Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Những thách đố của một linh mục ở Ethiopia: Nơi bạn phải lo lắng về báo và linh cẩu trên đường đến gặp giáo dân

Những thách đố của một linh mục ở Ethiopia: Nơi bạn phải lo lắng về báo và linh cẩu trên đường đến gặp giáo dân

Những thách đốcủa một linh mục ở Ethiopia: Nơi bạn phải lo lắng về báo và linh cẩu trên đường đến gặp giáo dân
Aid to the Church in Need

02 tháng Mười Hai, 2019

Ấn tượng đầu tiên của tôi về khu vực này là nó thật sự rất xa xôi … Đối với tôi là một linh mục, đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất!

Cha Kenneth Iwunna luôn muốn trở thành linh mục. Khi còn là một thiếu nhi, cha tham dự thánh lễ mỗi buổi sáng. Thậm chí có những ngày cha đi học muộn vì điều đó. Cha bị phạt, nhưng việc đó không ngăn cha đi tham dự Thánh lễ. Cha muốn trở thành một thầy dòng và linh mục là hình ảnh quan trọng nhất đối với cha. Cha giải thích với một nụ cười: “Tôi thích mọi điều linh mục làm.”

Ước mơ của cha đã thành hiện thực khi người thanh niên Nigeria, ngày nay đã 45 tuổi, gia nhập Dòng Spiritans và được truyền chức linh mục. Hiện nay cha là một nhà truyền giáo đang hoạt động ở Ethiopia. Đây cũng là một giấc mơ trở thành sự thật của cha. “Khi tôi vẫn còn trong thời gian đào tạo, một linh mục từ Ethiopia về. Ngài là một người rất giỏi và khiêm nhường và tôi nhận ra rằng tôi cũng muốn đến Ethiopia. Tôi không biết gì về đất nước này, nhưng tôi vẫn muốn đến đó. Trước khi thụ phong linh mục, chúng tôi được phép chọn ba địa điểm trên thế giới là nơi chúng tôi muốn đến phục vụ. Tôi viết Ethiopia là lựa chọn thứ 1 và thứ 2 của tôi và Nigeria là lựa chọn thứ ba,” vị linh mục nhớ lại.

Trong bảy năm nay, Cha Kenneth Iwunna là một nhà truyền giáo trong bộ lạc Borana ở miền nam Ethiopia. Borana theo truyền thống là một dân tộc du mục, mặc dù nhiều gia đình giờ đã ít di chuyển hơn. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn di chuyển trong khu vực với đàn gia súc của họ.

Cha Kenneth nhớ lại, “Ấn tượng đầu tiên của tôi về vùng này là nó thực sự rất xa xôi. Nhưng làm việc ở những vùng xa xôi nơi Giáo hội đang gặp khó khăn là một phần đặc sủng của dòng chúng tôi.”

Ngày nay, cha là linh mục chánh xứ của Giáo xứ Thánh Giá, có trụ sở tại Dhadim. Khoảng 5.000 trong số 9.000 cư dân trong vùng là người Công giáo – và số lượng của họ đang tăng lên. Một số lượng lớn người muốn được rửa tội.

Một trong những điểm thu hút chính của Ki-tô giáo đối với người Borana là mỗi người đều được yêu thương

Cha Kenneth nói: “Một trong những điểm thu hút chính của Ki-tô giáo đối với người Borana là mỗi người đều được yêu thương. Hơn nữa, họ rất có ấn tượng bởi tính phổ quát của Giáo hội và muốn thuộc về Giáo hội. Chúng tôi cử hành Thánh Lễ ở đây cũng giống như cách thức Thánh Lễ được cử hành ở Roma hoặc những nơi khác.”

Giáo xứ khá sôi động. Các lớp học Giáo lý và Kinh Thánh được tổ chức và Cha Kenneth đã bắt đầu thừa tác vụ ơn gọi, và nó đã sinh hoa trái: hai thiếu nữ từ bộ lạc Borana muốn trở thành nữ tu, và năm thiếu niên đã bày tỏ sự quan tâm đến chức tư tế.

