Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ PHỤC SINH 2022

SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ PHỤC SINH 2022

SỨ ĐIỆP URBI ET ORBI
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

PHỤC SINH 2022

Ban công chính điện Vương cung Thánh đường Vatican

Lễ Phục sinh, 17 tháng Tư, 2022

*****

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Phục sinh hạnh phúc!

Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại! Ngài đứng giữa những người đang khóc thương Ngài, nhốt mình sau những cánh cửa đóng kín và vô cùng hãi sợ và đau khổ. Ngài đến với họ và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Ngài cho xem những vết thương ở tay và chân, và vết thương ở cạnh sườn Ngài. Ngài không phải là ma; đó thật sự là Chúa Giêsu, chính là Giêsu đã chết trên thập tự giá và được đặt trong mồ. Trước con mắt hoài nghi của các môn đệ, Ngài lặp lại: “Bình an cho anh anh em!” (câu 21).

Đôi mắt của chúng ta cũng đang hoài nghi về lễ Phục sinh của cuộc chiến tranh này. Chúng ta đã thấy quá nhiều máu, quá nhiều bạo lực. Tâm hồn chúng ta cũng đã vô cùng sợ hãi và đau khổ, vì rất nhiều anh chị em của chúng ta đã phải nhốt mình lại để được an toàn tránh bom đạn. Chúng ta phải chiến đấu với bản thân để tin rằng Chúa Giêsu đã thực sự sống lại, rằng Người đã thật sự chiến thắng sự chết. Có thể đó là một ảo ảnh chăng? Là một điều trong trí tưởng tượng của chúng ta?

Không, nó không phải là ảo ảnh! Hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta nghe thấy âm vang lời loan báo Phục sinh vô cùng thân thương với Kitô giáo Đông phương: “Đức Kitô đã sống lại! Người đã sống lại thật rồi!” Ngày nay, chúng ta cần Người hơn bao giờ hết, vào thời điểm cuối Mùa Chay tưởng như kéo dài vô tận. Chúng ta đã vượt lên sau hai năm đại dịch gây bao thiệt hại vô cùng nặng nề. Đã đến lúc cùng nhau thoát ra khỏi đường hầm, cùng chung tay góp sức và nguồn lực của mình ... Thay vào đó, chúng ta đang chứng tỏ rằng chúng ta chưa có trong mình tinh thần của Chúa Giêsu mà là tinh thần của Cain nhìn Aben không phải là em, nhưng là đối thủ, và nghĩ cách loại bỏ người em. Chúng ta cần Chúa bị đóng đinh và phục sinh để chúng ta có thể tin tưởng vào sự chiến thắng của tình yêu, và hy vọng vào sự hòa giải. Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta cần có Ngài đứng giữa chúng ta và lặp lại với chúng ta: “Bình an cho anh anh em!”

Chỉ có Người mới làm được điều đó. Hôm nay, chỉ mình Người mới có quyền nói với chúng ta về hòa bình. Chỉ một mình Chúa Giêsu, vì Người đã mang những vết thương… những vết thương của chúng ta. Những vết thương của Người thực sự là của chúng ta, vì hai lý do. Chúng là những vết thương của chúng ta vì chúng ta đã gây ra cho Người bởi tội lỗi của chúng ta, bởi sự cứng lòng của chúng ta, bởi sự thù hận anh em của chúng ta. Chúng cũng là những vết thương của chúng ta vì Ngài đã mang lấy chúng vì lợi ích của chúng ta; Người không xóa bỏ chúng khỏi thân thể vinh quang của Ngài; Ngài chọn giữ lại chúng mãi mãi. Chúng là dấu ấn không thể xóa nhòa của tình yêu Ngài dành cho chúng ta, một hành động chuyển cầu vĩnh viễn, để Chúa Cha trên trời khi nhìn thấy những vết thương đó sẽ rủ lòng thương xót chúng ta và toàn thế giới. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu phục sinh là dấu chỉ của trận chiến mà Người đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, đã chiến thắng bằng vũ khí tình yêu, để chúng ta có được hòa bình và được bình an.

Khi chúng ta chiêm ngắm những vết thương vinh thắng đó, đôi mắt hoài nghi của chúng ta rộng mở; tâm hồn chai đá của chúng ta mở ra và chúng ta chào đón thông điệp Phục sinh: “Bình an cho änh em!”

