Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 06 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 06 tháng 10, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 06 tháng 10, 2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI. Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta” (Bài đọc Kinh Thánh: Gl 4: 4-5, 5 :1).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Bài Giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát: 10. Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta tiếp tục suy tư về Thư gửi tín hữu Galát, trong đó Thánh Phaolô đã viết những lời bất hủ về sự tự do của người Kitô hữu. Sự tự do của người Kitô hữu là gì? Hôm nay, chúng ta sẽ suy gẫm về chủ đề này: Sự tự do của người Kitô hữu.

Tự do là một kho báu chỉ thật sự được trân trọng khi nó bị mất đi. Đối với nhiều người chúng ta, những người đã quen với việc được tự do, thường thường nó được xem dường như là một quyền có được hơn là một món quà và một di sản cần được bảo tồn. Có bao nhiêu hiểu lầm xoay quanh chủ đề tự do, và biết bao quan điểm khác nhau đã xung đột trong nhiều thế kỷ!

Trong trường hợp người Galát, Thánh Tông đồ không thể chịu được rằng những người Kitô hữu đó, sau khi được biết và chấp nhận chân lý của Đức Kitô, lại để bản thân bị lôi cuốn vào những đề xuất lừa dối, chuyển từ trạng thái tự do sang nô lệ: từ sự hiện diện giải thoát của Chúa Giêsu sang nô lệ cho tội lỗi, cho chủ nghĩa vị luật lệ, v.v. Ngay cả ngày nay, chủ nghĩa vị luật là một trong những vấn đề đối với rất nhiều người Kitô hữu, vào sự ngụy biện. Do đó, Thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu hãy vững vàng trong sự tự do mà họ đã đón nhận khi chịu phép rửa tội, không để cho bản thân một lần nữa nằm dưới “ách nô lệ” (Gl 5:1). Thánh Phaolô bảo vệ cách chính đáng sự tự do này. Ngài biết rằng có một số “anh em giả danh giả nghĩa” – đây là cách ngài đặt tên cho họ – đã len lỏi vào cộng đồng để “dò xét” – đây là những gì ngài nói – “sự tự do chúng ta có được trong Đức Kitô Giêsu; họ làm như vậy là để bắt chúng ta trở thành nô lệ” (Gl 2:4) – để quay trở lại. Và Thánh Phaolô không thể khoan dung cho điều này. Một lời công bố ngăn cản sự tự do trong Đức Kitô sẽ không bao giờ là lời rao giảng Tin mừng. Tôi có thể là người theo phái Pelagiô hay theo thuyết Giăngsen, hoặc một phái nào đó tương tự như vậy, nhưng không phải là loan báo Tin mừng. Anh không bao giờ có thể ép buộc nhân danh Chúa Giêsu; anh không thể biến bất cứ người nào thành một nô lệ nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho chúng ta được tự do. Tự do là một món quà cho chúng ta trong bí tích rửa tội.

Nhưng trên hết, giáo huấn của Thánh Phaolô về tự do là xác thực. Thánh Tông đồ đề xuất giáo huấn của Chúa Giêsu mà chúng ta cũng tìm thấy trong Tin mừng của Thánh Gioan: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (8:31-32). Vì vậy, lời kêu gọi trên hết là ở lại trong Chúa Giêsu, là nguồn chân lý, Đấng làm cho chúng ta được tự do. Do đó, sự tự do của người Kitô hữu được đặt trên hai trụ cột nền tảng: thứ nhất, ân sủng của Chúa Giêsu; thứ hai, sự thật mà Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta và đó là chính Ngài.

