Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 30 THÁNG MƯỜI HAI, 2020

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 30 THÁNG MƯỜI HAI, 2020

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO NGÀY 30 THÁNG MƯỜI HAI, 2020

Thư viện Điện Tông tòa



Bài giáo lý về cầu nguyện - 20. Kinh nguyện tạ ơn


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, cha muốn tập trung vào kinh nguyện tạ ơn. Và cha lấy ý từ một chương được tường thuật bởi Thánh Luca Thánh sử. Khi Chúa Giêsu đang đi, mười người phong hủi tiến đến và van xin Ngài: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (17:13). Chúng ta biết rằng người bị phong hủi gánh chịu sự đau khổ không chỉ trên thân xác, mà cả sự gạt bỏ của xã hội và gạt bỏ của tôn giáo. Họ bị gạt ra ngoài lề. Chúa Giêsu không tránh gặp họ. Đôi khi, Ngài còn vượt qua cả những giới hạn do luật áp đặt và đụng chạm đến, ôm lấy và chữa lành người bệnh – là điều không được làm. Trong trường hợp này, không có sự tiếp xúc trực tiếp. Từ một khoảng cách, Chúa Giêsu mời họ đến trình diện với các tư tế (c. 14), là những người được luật chỉ định để chứng thực được chữa lành. Chúa Giêsu chẳng nói thêm điều gì. Ngài nghe thấy tiếng kêu xin của họ, Ngài nghe thấy tiếng kêu lòng thương xót, và Ngài liền sai họ đến với các tư tế.

Mười người phong hủi tin tưởng, họ không chờ ở đó cho đến khi được chữa lành, không: họ tin tưởng và ngay lập tức lên đường, và khi họ đang trên đường đi, họ được chữa lành, tất cả mười người được chữa lành. Do đó các tư tế có thể chứng thực họ đã được chữa lành và cho phép họ trở lại với đời sống bình thường. Nhưng đến đây một điểm quan trọng khác lại xảy ra: chỉ có một người trong nhóm trở lại cảm tạ Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa vì ơn đã được lãnh nhận, trước khi đến với các tư tế. Chỉ có một người, chín người kia tiếp tục con đường của họ. Và Chúa Giêsu chỉ ra rằng người đó lại là người Samari, một người “ngoại giáo” đối với người Do Thái thời đó. Chúa Giêsu bình luận: “Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (17:18). Lời nói này khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Theo một cách nói thì câu chuyện này chia thế giới thành hai nhóm: những người không cảm ơn và những người cảm ơn; những người đón lấy mọi thứ và xem như đó là món nợ đối với họ, và những người chào đón mọi điều như một món quà, một ân huệ. Sách Giáo lý nói: “mọi biến cố và mọi nhu cầu đều có thể trở thành dịp để dâng lời tạ ơn” (số 2638). Lời nguyện tạ ơn luôn luôn bắt đầu từ đây: chân nhận rằng ân sủng đến trước chúng ta. Chúng ta được nghĩ đến trước khi chúng ta học cách suy nghĩ; chúng ta được yêu thương trước khi chúng ta học cách yêu thương; chúng ta được ao ước trước khi tâm hồn chúng ta hình thành một ước ao. Nếu chúng ta nhìn đến cuộc sống theo cách này, thì “tạ ơn” sẽ trở thành sức mạnh dẫn lối cho ngày của chúng ta. Và không biết bao nhiêu lần chúng ta quên nói “cảm ơn.”

Với người Kitô hữu chúng ta, tạ ơn là một tên gọi được đặt cho Bí tích quan trọng nhất: Bí tích Thánh Thể. Thật ra, theo từ ngữ Hy lạp, nghĩa chính xác là: tạ ơn, eucharist: tạ ơn. Người Kitô hữu, cũng như tất cả các tín đồ, chúc tụng Chúa vì ơn sự sống. Trên hết sống là đã đón nhận. Trên hết sống là đã đón nhận: đã đón nhận sự sống! Tất cả chúng ta được sinh ra vì có người muốn chúng ta có sự sống. Và đây mới chỉ là khoản nợ đầu tiên trong một chuỗi dài nhiều món nợ của chúng ta đối với sự sống. Những món nợ ân nghĩa. Trong cuộc sống của chúng ta, có những người nhìn đến chúng ta với đôi mắt trong sạch, một cách nhưng không. Thường thường, đó là những nhà giáo, những giáo lý viên, những người thực hiện vai trò của họ vượt xa và vượt nhiều hơn những gì đòi hỏi nơi họ. Và họ khiến chúng ta phải biết ơn. Ngay cả tình bạn cũng là một món quà mà chúng ta phải luôn biết ơn.

Lời “cảm ơn” mà chúng ta phải liên tục nói, lời cảm ơn mà người Kitô hữu chúng ta chia sẻ với mọi người, phát triển trong sự gặp gỡ với Chúa Giêsu. Các Tin mừng kể rằng khi Chúa Giêsu đi qua, Ngài thường khơi dậy niềm vui và sự ngợi khen Thiên Chúa nơi những người Ngài gặp. Các trình thuật Tin mừng có rất nhiều người cầu nguyện cảm xúc dâng tràn trước sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Và chúng ta cũng được kêu gọi dự phần trong niềm vui khôn tả này. Chương kể về mười người phong hủi được chữa lành cũng nói lên điều này. Chắc chắn tất cả họ đều vô cùng vui sướng vì đã được phục hồi sức khỏe, cho phép họ chấm dứt tình trạng bị buộc phải cách ly vô thời hạn khỏi cộng đồng. Nhưng trong số họ, có một người trải nghiệm thêm một niềm vui: ngoài việc được chữa lành, anh ta vui mừng vì được gặp Chúa Giêsu. Anh ta không những được giải thoát khỏi sự dữ, mà giờ đây anh ta có niềm tin chắc chắn rằng mình được yêu thương. Đây là điểm chính: khi anh chị em cảm ơn một người, nói lời cảm ơn, anh chị em bày tỏ niềm tin rằng anh chị em được yêu thương. Và đây là một bước đi lớn: có niềm tin chắc chắn rằng anh chị em được yêu thương. Đó chính là khám phá ra rằng tình yêu là sức mạnh điều khiển thế giới – như thi sĩ Dante nói: Tình yêu “làm chuyển động mặt trời và những ngôi sao khác” (Paradise (Thiên đàng), XXXIII, 145). Chúng ta không còn là những kẻ thang thang vật vờ đi đây đi kia, không: chúng ta có một ngôi nhà, chúng ta cư ngụ trong Đức Kitô, và trong “sự cư ngụ” đó chúng ta chiêm ngưỡng thế giới hiện ra xinh đẹp vô cùng trước mắt chúng ta. Chúng ta là những người con của tình yêu, chúng ta là những anh chị em của tình yêu. Chúng ta là những người nam và nữ cảm ơn.

Vì thế, thưa anh chị em, chúng ta hãy tìm cách luôn duy trì trong niềm vui của việc được gặp Chúa Giêsu. Ngược lại, ma quỷ sau khi đã lừa dối chúng ta – bằng bất cứ cám dỗ nào – luôn để lại cho chúng ta sự buồn bã và cô đơn. Nếu chúng ta ở trong Đức Kitô, không có tội nào và không có sự đe dọa nào có thể ngăn cản chúng ta luôn có niềm vui trên hành trình, cùng với nhiều bạn đồng hành trên đường.

Trên hết, chúng ta đừng quên cảm ơn: nếu chúng ta là những người mang lòng biết ơn, thế giới sẽ trở nên tốt hơn, cho dù chỉ là một chút, nhưng như vậy cũng đủ để truyền tải một chút hy vọng. Thế giới cần niềm hy vọng. Và với lòng biết ơn, với thói quen nói lời cảm ơn, chúng ta truyền tải một tia hy vọng. Mọi sự đều được hợp nhất và mọi sự đều được liên kết, và tất cả mọi người cần phải thực hiện phần việc của mình ở bất kỳ nơi nào chúng ta sống. Con đường hạnh phúc là con đường Thánh Phaolô miêu tả ở cuối một bức thư của ngài: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5:17-19). Đừng dập tắt Thần Khí, một dự án sống tuyệt đẹp! Đừng dập tắt Thần Khí có trong lòng chúng ta dẫn chúng ta đến sự biết ơn. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Ước mong rằng từng người anh chị em, và gia đình anh chị em, trân quý niềm vui của mùa Giáng sinh này và qua việc cầu nguyện sẽ đến gần Đấng Cứu Thế là Đấng đã đến để cư ngụ giữa chúng ta. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

____________________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm qua, một trận động đất ở Croatia đã gây ra các nạn nhân và thiệt hại nghiêm trọng. Cha bày tỏ sự gần gũi với những người bị thương và những người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất và cha cầu nguyện đặc biệt cho những người đã chết, và cho gia đình của họ. Cha hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của đất nước, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, có thể nhanh chóng xoa dịu nỗi đau khổ của người dân Croatia thân yêu.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/12/2020]


Những vị tử vì đạo của năm 2020: các môn đệ tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô

Những vị tử vì đạo của năm 2020: các môn đệ tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô

Những vị tử vì đạo của năm 2020: các môn đệ tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô

Enrique Vidal Flores/Unsplash | CC0

John Burger

26/12/20


Sự bách hại người Kitô hữu dẫn đến hy sinh cuối cùng ở Nigeria và Pháp.

