Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 12.11.2023: “Sự khác biệt giữa khôn ngoan và khờ dại nằm ở việc chăm sóc đời sống nội tâm”

“Sự khác biệt giữa khôn ngoan và khờ dại nằm ở việc chăm sóc đời sống nội tâm”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 12.11.2023: “Sự khác biệt giữa khôn ngoan và khờ dại nằm ở việc chăm sóc đời sống nội tâm”

*******

Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật tuần này, ngày 12 tháng 11 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng các tín hữu và khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của ngài trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_________________________________________

Trước Kinh Truyền tin


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Bài Tin Mừng hôm nay cung cấp cho chúng ta một câu chuyện liên quan đến ý nghĩa cuộc sống của mỗi người. Đó là dụ ngôn mười cô trinh nữ được mời đi đón chàng rể (x. Mt 25:1-13). Sống như thế này: là một cuộc chuẩn bị vĩ đại cho ngày chúng ta được gọi đến với Chúa Giêsu! Tuy nhiên, trong dụ ngôn mười cô trinh nữ, có năm cô khôn và năm cô dại. Chúng ta hãy xem điều gì tạo nên sự khôn ngoan và khờ dại. Sự khôn ngoan trong cuộc sống và sự khờ dại trong cuộc sống.

Tất cả những cô phù dâu đó đều có mặt để đón chàng rể, nghĩa là họ muốn gặp chàng, cũng như chúng ta mong muốn một cuộc sống viên mãn hạnh phúc: vì thế, sự khác biệt giữa khôn ngoan và khờ dại không nằm ở thiện ý. Nó cũng không nằm ở việc họ đến cuộc mặt đúng giờ: tất cả họ đều có mặt ở đó. Sự khác biệt giữa những cô khôn ngoan và những cô khờ dại là: sự chuẩn bị. Văn bản nói: những cô khôn thì “mang chai dầu theo” (câu 4); ngược lại những cô dại thì không. Đây là sự khác biệt: dầu. Và một trong những đặc tính của dầu là gì? Đó là không thể nhìn thấy nó: nó ở bên trong đèn, không dễ thấy, nhưng không có nó thì đèn không có ánh sáng.

Chúng ta hãy nhìn lại bản thân mình, và chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống của chúng ta cũng có nguy cơ tương tự: nhiều khi chúng ta rất cẩn thận về bề ngoài của mình – việc quan trọng là chăm sóc kỹ càng hình ảnh của mình, tạo ấn tượng tốt trước mặt người khác. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng sự khôn ngoan của cuộc sống nằm ở chỗ khác: đó là chăm sóc những gì không thể nhìn thấy được nhưng lại là điều quan trọng hơn, chăm sóc tâm hồn. Nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Điều này có nghĩa là biết cách dừng lại và lắng nghe tâm hồn mình, để canh chừng những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Đã bao nhiêu lần chúng ta không ý thức được những gì xảy ra trong lòng chúng ta ngày hôm đó? Điều gì xảy ra bên trong mỗi chúng ta? Khôn ngoan có nghĩa là biết tạo không gian cho sự thinh lặng, để có thể lắng nghe chính bản thân mình và người khác. Nó có nghĩa là biết cách từ bỏ một phần thời gian lướt màn hình điện thoại để nhìn vào ánh sáng trong đôi mắt người khác, trong tâm hồn mình, trong cái nhìn của Chúa dành cho chúng ta. Nó có nghĩa là không rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa hoạt động, nhưng dành thời gian cho Chúa, lắng nghe Lời Ngài.

Và Tin Mừng cho chúng ta lời khuyên xác đáng rằng đừng bỏ bê dầu của đời sống nội tâm, “dầu của tâm hồn”: Tin Mừng dạy chúng ta rằng điều quan trọng là phải chuẩn bị dầu. Và trong trình thuật, chúng ta thấy rằng các cô trinh nữ thật ra đã có đèn rồi, nhưng họ phải chuẩn bị dầu: họ phải đến người bán dầu, mua nó, đổ vào đèn… (x. câu 7-9). Đối với chúng ta cũng vậy: đời sống nội tâm không thể tùy cơ ứng biến được, nó không phải là chuyện nhất thời, chuyện thỉnh thoảng, hay chuyện làm một lần là xong; đời sống nội tâm phải được chuẩn bị bằng cách dành ra một ít thời gian mỗi ngày, một cách kiên trì, như người ta làm cho mọi việc quan trọng.

