Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

“Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023 (Phần 2)

 “Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023 (Phần 2)

“Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023

PHẦN 2

*******

BỘ TRUYỀN THÔNG

Hướng tới sự hiện diện trọn vẹn
Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội


II. Từ nhận thức đến gặp gỡ thực sự
Học từ người có lòng trắc ẩn (xem Lc 10:33).

Người nghe có chủ ý

25) Suy tư về sự tham gia của chúng ta trên các mạng xã hội bắt đầu từ nhận thức về cách thức hoạt động của các mạng này cũng như những cơ hội và thách đố mà chúng ta gặp phải trong đó. Nếu các mạng xã hội trực tuyến mang tính cám dỗ vốn có đối với chủ nghĩa cá nhân và sự tự đề cao bản thân, như được mô tả trong chương trước, thì dù muốn hay không chúng ta không bị lên án khi rơi vào những thái độ này. Người môn đệ đã gặp được ánh mắt đầy thương xót của Chúa Kitô cảm nhận được một điều khác. Người đó biết rằng sự giao tiếp tốt đẹp bắt đầu từ việc lắng nghe và ý thức rằng một người đang ở trước mặt tôi. Lắng nghe và ý thức nhằm thúc đẩy sự gặp gỡ và vượt qua những trở ngại hiện có, kể cả trở ngại của sự thờ ơ. Lắng nghe theo cách này là một bước vô cùng quan trọng để thu hút người khác; nó là thành phần đầu tiên không thể thiếu cho truyền thông và là một điều kiện cho việc đối thoại thật sự.[13]

26) Trong dụ ngôn Người Samari tốt lành, người đàn ông bị đánh đập và bỏ mặc cho chết đã được giúp đỡ bởi một người ít được mong đợi nhất: vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái và người Samari thường xảy ra mâu thuẫn. Nếu có điều gì xảy ra thì sự thù địch sẽ là hành vi xảy đến. Tuy nhiên, người Samari không xem người bị đánh kia là một “người khác”, mà chỉ là người cần được giúp đỡ. Ông cảm thấy thương xót, đặt mình vào tình cảnh của người khác; và đã dành hết mình, thời gian và tiền bạc để lắng nghe và đồng hành với người mà ông gặp.[14]

27) Câu chuyện dụ ngôn có thể truyền cảm hứng cho các mối quan hệ trên mạng xã hội vì nó minh họa khả năng xảy ra sự gặp gỡ có ý nghĩa sâu sắc giữa hai người hoàn toàn xa lạ. Người Samari đã phá vỡ “sự chia rẽ xã hội”: ông vượt qua ranh giới của sự đồng thuận và bất đồng. Trong khi thầy tư tế và thầy Lêvi chỉ đi ngang qua người đàn ông bị thương, thì người lữ khách Samari nhìn thấy người kia và động lòng trắc ẩn (x. Lc 10:33). Lòng trắc ẩn có nghĩa là cảm thấy người khác là một phần của tôi. Người Samari lắng nghe câu chuyện của người đàn ông; ông ấy đến gần vì ông xúc động trong lòng.

28) Tin Mừng Thánh Luca không ghi lại bất kỳ lời đối thoại nào giữa hai người. Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh người Samari tìm thấy người đàn ông bị thương và có lẽ hỏi ông ta: “Chuyện gì xảy ra với ông vậy?” Nhưng ngay cả khi không có lời nói, qua thái độ cởi mở và hiếu khách của người Samari, một cuộc gặp gỡ bắt đầu. Cử chỉ đầu tiên đó là cách thể hiện sự quan tâm, và điều này vô cùng quan trọng. Khả năng lắng nghe và sẵn sàng đón nhận câu chuyện của người khác mà không quan tâm đến những định kiến về văn hóa thời bấy giờ đã giúp người đàn ông bị thương tích không bị bỏ mặc đến chết.

29) Sự tương tác giữa hai người thôi thúc chúng ta thực hiện bước đầu tiên trong thế giới kỹ thuật số. Chúng ta được mời gọi nhìn thấy giá trị và phẩm giá của những người có sự khác biệt với chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi có cái nhìn xa hơn mạng lưới an toàn, những giới hạn và bong bóng của chúng ta. Trở thành một người lân cận trong môi trường mạng xã hội đòi hỏi sự chủ tâm. Và tất cả bắt đầu với khả năng lắng nghe chăm chú, để cho thực tế của người khác chạm đến chúng ta.

Cướp mất sự chú ý của chúng ta

30) Lắng nghe là một kỹ năng căn bản cho phép chúng ta đi vào các mối tương quan với người khác, chứ không chỉ là tham gia vào việc trao đổi thông tin. Tuy nhiên, các thiết bị của chúng ta thừa mứa thông tin. Chúng ta thấy mình bị chìm ngập trong một mạng lưới thông tin, kết nối với người khác qua những bài đăng được chia sẻ bằng văn bản, hình ảnh và âm thanh. Các nền tảng mạng xã hội cho phép chúng ta cuộn liên tục khi khám phá bối cảnh này. Mặc dù video và âm thanh chắc chắn làm tăng thêm tính phong phú của phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nhưng những tương tác gián tiếp của chúng ta với nhau vẫn còn hạn chế. Chúng ta thường bắt gặp thông tin một cách nhanh chóng và không có ngữ cảnh đầy đủ và cần thiết. Chúng ta có thể phản ứng cách dễ dàng và nhanh chóng với thông tin trên màn hình mà không cần tìm kiếm trọn vẹn câu chuyện.

31) Lượng thông tin dồi dào này có nhiều lợi ích: khi chúng ta là một phần của mạng lưới, thông tin sẽ được truy cập nhanh chóng và rộng rãi cũng như được cá nhân hóa theo sở thích của chúng ta. Chúng ta có thể có được thông tin thực tế, duy trì những kết nối xã hội, khám phá các tài nguyên, đào sâu và mở rộng kiến thức của mình. Việc dễ dàng tiếp cận thông tin và liên lạc cũng có khả năng tạo ra những không gian hòa nhập trao tiếng nói cho những người trong cộng đồng của chúng ta, những người bị gạt ra ngoài lề do bất công xã hội hoặc kinh tế.

