Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cho George Floyd: lên án ‘tội’ phân biệt chủng tộc, nói rằng ‘chẳng có điều gì đạt được từ bạo lực’

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cho George Floyd: lên án ‘tội’ phân biệt chủng tộc, nói rằng ‘chẳng có điều gì đạt được từ bạo lực’

© Vatican Media

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha cho George Floyd: lên án ‘tội’ phân biệt chủng tộc, nói rằng ‘chẳng có điều gì đạt được từ bạo lực’

Gửi đến ‘những người bạn’ ở Hoa Kỳ

03 tháng Sáu, 2020 10:07

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


“Hôm nay, tôi cùng hiệp thông với Giáo hội tại Saint Paul và Minneapolis, và toàn thể Hoa Kỳ, để cầu nguyện cho sự yên nghỉ của linh hồn anh George Floyd và tất cả những người khác đã mất mạng sống vì hậu quả của tội phân biệt chủng tộc.”

Đức Thánh Cha bày tỏ những lời này gửi đến các tín hữu Hoa Kỳ trong buổi Tiếp Kiến Chung thứ Tư ngày 3 tháng Sáu năm 2020, trong thư viện giáo hoàng, giữa đại dịch coronavirus trên toàn thế giới, khi ngài tập trung vào chủ đề cầu nguyện.

Ngài mở đầu, “Anh chị em ở Hoa Kỳ thân mến, tôi đã theo dõi với sự lo lắng rất lớn về tình hình bất ổn xã hội đáng lo ngại ở đất nước các bạn trong những ngày qua, theo sau cái chết đau buồn của anh George Floyd.”

Đức Thánh Cha nói, “Thưa các bạn, chúng ta không thể dung thứ hoặc nhắm mắt trước nạn phân biệt chủng tộc và loại trừ dưới bất kỳ hình thức nào, và chúng ta phải bảo vệ sự thánh thiêng của mọi sự sống con người. Đồng thời, chúng ta phải nhận biết rằng “bạo lực trong những đêm vừa qua là tự hủy hoại và tự chuốc lấy thất bại. Chẳng có điều gì đạt được từ bạo lực, nhưng mất mát thì quá nhiều.”

Hôm nay, Đức Thánh Cha nói ngài cùng hiệp thông với Giáo hội tại Saint Paul và Minneapolis, và toàn thể Hoa Kỳ, để cầu nguyện cho sự yên nghỉ của linh hồn anh George Floyd và tất cả những người khác đã mất mạng sống “vì hậu quả của tội phân biệt chủng tộc.”

Đức thánh Cha kêu gọi, “Chúng ta hãy cầu nguyện sự an ủi cho những gia đình đau khổ và bạn bè, và chúng ta khẩn xin sự hòa giải và hòa bình dân tộc mà chúng ta khát khao.”

Đức Giáo hoàng người Argentina sau đó đọc kinh Đức Bà Guadalupe, “Mẹ của Châu Mỹ xin chuyển cầu cho tất cả những người hoạt động cho hòa bình và công bằng trong đất nước các bạn và trên toàn thế giới.”

“Xin Chúa chúc lành cho tất cả các bạn và gia đình các bạn,” ngài nói.

Đức Thánh Cha cũng gửi lời bình này trên twitter: “Chúng ta không thể dung thứ hoặc nhắm mắt trước nạn phân biệt chủng tộc và loại trừ dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, chúng ta phải nhận biết rằng bạo lực là tự hủy hoại và tự chuốc lấy thất bại. Chẳng có điều gì đạt được từ bạo lực, nhưng mất mát thì quá nhiều. Chúng ta hãy cầu xin sự hòa giải và hòa bình.”

Gần đây, Đức Hồng y Phêrô Turkson người Ghana, vị đứng đầu Bộ Thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện của Vatican, một cố vấn cấp cao của giáo hoàng, đã gửi lời bình này ngày 30 tháng Năm.

‘Trong những vùng bạo lực ở Hoa Kỳ, tôi cầu xin sự cầu nguyện cho tất cả các mục tử và những nhà lãnh đạo tôn giáo của các cộng đồng kêu gọi tín hữu của họ hãy bình tình trong Chúa nhật này. Cái chết của anh Floyd đã đủ buồn và phi nhân tính đáng hổ thẹn. Chúng ta đừng thêm lên nữa, làm cho nó và ký ức của Floud trở nên xấu xí với bạo lực,’ ngài nói.