Có thể nó chưa tăng đến mức độ của năm 2019, khi 29 nhà truyền giáo đã hy sinh mạng sống trên khắp thế giới, nhưng năm 2020 chắc chắn cũng có những vị tử đạo.

Gần đầu năm, niềm hy vọng biến thành nỗi buồn khi tin cho hay rằng một chủng sinh 19 tuổi người Nigeria tên Michael Ndadi, một trong bốn chủng sinh bị bắt cóc tại trường, đã bị giết.

Đức Giám mục Matthew Hassan Kukah thuộc thành phố Sokoto, cho biết trong thông cáo ngày 1 tháng Hai, “Với tâm hồn nặng trĩu, tôi xin thông báo với anh chị em rằng người con thân yêu của chúng ta, thầy Michael [Ndadi], đã bị sát hại bởi những kẻ cướp vào ngày chưa được xác định.”

Bốn chủng sinh đã bị bắt cóc ngày 8 tháng Một, nhưng ba chủng sinh được thả vào cuối tháng. Người Công giáo Nigeria hy vọng chủng sinh thứ tư được thả, nhưng rồi tin xấu ập đến.

Nigeria tiếp tục là nguồn những tin xấu, đặc biệt vào giữa tháng Bảy, khi năm nhân viên cứu trợ bị giết bởi Nhà nước Hồi giáo trong tỉnh Tây Phi (ISWAP), một nhánh của Boko Haram trong vùng đông bắc Nigeria.

Trong video, các tay chiến binh nói rằng những vụ hành quyết là một sự cảnh cáo “tất cả những kẻ bị lợi dụng bởi những kẻ ngoại đạo cải từ đạo Hồi sang Kitô giáo.”

Ở Châu Âu cũng tương tự, một số người Kitô hữu bị mất mạng vì làm chứng cho đức tin. Ngày 29 tháng Mười, một nghi can khủng bố người Hồi giáo đã giết ba người đang thờ phượng trong Vương cung Thánh đường Đức Bà ở Nice, Pháp.

Brahim Aoussaoui, 21, người Tunisia, đã vào Pháp sau chuyến đi trên một con thuyền di cư tới nước Ý hồi tháng Chín, được cho là chém ba người đến chết bằng một con dao dài khoảng 30 cm, dường như để trả lời cho sự bênh vực của Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp dành cho một giáo viên là người đã trưng ra những bức biếm họa về Tiên tri Muhammad. Người giáo viên trước đó đã bị cắt cổ bởi một tay cực đoan khác.

Tại Nice, ba nạn nhân là Simone Barreto Silva, một người mẹ 44 tuổi của ba đứa con; một phụ nữ 60 tuổi đến nhà thờ cầu nguyện; và Vincent Loquès, người trông coi nhà thờ 55 tuổi.

Nhân ngày Lễ Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi vì Đức Kitô, chúng ta cầu xin rằng những vị tử đạo mới này chuyển cầu cho Giáo hội hôm nay.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2020]


Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Đức Thánh Cha ca ngợi chứng tá của Thánh Stêphanô tại giờ Kinh Truyền tin (Toàn văn)

Đức Thánh Cha ca ngợi chứng tá của Thánh Stêphanô tại giờ Kinh Truyền tin (Toàn văn)

© Vatican Media

Đức Thánh Cha ca ngợi chứng tá của Thánh Stêphanô tại giờ Kinh Truyền tin (Toàn văn)

Ngày Lễ vị Tử đạo tiên khởi

26 tháng Mười Hai, 2020 16:32

JIM FAIR


Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi chứng tá của Thánh Stêphanô — vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội — trong ngày Lễ kính Thánh nhân, 26 tháng Mười Hai năm 2020.

Giảng huấn từ Thư viện của Điện Tông tòa trước giờ đọc Kinh Truyền tin buổi trưa, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu đang lắng nghe qua phương tiện truyền thông xã hội trên toàn thế giới rằng “người làm chứng cho Chúa Giêsu chiếu soi bằng ánh sáng của Ngài, không bằng ánh sáng của riêng họ.”

Đức Thánh Cha tiếp tục nhắc lại rằng Thánh Stêphanô là người vô tội, một nạn nhân của lòng thù hận. Ngài chịu đựng cái chết khủng khiếp do bị ném đá, nhưng vẫn để ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu tỏa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Ngài cầu nguyện cho những kẻ giết ngài và tha thứ cho họ, như Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài là vị tử đạo đầu tiên, tức là chứng nhân đầu tiên, là người đầu tiên trong số rất nhiều anh chị em, những người cho đến tận ngày nay, vẫn tiếp tục mang ánh sáng vào trong bóng tối – những người đáp trả sự dữ bằng sự thiện, những người không khuất phục bạo lực và những dối trá, nhưng đã phá vỡ vòng xoáy của thù hận bằng sự nhân từ và yêu thương. Trong đêm đen của thế gian, những chứng nhân này mang đến bình minh của Thiên Chúa.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh).


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm qua nói về Chúa Giêsu, là “ánh sáng thật” đến thế gian, ánh sáng “chiếu soi trong bóng tối” và “bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:9, 5). Hôm nay, chúng ta nhìn thấy con người làm chứng cho Chúa Giêsu, Thánh Stêphanô, người đã chiếu soi trong bóng tối. Những người làm chứng cho Chúa Giêsu chiếu soi bằng ánh sáng của Ngài, không bằng ánh sáng của riêng họ. Ngay cả Giáo hội cũng không có ánh sáng của riêng mình. Vì điều này mà các giáo phụ xưa gọi Giáo hội là: “sự huyền diệu của mặt trăng.” Giống như mặt trăng, bản thân nó không có ánh sáng, những chứng nhân này cũng không có ánh sáng của riêng họ, họ có khả năng mặc lấy ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu lại. Thánh Stêphanô đã bị cáo gian và bị ném đá một cách tàn ác, nhưng trong bóng tối của sự thù hận (chính là sự thống khổ của việc ném đá ngài), ngài cho phép ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu soi: ngài cầu nguyện cho những kẻ giết ngài và tha thứ cho họ, như Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài là vị tử đạo đầu tiên, tức là chứng nhân đầu tiên, là người đầu tiên trong số rất nhiều anh chị em, những người cho đến tận ngày nay, vẫn tiếp tục mang ánh sáng vào trong bóng tối – những người đáp trả sự dữ bằng sự thiện, những người không khuất phục bạo lực và những dối trá, nhưng đã phá vỡ vòng xoáy của thù hận bằng sự nhân từ và yêu thương. Trong đêm đen của thế gian, những chứng nhân này mang đến bình minh của Thiên Chúa.

Nhưng họ trở thành những chứng nhân như thế nào? Bằng cách noi gương Chúa Giêsu, đón nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đây là con đường cho mọi người Kitô hữu: noi gương Chúa Giêsu, đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô cho chúng ta tấm gương: Chúa Giêsu đã đến để phục vụ, không đến để được phục vụ (xem Mc 10:45), và Ngài sống để phục vụ, không sống để được phục vụ, và Ngài đến để phục vụ: Stêphanô đã được chọn trở thành một phó tế, ngài trở thành một phó tế, nghĩa là một người phục vụ, và trợ giúp người nghèo tại bàn ăn (xem Cv 6:2). Ngài cố gắng noi gương Chúa hằng ngày và ngài đã làm như vậy cho đến phút cuối cùng: như Chúa Giêsu, ngài bị bắt, bị kết án, và bị giết bên ngoài thành, và cũng như Chúa Giêsu, ngài cầu nguyện và tha thứ. Khi ngài đang bị ném đá, ngài thưa: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (7:60). Thánh Stêphanô là một chứng nhân vì ngài đã noi gương Chúa Giêsu.

Một câu hỏi có thể được đặt ra: những chứng nhân cho sự tốt lành này có thật sự cần thiết khi thế gian chìm trong sự gian ác? Cầu nguyện và tha thứ có ích gì? Chỉ để đưa ra một tấm gương tốt lành thôi sao? Nhưng việc đó phục vụ cho điều gì? Không, có nhiều hơn thế. Chúng ta khám phá ra điều này từ một chi tiết. Văn bản kể rằng trong số những người mà Thánh Stêphanô cầu nguyện và tha thứ, có “một thanh niên tên là Saolô” (c. 58), là người đã “tán thành việc giết Stêphanô” (8:1). Chẳng bao lâu sau, nhờ ơn Chúa, Saolô đã hối cải, đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu, chấp nhận ánh sáng, trở lại, và trở thành Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Phaolô được sinh ra nhờ ân sủng của Chúa, nhưng qua sự tha thứ của Stêphanô, qua chứng tá của Stêphanô. Đó chính là hạt giống cho sự trở lại của ông. Đây là bằng chứng cho thấy những hành động yêu thương làm thay đổi lịch sử: ngay cả những hành động nhỏ bé, thầm kín, mỗi ngày. Vì Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử qua sự can đảm khiêm nhường của những người cầu nguyện, yêu thương, và tha thứ. Có quá nhiều vị thánh thầm lặng, những vị thánh hàng xóm, những chứng nhân thầm lặng của cuộc sống, những người làm thay đổi lịch sử bằng các hành động yêu thương nhỏ bé.

