Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

“Kinh Thánh là một quyển sách rất rất nguy hiểm,” Đức Thánh Cha nói với giới trẻ

“Kinh Thánh là một quyển sách rất rất nguy hiểm,” Đức Thánh Cha nói với giới trẻ


Trong phần mở đầu cho quyển kinh thánh mới cho giới trẻ, ngài Phanxico tiết lộ mối quan hệ riêng tư với Kinh Thánh

“The Bible Is an Extremely Dangerous Book,” Pope Tells Young People

GRDirector
Nhân dịp phát hành quyển Kinh Thánh mới cho giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxico đã viết một câu chuyện về mối quan hệ riêng tư của ngài với Kinh Thánh.
Viết trong lời nói đầu cho phiên bản tiếng Đức quyển Kinh thánh mới cho giới  trẻ sẽ được phát hành ngày 21 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxico nói một cách rất trìu mến về một quyển Kinh Thánh cũ, đã bị sờn rách mà ngài mang theo suốt nửa đời ngài.
Ngài tư vấn cho các bạn trẻ về cách tiếp cận tốt nhất khi đọc Kinh Thánh để nó mang lại Ánh sáng của Lời Người vào trong đời sống của họ chứ không dẫn đến kết quả là trưng trên kệ. Ngài nhắc nhở các độc giả rằng, đó là một quyển sách “nguy hiểm” ở một số vùng trên thế giới: sở hữu một quyển có thể dẫn đến tù tội hay tra tấn.
Và ngài trích  dẫn lời của đức Mahatma Gandhi, nói rằng, “Người Ki-tô hữu các bạn có trong tay một quyển sách chứa đủ chất nổ để làm đảo lộn mọi nền văn mình.”
Dưới đây là lời nói đầu của Đức Thánh Cha:
Các bạn trẻ thân mến của cha:
Nếu chúng con có thể nhìn thấy quyển Kinh Thánh của cha, chắc các con chẳng thấy gì ấn tượng. Cái gì thế — đó là quyển Thánh Kinh của Đức Giáo hoàng sao? Một quyển sách cũ kỹ, sờn rách!
Các con có thể mua cho cha một quyển với giá $1.000, nhưng chắc chắn cha không muốn nó. Cha yêu quyển Thánh Kinh cũ của cha, nó đã đi theo cha nửa cuộc đời. Nó đã ở với cha trong những lúc hân hoan cũng như trong những lúc rơi lệ. Nó là gia tài quý giá nhất của cha. Cha sống theo quyển Thánh Kinh, và cha sẽ không đổi nó cho bất kỳ thứ gì trên thế giới.
Cha rất thích quyển Kinh Thánh mới cho giới trẻ này. Nó rất nhiều màu sắc, rất phong phú về những chứng tá, những chứng tá của các thánh, những chứng tá của các bạn trẻ. Nó đầy sự mời gọi đến mức khi bạn đã bắt đầu đọc trang đầu, bạn sẽ không có thể dừng lại cho đến khi hết trang cuối cùng.
Và rồi sau đó …? Sau đó nó biến mất trên một kệ sách, làm mồi cho bụi. Con cái của các bạn một ngày nào đó sẽ tìm thấy nó và đem ra chợ trời.
Không thể như vậy được.
Để cha kể cho chúng con một vài điều. Ngày nay có nhiều người Ki-tô hữu chịu bách hại hơn so với những ngày đầu của Giáo hội. Và tại sao họ lại bị bách hại? Họ bị bách hại vì họ đeo thánh giá hoặc làm chứng cho Chúa Giê-su. Họ bị bỏ tù vì họ sở hữu một quyển Thánh Kinh. Vì thế Thánh Kinh là một quyển sách rất rất nguy hiểm — quá nguy hiểm đến mức ở một số quốc gia các con sẽ bị đối xử như thể các con đang cất giấu lựu đạn cầm tay trong tủ quần áo nhà mình.
