Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Triều Yết Chung: Việc chữa lành cho người mù, và cho chúng ta

Triều Yết Chung: Việc chữa lành cho người mù, và cho chúng ta

Từ một người ăn mày thành một tông đồ: đó là hành trình của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là những người ăn mày, tất cả mọi người.
15 tháng 6, 2016
general audience
L'Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Triều Yết Chung sáng nay tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Một ngày kia, khi đến gần thành Jericho, Chúa Giê-su làm một phép lạ đem lại ánh sáng cho một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường (Luke 18:35-43). Hôm nay chúng ta cần phải hiểu rõ được dấu chỉ này, vì nó cũng đụng chạm trực tiếp tới chúng ta. Tác giả tin mừng Luca cho biết người mù ngồi bên vệ đường ăn xin (c. 35). Một người mù thời đó – cho cả đến thời gian gần đây – chỉ có thể sống nhờ của bố thí. Hình ảnh của người mù này đại diện cho rất nhiều người, cả ngày nay, thấy họ bị gạt ra ngoài lề xã hội vì những khiếm khuyết về cơ thể hoặc những khiếm khuyết khác. Ông ta bị tách ra khỏi đám đông; ông phải ngồi ở đó trong khi những đám đông người qua lại, chìm đắm vào những suy nghĩ của riêng mình và nhiều thứ khác … Và con đường, đáng lẽ phải là nơi để gặp gỡ, thì đối với ông ta lại là một nơi cô độc … và ông ta phải cô đơn.
Hình ảnh của một người bị gạt ra bên lề xã hội rất buồn, đặc biệt trong bối cảnh của thành Jericho, một ốc đảo sang trọng và tráng lệ trong sa mạc. Quả thật, chúng ta biết rằng Jericho là miền đất cuối cùng mà dân tộc Israel xưa kia đã tiến vào sau một hành trình dài xuất hành khỏi Ai cập: thành phố đó tượng trưng cho cánh cổng vào Miền Đất Hứa. Chúng ta hãy nhớ lại lời của ông Môi-sen loan báo trong tình hình đó: “Nếu trong giữa các ngươi có một người nghèo, một người anh em của các ngươi, ở trong bất kỳ một thành trì nào trong miền đất của các ngươi mà Đức Chúa là Thiên Chúa của các ngươi ban cho các ngươi, thì các ngươi không được để cho tâm hồn mình chai đá và bo bo nắm bàn tay lại để không giúp đỡ người anh em của các ngươi … Vì vùng đất đó sẽ không thiếu người nghèo; vì thế ta truyền cho các ngươi, các ngươi phải mở rộng tay ra giúp người anh em của các ngươi, những người thiếu thốn, những người nghèo trong vùng đất của các nguoi7” (Đệ Nhị Luật 15:7.11). Sự đối chọi giữa yêu cầu của Lề Luật của Thiên Chúa tình huống được mô tả trong Tin mừng đang tấn công nhau: trong khi người mù khóc lóc, kêu xin Chúa Giê-su, thì người ta lại quở trách bắt ông ta phải im lặng, dường như ông ta không có quyền được nói. Họ không có lòng trắc ẩn đối với ông; thay vì vậy, tiếng kêu của ông ta làm họ bực  mình. Vậy chúng ta có thường xuyên cảm thấy bực mình khi chúng ta nhìn thấy quá nhiều người trên đường – người thiếu thốn, đau bệnh không có gì để ăn? Chúng ta