Giới trẻ đặc biệt tích cực: 250 thanh niên thường xuyên tham gia vào các hoạt động của giáo xứ.

Nhờ sự trợ giúp của tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn, mỗi năm có 65 đến 100 bạn trẻ được tham gia một chương trình mục vụ kéo dài ba ngày được tổ chức tại một giáo phận khác.

“Hầu hết trong số họ chưa bao giờ đi bất cứ nơi nào ngoài ngôi làng của họ. Đối với họ việc đến với những người trẻ từ các bộ lạc khác và trao đổi về những gì họ biết là một kinh nghiệm quan trọng. Có thể họ không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng chúng tôi đảm bảo luôn có một người ở đó để thông dịch. Người trẻ phát triển trong đức tin và trải nghiệm Giáo hội theo một cách mới. Tuy nhiên, có một ưu điểm là sau đó họ tìm thấy động lực để học một ngôn ngữ khác như tiếng Anh và đến trường. Những ngày này không chỉ mang lại lợi ích cho họ mà cho cả cộng đồng. Vì khi những bạn trẻ này trở về, họ nói về những trải nghiệm của họ trong Giáo hội. Và những người lớn tuổi cũng rất thích thú với điều này.”

Nhờ có sự hỗ trợ của ACN, họ khởi động một chương trình dành cho các cặp vợ chồng đón nhận đức tin Ki-tô giáo. Cha Kenneth giải thích, “Những người trưởng thành mới được rửa tội đứng trước vấn đề là họ không kết hôn trong Giáo hội. Điều này có nghĩa là họ không thể Rước Lễ. Tuy nhiên, nhiều người không có tiền mua nhẫn cưới, trang phục theo nghi thức và lễ mừng mà họ phải tổ chức. Và vì vậy, chúng tôi tổ chức lễ hôn phối cho một số đôi vợ chồng cùng một lúc và mua tất cả mọi thứ họ cần cho lễ mừng. Thật là một sự nhẹ nhàng tuyệt vời cho các cặp vợ chồng khi cuối cùng họ được kết hôn trong Giáo hội và có thể Rước Lễ.”

Chúng tôi cũng động viên các thiếu nữ đi học. Điều này đã dẫn đến một sự giảm mạnh đối với những cuộc hôn nhân sớm

Tình hình của phụ nữ cũng được cải thiện. “Theo truyền thống, phụ nữ Borana rất nhút nhát. Truyền thống cấm họ làm bất cứ điều gì bên ngoài nhà. Giáo hội đang cố gắng giúp họ ra khỏi nhà nhiều hơn. Chúng tôi tạo cho họ cơ hội để trở thành giáo lý viên và dạy học. Người dân đã chấp nhận điều này và bây giờ thấy nó tốt. Chúng tôi cũng khuyến khích thanh thiếu nữ đi học. Điều này đã dẫn đến một sự giảm sụt mạnh đối với những cuộc hôn nhân sớm. Chúng tôi tin vào việc truyền giáo thông qua giáo dục.”

Nhìn chung, nhiều vấn đề đã được cải thiện. Trong quá khứ, những thù hằn thường nổ ra giữa các bộ lạc sống trong vùng. Bây giờ, cũng nhờ sự hiện diện của Giáo hội Công giáo, tình hình trở nên tốt hơn. “Chỉ trong những lúc hạn hán thì đôi khi xảy ra xung đột giữa những người nông dân và người chăn gia súc đang tìm kiếm đồng cỏ,” vị linh mục thuật lại. “Để cải thiện tình hình hơn nữa, chúng tôi muốn sớm cung cấp các khóa học về hòa bình, hòa giải và đối thoại liên tôn tại nhà thờ.”