Thưa anh chị em, chúng ta hãy cho phép sự bình an của Chúa Kitô đi vào trong cuộc sống, vào trong gia đình, vào trong đất nước của chúng ta!

Cầu mong có hòa bình cho đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, bị thử thách nặng nề bởi bạo lực và sự phá hủy của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa mà đất nước đã bị cuốn vào. Trong đêm đau khổ và chết chóc khủng khiếp này, cầu mong một buổi bình minh mới của hy vọng sẽ sớm xuất hiện! Hãy có một quyết định cho hòa bình. Cầu mong chấm dứt tình trạng phô trương cơ bắp trong lúc người dân đang đau khổ. Xin làm ơn, làm ơn, chúng ta đừng trở nên quen với chiến tranh! Tất cả chúng ta hãy cam kết cầu xin hòa bình, từ những ban công và trên đường phố của chúng ta! Hòa bình! Cầu mong các nhà lãnh đạo của các quốc gia nghe thấy lời cầu xin hòa bình của mọi người. Cầu mong họ lắng nghe câu hỏi đầy bất an được các nhà khoa học đặt ra cách đây gần 70 năm: “Chúng ta sẽ đặt dấu chấm hết cho loài người, hay loài người sẽ từ bỏ chiến tranh?” (Tuyên ngôn Russell-Einstein, ngày 9 tháng Bảy năm 1955).

Tôi ôm lấy trong lòng tất cả những nạn nhân Ukraine, hàng triệu người tị nạn và những người phải di tản trong nước, những gia đình bị ly tán, những người già bị bỏ mặc một mình, những cuộc đời tan vỡ và những thành phố tan hoang bình địa. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của những đứa trẻ mồ côi chạy trốn chiến tranh. Khi nhìn vào các bé, chúng ta không thể không nghe thấy tiếng kêu khóc đau đớn của chúng, cùng với tiếng khóc đau đớn của tất cả những đứa trẻ khác đang phải chịu đựng trên khắp thế giới: những đứa trẻ đang chết vì đói hoặc không được chăm sóc y tế, những đứa trẻ là nạn nhân của sự lạm dụng và bạo lực, và những đứa trẻ bị khước từ quyền được sinh ra.

Giữa nỗi đau của chiến tranh, cũng có những dấu hiệu khích lệ, chẳng hạn như cánh cửa rộng mở của tất cả các gia đình và cộng đồng đang chào đón những người di cư và tị nạn trên khắp Châu Âu. Ước mong rằng rất nhiều những hành động bác ái này trở thành một phúc lành cho xã hội của chúng ta, có những lúc bị suy yếu bởi tính ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân, và giúp các xã hội chào đón tất cả mọi người.

Cầu mong cuộc xung đột ở Châu Âu cũng làm cho chúng ta quan tâm hơn đến những tình hình xung đột, đau khổ và buồn phiền khác, những tình hình ảnh hưởng đến rất nhiều khu vực trên thế giới, những tình hình mà chúng ta không thể bỏ qua và không thể quên.

Nguyện cầu hòa bình cho Trung Đông, bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột và chia rẽ. Vào ngày vinh thắng này, chúng ta hãy cầu xin hòa bình cho Giêrusalem và bình an cho tất cả những ai yêu mến thành đô (xem Tv 121 [122]), Người Kitô giáo, người Do Thái và người Hồi giáo. Cầu mong cho người Israel, người Palestine và tất cả những người sống trong Thành Thánh, cùng với những người hành hương, cảm nhận được vẻ đẹp của hòa bình, sống trong tình huynh đệ và được tự do lui tới các Thánh địa trong sự tôn trọng lẫn nhau đối với quyền của mỗi người.

Nguyện cầu hòa bình và hòa giải cho các dân tộc Li Băng, Syria và Iraq, và đặc biệt là cho tất cả các cộng đồng Kitô giáo ở Trung Đông.

