Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Thư của Đức Thánh Cha gửi Ngày Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới Dublin

Thư của Đức Thánh Cha gửi Ngày Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới Dublin

Thư của Đức Thánh Cha gửi Ngày Họp các Gia đình Thế giới Dublin
Thư của Đức Thánh Cha Phanxico gửi Ngày Họp mặt các Gia đình Thế giới 2018 được trình bày tại cuộc họp báo ở Vatican - RV
30/03/2017 12:34
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico viết một lá thư gửi những nhà tổ chức Ngày Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới năm tới, họ đã có mặt trong một sự kiện tại văn phòng báo chí Vatican sáng thứ Năm.
Buổi Họp mặt được lên lịch diễn ra tại Dublin, Ireland từ 21 đến 26 tháng Tám, 2018 với chủ đề ‘Tin mừng của Gia đình: niềm vui cho thế giới.”
Trong thư đề gửi Đức Hồng y Kevin Farrell, trưởng phòng Giáo dân, Gia đình và Sự sống của Vatican, Đức Thánh Cha nói ngài hy vọng Buổi họp sẽ là một con đường cho các gia đình đào sâu những suy tư về tài liệu ‘Amoris Laetitia’ mà ngài đã viết theo đúc kết của hai thượng hội đồng gần đây về gia đình.
Tại buổi họp báo, đức hồng y nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những chuẩn bị sẽ diễn ra trong các giáo xứ và các giáo phận trước sự kiện. Hoạt động giáo lý này phải bao gồm giáo dân cũng như giáo sĩ, ngài nói, đặc biệt tiến tới được những cá nhân và gia đình đã xa cách với Giáo hội.
"Như Đức Thánh Cha Phanxico nói chúng ta cần phải là một Giáo hội đi ra những vùng ven của xã hội đến với những người hiện tại không lắng nghe chúng ta, tới những gia đình đã bị lạc lối hoặc những người không còn đi lễ.”
Cũng có mặt trong buổi họp báo là Đức Tổng Giám mục Diarmuid Martin của Dublin, ngài làm nổi bật lên sự pha trộn phức tạp của đức tin và tính thế tục đang là đặc điểm của đất nước của ngài ngày nay. Ngài nói Buổi họp sẽ là một thách đố cho tổng giáo phận nhưng cũng là một cơ hội để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đời sống gia đình cho xã hội Ireland nói chung.
Đức Tổng Giám mục Martin nói rằng Giáo hội phải học cách để đồng hành cùng các gia đình và giải quyết những vấn đề khó khăn thực sự ngày này sang ngày khác mà ngài nghe được từ những người trong tổng giáo phận của ngài.
"Họ nói chuyện về công việc, thời gian rảnh rỗi, người vô gia cư, cách kiếm sống, lý do những khoản trợ cấp của chính phủ bị cắt giảm, họ đã trải qua những đêm mất ngủ như thế nào lo lắng về những đứa con tuổi thiếu niên của họ - phải hỗ trợ họ trong những thách đố này để họ có thể gánh vác được vai trò trọng yếu này trong xã hội và người ta thực sự đưa ra được những hỗ trợ và sự tự tin cho họ để gánh vác vai trò đó.”
Cả hai vị lãnh đạo đều hy vọng rằng buổi họp không phải chỉ là một sự kiện diễn ra một lần, nhưng phải là một cơ hội để toàn Giáo hội đào sâu những suy tư của mình về những lời của Đức Thánh Cha viết trong Tông huấn 'Amoris Laetitia', nhìn thấy gia đình là một nguồn lực trọng yếu để chia sẻ thông điệp của tình yêu Thiên Chúa với toàn thế giới.
Cả hai đều không xác nhận sự có mặt của Đức Thánh Cha tại Buổi họp năm tới, nhưng các ngài đều cùng hy vọng rằng Đức Thánh Cha sẽ tham dự sự kiện – sự hy vọng này cũng được bày tỏ trong video cổ vũ cho Ngày Họp mặt các Gia đình Thế giới.