32) Đồng thời, nguồn thông tin vô tận sẵn có cũng tạo ra một số thách thức. Chúng ta gặp phải tình trạng quá tải thông tin vì khả năng xử lý nhận thức của chúng ta bị ảnh hưởng bởi lượng thông tin sẵn có quá mức cho chúng ta. Theo cách tương tự, chúng ta gặp phải tình trạng quá tải trong tương tác xã hội vì chúng ta phải chịu mức độ chào mời xã hội quá nhiều. Các trang web, các ứng dụng và nền tảng khác nhau được lập trình để đánh vào khao khát được công nhận của chúng ta, và chúng không ngừng tranh giành sự chú ý của mọi người. Sự chú ý đã trở thành tài sản và mặt hàng quý giá nhất.

33) Trong môi trường này, sự chú ý của chúng ta không tập trung, khi chúng ta cố gắng điều hướng mạng lưới tương tác xã hội và thông tin tràn ngập này. Thay vì tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm, sự chú ý phân mảnh liên tục của chúng ta nhanh chóng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Trong tình trạng “luôn bật”, chúng ta đối mặt với cám dỗ phải đăng tải ngay lập tức, vì về mặt sinh lý chúng ta bị cuốn vào sự kích thích của kỹ thuật số, luôn muốn có nhiều nội dung hơn khi liên tục cuộn xuống, và thấy thất vọng khi thiếu thông tin cập nhật. Một thách đố đáng kể về nhận thức của văn hóa kỹ thuật số là chúng ta mất khả năng suy nghĩ sâu sắc và có chủ đích. Chúng ta lướt qua trên mặt và dừng lại trên bề mặt nông cạn, thay vì suy ngẫm sâu sắc về thực tại.

34) Chúng ta phải lưu tâm hơn về vấn đề này. Không có sự thinh lặng và không gian để suy nghĩ chậm rãi, sâu sắc và có chủ đích, chúng ta có nguy cơ mất đi không chỉ khả năng nhận thức mà còn cả chiều sâu của những tương tác giữa con người và Thiên Chúa. Không gian để chú tâm lắng nghe, chú ý và phân định sự thật đang trở nên hiếm hoi.

Tiến trình được gọi là chú ý-quan tâm-ham muốn-hành động, được các nhà quảng cáo biết rõ, tương tự như tiến trình cám dỗ xâm nhập vào tâm hồn con người và lôi kéo sự chú ý của chúng ta ra khỏi Lời duy nhất thực sự có ý nghĩa và mang lại sự sống, đó là Lời Chúa. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta vẫn đang chú ý đến con rắn xưa kia, kẻ chỉ cho chúng ta thấy những trái cây mới mỗi ngày. Chúng có vẻ “ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3:6). Như những hạt giống rơi ở vệ đường, nơi Lời được gieo xuống, chúng ta để cho ma quỷ đến cướp đi Lời đã được gieo trong chúng ta (x. Mc 4:14-15).

35) Với quá nhiều tác nhân kích thích và dữ liệu mà chúng ta nhận được, sự thinh lặng là một thứ quý giá, vì nó bảo đảm không gian cho sự tập trung và phân định.[15] Động lực tìm kiếm sự thinh lặng trong văn hóa kỹ thuật số nâng cao tầm quan trọng của việc tập trung và lắng nghe. Trong môi trường giáo dục hoặc làm việc cũng như trong gia đình và cộng đồng, nhu cầu thoát mình ra khỏi các thiết bị kỹ thuật số ngày càng lớn. “Thinh lặng” trong trường hợp này có thể được so sánh với việc “cai nghiện kỹ thuật số”, không đơn thuần là rút lui mà là một cách để gắn kết sâu sắc hơn với Thiên Chúa và với tha nhân.

36) Việc lắng nghe phát xuất từ sự thinh lặng và là nền tảng cho sự quan tâm đến người khác. Bằng cách lắng nghe, chúng ta chào đón một ai đó, chúng ta bày tỏ lòng hiếu khách và thể hiện sự tôn trọng với người đó. Lắng nghe cũng là một hành động khiêm nhường từ phía chúng ta, khi chúng ta chân nhận sự thật, sự khôn ngoan và giá trị vượt ra ngoài tầm nhìn hạn chế của bản thân. Nếu không có tâm hồn lắng nghe, chúng ta không thể nhận được món quà của người khác.

Bằng đôi tai của trái tim

37) Với tốc độ và tính tức thời của văn hóa kỹ thuật số, nó kiểm tra sự chú ý và khả năng tập trung của chúng ta, thì việc lắng nghe càng trở nên quan trọng hơn trong đời sống tinh thần của chúng ta. Một cách tiếp cận chiêm niệm là phản văn hóa, thậm chí mang tính tiên tri, và có thể đào tạo không chỉ cho con người mà còn cho toàn bộ nền văn hóa.

Cam kết lắng nghe trên các mạng xã hội là khởi điểm căn bản để hướng tới một mạng lưới không quá quan tâm đến số lượng byte, hình đại diện và “lượt thích” nhưng quan tâm đến con người.[16] Theo cách này, chúng ta chuyển từ phản ứng nhanh, giả định sai lầm và nhận xét hấp tấp thành những cơ hội đối thoại, đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm, thể hiện sự quan tâm và lòng trắc ẩn cũng như nhận ra phẩm giá của những người chúng ta gặp.

