Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Thánh lễ Phong thánh cho Chân phước María Antonia de San José de Paz y Figueroa: Mẹ Antula là người lữ hành của Thần Khí

Đức Thánh Cha: Mẹ Antula là người lữ hành của Thần Khí

Thánh lễ Phong thánh cho Chân phước María Antonia de San José de Paz y Figueroa

Thánh lễ Phong thánh cho Chân phước María Antonia de San José de Paz y Figueroa: Mẹ Antula là người lữ hành của Thần Khí

Vatican Medoa


*******

Vào lúc 9h30 sáng nay, Chúa Nhật VI Thường Niên, tại Vương cung Thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế Thánh Lễ và Nghi thức phong thánh cho Chân phước Maria Antonia de San José de Paz y Figueroa (1730–1799), Đấng sáng lập ngôi nhà linh thao ở Buenos Aires. Hiện diện trong Thánh lễ có Tổng thống Cộng hòa Argentina, người được Đức Thánh Cha chào trước và sau nghi thức, sau đó ông rời Vương cung Thánh đường.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha sau khi công bố Tin Mừng:

____________________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Bài đọc thứ nhất (x. Lv 13:1-2.45-46) và Tin Mừng (x. Mc 1:40-45) nói về bệnh phong hủi: một căn bệnh liên quan đến sự hao mòn tàn tạ thân xác ngày càng nhiều của con người, và thật đáng thương, thậm chí cả ngày nay, ở một số nơi người bệnh bị coi như những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Bệnh phong và sự tẩy chay. Đây là những căn bệnh mà Chúa Giêsu muốn giải thoát cho người đàn ông mà Ngài gặp trong Tin Mừng. Chúng ta hãy xem hoàn cảnh của anh ta.

Người phong hủi đó bị buộc phải sống ngoài thành. Yếu đuối vì bệnh tật, thay vì được đồng bào giúp đỡ, anh thấy mình bị bỏ rơi và quả thật còn bị tổn thương hơn nữa bởi sự tẩy chay và loại bỏ. Tại sao? Thứ nhất, vì sợ hãi, sợ nhiễm bệnh và cùng chung một kết cục: “Xin Chúa đừng để điều đó xảy ra với chúng tôi nữa! Chúng ta đừng mạo hiểm mà phải giữ khoảng cách!” Nỗi sợ hãi. Rồi thành kiến: “Nếu anh ta mắc căn bệnh khủng khiếp này” – người ta nghĩ như vậy – “chắc chắn là do Chúa đang trừng phạt anh ta vì một tội nào đó anh ta đã phạm; vậy nên rốt cuộc anh ta đáng chịu điều đó!”

Đây là thành kiến. Và cuối cùng, vì tính tôn giáo sai lầm: thời đó người ta cho rằng việc chạm vào người chết sẽ bị ô uế về mặt nghi lễ, và người phong hủi giống như xác chết biết đi. Người ta cho rằng chỉ cần tiếp xúc nhẹ với người bệnh cũng khiến một người bị ô uế như họ. Một trường hợp tôn giáo tính bị bóp méo, dựng lên những rào cản và chôn vùi lòng thương xót.

Sợ hãi, thành kiến và tính tôn giáo giả tạo. Đây là ba nguyên nhân gây ra sự bất công lớn. Ba “căn bệnh phong hủi của tâm hồn” khiến những người yếu đuối phải chịu đau khổ rồi bị vứt bỏ như vật phế thải. Thưa anh chị em, chúng ta đừng nghĩ rằng đây chỉ là di tích của quá khứ. Chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu con người đau khổ trên vỉa hè trong các thành phố của chúng ta! Và biết bao nỗi sợ hãi, thành kiến và mâu thuẫn, ngay cả giữa những người là tín hữu và xưng mình là Kitô hữu, vẫn tiếp tục làm tổn thương họ nhiều hơn nữa! Trong thời đại chúng ta cũng vậy, có những trường hợp tẩy chay phải quan tâm, những rào cản cần phải phá bỏ, những hình thức “bệnh phong” cần được chữa trị. Nhưng bằng cách nào? Chúng ta làm việc đó như thế nào? Chúa Giêsu làm gì? Ngài làm hai việc: chạm vào và chữa lành.