Dưới đây là toàn văn bản lá thư của Đức Thánh Cha cho Ngày Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới

Thân gửi Hiền huynh Hồng y KEVIN FARRELL đáng kính, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống
        Bế mạc kỳ Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới lần thứ Tám, được tổ chức tại Philadelphia tháng Chín năm 2015, tôi đã công bố rằng buổi họp mặt các gia đình Công giáo thế giới tiếp theo sẽ diễn ra tại Dublin. Bây giờ tôi mong muốn có những sự chuẩn bị, và tôi vui mừng khẳng định rằng buổi họp sẽ được tổ chức từ 21 đến 26 tháng Tám năm 2018, với chủ đề “Tin mừng của Gia đình: niềm vui cho thế giới.” Quả thật, mong ước của tôi là cho các gia đình cách thức để đào sâu những suy tư của họ và sự chia sẻ về nội dung của Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia.
        Người ta có thể hỏi: Tin mừng có thể tiếp tục là niềm vui cho thế giới nữa không? Và: gia đình có tiếp tục là tin vui cho thế giới hôm nay không?
        Tôi chắc chắn rằng câu trả lời là có! Và tiếng “có” này đặt nền tảng chắc chắn trên chương trình của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa là tiếng “có” cho mọi tạo vật và trung tâm là con người. Chính tiếng “có” của Thiên Chúa kết hợp giữa người nam và người nữ, trong sự mở ra và phục vụ sự sống trong mọi giai đoạn của nó; đó là tiếng “có” của Thiên Chúa và sự cam kết của Người cho một nhân loại thường bị tổn thương, bị ngược đãi và bị thống trị bởi sự thiếu yêu thương. Vì thế, gia đình là tiếng “có” của Thiên Chúa là Tình yêu. Chỉ bắt đầu từ tình yêu thì gia đình mới có thể thể hiện, lan truyền và phục hồi lại tình yêu của Thiên Chúa trên thế giới. Không có tình yêu, chúng ta không thể sống như những người con của Thiên Chúa, như vợ chồng, như cha mẹ và như anh em.
        Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều rất quan trọng cho các gia đình biết thường xuyên tự hỏi mình cuộc sống của họ có còn đặt nền tảng trên tình yêu, cho tình yêu và trong tình yêu không. Trong thực tế, điều này có nghĩa là cho đi bản thân, tha thứ, không mất kiên nhẫn, quan tâm đến nhau, tôn trọng. Đời sống gia đình thật tốt đẹp biết bao nếu mỗi ngày chúng ta sống theo tinh thần của những lời “làm ơn,” “cảm ơn” và “xin lỗi.” Một ngày chúng ta đều có kinh nghiệm về sự mỏng giòn và yếu đuối, và vì thế tất cả chúng ta, các gia đình và các mục tử, đều cần đến lòng khiêm nhường được canh tân để tạo nên sự khát khao rèn luyện bản thân, để giáo dục và được giáo dục, để giúp đỡ và được giúp đỡ, để đồng hành, nhận thức rõ và hợp nhất mọi người thiện chí. Tôi mơ về một Giáo hội tiến bước, không phải một Giáo hội bó khuôn trong bản thân, một Giáo hội không nhìn từ đàng xa những vết thương của con người, nhưng là một Giáo hội đầy lòng thương xót công bố trung tâm của sự mặc khải Thiên Chúa là Tình yêu, đó là Lòng Thương Xót. Chính lòng thương xót này đã làm cho chúng ta được canh tân trong tình yêu; và chúng ta biết rằng những gia đình Ki-tô hữu là một nơi của không biết bao nhiêu lòng thương xót và những chứng tá của lòng thương xót, và thậm chí còn nhiều hơn nữa sau Năm Thánh Đặc Biệt. Buổi họp tại Dublin sẽ có thể đưa ra những dấu hiệu cụ thể cho điều này.
        Vì vậy, tôi mời gọi tất cả Giáo hội ghi nhớ những điều này trong việc chuẩn bị mục vụ cho Buổi họp Thế giới sắp tới.
        Hiền huynh thân mến, cùng với những người cộng tác của hiền huynh, theo một cách đặc biệt hiền huynh có trách nhiệm làm rõ những giáo huấn trong tông huấn Amoris Laetitia, qua đó Giáo hội mong muốn mọi gia đình luôn luôn bước theo, trong cuộc hành hương tâm hồn là cách biểu lộ cho sự sống đích thực.
        Tôi đặc biệt nghĩ đến Tổng Giáo phận Dublin và toàn dân tộc Ireland yêu quý vì sự chào đón quảng đại và cam kết trong việc tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy. Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho anh chị em và ngay bây giờ ban cho anh chị em nhiều ơn huệ từ trời.
        Nguyện xin Gia đình Thánh gia Na-za-rét hướng dẫn, đồng hành và chúc lành cho sự phục vụ của anh chị em, và tất cả mọi gia đình tham gia vào việc chuẩn bị cho Buổi họp Thế giới vĩ đại này ở Dublin.
        Từ Vatican, 25 tháng Ba 2017
FRANCIS

