Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Toàn văn bài giảng của Đức Hồng y Parolin trong Thánh Lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Triều Tiên

Toàn văn bài giảng của Đức Hồng y Parolin trong Thánh Lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Triều Tiên
© L'Osservatore Romano

Toàn văn bài giảng của Đức Hồng y Parolin trong Thánh Lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Triều Tiên

Cầu xin để Bán đảo Triều Tiên có thể tìm lại được hòa bình sau những năm chia rẽ

18 tháng Mười, 2018 18:25

Ngày 17 tháng Mười, 2018, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, chủ tế “Thánh Lễ cầu cho hòa bình” cho Bán đảo Triều Tiên trong Vương cung Thánh đường ở Vatican. Trong số những người tham dự Thánh Lễ có Tổng thống Cộng hòa Hàn quốc, ông Jae-in Moon, và phu nhân của ông, và nhiều tính hữu, linh mục, và các nhà thừa sai Triều Tiên.

Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng của Đức Hồng y Parolin trong Thánh Lễ.


* * *


Bài giảng của Đức Hồng y Quốc Vụ khanh

Thưa ngài Tổng thống,

Thưa các huynh đệ Giám mục và Linh mục,

Thưa quý vị Giới chức và Thành viên Ngoại giao đoàn đáng kính,

Thưa anh chị em trong Chúa Ki-tô,

Thánh sử Gioan kể lại rằng lần đầu tiên Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ của Người sau Phục sinh, đã gửi đến các ông lời chào: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Trước đó các môn đệ đã nghe những lời tương tự trong đêm Tiệc Ly, trước khi Chúa nộp mình vào tay những kẻ tìm bắt Người, chấp nhận đi tới bước cuối cùng là hy sinh trên Thập giá vì ơn cứu độ cho trần gian. Quả thật, đây chính là lời của Chúa Giê-su nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”

Sự bình an mà Chúa ban tặng cho tâm hồn con người, trên hành trình đi tìm sự sống thật và đầy tràn niềm vui, chính là mầu nhiệm thiêng liêng kết hiệp hy tế trên Thập giá với quyền năng canh tân của Phục sinh. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.”

Tối nay chúng ta cùng hướng ánh mắt đầy khiêm nhường về Thiên Chúa, là Đấng thống trị lịch sử và vận mệnh của nhân loại, và một lần nữa khẩn xin cho toàn thế giới ơn bình an. Chúng ta cùng cầu nguyện, và đặc biệt xin cho lời bình an có thể vang lên trọn vẹn trên Bán đảo Triều Tiên, sau quá nhiều năm căng thẳng và chia rẽ.

Trong Bài đọc Một hôm nay, chúng ta đã nghe tác giả Sách Đệ Nhị Luật kể lại kinh nghiệm hai chiều của dân tộc Israel, đó là kinh nghiệm của “lời chúc phúc” và kinh nghiệm của “lời chúc dữ.” “Vậy khi tất cả những điều ấy xảy đến cho anh em, tức là lời chúc phúc và lời nguyền rủa tôi đã đưa ra cho anh em chọn, anh em sẽ để tâm suy niệm những điều ấy, giữa các dân tộc, nơi mà Đức Chúa đã phân tán anh em [...] Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ đổi vận mạng anh em, sẽ chạnh lòng thương và sẽ lại tập trung anh em về từ mọi dân, từ nơi mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã phân tán anh em [...].”

Sự khôn ngoan của Sách Thánh làm cho chúng ta hiểu rằng chỉ những người đã từng có kinh nghiệm về mầu nhiệm linh thiêng của sự hiện hữu của Thiên Chúa, khi đứng trước những đau khổ, áp bức và thù hận, thì mới hiểu được trọn vẹn ý nghĩa khi nghe thấy lời hòa bình vang lên.

Là những con người thiện chí, tất cả chúng ta chắc chắn đều hiểu rằng hòa bình được xây dựng bằng những lựa chọn mỗi ngày, bằng một cam kết dứt khoát phục vụ cho công bằng và đoàn kết, bằng sự thúc đẩy các quyền và phẩm giá của nhân vị, đặc biệt qua việc chăm sóc người hèn mọn nhất. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng, hòa bình trước hết là một quà tặng từ trên cao, từ chính Thiên Chúa. Vì đó là sự tỏ lộ trọn vẹn sự hiện hữu của Thiên Chúa, của Đấng mà các ngôn sứ đã công bố là vị Hoàng tử Hòa bình.

