Thứ Năm, 4 tháng 11, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 3 tháng 11, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 3 tháng 11, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 3 tháng Mười Một, 2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý của ngài về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Bước đi theo Thần Khí” (Bài đọc Kinh Thánh: Gl 5:16-17, 25).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

_______________________________

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thư gửi tín hữu Galát: 14. Bước đi theo Thần Khí

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong trích đoạn Thư gửi tín hữu Galát mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô khuyên nhủ các Kitô hữu hãy bước đi theo Chúa Thánh Thần (x. 5:16,25), đó là một phong cách: bước đi theo Chúa Thánh Thần. Thật vậy, tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là bước đi theo Ngài, đi sau Ngài trên con đường của Ngài, giống như các môn đệ đầu tiên đã làm. Và đồng thời, nó có nghĩa là tránh đi theo cách ngược lại đó là chủ nghĩa vị kỷ, tìm kiếm lợi ích cho bản thân, mà Thánh Tông đồ gọi là “đam mê của xác thịt” (câu 16). Thần Khí là người hướng dẫn cho hành trình đi theo con đường của Chúa Kitô, một hành trình kỳ diệu nhưng đầy khó khăn bắt đầu trong Bí tích Rửa tội và kéo dài suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể coi đó giống như một cuộc du ngoạn dài ngày trên những đỉnh núi: ngoạn mục, đích đến là hấp dẫn, nhưng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự kiên trì.

Hình ảnh này có thể hữu ích để hiểu được giá trị của lời dạy của Thánh Tông đồ “bước đi theo Chúa Thánh Thần”, “cho phép bản thân được Người hướng dẫn”. Đó là những cách diễn đạt chỉ một hành động, một sự chuyển động, một sự năng động ngăn chúng ta không dừng lại ở những khó khăn đầu tiên, nhưng khơi gợi niềm vững tin vào “sức mạnh đến từ trên cao” (Shepherd of Hermas, 43, 21). Đi theo con đường này, người Kitô hữu có được một cái nhìn tích cực về cuộc sống. Điều đó không có nghĩa là sự dữ hiện hữu trên thế giới sẽ biến mất, hay những động lực tiêu cực của chủ nghĩa vị kỷ và lòng kiêu ngạo của chúng ta giảm đi. Đúng hơn, nó có nghĩa là niềm tin vào Chúa luôn mạnh mẽ hơn sự phản kháng của chúng ta và lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Và điều này rất quan trọng: luôn luôn tin rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn. Mạnh mẽ hơn sự kháng cự của chúng ta, lớn hơn tội lỗi của chúng ta.

Khi thúc giục người Galát đi theo con đường này, Thánh Tông đồ đặt mình ngang hàng với họ. Ngài không dùng động từ theo mệnh lệnh cách – “hãy sống theo” (câu 16) – và sử dụng lối trình bày “chúng ta”: “chúng ta hãy sống theo Thần Khí” (câu 25). Điều đó có nghĩa là: chúng ta hãy đi cùng một con đường và chúng ta hãy cho phép Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Đó là một cách thúc giục, một cách thúc giục. Thánh Phaolô cảm thấy lời thúc giục này cũng cần thiết cho chính ngài. Dù biết rằng Đức Kitô sống trong ngài (xem 2:20), nhưng ngài biết rằng ngài vẫn chưa đạt đến mục tiêu là đỉnh núi (xem Pl 3:12).

Thánh Tông đồ không đặt mình lên trên cộng đoàn của mình. Ngài không nói: “Tôi là người lãnh đạo; anh em là những người khác; tôi từ trên núi cao xuống và anh em đang trên đường”. Ngài không nói điều này, nhưng đặt mình vào giữa hành trình mà mọi người đang đi để đưa ra một mẫu gương cụ thể về sự cần thiết phải tuân phục Thiên Chúa, tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần mỗi ngày mỗi tốt hơn. Và thật đẹp biết bao khi chúng ta tìm thấy những mục tử cùng đồng hành với người dân của họ, những người không mệt mỏi – “Không, tôi quan trọng hơn, tôi là một mục tử. Bạn là… ”, “Tôi là một linh mục”, “Tôi là một giám mục”, với nét mặt thượng lên. Không: mục tử cùng đồng hành với dân chúng. Điều này thật đẹp. Nó mang đến lợi ích cho linh hồn.