Chính một vị không phải người Ki-tô hữu, đức Mahatma Gandhi, có lần nói: “Người Ki-tô hữu các bạn bảo vệ cho một tài liệu chứa đủ chất nổ để làm nổ tung mọi nền văn minh thành từng mảnh, đảo lộn thế giới, và mang hòa bình đến cho một hành tinh bị chiến trận xé nát. Nhưng các bạn lại xem nó dường như chẳng có gì hơn ngoài một tác phẩm văn học.”
Vậy các con có gì trong tay của mình? Một tác phẩm văn chương? Một vài câu truyện cổ hay hay? Rồi các con chắc sẽ nói với rất nhiều người Ki-tô hữu bị tù đày hoặc bị ngược đãi vì họ sở hữu một quyển Kinh Thánh rằng: “Các anh thật ngốc; nó chỉ là một tác phẩm văn học thôi mà!”
Không. Lời của Chúa mang lại Ánh sáng cho trần gian, và nó sẽ không bao giờ tắt. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng) (175) cha có nói, “Chúng ta không tìm kiếm Thiên Chúa một cách mù quáng, hay chờ đợi Người nói với chúng ta trước, vì “Thiên Chúa đã nói với tất cả chúng ta rồi, và chúng ta không cần biết gì nhiều hơn những điều đã được mặc khải cho chúng ta.’ Nguyện xin cho chúng ta biết đón nhận gia tài siêu phàm của lời được mặc khải.”
Vì thế các con đang có một thứ của Thiên Chúa trong tay các con: một quyển sách như ngọn lửa! Một quyển sách qua đó Thiên Chúa nói với chúng ta. Vì vậy hãy chú ý: Thánh Kinh không với chủ đích để trưng bày trên kệ, nhưng để giữ trong tay của chúng con, để thường xuyên đọc — mỗi ngày, vừa đọc riêng một mình vừa đọc với người khác. Chúng con chơi thể thao với nhau hoặc đi mua sắm với nhau. Vậy tại sao lại không đọc Kinh Thánh với nhau — hai, ba, hay bốn người chúng con? Giữa thiên nhiên, trong rừng, trên bãi biển, vào ban đêm dưới ánh sáng của vài cây đèn cầy … các con sẽ có một trải nghiệm rất tuyệt vời!
Hay các con sợ biến mình thành người ngốc nghếch trước mắt những người khác?
Hãy đọc thật chăm chú! Đừng dừng lại trên bề mặt giống như đọc một truyện tranh! Đừng bao giờ lướt tìm Lời của Chúa! Hãy tự hỏi mình: “Lời này muốn nói gì cho tâm hồn của tôi? Có phải Thiên Chúa muốn nói với tôi qua những lời này? Người  đã chạm đến tôi tận trong sâu thẳm của lòng khát khao của tôi chưa? Tôi phải làm gì? Chỉ duy nhất bằng cách này thì sức mạnh của Lời của Chúa mới đâm chồi. Chỉ bằng cách này thì Lời của Chúa mới thay đổi đời sống chúng ta, làm cho đời sống nên tuyệt vời và đẹp.
Cha muốn kể cho các con biết cách  cha đọc quyển Kinh Thánh cũ của cha. Cha thường đọc một đoạn ngắn rồi gấp sách lại và chiêm ngưỡng. Không phải cha nhìn Thiên Chúa đâu, nhưng Người đang nhìn cha. Người ở đó. Cha để cho tâm hồn cha nhìn vào Người. Và cha cảm nhận — đây không phải là tính đa cảm — cha cảm nhận được sâu sắc những điều mà Thiên Chúa nói với cha. Đôi khi Người chẳng nói gì cả. Cha cũng chẳng cảm nhận được gì, chỉ là sự trống rỗng, trống rỗng, trống rỗng … Nhưng cha giữ lòng kiên nhẫn, và rồi cha chờ đợi, đọc và cầu nguyện. Cha ngồi cầu nguyện, vì cha quỳ thì đau chân. Thỉnh thoảng cha ngủ gật lúc cầu nguyện. Nhưng điều đó chẳng sao. Cha giống như một đứa con với người cha, và đấy mới là điều quan trọng.
Các con có muốn là cha vui không? Hãy đọc Kinh Thánh!
Đức Giáo hoàng Phanxico

