Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Người Kinh sư kiêu căng và bà góa nghèo

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Người Kinh sư kiêu căng và bà góa nghèo
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Người kinh sư kiêu căng và bà góa nghèo

‘Thiên Chúa không đo bằng số lượng nhưng là chất lượng, Người xét đến tâm hồn và nhìn đến sự trong sáng của mục đích’

11 tháng Mười Một, 2018 14:38

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha hôm nay 11 tháng Mười Một, 2018, trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Đám đông ước tính có khoảng 20.000 người.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chương Tin mừng hôm nay (x. Mc 12:38-44) khép lại những bài giáo huấn của Chúa Giê-su giảng dạy trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem và làm nổi bật lên hai hình ảnh đối nghịch nhau: người kinh sư và bà góa. Nhưng tại sao họ lại đối nghịch nhau? Người kinh sư đại diện cho những người có địa vị quan trọng, có ảnh hưởng và giàu có. Còn người kia, bà góa đại diện cho những người bé mọn nhất, người nghèo và cô thế. Thật ra sự xét đoán mạnh mẽ của Chúa Giê-su liên quan đến những người kinh sư, không liên quan đến tất cả mọi người, nhưng là những người giữ chức vụ cao trong xã hội, những người kiêu hãnh với tước hiệu “Rabbi,” nghĩa là “thầy”, những người thích được chào đón và chiếm những chỗ nhất (x. cc. 38-39). Điều còn tệ hơn nữa là sự phô trương của họ đặc biệt mang hình ảnh tôn giáo vì họ “làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (c. 40) — Chúa Giê-su nói — và dùng Thiên Chúa để làm tăng thanh thế cho họ như là những người bảo vệ cho luật của Người. Và thái độ trịch thượng và kiêu ngạo này khiến họ coi khinh những người nhỏ bé và trong tình trạng kinh tế thua thiệt, chẳng hạn như người đàn bà góa.

Chúa Giê-su lật mặt nạ cơ cấu ngoan cố này: Người lên án sự áp bức đè lên những người bé mọn dựa vào các động cơ tôn giáo, Người nói rành mạch rằng Thiên Chúa đứng về phía những người bé mọn nhất. Và để ghi đậm dấu ấn của bài học này trong tâm trí các môn đệ, Người cho họ một ví dụ thực tế: một bà góa nghèo, bà chẳng có một chút vị trí xã hội, vì bà ta không có chồng để bảo vệ cho quyền của bà và do vậy bà dễ trở thành một miếng mồi của kẻ cho vay bất lương, vì những kẻ chủ nợ này bắt bớ người bé mọn để bắt họ phải trả tiền. Người phụ nữ này chỉ bỏ hai đồng vào trong hòm dâng cúng, đó là tất cả những gì còn lại của bà, bà mong rằng không ai nhìn thấy, và rất ngượng ngùng. Tuy nhiên, trong sự khiêm nhường đó, bà lại thực hiện một hành động mang đậm ý nghĩa tôn giáo và tinh thần. Hành động đầy tinh thần hy sinh này đã không lọt ra khỏi cái nhìn rất chăm chú ủa Chúa Giê-su, Người nhìn thấy sự rạng ngời chiếu tỏa trong toàn bộ món quà cho đi mà Người muốn dạy cho các môn đệ của Người.

Giáo huấn của Chúa Giê-su hôm nay giúp chúng ta tìm lại được những gì là trọng yếu trong cuộc sống của chúng ta và thăng tiến một mối quan hệ cụ thể và thường nhật với Thiên Chúa. Anh chị em thân mến, thước đo của Thiên Chúa rất khác với thước đo của chúng ta. Người đo lường con người và hành động của họ rất khác: Thiên Chúa không đo bằng số lượng nhưng là chất lượng, Người xét đến tâm hồn và nhìn đến sự trong sáng của mục đích. Điều này có nghĩa là “lễ vật dâng lên” Thiên Chúa của chúng ta trong lời cầu nguyện và trao tặng cho người khác trong tình bác ái phải luôn thoát khỏi tính hình thức và kiểu cách, cũng như phải thoát khỏi luận lý của sự tính toán, và phải là cách thể hiện hoàn toàn tự do, như Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta: Người đã giải thoát chúng ta một cách hoàn toàn tự do. Và chúng ta phải làm mọi việc với thái độ tự do.

