Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Đức Thánh Cha ngợi khen Thánh Rita of Cascia, Vị Thánh của những người tuyệt vọng (Toàn văn Tiếp Kiến Chung)

Đức Thánh Cha ngợi khen Thánh Rita of Cascia, Vị Thánh của những người tuyệt vọng (Toàn văn Tiếp Kiến Chung)
Saint_Rita_of_Cassia_Barcelona_Wikimedia

Đức Thánh Cha ngợi khen Thánh Rita of Cascia, Vị Thánh của những trường hợp tuyệt vọng (Toàn văn Tiếp Kiến Chung)

‘Ước mong rằng những người phụ nữ ngày nay, noi theo gương của thánh nhân, có khả năng thể hiện sự nhiệt huyết với cuộc sống, đồng thời có khả năng trao tặng sự yêu thương cho mọi người một cách vô điều kiện như thánh nhân.’

22 tháng Năm, 2019 12:45

Vào ngày Lễ nhớ thánh nhân 22 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxico kính nhớ Thánh Rita Cascia, ngợi khen mẫu gương cao vời của thánh nhân cho những người tuyệt vọng (cùng với Thánh Jude).

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm nay, Đức Thánh Cha nói: “Thánh Rita Cascia, mà chúng ta kính nhớ hôm nay, là một người phụ nữ, một người mẹ, một phụ nữ góa chồng và là nữ tu trong thời đại của thánh nhân.”

“Ước mong rằng những người phụ nữ ngày nay, noi theo gương của thánh nhân, có khả năng thể hiện sự nhiệt huyết với cuộc sống, đồng thời có khả năng trao tặng sự yêu thương cho mọi người một cách vô điều kiện như thánh nhân.”

Buổi Tiếp Kiến Chung hôm nay được tổ chức lúc 9:10 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương từ nước Ý và khắp thế giới.

Tiếp tục loạt Giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ điểm: “Bất kể anh em ở đâu, hãy khẩn cầu cùng Chúa Cha” (Trích Kinh Thánh: Trích Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma, 8:15).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Đức Phanxico mời gọi những người hiện diện cầu nguyện cho tín hữu Công giáo Trung hoa, nhân dịp Lễ Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc “Cứu giúp người Ki-tô hữu,” được sùng kính ở Trung Hoa tại Đền Thờ “Đức Mẹ Sheshan,” và tổ chức ngày Thứ Sáu, 24 tháng Năm.

Cuối Buổi Tiếp Kiến Chung – ông Alessandro Gisotti, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, khẳng định trong một thông điệp – Đức Thánh Cha đến chào Tiến sĩ Denis Mukwege, người đạt giải Nobel Hòa bình năm 2018.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Đức Thánh Cha ngợi khen Thánh Rita of Cascia, Vị Thánh của những người tuyệt vọng (Toàn văn Tiếp Kiến Chung)

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta kết thúc loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha.” Chúng ta có thể nói rằng lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu xuất phát từ sự táo bạo gọi Thiên Chúa bằng danh xưng là “Cha.” Nó vượt hẳn ra ngoài một công thức khuôn mẫu vì nó thể hiện sự mật thiết của đạo làm con, trong đó chúng ta được giới thiệu bởi ơn sủng: Chúa Giê-su là Đấng Mặc khải Chúa Cha và Người ban cho chúng ta sự gần gũi này với Người. “Người không để lại cho chúng ta một công thức để lặp đi lặp lại một cách máy móc. Với bất kỳ lời cầu nguyện nào dâng lên, chính qua Lời Chúa mà Thánh Thần dạy cho con cái của Chúa cách cầu nguyện với Chúa Cha” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2766). Chính Chúa Giê-su sử dụng những cách diễn đạt khác nhau để cầu nguyện với Chúa Cha. Nếu chúng ta đọc các Tin mừng thật chăm chú, chúng ta khám phá ra rằng những cách diễn đạt của lời cầu nguyện xuất phát từ môi miệng của Chúa Giê-su đều gợi lại văn bản của lời kinh “Lạy Cha.”

Trong đêm tại vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giê-su cầu nguyện theo bằng những lời này: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14:36). Chúng ta nhắc lại đoạn văn bản này trong Tin mừng của Mác-cô, làm sao chúng ta lại không nhận ra được trong lời cầu nguyện này, dù vắn tắt, một ý trong “Kinh Lạy Cha”? Giữa bóng tối, Chúa Giê-su kêu cầu lên Thiên Chúa bằng danh xưng “Áp-ba,” với lòng tín thác của một người con, và cho dù cảm nhận nỗi hãi sợ và đau đớn, Người vẫn xin cho Ý Cha được thể hiện. Trong các trình thuật khác của Tin mừng, Chúa Giê-su nhấn mạnh với các môn đệ của Người rằng các ông phải nuôi dưỡng tinh thần cầu nguyện. Cầu nguyện liên lỷ, và trên hết nó phải gồm có ý cầu cho anh em, đặc biệt khi chúng ta có những mối quan hệ khó khăn với họ. Chúa Giê-su nói: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em” (Mc 11:25). Làm sao chúng ta lại không nhận thấy sự trùng khớp với “Kinh Lạy Cha” trong những lời dạy này? Và các ví dụ có thể còn nhiều.