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi đang chuẩn bị những gì vào thời điểm này của cuộc đời? Tôi đang chuẩn bị những gì trong chính bản thân? Có lẽ tôi đang cố gắng dành dụm một số tiền tiết kiệm, tôi đang nghĩ đến một ngôi nhà hay một chiếc xe hơi mới, những kế hoạch cụ thể… Đó là những điều tốt; không phải là những điều xấu. Chúng là những điều tốt đẹp. Nhưng tôi có nghĩ đến việc dành thời gian để chăm sóc tâm hồn, cầu nguyện, phục vụ người khác, phục vụ Chúa là đích đến của cuộc đời không? Tóm lại, dầu của tâm hồn tôi như thế nào? Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi điều này: dầu của tâm hồn tôi như thế nào? Tôi có nuôi dưỡng nó không, tôi có giữ gìn nó chu đáo không?

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết quý trọng dầu của đời sống nội tâm.

________________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Trong vài tháng nay, Sudan đã trải qua một cuộc nội chiến không có dấu hiệu giảm bớt, và đang gây ra nhiều nạn nhân, hàng triệu người phải di tản trong nước và tị nạn ở các nước láng giềng, cũng như tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng. Tôi gần gũi với những đau khổ của người dân Sudan thân yêu và gửi lời kêu gọi tha thiết tới các nhà lãnh đạo địa phương hãy tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận viện trợ nhân đạo, và cùng với sự đóng góp của cộng đồng quốc tế, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Chúng ta đừng quên những anh chị em đang đau khổ này của chúng ta!

Và chúng ta mỗi ngày hãy hướng suy nghĩ về tình hình rất nghiêm trọng ở Israel và Palestine. Tôi gần gũi với tất cả những người đang đau khổ, người Palestine và người Israel. Tôi ôm lấy họ trong thời khắc đen tối này. Và tôi cầu nguyện cho họ thật nhiều. Cầu xin để vũ khí được dừng lại: vũ khí sẽ không bao giờ dẫn đến hòa bình, và cầu mong xung đột không lan rộng! Đủ rồi! Đủ rồi, thưa anh em! Hãy để những người bị thương được cứu ngay lập tức ở Gaza, hãy để những thường dân được bảo vệ, hãy để viện trợ nhân đạo đến được với những người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề đó. Mong rằng những con tin được giải phóng, kể cả người già và trẻ em. Mỗi người, người Kitô giáo, người Do Thái giáo, người Hồi giáo, thuộc bất kỳ dân tộc hay tôn giáo nào, mỗi con người đều thiêng liêng, quý giá trước mặt Thiên Chúa và có quyền sống trong hòa bình. Chúng ta không mất hy vọng: chúng ta hãy cầu nguyện và làm việc không mệt mỏi để ý thức nhân bản có thể chiến thắng sự cứng lòng.

Hai năm trước, Nền tảng hành động Laudato si’ đã được ra mắt. Tôi xin cảm ơn những người đã tham gia vào sáng kiến này và khuyến khích họ tiếp tục con đường chuyển đổi sinh thái. Về vấn đề này, chúng ta cầu nguyện cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu Dubai, COP28, sắp diễn ra.

Hôm nay Giáo hội Ý cử hành Ngày Lễ Tạ Ơn với chủ đề “Cách tiếp cận hợp tác để phát triển nông nghiệp”.

Cha chào thân ái tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ nước Ý và các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là các linh mục đến từ tổng giáo phận Szczecin-Kamień, Ba Lan, và các nhóm giáo xứ từ Augsburg, Zara, Poreč, Pola, Porto và Paris. Cha xin chào các thành viên của Cộng đoàn Sant’Egidio từ các quốc gia ở Châu Á và cha động viên anh chị em hãy dấn thân cho công cuộc truyền giáo và thăng tiến. Hãy dũng cảm tiến về phía trước! Và anh chị em cũng giúp xây dựng hòa bình.