Để trở thành những chứng nhân cho Chúa Giêsu – điều này cũng đúng với chúng ta. Chúa muốn chúng ta làm cho đời sống của mình trở thành những kiệt tác qua các điều bình thường, những điều chúng ta làm hàng ngày. Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho Chúa Giêsu ngay tại nơi chúng ta sống, trong gia đình, tại nơi làm việc, mọi nơi, thậm chí chỉ bằng cách trao tặng ánh sáng của một nụ cười, một ánh sáng không phải của riêng chúng ta – nó xuất phát từ Chúa Giêsu – và thậm chí chỉ bằng cách thoát khỏi bóng đen của câu chuyện đồn thổi và nói hành nói xấu. Và rồi, khi chúng ta nhìn thấy điều gì đó không nên không phải, thay vì chỉ trích, nói hành nói xấu, và kêu ca than phiền, chúng ta hãy cầu nguyện cho người đã phạm sai lỗi và cho hoàn cảnh khó khăn. Và khi sự cãi vã nổ ra trong nhà, thay vì cố tìm cách chiếm phần thắng, thì chúng ta hãy cố bỏ qua nó; và bắt đầu trở lại, tha thứ cho người đã xúc phạm. Những điều nhỏ bé, nhưng chúng thay đổi lịch sử vì chúng mở ra cánh cửa, chúng mở cánh cửa đón ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô, khi ngài đang nhận những hòn đá của lòng thù hận, đã đáp lại bằng những lời tha thứ. Do đó ngài đã thay đổi lịch sử. Chúng ta cũng có thể biến đổi sự dữ thành điều tốt lành mỗi lần giống như một câu châm ngôn đẹp nói rằng: “Hãy trở nên giống cây cọ: họ ném đá vào nó và nó rơi những quả ngon xuống.”

Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người đang chịu bắt bớ vì danh Chúa Giêsu. Họ có rất nhiều, nhiều hơn cả lúc ban đầu của Giáo hội. Chúng ta hãy phó dâng những anh chị em này lên Đức Mẹ, để họ có thể đáp trả sự áp bức bằng lòng nhân từ, và để làm những chứng nhân thật sự cho Chúa Giêsu, họ có thể chiến thắng sự dữ bằng điều thiện.

_________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm, và những cá nhân tín hữu đang theo dõi giờ cầu nguyện này qua phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta phải làm như thế này để tránh mọi người đến Quảng trường. Nhờ đó, chúng ta cộng tác với những quy định mà các nhà chức trách đã đưa ra, để giúp tất cả chúng ta tránh được đại dịch.

Ước mong không khí hân hoan của Giáng sinh hôm nay tiếp tục đổ đầy tâm hồn chúng ta, nhóm lên trong lòng mọi người niềm khát khao chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Máng cỏ, để phục vụ Ngài và yêu mến Ngài nơi những người gần bên chúng ta.

Trong những ngày này, cha đã nhận được các lời chúc Giáng sinh từ Roma và những nơi khác trên thế giới. Thật không thể trả lời được tất cả, nhưng cha muốn nhân cơ hội này bày tỏ lòng cảm kích, đặc biệt về món quà cầu nguyện mà anh chị em đã dâng lên cho cha, và cha cũng sẽ dâng lời cầu nguyện cho anh chị em.

Chúc anh chị em Ngày Lễ Thánh Stêphanô hạnh phúc. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/12/2020]


Những lời khuyên đơn giản của Đức Benedict XVI về cách để trở thành người cha người mẹ tốt hơn

Những lời khuyên đơn giản của Đức Benedict XVI về cách để trở thành người cha người mẹ tốt hơn

Những lời khuyên đơn giản của Đức Benedict XVI về cách để trở thành người cha người mẹ tốt hơn

Franco Oliglia | Getty Images

Kathleen N. Hattrup

31/12/17

Ơn gọi yêu thương là một ơn gọi tuyệt vời … 

“Thường xuyên cầu nguyện xin sự trợ giúp của Đức Maria Đồng trinh, và Thánh Giuse, để các ngài dạy cho anh chị em biết đón nhận tình yêu của Thiên Chúa như các ngài.”

Đây là một lời kêu gọi trong bài giảng của Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Đại hội Gia đình Thế giới năm 2012. Nó đáng để chúng ta đọc lại.

Cầu xin ơn biết học tập — không phải là cách làm những điều vĩ đại hay hoàn thành những kế hoạch một cách hoàn hảo hoặc dạy cho con cái cách đứng đầu lớp, hoặc căn nhà sạch sẽ nhất hay là giấc ngủ ngon nhất — nhưng là cách đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Đơn giản, nhưng có tác dụng biến đổi.

Ngài tiếp tục nói: “Không dễ để sống ơn gọi của anh chị em, đặc biệt là ngày nay, nhưng ơn gọi yêu thương là một ơn gọi tuyệt vời — nó là sức mạnh duy nhất có thể thật sự làm biến đổi vũ trụ, thế giới.”

Phát triển trong tình yêu

Đức Giáo hoàng cũng đưa ra một số “con đường để phát triển trong tình yêu”:

— duy trì một mối tương quan liên tục với Thiên Chúa và tham gia vào đời sống của Giáo hội.

— nuôi dưỡng đối thoại,

— tôn trọng quan điểm của người khác,

— sẵn sàng phục vụ và kiên nhẫn với những vấp ngã của người khác,

— tha thứ và tìm kiếm sự tha thứ,

— vượt qua bất kỳ xung khắc nào có thể nảy sinh bằng sự khôn ngoan và lòng khiêm nhường,

— đồng thuận về những nguyên tắc giáo dục,

— cởi mở với các gia đình khác, chú ý đến người nghèo, và có trách nhiệm với xã hội dân sự.

“Đây là tất cả các yếu tố xây dựng nên một gia đình. Hãy can đảm sống những yếu tố đó, và chắc chắn rằng với mức độ anh chị em sống yêu thương nhau và yêu thương tất cả mọi người cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa, anh chị em trở thành một Tin mừng sống, một Giáo hội tại gia thật sự.”

Các bạn đọc toàn văn bài giảng ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/12/2020]


Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha ngày Lễ Thánh Gia thất

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha ngày Lễ Thánh Gia thất

© Vatican Media

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha ngày Lễ Thánh Gia thất

Thông báo năm suy tư Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu)

27 tháng Mười Hai, 2020 13:42

ZENIT STAFF


Trong huấn từ Kinh Truyền Tin ngày Lễ Thánh Gia — 27 tháng Mười Hai — Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý về việc kỷ niệm sắp tới của Tông huấn Amoris Laetitia, được công bố 5 năm trước, vào ngày 19 tháng Ba năm 2021. Trong bối cảnh đó, ngài thông báo một năm suy tư về tài liệu và cho biết những suy tư đó sẽ được gửi đến các cộng đoàn và gia đình trên toàn thế giới.

“Hiện tại, cha mời gọi mọi người cùng tham gia vào các sáng kiến sẽ được thúc đẩy trong Năm và sẽ được điều phối tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống,” Đức Thánh Cha nói. Ngài giảng huấn trong Thư viện của Điện Tông tòa do những giới hạn đại dịch đang được áp dụng.


Dưới đây là toàn văn huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản Tiếng Anh).


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Một vài ngày sau Giáng sinh, phụng vụ mời gọi chúng ta hướng mắt về Gia đình Thánh của Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và Thánh Giuse. Thật đẹp khi chúng ta suy tư về sự thật rằng Con Thiên Chúa muốn có hơi ấm của một gia đình, như mọi trẻ em khác. Chính vì lý do này, và vì đó là gia đình của Chúa Giêsu, gia đình Nadarét là gia đình gương mẫu, trong đó tất cả các gia đình trên thế giới có thể tìm thấy điểm tham chiếu chắc chắn và nguồn cảm hứng vững chắc cho họ. Tại Nadarét, mùa xuân của đời sống con người của Con Thiên Chúa bắt đầu trổ hoa tại thời điểm khi Ngài được thụ thai trong cung lòng đồng trinh của Đức Maria bởi công việc của Chúa Thánh Thần. Phía trong những bức tường chào đón của Ngôi nhà Nadarét, tuổi thơ của Chúa Giêsu lớn lên trong niềm vui, được quấn quít bởi sự săn sóc của tình mẫu tử của Mẹ Maria và sự chăm lo của Thánh Giuse, qua đó Chúa Giêsu có thể nhìn thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa (x. Tông thư Patris Corde, 2).

