vực” sẽ diễn ra. Chúng ta cầu nguyện cho cuộc họp quan trọng này, để nó có thể cải thiện hoàn cảnh bi thảm của người dân Syria và những dân tộc lân cận, đặc biệt là người Li Băng, trong bối cảnh của những khủng hoảng xã hội chính trị và kinh tế thậm chí đã trở nên khó khăn hơn vì đại dịch. Hãy nghĩ đến thực tế có nhiều trẻ nhỏ đang bị đói, các bé chẳng có gì để ăn. Ước mong rằng các nhà lãnh đạo có thể xây dựng hòa bình.

Cha cũng kêu gọi mọi người cầu nguyện cho dân tộc Yemen, đặc biệt là trẻ em, các bé đang chịu đau khổ do hậu quả của cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng nghiêm trọng, và cho những người bị ảnh hưởng bởi các trận lũ lụt nặng nề trong miền tây Ukraine; ước mong họ có thể trải nghiệm sự an ủi của Chúa và sự giúp đỡ của anh em của họ.

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em từ Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Cha có thể nhìn thấy quốc kỳ của Đức, của Ba Lan và nhiều cờ khác. Đặc biệt, cha chào những anh chị em đã tham dự Lễ theo nghi thức Công gô sáng nay ở Roma, cầu nguyện cho nước Cộng hòa Dân chủ Công gô. Người Công gô rất tuyệt vời.

Cha chúc anh chị em một Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng! Và Cha sẽ gặp anh chị em ngày mai Lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/6/2020]


Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ

Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ

Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ

24 tháng Sáu, 2020

Các thánh thường được kính nhớ vào ngày chết của các ngài (ngày tái sinh của các ngài trong đời sống vĩnh hằng), nhưng có những ngoại lệ.


Giáo hội kính nhớ những ngày lễ các thánh trong suốt năm phụng vụ, và ngày lễ thường đánh dấu ngày vị thánh qua đời và bước vào cuộc sống trường sinh. (Một ngoại lệ đáng chú ý là lễ Thánh Gioan Phaolô II, được cử hành ngày 22 tháng Mười, kỷ niệm ngày ngài được bầu chọn lên ngôi giáo hoàng; hay lễ các thánh Zelie và Louis Martin, được cử hành vào ngày kỷ niệm kết hôn của các ngài.)

Tuy nhiên, Giáo hội kính nhớ ba ngày sinh nhật trong phụng vụ: sinh nhật Chúa Giêsu (25 tháng Mười Hai); sinh nhật Mẹ Maria (8 tháng Chín); và sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả (24 tháng Sáu).

Sinh nhật của Chúa Giêsu rõ ràng là ngày lễ trung tâm của người Công giáo, vì nó đánh dấu ngày thế giới đến để chiêm ngưỡng dung nhan của Thiên Chúa trở thành người phàm. Đó là lễ được bổ sung bởi một lễ khác trước đó chín tháng, Lễ Truyền tin ngày 25 tháng Ba, là thời điểm chúng ta kỷ niệm giây phút Nhập thế thật sự diễn ra, khi Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Mẹ Maria.

Việc cử hành ngày sinh nhật của Đức Mẹ cũng là một gia tài cho người Công giáo. Và cũng giống như lễ Giáng sinh được liên kết với một ngày lễ trước đó chín tháng, thì kỷ niệm sinh nhật Đức Trinh nữ vào ngày 8 tháng Chín hướng về chín tháng trước đó, ngược về ngày 8 tháng Mười Hai — khi chúng ta mừng thời khắc mẹ được thụ thai trong cung lòng thân mẫu Mẹ là Thánh Anna. Mẹ Maria là tinh tuyền. Mẹ là Vô nhiễm Nguyên tội.

Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả cũng mang tính biểu tượng phong phú. Ở đây chúng ta lại nhìn thấy mối tương quan của các ngày: sinh nhật Thánh Gioan sáu tháng trước canh thức Giáng sinh vì Thiên thần Gabrien nói với Mẹ Maria rằng người chị họ của Mẹ đã mang thai được sáu tháng, có nghĩa là Gioan lớn hơn Chúa Giêsu sáu tháng.

Dĩ nhiên, Gioan được sự chăm sóc đặc biệt của Mẹ Maria — cùng với thân mẫu của ngài. Vừa chịu thai Chúa Con bởi phép Chúa Thánh Thần, “Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con (tức là Gioan Tẩy giả) trong bụng nhảy lên.” Bà Êlisabét kể cho người em họ những gì xảy ra: “Tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.”

Truyền thống Giáo hội cho rằng trong cuộc gặp gỡ trước khi chào đời của hai người anh em họ này, Gioan đã được tràn đầy Chúa Thánh Thần và do đó khi sinh ra ông đã được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ. (Chúng ta đọc được trong Luca 1:15 cách Thiên thần Gabrien nói với cha của Gioan là ông Dacaria rằng điều này sẽ xảy ra: “Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.”)

Trong loạt ảnh dưới đây, bạn có thể nhìn thấy những phế tích pháo đài của Hêrôđê, nơi mà truyền thống cho rằng Gioan Tẩy giả đã bị chặt đầu.

Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ

Các hang động được tìm thấy trong khắp vùng Machaerus. Người ta tin rằng Thánh Gioan Tẩy giả bị nhốt ở một trong các hang này.

Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ

Những ngọn đồi đá bao quanh Machaerus và con đường dẫn về cung điện.

Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ

Quang cảnh từ trên đồi của Bờ Tây ở Machaerus trong một ngày mây mờ hiếm hoi.

Chỉ có 3 ngày sinh nhật được cử hành trong lịch phụng vụ

Quang cảnh những gì còn lại của Cung điện Hoàng gia tại Machaerus, địa điểm Salome nhảy múa trước Vua Hêrôđê và Gioan Tẩy giả bị chặt đầu.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2020]