Ngoài ra, chúng ta đều hiểu rất rõ rằng hòa bình đến từ Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng và xa vời, nhưng là một kinh nghiệm thể hiện cụ thể trong hành trình sống mỗi ngày. Như Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc lại nhiều lần, đó là “hòa bình giữa những nỗi đau khổ.” Vì vậy, khi Chúa Giê-su hứa ban bình an cho các môn đệ của Người, Người cũng nói thêm: “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.”

Thật vậy, như Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh rằng thế gian thường “làm chúng ta tê liệt để chúng ta không nhìn thấy thực tại khác của cuộc sống: đó là thập giá.” Chúng ta nhìn thấy con đường mà sự bình an của Chúa ban cho chúng ta vượt ngoài những gì thế gian mong chờ; nó không phải là kết quả của một thỏa hiệp đơn thuần, nhưng là một thực tại mới, một thực tại bao gồm tất cả mọi chiều kích của sự sống, bao gồm cả những chiều kích huyền nhiệm của thập giá và những đau khổ không thể tránh khỏi của cuộc lữ hành trên dương thế của chúng ta. Vì thế, đức tin Ki-tô giáo dạy chúng ta rằng “sự bình an mà không có thập giá thì không phải là sự bình an của Chúa Giê-su.”

Đức Giáo hoàng Phaolo VI, là vị giáo hoàng chúng ta đã hân hoan nhìn thấy ngài được tuyên phong Thánh vào Chúa nhật vừa rồi trong một nghi lễ long trọng, ngài lần đầu tiên công bố “Ngày Hòa bình Thế giới” vào 1 tháng Một năm 1968, tiếp nối một số những sự truyền đạt đã được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thân yêu công bố, ngài gửi đến toàn thể tín hữu Công giáo và những người thiện chí rằng: “Luôn cần phải nói về hòa bình! Cần phải giáo dục cho thế giới biết yêu hòa bình, biết xây dựng nó, và biết bảo vệ nó; và chống lại những lập luận có thể tái diễn chiến tranh [...]. Cần phải khơi dậy nơi con người của thời đại chúng ta và các thế hệ tiếp nối ý nghĩa và lòng yêu hòa bình đặt nền tảng trên sự thật, công bình, tự do và tình yêu.”[1]

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết chọn hòa bình là một sứ mạng đích thực của chúng ta trong thế giới hôm nay, tin tưởng vào sức mạnh huyền nhiệm của thập giá Đức Ki-tô và Sự Phục sinh của Người. Với ơn của Thiên Chúa, con đường tha thứ là có thể, tình huynh đệ giữa các dân tộc trở thành một biến cố cụ thể, nền hòa bình là một chân trời chung trong sự đa dạng của các chủ thể trao tặng sự sống cho Cộng đồng Quốc tế.

“Từ đó những lời nguyện xin hòa bình và hòa giải của chúng ta sẽ được dâng lên Thiên Chúa từ những tâm hồn tinh tuyền hơn và nhờ món quà ơn sủng của Người, những lời cầu nguyện đó sẽ đạt được sự tốt lành quý báu mà tất cả chúng ta khát khao.”[2] Amen.


[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[1] Đức Phaolo VI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới thứ Nhất, 8 tháng Mười Hai, 1967.

[2] Đức Phanxico, bài giảng trong Nhà thờ Chính tòa Myeong-dong (Seoul), 18 tháng Tám, 2014.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/10/2018]