có thường xuyên cảm thấy bực mình khi chúng ta thấy mình đứng trước qua nhiều người tị nạn? Đó là một cám dỗ ai cũng có – tôi cũng vậy! Cũng vì lý do này mà Lời Chúa khuyên răn chúng ta, nhắc chúng ta nhớ rằng sự thờ ơ vài thái độ thù địch đã làm chúng ta bị mù và điếc, chúng làm chúng ta không thể nhìn thấy được những người anh em của chúng ta và không cho chúng ta nhìn thấy được Chúa Giê-su trong họ – sự thờ ơ và thái độ thù địch. Và có lúc sự thờ ơ và thái độ thù địch này trở thành sự hung hăng và lăng mạ: “nhưng hãy đuổi tất cả những người đó đi!”; “hãy đưa họ đến nơi khác!” Sự hung hăng này là những gì mà người ta đã làm khi người mù kia kêu khóc: này anh kia, xéo ngay, đi ngay, không được nói, không được la hét.”
Chúng ta để ý một chi tiết thú vị. Tác giả tin mừng mô tả rằng có người trong đám đông giải thích cho người mù biết lý do tại sao những người kia lại tụ họp, họ nói: “Giê-su Nazareth đang đi ngang qua đó!” (c. 37). Việc đi ngang qua của Chúa Giê-su được mô tả bằng cùng một động từ mà sách Xuất hành nói đến việc đi ngang qua của Thiên thần tiêu diệt, để cứu dân Israel trong miền đất Ai cập (Xuất hành 12:23). Đó là “sự vượt qua” của Ngày Phục sinh, bắt đầu của sự giải phóng: khi Chúa Giê-su đi nơi nào thì nơi đó có luôn sự giải phóng! Vì vậy, đối với người mù, sự Phục sinh của ông đã được loan báo. Không để cho mình bị đe dọa ngăn cấm, người mù đã kêu to lên nhiều lần khi Chúa Giê-su đi ngang qua, thừa nhận Người là Con vua Đa-vít, Đấng Messia đang được trông đợi, là Đấng theo lời ngôi sứ Isaia, đến mở mắt cho người mù (Isaiah 35:5). Trái ngược lại với đám đông, người mù này nhìn bằng con mắt đức tin. Nhờ vào đó, lời khẩn cầu của ông đã có hiệu quả. Quả thực, khi nghe thấy tiếng của ông, “Đức Giê-su dừng lại, và yêu cầu đem ông ta đến với Ngài” (c. 40). Bằng cách này, Chúa Giê-su “đưa người mù ra khỏi vệ đường và đặt ông ta vào giữa sự chú ý của các môn đệ của Người và đám đông. Chúng ta cũng nghĩ rằng khi chúng ta phải ở trong những hoàn cảnh kinh khủng, gồm cả tình trạng ở trong tội lỗi, thì làm sao Chúa Giê-su thực sự dẫn chúng ta bằng bàn tay của Người ra khỏi vệ đường và cho chúng ta sự cứu rỗi. Nhận thức vấn đề này ở đây gồm hai khía cạnh. Thứ nhất: những người đã loan báo tin vui cho người mù, nhưng họ lại chẳng muốn làm việc gì dính dáng tới ông ta; bây giờ Chúa Giê-su bắt họ phải ý thức được rằng loan báo tin mừng có nghĩa là phải đưa tình trạng của một người đã bị gạt ra bên lề vào trung tâm sự chú ý của mọi người. Thứ hai: về phần mình, người mù không thể nhìn thấy, nhưng đức tin của ông ta mở ra cho ông ta con đường cứu rỗi, và ông ta chợt nhận thấy mình đang ở giữa những người đã dừng lại trên đường để chứng kiến Chúa Giê-su.