Noi gương Gia đình Thánh, chúng ta được kêu gọi để tái khám phá giá trị giáo dục của gia đình: nó phải được xây dựng trên tình yêu để luôn luôn tạo ra những mối quan hệ, mở ra những chân trời hy vọng. Trong gia đình, người ta có thể trải nghiệm về tình hiệp thông chân thành khi nó là một căn nhà cầu nguyện, khi những tình cảm là chân thành, sâu sắc, thuần khiết, khi sự tha thứ sẽ chiến thắng những xích mích, khi sự nghiệt ngã của cuộc sống hàng ngày được xoa dịu bởi sự dịu dàng với nhau và trung thành theo thánh ý Chúa. Bằng cách này, gia đình mở ra để đón nhận niềm vui mà Chúa ban tặng cho tất cả những ai biết cho đi một cách vui vẻ. Đồng thời, gia đình tìm được sức mạnh tinh thần để mở ra với thế giới bên ngoài, với người khác, để phục vụ anh chị em, để cộng tác xây dựng một thế giới luôn mới và tốt đẹp hơn; từ đó có thể trở thành gia đình truyền cảm hứng tích cực; gia đình truyền giáo bằng chính tấm gương đời sống. Đúng là trong mọi gia đình đều có các vấn đề, và có những lúc tranh cãi. “Và thưa Cha, con đã cãi nhau …” nhưng chúng ta là con người, chúng ta yếu đuối, và có những lúc chúng ta cãi vã với gia đình. Cha có lời muốn nói với anh chị em: nếu trong gia đình anh chị em cãi nhau, đừng bao giờ để ngày đó trôi qua mà không tạo hòa bình. “Vâng, tôi đã cãi nhau.” nhưng trước khi ngày kết thúc, hãy xây hòa bình. Và anh chị em có biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh, ngày này sang ngày khác, là vô cùng nguy hiểm. Nó chẳng giúp ích gì. Và rồi trong gia đình, có ba từ ngữ, ba cụm từ luôn luôn là gia tài quý: “Làm ơn”, “Cảm ơn”, và “Anh/Em… xin lỗi”. “Làm ơn”, để không xâm phạm vào đời sống của người khác. Làm ơn: anh/em/con có thể làm việc này không? Anh/Em/Con làm việc này có ảnh hưởng gì tới em/anh/cha mẹ không? Làm ơn. Luôn luôn, để không bắt người khác phải chịu đựng mình. “Làm ơn” là lời đầu tiên. “Cảm ơn”: vô cùng hữu ích, có quá nhiều sự phục vụ dành cho chúng ta trong gia đình: hãy luôn nói câu “cảm ơn.” Biết ơn là nguồn sống của tâm hồn cao thượng. “Cảm ơn.” Và rồi đến lời khó nói nhất: “Anh/Em … xin lỗi”. Vì chúng ta luôn làm những điều không tốt và nhiều lúc có người sẽ cảm thấy bị xúc phạm vì nó: “Anh/Em … xin lỗi,” “Anh/Em … xin lỗi”. Đừng quên ba lời nói này: “làm ơn”, “cảm ơn”, và “anh/em … xin lỗi”. Nếu trong một gia đình, trong không khí gia đình có ba lời nói này, gia đình sẽ hòa thuận.

Ngày Lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta về mẫu gương truyền giáo của gia đình, một lần nữa đề nghị cho chúng ta lý tưởng của tình yêu hôn nhân và gia đình, như được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris Laetitia, được công bố 5 năm trước vào ngày 19 tháng Ba. Và năm sắp tới sẽ là năm suy tư về Tông huấn Amoris Laetitia và nó sẽ là cơ hội để tập trung sâu hơn vào nội dung của tài liệu. Những suy tư này sẽ được gửi đến các cộng đoàn và gia đình, để đồng hành với họ trên hành trình. Hiện tại, cha mời gọi mọi người cùng tham gia vào các sáng kiến sẽ được thúc đẩy trong Năm và sẽ được điều phối tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống. Chúng ta hãy phó thác hành trình này, cùng với tất cả các gia đình trên toàn thế giới, cho Gia đình Thánh Nadarét, đặc biệt phó dâng cho Thánh Giuse, người chồng và người cha tận tụy.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, bây giờ chúng ta đọc Kinh truyền tin dâng lên Mẹ, ban ơn để các gia đình trên toàn thế giới ngày càng được cuốn hút hơn bởi lý tưởng phúc âm của Gia đình Thánh, để trở nên lớp men cho một nhân loại mới và tình đoàn kết phổ quát và đích thực.

____________________________________________

Sau Kinh truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm, và các cá nhân tín hữu, những anh chị em đang theo dõi Kinh truyền tin qua phương tiện truyền thông xã hội. Ý nghĩ của cha đặc biệt hướng về các gia đình, trong những tháng này, đã bị mất người thân hoặc bị ảnh hưởng bởi những hậu quả của đại dịch. Cha cũng nghĩ đến các bác sĩ, y tá, và tất cả các chuyên gia y tế với mẫu gương lớn lao trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống sự lây lan virus đã có những tác động lớn đến đời sống gia đình.

Và hôm nay cha phó thác tất cả các gia đình cho Chúa, đặc biệt những gia đình bị thử thách nhiều nhất do những khó khăn của cuộc sống và do những hậu quả của sự hiểu lầm và chia rẽ. Xin Chúa, Đấng đã sinh ra tại Bêlem, ban cho họ sự bình an và sức mạnh để cùng tiến bước trên con đường tốt lành.

Và đừng quên ba cụm từ này sẽ có tác dụng rất tốt để đạt được sự hiệp nhất gia đình: “Làm ơn” – để không bắt người khác phải chịu đựng mình, để tôn trọng người khác – “Cảm ơn” – để cảm ơn nhau. Và lời xin lỗi – khi chúng ta sai lỗi, hoặc khi chúng ta cãi nhau – xin hãy nói lên lời đó trước khi ngày kết thúc: hãy tạo hòa bình trước khi ngày kết thúc.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/12/2020]


Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

Những vị thánh đem lại đức tin cho cha mẹ

http://www.carloacutis.com | Antoine Mekary/ALETEIA

Meg Hunter-Kilmer

19/12/20

Vâng, thường thường chính cha mẹ là người truyền đức tin cho con cái của họ. Nhưng không phải luôn luôn như vậy!

Khi các gia đình trên khắp thế giới sum họp (trực tiếp hoặc qua internet) để mừng ngày sinh của Đức Kitô, nhiều gia đình cảm thấy những cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng vì niềm tin khác nhau của các thành viên trong gia đình. Trong khi một số gia đình có thể không có những tranh cãi về sự khác biệt này, những người yêu mến Chúa Giêsu chúng ta có thể vô cùng chán nản khi chúng ta trải qua hết năm này đến năm khác nhìn thấy người thân yêu của chúng ta sống xa cách Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài. Có nhiều vị thánh cầu nguyện cho con cái của họ hối cải (nổi bật là Thánh Monica), nhưng trường hợp ngược lại thì có thể phải tế nhị hơn, khi con cái khao khát và hy vọng cha mẹ mình sống trọn vẹn đức tin Công giáo. Thật may mắn, có một vị thánh cho trường hợp này: những người nam và nữ thánh thiện có đời sống và chứng tá đã đưa cha mẹ của họ (và thậm chí là cha mẹ chồng/vợ) trở về với Chúa Giêsu.

Chân phước Columba Kang Wan-suk (1761-1801) sinh ngoài giá thú trong một gia đình quý tộc. Sau khi trở thành vợ và là mẹ kế của Chân phước Philip Hong Pil-ju, chân phước trở thành một người Công giáo và đã đưa người con riêng của chồng và mẹ chồng về với Chúa Kitô, cùng với con gái của Chân phước. Khi người chồng bỏ Chân phước để theo vợ lẽ, mẹ chồng của Columba quyết định ở lại với Chân phước, rất biết ơn vì sự ảnh hưởng tinh thần của cô con dâu trước; con trai riêng của chồng Columba cũng vậy, đã chọn ở lại với người vợ cũ của cha mình, sốt sắng với cộng đoàn Kitô giáo. Khi chồng bỏ đi, nhà của Columba trở thành trung tâm hoạt động cho Giáo hội bí mật. Chân phước Clumba dành phần đời còn lại để truyền giáo và dạy giáo lý, là người bảo trợ cho một linh mục Hàn quốc (bị săn lùng), và là trung tâm của cộng đoàn, trước khi chịu tử đạo ở tuổi 40.

Chân phước Luke Hwang Sŏk-tu (1811-1866) là con một của một gia đình thượng lưu quý tộc. Ngài được mong chờ sẽ tiến lên những vị trí cao trong triều đình, nhưng được nghe Tin mừng rao giảng khi ngài đi thi tuyển đầu vào, liền trở về nhà thông báo rằng ngài đã bỏ thi để học biết về Chúa Giêsu. Ngài bị thân phụ đánh nhưng vẫn không chịu từ bỏ niềm tin. Chẳng bao lâu sau, Chân phước Luke đã đưa vợ mình trở về Công giáo, điều làm xúc phạm đến phụ thân và bị đe dọa có người hãm hại. Cuối cùng, Luke giữ im lặng, không chịu nói chuyện trong suốt hai năm. Gia đình Chân phước bằng mọi cách cố hàn gắn sự im lặng của Chân phước, nhưng cuối cùng chịu đầu hàng trước tính bướng bỉnh của chân phước và đồng ý học hỏi đức tin. Họ đã trở lại, kể cả người cha cực lực chống đối Công giáo. Khi bị bắt, Chân phước Luke tiếp tục rao giảng Phúc âm cho các tù nhân cho đến khi chịu tử đạo.