38) Văn hóa kỹ thuật số đã tăng đáng kể khả năng tiếp cận của chúng ta với những người khác. Điều này cũng cho chúng ta cơ hội lắng nghe nhiều hơn. Thông thường, khi nói về việc “lắng nghe” trên mạng xã hội, người ta nhắc đến các quy trình giám sát dữ liệu, thống kê mức độ tương tác và các hành động nhằm phân tích tiếp thị các hành vi xã hội hiện diện trên mạng. Tất nhiên, điều này là không đủ để mạng xã hội trở thành một môi trường lắng nghe và đối thoại. Lắng nghe có chủ đích trong bối cảnh kỹ thuật số đòi hỏi phải lắng nghe bằng “đôi tai của trái tim”. Lắng nghe bằng “đôi tai của trái tim” vượt ngoài khả năng nghe âm thanh về mặt thể chất. Thay vào đó, nó thúc đẩy chúng ta mở lòng với người khác với toàn bộ con người chúng ta: một sự mở rộng trái tim khiến cho sự gần gũi trở nên khả thi.[17] Đó là tư thế của sự chăm chú và lòng hiếu khách, là nền tảng để thiết lập sự giao tiếp. Sự khôn ngoan này không chỉ áp dụng cho việc cầu nguyện chiêm niệm mà còn cho những người đang tìm kiếm các mối quan hệ đích thực và cộng đồng đích thực. Mong muốn được ở trong mối tương quan với những người khác và với Thiên Chúa vẫn là một nhu cầu căn bản của con người, một nhu cầu cũng thể hiện rõ trong mong muốn được kết nối trong văn hóa kỹ thuật số.[18]

39) Đối thoại nội tâm và một mối tương quan với Thiên Chúa, được thực hiện nhờ món quà đức tin của Thiên Chúa, là điều cần thiết cho phép chúng ta phát triển khả năng lắng nghe tốt. Lời Chúa cũng có một vai trò nền tảng trong cuộc đối thoại nội tâm này. Việc lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh trong tinh thần cầu nguyện qua việc thực hành đọc các văn bản Kinh Thánh, chẳng hạn như trong lectio divina, có thể hình thành cách sâu sắc vì nó cho phép một trải nghiệm chậm rãi, khoan thai và suy tư.[19]

40) “Lời Chúa trong ngày” hoặc “Tin mừng trong ngày” là một trong những chủ đề được người Kitô hữu tìm kiếm nhiều nhất trên Google và có thể nói rằng môi trường kỹ thuật số đã mang đến cho chúng ta nhiều khả năng mới và dễ dàng hơn để “gặp gỡ” thường xuyên với Lời Chúa. Sự gặp gỡ của chúng ta với Lời Chúa hằng sống, ngay cả trên mạng, sẽ thay đổi cách tiếp cận của chúng ta từ việc xem thông tin trên màn hình sang gặp một người đang kể câu chuyện. Nếu chúng ta ghi nhớ rằng chúng ta đang kết nối với những người khác đằng sau màn hình, thì việc luyện tập lắng nghe có thể mở rộng lòng hiếu khách trước những câu chuyện của người khác và bắt đầu tạo dựng các mối quan hệ.

Phân định sự hiện diện trên mạng xã hội của chúng ta

41) Theo cái nhìn của đức tin, truyền thông cái gì và truyền thông như thế nào không chỉ là một vấn đề thực tế mà còn là một vấn đề thiêng liêng. Có mặt trên các nền tảng truyền thông xã hội thúc đẩy sự phân định. Giao tiếp tốt trong những bối cảnh này là một bài luyện tập sự thận trọng và kêu gọi sự cân nhắc cầu nguyện về cách tương tác với những người khác. Tiếp cận câu hỏi này qua lăng kính câu hỏi của người kinh sư, “Ai là người lân cận của tôi?” kêu gọi sự phân định về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cách và qua cách chúng ta liên hệ với nhau trên các nền tảng truyền thông xã hội.

42) Trên các mạng xã hội, lân cận là một khái niệm phức tạp. “Người lân cận” trên mạng xã hội rõ ràng là những người chúng ta duy trì kết nối. Đồng thời, người lân cận của chúng ta cũng thường là những người chúng ta không thể nhìn thấy, vì các nền tảng ngăn chúng ta không nhìn thấy họ hoặc đơn giản là vì họ không có ở đó. Môi trường kỹ thuật số cũng được chia sẻ bởi những người tham gia khác, chẳng hạn như “internet bots” và “deepfakes”, các chương trình lập trình tự động hoạt động trực tuyến với các nhiệm vụ được giao, thường mô phỏng hành động của con người hoặc thu thập dữ liệu.

Ngoài ra, các nền tảng truyền thông xã hội được kiểm soát bởi một “cơ quan có thẩm quyền” bên ngoài, thường là một tổ chức tìm kiếm lợi nhuận phát triển, quản lý và thực hiện những thay đổi về cách nền tảng được lập trình để hoạt động. Theo nghĩa rộng hơn, tất cả những thứ này đều “sống trong” hoặc đóng góp vào “sự lân cận” trên mạng.

43) Nhận ra người lân cận trong môi trường kỹ thuật số của chúng ta là nhận ra rằng cuộc sống của mỗi người đều liên quan đến chúng ta, ngay cả khi sự hiện diện (hoặc vắng mặt) của người đó được điều khiển bởi các phương tiện kỹ thuật số. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Tông huấn Laudato si’: “Các phương tiện truyền thông ngày nay cho phép chúng ta giao tiếp và chia sẻ kiến thức cũng như tình cảm của chúng ta, nhưng đôi khi chúng cũng che chắn chúng ta không tiếp xúc trực tiếp với những nỗi đau, nỗi sợ hãi và niềm vui của người khác và tính phức tạp trong những kinh nghiệm cá nhân của họ.”[20] Trở thành người lân cận trên các mạng xã hội có nghĩa là hiện diện với câu chuyện của người khác, đặc biệt là những người đang đau khổ. Nói cách khác, chủ trương môi trường kỹ thuật số tốt hơn không có nghĩa là không đặt trọng tâm vào các vấn đề cụ thể mà nhiều người gặp phải – ví dụ như tình trạng đói, nghèo, di cư cưỡng bức, chiến tranh, bệnh tật và cô đơn. Ngược lại, nó có nghĩa là chủ trương một tầm nhìn toàn diện về đời sống con người ngày nay, bao gồm cả lĩnh vực kỹ thuật số. Trên thực tế, mạng xã hội có thể là một cách để thu hút sự chú ý nhiều hơn đến những thực tế này và xây dựng tình liên đới giữa những người gần xa.44) Khi xem các mạng xã hội như một không gian không chỉ dành cho những kết nối nhưng là các mối quan hệ, thì việc “kiểm tra lương tâm” thích đáng về sự hiện diện của chúng ta trên mạng xã hội phải bao gồm ba mối tương quan chính: với Thiên Chúa, với người lân cận và với môi trường xung quanh chúng ta.[21] Mối tương quan của chúng ta với tha nhân và môi trường phải nuôi dưỡng mối tương quan với Thiên Chúa, và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là quan trọng nhất, phải được nhìn thấy cụ thể trong mối tương quan của chúng ta với tha nhân và với môi trường của chúng ta.