Vatican: Thống kê Giáo hội Công giáo 2018

Vatican: Thống kê Giáo hội Công giáo 2018
© Fides

Vatican: Thống kê Giáo hội Công giáo 2018

Cơ quan Thông tấn Fides News công bố thống kê

20 tháng Mười, 2018 19:51

Như mọi năm, trước Khánh nhật Truyền giáo, năm nay kỷ niệm năm thứ 92 vào Chúa nhật, 21 tháng Mười, 2018, Cơ quan Thông tấn Fides cung cấp một số thống kê chọn lọc cho cái nhìn toàn diện về Giáo hội Truyền giáo trên khắp thế giới. Các bảng thống kê dưới đây được trích từ phiên bản mới nhất của “Sách Thống kê Giáo hội” (cập nhật ngày 31 tháng Mười Hai, 2016) cho biết thông tin về các thành viên của Giáo hội, những cấu trúc giáo hội, chăm sóc sức khỏe, công tác xã hội, và giáo dục. Xin lưu ý rằng những thay đổi, tăng hoặc giảm, là so sánh của chúng tôi với những con số năm trước (2015), được đánh dấu tăng + hoặc giảm – trong ngoặc đơn


Dân số thế giới

Tính đến ngày 31 tháng Mười Hai, 2016, dân số thế giới là 7.352.289.000 với số tăng là 103.348.000 đơn vị so với năm trước. Sự gia tăng dân số được ghi nhận trên mọi châu lục, gồm cả Châu Âu: con số tăng cao nhất là Châu Á (+ 49.767.000) và Châu Phi (+ 42.898.000), tiếp theo là Châu Mỹ (+ 8.519.000), Châu Âu (+ 1.307.000) và Châu Đại Dương (+ 857.000).


Người Công giáo

Tính trong cùng ngày số thống kê người Công giáo trên toàn thế giới có 1.299.059.000 đơn vị với mức tăng chung là 14.249.000. Con số tăng có trong tất cả các châu lục, ngoại trừ Châu Âu trong ba năm liên tiếp (- 240.000). Con số tăng cao nhất là Châu Phi (+6.265.000) và Châu Mỹ (+ 6.023.000) tiếp theo là Châu Á (+ 1.956.000) và Châu Đại Dương (+ 254.000). Tỷ lệ phần trăm người Công giáo giảm 0,05 %, dừng lại ở mức 17,67%. Tính theo từng châu lục: mức tăng ở Châu Mỹ (+ 0,06), Châu Á (+ 0,01) và Châu Đại Dương (+ 0,02), giảm ở Châu Phi (- 0,18) và Châu Âu (- 0,11).


Số người và người Công giáo tính theo mỗi linh mục

Năm nay số người tính theo số linh mục trên thế giới tăng lên 254 đơn vị, bình quân là 14.336. Sự phân chia theo từng châu lục: mức tăng ở Châu Phi (+ 271), Châu Mỹ (+ 108), Châu Âu (+ 66) và Châu Đại Dương (+ 181). Mức giảm duy nhất là ở Châu Á (- 264).

Số người Công giáo tính trên mỗi linh mục trên thế giới tăng 39 đơn vị, bình quân là 3.130. Mức tăng ở Châu Phi (+ 7), Châu Mỹ (+ 74); Châu Âu (+ 22), Châu Đại Dương (+ 52). Châu Á không thay đổi (-13).


Các giáo khu và điểm truyền giáo

Số giáo khu là 3.016, tăng 10 giáo khu so với năm trước với những giáo khu mới ở Châu Phi (+3), Châu Mỹ (+3), Châu Á (+3), Châu Âu (+1). Châu Đại Dương không thay đổi.

Các giáo điểm có linh mục thường trú là 2.140 (nhiều hơn năm trước 581 giáo điểm). Số giảm duy nhất được ghi nhận ở Châu Phi (- 63), trong khi số tăng được ghi nhận ở Châu Mỹ (+ 98), Châu Á (+ 151), Châu Âu (+ 364) và Châu Đại Dương (+ 31).

Các giáo điểm không có linh mục thường trú giảm xuống 513 đơn vị, còn 142.487. Số tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+ 135), Châu Âu (+ 456), và Châu Đại Dương (+ 91). Số giảm ở Châu Mỹ (- 35) và Châu Á (- 1.160).


Giám mục

Tổng số giám mục trên toàn thế giới tăng 49 đơn vị, với con số 5.353. Giám mục Giáo phận và Giám mục Dòng tăng theo con số. Giám mục Giáo phận với 4.063 (tăng 27), và Giám mục Dòng với số 1.263 (tăng 22).