Chúng ta không tìm thấy văn bản của “Kinh Lạy Cha” trong các bản văn của Thánh Phaolô, nhưng hình ảnh của nó nổi lên trong sự tổng hợp diệu kỳ của lời kêu cầu của người Ki-tô hữu được gói gọn trong một chữ: “Áp-ba!” (x. Rm 8:15; Gl 4:6).

Trong Tin mừng Lu-ca, Chúa Giê-su làm thỏa mãn trọn vẹn yêu cầu của các môn đệ Ngài, khi họ nhìn thấy Ngài thường lánh vào một nơi và chìm đắm trong việc cầu nguyện, một ngày kia đã quyết định hỏi Ngài: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an — Tẩy Giả — đã dạy môn đệ của ông” (11:1). Và rồi Thầy đã dạy cho các ông cách cầu nguyện với Chúa Cha.

Xét toàn bộ trong Tân Ước, chúng ta thấy rõ ràng rằng vai chính đầu tiên của mọi lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu là Chúa Thánh Thần, Đấng thổi hơi trong tâm hồn của người môn đệ. Thần Khí làm cho chúng ta có thể dâng lời cầu nguyện như những đứa con của Thiên Chúa, mà chúng ta được trở nên qua Bí tích Rửa tội. Thần Khí làm cho chúng ta cầu nguyện theo “đường hào” mà Chúa Giê-su đã đào cho chúng ta. Đây là mầu nhiệm của lời cầu nguyện Ki-tô giáo: nhờ ơn sủng chúng ta được cuốn hút vào trong cuộc đối thoại tình yêu của Chúa Ba Ngôi Cực Thánh.

Chúa Giê-su cầu nguyện theo cách đó. Đôi khi Người sử dụng những cách diễn đạt thật sự ra ngoài văn bản của “Kinh Lạy Cha”. Chúng ta hãy nghĩ đến những lời khởi đầu của Thánh vịnh 22, những lời mà Chúa Giê-su kêu lên trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Liệu Chúa Cha trên trời có thể bỏ rơi Con của Người không? Chắc chắn là không. Nhưng vì yêu thương chúng ta, là những kẻ tội lỗi, đã dẫn đưa Chúa Giê-su đến cực điểm này: đến cực điểm trải nghiệm sự ruồng bỏ, sự xa cách của Người. Tuy nhiên, trong tiếng kêu thống thiết vẫn có những lời “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con.” Trong chữ “của con” đó là trung tâm của mối quan hệ với Chúa Cha, có điểm trung tâm của đức tin và của lời cầu nguyện.

Đó là lý do tại sao người Ki-tô hữu có thể cầu nguyện đi ra từ trung tâm này trong mọi hoàn cảnh. Họ có thể lấy tất cả những lời cầu nguyện của Kinh Thánh, đặc biệt của Thánh vịnh; nhưng họ cũng có thể cầu nguyện bằng nhiều cách diễn đạt mà trong suốt cả thiên niên kỷ lịch sử đã bột phát từ tâm hồn con người. Và chúng ta không bao giờ ngừng kể với Chúa Cha về những người anh chị em của chúng ta trong gia đình nhân loại, để không một ai, đặc biệt là người nghèo, không có một sự an ủi và một phần yêu thương.

Cuối bài giáo lý này, chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện của Chúa Giê-su: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:21).

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Tiếng Ý

Xin gửi lời chào nồng hậu đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý.

Cha rất vui mừng chào đón các tham dự viên trong Đại hội được tổ chức bởi Liên đoàn Thế giới các Tổ chức của Phụ nữ Công giáo, và các Nữ tu Dòng Đức Bà. Cha xin chào các nhóm giáo xứ, đặc biệt các nhóm từ San Giuseppe Vesuviano và Vaglio di Basilicata; Cộng đoàn Công giáo Congo tại Roma; Hiệp hội Truyền giáo Multi-Setting Kairos; Trung tâm Thể thao Latina của Ý và các trường học, đặc biệt trường Giulianova Lido.

Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, người già, người bệnh và những đôi uyên ương mới.

Hôm nay là Lễ kính Thánh Rita of Cascia là một người phụ nữ, người vợ, người mẹ, người phụ nữ góa chồng và là một nữ tu trong thời đại của chị. Ước mong rằng người phụ nữ ngày nay noi theo gương của thánh nhân thể hiện nhiệt huyết với cuộc sống, đồng thời có thể trao tặng sự yêu thương cho tất cả mọi người một cách vô điều kiện.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Thứ Sáu này ngày 24 tháng Năm, chúng ta sẽ mừng Lễ Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc “Cứu giúp người Ki-tô hữu,” đặc biệt được sùng kính ở Trung hoa tại Đền thờ “Đức Bà Sheshan,” gần Thượng Hải.