(Xin xem tiếp Phần 3)

_______________________________________________


[13] Message of His Holiness Pope Francis for the 56th World Day of Social Communications, “Listening with the Ear of the Heart” (24 January 2022).

[14] Fratelli tutti, 63.

[15] “If we are to recognize and focus upon the truly important questions, then silence is a precious commodity that enables us to exercise proper discernment in the face of the surcharge of stimuli and data that we receive”. Message of His Holiness Pope Benedict XVI for the 46th World Communications Day, “Silence and Word: Path of Evangelization” (24 January 2012).

[16] Message of Pope Francis for the 48th World Communications Day, “Communication at the Service of an Authentic Culture of Encounter” (24 January 2014).

[17] Message of Pope Francis for the 56th World Communications Day, “Listening with the Ear of the Heart” (24 January 2022); Evangelii gaudium, 171.

[18] “When seeking true communication, the first type of listening to be rediscovered is listening to oneself, to one’s truest needs, those inscribed in each person’s inmost being. And we can only start by listening to what makes us unique in creation: the desire to be in relationship with others and with the Other”. Message of Pope Francis for the 56th World Communications Day, “Listening with the Ear of the Heart” (24 January 2022).

[19] Verbum Domini, 86-87.

[20] Laudato si’, 47.

[21] Cf. Laudato si’, 66.

_______________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/6/2023]


“Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023 (Phần 1)

“Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023 (Phần 1)

“Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023

PHẦN 1

*******

BỘ TRUYỀN THÔNG

Hướng tới sự hiện diện trọn vẹn
Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội


1) Những bước tiến lớn đã được thực hiện trong thời đại kỹ thuật số, nhưng một trong những vấn đề cấp bách vẫn chưa được giải quyết là làm thế nào để chúng ta, trong vai trò cá nhân và cộng đoàn giáo hội, sống trong thế giới kỹ thuật số với tư cách là “những người lân cận yêu thương”, những người thực sự hiện diện và quan tâm đến nhau trong hành trình chung trên những “đường cao tốc kỹ thuật số”.

Những tiến bộ trong công nghệ đã tạo ra những hình thức tương tác mới của con người. Trên thực tế, câu hỏi về việc có nên tham gia vào thế giới kỹ thuật số hay không không còn tồn tại nữa, mà là tham gia như thế nào. Mạng xã hội nói riêng là một môi trường nơi mọi người tương tác, chia sẻ kinh nghiệm và vun đắp các mối quan hệ chưa từng có trước đây. Nhưng đồng thời, khi truyền thông ngày càng bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo, thì nhu cầu tái khám phá sự gặp gỡ giữa con người với nhau lại trở thành điểm cốt lõi. Trong hai thập kỷ qua, mối quan hệ của chúng ta với các nền tảng kỹ thuật số đã bước qua một sự chuyển đổi không thể đảo ngược. Đã xuất hiện nhận thức rằng các nền tảng này có thể phát triển để trở thành không gian đồng sáng tạo, chứ không chỉ là thứ mà chúng ta sử dụng một cách thụ động. Người trẻ – cũng như các thế hệ lớn tuổi hơn – đang yêu cầu được gặp gỡ tại nơi của họ, kể cả trên mạng xã hội, bởi vì thế giới kỹ thuật số là “một phần quan trọng trong bản sắc và lối sống của người trẻ.”[1]

2) Nhiều Kitô hữu đang yêu cầu nguồn cảm hứng và hướng dẫn vì các mạng xã hội, một cách thể hiện của văn hóa kỹ thuật số, đã có tác động sâu sắc đến các cộng đoàn đức tin và hành trình thiêng liêng của cá nhân chúng ta.

Có rất nhiều ví dụ về sự tham gia trung thành và sáng tạo trên các mạng xã hội trên khắp thế giới, từ các cộng đoàn địa phương cũng như những cá nhân làm chứng cho đức tin của họ trên các nền tảng này, đôi khi có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cả Giáo hội có tổ chức. Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến mục vụ và giáo dục được phát triển bởi các Giáo hội địa phương, các phong trào, cộng đoàn, tu hội, đại học và cá nhân.

3) Giáo hội hoàn vũ cũng đã chú ý đến thực tại môi trường kỹ thuật số. Chẳng hạn từ năm 1967, các thông điệp Ngày Truyền thông Thế giới hàng năm đã đưa ra suy tư liên tục về chủ đề này. Bắt đầu từ những năm 1990, những thông điệp này đề cập đến việc sử dụng máy tính và kể từ đầu những năm 2000, chúng phản ánh nhất quán về các khía cạnh của văn hóa kỹ thuật số và truyền thông xã hội. Đặt ra những vấn đề căn bản cho văn hóa kỹ thuật số, vào năm 2009, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đề cập đến những thay đổi trong các mô hình truyền thông, nói rằng các phương tiện truyền thông không chỉ thúc đẩy sự kết nối giữa mọi người mà còn khuyến khích họ cam kết trong các mối quan hệ thúc đẩy “một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại. và tình bằng hữu.”[2] Sau đó, Giáo hội củng cố hình ảnh của các mạng xã hội như là “những không gian”, chứ không chỉ là “những công cụ”, và kêu gọi để Tin Mừng cũng được loan báo trong môi trường kỹ thuật số. [3] Về phần Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngài thừa nhận rằng thế giới kỹ thuật số “như một lãnh vực hoạt động của cuộc sống hàng ngày,” và nó đang thay đổi cách thức con người tích lũy kiến thức, phổ biến thông tin và phát triển các mối quan hệ.[4]