[Nguồn:  aleteia]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/10/2016]



Giới trẻ chào đón chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục 2018

Giới trẻ chào đón chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục 2018

Phong trào Focolare đưa ra những phản ứng đầu tiên của một số bạn trẻ của phong trào
11 tháng 10, 2016
Cross Icon Brazilian pilgrims
Đại hội chung thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục, được nhóm họp tháng 10, 2018, sẽ tập trung vào “Giới trẻ, đức tin và sự nhận thức rõ ơn thiên triệu,” Đức Thánh Cha Phanxico đã chọn.
Giới trẻ thuộc Phong trào Focolare nằm trong số những bạn trẻ có phản ứng rất nhiệt tình với quyết định.
Chúng ta cùng đọc một số lời bình luận:
Gloria, Uganda:  “Đây là một tin tuyệt vời và đó cũng là một sự hồi đáp. Sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu … Chúng tôi rất hạnh phúc vì Đức thánh Cha đã nghĩ đến chúng tôi!”
Ryan, Mỹ: “Tin tuyệt vời. Nếu giới trẻ không được cho một môi trường tốt trong Giáo hội hôm nay, thì Giáo hội ngày mai sẽ thiếu văn hóa. Tôi nghĩ Đức Thánh Cha Phanxico muốn để Giáo hội lại cho những đôi tay tốt lành. Chúng tôi cần những ý tưởng tốt về cách sống ơn thiên triệu, không chỉ là về những lựa chọn cho tương lai: kết hôn, trở thành một linh mục, một tu sĩ,  một người theo phong trào focolarino (tổ ấm) …. Trong khóa huấn luyện Focolare của tôi, tôi đã được học cách xem ơn thiên triệu như là một câu trả lời cho tiếng gọi phải biết sống ngay trong hiện tại, ngay lập tức. Tôi hy vọng rằng Thượng Hội đồng cũng sẽ tập trung vào khía cạnh này để Giáo hội sẽ ở trong những đôi tay tốt lành.”
Amanda, Brazil: “Thật ngạc nhiên! Tôi tin chắc Đức Thánh Cha biết cách đến với tất cả mọi bạn trẻ. Rất nhiều bạn trẻ không còn tham gia vào đời sống Giáo hội nữa đã thể hiện sự quan tâm lớn đến tông huấn về môi trường của ngài. Tôi coi Thượng Hội đồng này như một cơ hội lớn. Nó sẽ rất tuyệt vời nếu nó đến được với mọi  người.”
Aileen, Ấn độ:  “Những gì tôi học được nơi Giáo hội Công giáo ở tiểu bang nơi tôi lớn lên có một số khía cạnh khác với những lời dạy ở tiểu bang khác. Ý kiến khác nhau thậm chí trên cùng một tài liệu, lấy ví dụ như Youcat được sử dụng. Sự toàn cầu hóa và truyền thông xã hội cho chúng tôi được tiếp xúc thậm chí với những giáo huấn Giáo hội ở những nơi khác trên thế giới. Những khác biệt trong việc tiếp cận với những vấn đề quan trọng có thể gây ra sự lẫn lộn thiếu một tiếng nói rõ ràng. Đức Thánh Cha và Giáo hội toàn cầu có một vai trò rất quan trọng trong việc này, trong khi các ngài cân nhắc đến những nền văn hóa khác nhau. Tôi nghĩ Thượng hội đồng đưa ra những triển vọng tuyệt vời.”
Jorge, Peru: “Người trẻ đang bắt đầu biết nhiều hơn về những vấn đề của Giáo hội, đặc biệt những vấn đề nóng: các vụ bê bối, các vấn đề xã hội, Giáo hội và chính trị. Ví dụ, ở Peru những vấn đề như vậy tạo ra khoảng cách xa hơn giữa vị trí của linh mục và thực tại của giới trẻ. Tin tức từ Thượng hội đồng làm cho tôi tràn đầy hy vọng: sự đóng góp và ý tưởng của giới trẻ, sử dụng phương tiện truyền thông  và các mạng xã hội theo con đường trong sáng và thống nhất, có thể cho thấy một khuôn mặt Giáo hội gần gũi hơn.”
Dam, Argentina: “Tôi lớn lên trong một giáo xứ, và tôi nghĩ rằng chủ đề ơn thiên triệu và giới trẻ đáng lẽ phải bắt đầu từ nhiều năm trước. Ngày nay chúng ta đang ở trong một thời kỳ khủng hoảng ơn thiên triệu: gia đình, đời sống tu trì, làm người công dân v.v.. Vì vậy tôi nói: Tuyệt vời, chủ đề thật tuyệt vời, cho dù có hơi trễ.”
Jorge, El Salvador: “Những Ngày Giới trẻ Thế giới đã cho thấy sự mở rộng của Giáo hội đối với giới trẻ. Trao sự ưu tiên cho giới  trẻ cho thấy Đức Thánh Cha Phanxico bây giờ muốn chuyển từ lời nói sang công việc; vì chúng ta phải là những người tìm ra các giải pháp cho những vấn đề của thế giới. Đôi khi chúng ta có khuynh hướng cho rằng chúng ta không thể giải quyết được các vấn đề, nhưng cùng với những vị thông thái và dày dạn kinh nghiệm chúng ta chắc chắn tiến tới được các giải pháp. Có vẻ như Đức Thánh Cha đang nói với chúng tôi: các bạn đang sẵn sàng cho thử thách này.”
Jose Luis, Brazil: “Ai biết chuyện gì thực sự sẽ diễn ra trong Thượng Hội đồng! Thật tuyệt vời nếu có một số bạn trẻ được tham dự. Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều muốn có ai đó lên tiếng trong Thượng hội đồng này.”