Nguyện cầu hòa bình cho Libya, để đất nước có thể tìm lại sự ổn định sau nhiều năm căng thẳng, và cho Yemen, quốc gia đang gánh chịu cuộc xung đột và bị lãng quên và liên tục gây ra các nạn nhân: ước mong thỏa thuận ngừng bắn được ký kết trong những ngày gần đây có thể khôi phục lại hy vọng cho người dân của họ.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Phục sinh ban ơn hòa giải cho Myanmar, nơi một viễn cảnh của hận thù và bạo lực vẫn tồn tại, và cho Afghanistan, nơi những căng thẳng xã hội đầy nguy hiểm vẫn chưa lắng dịu và một cuộc khủng hoảng nhân đạo bi thảm mang đến nhiều đau khổ cho người dân.

Nguyện cầu hòa bình cho toàn bộ lục địa Châu Phi, để sự bóc lột mà nó phải gánh chịu và sự đổ máu do các cuộc tấn công khủng bố – đặc biệt là ở vùng Sahel – có thể chấm dứt, và có thể tìm thấy sự ủng hộ cụ thể trong tình huynh đệ của các dân tộc. Ước mong con đường đối thoại và hòa giải được thực hiện một lần nữa ở Ethiopia, nơi bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, và cầu mong chấm dứt bạo lực ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Cầu mong rằng không thiếu những lời cầu nguyện và tình đoàn kết cho người dân ở miền đông Nam Phi bị lũ lụt tàn phá nặng nề.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành và hỗ trợ người dân Châu Mỹ Latinh, trong một số trường hợp đã chứng kiến tình cảnh xã hội của họ xấu đi trong thời kỳ khó khăn của đại dịch, và còn trở nên nặng nề hơn bởi các trường hợp tội phạm, bạo lực, tham nhũng và buôn bán ma túy.

Chúng ta hãy xin Chúa Phục sinh đồng hành với hành trình hòa giải mà Giáo hội Công giáo tại Canada đang thực hiện với các dân tộc bản địa. Xin Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh chữa lành những vết thương của quá khứ và khơi mở những tâm hồn để tìm kiếm sự thật và tình huynh đệ.

Anh chị em thân mến, mỗi cuộc chiến đều mang đến những hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến toàn thể gia đình nhân loại: từ đau thương và tang tóc cho đến thảm kịch của những người tị nạn, khủng hoảng kinh tế và lương thực, những dấu hiệu mà chúng ta đã nhìn thấy. Đứng trước những dấu hiệu tiếp tục của cuộc chiến tranh, cũng như nhiều bước đi lùi đau đớn đối với sự sống, Chúa Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết, dạy chúng ta không đầu hàng cái ác và bạo lực. Thưa anh chị em, nguyện cầu chúng ta được sự bình an của Đức Kitô chiến thắng! Hòa bình là có thể; hòa bình là một bổn phận; hòa bình là trách nhiệm chính của mọi người!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/4/2022]


THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU - BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU - BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

THÁNH LỄ TRUYỀN DẦU

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Vương cung Thánh đường Vatican

Thứ Năm Tuần Thánh, 14 tháng Tư, 2022

*****

Trong bài đọc sách Tiên tri Isaia mà chúng ta đã nghe, Chúa đưa ra một lời hứa đầy hy vọng, một lời hứa liên quan trực tiếp đến chúng ta: “Còn anh em, anh em sẽ được gọi là ‘tư tế của Đức Chúa’, người ta sẽ gọi anh em là ‘người phụng sự Thiên Chúa chúng ta.’’ … Ta sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng cho các ngươi, và sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu” (61: 6,8). Anh em thân mến, là linh mục là một ân sủng, một ân sủng trọng đại, nhưng trước hết nó không phải là ân sủng cho chúng ta, nhưng cho dân tộc chúng ta. [1] Việc Chúa chọn trong số đoàn chiên của Ngài một số người hiến mình cách riêng để chăm sóc đoàn chiên trong vai trò là những người cha và người mục tử là một món quà tuyệt vời cho dân tộc chúng ta. Chính Chúa trả lương cho các linh mục: “Ta sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng cho các ngươi” (Is 61: 8). Và, như chúng ta đều biết, Ngài là một người trả lương hậu hĩ, cho dù Ngài có cách làm việc cụ thể của riêng mình, chẳng hạn như trả những người sau rốt trước những người đầu tiên: đây là cách của Ngài.