Cha gửi lời chào các tín hữu ở Volargne, Ozieri và Cremona. Cha xin thân ái chào mừng chuyến hành hương của các tín hữu Ukraine và các tu huynh dòng Basilian – cha có thể nhìn thấy những lá cờ Ukraine ở đằng kia – từ nhiều quốc gia khác nhau tập trung để kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat. Cha cùng anh chị em cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước đang bị bao vây của anh chị em. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên Ukraine đang bị hành hạ, chúng ta đừng quên đất nước đó.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/11/2023]


Bài giảng lễ Bế mạc Đại hội đồng chung của Thượng Hội đồng Giám mục: “Tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta với cùng một tình yêu”

“Tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta với cùng một tình yêu”

Bế mạc Đại hội đồng chung của Thượng Hội đồng Giám mục

Bế mạc Đại hội đồng chung của Thượng Hội đồng Giám mục: “Tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta với cùng một tình yêu”

Vatican Media


*******

Vào lúc 10 giờ sáng nay (ND: 29/10), Chúa nhật 30 Thường niên, tại Vương cung Thánh đường Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh lễ kết thúc Phiên họp thứ nhất của Thượng hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ 16 ( 4-29 tháng 10 năm 2023) với chủ đề: “Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở những tham dự viên rằng cuộc cải cách vĩ đại nhất của Giáo hội là “thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương anh chị em của chúng ta với cùng một tình yêu” và yêu cầu họ luôn chiến đấu chống lại việc thờ ngẫu tượng: “Chúng ta hãy cảnh giác, kẻo chúng ta lại đặt mình vào trung tâm thay vì đặt Thiên Chúa vào trung tâm”.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha sau khi công bố Tin Mừng:

__________________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Một luật sĩ đến gặp Chúa Giêsu giả cách để thử Người. Tuy nhiên, câu hỏi ông ta đặt ra là một câu hỏi quan trọng và lâu dài, là câu hỏi đôi khi nổi lên trong tâm hồn chúng ta và trong đời sống của Giáo hội: “Điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22:36). Cả chúng ta nữa, khi đắm mình trong dòng chảy sống động của Truyền thống, có thể đặt câu hỏi: “Điều quan trọng nhất là gì? Đâu là động lực?” Điều gì quan trọng đến mức trở thành nguyên tắc chỉ đạo của mọi thứ? Câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:37-39).

Thưa các huynh đệ Hồng y, Giám mục và linh mục, các tu sĩ nam nữ thân mến, thưa anh chị em, khi kết thúc giai đoạn này của cuộc hành trình, điều quan trọng là phải nhìn vào “nguyên tắc và nền tảng” từ đó mọi sự bắt đầu trở lại: với tình yêu thương. Mến Chúa với trọn vẹn cuộc đời và yêu người lân cận như chính mình. Không phải là những chiến lược của chúng ta, những toan tính của con người, những đường lối của thế gian, nhưng là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân: đó là trung tâm của mọi sự. Và làm cách nào để chúng ta có thể truyền tải động lực yêu thương này? Tôi xin đề nghị hai động từ, hai chuyển động của con tim mà tôi muốn suy ngẫm: tôn thờ và phục vụ. Chúng ta yêu mến Thiên Chúa qua việc tôn thờ và phục vụ.

Động từ đầu tiên, tôn thờ. Yêu mến là tôn thờ. Tôn thờ là phản ứng trước tiên chúng ta dâng lên để đáp lại tình yêu nhưng không và đầy kinh ngạc của Thiên Chúa. Sự kinh ngạc của việc tôn thờ, sự kỳ diệu của việc thờ phượng, là điểm trọng yếu trong đời sống Giáo hội, đặc biệt trong thời đại chúng ta, khi chúng ta đã từ bỏ việc tôn thờ. Tôn thờ Thiên Chúa có nghĩa là thừa nhận trong đức tin rằng chỉ mình Người là Chúa, và cuộc sống cá nhân của chúng ta, con đường lữ hành của Giáo hội và kết quả cuối cùng của lịch sử, tất cả đều phụ thuộc vào tình yêu dịu dàng của Người. Chúa mang đến ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.