Tuy nhiên, vẫn còn đủ những thách thức phải đối mặt. “Những con đường ở trong tình trạng rất xấu và hầu hết các địa điểm chỉ có thể đến bằng cách đi bộ, xe gắn máy hoặc xe đạp. Thỉnh thoảng tôi phải đi từ 25 đến 30 km (15 đến 18 dặm). Khi tôi đi một mình và phải đi xuyên rừng, đôi khi rất sợ. Có báo, rắn khổng lồ và đầy linh cẩu. Khi tôi được gọi đi trong trường hợp khẩn cấp, tôi thường phải tự đi vào ban đêm.”

Tuy nhiên, Cha Kenneth nói rằng cha muốn sống trọn đời ở Ethiopia. Cha hạnh phúc trong vai trò truyền giáo của mình giữa người Borana. “Với tôi là một linh mục, đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất. Đức tin của tôi đã phát triển thậm chí mạnh mẽ hơn ở đây. Tôi có thể giúp đỡ những người không thể tự xoay sở. Tôi có thể giúp họ biết Chúa nhiều hơn và thông qua việc đó, tôi trao cho họ sự sống. Đây là điều tốt nhất xảy đến với tôi.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/12/2019]


Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền & nhân phẩm, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân đại sứ

Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền & nhân phẩm, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân đại sứ
Pope At An Audience With New Ambassadors - Copyright: Vatican Media

Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền & nhân phẩm, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân đại sứ

Bảo đảm sự sẵn sàng của Giáo hội giúp họ hoàn thành trách nhiệm

19 tháng Mười Hai, 2019 10:27

“Giáo hội Công giáo cam kết hợp tác với mọi đối tác có trách nhiệm trong việc thúc đẩy lợi ích của mỗi người và của mọi dân tộc.”

Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc nhở điều này với các tân đại sứ hôm nay, ngày 19 tháng Mười Hai năm 2019, trong Khán phòng Clementine nhân dịp trình ủy nhiệm thư của các tân đại sứ đến Tòa Thánh từ Seychelles, Mali, Andorra, Kenya, Latvia và Nigeria.

Trong phát biểu của mình, Đức Phanxico nói với họ về hy vọng của ngài rằng sứ mạng của họ “sẽ không chỉ góp phần củng cố những mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia của quý vị và Tòa Thánh, mà còn để xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn trong đó sự sống của con người, nhân phẩm và các quyền con người được tôn trọng và nâng cao.”

Đức Thánh Cha kết luận rằng ngài sẽ cầu nguyện cho họ và công việc quan trọng của họ, bảo đảm “sự luôn luôn sẵn sàng” của ngài và của Giáo triều Roma để giúp họ hoàn thành trách nhiệm của mình và ban phép lành Tòa Thánh cho họ.

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp phát biểu của Đức Thánh Cha:

***

Thưa quý vị,

Tôi rất hân hạnh được đón tiếp quý vị nhân dịp trình Ủy nhiệm Thư mà quý vị được bổ nhiệm là những Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của đất nước mình tại Tòa thánh: Seychelles, Mali, Andorra, Kenya, Latvia và Nigeria. Tôi xin quý vị vui lòng truyền đạt lại những tình cảm quý trọng của tôi tới các vị Nguyên thủ quốc gia của quý vị, cùng với những lời cầu nguyện của tôi cho họ và cho đồng bào của quý vị.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra hôm nay khi người Ki-tô hữu trên khắp thế giới chuẩn bị kỷ niệm sự chào đời của một Người mà chúng tôi gọi là Thái tử Hòa bình. Thật vậy, hòa bình là khát vọng của toàn thể gia đình nhân loại. Nó là một hành trình của hy vọng, trong đó gồm có đối thoại, hòa giải và hoán cải sinh thái (x. Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2020). Trong một thế giới mang dấu ấn đáng buồn bởi những cuộc xung đột dân sự, khu vực và quốc tế, những chia rẽ và bất bình đẳng xã hội, điều vô cùng quan trọng là phải thực hiện một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và sáng tạo đặt nền tảng trên lòng trung thực và sự thật, với mục đích thúc đẩy sự đoàn kết huynh đệ mạnh mẽ hơn giữa các cá nhân và trong cộng đồng toàn cầu. Về phần mình, Giáo hội Công giáo cam kết hợp tác với mọi đối tác có trách nhiệm trong việc thúc đẩy lợi ích của mỗi người và của mọi dân tộc. Tôi hy vọng rằng sứ mạng của quý vị sẽ không chỉ góp phần củng cố những mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia của quý vị và Tòa Thánh, mà còn để xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn trong đó sự sống của con người, nhân phẩm và các quyền con người được tôn trọng và nâng cao.

