Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Câu truyện của một linh mục Công giáo bí mật ở Trung quốc

Câu truyện của một linh mục Công giáo bí mật ở Trung quốc

Chinese Flag. Credit: Philip Ja?genstedt via Flickr (CC BY 2.0) filter added.
Quốc kỳ Trung quốc. Credit: Philip Ja?genstedt via Flickr (CC BY 2.0) filter added.

Madrid, Tây Ban nha, 17 tháng 11, 2017 / 12:15 sáng (ACI Prensa). - Cha Giu-se của Giê-su là một linh mục Công giáo, trung thành với Giáo hội Công giáo. Đời sống của người Công giáo ở Trung quốc không dễ dàng. Những người trung thành với Roma bị chính quyền Trung quốc bắt bớ, chính quyền chỉ cho phép tự do thờ phụng đối với những người theo Giáo hội yêu nước do nhà nước điều khiển.

Cha Giu-se gần đây chia sẻ câu truyện về chương trình “những Bước chân của nhà Na-da-rét” của Hội EUK Mamie, được điều hành bởi tu hội các nữ tu Nhà của Mẹ Giới trẻ.

Cha quay lưng lại ống kính máy quay trong buổi phỏng vấn, và những chi tiết chính xác về cuộc sống của cha ở Trung quốc, cũng như địa điểm chính xác – hiện tại cha đang ở Châu Âu – được giấu kín vì những lý do an toàn.
Cha Giu-se miêu tả con đường trưởng thành trong một gia đình Công giáo ở Trung quốc. Cha là con thứ ba trong gia đình có năm người con, bất chấp chính sách một con tàn nhẫn do chính phủ Trung quốc áp đặt.
Cha nói, “Lúc này lúc kia khi công an vào thị trấn, cha mẹ của tôi phải đi trốn, tránh xa chúng tôi. Anh của tôi chăm sóc chúng tôi, chúng tôi cũng phải giấu những thứ chúng tôi có trong nhà, vì nếu chính quyền khám phá ra rằng gia đình có nhiều hơn một con, họ sẽ lấy đồ đạc của gia đình chúng tôi.”
Linh mục nói, “Vì có nhiều hơn một đứa con nên nhà cửa của một số cha mẹ Công giáo bị phá và họ bị lấy hết mọi thứ.”
“Đó là một sự thử thách về đức tin, vì khi còn bé anh không thể nào hiểu được tại sao là người Công giáo anh lại phải sống thiếu lương thực và bị tách rời khỏi cha mẹ.”
Tuy nhiên, cha vẫn bền chí trong đức tin. Anh trai của cha cũng là một linh mục Công giáo.
Niềm tin Công giáo được giữ vững qua “Giáo hội tại gia,” qua cách các gia đình đọc kinh Kinh Sáng hoặc Kinh Chiều một cách bí mật, và đặc biệt là Kinh Mân Côi.
“Kinh Mân Côi là điều ban cho chúng tôi sức mạnh suốt nhiều năm vì chúng tôi không có các bí tích hay linh mục; nhưng các tín hữu đọc ít nhất một tràng Mân Côi vào sáng sớm và một Tràng nữa vào ban đêm,” và cuối cùng họ đọc “một Kinh Đức Bà Fatima Đấng ban cho chúng tôi sức mạnh để sống như những Ki-tô hữu đúng nghĩa,” cha kể lại.
Năm 15 tuổi, Cha Giu-se cảm nhận rằng cha được ơn gọi lên hàng linh mục.
Cha nói “Tôi nghĩ rằng ở Trung quốc có rất nhiều người không biết Đức Ki-tô và Giáo hội Công giáo vì người Ki-tô hữu chỉ là một nhóm thiểu số. Vì thế tôi nghĩ khi học xong tôi sẽ vào chủng viện và trở thành một linh mục. Giây phút đó đã thay đổi cuộc đời tôi vì tôi nhìn thấy điều Chúa muốn cho tôi.”