Số tăng Giám mục Giáo phận được ghi nhận ở Châu Mỹ (+ 20); Châu Á (+ 9), Châu Âu (+ 3), trong khi số giảm được ghi nhận ở Châu Phi (- 2) và Châu Đại Dương (- 3). Số Giám mục Dòng tăng ở mọi châu lục ngoại trừ Châu Á (- 7): Châu Phi (+ 5), Châu Mỹ (+ 14), Châu Âu (+ 8), Châu Đại Dương (+ 2).


Linh mục

Tổng số linh mục trên thế giới giảm năm nay với con số 414.969 (- 687). Châu lục duy nhất có con số giảm mạnh được ghi nhận vẫn là Châu Âu (- 2.583). Cũng có mức giảm ở Châu Mỹ (- 589). Số tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+ 1.181) và Châu Á (+ 1.304), Châu Đại Dương không thay đổi. Linh mục triều gia tăng 317 đơn vị, đạt tổng số 281.831 với sự giảm sút duy nhất ở Châu Âu (- 1.611) và tăng ở Châu Phi (+ 983); Châu Mỹ (+ 180), Châu Á (+ 744) và Châu Đại Dương (+ 21). Số linh mục Dòng giảm 1.004 đơn vị với tổng số là 133.138. Số tăng được ghi nhận trong những năm gần đây ở Châu Phi (+ 198) và Châu Á (+ 560), trong khi con số giảm ở Châu Mỹ (- 769), Châu Âu (- 972), Châu Đại Dương (- 21)


Phó tế vĩnh viễn

Phó tế vĩnh viễn trên thế giới tăng 1.057 đơn vị với con số 46.312. Số tăng cao nhất được ghi nhận vẫn tại Châu Mỹ (+ 842) tiếp theo là Châu Âu (+145), Châu Đại Dương (+45), Châu Phi (+22) và Châu Á (+3).

Phó tế vĩnh viễn triều trên thế giới là 45.609, với tổng số tăng 982 đơn vị. Con số tăng trong mọi châu lục ngoại trừ Châu Á (- 38): Châu Phi (+ 36), Châu Mỹ (+ 807), Châu Âu (+130) và Châu Đại Dương (+ 47).

Phó tế vĩnh viễn Dòng có 703, tăng 75 đơn vị so với năm trước đó, với số giảm ở Châu Phi (- 14) và Châu Đại Dương (- 2), số tăng ở Châu Á (+ 41), Châu Mỹ (+ 35) và Châu Âu (+ 15).


Tu sĩ nam nữ

Số tu sĩ giảm bốn năm liên tục với con số 1.604 đơn vị xuống còn 52.625. Tình hình: số giảm được ghi nhận ở tất cả các châu lục: Châu Phi (- 50), Châu Mỹ (- 503), Châu Á (- 373), Châu Âu (- 614) và Châu Đại Dương (- 64). Mặc dù năm nay có một mức tăng chung số các nữ tu là 10.885 đơn vị lên 659.445. Số tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+ 943) và Châu Á (+ 533), giảm ở Châu Mỹ (- 3.775), Châu Âu (- 8.370) và Châu Đại Dương (- 216).


Nam nữ thành viên các tu hội đời

Thành viên nam các tu hội đời là 618 giảm (-79) sau một lần tăng so với năm trước. Với mức độ châu lục thì Châu Phi có sự gia tăng (+2) và Châu Á (+ 4), trong khi giảm ở Châu Mỹ (- 77), và Châu Âu (-8), Châu Đại Dương năm nay vẫn không thay đổi.

Thành viên nữ của các tu hội đời năm nay giảm 459 đơn vị với tổng số là 22.400 thành viên. Số tăng duy nhất ở Châu Phi (+ 113), trong khi con số giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (- 33), Châu Á (- 35), Châu Âu (- 502) và Châu Đại Dương (-2).


Thừa sai giáo dân và giáo lý viên

Số thừa sai giáo dân trên thế giới là 354.743 đơn vị, với tổng số tăng 2.946 đơn vị đặc đặc biệt ở Châu Mỹ (+ 4.728) và Châu Phi (+759). Số giảm được ghi nhận ở Châu Á (- 1.569), Châu Âu (-921) và Châu Đại Dương (- 55). Giáo lý viên trên thế giới giảm 36.364 đơn vị xuống còn 3.086.289. Số tăng được ghi nhận duy nhất ở Châu Phi (+ 10.669). Số giảm được ghi nhận ở Châu Mỹ (- 20.407), Châu Á (- 12.896), Châu Âu (- 13.417) và Châu Đại Dương (- 313).