Việc đầu tiên: Chúa chạm vào người đàn ông đó. Chúa Giêsu đáp lại tiếng kêu cứu của anh ta (x. câu 40); Chúa động lòng, Ngài dừng lại, Ngài đưa tay ra và chạm vào người đàn ông (x. câu 41), biết rõ rằng khi làm như vậy Chúa sẽ trở thành một “kẻ bị xã hội ruồng bỏ”. Thật kỳ lạ, các vai trò giờ đây đã đảo ngược: khi được chữa lành, người bệnh có thể đến gặp các tư tế và được tái tiếp nhận vào cộng đồng; Mặt khác, Chúa Giêsu không còn có thể tiến vào bất kỳ thị trấn nào (x. câu 45). Lẽ ra Chúa đã có thể tránh không chạm vào người đàn ông đó; chỉ cần thực hiện một sự “chữa lành từ xa” là đủ. Nhưng đó không phải là cách thức của Đức Kitô. Đường lối của Người là đường lối tình yêu đến gần những người đau khổ, tiếp xúc với họ và chạm vào vết thương của họ. Sự gần gũi của Thiên Chúa; Chúa Giêsu ở gần chúng ta, Thiên Chúa ở gần chúng ta. Thưa anh chị em thân mến, Thiên Chúa của chúng ta đã không ở xa xăm trên trời, nhưng trong Đức Giêsu, Người đã trở thành con người để chạm đến sự nghèo khó của chúng ta. Và đứng trước trường hợp xấu xa nhất của “bệnh phong hủi”, tức là tội, Người đã không ngần ngại chết trên thập giá, bên ngoài tường thành, bị chối bỏ như một tội nhân, như một người phong hủi, để chạm đến chiều sâu thực tại con người chúng ta. Một vị thánh đã từng viết: “Người đã trở thành người phong hủi vì chúng ta”.

Chúng ta, những người yêu mến và theo Chúa Giêsu, có khả năng bắt chước “cái chạm đến” của Người không? Nó không dễ thực hiện, và chúng ta phải cẩn thận kẻo lòng chúng ta nuôi dưỡng những bản năng trái ngược với thái độ “đến gần” và “trở thành quà tặng” cho người khác của Chúa. Chẳng hạn như khi chúng ta rút khỏi người khác và chỉ nghĩ đến bản thân; khi chúng ta thu hẹp thế giới xung quanh vào những giới hạn của “vùng an toàn” của bản thân; khi chúng ta tin rằng vấn đề luôn là của người khác và chỉ là của người khác… Trong những trường hợp như vậy, chúng ta cần phải chú ý, vì sự chẩn đoán đã rõ ràng: một “bệnh phong hủi của linh hồn”: một căn bệnh khiến chúng ta trở nên mù quáng trước tình yêu và lòng trắc ẩn, một căn bệnh hủy hoại chúng ta bởi những “vết ung nhọt” của ích kỷ, thành kiến, thờ ơ và bất khoan dung. Thưa anh chị em, chúng ta cũng hãy chú ý, vì cũng như những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phong hủi xuất hiện trên da, nếu chúng ta không can thiệp ngay, thì nhiễm trùng sẽ phát triển và tàn phá. Trước mối nguy hiểm này, căn bệnh có thể xảy ra trong tâm hồn chúng ta, chúng ta tự hỏi liệu có cách chữa trị nào không?

Ở đây chúng ta được trợ giúp bởi điều thứ hai Chúa Giêsu làm: Ngài chữa lành (x. câu 42). “Cái chạm đến” của Người không chỉ là dấu hiệu của sự gần gũi mà còn là sự khởi đầu của tiến trình chữa lành. Gần gũi là phong cách của Thiên Chúa: Thiên Chúa luôn gần gũi, nhân hậu và dịu dàng. Sự gần gũi, lòng nhân hậu và sự dịu dàng. Đây là phong cách của Chúa. Chúng ta có mở lòng với phong cách đó không? Khi chúng ta để cho Chúa Giêsu chạm đến mình, chúng ta bắt đầu được chữa lành bên trong, trong tâm hồn mình.

Nếu chúng ta để Ngài chạm đến chúng ta trong lời cầu nguyện và tôn thờ, nếu chúng ta cho phép Chúa hành động trong chúng ta qua Lời và các bí tích của Chúa, thì sự tiếp xúc đó thực sự thay đổi chúng ta. Nó chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi, giải phóng chúng ta khỏi sự ích kỷ và biến đổi chúng ta vượt xa hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể đạt được bằng chính bản thân và bởi những nỗ lực của mình. Những vết thương của chúng ta – những vết thương của tâm hồn và linh hồn –, những bệnh tật của linh hồn, cần được mang đến cho Chúa Giêsu. Cầu nguyện đạt đến điều này: không phải cầu nguyện như một bộ công thức trừu tượng và lặp đi lặp lại, mà là một lời cầu nguyện chân thành và sống động đặt dưới chân Chúa Kitô những đau khổ, những yếu đuối, những thất bại và nỗi sợ hãi của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều đó và tự hỏi: Tôi có để Chúa Giêsu chạm vào “những bệnh phong hủi” của tôi để chữa lành cho tôi không?