Con đường dẫn đến hòa bình bắt đầu từ sự mở lòng để hòa giải, “nó đòi hỏi phải khước từ mong muốn thống trị người khác của chúng ta và học cách nhìn nhau là những con người, là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em” (nt., 3). Chỉ khi chúng ta gạt bỏ sự thờ ơ và sợ hãi thì bầu khí tôn trọng lẫn nhau mới có thể phát triển và được nuôi dưỡng. Từ đó dẫn đến sự phát triển một nền văn hóa bao gồm, một hệ thống kinh tế công bằng hơn và nhiều cơ hội cho sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống chính trị và xã hội. Sự hiện diện của quý vị ở đây là một tín hiệu cho thấy quyết tâm của các quốc gia mà quý vị là đại diện và của cộng đồng quốc tế nói chung để giải quyết những hoàn cảnh bất công, phân biệt đối xử, nghèo đói và bất bình đẳng ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta và đe dọa những hy vọng và khát vọng của các thế hệ tương lai.

Càng ngày chúng ta càng thấy rằng con đường đi đến hòa bình cũng bị ngăn chặn bởi sự thiếu tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta và đặc biệt là việc bóc lột những tài nguyên thiên nhiên được coi là một nguồn lợi nhuận trước mắt, mà không tính toán đến cái giá phải trả của những cộng đồng địa phương hoặc của chính thiên nhiên. Thế giới của chúng ta đang đối mặt với một loạt những thách thức phức tạp cho sự bền vững của môi trường, không những cho hiện tại mà còn cho tương lai cận kề. Thượng hội đồng gần đây về Vùng Pan-Amazon kêu gọi sự chân nhận mới về mối quan hệ giữa các cộng đồng và vùng đất, giữa hiện tại và quá khứ, và giữa kinh nghiệm và niềm hy vọng. Một đòi hỏi cấp bách về cam kết cho việc quản lý có trách nhiệm đối với trái đất và các nguồn tài nguyên của nó ở mọi cấp độ, từ sự giáo dục trong gia đình, đến đời sống xã hội và công dân, và việc đưa ra những quyết định về chính trị và kinh tế. Lợi ích chung và lợi ích của ngôi nhà nơi chúng ta cư ngụ đòi hỏi những nỗ lực hợp tác để thúc đẩy việc nuôi dưỡng sự sống và sự phát triển toàn diện của mỗi thành viên trong gia đình nhân loại.

Thưa quý vị Đại sứ, giờ đây khi quý vị bắt đầu sứ mạng của mình tại Tòa Thánh, tôi xin gửi đến quý vị những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất và tôi xin bảo đảm với quý vị về sự luôn luôn sẵn sàng của các văn phòng khác nhau thuộc Giáo triều Roma để hỗ trợ quý vị thi hành trách nhiệm của mình. Tôi thân ái khẩn xin phúc lành niềm vui và bình an của Chúa đổ xuống trên quý vị và gia đình, đồng nghiệp và toàn thể đồng bào của quý vị.

[Văn bản tiếng Anh bài phát biểu của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/12/2019]


Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

18 tháng Mười Hai, 2019

Ông António Guterres sẽ thảo luận với Đức Giáo hoàng về sự biến đổi khí hậu, người tị nạn, giải trừ hạt nhân và tự do tôn giáo.