Nhân dịp vui mừng này cho phép cha bày tỏ sự gần gũi và tình cảm đặc biệt đối với tất cả những người Công giáo ở Trung Hoa, là những người giữa bao lao nhọc và thử thách hàng ngày vẫn tiếp tục tin tưởng, hy vọng và yêu thương.

Anh chị em tín hữu Trung Hoa thân mến, xin Mẹ Thiên Quốc trợ giúp tất cả anh chị em để làm những chứng nhân của đức ái và tình huynh đệ, luôn giữ sự hiệp nhất với cộng đoàn của Giáo hội toàn cầu. Cha cầu nguyện cho anh chị em và cha chúc lành cho anh chị em.

Chúng ta cùng cầu nguyện: “Kính mừng Maria … 

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/5/2019]


Cơ quan lập pháp Philippines quyết định ngày sinh nhật của Đức Trinh nữ Maria là ngày lễ nghỉ quốc gia

Cơ quan lập pháp Philippines lấy ngày sinh nhật của Đức Trinh nữ Maria là ngày lễ nghỉ quốc gia

Cơ quan lập pháp Philippines quyết định ngày sinh nhật của Đức Trinh nữ Maria là ngày lễ nghỉ quốc gia
Noel Celis | AFP


21 tháng Năm, 2019

Nếu được Tổng thống Duterte ký thì đây sẽ là ngày lễ quốc gia thứ hai cho Mẹ Maria trong đảo quốc.

Quốc hội Philippines đã thông qua một dự luật tuyên bố ngày 8 tháng Chín, Lễ Sinh nhật của Đức Trinh nữ đầy Ơn phúc, là một ngày lễ nghỉ quốc gia. Trong Giáo hội Công giáo, lễ này mừng ngày sinh của Đức Maria, thân mẫu Chúa Ki-tô.

Năm 2017 Lễ Mẹ Vô Nhiễm được quyết định là ngày lễ nghỉ, khiến cho dự luật này nếu được Tổng thống Rodrigo Duterte phê chuẩn, nó sẽ trở thành ngày Lễ quốc gia thứ hai dành cho Mẹ Maria trong đảo quốc này.

Tác giả của dự luật, dân biểu Rodolfo Farinas, nói rằng ngày lễ sẽ cho phép người Công giáo “tôn thờ và thể hiện sự sùng kính của họ đối với Mẹ Maria Trinh nữ đầy Ơn phúc,” theo bản tin của UCANews.

Cũng theo bản tin của UCANews, thông tin về ngày nghỉ được đề xuất này nhận được sự đón nhận tích cực nhất từ một số nhà lãnh đạo Công giáo:

“Tôi chỉ mong rằng lòng sùng mộ rõ ràng của [các nhà chính trị] đối với Mẹ Maria biến thành sự phục vụ cụ thể cho người dân và thực hành các giá trị Ki-tô giáo thật sự trong đời sống cá nhân và công việc của họ,” chị Nữ tu Mary John Mananzan dòng Biển đức nói.

Đức Giám mục Ruperto Santos của Balanga nói rằng những điều các nhà lập pháp làm là “tin tức đầy hứng khởi và thú vị” và nói về văn hóa của Philippines là “theo Chúa” và “theo Mẹ.”

“Thượng viện đã làm đúng những gì người Philippines chúng tôi tâm tư trong lòng. Thượng viện đã công khai bày tỏ rằng đất nước của chúng tôi thuộc về Mẹ Maria,” Đức Giám mục Santos, trưởng Ủy ban về Di dân thuộc Hội đồng Giám mục nói.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Fernando Capalla, là Giám mục hưu của thành phố Davao, đặt vấn đề về sự khôn ngoan của việc chính trị hóa một ngày lễ của Công giáo.

Theo bản tin của UCANews, Đức Tổng giám mục Capalla đặt câu hỏi: “Tại sao lại chọn một ngày lễ thuộc tôn giáo thuần túy Công giáo làm một ngày lễ nghỉ quốc gia?”

Khi Tổng thống Duterte ký dự luật năm 2017 quyết định Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm là một ngày lễ nghỉ, ông có mối quan hệ rất căng thẳng với các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo, họ đã chỉ trích ông về những vụ giết người không cần tòa xét xử đánh dấu cuộc chiến của ông về ma túy.

Chính quyền Philippines tuyên bố rằng 5.176 “cá nhân ma túy” đã bị giết từ khi ông Duterte lên nắm quyền năm 2016. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền nói rằng con số này không bao gồm hơn 20.000 vụ sát hại liên quan đến ma túy đã được cảnh sát phân loại là “những cái chết đang được điều tra.”

Những bình luận chống lại giới giáo sĩ của ông Duterte đã khiến ông rơi vào những cáo buộc rằng ông đã kích động bạo lực chống lại giới giáo sĩ. Năm 2018, ba linh mục Công giáo đã bị bắn chết.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/5/2019]