Đức Thánh Cha Phanxico gần đây bắt đầu loạt giáo lý mới về việc cầu nguyện, tuần này đặc biệt nói về việc cầu nguyện của Abraham.

Ngài nói, “Ước mong rằng chúng ta học được từ mẫu gương của Abraham để cầu nguyện với lòng tin tưởng: lắng nghe, lên đường, đối thoại và thậm chí tranh luận với Thiên Chúa, nhưng luôn sẵn sàng chào đón Lời Chúa và đem ra thi hành.”

[Văn bản chính: tiếng Anh] [Văn bản của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/6/2020]


Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp video đến phong trào ‘Nước Cha trị đến’

Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp video đến phong trào ‘Nước Cha trị đến’
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp video đến phong trào ‘Nước Cha trị đến’

Truyền hình hôm Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống của Đức Tổng Giám mục Justin Welby của Canterbury


31 tháng Năm, 2020 17:40

Đức Thánh Cha Phanxico chia sẻ thông điệp Chúa Thánh Thần hiện xuống với phong trào “Thy Kingdom Come” (Nước Cha trị đến), một phong trào cầu nguyện đại kết thường niên của Đức Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury. Thông điệp được truyền hình như một phần trong lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống của Đức Tổng Giám mục hôm Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo tin của Vatican News.

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kỷ niệm giây phút khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ. Một trong những ơn mà các ngài nhận được là ơn ngôn ngữ cho phép mọi người từ khắp thế giới được biết đến lúc đó hiểu được lời tuyên xưng của các Tông đồ. Vì lý do này, nhiều người xem thời gian giữa Lễ Chúa Lên trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống như là thời gian để cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Phong trào cầu nguyện “Nước Cha trị đến”, được thúc đẩy bởi Đức Tổng Giám mục Welby, đã làm cho thời gian này trở nên đặc biệt cho người Kitô hữu để hiệp nhất trong lời cầu nguyện cho việc rao giảng phúc âm trên thế giới.


Dưới đây là toàn văn thông điệp video, của Vatican (bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến,

Trong niềm vui, tôi xin cùng hiệp thông với Đức Tổng Giám mục Justin Welby và tất cả anh chị em để chia sẻ một số suy tư trong lòng. Đây là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: chúng ta cử hành ngày Thần Khí Chúa ngự xuống với sức mạnh. Kể từ ngày đó, sự sống của Chúa ngự giữa chúng ta, mang đến cho chúng ta niềm hy vọng, sự bình an, và niềm vui mới mà trước đây chưa từng biết đến. Trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thiên Chúa “lây nhiễm” vào thế giới bằng sự sống. Điều này vô cùng khác biệt với sự lây nhiễm cái chết đã tàn phá trái đất trong những tháng qua! Ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải khẩn xin Thánh Thần rót đổ thật nhiều trong tâm hồn chúng ta sự sống của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Thật vậy, nếu muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, tâm hồn chúng ta phải thay đổi tốt hơn.

Trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, con người nói những ngôn ngữ khác nhau tập trung lại và gặp gỡ nhau. Tuy nhiên, trong những tháng này, chúng ta được yêu cầu phải thực hiện các biện pháp thích hợp và cần thiết để giữ khoảng cách với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng lại hiểu được, có lẽ tốt hơn, những người khác đang trải nghiệm điều gì: tất cả chúng ta đều bị bủa vây bởi nỗi sợ hãi và không chắc chắn. Không biết bao nhiêu tâm hồn bấn loạn và tan vỡ cần sự an ủi! Tôi nghĩ đến việc Chúa Giêsu sử dụng từ Paraclete một cách đặc biệt, tức là Đấng An ủi, khi Người nói về Chúa Thánh Thần. Nhiều người anh chị em đã trải nghiệm sự an ủi được đem đến bởi Thần Khí, sự bình an trong nội tâm đó làm cho chúng ta cảm thấy được yêu thương, sức mạnh dịu dàng đó luôn luôn khơi dậy lòng can đảm, ngay cả giữa đau khổ. Thần Khí bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta không cô đơn, rằng Thiên Chúa gìn giữ chúng ta. Các bạn thân mến, về phần mình chúng ta phải cho đi món quà mà chúng ta đã đón nhận: chúng ta được kêu gọi để chia sẻ sự an ủi của Thần Khí, sự gần gũi của Thiên Chúa.