Bài đọc từ Sách Khải Huyền cho chúng ta biết phần thưởng của Chúa là gì. Đó là tình yêu của Người và sự tha thứ vô điều kiện cho những tội lỗi của chúng ta với giá máu của Người đã đổ trên Thánh Giá: “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (1:5-6). Không có phần thưởng nào lớn lao hơn tình bạn với Chúa Giêsu, xin đừng quên điều này. Không có sự bình an nào lớn lao hơn sự tha thứ của Ngài, và tất cả chúng ta đều biết điều đó. Không có giá nào cao quý hơn Máu cực trọng của Ngài, và chúng ta không được phép làm mất giá trị của Máu Ngài bởi những hành vi bất xứng.

Thưa anh em linh mục, nếu chúng ta suy nghĩ về điều đó, Chúa đang mời gọi chúng ta hãy trung thành với Người, trung thành với giao ước của Người, và để cho chúng ta được Người yêu thương và tha thứ. Đó là những lời mời gọi gửi đến chúng ta, để từ đó chúng ta có thể phục vụ dân Chúa thánh thiện và trung thành với lương tâm trong sáng. Dân của chúng ta xứng đáng với điều này và họ cần nó. Tin Mừng Thánh Luca cho chúng ta biết rằng sau khi Chúa Giêsu đọc đoạn sách của tiên tri Isaia trước những người dân trong làng và ngồi xuống, “Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người” (4:20). Hôm nay, Sách Khải Huyền cũng nói với chúng ta về đôi mắt chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu. Nó nói lên sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của Chúa bị đóng đinh và phục sinh, khiến chúng ta nhận biết và tôn thờ Người: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! A-men!” (1:7). Ân sủng tối thượng, khi Chúa Phục sinh trở lại, sẽ là ân sủng được nhận biết ngay lập tức. Chúng ta sẽ nhìn thấy Người và những vết thương của Người. Chúng ta sẽ nhận ra Người là ai, và chúng ta là ai, là những tội nhân đáng thương.

“Chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu” là một ân sủng mà người linh mục chúng ta cần phải tu dưỡng. Vào cuối ngày, chúng ta thật chăm chú nhìn lên Chúa, và để Ngài nhìn vào tâm hồn chúng ta và tâm hồn của tất cả những người chúng ta đã gặp. Không phải như cách giải trình tội của chúng ta, nhưng như một hành động chiêm ngắm đầy yêu thương, qua đó chúng ta duyệt xét lại ngày của mình bằng con mắt của Chúa Giêsu, nhìn thấy những ân sủng và ơn trong ngày, và cảm tạ tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Nhưng cũng phải đặt trước mặt Người những cám dỗ của chúng ta, để nhận biết chúng và chối bỏ chúng. Như chúng ta có thể thấy, điều này đòi phải biết được điều gì làm đẹp lòng Chúa và điều gì Ngài đang yêu cầu nơi chúng ta ở đây và ngay bây giờ, vào thời điểm này trong cuộc sống của chúng ta.

Và có lẽ, nếu chúng tôi gặp được ánh mắt nhân từ của Ngài, Ngài cũng sẽ giúp chúng ta chỉ cho Người thấy những ngẫu tượng của mình. Những ngẫu tượng mà chúng ta giấu dưới những nếp gấp của chiếc áo choàng của chúng ta như bà Rakhen (xem St 31:34-35). Cho phép Chúa nhìn thấy những ngẫu tượng ẩn giấu đó - tất cả chúng ta đều có; tất cả chúng ta! - và để tăng sức mạnh cho chúng ta chống lại chúng và lấy đi sức mạnh của chúng.

Cái nhìn của Chúa khiến chúng ta nhìn thấy rằng, qua những ngẫu tượng đó chúng ta đang tự tôn vinh bản thân [2], vì ở đó, trong những không gian mà chúng ta coi là dành riêng cho chúng ta, ma quỷ lén lút xâm nhập bằng chất độc của hắn. Hắn không những làm chúng ta tự mãn, trao tự do phóng túng cho một đam mê này hoặc nuôi dưỡng đam mê khác, mà còn dẫn dắt chúng ta thay thế sự hiện diện của các Ngôi vị Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Thần Khí ngự trong chúng ta bằng các ngẫu tượng đó. Điều này xảy ra. Cho dù chúng ta có thể tự nhủ rằng chúng ta biết rất rõ sự khác biệt giữa Thiên Chúa và một ngẫu tượng, nhưng trên thực tế, chúng ta lấy đi không gian của Chúa Ba Ngôi để nhường không gian đó cho ma quỷ, theo kiểu thờ phượng lệch lạc.

