Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Những gì một đức giám mục Ý nhìn thấy trong lần chứng kiến trừ quỷ đầu tiên của ngài

Những gì một đức giám mục Ý nhìn thấy trong lần chứng kiến trừ quỷ đầu tiên của ngài

Những gì một đức giám mục Ý nhìn thấy trong lần chứng kiến trừ quỷ đầu tiên của ngài

Credit: LUISMARTIN via www.shutterstock.com.

Roma, Ý, 8 tháng Một, 2017 / 04:25 pm (CNA).- Đức Tổng Giám mục Erio Castellucci có câu trả lời cho những ai nghĩ rằng quỷ là không có thật: “họ đã lầm.”
“Tất cả những gì bạn phải làm là chứng kiến một lần trừ quỷ thì hiểu được rằng quỷ là một thực thể đặc biệt, cũng như là một thực tại,” ngài nói với tờ nhật báo Il Resto del Carlino của Ý.
Đức Tổng Giám mục Modena-Nonantola đã nhìn thấy những người bị quỷ ám trong đời ngài, nhưng ngài chưa bao giờ chứng kiến một lần trừ quỷ. Rồi một trong hai linh mục trừ quỷ trong giáo phận của ngài gọi ngài tới. Vị linh mục có một “ca khó.”
Vị linh mục trừ quỷ đến thăm đức tổng giám mục và mời ngài chứng kiến nghi thức.
“‘Mời đức cha đến,’ linh mục nói với tôi, ‘vì người đàn ông này đã bị nhập lâu ngày, ông ta đến với con một tuần một lần và sự hiện diện của ngài, tư cách là một giám mục, có thể có ảnh hưởng hơn’,” đức tổng giám mục kể lại.
Đức tổng giám mục Castellucci nói ngài hiểu được tính khẩn cấp của ca này khi ngài chứng kiến sự phản ứng của người bị quỷ nhập trước nghi thức trừ quỷ.
Ngày 3 tháng Bảy 2015, Đức Tổng Giám mục Castellucci đến một nhà thờ xứ ở Modena nơi thực hiện những vụ trừ quỷ. Vị linh mục trừ quỷ và người bị quỷ ám, một người đàn ông trung tuổi, đã ở đó. Khi ngài vừa bước vào thì người đàn ông bị quỷ nhập bắt đầu hét lên, “Cút đi, cút ra khỏi đây, ngươi sẽ có cái chết thê thảm.”
Người đàn ông sau đó rơi vào trạng thái như bị thôi miên.
“Rồi dường như ông ta chợt tỉnh dậy và nhanh như chớp ông ta dí các móng tay vào trên lưng hai bàn tay của tôi,” Đức tổng giám mục Castellucci tiếp tục, “Ông ta có một cái nhìn rất ma quái trên khuôn mặt và tuôn ra những câu lăng mạ và nguyền rủa không thể kể lại.”
Người bị quỷ ám “nói với tôi rằng tôi sẽ bị chết trong một tai nạn giao thông và khi ông ta nói điều đó trông ông ta rất vui.”
Đức Tổng Castellucci nói về sự nguyền rủa đó rằng “Sự sống của tôi ỏ trong tay Chúa Giê-su và chắc chắn không phải trong tay của con quỷ đó. Tôi chẳng có gì phải lo lắng. Lời Chúa dạy rằng những sự nguyền rủa không bao giờ có tác dụng.”
Sau lần chứng kiến này, đức tổng nói rằng ngài không loại trừ khả năng sẽ tham gia vào những vụ trừ quỷ khác. Chính các nhà trừ quỷ của Ý nói rằng con số chỉ là một vài vụ.
Đức Tổng nói rằng sự nhận biết đúng những trường hợp bị quỷ nhập thật sự là rất quan trọng. Có nhiều trường hợp thuộc về “phép giải của một nhà tâm lý có năng lực hơn là một người trừ quỷ.”
Ngài cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lời cầu nguyện giải thoát khỏi nguy nan giúp chữa lành những người bị quỷ ám.
[Nguồn: catholicnewsagency]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/01/2017]