Chúng ta thấy được lý do tại sao Chúa Giê-su lấy người đàn bà góa nghèo nhưng quảng đại như là một mẫu gương cho đời sống người Ki-tô hữu noi theo. Chúng ta không biết tên của bà, nhưng chúng ta biết được tâm hồn của bà — chúng ta chắc chắn sẽ tìm thấy bà trên Thiên đàng và sẽ đến chào bà — và đó mới là những gì đáng giá trước mặt Chúa.

Khi chúng ta bị quyến rũ bởi lòng khao khát được thể hiện và được chú ý bởi những hành động vị tha của chúng ta, khi chúng ta quá quan tâm đến cái nhìn của người khác, — cho phép cha dùng từ này — là khi chúng ta giống như “những con công,” thì chúng ta hãy nhớ đến người phụ nữ kia. Nó sẽ giúp ích cho chúng ta: nó sẽ giúp chúng ta buông bỏ được những gì không cần thiết để đến với những gì thực sự là quan trọng, và biết giữ thái độ khiêm nhường.

Xin Mẹ Maria Đồng Trinh, một phụ nữ nghèo đã hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa, hỗ trợ chúng ta biết quyết tâm dâng lên Thiên Chúa và trao tặng cho anh em không chỉ những gì của chúng ta, nhưng chính bản thân chúng ta, bằng một thái độ cho đi khiêm nhường và quảng đại.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Người Kinh sư kiêu căng và bà góa nghèo

Sau Kinh Truyền Tin:

Hôm qua ở Barcelona đã diễn ra Lễ Tuyên phong Chân phước Cha Theodore Illera del Olmo và 15 bạn tử đạo. Các ngài gồm 13 người tận hiến và ba giáo dân. Chín Tu sĩ và giáo dân thuộc Dòng Thánh Phê-rô bị Xiềng xích; ba vị là nữ tu Dòng Capuchin Mẹ của Chúa Chiên Lành và một vị là Tu sĩ Dòng Phanxico Thánh Tâm. Tất cả các vị tân Chân phước đều bị giết vì đức tin ở các nơi và các thời điểm khác nhau trong suốt thời kỳ chiến tranh và bách hại tôn giáo của thế kỷ trước ở Tây Ban Nha. Chúng ta ngợi khen Chúa vì các chứng nhân anh dũng của Người, và một tràng vỗ tay thật lớn cho các ngài!

Hôm nay là kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế Chiến Thứ I, cuộc chiến mà Đức Benedict XV Tiền nhiệm của cha mô tả là “cuộc tàn sát vô ích.” Vì vậy lúc 1:30 chiều hôm nay giờ nước Ý, các chuông sẽ đồng thanh đổ trên khắp thế giới, kể cả chuông của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Trang lịch sử cuộc xung đột của thế chiến thứ nhất là một sự cảnh báo gay gắt cho tất cả chúng ta phải từ bỏ văn hóa chiến tranh, và tìm kiếm mọi phương tiện hợp pháp để đặt dấu chấm hết cho những cuộc xung đột, mà chúng vẫn còn làm đổ máu nhiều nơi trên thế giới.

Dường như chúng ta vẫn chưa rút ra được bài học. Trong khi chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm kịch kinh hoàng đó, chúng ta hãy lên tiếng mạnh mẽ rằng: chúng ta hãy đầu tư cho hòa bình, không đầu tư cho chiến tranh. Và chúng ta lấy hình ảnh tượng trưng của Thánh Martin Tours, đấng chúng ta kính nhớ hôm nay: ngài cắt đôi chiếc áo choàng của ngài để chia sẻ với một người nghèo. Ước mong rằng cử chỉ của tình liên đới con người này chỉ cho tất cả chúng ta con đường xây dựng hòa bình.