Thưa anh chị am, sự đi qua của Chúa Giê-su là một sự gặp gỡ lòng thương xót để kết hiệp mọi điều xung quanh với Ngài để giúp chúng ta có khả năng nhận biết được một người đang cần sự giúp đỡ và an ủi. Chúa Giê-su cũng đi qua cuộc sống của anh chị em; và khi Người đi qua, thì tôi nhận biết được, đó là một lời mời gọi để tiến lại gần Người hơn, để trở nên công chính hơn, để trở nên người Ki-tô hữu tốt hơn, và để bước theo Giê-su.
Chúa Giê-su quay sang người mù và hỏi ông ta: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”  (c. 41). Những lời này của Chúa Giê-su cũng đánh động chúng ta: Con Thiên Chúa đứng trước người mù bây giờ là một người phục vụ khiêm nhường. Người, Giê-su, Thiên Chúa, mà lại nói: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh muốn tôi phục vụ anh như thế nào? Thiên Chúa đã biết chính Người trở thành người phục vụ cho một người mù tội lỗi. Và người mù đã trả lời Chúa Giê-su, không còn gọi là “Con vua Đa-vít” nữa, nhưng là “Đức Chúa,” tước hiệu mà ngay từ buổi sơ khai của Giáo hội đã dùng để gọi Chúa Giê-su Phục sinh. Người mù xin cho ông ta được nhìn thấy, và lòng khát khao của ông đã được nhận lời: “Hãy nhìn thấy đi; đức tin của anh đã chữa lành anh” (c. 42). Ông ta đã cho thấy đức tin của mình khẩn cầu cùng Chúa Giê-su và tha thiết muốn gặp Người, và điều này đã đem lại cho ông ân sủng cứu rỗi. Nhờ vào đức tin, bây giờ ông có thể nhìn thấy và, trên tất cả, ông cảm thấy ông được Chúa Giê-su yêu thương.
Do vậy, kết thúc câu chuyện kể rằng người mù “đã đi theo Người, ngợi khen  Thiên Chúa” (c. 43): ông đã trở thành một môn đệ. Từ một người ăn mày trở thành một môn đệ: đây cũng là hành trình của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là những người ăn mày, tất cả mọi người. Tất cả chúng ta đều cần ơn cứu rỗi. Và tất cả chúng ta cần phải thực hành bước này mỗi ngày: từ những người ăn mày trở thành các môn đệ. Và từ đó người mù cất bước theo Người và bắt đầu là một phần trong cộng đoàn của Người. Người mù, người mà những người khác muốn ông ta phải im lặng, lớn tiếng làm chứng nhân sự gặp gỡ của ông với Đức Giê-su người Nazareth, và “tất cả mọi người, khi nhìn thấy sự lạ đó, đã cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (c. 43). Một phép lạ thứ hai xảy ra: chuyện đã xảy ra với người mù là ông đã làm để mọi người cuối cùng cũng nhìn thấy được. Cùng một ánh sách đã chiếu tỏa trên họ, kết hiệp họ lại trong lời ca ngợi khen. Chúa Giê-su tuôn đổ lòng thương xót của Người trên tất cả những ai Người gặp: Người kêu gọi họ, mang họ đến với Người, nhóm họp họ lại, chữa lành và soi sáng cho họ, thành lập nên một dân tộc mới ca mừng những kỳ công của tình yêu thương xót của Người. Chúng ta cũng hãy để cho mình được Chúa Giê-su kêu gọi, và hãy để Người chữa lành cho chúng ta, để Người tha thứ cho chúng ta, và chúng ta hãy bước theo Người ca tụng Thiên Chúa. Hãy cứ làm như vậy đi!
[Văn bản gốc: tiếng Ý]  [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/06/2016]