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 12/10/2016]



Đức Thánh Cha: đạo đức giả là một chứng tâm thần phân liệt tâm linh

Đức Thánh Cha: đạo đức giả là một chứng tâm thần phân liệt tâm linh

Pope Francis celebrating Mass at the Santa Marta residence. - OSS_ROM
Đức Thánh Cha Phanxico dâng lễ trong nhà nguyện Santa Marta. - OSS_ROM
14/10/2016 12:25
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục các Ki-tô hữu luôn luôn nói sự thật để tránh đầu hàng trước thói đạo đức giả mà ngài mô tả là một hình thức của chứng tâm thần phân liệt tâm linh làm cho chúng ta nói rất nhiều điều những chẳng đem điều nào ra thực hành. Ngài nói trong Thánh lễ sáng Thứ Sáu dâng trong nhà nguyện Santa Marta.
Men bột tốt và xấu: những chiếc bánh bột phồng ngày Hội của bà của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha lấy ý trong các bài đọc trong ngày để phản ánh về những sự nguy hiểm của thói đạo đức giả bằng việc cảnh báo người Ki-tô hữu chống lại men bột xấu của người Pha-ri-sêu. Ngài lưu ý rằng có men bột tốt và men bột xấu, ngài nói rằng men bột tốt là xây dựng Nước Chúa trong khi men bột xấu chỉ tạo ra hình thức ngoài của Nước Chúa.
Men bột tốt, Đức Thánh Cha nói, luôn luôn nở ra và phồng lên liên tục và đặc chắc để tạo ra loại bánh mì hoặc bánh quy thơm ngon. Nhưng, ngài cảnh báo, men bột xấu không nở đều và ngài sử dụng một câu chuyện thời còn bé của ngài để giải thích khái niệm này.
“Cha nhớ kỳ Hội năm đó, lúc cha còn nhỏ, bà của cha làm những chiếc bánh phồng và bà làm những chiếc bánh phồng rất rất mỏng. Sau đó bà bỏ vào dầu  chiên và bánh đó phồng lên, phồng lên và khi cha bỏ vào miệng ăn thì nó giống như chẳng có gì. Và bà bảo cho cha và các anh chị em rằng trong thổ ngữ địa phương chúng được gọi là ‘bánh lừa’ – ‘những người này giống như bánh lừa: nhìn họ có vẻ to tát nhưng bên trong họ chẳng có gì, chẳng có sự thật nào ở đó, chẳng có gì mang tinh chất ở đó.’ Và Chúa Giê-su nói với chúng ta: ‘Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu.’ Vậy nó là cái gì? Nó là thói đạo đức giả. Hãy luôn cảnh giác chống lại men của người Pha-ri-sêu là thói đạo đức giả.
Thói đạo đức giả là một chứng bệnh tâm thần phân liệt tâm linh
Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích rằng thói đạo đức giả xuất hiện khi chúng ta cầu khẩn Thiên Chúa trên môi miệng nhưng lòng chúng ta lại xa Người.