Thánh Kizito (1872-1886) là một cậu bé phục vụ tại triều đình của kabaka (vua) Buganda. Dù được nuôi nấng bởi cha mẹ ngoại giáo, Kizito bị cuốn hút bởi Công giáo và tìm đến phép rửa tội ngay sau khi vào cung. Khi cậu chống cự lại sự quấy rối và tấn công tình dục của vua, Kizito bị bắt cùng với những người Kitô hữu khác trong triều và chịu tử đạo. Mặc dù cha mẹ của thánh nhân bị suy sụp vì mất đứa con, nhưng Kizito chết trong niềm vui quá lớn đến mức cha của thánh nhân là Lukomera bắt đầu đặt vấn đề về niềm tin đã có thể lay động con trai mình. Dù ông Lukomera từ lâu chống đối Công giáo để cưới được nhiều vợ, nhưng chẳng bao lâu sau ông đã tìm hiểu về tôn giáo của Kizito và trở thành một người Công giáo, và rồi một giáo lý viên đã đưa cả làng trở lại đạo.

Tôi tớ Chúa Maurice Michael Otunga (1923-2003) là con trai của một tù trưởng Bakhone ở Kenya. Cha của ngài có hàng chục người vợ, nhưng đã chọn Otunga làm người kế vị. Khi Otunga muốn được rửa tội năm 12 tuổi, cha của ngài đã từ chối suốt một thời gian, nhưng cuối cùng vẫn bằng lòng. Khi cậu thiếu niên muốn vào chủng viện, cha cậu giữ im lặng trong suốt 24 giờ, sau đó nói rằng cậu có thể đi nhưng chắc chắn sẽ bỏ. Mặc dù tù trưởng dành nhiều năm tiếp theo để thuyết phục Otunga từ bỏ ơn gọi của mình và trở về nhà để lãnh đạo bộ tộc, Otunga đã được thụ phong linh mục, sau đó trở thành giám mục khi mới 33 tuổi. Gần 30 năm sau khi Otunga trở lại đạo, cha mẹ của ngài cũng đã được rửa tội, và cuối cùng bây giờ họ tự hào về ơn gọi của người con trai họ. Otunga là một nhà hoạt động mạnh mẽ cho công bằng xã hội và bảo vệ sự sống và đã làm việc với các nhà lãnh đạo Hồi giáo địa phương để phản đối việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngài đã trở thành hồng y đầu tiên người Kenya.

Chân phước Carlo Acutis (1991-2006) được nuôi dưỡng bởi cha mẹ người Ý không thực hành niềm tin. Tuy nhiên, khi học biết về Chúa Giêsu từ người bảo mẫu của mình, Carlo đã theo đạo ngay khi còn là một trẻ mẫu giáo. Cậu bắt đầu yêu cầu mẹ đưa mình đi viếng Mình Thánh Chúa, một việc có lẽ bà chẳng bao giờ làm. Chẳng bao lâu, bà trở lại thực hành đức tin của mình và thậm chí còn ghi danh vào các lớp thần học, để trả lời tốt hơn cho các câu hỏi của cậu bé Carlo. Bà nói, “Nó như vị cứu tinh nhỏ của tôi”, ý thức trọn vẹn rằng sự trở lại của bà đến từ tấm gương của đứa con thánh thiện của mình. Carlo nổi tiếng yêu mến các phép lạ Thánh Thể và đã xây dựng một trang web chia sẻ những phép lạ đó với thế giới trước khi qua đời đột ngột vì bệnh bạch cầu năm 15 tuổi.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2020]


Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Bộ tượng nhỏ Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến được trưng bày tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Bộ tượng nhỏ Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến được trưng bày tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Bộ tượng nhỏ cảnh Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến được trưng bày tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả
Cảnh Chúa Giáng sinh được Đức Giáo hoàng Nicholas IV yêu cầu làm năm 1292. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

Courtney Mares

Rome Newsroom, 23 tháng Mười Hai, 2020 / 11:00 am MT (CNA). - Bộ tượng nhỏ cảnh Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến hiện đang được trưng bày trong mùa Giáng sinh này tại một trong những vương cung thánh đường lâu đời nhất của Roma.

Nhà nguyện Giáng sinh dưới lòng đất trong Vương cung Thánh Đường Đức Bà Cả - người Ý gọi là Santa Maria Maggiore - đã từng sở hữu ít nhất sáu tượng giáng sinh bằng cẩm thạch được điêu khắc bởi nhà điêu khắc Arnolfo di Cambio vào cuối thế kỷ 13.

Từ ngày 22 tháng Mười Hai, công chúng sẽ có thể chiêm ngưỡng những bức tượng giáng sinh nhỏ này trong nhà nguyện Sistine của Vương Cung Thánh đường Đức Bà, nằm phía bên phải bàn thờ chính.

Những tượng nhỏ này được Đức Giáo hoàng Nicholas IV đặt làm năm 1292, ngài là vị giáo hoàng dòng Phanxicô đầu tiên, được truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxico Assisi là người sáng tạo cảnh giáng sinh sống động đầu tiên ở Greccio, nước Ý, năm 1223.

Sante Guido, một nhà sử học và giáo sư tại Đại học Giáo hoàng Gregorian, cho EWTN biết rằng năm bức tượng cẩm thạch trong cảnh giáng sinh hôm nay hoàn toàn là nguyên bản của thế kỷ 13.

Điều này có nghĩa là cảnh giáng sinh này hiện diện khi Thánh Cajetan trải nghiệm sự hiện ra của Chúa Hài đồng Giêsu trong Nhà nguyện Giáng sinh vào đêm Giáng sinh năm 1517 và khi Thánh Ignatio thành Loyola chọn để dâng Thánh Lễ mở tay trong nhà nguyện này năm 1538.

Không rõ có tất cả bao nhiêu nhân vật trong cảnh giáng sinh được Đức Giáo hoàng Nicholas IV đặt làm, nhưng các tượng đá cẩm thạch còn đến ngày nay gồm Thánh Giuse, ba vị Đạo sĩ, và một tác phẩm riêng mô tả một con bò và một con lừa cũng là một phần trong bộ tượng, theo giáo sư Guido.

Ông giải thích rằng tượng Đức Maria Đồng Trinh với Hài nhi Giêsu đã trải qua lần khôi phục lớn vào cuối thế kỷ 16.

Bộ tượng nhỏ cảnh Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến được trưng bày tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Nhà sử học nghệ thuật người Ý và là nhà phục chế lưu ý rằng đây không phải là bản miêu tả cảnh chào đời của Đức Kitô trong lịch sử Kitô giáo, nhưng là cảnh giáng sinh đầu tiên theo hình thức phổ biến ngày nay.

Ông nói, “Dĩ nhiên, trong lịch sử Kitô giáo có nhiều tác phẩm miêu tả cảnh giáng sinh của Đức Kitô, thậm chí trên cả những quan tài bằng đá của những Kitô hữu tiên khởi, và kể cả các nhà thờ chính tòa theo kiểu kiến trúc Roma và trong các nhà thờ chính tòa kiểu Gothic đều có những tác phẩm miêu tả một chương trong cuộc đời của Đức Kitô: sự chào đời của Ngài.”

“Ở đây chúng ta có sự miêu tả cảnh giáng sinh theo tinh thần của Thánh Phanxicô, vì vậy cảnh giáng sinh này là cảnh đầu tiên được biết đến trong lịch sử. Nó không chỉ là sự mô tả giáng sinh, nhưng nó là cảnh giáng sinh.”

Mối liên hệ của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả với sự chào đời của Đức Kitô quay ngược lại nhiều thế kỷ trước khi cảnh giáng sinh này được đặt làm. Vương cung Thánh đường có một thánh tích quý báu là những mảnh vỡ máng cỏ của Đức Kitô được Thánh Sophronius, về sau là Thượng phụ Giêrusalem, gửi từ Bêlem đến cho Đức Giáo hoàng Theodore trong thế kỷ thứ bảy.

Vì lý do này, vương cung thánh đường từng được gọi là Thánh đường Đức Bà Máng cỏ, và cũng được xem như là “Bêlem của Tây Phương.”

Thánh tích máng cỏ này được lưu giữ trong Nhà nguyện Giáng sinh dưới lòng đất, ban đầu được xây dựng vào thế kỷ thứ bảy nhưng được tái thiết lại nhiều lần trong các thế kỷ sau đó.

Đức Giáo hoàng Xitô V phục hồi lại Nhà nguyện Giáng sinh dưới hầm theo thiết kế như ngày nay giữa những năm 1585 và 1590 khi ngài xây dựng nhà nguyện Sistine của vương cung thánh đường.