Cha được khơi gợi cảm hứng để đưa ra quyết định bởi linh mục trong địa phương, một linh mục chịu trách nhiệm phục vụ 60 ngôi làng, người phải dâng Lễ trong năm ngôi làng lớn nhất, di chuyển từ làng này sang làng khác bằng xe đạp.
“Cha là một tấm gương trung thành với Đức Ki-tô và với Giáo hội vì cha không muốn trở thành một thành viên của giáo hội Trung quốc hợp pháp và vì thế cha đã phải ngồi tù một thời gian hoặc bị quản thúc,” Cha Giu-se kể.
Cha Giu-se nói, tuy nhiên, vị linh mục chấp nhận đau khổ đến với ngài, và cho biết thêm rằng ngoài 80 tuổi, linh mục đó vẫn phải thức dậy lúc 3.30 sáng để cầu nguyện và dâng Lễ.
“Đời sống gương mẫu của ngài là yếu tố quyết định cho tôi tìm được ơn gọi. Ngài là một linh mục của mọi người, bằng sự tận hiến gương mẫu.”
Trong suốt hơn 60 năm, người Công giáo ở Trung quốc phải đối mặt với những sự bắt bớ. Giáo hội được nhà nước công nhận, với tên gọi là “Hội Công giáo Yêu nước Trung hoa” trung thành với nhà nước Cộng sản Trung quốc, họ tuyên bố có quyền quyết định bổ nhiệm ai làm giám mục, một quyền mà Giáo hội Công giáo chỉ dành riêng cho Đức Giáo hoàng.
Những người Công giáo vẫn giữ sự trung thành với Roma, đặc biệt với quyền pháp lý được độc lập bổ nhiệm giám mục, tạo thành “Giáo hội bí mật,” với các giám mục, linh mục, và tín hữu riêng.
“Có … 30 giám mục trong Giáo hội bí mật không được nhà nước công nhận và vì thế các ngài không thể tự do thi hành thừa tác vụ của mình, Cha Giu-se nói. “Các ngài bị quản thúc tại gia và bị giám sát chặt chẽ, có người theo dõi những chuyến viếng thăm của các ngài, các ngài gặp ai và chủ đề nói chuyện về vấn đề gì. Việc phong chức linh mục được thực hiện trong bí mật và không ai biết gì về việc đó.”
Nếu thuộc về Hội Công giáo Yêu nước thì cuộc sống dễ dàng hơn – có Lễ công khai, theo lịch cố định, và quyền thờ phượng được tự do. Nhưng Cha Giu-se chọn trung thành với Roma cho dù gặp phải những khó khăn.
Cha nói, “Về căn bản đó không phải là giáo hội vì Hội Thánh là Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Giáo hội Yêu nước độc lập khỏi Roma và tôi không chấp nhận điều đó, vì đức tin của tôi.”
Cha Giu-se nói, thử thách thì rất nhiều, nhưng đời sống của người Ki-tô hữu bí mật  ở Trung quốc là một chứng tá đức tin.
Cha xin thêm lời cầu nguyện cho người Ki-tô hữu Trung quốc giữ vững lòng trung thành, vì “chúng tôi được dạy rằng đức tin thì quý giá hơn sự sống, và sống đức tin thì chúng ta sẽ gặp gỡ với Đức Ki-tô. Chúng tôi phải làm chứng tá cho những người xung quanh để những người chưa biết đức tin có thể tìm thấy nó.”
Bài này được đăng lần đầu bởi hãng thông tấn ACI Prensa. Nó được dịch và biên tập lại bởi CNA.