Việc “bước đi theo Chúa Thánh Thần” này không chỉ là một bổn phận cá nhân: nó cũng liên quan đến cộng đoàn nói chung. Trên thực tế, việc xây dựng cộng đoàn theo cách Thánh Tông đồ đã chỉ dẫn là một điều thú vị, nhưng cũng gian truân. Chúng ta có thể nói “những đam mê của xác thịt”, “những cám dỗ” mà tất cả chúng ta đều có – nghĩa là, sự ghen tị, thành kiến, đạo đức giả và những phẫn uất của chúng ta – và việc cậy dựa vào một bộ giới luật cứng nhắc có thể dễ dàng trở thành một cám dỗ. Nhưng làm điều đó có nghĩa là đi lạc khỏi con đường tự do, và thay vì leo lên đỉnh cao, nó lại có nghĩa là quay trở ngược xuống dưới.

Trước hết, bước đi theo con đường của Thần Khí đòi hỏi phải dành không gian cho ân sủng và bác ái. Hãy dành chỗ cho ân sủng của Chúa. Đừng sợ. Sau khi làm cho tiếng nói của mình được tiếp nhận cách nghiêm túc, Thánh Phaolô mời gọi người Galát hãy mang lấy những khó khăn của nhau, và nếu ai đó sai lỗi, hãy dịu dàng (xem 5:22).

Chúng ta lắng nghe lời của ngài: “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (6:1-2). Rất khác so với việc buôn chuyện, như khi chúng ta nhìn thấy điều gì đó và chúng ta nói sau lưng mọi người về điều đó, phải không? Buôn chuyện về người hàng xóm của chúng ta. Không, đây không phải là theo Thần Khí. Điều hợp theo Thần Khí đó là hiền hòa với một người anh em hay chị em khi sửa dạy họ, và giữ gìn bản thân để không rơi vào những tội đó, tức là phải khiêm nhường.

Thực ra, khi chúng ta bị cám dỗ xét đoán không tốt về người khác, như chuyện thường xảy ra, chúng ta phải suy ngẫm về sự yếu đuối của chính mình. Chỉ trích người khác thì rất dễ! Có những người dường như có bằng cấp trong việc buôn chuyện. Ngày nào họ cũng chỉ trích người khác. Hãy nhìn lại chính mình! Sẽ rất tốt nếu chúng ta tự hỏi điều gì đã thúc đẩy chúng ta sửa lỗi anh chị em, nếu một cách nào đó chúng ta không thấy mình chịu chung trách nhiệm về sai lỗi của họ. Ngoài việc ban cho chúng ta ơn hiền hòa, Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta liên đới với nhau, để mang lấy gánh nặng của người khác.