Bộ tượng nhỏ cảnh Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến được trưng bày tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Trong nhà nguyện Sistine của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi đặt bộ cảnh giáng sinh, người ta cũng có thể nhìn thấy nhà tạm đầu tiên được làm theo những huấn lệnh của Công đồng Trent và một bàn thờ cung hiến Thánh Giêrônimô.

Bộ tượng nhỏ cảnh Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến được trưng bày tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Truyền thống kể rằng các thánh tích của Thánh Giêrônimô được mang từ Bêlem đến Roma ngay sau thánh tích máng cỏ và hiện được đặt trong bàn thờ chính hoặc trong nhà nguyện bên cánh trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi cảnh giáng sinh đầu tiên này hiện được trưng bày.

Trong suốt Mùa Vọng và Giáng sinh năm nay, một thánh tích máng cỏ được đem ra để tôn kính trong nhà nguyện Borghese của vương cung thánh đường, ở bên trái bàn thờ chính. Thánh tích này thường được nhìn thấy trong hốc tường phía dưới bàn thờ chính. Thánh tích được Đức Giáo hoàng Piô IX di chuyển từ Nhà nguyện Giáng sinh đến vị trí hiện tại bên dưới bàn thờ vào thế kỷ 19.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả trong Mùa Vọng năm nay nhân dịp Đại Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, và dâng Lễ trong Nhà nguyện Giáng sinh dưới hầm.

Bộ tượng nhỏ cảnh Chúa Giáng sinh đầu tiên được biết đến được trưng bày tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả

Năm ngoái Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện chuyến hành hương đến thị trấn Greccio của Ý trong Mùa Vọng để ký tông thư về ý nghĩa và tầm quan trọng của cảnh giáng sinh tại địa điểm Thánh Phanxicô Assisi sáng tạo cảnh giáng sinh đầu tiên vào năm 1223.

Tông thư nhắc lại câu truyện về cảnh giáng sinh sống động đầu tiên của Thánh Phanxicô. Thánh nhân yêu cầu một người bạn giúp ngài chuẩn bị “tái hiện sống động” ký ức về sự chào đời của Chúa Kitô tại Bêlem 15 ngày trước Lễ Giáng sinh.

“Khi Thánh Phanxicô đến, ngài tìm thấy một máng cỏ đầy cỏ khô, một con bò và một con lừa. Tất cả những người hiện diện đều cảm nhận một niềm vui mới và khôn tả trước cảnh Giáng sinh. Vị linh mục sau đó cử hành Thánh Lễ trọng thể phía trên máng cỏ, thể hiện mối dây liên kết chặt chẽ giữa sự Nhập thế của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể.”

“Tại Greccio không có các bức tượng; cảnh giáng sinh được tái diễn và cảm nghiệm bởi tất cả những người có mặt.”

Thomas Celano, nhà viết tiểu sử đầu tiên của Thánh Phanxicô, viết rằng một người có mặt tại Thánh Lễ đã có thị kiến về chính Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Từ thuở ban đầu của Thánh Phanxico, hang đá giáng sinh mời gọi chúng ta “cảm nhận” và “đụng chạm” theo một cách đặc biệt đến sự nghèo khó mà Con Thiên Chúa mang lấy cho mình khi Nhập thế. Nó kêu gọi chúng ta hãy dứt khoát bước theo Ngài trên con đường khiêm nhường, nghèo khó và trút bỏ mình khởi đầu từ máng cỏ Bêlem đến thập giá.”



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2020]


Toàn văn bài giảng Thánh Lễ nửa đêm của Đức Thánh Cha Đại Lễ Giáng sinh

Toàn văn bài giảng Thánh Lễ nửa đêm của Đức Thánh Cha Đại Lễ Giáng sinh

© Vatican Media

Toàn văn bài giảng Thánh Lễ nửa đêm của Đức Thánh Cha Đại Lễ Giáng sinh

‘Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta’

24 tháng Mười Hai, 2020 20:28

ZENIT STAFF


Sau đây là bài giảng Đức Thánh Cha Phanxico trong đêm vọng Đại Lễ Chúa Giáng sinh trong Vương cung Thánh đường Vatican.

******

Đêm nay, lời tiên tri lớn lao của tiên tri Isaia đã được thực hiện: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:6).

Một người con đã được ban tặng cho ta. Chúng ta thường nghe nói rằng niềm vui lớn nhất trong cuộc sống là sự chào đời của một trẻ thơ. Nó là một điều gì đó thật phi thường và nó thay đổi mọi thứ. Nó mang đến sự phấn khởi khiến chúng ta không một chút nghĩ đến sự mệt mỏi, sự khó chịu, và những đêm mất ngủ, vì nó lấp đầy cho chúng ta một niềm hạnh phúc khôn tả và không gì sánh được. Đó chính là Giáng sinh: sự ra đời của Chúa Giêsu là “tính mới mẻ” giúp chúng ta có thể được tái sinh mỗi năm và tìm được sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách trong Ngài. Tại sao? Vì sự chào đời của Ngài là cho chúng ta – cho tôi, cho anh, cho mọi người. “Cho” là một từ ngữ xuất hiện lặp đi lặp lại trong đêm thánh này: “Một trẻ thơ đã chào đời cho chúng ta”, như Tiên tri Isaia đã báo trước. Chúng ta lặp lại trong Thánh vịnh, “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta”. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “đã tự hiến cho chúng ta” (Tt 2:14), và trong Tin mừng, thiên sứ loan báo “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2:11).

Tuy nhiên, những từ ngữ đó – cho chúng ta – có ý nghĩa thật sự là gì? Chúng có nghĩa là Con Thiên Chúa, Đấng là thánh, đã đến để làm cho chúng ta, là con cái của Thiên Chúa, trở nên thánh thiện nhờ ân sủng. Vâng, Thiên Chúa đã đi vào thế gian là một trẻ thơ để làm cho chúng ta trở thành con cái của Chúa. Thật là một ơn quá cao trọng! Hôm nay, Thiên Chúa làm chúng ta kinh ngạc và nói với từng người chúng ta: “Con thật tuyệt vời.” Thưa anh chị em, đừng bao giờ ngã lòng. Anh chị em có bị cám dỗ cảm thấy mình tội lỗi không? Chúa nói với anh chị em, “Không, con là con của Ta!” Anh chị em có cảm giác thất bại hoặc bất xứng không, có e sợ rằng anh chị em sẽ không bao giờ thoát ra khỏi đường hầm thử thách đen tối không? Chúa nói với anh chị em, “Hãy can đảm, Ta ở với con.” Người làm điều này không bằng lời nói, nhưng bằng cách hạ mình trở thành một trẻ thơ với anh chị em và cho anh chị em. Bằng cách này, Người nhắc nhở anh chị em rằng điểm xuất phát của mọi sự tái sinh là nhận biết rằng chúng ta là con cái của Chúa. Đây là trái tim bất tử cho niềm hy vọng của chúng ta, là cốt lõi rực sáng mang lại hơi ấm và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Làm nền tảng cho tất cả sức mạnh và yếu đuối của chúng ta, mạnh mẽ hơn tất cả những tổn thương và thất bại trong quá khứ của chúng ta, hoặc những nỗi sợ hãi và lo lắng về tương lai, có một sự thật tuyệt vời: chúng ta là những người con trai và con gái được yêu. Tình yêu của Chúa dành cho chúng ta không tùy thuộc vào chúng ta, và sẽ không bao giờ tùy thuộc vào chúng ta. Nó hoàn toàn là tình yêu nhưng không, ân sủng thuần túy. Đêm nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta, “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ” (Tt 2:11). Không gì quý báu hơn điều này.

Một người con đã được ban tặng cho ta. Chúa Cha không cho chúng ta một thứ gì đó, một món đồ; Người ban tặng chính Người Con Một Duy nhất của Người, là tất cả niềm vui của Người. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn bạc nghĩa của chúng ta với Chúa và sự bất công của chúng ta với nhiều anh chị em của mình, một sự hoài nghi có thể sinh ra. Chúa có đúng không khi ban cho chúng ta quá nhiều như vậy? Người có đúng không khi vẫn tin tưởng chúng ta? Người không đánh giá chúng ta quá cao chứ? Dĩ nhiên, Người đánh giá chúng ta rất cao, và Người làm như vậy vì Người quá đỗi yêu thương chúng ta. Người chẳng có cách nào ngoài yêu thương chúng ta. Người là như vậy, vô cùng khác với chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu còn lớn hơn cả chúng ta yêu chính bản thân mình. Đây là sự huyền diệu của Người để đi vào tâm hồn chúng ta. Chúa biết rằng chúng ta chỉ trở nên tốt hơn bằng cách đón nhận tình yêu vô bờ của Người, một tình yêu không thay đổi để làm thay đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới có thể biến đổi đời sống của chúng ta, chữa lành những tổn thương sâu sắc nhất, và giải thoát chúng ta khỏi những vòng luẩn quẩn xấu xa của sự thất vọng, phẫn uất, và liên tục phàn nàn.