Khi thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta được tự do. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh thường xuyên liên kết tình yêu Chúa với cuộc chiến đấu chống lại mọi hình thức sùng bái ngẫu tượng. Người thờ phượng Thiên Chúa thì loại bỏ ngẫu tượng vì Thiên Chúa giải phóng còn ngẫu tượng bắt làm nô lệ. Các ngẫu tượng lừa dối chúng ta và không bao giờ thực hiện được những gì chúng hứa hẹn, bởi vì chúng là “do tay người chế tạo thành” (Tv 115:4). Kinh Thánh không thì cứng rắn với việc thờ ngẫu tượng, bởi vì các ngẫu tượng được con người tạo ra và thao túng, trong khi Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống, thì hiện diện và siêu việt; Người “không phải như những gì tôi tưởng tượng về Người, Người không phụ thuộc vào những gì tôi mong đợi ở Người và do đó có thể làm đảo lộn những kỳ vọng của tôi, chính vì Người hằng sống. Sự thật của việc chúng ta không luôn luôn có quan niệm đúng về Thiên Chúa làm chúng ta đôi khi thất vọng: Chúng ta nghĩ: ‘Tôi mong chờ một điều, tôi hình dung rằng Chúa sẽ xử sự như thế này, nhưng thay vào đó tôi đã lầm’. Nhưng theo cách này, chúng ta quay trở lại con đường thờ ngẫu tượng, muốn Chúa hành động theo hình ảnh mà chúng ta có về Ngài” (C.M. Martini, I grandi della Bibbia. Esercizi Spirituali con l'Antico Testamento, Florence, 2022, 826 -827). Chúng ta luôn có nguy cơ nghĩ rằng chúng ta có thể “kiểm soát Thiên Chúa”, rằng chúng ta có thể giới hạn tình yêu của Ngài theo chương trình riêng của chúng ta. Ngược lại, cách Người hành động luôn không thể đoán trước được, nó vượt quá suy nghĩ của chúng ta, và do đó, đường lối hành động của Thiên Chúa đòi hỏi sự kinh ngạc và tôn thờ. Kinh ngạc là vô cùng quan trọng!

Chúng ta phải liên tục chiến đấu chống lại mọi hình thức sùng bái ngẫu tượng; không chỉ là những thứ thuộc thế gian, thường xuất phát từ thói kiêu ngạo, chẳng hạn như thèm khát thành công, ích kỷ, tham lam tiền bạc – chúng ta đừng quên rằng ma quỷ xâm nhập “qua túi quần áo”, những cạm bẫy của tính tham danh vọng; nhưng kể cả những kiểu thờ ngẫu tượng được ngụy trang dưới hình thức linh đạo – linh đạo của riêng tôi: những ý tưởng tôn giáo của riêng tôi, những kỹ năng mục vụ của riêng tôi… Chúng ta hãy cảnh giác, kẻo chúng ta lại đặt mình vào trung tâm hơn là đặt Chúa vào trung tâm. Và chúng ta hãy trở lại với việc tôn thờ. Mong rằng việc tôn thờ là trung tâm đối với những người mục tử chúng ta: chúng ta hãy dành thời gian mật thiết mỗi ngày với Chúa Giêsu vị Mục tử Nhân lành, tôn thờ Người trong Nhà tạm. Mong rằng Giáo hội tôn thờ: trong mỗi giáo phận, trong mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, chúng ta hãy tôn thờ Chúa! Chỉ bằng cách này chúng ta mới hướng về Chúa Giêsu mà không hướng về bản thân. Vì chỉ qua việc thinh lặng tôn thờ, Lời Chúa mới sống trong lời của chúng ta; chỉ trước sự hiện diện của Người, chúng ta mới được thanh tẩy, biến đổi và đổi mới bởi ngọn lửa Thần Khí của Người. Thưa anh chị em, chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu!

Động từ thứ hai là phục vụ. Yêu thương là phục vụ. Trong điều răn trọng, Chúa Kitô kết nối Thiên Chúa và tha nhân với nhau để cả hai không bao giờ bị tách rời. Không thể có kinh nghiệm tôn giáo thực sự khi trở nên điếc trước tiếng kêu khóc của thế giới. Không có lòng yêu mến Thiên Chúa nếu không biết quan tâm và chăm sóc người lân cận; bằng không, chúng ta có nguy cơ trở thành người giả hình. Chúng ta có thể có rất nhiều ý tưởng tốt đẹp về việc cải tổ Giáo hội, nhưng chúng ta hãy nhớ: tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em chúng ta bằng tình yêu của Người, đó là cuộc cải cách vĩ đại và tồn tại mãi mãi. Trở thành một Giáo hội tôn thờ và một Giáo hội phục vụ, rửa chân cho nhân loại bị thương tổn, đồng hành với những người dễ bị tổn thương, người yếu đuối và bị gạt sang bên lề, ra đi trong yêu thương để gặp gỡ người nghèo. Chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Thiên Chúa truyền đạt điều này như thế nào.