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2017]


Đức Thánh Cha: Gia đình bắt nguồn từ hôn nhân tạo ra nhiều mối dây tốt đẹp

Đức Thánh Cha: Gia đình bắt nguồn từ hôn nhân tạo ra nhiều mối dây tốt đẹp

Thông điệp Video gửi Hội nghị chuyên đề về Tông huấn ‘Amoris laetitia’
11 tháng 11, 2017
Đức Thánh Cha: Gia đình bắt nguồn từ hôn nhân tạo ra nhiều mối dây tốt đẹp
CTV Screenshot
“Gia đình bắt nguồn từ hôn nhân sinh ra nhiều mối dây hoa trái tốt đẹp, là liều thuốc giải hiệu quả nhất cho chủ nghĩa cá nhân đang lan tràn hiện nay,” Đức Thánh Cha nói trong một thông điệp video ngày 11 tháng 11, 2017, gửi những tham dự viên của Hội nghị Chuyên đề Quốc tế Lần thứ Ba về Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui yêu thương), được tổ chức trong ngày ở Roma với chủ đề “Tin mừng của tình yêu, giữa lương tâm và luật lệ,” được tổ chức bởi Văn phòng Chăm sóc Mục vụ Gia đình của Hội đồng Giám mục Ý.
Đức Thánh Cha tiếp tục, “Tuy nhiên, trên bước đường của tình yêu hôn nhân và đời sống gia đình có những tình huống đòi phải thẳng thắn đưa ra những quyết định khó khăn. Trong khi thực tế gia đình có lúc những vấn đề xảy ra và cần phải được giải quyết với ý thức khôn ngoan từ phía mỗi người.”
Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Tôi chào thân ái tất cả anh chị em đang tham dự Hội nghị Chuyên đề Quốc tế Lần thứ Ba về Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui yêu thương), được tổ chức bởi Văn phòng Chăm sóc Mục vụ Gia đình của Hội đồng Giám mục Ý.
Chủ đề anh chị em đã chọn, “Tin mừng của tình yêu, giữa lương tâm và luật lệ,” mang tầm quan trọng rất lớn và có thể soi sáng cho con đường mà các Giáo hội ở Ý đang đi theo, cũng là câu trả lời cho niềm khát khao về gia đình đang trổi lên trong tâm hồn của các thế hệ trẻ. Tình yêu giữa một người nam và một người nữ rõ ràng là một trong những kinh nghiệm tạo sức sống lớn nhất của con người; nó là chất men của văn hóa gặp gỡ và mang đến cho thế giới hôm nay một liều thuốc cho xã hội tính. Quả thật, “nền tảng của gia đình mang tính quyết định cho tương lai của thế giới và cho tương lai của Giáo hội.” [1] Gia đình bắt nguồn từ hôn nhân sinh ra nhiều mối dây hoa trái tốt đẹp, là liều thuốc giải hiệu quả nhất cho chủ nghĩa cá nhân đang lan tràn hiện nay; tuy nhiên, trên bước đường của tình yêu hôn nhân và đời sống gia đình có những tình huống đòi phải thẳng thắn đưa ra những quyết định khó khăn. Trong khi thực tế gia đình có lúc những vấn đề xảy ra và cần phải được giải quyết với ý thức khôn ngoan từ phía mỗi người. Điều quan trọng là vợ chồng và cha mẹ không bị bỏ rơi, nhưng được đồng hành trong nỗ lực của họ áp dụng Phúc âm vào trong thực tại của đời sống. Về mặt khác, chúng ta ý thức rất rõ rằng “chúng ta được kêu gọi để rèn giũa lương tâm, không phải là thay thế chúng.” [2]
Thế giới đương đại có nguy cơ bị lẫn lộn vị trí hàng đầu của lương tâm, điều luôn luôn phải được tôn trọng, với tính độc lập của riêng mỗi cá nhân trong những mối tương quan mà người đó trải nghiệm.
Như tôi gần đây nói trước Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, “Một số người thậm chí đã từng đề cập đến một sự tôn thờ cái tôi (egolatry), một sự tôn thờ cá nhân, trên bàn thờ đó mọi sự đều bị hy sinh, ngay cả với những tình cảm yêu quý nhất của con người. Sự tôn thờ này thật vô cùng nguy hại, vì nó khiến cho người ta luôn dán chặt mắt vào tấm gương để nhìn mình, đến mức đôi mắt không thể thoát khỏi bản thân mình để hướng nhìn đến người khác trong một thế giới rộng lớn hơn. Sự lan tràn của lòng tôn thờ này có những ảnh hưởng tồi tệ đối với sự thương yêu và những mối quan hệ trong cuộc sống.” [3] Và đây là một hình thức của “sự ô nhiễm” nó làm xói mòn tâm hồn và làm băng hoại tâm trí và con tim, tạo ra những ảo tưởng giả tạo.