“Thói đạo đức giả là một sự chia rẽ nội tâm. Chúng ta nói một đàng nhưng lại làm một nẻo. Nó là một chứng bệnh tâm thần phân liệt tâm linh. Ngoài ra, thói đạo đức giả là một kẻ xảo trá: họ trông có vẻ tốt lành và lịch sự nhưng họ có thủ một dao găm sau lưng, đúng không? Hãy nhìn vua Hê-rô-đê: trong lòng thì hoảng sợ lắm nhưng cách ông ta tiếp các Nhà Chiêm tinh lại rất lịch sự! Rồi khi ông ta tạm biệt họ, ông ta bảo: ‘Hãy lên đường và rồi quay lại cho tôi biết đứa trẻ này ở đâu để tôi cũng đến và thờ lạy ngài!’ Để giết ngài! Ông ta là một kẻ đạo đức giả hai mặt, một kẻ giả vờ. Chúa Giê-su khi nói với các luật sĩ, ngài nói: ‘những người này bảo người khác làm việc này nhưng họ không bao giờ làm,’ đây là một thói đạo đức giả khác. Nó là một chủ nghĩa huy danh: những người tin rằng chỉ bằng cách nói ra những điều đó thì mọi việc được thực hiện. Không. Phải bắt tay làm mọi việc chứ không nói bằng miệng. Và một người đạo đức giả là một người tin theo chủ nghĩa huy danh rằng chỉ cần nói là mọi việc được thực hiện. Ngoài ra, thói đạo đức giả không thể tự kết tội mình: họ chẳng bao giờ tìm thấy một vết nhơ trên người họ, họ chỉ kết án người khác. Họ luôn nghĩ về  cái xà và cái rác, đúng không? Và bằng cách này chúng ta có thể mô tả rằng men bột đó là thói đạo đức giả.”
Hãy nói sự thật đừng nói dối
Đức Thánh Cha Phanxico thúc giục Ki-tô hữu kiểm tra lại lương tâm của mình để tìm hiểu xem họ đang lớn lên trong men bột tốt hay xấu bằng cách tự hỏi: Tôi làm những việc này với tinh thần gì? Tôi cầu nguyện với tinh thần như thế nào? Tôi nhìn đến người khác với tinh thần ra sao? Xây dựng bằng tinh thần gì? Hoặc với tinh thần nào để trở thành hơi thở? Kết luận, ngài nhấn mạnh rằng thật vô cùng quan trọng là đừng đánh lừa bản thân và phải nói sự thật hơn là nói dối.
“Những đứa trẻ vô cùng chân thật khi chúng xưng những tội của chúng! Những đứa trẻ không bao giờ nói dối khi xưng tội; chúng không bao giờ nói về những điều trừu tượng. ‘Con đã làm việc này, con đã làm việc kia, con đã làm …’ Những điều rất cụ thể. Trẻ em nói về những điều rất cụ thể khi chúng đứng trước mặt Chúa và trước mặt người khác. Tại sao vậy? Vì chúng có men bột tốt, men bột làm chúng phát triển lên như Vương quốc của Thiên Chúa lớn lên. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta Thánh Thần và ân sủng của sự sáng suốt đó để phân biệt được loại bột mà tôi đang lớn lên trong nó, loại bột mà tôi đang sử dụng. Tôi có phải là một người trung tín và trong sáng hay tôi là một người đạo đức giả?”

[Nguồn:  en.radiovaticana.va]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/10/2016]