Ông António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, dự kiến sẽ tới Roma và gặp Đức Giáo hoàng Phanxico, là người mà vị đại diện của Liên Hợp Quốc đã ca ngợi trong một cuộc phỏng vấn gần đây “là một tiếng nói mạnh mẽ về sự khủng hoảng khí hậu, về sự nghèo đói và bất bình đẳng, về chủ nghĩa đa phương, về việc bảo vệ người tị nạn và di cư, về sự giải trừ quân bị và nhiều vấn đề quan trọng khác.”

Những vấn đề này sẽ là chủ đề của cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo thế giới khi họ hợp tác để “xây dựng những cầu nối.”

Trong một phỏng vấn với Vatican News, ông Guterres sơ lược một số điểm quan tâm của LHQ — trong đó vấn đề khá quan trọng là sự biến đổi khí hậu, chủ đề của hội nghị COP25, tại Madrid. Ông Guterres bày tỏ sự thất vọng của mình rằng hội nghị kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về vấn đề này giữa các cường quốc của thế giới. Tổng thư ký nhắc lại cam kết của ông đối với carbon trung tính, ông nói:

“Vào năm 2030 tất cả các quốc gia phải cam kết cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính theo các mức độ của năm 2010, và để đạt mức phát thải CO2 bằng không vào năm 2050. Ở đây, tôi hoan nghênh cam kết của Liên minh Châu Âu nhằm đạt được mức carbon trung tính vào năm 2050 và tôi thúc giục các quốc gia trên toàn thế giới bắt chước tấm gương này về hành động đối với khí hậu.”

Vì Đức Giáo hoàng Phanxico là một người ủng hộ dứt khoát đối với carbon trung tính, nên dự kiến ngài sẽ đánh giá về vấn đề này với ông Guterres. Đức Phanxico cũng là một trong những tiếng nói thường xuyên nhất kêu gọi bảo vệ người tị nạn, một chủ đề khác mà hai vị sẽ thảo luận.

Ông Guterres cho rằng cần phải có sự cải tổ trong tất cả các khía cạnh về đời sống người tị nạn, từ di cư đến tái định cư. Ông viện dẫn rằng di cư là một con đường nguy hiểm, nó thường buộc người tị nạn đặt sự sống của họ trong tay những người không đáng tin cậy:

“Và chúng ta phải hợp tác để chống lại những kẻ buôn lậu và tội phạm làm giàu trên lưng những người không được bảo vệ. Những vụ đắm tàu chết người không thể trở thành một điều bình thường mới. Cần có các giải pháp để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những hành trình nguy hiểm này.”

Mặt khác, những người tị nạn chạm tới đích đến của họ thường phải sống trong những chỗ ở vô cùng thiếu thốn và các dịch vụ vô tổ chức. Ông Guterres kêu gọi “một cam kết thật sự để chia sẻ trách nhiệm”, và yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên thể hiện tình đoàn kết với những quốc gia đang ở trên “tiền tuyến.”

Vào tháng Mười Một, Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ tại một hội nghị quốc tế về giải trừ vũ khí và phát triển, ngài nói rằng, “Những loại vũ khí có thể dẫn đến sự hủy diệt loài người là vô nghĩa ngay cả đặt trên quan điểm chiến thuật.” Ông Guterres đồng thuận với Đức Giáo hoàng Phanxico và dự kiến sẽ thảo luận về việc giải trừ hạt nhân trên toàn thế giới với giáo hoàng. Trong phỏng vấn của Vatican News, ông bình luận:

“Điều vô cùng quan trọng là phải đưa sự giải trừ hạt nhân trở lại trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế. Cũng cần thiết phải đảm bảo rằng hiệp ước không phổ biến hạt nhân, hoặc NPT, duy trì vị thế là một trụ cột nền tảng của trật tự toàn cầu.”

Tổng thư ký cũng nêu ra những cuộc tấn công mạng, điều mà ông lo ngại có thể gây ra các sự cố quốc tế bằng cách “làm xói mòn niềm tin và khuyến khích các Chính phủ thông qua các thái độ tấn công đối với việc sử dụng có hại trên không gian mạng.” Không rõ liệu ông có tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giáo hoàng về chủ đề này không, nhưng ông đã bày tỏ mong muốn nhìn thấy Liên Hợp Quốc giải quyết mối quan tâm này.