4) Ngoài những suy tư này, việc tham gia thực tế của Giáo hội vào các mạng xã hội cũng đã có hiệu quả.[5] Thời gian gần đây đã chứng minh rõ ràng rằng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số là một công cụ mạnh mẽ cho thừa tác vụ của Giáo hội. Ngày 27 tháng Ba năm 2020, khi vẫn còn trong những giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng nhưng lại đầy sự hiện diện. Một chương trình truyền hình trực tiếp đã cho phép Đức Thánh Cha Phanxicô dẫn dắt một kinh nghiệm mang tính thay đổi toàn cầu: giờ cầu nguyện và sứ điệp gửi đến thế giới đang bị phong tỏa. Giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, con người trên khắp thế giới, bị phong tỏa và cách ly, thấy mình được hiệp nhất sâu sắc với nhau và với Đấng kế vị Thánh Phêrô.[6]

***

5) Các trang sau đây là kết quả của những phản ánh của các chuyên gia, các nhà giáo, các nhà lãnh đạo và chuyên gia trẻ tuổi, giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ. Mục đích là để giải quyết một số câu hỏi chính liên quan đến việc người Kitô giáo cần tham gia vào các mạng xã hội như thế nào. Đây không phải là những “chỉ dẫn” chính xác cho thừa tác vụ mục vụ trong lãnh vực này. Tuy nhiên, hy vọng nó thúc đẩy suy tư chung về những kinh nghiệm kỹ thuật số của chúng ta, khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn thực hiện cách tiếp cận sáng tạo và mang tính xây dựng để có thể thúc đẩy văn hóa tình láng giềng.

Thách đố của việc thúc đẩy các mối quan hệ hòa bình, có ý nghĩa và quan tâm trên các mạng xã hội đã dẫn đến cuộc thảo luận trong giới học thuật và chuyên môn, cũng như trong giáo hội. Sự hiện diện của chúng ta trong môi trường kỹ thuật số phản ánh tính nhân văn như thế nào? Có bao nhiêu mối quan hệ trên môi trường kỹ thuật số của chúng ta là kết quả của sự giao tiếp sâu sắc và thực sự, và bao nhiêu mối quan hệ chỉ đơn thuần được định hình bởi những ý kiến chẳng ai tranh cãi và những phản ứng tương tác nhiệt tình? Những cách thể hiện sống động và mới mẻ trên môi trường kỹ thuật số của chúng ta có bao nhiêu phần đức tin? Và “người lân cận” của tôi trên mạng xã hội là ai?

***

6) Dụ ngôn người Samari tốt lành[7], qua đó Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” được gợi ra bởi câu hỏi của một người thông luật. Ông ta hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Động từ “được” nhắc chúng ta về di sản của miền đất hứa, vốn không hẳn là một lãnh thổ về địa lý, mà tượng trưng của một điều sâu sắc và lâu dài hơn, điều mà mọi thế hệ phải khám phá lại và có thể giúp chúng ta tái hình dung vai trò của chúng ta trong thế giới kỹ thuật số.

I. Cảnh giác với những cạm bẫy trên các đường cao tốc kỹ thuật số

Học cách nhìn từ quan điểm của người rơi vào tay kẻ cướp (x. Lc 10:36).

Một miền đất hứa để tái khám phá?

7) Mạng xã hội chỉ là một nhánh của hiện tượng số hóa phức tạp và rộng lớn hơn rất nhiều, đó là quá trình chuyển đổi nhiều công việc và khía cạnh của đời sống con người sang các nền tảng kỹ thuật số. Công nghệ kỹ thuật số có thể nâng cao hiệu quả của chúng ta, thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta và giúp chúng ta giải quyết những vấn đề không thể vượt qua trước đây. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mở rộng khả năng tiếp cận thông tin và khả năng chúng ta kết nối với nhau vượt ra ngoài giới hạn không gian vật lý. Một quá trình diễn ra trong ba thập kỷ qua đã được tăng tốc bởi đại dịch. Các hoạt động, chẳng hạn như giáo dục và việc làm, thường được thực hiện trực tiếp giờ đây có thể được làm từ xa. Các quốc gia cũng đã thực hiện những thay đổi đáng kể trong hệ thống luật pháp và lập pháp của họ, áp dụng các phiên họp trực tuyến và bỏ phiếu như một giải pháp thay thế cho việc họp trực tiếp. Tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng cũng đang thay đổi cách vận hành của chính trị.

8) Với sự ra đời của Web 5.0 và các tiến bộ truyền thông khác, vai trò của trí tuệ nhân tạo trong những năm tới sẽ ngày càng tác động đến trải nghiệm thực tế của chúng ta. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của những cỗ máy hoạt động và đưa ra quyết định thay cho chúng ta; có thể tìm hiểu và dự đoán các hành vi của chúng ta; những cảm biến trên da có thể đo cảm xúc của chúng ta; các máy trả lời câu hỏi của chúng ta và học những câu trả lời của chúng ta hoặc những máy sử dụng bộ đăng ký và nói bằng giọng nói và cách biểu cảm của những người không còn ở bên chúng ta nữa. Trong thực tại không ngừng phát triển này, vẫn còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp.[8]

9) Những thay đổi đáng chú ý mà thế giới đã trải qua kể từ khi xuất hiện Internet cũng tạo ra những căng thẳng mới. Những người sinh ra trong nền văn hóa này và là “công dân kỹ thuật số”; những người khác vẫn đang cố gắng làm quen với nó như là “những người nhập cư môi trường kỹ thuật số”. Dù sao đi nữa, văn hóa của chúng ta hiện nay là một nền văn hóa kỹ thuật số. Để vượt qua sự phân chia cũ giữa “kỹ thuật số” và “mặt đối mặt”, một số người không còn nói về “trực tuyến” (online) đối với “ngoại tuyến” (offline) mà chỉ nói về “onlife” (tạm dich: đời sống trực tuyến), kết hợp đời sống con người và xã hội trong những cách diễn đạt khác nhau, có thể là ở dạng kỹ thuật số thể lý.