Cha Romano Guardini, trong một trong những bài viết về chủ đề lương tâm, chỉ ra con đường tìm đến với thiện tính. Cha viết, “Từ tình trạng bị cầm tù trong cái tôi của mình, tôi chỉ được giải thoát nếu tôi tìm đến được một điểm vượt cao hơn bản thân tôi, và đó không phải là bản ngã; một điều vững chắc, hoạt động bên trong tôi. và đến đây chúng ta đi vào trọng tâm của vấn đề … tức là, thực tại tôn giáo. Thiện tính đó là một điều sống động. Nó là sự trọn vẹn về giá trị, nó thuộc về Thiên Chúa hằng sống.” [4]
Trong sâu thẳm của mỗi con người chúng ta có một chỗ nơi mà Mầu nhiệm tự nó vén mở và soi sáng cho con người, biến người đó trở thành vai chính cho lịch sử của chính mình. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta, “Lương tâm là nơi thầm kín nhất và là thánh điện của con người. Đó là nơi con người một mình đối diện với Thiên Chúa, Đấng làm cho tiếng nói của Người vang lên từ tận thẳm sâu con người”. [5] Nó tùy thuộc vào sự cẩn trọng của người Ki-tô hữu để trong Nhà Tạm này không còn thiếu ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng soi sáng và củng cố cho tình yêu hôn nhân và sứ mạng làm cha mẹ. Ân sủng rót đầy vào “vò đựng” của trái tim con người với khả năng cho đi, canh tân gia đình của hôm nay như phép lạ tại tiệc cưới Ca-na.
Khi phân tích về trích đoạn Phúc âm, tôi đã nói rằng “Bằng cách biến đổi nước thành rượu trong những chum đã được dùng ‘để dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục của người Do thái’ (Ga 2:6), Chúa Giê-su thực hiện một dấu chỉ hùng hồn: Người biến đổi Luật Môi-sê thành Phúc âm, mang đến sự vui mừng.” [6] Chúa Giê-su giới thiệu phương thuốc đặc biệt đó là lòng thương xót, phương thuốc chữa lành sự chai đá của con tim, lấy lại mối quan hệ giữa người đàn ông và phụ nữ, và giữa cha mẹ và con cái.
Anh chị em thân mến, tôi xin chúc mọi điều tốt đẹp nhất cho công cuộc của anh chị em trong Hội nghị chuyên đề này. Nguyện xin cho công cuộc đó giúp cho Giáo hội Ý thấu hiểu và phát triển nội dung và con đường của Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui của tình yêu); nguyện xin cho công cuộc này góp phần cho việc đào tạo của những người thúc đẩy cho các nhóm gia đình trong các giáo xứ, trong các hội đoàn, trong các phong trào; nguyện xin công cuộc này hỗ trợ cho hành trình của nhiều gia đình, giúp họ sống niềm vui của Tin mừng và trở thành những tế bào tích cực trong cộng đoàn. Tôi ban phép lành cho anh chị em, và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
_________________________________________________________
[1] Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui của Tin mừng), 31.
[2] Nt., 37.
[3] Diễn từ trước các tham dự viên trong Đại hội đồng chung cảu Hàn lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, 5 tháng Mười, 2017.
[4] Lương tâm, Brescia 1933, 32-33.
[5] Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 16.
[6] Giáo lý trong Buổi Tiếp kiến chung 8 tháng Sáu, 2016.
© Libreria Editrice Vatican
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 13/11/2017]