THÁNH GERMAINE COUSIN


THÁNH GERMAINE COUSIN

THỨ TƯ, 15 THÁNG 6, 2016

germaine cousin


15 tháng 6 là ngày lễ kính thánh Germaine Cousin, một cô thiếu nữ ngoan đạo và đơn sơ sống ở vùng  Pibrac, Pháp cuối những năm 1500. Germaine sinh năm 1579 trong một gia đình nghèo. Cha của cô là một nông dân, và mẹ chết lúc cô vẫn còn bé thơ. Cô sinh ra với cánh tay và bàn tay phải bị biến dạng khác thường, và bị bệnh tràng nhạc, một dạng của bệnh lao.
Cha của cô tái hôn chẳng bao lâu sau khi mẹ cô chết, nhưng mẹ ghẻ của cô rất ghê tởm tình trạng của Germaine. Bà ta dằn vặt và bỏ bê Germaine, và dạy cho các con riêng của bà cũng hành động như vậy.
Bị bỏ đói và đau bệnh, Germaine cuối cùng bị đuổi ra khỏi nhà và bị bắt buộc phải ngủ dưới gầm cầu thang trong chuồng gia súc, trên đống lá và cành cây nhỏ, chỉ vì sự ghẻ lạnh của mẹ kế và sự ghê tởm của bà ta trước tình trạng của cô. Hàng ngày cô phải đi chăn đàn cừu của gia đình.
Bất kể cuộc sống quá khổ cực, cô thiếu nữ mỗi ngày sống tràn đầy niềm vui và lòng tạ ơn, và dành rất nhiều thời gian để đọc kinh Mân côi và dạy những đứa trẻ trong làng và tình yêu của Thiên Chúa. Cô được cho ăn uống rất đạm bạc và có thân hình gầy ốm, mặc dù vậy cô vẫn chia sẻ mẩu bánh nhỏ mà cô có với người nghèo trong làng.
Từ lòng tin đơn sơ của cô đã lớn lên thành sự thánh thiện và tín thác sâu thẳm vào Thiên Chúa. Cô đi lễ hàng ngày, để đàn cừu lại cho thiên thần bản mệnh của cô trông nom, và thiên thần không bao giờ làm cô thất vọng. Lòng sùng đạo của Germaine bị những người trong làng nhìn với sự nhạo báng, nhưng bọn trẻ nhỏ thì không, chúng bị cuốn hút bởi sự thánh thiện của cô.
Thiên Chúa đã bảo vệp Germaine và tuôn đổ ân phúc cho cô. Người ta kể rằng trong những ngày nước sông dâng cao, dòng nước rẽ ra để cô bé có thể qua sông để đi lễ. Một ngày mùa đông nọ, khi cô bị mẹ kế săn tìm vì tố cáo cô ăn cắp bánh mì, cô bé mở tạp dề ra và các bông hoa mùa xuân rơi xuống. Cô đã tặng những bông hoa đó cho mẹ kế như là dấu chỉ của sự tha thứ.
Cuối cùng, những người lớn trong làng bắt đầu nhận ra sự thánh thiện đặc biệt của cô gái chăn cừu dị tật và nghèo nàn này. Và cuối cùng thì cha mẹ của Germaine cũng trả lại cho cô một chỗ ở trong căn nhà, nhưng cô đã chọn ở lại trong nơi ở tồi tàn bên ngoài.
Ngay khi dân làng nhận ra được vẻ đẹp của đời sống của cô gái, thì Thiên Chúa gọi cô về với Người. Cha của cô tìm thấy xác chị nằm trên cái giường bằng lá cây vào một buổi sáng lúc đó chị vừa tròn 22 tuổi.
Bốn mươi ba năm sau, khi một người bà con của cô qua đời được chôn cất, quan tài của Germaine bị mở ra và người ta thấy xác của chị vẫn còn nguyên vẹn. Người từ các vùng lân cận bắt đầu cầu nguyện với chị và nhận được nhiều phép lạ chữa lành bệnh.
Thánh Germaine được Đức Thánh Cha Pio IX phong thánh năm 1867 và được phong thánh nữ đồng trinh.

[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/06/2016]



Đức Thánh Cha tại Liên Hiệp Quốc: Giáo dục là vô cùng quan trọng để giải quyết hiện tượng di dân

Đức Thánh Cha tại Liên Hiệp Quốc: Giáo dục là vô cùng quan trọng để giải quyết hiện tượng di dân

