Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 11.02.2024: Tình yêu cần sự cụ thể, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, cống hiến thời gian và không gian

Đức Thánh Cha: Tình yêu cần sự cụ thể, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, cống hiến thời gian và không gian

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 11.02.2024: Tình yêu cần sự cụ thể, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, cống hiến thời gian và không gian

Vatican Media


*******

Chúa nhật tuần này, ngày 11 tháng Hai, phụng vụ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức và lễ phong thánh cho Chân phước Mẹ Antula, trong huấn từ trước giờ Kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ, khi phần phân tích về bài Tin Mừng Chúa nhật, Đức Thánh Cha nói rằng trong một thế giới của các mối quan hệ ảo thì “tình yêu cần sự cụ thể, hiện diện, gặp gỡ, cống hiến thời gian và không gian.”

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc chữa lành người phong hủi (x. Mc 1:40-45). Chúa Giêsu trả lời cho người bệnh đang cầu xin Ngài: “Tôi muốn; anh sạch đi!" (câu 41). Chúa thốt lên một câu nói ngắn rất đơn giản và Ngài liền thực hiện vào thực tế. Thật vậy, “chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (câu 42). Đây là phong cách của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ: nói ít và hành động cụ thể.

Trong Tin Mừng, nhiều lần chúng ta thấy Chúa cư xử như vậy đối với những người đau khổ: người câm điếc (x. Mc 7:31-37), những người bại liệt (x. Mc 2:1-12), và nhiều người khác đang cần giúp đỡ (xem Mc 5). Chúa luôn làm điều này: Ngài nói ít và liền theo sau lời nói của Ngài là hành động: Ngài cúi xuống, cầm lấy tay và chữa lành. Chúa không lãng phí thời gian vào những bài giảng thuyết hay chất vấn, càng không lãng phí thời gian vào tính mộ đạo hay tính đa cảm. Hơn thế, Ngài thể hiện sự khiêm tốn tinh tế của một người chăm chú lắng nghe và hành động với sự quan tâm, mà hiếm khi thu hút sự chú ý của người khác.

Đó là một con đường yêu thương tuyệt vời, và thật tốt cho chúng ta biết bao nếu hình dung và tiếp thu nó! Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những lúc chúng ta tình cờ gặp những người hành động theo cách này: chừng mực trong lời nói nhưng quảng đại trong hành động; không muốn phô trương nhưng sẵn sàng biến mình trở nên hữu ích; giúp đỡ hiệu quả vì họ sẵn sàng lắng nghe. Những người bạn mà người ta có thể nói: “Bạn có muốn nghe tôi nói không? Bạn có muốn giúp tôi không?”, với sự tin tưởng nghe câu trả lời của họ gần như giống với những lời của Chúa Giêsu: “Có, tôi sẽ giúp, tôi ở đây vì bạn, để giúp bạn!” Tính cụ thể này càng trở nên quan trọng hơn nhiều trong một thế giới như thế giới của chúng ta, trong đó tính ảo chóng qua của các mối quan hệ dường như đang chiếm chỗ đứng.

Nhưng chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa khích lệ chúng ta như thế nào: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2:15-16). Thánh Tông đồ Giacôbê nói điều này. Tình yêu cần sự cụ thể, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, nó cần được dành thời gian và không gian: không thể gói gọn nó trong những lời nói hoa mỹ, những hình ảnh trên màn hình, những bức ảnh selfie vụt qua và những tin nhắn vội vàng. Chúng là những công cụ hữu ích có thể trợ giúp, nhưng như vậy là chưa đủ cho tình yêu; chúng không thể thay thế sự hiện diện thực sự.

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có biết lắng nghe người khác không, tôi có sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của họ không? Hay tôi viện cớ, trì hoãn, trốn tránh sau những lời nói suông hoặc sáo rỗng? Nói một cách thực tế, lần gần đây nhất tôi đến thăm một người cô đơn hoặc bệnh tật – tất cả anh chị em hãy trả lời trong lòng mình – hoặc lần gần đây nhất tôi thay đổi kế hoạch của mình để đáp ứng nhu cầu của một người đang nhờ tôi giúp đỡ là khi nào?

Xin Mẹ Maria, Đấng quan tâm chăm sóc, giúp chúng ta sẵn sàng và trở nên cụ thể trong tình yêu.

______________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Hôm nay, chị María Antonia de Paz y Figueroa được tuyên phong thánh: một vị thánh người Argentina. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho vị thánh mới!

Hôm nay, nhân ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, năm nay hướng sự chú ý đến tầm quan trọng của các mối quan hệ trong lúc đau bệnh. Điều đầu tiên chúng ta cần khi bị bệnh là sự gần gũi của những người thân yêu, của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, và sự gần gũi của Thiên Chúa trong lòng chúng ta. Tất cả chúng ta đều được yêu cầu phải là người lân cận với những người đau khổ, thăm viếng người bệnh như Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Tin Mừng. Vì vậy, hôm nay tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi và của toàn thể Giáo hội với tất cả những người bệnh tật hoặc yếu đuối. Chúng ta đừng quên phong cách của Thiên Chúa: sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng.