10) Trong bối cảnh giao tiếp tổng hợp, bao gồm sự hội tụ của các quá trình giao tiếp, mạng xã hội đóng vai trò quyết định như một diễn đàn trong đó các giá trị, niềm tin, ngôn ngữ và những giả định của chúng ta về cuộc sống hàng ngày được định hình. Hơn nữa, đối với nhiều người, đặc biệt là những người ở các nước đang phát triển, liên hệ duy nhất với truyền thông kỹ thuật số là thông qua mạng xã hội. Ngoài hành động sử dụng mạng xã hội như một công cụ, chúng ta đang sống trong một hệ sinh thái được định hình sâu xa bởi kinh nghiệm chia sẻ xã hội. Trong khi chúng ta vẫn sử dụng web để tìm kiếm thông tin hoặc giải trí, chúng ta chuyển sang mạng xã hội để có cảm giác thuộc về và khẳng định, biến nó thành một không gian quan trọng nơi diễn ra việc truyền đạt các giá trị và niềm tin cốt lõi.

Trong hệ sinh thái này, mọi người được yêu cầu tin tưởng vào tính xác thực của những tuyên bố về sứ mệnh của các công ty truyền thông xã hội, chẳng hạn hứa hẹn sẽ mang thế giới lại gần nhau hơn, trao cho mọi người sức mạnh sáng tạo và chia sẻ ý tưởng hoặc cung cấp cho mọi người tiếng nói. Mặc dù chúng ta nhận thức được thực tế là những khẩu hiệu quảng cáo này hầu như không bao giờ được áp dụng trong thực tế vì các công ty quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận của họ, nhưng chúng ta vẫn có xu hướng tin vào những lời hứa.

11) Thật vậy, khi mọi người bắt đầu sử dụng Internet cách đây vài thập kỷ, họ đã chia sẻ một phiên bản của giấc mơ này: hy vọng rằng thế giới kỹ thuật số sẽ là một không gian hạnh phúc của sự hiểu biết chung, thông tin miễn phí và cộng tác. Internet là “miền đất hứa” nơi mọi người có thể dựa vào thông tin được chia sẻ trên cơ sở minh bạch, tin cậy và chuyên môn.

Những cạm bẫy cần tránh

12) Tuy nhiên, những kỳ vọng này đã không được đáp ứng.

Trước hết, chúng ta vẫn đang phải đối phó với “sự chia rẽ kỹ thuật số”. Trong khi quá trình phát triển này đang diễn ra nhanh hơn khả năng chúng ta hiểu đúng về nó, thì nhiều người vẫn không được tiếp cận không chỉ với các nhu cầu căn bản, chẳng hạn như thực phẩm, nước, quần áo, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, mà còn cả những công nghệ thông tin liên lạc. Điều này khiến một số lượng lớn những người thua thiệt bị bỏ lại bên lề đường.

Bên cạnh đó, “sự chia rẽ trên mạng xã hội” đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Các nền tảng hứa hẹn xây dựng cộng đồng và đem thế giới lại gần nhau hơn lại đang làm tăng thêm nhiều hình thức chia rẽ.

13) Có một số cạm bẫy cần chú ý trên “đường cao tốc kỹ thuật số”, giúp chúng ta hiểu rõ hơn việc này có thể xảy ra như thế nào.

Ngày nay, không thể nói về “các mạng xã hội” mà không xét đến giá trị thương mại của nó, nghĩa là không nhận thức được rằng cuộc cách mạng thực sự đã xảy ra khi các thương hiệu và tổ chức nhận ra tiềm năng chiến lược của các nền tảng xã hội, góp phần nhanh chóng củng cố ngôn ngữ và những cách thực hành qua nhiều năm đã biến người sử dụng thành người tiêu dùng. Ngoài ra, các cá nhân vừa là người tiêu dùng vừa là hàng hóa: trong vai trò là người tiêu dùng, họ được cung cấp quảng cáo dựa trên dữ liệu và nội dung được tài trợ theo cách thích hợp. Là hàng hóa, hồ sơ và dữ liệu của họ được bán cho các doanh nghiệp khác với mục đích tương tự. Bằng cách tuân thủ các tuyên ngôn về sứ mệnh của những công ty truyền thông xã hội, người ta cũng phải chấp nhận “các điều khoản thỏa thuận” mà họ thường không đọc hoặc không hiểu. Việc hiểu các “điều khoản thỏa thuận” này đã trở nên phổ biến theo một câu ngạn ngữ cổ nói rằng, “Nếu bạn không trả tiền cho nó, thì bạn chính là sản phẩm”. Nói cách khác, nó không miễn phí: chúng ta đang trả tiền với số phút theo dõi và số byte dữ liệu của chúng ta.

14) Ngày càng chú trọng đến việc phân phối và buôn bán kiến thức, dữ liệu và thông tin đã tạo ra một nghịch lý: trong một xã hội khi thông tin đóng vai trò quan trọng như vậy, việc xác minh nguồn gốc và độ chính xác của thông tin được lan truyền ngày càng trở nên khó khăn.

Tình trạng quá tải nội dung được giải quyết bằng các thuật toán trí tuệ nhân tạo liên tục xác định nội dung sẽ hiển thị cho chúng ta dựa trên các yếu tố mà chúng ta khó nhận biết hoặc hiểu rõ: không chỉ các lựa chọn, điều yêu thích, phản ứng hoặc sở thích trước đây của chúng ta, mà còn cả sự vắng mặt và mất tập trung, tạm dừng và khoảng thời gian chú ý của chúng ta. Môi trường kỹ thuật số mà mỗi người nhìn thấy – và thậm chí những kết quả tìm kiếm trực tuyến – không bao giờ giống với môi trường của người khác. Bằng cách tìm kiếm thông tin trên các trình duyệt hoặc nhận được nó trong nguồn cấp dữ liệu của chúng ta cho các nền tảng và ứng dụng khác nhau, chúng ta thường không nhận biết các bộ lọc điều chỉnh kết quả. Kết quả của việc cá nhân hóa kết quả ngày càng tinh vi này buộc phải tiếp xúc với một phần thông tin chứng thực cho ý tưởng của chính chúng ta, củng cố niềm tin của chúng ta và do đó đưa chúng ta vào vùng cô lập với “những bong bóng bộ lọc”.