Chúa nhật tới là kỷ niệm Ngày Người Nghèo Thế giới lần thứ Hai với nhiều sáng kiến rao giảng phúc âm, cầu nguyện và chia sẻ. Ngay tại đây, trong Quảng trường Thánh Phê-rô, một trạm y tế lưu động sẽ được dựng lên để chăm sóc sức khỏe cho tất cả những người có hoàn cảnh khó khăn suốt một tuần lễ. Cha hy vọng rằng Ngày này sẽ thúc đẩy sự chú ý nhiều hơn đến nhu cầu của những người bé mọn nhất, những người bị gạt ra bên lề và người đói.

Cha cảm ơn tất cả anh chị em đến từ Roma, từ nước Ý và từ nhiều nơi trên thế giới.

Cha gửi lời chào các tín hữu của Mengibar (Tây Ban nha), các tín hữu từ Barcelona, nhóm Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria từ Brazil và nhóm Liên đoàn các Nhà giáo Công giáo toàn cầu. Cha xin chào Trung tâm Du lịch ACLI của Trento, các tín hữu San Benedetto Po và các ứng sinh Thêm sức của Chiuppano. Cha cũng gửi lời chào rất nhiều anh chị em người Ba lan mà cha nhìn thấy ở đây. Có rất nhiều người!

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và, xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/11/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-10/11, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-10/11, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 1-10/11, 2018


1 tháng Mười Một: Hôm nay chúng ta mừng Lễ các Thánh. Chúng ta hãy củng cố lại mối dây ràng buộc trong tình yêu và sự hiệp nhất với tất cả các Thánh là những người đã được hưởng Nhan Thánh Chúa.

2 tháng Mười Một: Chúa Giê-su đã chiến thắng để cái chết không phải là lời nói cuối cùng: những ai tin vào Ngài sẽ được biến đổi bởi tình yêu thương xót của Chúa Cha để hưởng cuộc sống trường sinh và đầy hoan lạc.

3 tháng Mười Một: Thiên Chúa luôn trung tính và sự cậy trông của chúng ta nơi Ngài trở nên như một cái neo vững chắc vào Thiên đàng.

4 tháng Mười Một: Thánh Lễ Chúa nhật là trung tâm của đời sống Giáo hội. Ở đó chúng ta gặp gỡ Chúa Phục sinh, chúng ta lắng nghe Lời Người, chúng ta được bồi bổ tại bàn tiệc của Người, và từ đó chúng ta trở nên Giáo hội. #sundaymass

5 tháng Mười Một: Chúa Giê-su yêu thương chúng ta một cách tự do. Đời sống Ki-tô hữu là bắt chước theo tình yêu nhưng không của Chúa Giê-su. #SantaMarta

6 tháng Mười Một: Chúng ta hãy gắn kết thật chặt trong sự cầu nguyện và hành động để giải thoát tâm hồn, lời nói và hành động của chúng ta khỏi mọi hình thức bạo lực để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

7 tháng Mười Một: Cầu nguyện có nghĩa là gõ cửa nhà một người bạn. Chúa là bạn của chúng ta.

8 tháng Mười Một: Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được luận lý của Tin mừng, đó là lòng thương xót qua việc làm chứng tá. #SantaMarta

9 tháng Mười Một: Nơi nào có tội lỗi thì cũng có Thiên Chúa đầy lòng thương xót Đấng tha thứ nếu bạn chạy đến với Người. #SantaMarta

10 tháng Mười Một: Cộng đồng khoa học ngày nay được kêu gọi phải xây dựng cách quản lý đưa ra được những giải pháp cho sự phát triển bền vững và toàn diện cho tất cả mọi dân tộc, đó là điều không thể thiếu cho công cuộc xây dựng hòa bình. #WorldScienceDay



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/10/2018]