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/03/2017]


Iraq: ISIS tàn phá nặng nề hơn 12.000 căn nhà người Ki-tô hữu ở Đồng bằng Ni-ni-vê

Iraq: ISIS tàn phá nặng nề hơn 12.000 căn nhà người Ki-tô hữu ở Đồng bằng Ni-ni-vê

Theo một cuộc nghiên cứu, chi phí để sửa chữa và tái xây dựng những căn nhà sẽ vượt quá $200 triệu
29 tháng Ba, 2017
Iraq: ISIS tàn phá nặng nề hơn 12.000 căn nhà người Ki-tô hữu ở Đồng bằng Ni-ni-vê
Một căn nhà người Ki-tô hữu bị phá hủy ở  Qaraoqosh, Đồng bằng Ni-ni-vê - ACN Photo
ISIS đã phá hủy trên 12.000 ngôi nhà riêng trong 12 làng mạc người Ki-tô hữu trên Đồng Bằng Ni-ni-vê ở miền Bắc Iraq. Gần 700 căn nhà bị phá hủy hoàn toàn. Đây là một vài con số tìm được của một đánh giá thiệt hại được ủy nhiệm của Hội Bác Ái Công giáo Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn (ACN). Theo cuộc nghiên cứu, chi phí cho việc sửa chữa và xây dựng lại các ngôi nhà sẽ vượt quá $200 triệu.
Sáng kiến đánh giá cũng đã hỏi 1500 gia đình di tản đến Erbil, Kurdistan, sau khi ISIS quét qua Đồng bằng Ni-ni-vê mùa hè năm 2014 về những dự định sắp tới của họ có trở về những ngôi làng bỏ hoang hay không. Hơn 40 phần trăm cho biết họ muốn trở về, và 46 phần trăm nói rằng họ đang cân nhắc việc đó.
Tháng Mười Một năm ngoái, một khảo sát của ACN tìm ra rằng chỉ hơn 3 phần trăm trong số gần 6.000 gia đình di tản trong nước cân nhắc về việc trở lại những ngôi làng của họ. Dĩ nhiên, mùa thu năm ngoái vẫn còn những hoạt động chiến sự trên Đồng bằng Ni-ni-vê, với những cuộc tấn công bất ngờ của các chiến binh ISIS.
Trong cuộc khảo sát gần đây nhất, hơn một nửa số người trả lời được báo cáo rằng những tài sản của họ đã bị tước đoạt hết, trong khi 22 phần trăm nói rằng nhà cửa của họ đã bị phá hủy. Khoảng một phần tư số người trả lời không thể cung cấp bất kỳ thông tin gì về tình trạng hiện tại của nhà cửa và tài sản của họ. Tuy nhiên, hơn 25 phần trăm cũng được báo cáo rằng những giấy tờ tài liệu quan trọng của họ đã bị ISIS đánh cắp.
Được Tổng Giáo phận Can-đê Erbil, cùng sợ hỗ trợ lớn của ACN, vẫn còn 14.000 gia đình Ki-tô hữu di tản trong nước đã di tản khỏi Mosul và Đồng bằng Ni-ni-vê vẫn đang sống ở Erbil. Tổng số người lên khoảng 90.000, giảm so với ban đầu là 120.000 người tìm nơi lánh nạn ở Erbil vào mùa hè năm 2014.
Ban nhân viên ACN
***
Hội Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn là một tổ chức Bác ái Công giáo Quốc tế dưới sự hướng dẫn của Tòa Thánh, cung cấp sự trợ giúp cho Giáo hội đau khổ và bị bách hại ở hơn 140 quốc gia. www.churchinneed.org (Hoa kỳ); www.acnuk.org (Anh); www.aidtochurch.org (Úc);www.acnireland.org (Ireland); www.acn-aed-ca.org (Canada)
[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/03/2017]