Làm sao chúng ta có thể làm điều này? Chúng ta hãy nghĩ về tất cả những điều mà chúng ta khát khao: sự an ủi, sự động viên, một ai đó quan tâm đến chúng ta, một ai đó cầu nguyện cho chúng ta, một ai đó khóc với chúng ta, và giúp đỡ chúng ta trong những khó khăn. Mọi điều chúng ta muốn người khác làm cho mình, thì chúng ta hãy làm cho họ (x. Mt 7:12). Chúng ta có muốn được lắng nghe không? Vậy trước hết chúng ta hãy lắng nghe. Chúng ta cần được động viên? Vậy chúng ta hãy trao tặng lời động viên. Chúng ta muốn có ai đó quan tâm đến mình? Vậy chúng ta hãy quan tâm đến những người đang cô đơn và bị bỏ rơi. Chúng ta cần hy vọng cho ngày mai? Vậy hôm nay chúng ta hãy trao tặng hy vọng. Ngày nay thế giới chúng ta đang trải qua một sự đói khát hy vọng nặng nề. Không biết bao nhiêu đau đớn chung quanh chúng ta, không biết bao nhiêu sự trống rỗng, không biết bao nhiêu nỗi sầu khổ không thể ủi an! Vậy thì chúng ta hãy trở thành những sứ giả của sự an ủi được ban tặng bởi Thần Khí. Chúng ta hãy chiếu tỏa hy vọng, và Thiên Chúa sẽ mở ra những con đường mới khi chúng ta bước trên hành trình về tương lai.

Tôi muốn chia sẻ với anh chị em một đôi điều về hành trình này mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện. Tôi vô cùng khao khát rằng người Kitô hữu chúng ta có thể được hiệp nhất sâu sắc hơn như là những chứng nhân của lòng thương xót cho gia đình nhân loại đang bị thử thách nặng nề trong thời gian này. Chúng ta hãy xin Thần Khí ban ơn hiệp nhất, vì chỉ khi chúng ta sống như những anh chị em thì chúng ta mới có thể lan tỏa tinh thần hiệp nhất. Chúng ta không thể yêu cầu người khác hiệp nhất nếu bản thân chúng ta chọn những con đường khác. Vì vậy chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau; mỗi người chúng ta hãy cảm thấy có trách nhiệm với nhau.

Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan và thông minh. Trong thời gian này chúng ta hãy khẩn xin sự trợ giúp của Ngài cho những người chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định phức tạp và cấp bách, để họ có thể bảo vệ sự sống con người và phẩm giá của việc làm. Vì đây là những gì cần phải đầu tư: sức khỏe, việc làm, và loại trừ những bất bình đẳng và nghèo đói. Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta cần một tầm nhìn đầy lòng nhân: chúng ta không thể khởi động trở lại bằng cách quay về theo đuổi sự thành công một cách ích kỷ mà không quan tâm đến những người bị bỏ rơi đằng sau. Và nếu có nhiều người đang làm như vậy, thì Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta hãy thay đổi dòng chảy. Trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thánh Phêrô nói với sự can đảm rất lớn (parrhesia) được thúc đẩy bởi Thần Khí. “Hãy sám hối” (Cv 2:38), ngài thúc giục, hãy hối cải, thay đổi lối sống. Đó chính là điều chúng ta cần làm: quay trở về, trở về với Thiên Chúa, và với anh em chúng ta: không còn bị cô lập và bị tê liệt trước tiếng khóc của người nghèo và sự tàn phá hành tinh chúng ta. Chúng ta cần hiệp nhất để đối phó với trận đại dịch đang lây lan, đối phó với virus, và kể cả với nạn đói, chiến tranh, khinh rẻ sự sống, và thờ ơ với người khác. Chỉ bằng cách cùng bước đi với nhau thì chúng ta mới có thể tiến xa.

Anh chị em thân mến, anh chị em đang công bố thông điệp Tin mừng của sự sống và anh chị em là dấu chỉ hy vọng. Tôi chân thành cảm ơn anh chị em. Tôi khẩn xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và tôi xin anh chị em cũng cầu nguyện để Người chúc lành cho tôi. Cảm ơn anh chị em.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2020]