Khi được Chúa Giêsu “chạm vào”, phần tốt đẹp nhất của chúng ta được tái sinh một lần nữa: các mô trong trái tim chúng ta được tái tạo; máu của những động lực sáng tạo của chúng ta, chứa đầy tình yêu, lại bắt đầu chảy; vết thương do lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta lành lại và làn da trong các mối quan hệ của chúng ta trở nên tươi mới và khỏe mạnh. Vẻ đẹp mà chúng ta sở hữu, vẻ đẹp của chúng ta, được phục hồi. Nhờ tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta tìm lại được niềm vui khi hiến thân cho người khác mà không sợ hãi và thành kiến, bỏ lại đằng sau tính tôn giáo ảm đạm và xa rời và trải nghiệm một khả năng mới để yêu thương người khác một cách quảng đại và vô vị lợi.

Rồi như một trang Kinh thánh tuyệt vời kể cho chúng ta biết (x. Ed 37:1-14), từ nơi tưởng như là thung lũng đầy xương cốt, những thân xác sống trỗi dậy và một cộng đồng anh chị em được tái sinh và cứu rỗi. Tuy nhiên, sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng phép lạ này diễn ra theo quy mô lớn lao và ngoạn mục. Nó thường xảy ra nhất trong việc bác ái âm thầm được thực hiện mỗi ngày trong gia đình chúng ta, tại nơi làm việc, trong giáo xứ và trường học, trên đường phố, trong văn phòng và cửa hàng của chúng ta. Một việc bác ái không phô trương quảng cáo và không cần những tràng pháo tay, vì tình yêu tự nó là đủ (x. THÁNH AUGUSTINE, Enn. in Ps 118, 8, 3). Hôm nay Chúa Giêsu nói rõ điều này, khi Người ra lệnh cho người đàn ông hiện đã được chữa lành, “đừng nói gì với ai cả” (c. 44): sự gần gũi và kín đáo. Thưa anh chị em, đó là cách Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và nếu chúng ta cho phép Ngài chạm đến, thì cả chúng ta nữa, với quyền năng Thần Khí của Ngài, cũng sẽ có thể trở thành những chứng nhân cho tình yêu cứu độ của Ngài!

Hôm nay, chúng ta suy ngẫm về cuộc đời của Mẹ María Antonia de San José, “Mama Antula”. Mẹ là một “người lữ hành” của Thần Khí. Mẹ đã đi bộ hàng ngàn cây số, băng qua các sa mạc và những con đường nguy hiểm để mang Chúa đến với người khác. Mẹ là mẫu mực của lòng nhiệt thành và lòng can đảm tông đồ. Khi các tu sĩ Dòng Tên bị trục xuất, Thần Khí thắp lên trong mẹ ngọn lửa truyền giáo đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa Quan Phòng và sự kiên trì. Mẹ xin sự chuyển cầu của Thánh Giuse và để không làm ngài quá mệt; mẹ cũng xin sự chuyển cầu của Thánh Gaetano Thiene. Đây là cách giới thiệu lòng sùng kính đối với Thánh Gaetano Thiene; hình ảnh của ngài lần đầu tiên đến Buenos Aires vào thế kỷ thứ mười tám. Nhờ Mẹ Antula, vị thánh này, đấng chuyển cầu của Chúa Quan Phòng, đã đi qua các ngôi nhà, khu dân cư, phương tiện giao thông công cộng, các cửa hàng, nhà máy và tâm hồn để cống hiến một cuộc sống xứng đáng qua việc làm, công bình và lương thực hàng ngày trên bàn ăn của người nghèo. Chúng ta hãy cầu nguyện để Mẹ María Antonia, Thánh María Antonia de Paz de San José, sẽ giúp đỡ chúng ta. Xin Chúa chúc phúc lành cho tất cả mọi người!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/2/2024]


Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ về những nhân vật trong Tin Mừng mà ngài yêu thích

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ về những nhân vật trong Tin Mừng mà ngài yêu thích

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ về những nhân vật trong Tin Mừng mà ngài yêu thích

Antoine Mekary | ALETEIA

Isabella H. de Carvalho

08/02/24

Mácta, Ladarô, Phêrô và nhiều nhân vật khác… Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ những nhân vật yêu thích của ngài trong Phúc âm và những bài học mà họ truyền đạt.

Trong một cuộc phỏng vấn mở rộng về nhiều vấn đề với tạp chí Credere của Công giáo Ý, xuất bản ngày 8 tháng Hai năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ một số nhân vật trong Phúc âm mà ngài đồng cảm nhất và câu chuyện của họ gây được tiếng vang đặc biệt với ngài như thế nào. Đức Thánh Cha kể ra ba người phụ nữ và ba người đàn ông, với cách giải thích khác nhau về mỗi người.

Đức Phanxicô nói: “Không chỉ có một người, có nhiều người tôi thực sự yêu mến.”