Sự thờ phượng của một người âm thầm nhưng không ngừng lắng nghe lời nói của hắn và ngấu nghiến những sản phẩm của hắn, để cuối cùng không còn một góc nhỏ nào dành cho Thiên Chúa. Ma quỷ là như vậy, hắn làm việc âm thầm và từ từ. Trong một bối cảnh khác, tôi đã nói về những con quỷ “có học thức”, những con quỷ mà Chúa Giêsu đã nói còn tệ hơn con quỷ bị đuổi đi. Chúng “lịch sự”, chúng bấm chuông, chúng bước vào và dần dần chiếm lấy ngôi nhà. Chúng ta phải cẩn thận, đây là những ngẫu tượng của chúng ta.

Có một điều về những ngẫu tượng mang tính cá nhân. Khi chúng ta không vạch mặt chúng, khi chúng ta không để cho Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang tìm kiếm chính mình cách sai trái và không cần thiết nơi chúng, chúng ta nhường không gian cho ma quỷ. Chúng ta cần nhớ rằng ma quỷ đòi hỏi chúng ta phải làm theo ý muốn của nó và chúng ta phải phục vụ nó, nhưng hắn không luôn luôn đòi chúng ta phải phục vụ và tôn thờ hắn liên tục; nhưng hãy cẩn thận, hắn là một nhà ngoại giao rất giỏi. Thỉnh thoảng nhận được sự thờ phượng của chúng ta cũng là đủ với hắn để chứng minh rằng hắn là chủ nhân thực sự của chúng ta và hắn có thể cảm thấy như một vị thần trong cuộc sống và trong trái tim của chúng ta.

Trong Thánh lễ Truyền Dầu này, tôi muốn chia sẻ với anh em ba không gian của việc sùng bái ngẫu tượng ẩn giấu, trong đó ma quỷ sử dụng các ngẫu tượng của chúng ta để từng chút từng chút làm suy yếu ơn gọi mục tử trong chúng ta, tách chúng ta ra khỏi sự hiện diện đầy nhân từ và yêu thương của Chúa Giêsu, Thần Khí và Chúa Cha.

Một không gian của việc sùng bái ngẫu tượng ẩn giấumở ra ở bất cứ nơi nào có tính thế tục tâm linh, đó là “một đề xuất về cuộc sống, về văn hóa, một văn hóa mang tính phù du, hình thức, tô điểm”. [3] Tiêu chí của nó là thái độ đắc thắng, một thái độ đắc thắng không có thập tự giá. Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha xin Người bảo vệ chúng ta chống lại văn hóa thế tục này. Sự cám dỗ về vinh quang không có thập tự giá này trái ngược với chính Chúa, nó đi ngược lại với Chúa Giêsu, Đấng đã hạ mình khi nhập thể, và như một dấu chỉ của sự mâu thuẫn, là phương thuốc duy nhất của chúng ta chống lại mọi ngẫu tượng. Cùng trở nên nghèo với Đức Kitô là Đấng nghèo khó và “đã chọn trở nên nghèo khó”: đây là cách suy nghĩ của Tình yêu; không có gì khác. Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy cách Chúa chọn một hội đường đơn sơ trong ngôi làng nhỏ bé, nơi Người đã trải qua phần lớn cuộc đời mình, để công bố cùng một thông điệp mà Người sẽ công bố vào thời kỳ sau hết, khi Người đến trong vinh quang, với các thiên thần vây quanh. Đôi mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn vào Đức Kitô, vào thực tại cụ thể của lịch sử của Ngài với tôi, bây giờ, ngay cả mai sau. Thái độ theo thế gian tìm kiếm vinh quang cho riêng mình cướp đi sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường và bị sỉ nhục, Chúa đến gần mọi người, Chúa Kitô chịu đau khổ với tất cả những ai đau khổ, Đấng được dân chúng ta tôn thờ, Đấng biết ai là bạn thật của Ngài. Một linh mục theo thế gian chẳng khác gì một người ngoại giáo khoác áo giáo sĩ.