Trước hết, đó là một món quà của Chúa. Sự tự do mà người tín hữu Galát đã nhận được – và chúng ta cũng giống như họ trong bí tích rửa tội của mình – là hoa trái của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Tông đồ tập trung toàn bộ lời rao giảng của mình vào Đức Kitô, Đấng đã giải thoát ngài khỏi những ràng buộc của đời sống trước đây: chỉ nơi Ngài mới tuôn đổ những hoa trái của sự sống mới theo Thần Khí. Thật vậy, sự tự do đích thực nhất, tức là thoát ách nô lệ của tội lỗi, đến từ Thập giá của Đức Kitô. Chúng ta được thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi nhờ Thập giá của Đức Kitô. Chính tại đó, nơi Chúa Giêsu hiến thân chịu đóng đinh, biến mình thành một nô lệ, thì Thiên Chúa đã đặt nguồn cội của sự giải phóng hoàn toàn con người. Điều này luôn làm chúng ta kinh ngạc: rằng nơi mà chúng ta bị tước bỏ mọi tự do, tức là cái chết, lại trở thành nguồn cội của tự do. Nhưng đây là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa! Chúng ta không dễ hiểu được điều đó, nhưng sống nó. Chính Chúa Giêsu đã công bố điều này khi Ngài nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10:17-18). Chúa Giêsu đạt được tự do tuyệt đối bằng cách từ bỏ chính mình cho đến chết; Ngài biết rằng chỉ bằng cách này Ngài mới có thể giành được sự sống cho mọi người.

Như chúng ta biết, chính Thánh Phaolô đã trải nghiệm được mầu nhiệm tình yêu này. Vì lý do đó, ngài nói với các tín hữu Galát, với cách diễn đạt vô cùng táo bạo: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá” (Gl 2:19). Trong hành động kết hợp tối cao đó với Chúa, ngài biết ngài đã nhận được món quà lớn nhất của đời mình: tự do. Thật vậy, trên Thập giá, Người đã đóng đinh “tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (5:24). Chúng ta hiểu được rằng Thánh Tông đồ lòng tràn đầy đức tin như thế nào, sự mật thiết của ngài với Chúa Giêsu lớn đến mức nào. Và về một mặt, chúng ta biết đây là điều chúng ta đang thiếu, mặt khác, chứng tá của Thánh Tông đồ khuyến khích chúng ta tiến bộ trong đời sống tự do này. Người Kitô được tự do, phải được tự do, và được kêu gọi không quay lại trở thành nô lệ cho những giới luật và những điều kỳ lạ.

Trụ cột thứ hai của tự do là sự thật. Trong trường hợp này cũng vậy, cần phải nhớ rằng chân lý của đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, nhưng là thực tại của Đức Kitô hằng sống, Đấng chạm đến ý nghĩa hàng ngày và tổng thể của đời sống mỗi người. Không biết bao nhiêu người chưa từng đi học, những người thậm chí không biết đọc biết viết, nhưng họ lại hiểu thông điệp của Đức Kitô rất tốt, họ có sự tự do này khiến họ được tự do. Chính sự khôn ngoan của Đức Kitô đã đi vào trong họ qua Chúa Thánh Thần trong bí tích rửa tội. Chẳng hạn, chúng ta thấy biết bao người sống cuộc đời Chúa Kitô tốt hơn các nhà thần học vĩ đại, đưa ra chứng tá vĩ đại cho sự tự do của Tin mừng. Tự do tạo ra sự tự do tới mức độ nó biến đổi đời sống của một người và hướng nó đến những điều tốt lành. Vì vậy, để được tự do thực sự, chúng ta không những cần phải hiểu biết bản thân ở cấp độ tâm lý, nhưng trên hết thi hành sự thật trong chính chúng ta ở cấp độ sâu sắc hơn — và ở đó, trong tâm hồn chúng ta, hãy mở lòng đón nhận ân sủng của Đức Kitô. Sự thật phải quấy rầy chúng ta — chúng ta hãy quay lại với cụm từ đậm tính Kitô giáo: thao thức. Chúng ta biết rằng có những người Kitô hữu không bao giờ thao thức: đời sống của họ luôn giống nhau, không có động lực trong tâm hồn họ, họ thiếu sự thao thức. Tại sao? Bởi vì thao thức là một dấu chỉ cho thấy rằng Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong chúng ta và sự tự do là tự do tích cực, đến từ ơn của Chúa Thánh Thần. Đây là lý do tại sao cha nói rằng sự tự do phải quấy rầy chúng ta, nó phải liên tục chất vấn chúng ta, để chúng ta có thể luôn đắm mình sâu hơn vào con người thật của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta sẽ khám phá ra rằng hành trình của sự thật và tự do là một hành trình gian khổ kéo dài suốt đời. Bảo vệ được tự do là gian khổ, nó là một cuộc đấu tranh; nhưng không phải là không thể. Hãy can đảm, hãy tiến bộ về vấn đề này, điều đó sẽ tốt cho chúng ta. Và đó là một hành trình mà Tình yêu đến từ Thập giá hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta: Tình yêu tỏ lộ sự thật cho chúng ta và ban cho chúng ta tự do. Đây là con đường dẫn đến hạnh phúc. Tự do làm cho chúng ta được tự do, làm cho chúng ta được vui mừng, làm cho chúng ta hạnh phúc.