“Tôi đang đề cập đến một số người phụ nữ”

Đức Thánh Cha đề cập đến ba người phụ nữ trong Tin Mừng, hai trong số đó là nặc danh. Đầu tiên là bà góa thành Nain khóc thương đứa con trai đã chết của bà, người mà sau đó Chúa Giêsu đã cho sống lại, như được mô tả trong Chương 7 Tin mừng theo Thánh Luca. Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đánh giá cao “khả năng than khóc những người đã mất” của bà.

Ngài tiếp tục: “Tôi cũng thích người phụ nữ đã bí mật chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu,” ý nói đến Chương 5 của Tin mừng theo Thánh Máccô. Trong Tin Mừng này, một người phụ nữ bị băng huyết đã kín đáo chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu vì nghĩ rằng điều này có thể chữa lành cho bà. Khi điều đó xảy ra, Chúa Giêsu nói với bà rằng đức tin của bà đã cứu chữa bà. Đức Thánh Cha nói: “Thỉnh thoảng trong khi cầu nguyện, chúng ta phải làm những điều hơi táo bạo này để Chúa lắng nghe chúng ta”.

Sau đó Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến Mácta. Trong Chương 10 của Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu đến thăm Mácta và em gái Maria tại nhà của họ. Đức Thánh Cha giải thích: “Vâng, Maria là người chiêm niệm nhưng người làm việc và hoàn thành công việc là Mácta. Chị ấy nhắc nhở tôi rất nhiều về những người nam nữ đang làm việc cần mẫn để thực hiện mọi việc vì đức tin trong Giáo hội.”

Ngài phản ánh: “Tôi đang đề cập đến một số phụ nữ — đáng tò mò phải không?”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cũng nói về tầm quan trọng của việc phải có phụ nữ trong các không gian hành chính và quản lý trong Giáo hội, đồng thời nhấn mạnh, như ngài đã có trong quá khứ, “nguyên tắc Phêrô” và “nguyên tắc Mẹ Maria” về cách thức cả nam giới và nữ giới đều có vai trò quan trọng riêng biệt để đóng góp.

Hai tông đồ và Ladarô

Trên thực tế, Mácta không phải là người duy nhất trong số chị em nhà Bêtania làm Đức Giáo hoàng cảm động. Nhân vật Tin Mừng đầu tiên mà ngài kể ra trong câu trả lời là Ladarô, người được Chúa Giêsu hồi sinh bốn ngày sau khi ông qua đời, như được mô tả trong Chương 11 Tin mừng theo Thánh Gioan. Đức Thánh Cha giải thích: “Điều này khiến tôi nghĩ đến cuộc đời hoán cải của tôi, đến việc Chúa đã kéo tôi ra khỏi nấm mồ như thế nào”.

Đức Phanxicô sau đó cũng nhắc đến hai tông đồ: Phêrô vì “sự táo bạo” và Gioan vì “sự chiêm niệm” của ông. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng ngài không chỉ “thích” hai nhân vật này, mà họ còn hướng dẫn ngài trong sứ vụ của mình. “Tôi cảm thấy họ gần gũi với tôi,” Đức Thánh Cha nói.

Như một phần thưởng, Đức Thánh Cha cũng đề cập đến một “vị thánh hiện đại”, không có mặt trong Tin Mừng, nhưng như một nguồn cảm hứng: Thánh Phanxicô.

Các chủ đề khác trong cuộc phỏng vấn

Khi được hỏi về sức khỏe và những hạn chế trong khả năng di chuyển của ngài, vì ngài thường phải sử dụng xe lăn hoặc gậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng “Giáo hội được dẫn dắt bằng cái đầu chứ không phải bằng đôi chân”.

Tuy nhiên, ngài cũng nói thêm rằng Giáo hội “cần giúp đỡ trong [lĩnh vực] mục vụ cho những người bị giới hạn: tránh giấu họ hoặc ‘bỏ’ họ đi.”

Ngài nói: “Chúng ta có thể nghĩ đến một số loại hoạt động dành cho những người này để họ có thể cảm thấy mình thuộc về. Một Kitô hữu không bao giờ bị ‘bỏ đi’.”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cũng thảo luận về các chủ đề khác như Fiducia Supplicans, trong đó ngài nhấn mạnh điều mà ngài gọi là thói đạo đức giả của những người cảm thấy chướng tai gai mắt đối với việc ban phép lành cho một người đồng tính, nhưng lại không chướng tai gai mắt nếu ban phép lành cho một doanh nhân hủ hóa.

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cầu nguyện trong năm nay để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 và làm thế nào để các phong trào Kitô giáo cũng như những người tham gia trong các phong trào đó không tách rời khỏi Giáo hội.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2024]