Đời người có biết bao gánh nặng: bệnh tật, thiếu việc làm, cô đơn, đau đớn…! Và biết bao thử thách khác đòi hỏi sự gần gũi và sự yêu thương của anh chị em chúng ta! Những lời của Thánh Augustinô khi chú giải trích đoạn này cũng có thể giúp ích chúng ta: “Vì vậy, thưa anh chị em, bất cứ khi nào có người mắc phải một sai lỗi nào đó, […] hãy sửa dạy người ấy theo cách nhẹ nhàng, nhẹ nhàng. Và nếu anh chị em cất lên tiếng nói của mình, hãy yêu thương trong lòng. Nếu anh chị em động viên, nếu anh em tỏ ra mình là cha, nếu anh em khiển trách, nếu anh em nghiêm khắc, hãy yêu thương” (Discourse 163 / B 3). Hãy luôn yêu thương. Quy tắc tối cao liên quan đến việc sửa dạy của tình huynh đệ là yêu thương: muốn điều tốt lành cho anh chị em của chúng ta. Cũng cần nhiều thời gian để khoan dung đối với những vấn đề của người khác, khiếm khuyết của người khác trong cầu nguyện thinh lặng, để tìm ra cách thích hợp giúp họ sửa chữa bản thân. Và điều này không hề dễ dàng. Con đường dễ dàng nhất là buôn chuyện. Nói sau lưng người khác như thể tôi là người hoàn hảo. Không được làm việc này. Hiền hòa. Kiên nhẫn. Cầu nguyện. Gần gũi.

Chúng ta hãy bước đi với niềm vui và sự kiên nhẫn trên con đường này, cho phép bản thân được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Cảm ơn anh chị em.

_________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha gửi lời chào đến các du khách nói tiếng Anh tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt những anh chị em đến từ nước Anh và Hoa Kỳ, cũng như nhóm các vị tuyên úy quân đội Hoa Kỳ đang họp ở Roma trong những ngày này. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/11/2021]


Nhật ký của một vị thánh trẻ dạy chúng ta điều gì

Nhật ký của một vị thánh trẻ dạy chúng ta điều gì

Nhật ký của một vị thánh trẻ dạy chúng ta điều gì

Shutterstock | Public Domain

Gelsomino Del Guercio

02/11/21


Chân phước Sandra Sabattini qua đời năm 1984 khi mới 22 tuổi, đã thổ lộ cõi lòng trong quyển nhật ký mà cô bắt đầu viết từ năm 10 tuổi.

Mãnh liệt, sống động, mạnh mẽ: những lời Chân phước Sandra Sabattini viết trong nhật ký của chị tập trung vào đặc sủng ngoại thường của người nữ trẻ này. Chân phước chết trẻ, nhưng cô đã lan tỏa hương thơm ngát của sự thánh thiện.

Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã phong chân phước cho cô vào ngày 24 tháng Mười năm 2021, tại Vương cung Thánh đường Thánh Columba ở Rimini, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận án phong chân phước của chị.

Sandra Sabattini qua đời năm 1984 khi vừa 22 tuổi, là con thiêng liêng của Cha Don Oreste Benzi, người sáng lập Cộng đoàn Giáo hoàng Gioan XXIII. Sandra tận hiến cuộc đời ngắn ngủi của cô để giúp đỡ người khuyết tật và người nghiện ma túy.


Bí mật của Sandra Sabattini

Bí mật về sự nên thánh của Sandra là gì? Cha Don Benzi đã trả lời như sau: “Bí mật của cô được chứa đựng và tiết lộ trong mối phúc của Chúa Giêsu công bố: ‘Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.’ (…). Tâm hồn của Sandra trong sạch vì nó chỉ chứa đựng lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận.”


Giúp đỡ người khác từ tuổi nhỏ

Ở tuổi 13, Sandra Sabbatini đã phục vụ người tàn tật, tham gia vào Cộng đoàn Giáo hoàng Gioan XXIII. Cô ngay lập tức học được rằng giúp đỡ người khác có thể rất gian khổ; “Chúng con làm kiệt sức, nhưng họ là những người mà con sẽ không bao giờ bỏ rơi”, cô nói với mẹ mình, theo tường thuật trên Vatican News ngày 24 tháng Mười.


Những suy nghĩ được ghi lại trong nhật ký

Ngay cả trước khi bắt đầu có trải nghiệm đặc biệt về sự phục vụ đó, Sandra đã quyết định ghi vào nhật ký những suy nghĩ của mình về Thiên Chúa, tình yêu và người thân cận. Cô bắt đầu viết vào năm 1972, khi 10 tuổi, và chỉ dừng lại một ngày trước khi qua đời vào năm 1984.