Một không gian thứ hai của sự sùng bái ngẫu tượng ẩn giấu mở ra với chủ nghĩa thực dụng, nơi những con số trở thành điều quan trọng nhất. Có thể nhận biết những người yêu mến ngẫu tượng ẩn giấu này qua cách họ yêu các số liệu thống kê, những con số có thể làm mất căn tính mọi cuộc thảo luận và xem số đông như là tiêu chuẩn cuối cùng để phân định; điều này không tốt. Đây không thể là phương pháp duy nhất hoặc là tiêu chuẩn cho Giáo hội của Đấng Kitô. Nhân vị không thể được “đánh số”, và Thiên Chúa không “đo lường” món quà Thần Khí của Người (x. Ga 3:34). Với đam mê và yêu những con số, chúng ta thực sự đang tìm kiếm chính bản thân mình, hài lòng với việc kiểm soát theo cách suy nghĩ này, không quan tâm đến những khuôn mặt cá nhân và xa rời tình yêu. Một đặc điểm của các vị đại thánh là các ngài biết cách lùi lại để hoàn toàn dành chỗ cho Chúa. Sự lùi bước này, quên đi bản thân và muốn được mọi người khác quên đi, là dấu ấn của Thần Khí, Đấng theo một nghĩa nào đó là “không có dung mạo”, - Thần Khí “không có dung mạo” - đơn giản bởi vì Người hoàn toàn là Tình yêu, soi chiếu hình ảnh của Chúa Con, và hình ảnh của Chúa Cha trong Người. Việc sùng bái ngẫu tượng các con số cố gắng thay thế ngôi vị Chúa Thánh Thần là Đấng thích giấu kín - bởi vì Người là “không có dung mạo” - cố gắng làm cho mọi thứ trở nên “rõ ràng”, mặc dù theo một cách trừu tượng và thu hẹp thành các con số, không có sự nhập thế thực sự.

Không gian thứ ba của việc thờ ngẫu tượng tiềm ẩn liên quan đến không gian thứ hai, xuất phát từ chủ nghĩa hiệu dụng. Điều này có thể rất hấp dẫn; nhiều người “nhiệt thành về bản đồ chỉ đường hơn là chính con đường”. Lối suy nghĩ của người theo chủ nghĩa hiệu dụng ít quan tâm đến mầu nhiệm; chỉ nhắm tới hiệu quả. Dần dần, ngẫu tượng này thay thế sự hiện diện của Chúa Cha trong chúng ta. Ngẫu tượng thứ nhất thay thế sự hiện diện của Chúa Con, ngẫu tượng thứ hai thay thế Thần Khí, và ngẫu tượng thứ ba thay thế sự hiện diện của Chúa Cha. Chúa Cha là Đấng Tạo hóa, nhưng không chỉ là người sáng tạo làm cho mọi thứ “thực hiện chức năng”. Người “tạo dựng” chúng ta, là Cha của chúng ta, với tình yêu thương dịu dàng, chăm sóc cho các loài thụ tạo của mình và làm việc để làm cho con người được tự do hơn bao giờ hết. “Những công chức” không lấy làm vui mừng trước những ân sủng mà Thần Khí rót đổ cho dân Người, từ đó họ cũng có thể “được nuôi dưỡng” giống như người lao động được hưởng lương của họ. Người linh mục với tư duy theo chủ nghĩa hiệu dụng có sự nuôi dưỡng riêng, đó là bản ngã của mình. Theo chủ nghĩa chức năng, chúng ta bỏ qua việc thờ phượng Thiên Chúa trong những việc nhỏ và lớn của đời sống chúng ta và thích thú với hiệu quả của các chương trình của chúng ta. Như Vua Đavít đã làm khi bị Satan cám dỗ, ông nhất quyết thực hiện cuộc điều tra dân số (xem 1 Sb 21:1). Đây là những người yêu thích kế hoạch lộ trình và hành trình, chứ không phải chính hành trình.