Bài Giảng của Đức Thánh Cha tại Giáo Xứ Thánh Maria của Roma ở Setteville

Bài Giảng của Đức Thánh Cha tại Giáo Xứ Thánh Maria của Roma ở Setteville

Đến thăm Cộng đoàn Setteville of Guidonia, ngài Phanxico nhắc lại: Những môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su đều là các tội nhân, nhưng họ không bao giờ nói hành nói xấu về nhau
16 tháng 1, 2017
Bài Giảng của Đức Thánh Cha tại Giáo Xứ Thánh Maria của Roma ở Setteville
CTV Screenshot
Chiều Chủ nhật, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha Phanxico đến thăm mục vụ xứ Thánh Maria Setteville, tại Setteville of Guidonia (Roma).
Khi đến, khoảng 3:40 chiều Đức Thánh Cha đến chào Cha Phó Xứ, Cha Giuseppe Berardino, 50 tuổi, bệnh nặng hơn 2 năm với chứng xơ cứng teo cơ một bên. Trong suốt buổi gặp kéo dài 10 phút, Đức Thánh Cha nói chuyện thầm với linh mục — nằm bất động trên giường và không thể nói chuyện — những lời an ủi. Sau lời cầu nguyện thầm, Đức Thánh Cha cử hành Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho cha phó xứ.
Sau đó, Đức Thánh Cha gặp gỡ những người khác trong giáo xứ và đặc biệt, gặp 30 người già và đau bệnh, trong số đó có ba trẻ bị hội chứng Down; thiếu nhi các lớp giáo lý, trong đó có nhiều thiếu niên lớp sau Thêm Sức và nhóm Hướng Đạo Sinh, ngài đã nói chuyện thân mật với nhóm này hơn nửa giờ, trả lời nhiều câu hỏi của các em.
Sau đó, Đức Thánh Cha chào 45 bé được rửa tội trong năm 2016, và ngài nhắc nhở cha mẹ của các bé về tầm quan trọng của gia đình. Sau đó là buổi gặp gỡ với khoảng 100 tín hữu phụ giúp cha ứ, Cha Luigi Tedoldi, trong công tác mục vụ của ngài. Đức thánh Cha cho họ một vài lời khuyên, tập trung vào giá trị của sứ mạng.
Tiếp theo, sau khi chào các linh mục và năm chủng sinh của giáo xứ, Đức Thánh Cha Phanxico đến phòng áo để giải tội cho bốn hối nhân: một cặp vợ chồng trẻ chăm sóc cho Linh Mục Phó Xứ, một thiếu niên lớp sau Thêm Sức và người cha của một em bé bị bệnh.
Khoảng 5:40 Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ trong nhà thờ xứ. Sau bài đọc Phúc Âm, Đức Thánh Cha có bài giảng ứng khẩu.
Khoảng 7 giờ tối, trước khi rời giáo xứ, Đức Thánh Cha chào hỏi nhiều tín hữu tập trung phía trước nhà thờ từ giữa trưa, và những người theo dõi chuyến thăm trên các màn hình khổng lồ được dựng lên trong dịp này.
Đức Thánh Cha về Vatican khoảng 7:40 tối.

Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài ghi chép lời giảng của Đức Thánh Cha:
* * *
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Tin mừng trình bày Gioan Tẩy Giả với chúng ta tại thời điểm ông làm chứng nhân của Chúa Giê-su. Nhìn thấy Chúa Giê-su tiến đến, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.’” (Ga 1:29-30). Đây là Đấng Mê-xi-a. Ông đã làm chứng, và một số môn đệ — môn đệ của Gioan –, nghe lời chứng này và đã đi theo Chúa Giê-su. Họ đi theo Ngài và mừng vui: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-xi-a!” (Ga 1:41). Họ cảm nhận được sự hiện hữu của Chúa Giê-su. Nhưng làm sao họ tìm được Chúa Giê-su? Vì có một nhân chứng; có một con người làm chứng nhân của Chúa Giê-su.
Đời sống chúng ta cũng như vậy. Có rất nhiều Ki-tô hữu tuyên xưng rằng Chúa Giê-su là Thiên Chúa; có rất nhiều linh mục tuyên xưng rằng Chúa Giê-su là Thiên Chúa, rất nhiều giám mục … Nhưng có phải tất cả đều là chứng nhân của Chúa Giê-su? Hay là một Ki-tô hữu thì lối sống cũng như bất kỳ một ai khác, giống như người hâm mộ của một đội bóng nào đấy? “Vâng đúng, tôi là một Ki-tô hữu …” Hay mang tính triết lý một tí: “Tôi theo dõi các điều răn, tôi là một Ki-tô hữu, tôi phải làm điều này …” Là một Ki-tô hữu, trước hết, là làm chứng nhân cho Chúa Giê-su. – Đây là điều đầu tiên. Và đây là điều các Tông đồ đã làm: các Tông đồ đã làm chứng nhân của Chúa Giê-su, và nhờ đó Ki-tô giáo đã lan rộng trên khắp thế giới. Chứng nhân và tử đạo: cả hai đều như nhau. Có người làm chứng nhân trong những điều nhỏ bé, và có người làm chứng nhân trong những điều vĩ đại, họ cho đi cuộc sống trong sự tử đạo, như các Tông đồ đã làm. Tuy nhiên, các Tông đồ đã không theo một khóa học nào để làm chứng nhân của Chúa Giê-su; họ không có học, các ngài không theo đại học nào cả. Họ cảm nhận Thánh Thần trong tâm hồn và nghe theo sự thúc đẩy của Thánh Thần; họ rất trung thành trong điều này, nhưng tất cả các ngài cũng đều là những tội nhân! Nhóm Mười Hai cũng là những tội nhân. “Không, thưa cha, chỉ có Giu-đa thôi!” Không phải, thật tội nghiệp … Chúng ta chẳng ai biết chuyện gì xảy ra cho ông sau cái chết này, vì lòng thương xót của Chúa cũng có tại thời điểm đó. Nhưng tất cả họ đều là những tội nhân, tất cả các ngài. Đố kỵ, có sự ghen tức giữa các ông. “Không, tôi phải chiếm chỗ nhất và anh chỗ thứ hai,” và hai ông đã nói với mẹ của các ông, nhờ mẹ đi nói với Chúa Giê-su giành chỗ đầu cho hai đứa con của bà … Họ đều như vậy, với tất cả mọi tội lỗi của họ. Họ cũng là những người phản bội, vì khi Chúa Giê-su bị bắt, tất cả họ đều bỏ chạy, đầy sợ hãi; họ đi tìm chỗ ẩn mình, họ rất sợ. Và Phê-rô, ông đã biết mình là người đứng đầu, cảm thấy cần phải đến gần hơn để xem mọi việc diễn ra thế nào. Và khi người đầy tớ của thầy thượng tế nói: “Nhưng anh cũng là …,” ông liền nói: “Không, không, không!” Ông đã chối Chúa Giê-su, phản bội Chúa Giê-su, Phê-rô, vị Giáo hoàng đầu tiên đã phản bội Chúa Giê-su! Và đây là những chứng nhân! Đúng, vì họ là những chứng nhân cho ơn cứu độ mà Chúa Giê-su đem đến và tất cả các ông, nhờ vào ơn cứu độ này, đã hoán cải, các ông để cho mình được cứu rỗi. Thật là đẹp khi trên bờ biển Hồ, Chúa Giê-su làm phép lạ [bắt được nhiều cá] và Phê-rô nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5:8). Làm một chứng nhân không có nghĩa là một vị thánh, nhưng trở thành một con người nghèo khó nói rằng: “Vâng, tôi là một tội nhân, nhưng Chúa Giê-su là Thiên Chúa và tôi làm chứng nhân cho Ngài, và tôi cố gắng làm tốt mỗi ngày, để sửa lại cuộc đời của tôi, bước đi trên con đường ngay chính.”