Một chủ đề khác mà ông Guterres dự kiến sẽ mang đến cho Đức Giáo hoàng Phanxico là sự gia tăng ngược đãi tôn giáo trên toàn thế giới, dẫn đến những cuộc tấn công vào người Ki-tô hữu, Hồi giáo và cả người Do Thái. Ông gọi tuyên ngôn gần đây của Đức Giáo hoàng Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học al-Azhar là “một đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự chung sống hòa bình, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau trên thế giới.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/12/2019]


Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Giáng sinh

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Giáng sinh

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico Lễ Giáng sinh


25/12/2019

“Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9:1). 

Lời sứ ngôn chúng ta nghe trong bài đọc một được kiện toàn trong Tin mừng: khi những mục đồng đang canh chừng đàn chiên của họ vào ban đêm, thì “vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh họ” (Lc 2:9). Giữa đêm đen thế gian của chúng ta, một ánh sáng từ trời đã xuất hiện.

Ý nghĩa của ánh sáng chiếu tỏa trong bóng đêm đen này là gì? Thánh Phaolo giải thích cho chúng ta: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ”. Ân sủng của Thiên Chúa, “đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2:11), đã chiếu tỏa trên thế giới chúng ta trong đêm nay. Nhưng ân sủng đó là gì? Đó là tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu làm biến đổi cuộc sống, đổi mới lịch sử, giải thoát khỏi sự ác, đổ đầy các tâm hồn với sự bình an và niềm vui.

Đêm nay tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ cho chúng ta: đó là Chúa Giê-su. Trong Chúa Giê-su, Đấng Tối Cao đã hạ mình trở thành một hài nhi bé nhỏ, để chúng ta có thể yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta vẫn có thể tự hỏi: tại sao Thánh Phaolo mô tả việc Thiên Chúa đi vào thế giới của chúng ta là “ân sủng?” Để nói với chúng ta rằng ân sủng đó hoàn toàn nhưng không. Trong khi trên trần gian mọi thứ dường như cho đi để được nhận lại, Thiên Chúa xuống trần một cách tự do nhưng không.

Tình yêu của Người không có sự chuyển nhượng: chúng ta chẳng làm được gì để xứng đáng với tình yêu đó và chúng ta sẽ không bao giờ có thể đáp đền tình yêu đó. Ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ. Đêm nay chúng ta nhận ra rằng, khi chúng ta không còn xứng đáng, Thiên Chúa trở nên nhỏ bé vì ích lợi của chúng ta; trong khi chúng ta đang bận rộn về công việc kinh doanh của mình, Người đã đến giữa chúng ta.

Giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương tất cả chúng ta, ngay cả những người xấu xa nhất trong chúng ta. Hôm nay Người nói với tôi, với anh chị em, với mỗi chúng ta: “Ta yêu con và ta sẽ luôn mãi yêu con, vì con vô cùng quý giá trong mắt ta”. Thiên Chúa không yêu bạn vì bạn suy nghĩ và hành động đúng đắn. Người yêu thương bạn, chân thành và đơn sơ. Tình yêu của Người là vô điều kiện; nó không phụ thuộc vào anh chị em. Anh chị em có thể có những ý nghĩ sai lầm, anh chị em có thể đã tạo ra một mớ hỗn độn, nhưng Chúa vẫn tiếp tục yêu thương anh chị em.