Thưa anh chị em, tôi nghĩ đến các nạn nhân của sự tàn bạo của chiến tranh; những đau khổ của người di cư, nỗi đau âm thầm của những người sống một mình và trong cảnh túng thiếu; những người bị đè bẹp bởi gánh nặng cuộc sống; những người không còn nước mắt để rơi, những người không có tiếng nói. Và tôi cũng nghĩ đến việc con người thường bị bóc lột đằng sau những lời nói hoa mỹ và những lời hứa hấp dẫn đó, hoặc chẳng có việc gì được thực hiện để ngăn chặn điều đó xảy ra. Đó là một trọng tội khi bóc lột những người dễ bị tổn thương, một trọng tội khi làm xói mòn tình huynh đệ và tàn phá xã hội. Là người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta khát khao mang đến cho thế giới một loại men khác, đó là men Tin Mừng. Đặt Thiên Chúa ở vị trí đầu tiên và cùng với Người là những người được Ngài đặc biệt yêu thương: người nghèo khổ và người yếu đuối.

Thưa anh chị em, đây chính là Giáo Hội mà chúng ta được mời gọi “ước mơ”: một Giáo Hội phục vụ mọi người, phục vụ những người hèn mọn nhất trong anh chị em của chúng ta. Một Giáo hội không bao giờ đòi hỏi chứng nhận “hành vi tốt”, nhưng luôn chào đón, phục vụ, yêu thương và tha thứ. Một Giáo Hội với những cánh cửa rộng mở là bến đỗ của lòng thương xót. Thánh John Chrysostom nói: “Người có lòng thương xót là bến đỗ cho những người đang cần giúp đỡ; và là bến cảng tiếp nhận tất cả những người bị đắm tàu, và giải thoát họ khỏi hiểm nguy, dù họ là người xấu hay người tốt; bất kể họ là loại người nào đang gặp nguy hiểm, bến cảng đó sẽ tiếp nhận họ vào nơi trú ẩn. Anh chị em cũng vậy, khi anh chị em nhìn thấy một người bị đắm tàu trên mặt đất vì túng thiếu, đừng ngồi đó phán xét anh ta, cũng đừng yêu cầu giải thích, mà hãy xoa dịu nỗi đau khổ của anh ta. (In pauperem Lazarum, II, 5).

Thưa anh chị em, Đại hội đồng Thượng Hội đồng đã kết thúc. Trong “cuộc đối thoại của Thần Khí” này, chúng ta đã cảm nghiệm được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa và khám phá ra vẻ đẹp của tình huynh đệ. Chúng ta đã lắng nghe nhau và trên hết, trong những nền tảng và những mối quan tâm đa dạng khác nhau, chúng ta đã lắng nghe Chúa Thánh Thần. Hôm nay chúng ta chưa nhìn thấy thành quả trọn vẹn của tiến trình này, nhưng với tầm nhìn xa, chúng ta hướng về chân trời mở ra trước mắt chúng ta. Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta trở thành một Giáo hội hiệp hành và sứ vụ hơn, một Giáo hội tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ con người trong thời đại chúng ta, tiến bước để mang đến cho mọi người niềm vui an ủi của Tin Mừng.

Thưa anh chị em, tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đã làm trong Thượng Hội đồng và vì tất cả những gì anh chị em tiếp tục làm. Cảm ơn vì hành trình chúng ta đã cùng nhau thực hiện, vì sự lắng nghe và đối thoại của anh chị em. Để bày tỏ lòng biết ơn, tôi cũng xin dâng lời cầu nguyện cho tất cả chúng ta: xin cho chúng ta phát triển trong việc tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Tôn thờ và phục vụ. Xin Chúa đồng hành cùng chúng ta. Chúng ta hãy tiến về phía trước với niềm vui!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/10/2023]