15) Các cộng đồng mạng trên những phương tiện truyền thông xã hội là “điểm gặp gỡ”, thường được hình thành xoay quanh sở thích chung của “các cá nhân được kết nối mạng”. Những người có mặt trên mạng xã hội được xử lý theo đặc điểm, nguồn gốc, thị hiếu và sở thích cụ thể của họ, vì các thuật toán đằng sau những nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm có xu hướng tập hợp những người “giống nhau” lại với nhau, nhóm họ lại và thu hút sự chú ý của họ để giữ chân họ trên mạng. Do đó, các nền tảng truyền thông xã hội có nguy cơ ngăn chặn người dùng gặp gỡ “những người” khác biệt.

16) Tất cả chúng ta đều đã chứng kiến các hệ thống tự động có nguy cơ tạo ra những “không gian” mang tính cá nhân này và đôi khi khuyến khích những hành vi cực đoan. Những lời nói gây hấn và tiêu cực lan truyền cách dễ dàng và nhanh chóng, tạo mảnh đất màu mỡ cho bạo lực, lạm dụng và thông tin sai lệch. Trên các mạng xã hội, các diễn viên khác nhau, thường được khuyến khích bởi một chiếc áo khoác giả danh, liên tục tương tác với nhau. Những tương tác này thường khác biệt rõ rệt so với những tương tác về thể lý, nơi hành động của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những phản hồi bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ từ những người khác.

17) Nhận thức được những cạm bẫy này giúp chúng ta phân định và vạch mặt luận lý gây ô nhiễm môi trường truyền thông xã hội và tìm kiếm giải pháp cho sự bất mãn trên môi trường kỹ thuật số đó. Điều quan trọng là phải đánh giá đúng thế giới kỹ thuật số và công nhận nó là một phần cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, chính trong sự liên kết của những kinh nghiệm trên môi trường kỹ thuật số và vật lý mà cuộc sống và hành trình của con người được xây dựng.

18) Dọc trên ‘những đường cao tốc kỹ thuật số’, nhiều người bị tổn thương bởi sự chia rẽ và thù hận. Chúng ta không thể bỏ qua nó. Chúng ta không thể là những người qua đường im lặng. Để làm cho môi trường kỹ thuật số trở nên nhân văn, chúng ta không được quên những người ‘bị bỏ lại phía sau’. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được điều gì đang xảy ra nếu nhìn từ góc độ của người bị đánh đầy thương tích trong dụ ngôn Người Samari tốt lành. Như trong dụ ngôn, nơi chúng ta được cho biết về những gì người đàn ông bị thương tích đã nhìn thấy, góc nhìn của những người bị thua thiệt và bị thương tổn về mặt kỹ thuật số giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới ngày càng phức tạp hôm nay.

Đan dệt những mối quan hệ

19) Trong thời đại khi chúng ta ngày càng bị chia rẽ, khi mỗi người thu mình trong bong bóng bộ lọc của riêng mình, mạng xã hội đang trở thành con đường dẫn nhiều người đến sự thờ ơ, phân cực và cực đoan. Khi các cá nhân không đối xử với nhau như những con người mà chỉ đơn thuần là những biểu hiện của một quan điểm nào đó mà họ không chia sẻ, chúng ta chứng kiến một biểu hiện khác của “văn hóa vứt bỏ” làm gia tăng mạnh “tính toàn cầu hóa” – và bình thường hóa – “sự thờ ơ.” Thu mình vào vùng cô lập theo sự quan tâm riêng của một người không thể là cách để phục hồi lại hy vọng. Đúng hơn, con đường phía trước là gieo trồng một “nền văn hóa gặp gỡ” thúc đẩy tình bạn và hòa bình giữa những con người khác nhau.[9]

20) Do đó, nhu cầu ngày càng cấp thiết là phải tương tác với các nền tảng truyền thông xã hội theo cách vượt ra ngoài giới hạn của một người, thoát khỏi nhóm “tương đồng” của mình để gặp gỡ những người khác.

Chào đón “người khác”, người có quan điểm trái ngược với quan điểm của tôi hoặc có vẻ “khác biệt”, chắc chắn không phải là việc dễ dàng. “Tại sao tôi phải quan tâm?” cũng có thể là phản ứng đầu tiên của chúng ta. Thậm chí chúng ta có thể tìm thấy thái độ này trong Kinh thánh, bắt đầu từ việc Cain từ chối làm người giữ em mình (x. St 4:9) và tiếp đến là người kinh sư hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10:29). Người kinh sư muốn đặt ra một giới hạn về việc ai là và ai không phải là người thân cận của tôi. Có vẻ như chúng ta muốn tìm một lời biện minh cho sự thờ ơ của bản thân; chúng ta luôn cố gắng vạch ra ranh giới giữa “chúng ta” và “họ”, giữa “người mà tôi phải đối xử tôn trọng” và “người mà tôi có thể làm ngơ”. Theo cách này, gần như không thể nhận biết, chúng ta không còn khả năng động lòng trắc ẩn với người khác, như thể những đau khổ của họ là trách nhiệm của riêng họ chứ không liên quan đến chúng ta.[10]

21) Thay vì vậy, dụ ngôn người Samari tốt lành thách đố chúng ta đối mặt với “văn hóa vứt bỏ” trên môi trường kỹ thuật số và giúp nhau bước ra khỏi vùng an toàn của mình bằng cách cố gắng chủ động tiếp cận với người khác. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta từ bỏ mình, hiểu rằng mỗi người chúng ta là một phần của nhân loại bị tổn thương, và nhớ rằng có một Đấng nhìn đến chúng ta và động lòng thương chúng ta.

22) Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể – và nên – trở thành những người thực hiện bước đầu tiên trong việc vượt qua sự thờ ơ, vì chúng ta tin vào một “Thiên Chúa không thờ ơ”.[11] Chúng ta có thể và nên là những người ngừng đặt câu hỏi: “Tôi phải quan tâm đến người khác với mức nào?”, mà thay vào đó là bắt đầu hành động như người lân cận, loại bỏ luận lý loại trừ và tái xây dựng luận lý cộng đồng.[12] Chúng ta có thể và nên là những người chuyển từ sự hiểu biết về phương tiện kỹ thuật số như một trải nghiệm cá nhân sang một trải nghiệm được hình thành dựa trên việc gặp gỡ lẫn nhau, thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng.