Chúng ta thường có suy nghĩ rằng Chúa chỉ hiền lành nếu chúng ta tốt và trừng phạt chúng ta nếu chúng ta xấu. Nhưng đó không phải là cách của Người. Với mọi tội lỗi của chúng ta, Người vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta. Tình yêu của Người không thay đổi. Nó không thay đổi; nó trung tín; nó kiên nhẫn. Đây là ân sủng mà chúng ta tìm thấy vào ngày Giáng sinh. Trước sự kinh ngạc, chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa là niềm vui tuyệt đối, là tình yêu dịu dàng tuyệt đối. Vinh quang của Người không áp đảo chúng ta; sự hiện diện của Người không làm chúng ta sợ hãi. Người được sinh ra trong cảnh hoàn toàn nghèo khó để giành được tâm hồn của chúng ta bởi sự giàu có trong tình yêu của Người. Ân sủng của Thiên Chúa đã được tỏ lộ.

Ân sủng là một từ đồng nghĩa của vẻ đẹp. Đêm nay, trong vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng khám phá ra vẻ đẹp của chính mình, vì chúng ta là những con cái được Chúa yêu. Dù tốt hay xấu, bệnh tật hay khỏe mạnh, dù vui hay buồn, chúng ta đều xinh đẹp trong mắt Người, không phải vì những gì chúng ta làm mà vì chính con người chúng ta. Sâu thẳm trong chúng ta, có một vẻ đẹp vô hình và không thể xóa nhòa, một vẻ đẹp không thể thay thế, đó là cốt lõi của bản thể chúng ta. Hôm nay Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về điều này. Người yêu thương chấp nhận mang lấy thân phận con người của chúng ta và lấy nó làm của riêng Người, “kết hiệp” với nó đời đời. “Tin vui lớn” được công bố đêm nay với những mục đồng thật sự là “dành cho tất cả mọi người”. Chúng ta cũng vậy, với tất cả những sự yếu đuối và vấp ngã của mình, chúng ta cũng nằm trong số những mục đồng đó, những người chắc chắn không phải là thánh nhân.

Và như Thiên Chúa đã gọi các mục đồng thế nào thì Người cũng kêu gọi chúng ta, vì Người yêu thương chúng ta. Trong đêm tối của cuộc đời, Người nói với chúng ta như Người đã nói với họ, “Đừng sợ!” (Lc 2:10). Hãy can đảm, đừng mất lòng vững tin, đừng mất hy vọng, đừng nghĩ rằng yêu thương là lãng phí thời gian! Đêm nay tình yêu đã chinh phục nỗi sợ hãi, niềm hy vọng mới đã đến, ánh sáng dịu dàng của Chúa đã vượt qua bóng tối kiêu ngạo của con người.

Hỡi nhân loại, Thiên Chúa yêu thương các ngươi; vì ích lợi của các ngươi, Người đã trở thành phàm nhân. Ngươi không còn cô đơn! Anh chị em thân mến, chúng ta phải làm gì với ân sủng này? Chỉ cần một điều: hãy đón nhận ân sủng. Trước khi chúng ta lên đường để tìm kiếm Thiên Chúa, chúng ta hãy cho phép mình được Người tìm kiếm.

Chúng ta đừng bắt đầu bằng những khả năng của chính mình nhưng bằng ân sủng của Người, vì Người, Chúa Giê-su, là Đấng Cứu thế. Chúng ta hãy cùng chiêm ngắm Hài nhi và để mình bị cuốn hút vào tình yêu dịu dàng của Người. Rồi chúng ta không còn lý do gì từ chối không để cho bản thân được Người yêu thương.

Dù có bất cứ điều gì sai trái xảy trong cuộc sống của chúng ta, bất cứ điều gì không hiệu quả trong Giáo hội, có bất cứ vấn đề gì trên thế giới, cũng sẽ không còn được xem là cái cớ nữa. Nó sẽ trở thành thứ yếu, vì khi đứng trước tình yêu vô bờ của Chúa Giê-su, một tình yêu hoàn toàn dịu dàng và gần gũi, chúng ta chẳng còn lời bào chữa nào. Đây là câu hỏi đặt ra vào ngày Giáng sinh: “Tôi có cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương không? Tôi có từ bỏ bản thân cho tình yêu của Người đến để cứu rỗi tôi không?”