Dưới đây là một số suy tư và lời cầu nguyện quan trọng nhất được Sandra Sabattini viết trong Nhật ký của cô, được tìm thấy trong “Sandra Sabbattini, Serva di Dio”:


“Con chọn Người.”

Con chỉ đơn giản là chọn. Còn bây giờ con có thể nói thế này: Con chọn Chúa. Con tin rằng sự lựa chọn của con, từng chút một khi thời gian trôi qua, đang được củng cố. Bây giờ là lúc để chấp nhận tất cả Đức Kitô và thay đổi hoàn toàn bản thân con.

Lạy Chúa, con cảm thấy rằng Chúa đang giúp con một tay để đến gần hơn, Chúa đang cho con sức mạnh để tiến thêm một bước.


“Con không kiên vững”

Dĩ nhiên, con muốn đón nhận Người. Tuy nhiên, trước hết con phải đánh bại bản thân, lòng kiêu hãnh và sự giả dối của mình. Con không khiêm tốn và con không muốn thừa nhận điều đó. Con để cho bản thân bị người khác điều khiển. Con sợ những gì họ có thể nghĩ về con. Con là người không mạch lạc, với mong muốn lớn là cách mạng hóa thế giới, và sau đó cho phép bản thân con tuân theo nó.

Con nghĩ rằng con cô đơn và không hiểu rằng Chúa đang ở với con. Cảm tạ Chúa vì thế giới này, vì cuộc sống này, vì những con người này, vì niềm vui này, vì một mùa xuân mới đã mở ra và con vẫn đang sống. Hôm nay với một đôi giày và một chiếc túi yên ngựa, ước gì con có thể đi vòng quanh thế giới…


“Một ảo ảnh”

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì Người đã ở đó, vì Chúa ở gần con, vì Chúa đã đặt những người tuyệt vời như vậy quanh con, bởi vì Chúa đã đặt sự ngọt ngào tuyệt diệu như vậy vào trái tim con.

Con sợ rằng con đang sống trong một giấc mơ đẹp. Con sợ rằng mọi thứ đều là ảo ảnh, vì mọi thứ luôn như vậy trong hầu hết các trường hợp (tất nhiên là bởi vì con): ảo ảnh. Nhưng cho dù những gì con đang sống là ảo ảnh, thì lạy Chúa, Người không phải là ảo ảnh. Sự bình an của Người không phải là giả tạo, Tình yêu của Chúa là vĩnh cửu, Sự sống của Người là thật.


"Chỉ khi niềm tin của con là thật"

Sự lựa chọn Đức Kitô nghèo khó làm con phấn khích bây giờ vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, và nó vẫn còn dễ dàng, chưa hoàn thiện bởi vì nó vẫn còn bị ràng buộc; nhưng khi đã hoàn thành, việc tiếp tục trung thành với sự lựa chọn sẽ rất khó khăn…

Bây giờ con cảm nhận một niềm vui lớn, một khát khao lớn khi bước đi trên con đường này, nhưng khi động lực ban đầu mất đi, nó sẽ là một cuộc đua khó khăn. Đó là lý do tại sao cầu nguyện là cần thiết, bởi vì chỉ khi niềm tin của con là thật thì con mới có thể đạt được điều mà Người muốn từ con, điều mà Người đã gọi con.


“Con sẽ còn sợ ai?”

Trong những suy nghĩ cuối cùng được ghi lại trong nhật ký của Sandra Sabattini, có hai suy nghĩ rất quan trọng dường như mang tính tiên tri.

Không, người ta không thể và không được từ bỏ cuộc chiến đấu: Chúa ở cùng con, con sẽ còn sợ ai?

Con muốn yêu thương và kính mến Chúa mỗi ngày, mỗi phút giây trong cuộc sống của con, ngay cả trong những hoàn cảnh nghịch lý nhất.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/11/2021]