23) Thay vì hành động với tư cách cá nhân, sản xuất nội dung hoặc tương tác với những thông tin, ý tưởng và hình ảnh do người khác chia sẻ, chúng ta cần đặt câu hỏi: làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau tạo ra những trải nghiệm trực tuyến lành mạnh hơn, nơi mọi người có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện và vượt qua những bất đồng trong tinh thần lắng nghe lẫn nhau?

Làm cách nào chúng ta có thể trao quyền cho các cộng đồng tìm ra những cách để vượt qua sự chia rẽ và thúc đẩy việc đối thoại và tôn trọng trên các nền tảng truyền thông xã hội?

Làm thế nào chúng ta có thể khôi phục môi trường trực tuyến trở về vị trí để nó có thể và nên là: nơi chia sẻ, cộng tác và thuộc về, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau?

24) Mọi người đều có thể tham gia để mang đến sự thay đổi này bằng cách tương tác với những người khác, và bằng cách thử thách bản thân trong các cuộc gặp gỡ với tha nhân. Là người tín hữu, chúng ta được kêu gọi trở thành những người truyền thông chủ đích hướng tới sự gặp gỡ. Bằng cách này, chúng ta có thể tìm kiếm những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa và lâu dài, thay vì hời hợt và chóng qua. Thật vậy, bằng cách định hướng các kết nối kỹ thuật số hướng tới việc gặp gỡ những con người thực, hình thành các mối quan hệ thực và xây dựng cộng đồng thực, chúng ta đang thực sự nuôi dưỡng mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Tuy nhiên, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng phải được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện và đời sống bí tích của Giáo hội, mà vì bản chất của chúng không bao giờ có thể được thu gọn vào phạm vi “kỹ thuật số”.

(Xin xem tiếp phần 2)

_________________________________________________




[1] Synod of Bishops, Final Document from the Pre-Synodal Meeting in Preparation for the XV Ordinary General Assembly, “Young People, Faith and Vocational Discernment”, Rome (19-24 March 2018), No. 4.

[2] Message of His Holiness Pope Benedict XVI for the 43rd World Communications Day, “New Technologies, New Relationships. Promoting a Culture of Respect, Dialogue and Friendship” (24 May 2009). Aetatis Novae refers to digital technology already in 1992, and the 2002 companion documents Ethics in Internet and Church in Internet focus on the cultural impact of the Internet in greater detail. Finally, Saint John Paul II’s 2005 Apostolic Letter The Rapid Development, addressed to those responsible for communication, offers reflections on questions raised by social communication. In addition to documents that specifically concern social communication, in recent decades other magisterial documents have also devoted sections to this theme. See for example Verbum Domini, 113; Evangelii gaudium, 62, 70, 87; Laudato si’, 47, 102-114; Gaudete et exsultate, 115; Christus Vivit, 86-90, 104-106; Fratelli tutti, 42-50).

[3] Message of His Holiness Pope Benedict XVI for the 47th World Communications Day, “Social Networks, Portals of Truth and Faith, New Spaces for Evangelization” (24 January 2013).

[4] Message of His Holiness Pope Francis for the 53rd World Communications Day, “We are members one of another (Eph 4:25). From social network communities to the human community” (24 January 2019).

[5] The Vatican opened its first YouTube channel in 2008. Since 2012, the Holy Father has been active on Twitter and since 2016, on Instagram. Parallel to this, the digitally mediated presence of the Pope has become one of the methods of his pastoral engagement, beginning with video messages in the mid-2000s, followed by live video conferencing such as the 2017 meeting with the astronauts of the International Space Station. The Pope’s 2017 video message to the Super Bowl in the United States, and his TED Talks in 2017 and 2020 are just two examples of the Pope’s digitally mediated pastoral presence.

[6] The live broadcast of the 27 March 2020 Statio Orbis drew about 6 million viewers on the Vatican News YouTube Channel and 10 million on Facebook. These numbers do not include later views of the recording of the event or views through other media channels. The same night of the event, 200,000 new followers joined @Franciscus on Instagram, and the posts about 27 March 2020 remain among the most highly engaged content in the history of the account.

[7] Among the many Gospel images that could have been chosen as inspiration for this text, the parable of the Good Samaritan was chosen, which for Pope Francis is “a parable about communication.” Cf. Message of Pope Francis for the 48th World Communications Day, “Communication at the Service of an Authentic Culture of Encounter” (24 January 2014).

[8] For example: who will set the sources from which AI systems learn? Who funds these new producers of public opinion? How can we ensure that those who design the algorithms are guided by ethical principles and help spread globally a new awareness and critical thinking to minimize harm in the new information platforms? New media literacy should cover competencies that not only enable people critically and effectively to engage with information but also to discern the use of technologies that increasingly reduce the gap between human and non-human.

[9] Cf. Fratelli tutti 30; Evangelii gaudium 220; see also "A Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together” (4 February 2019): “We call upon (…) media professionals (…) in every part of the world, to rediscover the values of peace, justice, goodness, beauty, human fraternity and coexistence in order to confirm the importance of these values as anchors of salvation for all, and to promote them everywhere”.

[10] “Some people prefer not to ask questions or seek answers; they lead lives of comfort, deaf to the cry of those who suffer. Almost imperceptibly, we grow incapable of feeling compassion for others and for their problems; we have no interest in caring for them, as if their troubles were their own responsibility, and none of our business”. Message of His Holiness Pope Francis for the Celebration of the 49th World Day of Peace, “Overcome Indifference and Win Peace” (1 January 2016); Evangelii gaudium, 54.

[11] Message of His Holiness Pope Francis for the 49th World Day of Peace, “Overcome Indifference and Win Peace” (1 January 2016).[12] Cf. Fratelli tutti, 67.

_________________________________________________


[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/6/2023]