Một người con đã được ban tặng cho ta. Trong máng cỏ thấp hèn của chuồng chiên bò tối tăm, Con Thiên Chúa thật sự hiện diện. Nhưng điều này lại đặt ra một câu hỏi khác. Tại sao Ngài lại sinh ra vào ban đêm, không có một nơi trú ngụ tươm tất, trong cảnh nghèo khó và bị từ chối, trong khi Ngài xứng đáng được sinh ra như là vị vua vĩ đại nhất trong một cung điện sang trọng nhất? Tại sao? Để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu bao la của Người đối với tình trạng của con người: thậm chí đụng chạm đến những sâu thẳm của sự nghèo hèn của chúng ta bằng tình yêu cụ thể của Người. Con Thiên Chúa sinh ra là một người bị gạt bỏ, để nói với chúng ta rằng tất cả những người bị gạt bỏ đều là con cái Thiên Chúa. Người đi vào thế giới giống như mọi trẻ em đi vào thế giới, yếu ớt và dễ bị tổn thương để chúng ta có thể học được cách chấp nhận những yếu đuối của mình bằng tình yêu thương dịu dàng. Và để khám phá ra điều quan trọng, như Người đã làm ở Bêlem, thì chúng ta cũng hãy làm như vậy, Thiên Chúa thích thực hiện những điều kỳ diệu qua sự nghèo khó của chúng ta. Người đặt toàn bộ ơn cứu độ của chúng ta trong máng cỏ của một chuồng chiên. Người không e ngại sự nghèo khó của chúng ta, vì vậy hãy cho phép lòng thương xót của Người biến đổi nó hoàn toàn!

Đây chính là ý nghĩa tại sao lại nói rằng một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng nghe thấy chữ “cho” ở một chỗ khác. Thiên thần loan báo với các mục đồng: “Đây sẽ là dấu cho anh em: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:12). Dấu đó, Hài nhi nằm trong máng cỏ, cũng là dấu cho chúng, để hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời. Ở Bêlem, địa danh có nghĩa là “Căn nhà lương thực”, Thiên Chúa nằm trong một máng cỏ, dường như để nhắc nhở chúng ta rằng, để được sống chúng ta cần Người, như lương thực chúng ta ăn. Chúng ta cần phải được đầy tràn tình yêu nhưng không, không bao giờ cạn, và cụ thể của Người. Thay vì vậy, không biết bao nhiêu lần, trong sự đói khát giải trí, thành công, và những lạc thú thế gian của chúng ta, chúng ta lại nuôi dưỡng cuộc sống bằng thứ lương thực không làm thỏa mãn và chỉ để lại cho chúng ta sự trống rỗng trong lòng! Qua tiên tri Isaia, Thiên Chúa đã than phiền rằng, trong khi con bò và con lừa còn biết máng cỏ của chủ của chúng, thì chúng ta là dân tộc của Người, lại không biết Người, là nguồn mạch sự sống (x. Is 1:2-3). Đúng như vậy: trong sự khao khát sở hữu vô tận của mình, chúng ta chạy theo tất cả những máng cỏ được lấp đầy với những thứ phù du và quên đi máng cỏ Bêlem. Máng cỏ đó, nghèo khó về mọi mặt nhưng lại giàu có về tình yêu, dạy chúng ta rằng nguồn nuôi sống đích thực của cuộc sống đến từ việc cho phép bản thân chúng ta được yêu thương bởi Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chúa Giêsu đã cho chúng ta mẫu gương. Người, là Ngôi Lời, đã trở thành một hài nhi; Người không nói một lời nhưng ban tặng sự sống. Ngược lại, chúng ta nói rất nhiều lời, nhưng thường khi chúng ta có quá ít điều để nói về sự tốt lành.

Một người con đã được ban tặng cho ta. Những người cha mẹ có con nhỏ biết chúng đòi phải có biết bao sự yêu thương và kiên nhẫn. Chúng ta phải cho các bé ăn, chăm sóc các bé, tắm rửa cho chúng, và chú ý đến tính dễ bị tổn thương và những nhu cầu của chúng, là những điều thường rất khó hiểu được. Một đứa trẻ làm cho chúng ta cảm thấy được yêu quý nhưng cũng có thể dạy cho chúng ta cách yêu thương. Thiên Chúa sinh ra là một trẻ thơ để khuyến khích chúng ta biết chăm sóc cho người khác. Những giọt nước mắt thầm lặng của Người làm chúng ta nhận ra được sự vô ích của nhiều cơn bột phát mất kiên nhẫn. Tình yêu dịu dàng của Người nhắc nhở chúng ta rằng thời gian của chúng ta không phải là dành để cảm thấy thương khốn cho bản thân, nhưng là để an ủi những giọt nước mắt đau khổ. Chúa đến giữa chúng ta trong sự nghèo khó và thiếu thốn, để nói với chúng ta rằng trong việc phục vụ người nghèo, chúng ta sẽ thể hiện tình yêu dành cho Người. Từ đêm nay trở đi, như một thi sĩ đã viết, “Nơi ở của Chúa sát bên cạnh tôi, những đồ nội thất của Ngài là tình yêu” (EMILY DICKINSON, Poems, XVII).

Một người con đã được ban tặng cho ta. Lạy Chúa Giêsu, Người là Trẻ thơ để làm cho con trở thành một trẻ thơ. Người yêu thương con với chính con người của con, không phải như hình ảnh về bản thân mà con tưởng tượng ra. Khi bồng ẵm Người, là Hài nhi trong máng cỏ, con một lần nữa ôm lấy sự sống của con. Khi chào đón Người, Bánh sự sống, con cũng khát khao trao hiến cuộc đời con. Người, là Đấng Cứu độ con, dạy con biết phục vụ. Người đã không để con một mình, giúp con biết an ủi những người anh chị em của Người, vì từ đêm nay trở đi, tất cả đều là anh chị em của con.

[01609-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2020]


Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Toàn văn Thông điệp Phép lành Urbi et Orbi 2020 của Đức Thánh Cha

Toàn văn Thông điệp Phép lành Urbi et Orbi 2020 của Đức Thánh Cha

© Vatican Media

Toàn văn Thông điệp Phép lành Urbi et Orbi 2020 của Đức Thánh Cha

‘Trẻ thơ chào đời nhờ Đức Trinh nữ Maria ở Bêlem là sinh ra cho mọi người: Ngài là người Con mà Thiên Chúa đã ban tặng cho toàn thể gia đình nhân loại’

25 tháng Mười Hai, 2020 14:07

ZENIT STAFF


Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành Urbi et Orbi truyền thống (“Cho Thành phố [Roma] và toàn Thế giới”) vào ngày Lễ Giáng sinh. Năm nay, do đại dịch coronavirus, ngài đọc thông điệp trong Khán phòng Benediction của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ở tầng trên ngay phía sau bao lơn trung tâm nơi ngài thường đọc các thông điệp, với một số giới hạn rất ít tín hữu.

Dưới đây là toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha.


Anh chị em thân mến,

Chúc anh chị em Giáng sinh vui!

Cha muốn mang đến cho mọi người thông điệp mà Giáo hội công bố trong ngày lễ bằng những lời của tiên tri Isaia: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:6)

Một trẻ thơ đã chào đời. Sự chào đời luôn là một nguồn hy vọng; đó chính là sự sống trổ hoa, một lời hứa của tương lai. Hơn nữa, Trẻ thơ này, là Chúa Giêsu chào đời “cho chúng ta”: một “chúng ta” không có bất kỳ ranh giới nào, không có những đặc quyền hay loại trừ. Trẻ thơ chào đời nhờ Đức Trinh nữ Maria ở Bêlem là sinh ra cho mọi người: Ngài là “người Con” mà Thiên Chúa đã ban tặng cho toàn thể gia đình nhân loại.

Nhờ Trẻ thơ này, tất cả chúng ta đều có thể thưa chuyện với Thiên Chúa và gọi Người là “Cha”. Chúa Giêsu là người Con Duy nhất; không ai khác ngoài Ngài biết được Chúa Cha. Nhưng Ngài đến thế gian này với một lý do: để cho chúng ta thấy dung nhan của Chúa Cha. Nhờ Trẻ thơ này, tất cả chúng ta có thể gọi nhau là anh em và chị em, vì thật sự chúng ta là như vậy. Chúng ta đến từ mọi châu lục, từ mọi ngôn ngữ và văn hóa, với những bản sắc riêng và sự khác biệt của chúng ta, nhưng tất cả chúng ta đều là anh chị em.

