Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Gia đình Thánh đã sống ở đâu trong Ai cập?

Gia đình Thánh đã sống ở đâu trong Ai cập?

29 tháng Mười Hai, 2017
Gia đình Thánh đã sống ở đâu trong Ai cập?

Chúa Giê-su có thể đã chập chững bước đi đầu đời không phải ở Bê-lem hay Na-da-rét, nhưng ở Ai-cập.

Chúng ta thường quên rằng tuổi thơ của Chúa Giê-su trải qua bên ngoài Bê-lem và vùng Đất Thánh. Bị buộc phải đi tha hương bởi vua Hê-rô-đê, Gia đình Thánh phải trốn sang Ai-cập và sống ở đó nhiều năm. Thật thú vị khi nghĩ về giai đoạn này trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Ngài có được xem các kim tự tháp hay không? Còn sông Nile vĩ đại thì sao?

Trước khi chúng ta tìm đến những địa điểm có thể có bước chân của Chúa Giê-su trong cuộc tha hương của Ngài ở Ai-cập, trước hết chúng ta hãy xem trình thuật của Thánh Mát-thêu.

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. (Mt 2:13-15)

Các nhà lịch sử có vẻ không đồng ý với nhau về thời gian vua Hê-rô-đê chết. Một số học giả cho là năm 4 trước Công nguyên, trong khi một số cho rằng ông ta chết muộn nhất là năm 1 sau Công nguyên. Bất kể ngày chính xác đó là khi nào thì truyền thống địa phương cho rằng Gia đình Thánh đã sống ở Ai-cập suốt 4 năm.

Thật thú vị khi hình dung Chúa Giê-su chập chững những bước đi đầu đời và bập bẹ những lời đầu tiên không phải ở Bê-lem hay Na-da-rét, nhưng ở Ai-cập!

Theo truyền thống địa phương, địa điểm dừng chân đầu tiên của Gia đình Thánh là Farma, phía đông sông Nile. Sau đó các ngài tiếp tục đi đến Mostorod, một thành ở phía bắc Cairo. Theo tường thuật gần thành này có một dòng suối chảy ra sau khi các ngài đến.

Sau đó gia đình dừng chân ở Sakha, và là địa điểm có một tảng đá có in dấu chân của bé Giê-su.

Dọc theo hành trình đó các ngài đến Wadi El Natroun trước khi dừng chân ngay bên ngoài Cairo. Tại đây có một địa điểm với một bóng cây che mát cho Gia đình Thánh.

Gần như chắc chắn là các ngài đã nhìn thấy những kim tự tháp cổ đại của Ai-cập khi tiếp tục hành trình, có thể gia đình đã dừng chân để ngắm nhìn cảnh tượng tuyệt vời đó.

Sau đó gia đình tha hương tiếp tục đến Cairo Cổ và ngược lên Maadi, tại đây các ngài phải đi thuyền đến Deir El Garnous và tiếp theo đến Gabal Al-Teir.

Điểm dừng chân chính của Gia đình Thánh là Gebel Qussqam. Người ta tin rằng các ngài đã ở đây khoảng sáu tháng. Trước khi trở về quê hương các ngài đã dừng chân ở Assiut và sau đó ngược trở về Đất Thánh.

Người Cốp-tíc rất tự hào về chương đặc biệt này trong cuộc sống của Chúa Giê-su và họ cảm thấy vô cùng gần gũi với Gia đình Thánh, các Đấng đã rong ruổi và sống giữa họ trong suốt những năm đầu đời tuổi thơ của Chúa Giê-su.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2017]


Hai mươi ba nhà thừa sai Công giáo đã bị giết trên thế giới trong năm 2017

Hai mươi ba nhà thừa sai Công giáo đã bị giết trên thế giới trong năm 2017

Báo cáo cuối năm của hãng Thông tấn Fides của Vatican

29 tháng Mười Hai, 2017
Hai mươi ba nhà thừa sai Công giáo đã bị giết trên thế giới trong năm 2017
ZENIT - By HSM - San Gioacchino In Prati Church - 2015
Theo báo cáo của Hãng Thông tấn Fides của Vatican ngày 28 tháng Mười Hai năm 2017, hai mươi ba vị thừa sai Công giáo đã bị giết trên thế giới trong năm 2017: gồm 13 linh mục, một nam tu sĩ, một nữ tu sĩ, và 8 giáo dân.

Trong tám năm liên tiếp, con số cao nhất được ghi nhận ở Châu Mỹ, nơi có 11 người Công giáo đang thi hành sứ mạng thừa sai bị giết chết (tám linh mục, một tu sĩ, và hai giáo dân), tiếp theo là Châu Phi với 10 nạn nhân (bốn linh mục, một nữ tu, và năm giáo dân), và cuối cùng là Châu Á với một linh mục và một giáo dân bị giết.

Theo dữ liệu được Fides phát hành, từ năm 2000 đến 2016, 424 người Công giáo đang thi hành sứ mạng thừa sai bị giết chết trên thế giới, trong đó có năm Giám mục.

Hãng Thông tấn giải thích rằng “nhiều thừa tác viên mục vụ đã bị giết trong những vụ cướp thuộc những bối cảnh nghèo túng về kinh tế và văn hóa, do sự xuống cấp về đạo đức và môi trường, nơi mà tình trạng bạo lực và ngược đãi được xem như quyền thống trị.”

Theo Fides, danh sách này “chỉ là đỉnh của tảng băng chìm,” vì danh sách những thừa tác viên mục vụ hoặc những “người Công giáo đơn sơ” đã “bị hành hung, bị đánh, bị cướp, bị đe dọa” còn dài hơn nhiều, cũng như “những công trình Công giáo để phục vụ cả dân tộc đã bị tấn công, bị phá hoại hoặc bị cướp phá.”

Với những danh sách dự đoán được Fides đưa ra hàng năm, “phải luôn có thêm một danh sách dài cho những người không có được báo cáo suốt một thời gian dài hoặc những người vô danh, đó là những người – ở mọi góc của hành tinh – phải chịu đau khổ và trả giá bằng mạng sống cho đức tin của họ vào Chúa Giê-su Ki-tô.”

Những kẻ giết các linh mục hoặc tu sĩ “ít khi bị nhận diện hay tố cáo,” Fides phàn nàn, và đưa ra ví dụ về vụ giết nhà thừa sai Tây Ban nha Vicente Canas, bị giết ở Brazil năm 1987. Trong phiên tòa đầu tiên năm 2006, người bị cáo buộc đã được tha bổng vì thiếu chứng cứ; một phiên tòa mới dẫn đến việc cáo buộc người chủ mưu, người duy nhất trong những người bị tố cáo còn sống.

Fides cũng giải thích rằng danh sách hàng năm này “không chỉ chú ý đến các nhà thừa sai đến với mọi người, theo nghĩa hẹp của thuật ngữ, nhưng cố gắng ghi lại tất cả những thừa tác viên mục vụ đã chết vì bạo lực, rõ ràng “vì lòng thù hận đức tin.” “Vì lý do này, chúng tôi không thích dùng thuật ngữ ‘tử đạo,’ ngoại trừ trường hợp theo ý nghĩa nguyên ngữ của nó là làm “chứng tá,” để không tạo ra sự dự đoán trước rằng Giáo hội có thể ban danh hiệu đó cho một số vị trong số đó.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2017]