Trong hai không gian sau của việc thờ ngẫu tượng ẩn giấu (chủ nghĩa thực dụng của các con số và chủ nghĩa chức năng), chúng ta thay thế niềm hy vọng là không gian dành cho sự gặp gỡ với Thiên Chúa bằng các kết quả thực nghiệm. Việc này cho thấy thái độ kiêu căng về phía người mục tử, một thái độ làm yếu kém sự kết hiệp của người dân với Thiên Chúa và tạo ra một ngẫu tượng mới dựa trên các con số và chương trình: ngẫu tượng của “tài năng của tôi, tài năng của chúng tôi”, [4] các chương trình của chúng ta, những số lượng và kế hoạch mục vụ của chúng ta. Che giấu những ngẫu tượng này (như bà Rakhen đã làm), và không biết cách lật mặt chúng ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, sẽ làm giảm lòng trung thành của chúng ta với giao ước tư tế và làm cho mối tương quan cá nhân của chúng ta với Thiên Chúa trở nên hờ hững. Nhưng vị Giám mục này muốn điều gì? Thay vì nói về Chúa Giêsu, ngài đang nói về các ngẫu tượng ngày nay. Người ta có thể nghĩ như thế…

Anh em thân mến, Chúa Giêsu là “con đường” duy nhất để tránh bị nhầm lẫn trong việc biết chúng ta cảm nhận điều gì và tâm hồn chúng ta đang dẫn chúng ta đi đâu. Người là con đường duy nhất dẫn đến sự phân định đúng đắn, khi chúng ta soi chiếu bản thân mình với Người mỗi ngày. Như thể ngay cả bây giờ Người đang ngồi trong nhà thờ giáo xứ của chúng ta và nói với chúng ta rằng ngày hôm nay tất cả những gì chúng ta đã nghe thấy giờ đây được ứng nghiệm. Chúa Giêsu Kitô, như một dấu hiệu của sự mâu thuẫn – không phải luôn luôn là điều gì đó khe khắt và đau đớn, vì lòng thương xót và hơn thế nữa, tình yêu dịu dàng, chính đó là những dấu hiệu của sự mâu thuẫn – tôi nhắc lại, Chúa Giêsu buộc những ngẫu tượng này phải lộ diện, để chúng ta có thể nhìn thấy sự có mặt của chúng, nguồn gốc và cách thức chúng hoạt động, và cho phép Chúa tiêu diệt chúng. Đây là lời đề nghị: hãy cho phép Chúa phá hủy những ngẫu tượng ẩn giấu đó. Chúng ta phải ghi nhớ và chú ý những điều này, kẻo cỏ lùng của những ngẫu tượng mà chúng ta có thể đã giấu kín trong lòng có thể mọc lên một lần nữa.

Tôi muốn kết thúc bằng lời cầu xin với Thánh Giuse, là người cha khiết tịnh không có những ngẫu tượng ẩn giấu, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức sở hữu, vì sở hữu là mảnh đất màu mỡ để những ngẫu tượng này phát triển. Xin Ngài cũng chuyển cầu cho chúng ta ân sủng để kiên trì trong công việc gian khó là làm sáng tỏ những thần tượng mà tất cả chúng ta thường che giấu hoặc chính chúng ẩn giấu. Chúng ta cũng hãy xin, bất cứ khi nào chúng ta tự hỏi liệu chúng ta có thể làm mọi việc tốt hơn hay không, để Ngài cầu bầu cho chúng ta, để Thần Khí soi sáng cho sự đánh giá của chúng ta, như Thánh Giuse đã làm khi Ngài bị cám dỗ để “âm thầm” rời bỏ Đức Maria (lathra). Bằng cách này, với tấm lòng cao cả, chúng ta có thể tuân theo bác ái những gì chúng ta đã học theo luật. [5]

________________________

[1] For the ministerial priesthood is at the service of the common priesthood. The Lord has chosen certain men “in order that they might exercise the priestly office publically on behalf of men and women in the name of Christ” (SECOND VATICAN ECUMENICAL COUNCIL, Decree on the Life and Ministry of Priests Presbyterorum Ordinis, 2; cf. Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 10). “Ministers, invested with a sacred power, are at the service of their brothers and sisters” ( Lumen Gentium, 18).



[4] J. M. BERGOGLIO, Meditaciones para religiosos, Bilbao, Mensajero, 2014, 145.

[5] Cf. Apostolic Letter Patris Corde, 4, note 18.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/4/2022]