Cha muốn để lại cho anh chị em một thông điệp. Điều này, điều mà cha nói, tất cả chúng ta đều hiểu: chúng ta là những chứng nhân tội lỗi. Nhưng, đọc trong Tin mừng, cha không tìm được một cái tội đặc biệt của các Tông đồ. Có một vài người có tính kích động, họ muốn gọi lửa từ trời xuống thiêu rụi ngôi làng không chịu nghe họ … Các ông cũng có nhiều tội: phản bội, hèn nhát … Nhưng cha không tìm thấy một cái tội đặc biệt: họ không phải là những người nói hành nói xấu, họ không nói xấu về người khác, họ không nói xấu về nhau. Về vấn đề này, họ rất tốt. Các ông không “lột áo” nhau. Cha nghĩ đến những cộng đoàn của chúng ta: không biết bao  nhiêu lần, tội này xảy ra, “tội lột áo của nhau ra,” tội buôn chuyện, tội tin rằng mình có uy hơn người khác bằng cách nói xấu sau lưng họ! Trong Tin mừng, các ông không có tội này. Họ có làm các điều xấu, phản bội Thiên Chúa, nhưng họ không nói hành nói xấu. Cũng trong một giáo xứ, trong một cộng đoàn, nơi mọi người đều biết chuyện … người này đã lừa đảo, người này đã làm chuyện đó …, nhưng rồi người đó đi xưng tội, được hoán cải … Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tuy nhiên, một cộng đoàn mà có chuyện nói hành nói xấu và những người buôn chuyện, là một cộng đoàn không có khả năng làm chứng nhân.
Cha chỉ nói một điều như vầy: anh chị em có muốn là một giáo xứ hoàn hảo không? Vậy thì đừng buôn chuyện, đừng bao giờ nói hành nói xấu. Nếu anh chị em có điều gì bất đồng với người khác, hãy đến và nói thẳng với người ấy, hoặc nói với cha xứ, nhưng đừng đi nói giữa mọi người. Đây là dấu chỉ cho thấy Thánh Thần đang ngự trong giáo xứ. Tất cả chúng ta đều có những tội khác. Có hàng đống tội: người thì có tội này, người thì có tội kia, nhưng tất cả chúng ta đều có tội. Nhưng điều làm tàn phá, giống như những con mọt gỗ, là chuyện nói hành nói xấu sau lưng người khác trong cộng đoàn.
Nhân ngày cha đến thăm giáo xứ, cha muốn cộng đoàn hãy quyết tâm không buôn chuyện. Và khi nào anh chị em thấy muốn nói hành nói xấu, hãy cắn lưỡi mình: nó sẽ sưng lên, nhưng nó sẽ tốt cho anh chị em, và nó sẽ còn tốt hơn cho anh chị em rất nhiều, vì trong Tin mừng những chứng nhân này của Chúa Giê-su – là các tội nhân, thậm chí phản bội Thiên Chúa, —  không bao giờ nói hành nói xấu về người khác. Và đây là điều tốt. Một giáo xứ không có chuyện nói hành nói xấu là một giáo xứ hoàn hảo; nó vẫn là một giáo xứ của những tội nhân, đúng, nhưng là của các chứng nhân. Và đây là chứng tá mà những Ki-tô hữu tiên khởi đã đưa ra: “Họ thật thương yêu nhau, họ thương yêu nhau!” Thương yêu nhau ít nhất là bằng việc này. Hãy bắt đầu bằng việc này. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho anh em ân sủng này, ơn sủng này — không bao giờ, không bao giờ nói hành nói xấu về nhau. Xin cảm ơn anh chị em.
[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/01/2017]