Nhưng trong ngày này, thưa anh chị em, chúng ta không thể im lặng trước sự thật là ngày nay có rất nhiều người bị từ chối quyền được chăm sóc, và do đó bị từ chối quyền được sống! Tôi đang nghĩ đến những người sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực; nhưng tôi cũng đang nghĩ đến những người sống trong các vùng chiến sự: những quyền căn bản của con người bị vi phạm hàng ngày ở đó! Thật không thể chấp nhận được. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Ukraine đang bị bao vây, cho Palestine và Israel, chúng ta hãy cầu nguyện cho Myanmar và cho tất cả các dân tộc đang bị hành hạ bởi chiến tranh.

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Rome và anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, cha chào các tín hữu thuộc vùng Moral de Calatrava và Burgos, Tây Ban Nha, anh chị em tín hữu đến từ Brasilia và Bồ Đào Nha; Ca đoàn giới trẻ và dàn nhạc giới trẻ Mostar; Trường Vila Pouca de Aguiar, Bồ Đào Nha.

Cha chào anh chị em tín hữu ở Enego và Rogno, các tình nguyện viên từ Đền thờ Sant’Anna của Vinadio, Ca đoàn Eraclèa và Hiệp hội Frassinetti Santa Paola của San Calogero. Cha chào các bạn trẻ Lodi, Petosino và Torri di Quartesòlo; các ứng sinh thêm sức đến từ Malta, Lallio và Almenno San Salvatore; các sinh viên của Học viện Salêdiêng “Sant’Ambrogio” của Milan và Ca đoàn Thiếu nhi Piovène Rocchette; và nhóm “Radio Mater”, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2024]


912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Antoine Mekary | ALETEIA

Anna Kurian

12/02/24


Vị Giáo hoàng người Argentina đã phong thánh cho một số lượng kỷ lục các vị thánh, trong đó có một số vị dường như đại diện cho những ưu tiên đặc biệt của ngài.

Với việc phong thánh cho chị “Mama Antula” vào ngày 11 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên phong kỷ lục cho 912 vị thánh kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

Mặc dù việc phong thánh là kết quả của một quá trình rất dài, có thể mất vài ba thập niên hoặc thậm chí nhiều thế kỷ, nhưng chúng ta có thể phác họa một số đặc điểm trong bức tranh toàn cảnh về các “vị thánh của Đức Phanxicô”.

Nếu chúng ta trừ đi 813 vị tử đạo người Ý ở Otranto, bị người Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát năm 1480 và được Đức Phanxicô phong thánh cùng một lúc vào năm 2013, thì Đức Giáo hoàng người Argentina đã tôn vinh 99 vị thánh trên bàn thờ kể từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài. Và một số cuộc phong thánh này có vẻ mang tính cá nhân hơn đối với ngài Jorge Mario Bergoglio, vị giáo hoàng đầu tiên thuộc Nam Mỹ và là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Dòng Tên.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Courtesy of Canonización Mama Antula

Chẳng hạn, không phải là không đáng chú ý khi Mẹ Antula là vị nữ thánh đầu tiên sinh ra ở Argentina trong lịch sử Giáo hội, và mẹ đã lan tỏa linh đạo I-nhã tại quê hương của Thánh Phanxicô vào thế kỷ 18. Có vẻ như vị giáo hoàng người Argentina — người cũng đã ra sắc lệnh phong chân phước cho mẹ vào năm 2016 — đã dành ưu tiên cho án phong thánh của mẹ trong thánh bộ, nơi có hơn 2.000 hồ sơ đang được nghiên cứu.

Cũng như thế, thật thú vị khi lưu ý rằng từ năm 2013, sau nước Ý thì quốc gia có con số các vị thánh nhiều thứ hai là Brazil, với 31 vị.

Nếu chúng ta phải đưa ra một bức tranh toàn cảnh chung về các vị thánh của Đức Phanxicô, thì nó sẽ như sau:


Những chứng nhân vĩ đại

Từ năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho các vị đại chứng nhân Công giáo, trong đó có Mẹ Teresa Calcutta (2016), Đức Tổng Giám mục Óscar Romero (2018), Đức Hồng Y John Henry Newman (2019), và Cha Charles de Foucauld (2022), “người anh em phổ quát”.

Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng yêu mến Cha Charles de Foucauld, vì Cha là một trong những người truyền cảm hứng cho tông huấn Fratelli tutti của ngài.

