Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

Luật mới của Trung quốc bắt buộc các nhà thờ phải thúc đẩy “những giá trị của xã hội chủ nghĩa”

Luật mới của Trung quốc bắt buộc các nhà thờ phải thúc đẩy “những giá trị của xã hội chủ nghĩa”

Luật mới của Trung quốc bắt buộc các nhà thờ phải thúc đẩy “những giá trị của xã hội chủ nghĩa”
Johannes EISELE | AFP

01 tháng Một, 2020

“Các tổ chức tôn giáo phải truyền bá những quy định và chính sách của Đảng Cộng sản Trung quốc,” các quy định mới cho biết.

Một thông báo ngắn trên website tiếng Anh của cơ quan truyền thông chính thức Trung hoa nói rằng Ban Tôn giáo đã đưa ra một bộ quy định về việc quản lý các nhóm tôn giáo.

“Trong sáu chương và 41 điều, những quy định bao gồm nội dung tổ chức, chức năng, giám sát và điều hành các nhóm tôn giáo,” hãng thông tấn Xinhua tường thuật. “Họ quy định rằng các phòng tôn giáo của chính quyền nhân dân là những cơ quan quản lý các nhóm tôn giáo, và thực hiện chức năng hướng dẫn và giám sát hoạt động của các nhóm.”

Tuy nhiên, AsiaNews đi vào chi tiết hơn, nói rằng mọi khía cạnh của đời sống các cộng đồng tôn giáo — chẳng hạn việc đào tạo, nhóm họp và các dự án thường niên và thường nhật — đều phải được sự chấp thuận của phòng tôn giáo cấp chính quyền.

“Ngoài việc kiểm soát rộng rãi tất cả các hoạt động cộng đồng, những quy định mới đòi hỏi các nhân viên tôn giáo phải hỗ trợ, thúc đẩy và thể hiện sự phục tùng trọn vẹn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng của họ,” AsiaNews nói. Chẳng hạn:

Điều 5 cho biết rằng “các tổ chức tôn giáo phải triệt để trung thành với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung quốc, tuân thủ hiến pháp, pháp luật, những quy định, và các chính sách, tuyệt đối trung thành với nguyên tắc độc lập và chính phủ tự trị, tuyệt đối trung thành với những chỉ thị về tôn giáo ở Trung quốc, áp dụng những giá trị của xã hội chủ nghĩa …”

Điều 17 thậm chí còn đòi hỏi nhiều hơn: “Các tổ chức tôn giáo phải truyền bá những quy định và chính sách của Đảng Cộng sản Trung quốc, cũng như những luật quốc gia, các điều lệ, luật định đối với nhân viên tôn giáo và các công dân tôn giáo, giáo dục nhân viên tôn giáo và các công dân tôn giáo ủng hộ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung quốc, ủng hộ hệ thống xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối trung thành và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với những đặc tính của người Trung quốc …”

“Về thực tế, tôn giáo của bạn không còn quan trọng nữa, dù bạn theo đạo Phật, Lão giáo, Hồi giáo hay Ki-tô giáo: tôn giáo duy nhất được cho phép là niềm tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc,” một linh mục Công giáo Trung Quốc giấu tên bình luận với AsiaNews.

Các quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng Hai. Họ hoàn tất duyệt xét lại “Những quy định về hoạt động tôn giáo” hai năm trước.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/1/2020]


Tại sao người Công giáo cúi đầu khi nghe danh thánh Chúa Giê-su

Tại sao người Công giáo cúi đầu khi nghe danh thánh Chúa Giê-su

Tại sao người Công giáo cúi đầu khi nghe danh thánh Chúa Giê-su

02 tháng Một, 2020

Tập tục lấy cảm hứng từ Kinh Thánh và được thiết lập bởi Đức Giáo hoàng Gregory X thuộc thế kỷ 13.

Trong Thánh Lễ người Công giáo thực hiện nhiều cử chỉ tôn thờ, và một trong những cử chỉ đã được thực hành rộng rãi suốt nhiều thế kỷ là thói quen cúi đầu khi nghe danh thánh Chúa Giê-su. Cho dù trong ít thập niên gần đây nó không được chú ý nhiều, nhưng việc cúi đầu vẫn được thực hiện một cách kính cẩn bởi nhiều tín hữu và một số linh mục.

Nguồn gốc của tập tục này ban đầu lấy cảm hứng từ những lời sau đây của Thánh Phaolo trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê.

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa. (Pl 2:9-11)

Nói một cách thực tế, việc bái quỳ mỗi khi nghe danh thánh Chúa Giê-su được đọc lên là khá khó khăn, vì thế Đức Giáo hoàng Gregory X tìm ra một giải pháp. Ngài viết về việc đó gửi đến Dòng Đa-minh năm 1274, bày tỏ mong muốn của ngài rằng cử chỉ này phải được thực hành để tôn kính danh thánh Chúa Giê-su.

Đoạn sau đây của thư được in trong quyển sách Cùng với Thiên Chúa: Sách Cầu nguyện và Suy niệm của Thánh Francis Xavier Lasance.

Gần đây, trong Công đồng được tổ chức tại Lyons, chúng tôi thấy thật đáng khen ngợi khi khuyến khích các tín hữu đi vào nhà Chúa với lòng khiêm nhường và sùng kính, và có thái độ phải lẽ trong khi ở đó, để được xứng đáng với ân ban của Thiên Chúa và sự soi sáng của Người.

Chúng tôi cũng xét thấy thật là đúng đắn khi thuyết phục các tín hữu thể hiện sự tôn kính hơn đối với Danh Thánh đó vượt trên mọi danh hiệu, là Danh Thánh duy nhất mà chúng ta khẩn cầu ơn cứu độ — Danh Thánh Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã cứu chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Do đó, để tuân theo huấn thị của Thánh Tông đồ, 'khi vừa nghe danh thánh Giê-su, muôn vật phải bái quỳ’, chúng tôi mong rằng khi Danh Thánh đó được đọc lên, nhất là trong Thánh Lễ, mọi người sẽ cúi đầu để thể hiện rằng người đó đang quỳ gối tôn thờ trong lòng.

Đức Giáo hoàng Gregory muốn rằng mọi người không chỉ tôn thờ Danh Thánh Chúa Giê-su, nhưng với tâm tình dâng mình lên Thiên Chúa bằng một cử chỉ yêu thương đơn sơ. Dòng Đa-minh đã nghiêm túc thực hiện yêu cầu này và trở thành những người quảng bá hàng đầu Danh Thánh Chúa Giê-su trong Giáo hội Công giáo, rao giảng về Danh Thánh, thành lập các Hội đoàn Danh Thánh, cũng như đặt các bàn thờ cung hiến cho Danh Thánh Chúa Giê-su.

Tập tục này là một cử chỉ đơn sơ và mang ý nghĩa phản ánh lại khao khát trong tâm hồn để tôn vinh Chúa Giê-su, là Danh Thánh duy nhất nhờ đó chúng ta được cứu độ.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/1/2020]