Ngày nay chúng ta cần phải gấp rút gắn kết tất cả mọi thành viên xã hội tham gia xây dựng ‘một văn hóa ưu tiên cho đối thoại như là một hình thức gặp gỡ’
15 tháng 6, 2016
migrant
Wikimedia - Cortesia Guardia Di Finanza
Trong bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Đại diện thường trực của Đức Thánh Cha ở Liên Hiệp quốc và các Tổ chức Quốc tế khác ở Geneva, Đức Thánh Cha chính thức nhắc lại rằng giáo dục là một trong những phương tiện căn bản để đối phó với hiện tượng di cư.
Phái đoàn của Đức Thánh Cha khẳng định, Giáo dục không chỉ là một công cụ để vượt qua được những nguyên nhân tiêu cực của tình trạng di cư, nhưng cũng là một chìa khóa để điều trị cho “tính nghi ngờ, sự thờ ơ và những bất công mà nhiều người di cư đang gặp phải.”
Dưới đây là bài phát biểu của Đức Tổng giám mục Jurkovič tại phiên họp thứ 32 của Hội Đồng Nhân Quyền.
Mục 3 – Báo Cáo Viên Đặc Biệt về di dân.
Thưa ngài Chủ tịch,
Phái đoàn của Đức Thánh Cha đã theo dõi những vấn đề di dân với sự chú ý đặc biệt và do đó xin chúc mừng Báo Cáo Viên Đặc Biệt về bài báo cáo của ông. Di cư là một hiện tượng toàn cầu và năm 2015 con số di dân đã vượt quá 244 triệu người, tăng 41% so với năm 2000.
Những hoạt động này thường do nguyên nhân của những sự phân phối không đồng đều về kinh tế và xã hội, những xung đột bạo lực, thiên tai, và kể cả những sự ngược đãi tôn giáo. Đại đa số di dân trên thế giới là công nhân lao động, ra đi để tìm cơ hội cải thiện tình trạng xã hội và kinh tế cho mình. Tất cả chúng ta đều ý thức về sự khủng hoảng kinh tế gần đây và hậu quả của nó gây ra, từng lúc từng lúc, là đánh mất một “viễn cảnh nhân loại” trong giữa những sự dịch chuyển.
Trong lúc hiểu được sự cần thiết của những chính sách quốc gia để giải quyết những dòng lớn người di cư và tị nạn, Phái đoán chúng tôi xin được nhắc lại những thỉnh cầu của Đức Thánh Cha Phanxico thay mặt cho những anh chị em bị bắt buộc phải di tản để tìm một cuộc sống an toàn và xứng đáng gửi tới các nhà lãnh đạo quốc tế. Xin đừng đối xử với những người này như là một sự đe dọa cho tính ổn định quốc gia và rồi để họ rơi vào tình trạng bị bóc lột của những con người bất lương, hay chỉ coi họ như những món hàng hóa, mà không có sự quan tâm đúng về quyền và khát vọng của họ. Mục tiêu Phát Triển Bền vững số 16 của Chương trình Thực hiện Phát triển đến 2030 nhằm mục tiêu “thúc đẩy những xã hội hòa bình và đa dạng tiến đến sự phát triển bền vững, để cung cấp sự công bằng cho tất cả mọi người và xây dựng những cơ quan và tổ chức hiệu quả, có trách nhiệm và đa dạng ở mọi cấp độ.” Mục tiêu này có thể đạt được qua đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau.
Hơn nữa, sự đóng góp to lớn và tích cực của di dân cho những quốc gia tiếp nhận họ phải được trân trọng và khẳng định. Công việc của họ góp phần cho một giải pháp về nhân khẩu của những quốc gia có dân số già. Họ đóng góp bằng việc xây dựng những cầu nối giữa các nền văn hóa và thúc đẩy việc xây dựng và phát triển cho những quốc gia mẹ của họ qua những khoản tiền họ gửi về cho gia đình và qua những kỹ năng mà họ học được. Sự đóng góp tích cực nhất của họ là một minh chứng rõ nét khi họ hoàn toàn hòa nhập vào xã hội của đất nước cưu mang họ, và từ đó ý thức rằng một tương lai tươi sáng hơn có thể cùng nhau xây dựng. Vì lý do này, đối thoại và sự chấp nhận lẫn nhau đóng vai là những yếu tố không thể thiếu được cho sự hội nhập thành công. Thông qua việc tiếp nhận đặt căn bản trên nhân quyền, người di cư trở nên những nhân tố của sự phát triển văn hóa và kinh tế. Hơn nữa, việc thừa nhận những quyền con người căn bản là rất cần thiết cho sự phát triển của việc làm phong phú lẫn nhau.