Trong thời khắc lịch sử này, bị đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sinh thái học và sự mất cân bằng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội và bị làm xấu thêm bởi đại dịch coronavirus, hơn bao giờ hết chúng ta phải chân nhận nhau là anh chị em. Thiên Chúa đã làm cho sự hiệp nhất huynh đệ này là khả thi, bằng cách ban cho chúng ta Con của Người là Chúa Giêsu. Tình huynh đệ mà Ngài tặng ban cho chúng ta không phải là những từ ngữ hoa mỹ, những lý tưởng trừu tượng, hoặc những tình cảm mơ hồ. Nó là một tình huynh đệ đặt nền tảng trong tình yêu thật sự, làm cho tôi có thể gặp gỡ những người khác biệt với tôi, động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của họ, đến gần họ, và chăm sóc họ cho dù họ không thuộc về gia đình tôi, không thuộc về nhóm sắc tộc của tôi, hoặc tôn giáo của tôi. Vì với tất cả những khác biệt của họ, họ vẫn là anh chị em của tôi. Những mối tương quan giữa các dân tộc và các quốc gia cũng như vậy: tất cả là anh chị em!

Trong Lễ Giáng sinh chúng ta cử hành ánh sáng của Đức Kitô là Đấng đã đến thế gian này; Ngài đến cho mọi người, không chỉ đến cho một số người. Hôm nay, trong thời khắc đen tối và bấp bênh do đại dịch, nhiều ánh sáng và hy vọng đã xuất hiện, chẳng hạn như việc tìm ra vaccine. Nhưng để cho ánh sáng này tỏa rạng và mang hy vọng đến cho tất cả, chúng phải đến được với tất cả mọi người. Chúng ta không thể cho phép những hình thức chủ nghĩa dân tộc bao vây ngăn cản chúng ta sống như gia đình nhân loại thật sự. Chúng ta cũng không cho phép virus của chủ nghĩa cá nhân cấp tiến lấy mất đi phần tốt hơn của chúng ta và khiến chúng ta trở nên thờ ơ trước sự đau khổ của những anh chị em khác. Tôi không thể đặt bản thân tôi lên trước những người khác, để cho luật thị trường và sáng chế chiếm ưu thế hơn luật yêu thương và sức khỏe con người. Tôi kêu gọi tất cả mọi người – các vị lãnh đạo chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế – hãy thúc đẩy sự hợp tác nhưng không cạnh tranh, và tìm kiếm giải pháp cho tất cả: vaccine cho tất cả mọi người, đặc biệt những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất thuộc mọi vùng miền trên hành tinh. Trước hết là những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất!

Vì vậy, xin Trẻ thơ của Bêlem giúp chúng ta trở nên quảng đại, hỗ trợ và giúp đỡ, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương, người bệnh, những người thất nghiệp hoặc đang gặp khó khăn do các hậu quả kinh tế của đại dịch, và những người phụ nữ gánh chịu cảnh bạo lực gia đình trong những tháng phong tỏa.

Đứng trước một thách thức vượt mọi ranh giới, chúng ta không thể dựng lên những bức tường. Tất cả chúng ta đều ở trên cùng con thuyền. Tất cả những người khác đều là người anh em hoặc chị em của tôi. Nơi mỗi con người, tôi nhìn thấy ánh lên dung nhan của Chúa, và trong những người đau khổ, tôi nhìn thấy Chúa đang nài xin tôi giúp đỡ. Tôi nhìn thấy Ngài nơi người bệnh tật, người nghèo, người thất nghiệp, người bị gạt ra bên lề, người di cư và tị nạn: tất cả là anh chị em!

Ngày hôm nay, khi Ngôi Lời trở thành một trẻ thơ, chúng ta hãy hướng mắt nhìn đến nhiều trẻ em trên thế giới, rất rất nhiều, đặc biệt ở Syria, Iraq và Yemen, những trẻ vẫn đang phải trả cái giá rất cao của chiến tranh. Ước mong khuôn mặt của các trẻ chạm đến lương tâm của tất cả những người thiện chí, để nguyên nhân của những cuộc xung đột có thể được giải quyết và những nỗ lực can đảm được thực hiện để xây dựng một tương lai hòa bình.

Cầu mong đây sẽ là một thời điểm thuận lợi để xoa dịu những căng thẳng trên khắp Trung Đông và miền Đông Địa Trung Hải.

Cầu xin Trẻ thơ Giêsu chữa lành những vết thương của dân tộc Syria thân thương, là dân tộc đã bị chiến tranh và những hậu quả của chúng tàn phá trong suốt một thập kỷ qua, hiện đang trở nên trầm trọng hơn do đại dịch. Nguyện xin Ngài mang đến sự an ủi cho dân tộc Iraq và tất cả những người tham gia và công cuộc hòa giải, và đặc biệt là người Yazidi đã chịu thử thách nặng nề trong những năm tháng chiến tranh. Nguyện ước Ngài ban hòa bình cho đất nước Libya và giúp cho chặng đường đàm phán mới tiến đến việc chấm dứt mọi hình thức thù hận trong nước.

Nguyện xin Hài nhi của Bêlem ban ơn huynh đệ cho vùng đất chứng kiến sự chào đời của Ngài. Cầu mong để người Israel và Palestine lấy lại được sự tin tưởng lẫn nhau và tìm kiếm nền hòa bình công bằng và dài lâu thông qua đối thoại trực tiếp để chấm dứt bạo lực và vượt qua được những oán hận đặc hữu, và từ đó làm chứng cho thế giới về nét đẹp của tình huynh đệ.

Nguyện xin vì sao sáng soi đêm Giáng sinh hướng dẫn và động viên người dân Li Băng, để với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, họ không mất hy vọng giữa những khó khăn hiện đang phải đối mặt. Nguyện xin vị Hoàng tử Hòa bình giúp những người lãnh đạo đất nước gạt bỏ các lợi ích đảng phái và cam kết một cách nghiêm túc, chân thành và minh bạch để giúp người Li Băng theo đuổi tiến trình cải tổ và kiên trì với ơn gọi tiến đến tự do và chung sống hòa bình.

Nguyện xin Con của Đấng Tối Cao duy trì cam kết của cộng đồng quốc tế và những quốc gia liên quan để tiếp tục việc ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, cũng như trong các vùng đông Ukraine, và thúc đẩy đối thoại như là con đường duy nhất cho hòa bình và hòa giải.

Xin Con Thiên Chúa xoa dịu sự đau khổ của các dân tộc Burkina Faso, Mali và Niger, bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo nặng nề do chủ nghĩa cực đoan và xung đột vũ trang, cùng với đại dịch và những thảm họa tự nhiên khác. Xin Người chấm dứt bạo lực ở Ethiopia, nơi nhiều người dân đã buộc phải chạy trốn vì chiến tranh; an ủi người dân trong vùng Cabo Delgado thuộc miền bắc Mozambique, những nạn nhân do bạo lực của chủ nghĩa khủng bố quốc tế; và khuyến khích các nhà lãnh đạo Nam Sudan, Nigeria và Cameroon theo đuổi con đường huynh đệ và đối thoại họ đã thực hiện.

Nguyện xin Ngôi Lời Hằng Hữu của Chúa Cha là nguồn hy vọng cho Châu Mỹ, bị ảnh hưởng nặng bởi coronavirus đã tăng thêm nhiều đau khổ của châu lục, thường trở nên trầm trọng hơn bởi những hậu quả của tham nhũng và buôn bán ma túy. Xin Người xoa dịu những căng thẳng xã hội gần đây ở Chile và chấm dứt những đau khổ của người dân Venezuela.

Xin Đức Vua của Thiên Đàng che chở tất cả các nạn nhân của những thiên tai ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Philippines và Việt Nam, nơi nhiều trận bão đã gây ra lũ lụt, với những hậu quả thiệt hại quá lớn về nhân mạng cho các gia đình, tác hại cho môi trường và hậu quả đối với nền kinh tế địa phương.

Khi nói đến Châu Á, cha không thể quên dân tộc Rohingya: xin Chúa Giêsu, Đấng đã sinh ra trong cảnh nghèo giữa những người nghèo, mang đến cho họ niềm hy vọng giữa những đau khổ của họ.

Anh chị em thân mến,

“Một trẻ thơ đã chào đời cho chúng ta” (Is 9:6). Ngài đến để cứu chúng ta! Ngài nói với chúng ta rằng đau khổ và sự ác không phải là lời nói cuối cùng. Cam chịu trước bạo lực và bất công tức là từ bỏ niềm vui và hy vọng của Giáng sinh.

Trong ngày Lễ này, cha đặc biệt nghĩ đến tất cả những anh chị em không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, nhưng làm việc để mang đến hy vọng, an ủi, và giúp đỡ những người đau khổ và cô đơn.

Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng chiên bò nhưng được bao bọc bởi tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse. Bằng cách sinh ra mặc lấy xác phàm, Con Thiên Chúa thánh hóa tình yêu gia đình. Suy nghĩ của cha lúc này hướng về các gia đình: về những người không thể đến được với nhau trong ngày hôm nay và những người buộc phải ở nhà. Ước mong Lễ Giáng sinh trở thành một cơ hội cho tất cả chúng ta tái khám phá rằng gia đình là một cái nôi của sự sống và niềm tin, một nơi chào đón và yêu thương, đối thoại, tha thứ, đoàn kết huynh đệ, và niềm vui chung, là nguồn bình an cho toàn nhân loại.

Chúc tất cả anh chị em Giáng sinh vui!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2020]