Một ân sủng bao la cần có lòng biết ơn lớn lao để đáp đền. Chấp nhận ân sủng này có nghĩa là sẵn sàng tạ ơn. Chúng ta thường sống cuộc sống với rất ít lòng tri ân. Hôm nay là ngày thích hợp để tiến đến gần nhà tạm, đến gần hang đá, máng cỏ, và dâng lời tạ ơn. Chúng ta hãy đón nhận món quà đó là Chúa Giê-su, để sau đó trở thành một món quà như chính Chúa Giê-su.

Trở thành món quà tức là trao tặng ý nghĩa cho cuộc sống. Và đó là cách tốt nhất để thay đổi thế giới: chúng ta thay đổi, Giáo hội thay đổi, lịch sử thay đổi, khi chúng ta ngừng cố gắng thay đổi người khác nhưng cố gắng thay đổi chính bản thân và làm cho cuộc sống của chúng ta thành một món quà. Đêm nay Chúa Giê-su cho chúng ta thấy điều này. Người không thay đổi lịch sử bằng cách gây áp lực cho bất cứ ai hoặc bằng một trận lũ quét của những lời nói, nhưng bằng món quà là chính cuộc đời của Người. Người không chờ đợi cho đến khi chúng ta trở nên tốt lành rồi Người mới yêu thương chúng ta, nhưng tặng ban chính Người cho chúng ta một cách nhưng không.

Ước mong rằng chúng ta không cần chờ đợi người anh em của mình trở nên tốt lành rồi chúng ta mới làm điều tốt cho họ, không đợi Giáo hội trở nên hoàn hảo rồi chúng ta mới yêu mến Giáo hội, không đợi người khác tôn trọng chúng ta rồi chúng ta mới phục vụ họ. Chúng ta hãy bắt đầu với chính bản thân mình. Đây chính là ý nghĩa của việc chấp nhận món quà ân sủng một cách tự do. Và sự thánh thiện không có gì khác hơn là duy trì tính tự do này.

Một câu chuyện kể rằng khi Chúa Giê-su chào đời, các mục đồng hối hả đến chuồng chiên bò với những món quà khác nhau. Mỗi người mang theo những gì mình có; một số mang đến những thành quả lao động của họ, số khác mang đến những vật phẩm quý giá. Nhưng khi tất cả họ đang dâng quà, có một mục đồng không có gì để dâng. Anh ta rất nghèo; anh ta không có quà gì để tặng.

Khi người khác đang tranh nhau để dâng lên món quà của họ, anh đứng riêng ra một chỗ, bối rối. Rồi đến thời điểm khi Thánh Giu-se và Đức Mẹ thấy khó mà nhận được tất cả những món quà, đặc biệt là Mẹ Maria đang phải bế Hài nhi. Thấy người mục đồng đó với hai bàn tay trắng, Mẹ gọi anh đến gần. Và Mẹ đặt Hài nhi Giê-su trong vòng tay anh.

Người mục đồng đó, khi đón nhận Người, nhận thức rằng anh ta đã đón nhận được những gì anh ta không xứng đáng, được ẵm trong vòng tay mình món quà lớn nhất mọi thời đại. Anh nhìn đến đôi bàn tay mình, đôi bàn tay dường như luôn trống trơn; giờ chúng đã trở thành cái nôi của Chúa. Anh cảm thấy mình được yêu thương, và vượt qua sự bối rối anh bắt đầu giới thiệu Chúa Giê-su cho những người khác, vì anh không thể giữ cho riêng mình món quà trên mọi món quà.

Thưa anh chị em thân yêu, nếu đôi bàn tay anh chị em dường như trống trơn, nếu anh chị em nghĩ rằng tâm hồn mình nghèo nàn trong tình yêu, thì đêm nay là dành cho anh chị em em. Ân sủng của Thiên Chúa đã được tỏ lộ, để tỏa sáng trong cuộc sống của anh chị em. Hãy chấp nhận ân sủng đó và ánh sáng Giáng sinh sẽ tỏa rạng trong anh chị em.



[Nguồn: romereports]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2019]