Đức Hồng Y Parolin: ‘Đặt nhân vị vào trung tâm của nông nghiệp’

Đức Hồng Y Parolin: ‘Đặt nhân vị vào trung tâm của nông nghiệp’

Đức Hồng Y Parolin: ‘Đặt nhân vị vào trung tâm của nông nghiệp’
Một công nhân thu hoạch bông trên cánh đồng trong vùng ngoại ô Ahmedabad, Ấn độ - REUTERS
28/03/2017 17:20
(Vatican Radio)  Đức Hồng y Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã gửi một bức thư nhân danh Đức Thánh Cha Phanxico đến Diễn đàn thứ Mười về Tương lai của nền Nông nghiệp diễn ra tại Brussels.
Trong bức thư gửi đến ông Janez Potočnik, chủ tịch của Diễn đàn, Đức Hồng y Parolin kêu gọi các người tham dự đặt nhân vị vào trung tâm của nền nông nghiệp, “bất kể người đó là một nhân công nông nghiệp, một đại lý kinh tế hay một người tiêu thụ.”
“Một bước tiếp cận như vậy,” ngài viết, “nếu được xem như một mục tiêu chung chứ không đơn thuần là một câu hỏi về kỹ thuật, sẽ cho phép sự quan tâm lớn hơn đến mối tương quan gần gũi giữa nông nghiệp, sự chăm sóc và bảo vệ tạo vật, phát triển kinh tế, và những nhu cầu của hiện tại và tương lai của mọi người trên thế giới.”
Đức Hồng Y Parolin kêu gọi “sự cam kết lớn hơn hỗ trợ cho hoạt động nông nghiệp” qua cách sản xuất và hệ thống thương mại tốt hơn, cũng như bằng cách “nhấn mạnh vào quyền của mỗi con người được nuôi dưỡng khỏe mạnh và đầy đủ.”
Ngài nói việc thiếu những hoạt động nông nghiệp ở một số quốc gia có tác động xấu đế đời sống của người dân nước đó: “Những điều này không chỉ loại trừ họ khỏi những quy trình sản xuất, nhưng cũng thường xuyên buộc họ phải rời khỏi mảnh đất của họ và tìm nơi ở khác để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Đức Hồng y Parolin kêu gọi những nỗ lực giúp các quốc gia tăng cường những nguồn lực của riêng họ để đạt được “sự tự cung cấp dưỡng chất.”
Ngài nói điều này có nghĩa “phải trù tính những mô hình phát triển và tiêu thụ mới, tạo điều kiện cho những hình thức cấu trúc cộng đồng làm tăng giá trị những nhà sản xuất nhỏ và bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sinh thái địa phương.”
Kết luận, ngài Quốc vụ khanh Vatican nói, “Khoảng cách giữa sự khổng lồ của các vấn đề và những kết quả tích cực đạt được cho đến hôm nay không bao giờ là một lý do để nản chí hay mất tự tin, nhưng phải là một sự khích lệ cho một cơ hội lớn hơn.”

Dưới đây là toàn văn của lá thư:

Kính gửi ông Janez Potočnik, Chủ tịch Diễn đàn Tương lai của nền Nông nghiệp
Công việc của Diễn đàn Thứ Mười về Tương lai của nền Nông nghiệp cho Đức Giáo hoàng Phanxico cơ hội để bày tỏ sự cổ vũ của ngài với tất cả quý vị, với những trách nhiệm và khả năng khác nhau, được kêu gọi để đưa ra những giải pháp cho nhu cầu của khu vực nông nghiệp và tất cả những thành phần liên quan của nó.
Một cái nhìn lướt qua tình hình thế giới đủ cho thấy nhu cầu về sự cam kết lớn hơn nhằm ủng hộ cho hoạt động nông nghiệp. Điều này không chỉ đòi hỏi cải thiện những hệ thống sản xuất và thương mại, nhưng còn, và rất căn bản, nhấn mạnh đến quyền của mỗi con người được nuôi dưỡng mạnh khỏe và đầy đủ, phù hợp với những nhu cầu cá nhân, và một vai trò chung trong việc áp dụng những quyết định và chiến lược. Điều đang ngày càng trở nên rõ ràng rằng trung tâm của mọi hoạt động phải là con người, bất kể người đó là một nhân công nông nghiệp, một đại lý kinh tế hay một người tiêu thụ. Một bước tiếp cận như vậy, nếu được xem như một mục tiêu chung chứ không đơn thuần là một câu hỏi về kỹ thuật, sẽ cho phép sự quan tâm lớn hơn đến mối tương quan gần gũi giữa nông nghiệp, sự chăm sóc và bảo vệ tạo vật, phát triển kinh tế, và những nhu cầu của hiện tại và tương lai của mọi người trên thế giới.
Những mong chờ liên quan đến Những Mục tiêu Phát triển Bền vững được đặt ra cho toàn thể cộng đồng quốc tế đòi hỏi việc đối mặt với tình hình của một số quốc gia và khu vực nơi những hoạt động nông nghiệp còn yếu, vì không đủ sự đa dạng hóa và dẫn đến hậu quả mất khả năng thích ứng được với môi trường địa phương và sự biến đổi khí hậu. Hiện tại chúng ta đang chứng kiến những tỷ lệ việc làm rất thấp, và từ đó là mức thu nhập chung, cũng như sự suy dinh dưỡng, có những lúc trở thành mạn tính, ảnh hưởng đến hàng triệu con người. Đây là một cơ cấu phức tạp, trước hết tấn công vào những khu vực thấp kém nhất. Những điều này không chỉ loại trừ họ khỏi những quy trình sản xuất, nhưng cũng thường xuyên buộc họ phải rời khỏi mảnh đất của họ và tìm nơi ở khác để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Điều này không hàm ý nói rằng tương lai của nền nông nghiệp nằm trong sự áp đặt một mô hình sản xuất sinh lợi lớn cho các nhóm ít người và một bộ phận nhỏ dân số thế giới. Nó cũng không có nghĩa là xem công việc nông nghiệp dựa trên căn bản của những tìm tòi của phòng thí nghiệm. Những cách tiếp cận như vậy có thể mang đến những ích lợi ngay lập tức cho một số người, tuy nhiên chúng ta đã cân nhắc đủ chưa về những nguy hại mà chúng có thể gây ra cho người khác? Mọi nỗ lực phải hướng trực tiếp đến việc giúp mỗi quốc gia tăng cường những nguồn lực của riêng họ để đạt được sự tự cung cấp dưỡng chất. Điều này phải có sự trù tính những mô hình phát triển và tiêu thụ mới, tạo điều kiện cho những hình thức cấu trúc cộng đồng làm tăng giá trị những nhà sản xuất nhỏ và bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sinh thái địa phương (x. Tông huấn Laudato Si’, 129, 180). Nó cũng có nghĩa là phải thông qua những chính sách hợp tác không làm xấu thêm tình hình của những dân tộc kém phát triển và sự lệ thuộc của họ vào những nước khác.
Khoảng cách giữa sự khổng lồ của các vấn đề và những kết quả tích cực đạt được cho đến hôm nay không bao giờ là một lý do để nản chí hay mất tự tin, nhưng phải là một sự khích lệ cho một cơ hội lớn hơn. Qua sự đối thoại được Diễn đàn thúc đẩy mà quý vị đang chủ trì, làm sao mỗi người tham dự được truyền cảm hứng để tăng cường cho công trình đã được khởi động và làm cho nó trở nên sáng tạo hơn và có tổ chức tốt hơn. “Quả thực, nhiều việc có thể được thực hiện!” (nt., 180).
Thay mặt Đức Giáo hoàng Phanxico, tôi bày tỏ hy vọng rằng buổi họp này sẽ chứng minh được kết quả tốt. Tôi xin gửi đến ông và tất cả những quý vị tham dự những lời chúc thân ái tốt đẹp nhất.
Hồng y Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh

(Devin Sean Watkins)

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/03/2017]