Lời chào bằng tiếng Anh

Cha gửi lời chào anh chị em hành hương và khách viếng thăm nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa tuôn đổ trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/10/2021]


Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị "Youth4Climate: Driving Ambition” do Ý xúc tiến

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị "Youth4Climate: Driving Ambition” do Ý xúc tiến

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội nghị "Youth4Climate: Driving Ambition” do Ý xúc tiến

[Milan, 29 tháng Chín, 2021]

____________________________


Các bạn trẻ thân mến,

Cha muốn cảm ơn các con vì những ước mơ và dự án tốt đẹp mà các con ấp ủ cũng như thực tế các con quan tâm đến những mối tương quan giữa con người và việc chăm sóc môi trường. Cảm ơn các con. Đó là một sự quan tâm tốt lành cho tất cả mọi người. Tầm nhìn này có khả năng khiến thế giới người lớn rơi vào khủng hoảng, vì nó cho thấy thực tế rằng các con không những chuẩn bị để hành động, mà còn mở lòng kiên nhẫn lắng nghe, đối thoại mang tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau.

Vì vậy, cha khuyến khích các con cùng hiệp sức thông qua một liên minh giáo dục mở rộng để rèn luyện các thế hệ vững vàng trong đức tính tốt đẹp, trưởng thành, có khả năng vượt qua sự chia rẽ và tái xây dựng kết cấu của các mối tương quan để chúng ta có thể đạt đến một nhân loại giàu tình huynh đệ hơn. Người ta nói rằng các con là tương lai, nhưng trong các vấn đề này thì các con là hiện tại, các con là những người đang xây dựng hôm nay, trong hiện tại, tương lai. Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu - được ra mắt vào năm 2019 - đi theo hướng này và tìm cách đưa ra những câu trả lời chung cho sự thay đổi lịch sử mà nhân loại đang trải qua, và đại dịch làm cho nó trở nên rõ ràng hơn. Các giải pháp kỹ thuật và chính trị là không đủ nếu chúng không được hỗ trợ bởi trách nhiệm của mỗi thành viên, và bởi một quá trình giáo dục thúc đẩy mô hình văn hóa phát triển và bền vững tập trung vào tình huynh đệ và sự liên minh giữa con người và môi trường. Phải có sự hài hòa giữa con người, nam giới và nữ giới, và môi trường. Chúng ta không phải là kẻ thù, chúng ta không thờ ơ. Chúng ta là một phần của sự hài hòa rộng lớn này.

Thông qua các ý tưởng và dự án chung, có thể tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng nghèo năng lượng, và đặt sự quan tâm đến ích chung vào trung tâm của các chính sách quốc gia và quốc tế, thúc đẩy sản xuất bền vững, nền kinh tế tuần hoàn, tích hợp các công nghệ thích hợp. Đã đến lúc phải đưa ra những quyết định sáng suốt để những kinh nghiệm đạt được trong những năm gần đây được trân trọng, để có thể hình thành một nền văn hóa quan tâm, một nền văn hóa chia sẻ có trách nhiệm.

Cha đồng hành cùng các con trên hành trình và khuyến khích các con tiếp tục công việc vì lợi ích của nhân loại. Xin Chúa chúc phúc cho tất cả các con! Cảm ơn các con.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/9/2021]