Đại chủng sinh

Số đại chủng sinh, cả triều và dòng đều giảm trong năm nay, trên toàn thế giới là 683 đơn vị, với tổng số 116.160. Số tăng được ghi nhận ở Châu Phi (+1.455) và Châu Á (+9), trong khi Châu Mỹ giảm (-1.123), Châu Âu (-964) và Châu Đại Dương (-60).

Số đại chủng sinh giáo phận có 71.117 (tăng +999 so với năm trước đó), và đại chủng sinh dòng là 45.043 (-1.682). Đại chủng sinh tăng ở Châu Phi (+1.059), Châu Mỹ (+16) và Châu Á (+310). Số giảm ở Châu Âu (-381) và Châu Đại Dương (- 5). Số đại chủng sinh dòng tăng duy nhất ở Châu Phi là (+396), trong khi giảm ở Châu Mỹ (-1.139), Châu Á (- 301), Châu Âu (-583) và Châu Đại Dương (- 55).


Tiểu chủng sinh

Số tiểu chủng sinh, giáo phận và dòng năm nay giảm xuống 2.735 đơn vị với con số là 101.616. Số giảm chung trên tất cả các châu lục: Châu Phi (- 69), Châu Mỹ (- 1.299), Châu Á (- 871), Châu Âu (- 581), Châu Đại Dương (- 5).

Số tiểu chủng sinh giáo phận là 78.369 (-1.729) và tiểu chủng sinh dòng là 23.247 (-1.006). Số tiểu chủng sinh giáo phận tăng ở Châu Phi (+ 236) và Châu Đại Dương (+7). Giảm ở Châu Mỹ (-684), Châu Á (-988), Châu Âu (-300), số tiểu chủng sinh dòng tăng duy nhất ở Châu Á (+207), trong khi lại giảm ở Châu Phi (-305), Châu Mỹ (-615), Châu Âu (-281) và Châu Đại Dương (-12).


Trường học và giáo dục Công giáo

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo hội Công giáo điều hành 72.826 trường mẫu giáo với 7.313.370 học sinh; 96.573 trường tiểu học với 35.125.124 học sinh; 47.862 trường trung học cơ sở với 19.956.347 học sinh. Giáo hội cũng chăm sóc cho 2.509.457 học sinh trung học phổ thông, và 3.049.548 sinh viên đại học.


Các trung tâm bác ái và chăm sóc sức khỏe Công giáo

Các trung tâm bác ái và chăm sóc sức khỏe do Giáo hội điều hành gồm: 5.287 nhà thương, hầu hết ở Châu Mỹ (1.530) và Châu Phi (1.321); 15.937 cơ sở khám bệnh và phát thuốc, chủ yếu ở Châu Phi (5.177); Châu Mỹ (4.430) và Châu Á (3.300); 610 nhà cho người bệnh phong, chủ yếu ở Châu Á (352) và Châu Phi (192); 15.722 nhà chăm sóc người già, bệnh mạn tính hoặc người khuyết tật, chủ yếu ở Châu Âu (8.127) và Châu Mỹ (3.763); 9.552 nhà mồ côi, chủ yếu ở Châu Á (3.660); 11.758 trung tâm chăm sóc trẻ, chủ yếu ở Châu Á (3.295) và Châu Mỹ (3.191); 13.897 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở Châu Âu (5.664) và Châu Mỹ (4.984); 3.506 trung tâm phục hồi xã hội và 35.746 các loại cơ sở khác.


Các giáo khu trực thuộc Bộ Rao Giảng Tin mừng cho các Dân tộc

Có 1.114 giáo khu trực thuộc Bộ Rao Giảng Tin mừng cho các Dân tộc (Cep) với số tăng 3 giáo khu so với năm trước đó. Hầu hết các giáo khu đều ở Châu Phi (511) và Châu Á (482), tiếp theo là Châu Mỹ (75) và Châu Đại Dương (46).





[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/10/2018]