Cha Bernard Ardura, cáo thỉnh viên án phong thánh, phát biểu trước sự kiện: “Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng của các vùng ngoại vi, và ngài sẽ phong thánh cho Cha Charles de Foucauld, vị thánh của các vùng ngoại vi”.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

VATICAN CITY, May 15, 2022: Pope Francis leads a canonisation mass in St. Peter’s Square, creating 10 saints including India’s Devasahayam, French hermit Charles de Foucauld and Dutch theologian Titus Brandsma. Antoine Mekary | ALETEIA


Các giáo hoàng

Vị Giáo hoàng người Argentina cũng đã tôn vinh ba vị tiền nhiệm của ngài: Đức Gioan XXIII (2014), Đức Phaolô VI (2018) và Đức Gioan Phaolô II (2014), ba vị giáo hoàng của thế kỷ 20 và của Công đồng Vatican II. Những lựa chọn này đặc biệt đáng chú ý, vì Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập nhiều đến Công đồng, mà ngài tin rằng những hoa trái của Công đồng vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Pope St. John Paul II. DANIEL JANIN / AFP

Lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII đặc biệt mang tính biểu tượng, quy tụ bốn vị giáo hoàng tại Quảng trường Thánh Phêrô, với Đức Benedict XVI xuất hiện trong dịp này sau đời sống nghỉ hưu của ngài.


Đôi vợ chồng đầu tiên

Vị giáo hoàng đứng đầu về mặt công nhận các vị thánh đã tôn vinh nhiều hồ sơ đa dạng: Ngài đưa vào danh mục các thánh đôi vợ chồng đầu tiên được tuyên phong cùng nhau, Thánh Louis và Zélie Martin (2015), là thân phụ mẫu của Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu.

Ngài cũng bao gồm hai thiếu nhi, là anh chị em Jacinta và Francisco Marto (2017), hai trẻ chăn cừu được thị kiến những lần hiện ra ở Fatima và là các vị thánh trẻ nhất không tử vì đạo.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Sts. Louis and Zélie Martin with their daughter St. Thérèse Public Domain

Có vẻ như những án phong thánh này rất gần gũi với tâm hồn của vị Giáo Hoàng thứ 266, người thường thừa nhận rằng vị nữ tu Dòng Cát Minh ở Lisieux là vị thánh yêu mến của ngài, và bày tỏ sự gắn bó đặc biệt của ngài với Fatima, nơi ngài đã hai lần viếng thăm.


Những hồ sơ không điển hình

Những hồ sơ không điển hình nổi bật trong các vị thánh của Đức Phanxicô tuyên phong, chẳng hạn như Cha Titus Bransma thuộc dòng Cát Minh (2022), một người Hà Lan đã thành lập trường báo chí đầu tiên ở Châu Âu và là vị tử đạo dưới chế độ Quốc xã. Vị Giáo hoàng người Argentina cũng đã tìm cách đưa các gương mẫu có gốc tích hiếm hoi hơn, như tuyên phong thánh đầu tiên cho Sri Lanka, Joseph Vaz (2015), và phong thánh cho giáo dân đầu tiên của Ấn Độ, Thánh Lazarus Devasahayam Pillai (2022). Việc phong thánh cho các nhân vật ở xa, tuy không phải là điều mới lạ trong Giáo hội, nhưng là tiếng vang vọng cho việc hướng sự chú ý nổi bật của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến các vùng ngoại vi.


Phong thánh hữu hiệu tương đương

Đáng chú ý, trong một số trường hợp, Đức Phanxicô đã sử dụng một tiến trình ngoại thường, ban sắc chỉ cho những trường hợp phong thánh được gọi là “hữu hiệu tương đương”, mà không cần có sự công nhận một phép lạ hay nghi lễ phong thánh.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

St. Francis Xavier, St. Ignatius of Loyola, and St. Peter Faber, cofounders of the Jesuits Capture I Compagnie de Jésus

Tiến trình này, được sử dụng trên hết khi các sự kiện liên quan đến quá khứ xa xưa, rõ ràng đã giúp Đức Giáo hoàng vinh danh những nhân vật mà ngài đặc biệt gắn bó. Một ví dụ là Cha Peter Faber (2013), thành viên của nhóm tu sĩ Dòng Tên đầu tiên làm việc cùng với Thánh Ignatio Loyola vào thế kỷ 16.


Các vị thánh đại kết

Gần đây nhất, vào tháng 5 năm 2023, Đức Thánh Cha đã công bố một sáng kiến mang tính lịch sử. Ngài quyết định bổ sung 21 vị Kitô hữu tử đạo, trong đó có 20 vị thuộc Chính thống giáo Coptic – bị ISIS giết năm 2015 ở Libya – vào danh sách tử đạo của Rome.

912 vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong cho chúng ta biết điều gì về ngài?

Icon of the 21 Christian martyrs killed in Libya in 2015 © Tony Rezk

Trong khi Giáo hội Công giáo và Giáo hội Coptic có chung các vị thánh từ các thế kỷ đầu, đây sẽ là những vị thánh đầu tiên mà cả hai Giáo hội công nhận kể từ cuộc ly giáo vào thế kỷ thứ 5. Đó là dấu hiệu đại diện cho “tính đại kết của sự tử đạo”, mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2024]