Những chính sách phù hợp là một đòi hỏi rất quan trọng để bảo đảm việc di cư được an toàn và có trật tự và tôn trọng quyền của di dân. Di cư bất thường, buôn người, và việc cầm giữ ở trại tập trung những nhóm thiểu số không được bảo vệ là một số trong những vấn đề phổ biến liên quan đến những khuynh hướng di cư hiện tại. Ngoài ra có quá nhiều người di cư đang phải tiếp tục làm việc trong những điều kiện bị đe dọa, bị nguy hiểm, và bị coi thường. Họ thường bị đẩy ra ngoài lề xã hội và là đối tượng cho sự kỳ thị đối xử và lối sống tiêu cực, và không được tiếp cận với những dịch vụ xã hội, giáo dục và y tế.
Điều quan trọng là phải vượt qua những nhân tố “thúc đẩy” di cư tiêu cực, đồng thời áp dụng và thực hiện những chính sách và dự án nhằm giới hạn những ảnh hưởng bất lợi cho sự di cư và đưa ra được sự bảo vệ đặc biệt cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất: trẻ em, phụ nữ và người già. Con người không thể bị cưỡng bức di cư nhưng họ phải được tự do làm việc đó trong những điều kiện có kế hoạch và tự nguyện. Những tổ chức chính phủ và quốc tế, cùng với xã hội dân sự, có trách nhiệm phải soạn thảo thật tỉ mỉ và thi hành những chính sách di trú, những sách lược và những thỏa thuận giúp cho việc di cư được nhân đạo hơn và để bảo đảm rằng hiện tượng này có những kết quả tích cực cho tất cả.
Giáo dục vẫn là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để vượt qua những nguyên nhân tiêu cực của di cư và là cách chữa trị cho thái độ nghi ngờ, thờ ơ và bất công mà nhiều di dân đang phải trải qua. Có một nhu cầu bức thiết là chia sẻ thêm kiến thức và bảo đảm cho sự hội nhập văn hóa và xã hội. Giáo dục có thể đóng một vai trò then chốt trong tiến trình này và trong việc xây dựng những chính sách quốc gia và quốc tế nhằm thúc đẩy sự ý thức tính trách nhiệm và tình hiệp nhất mà mỗi xã hội đều cần phải đặt nền tảng trên nó. Hơn nữa di dân là những lớp người rất tháo vát trong tiến trình di cư: họ phải hiểu được quyền của họ, và được quyền đưa ra những quyết định có ý thức về vấn đề này.
Thưa ngài Chủ tịch,
Tôi muốn kết luận bằng một câu trích dẫn lời của Đức Giáo Hoàng Phanxico: “Chúng ta được kêu gọi để thúc đẩy một nền văn hóa đối thoại  bằng bất kỳ một phương cách khả thi nào và từ đó tái thiết cơ cấu của xã hội. Văn hóa đối thoại bắt buộc phải có một sự thực hành thật sự và một kỷ luật làm cho chúng ta nhìn những người khác là người đối thoại có giá trị đối với chúng ta, làm cho chúng ta biết tôn trọng người nước ngoài, người nhập cư và những người từ những nền văn hóa khác luôn có giá trị để lắng nghe. Ngày nay chúng ta cần phải gấp rút gắn kết mọi thành viên của xã hội trong việc xây dựng ‘một nền văn hóa ưu tiên cho việc đối thoại như là một hình thức gặp gỡ’ và để tạo ra ‘một phương tiện xây dựng sự đồng tâm và đồng lòng khi đi tìm kiếm  mục tiêu của một xã hội công bằng, sẵn sàng đáp lời và đa dạng.’ (Tông huấn Niềm vui Tin mừng, 239).”
Xin cảm ơn ngài Chủ tịch.

[Nguồn: ZENIT]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/06/2016]