Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 15 tháng 12, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 15 tháng 12, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 15.12.2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:15 trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse, con người thinh lặng” (Bài đọc Kinh Thánh: Gc 3:2,5,10).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện cho Haiti, sau vụ nổ lớn cướp đi nhiều sinh mạng.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


*****

Bài Giáo lý về Thánh Giuse - 3. Thánh Giuse, con người thinh lặng

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục hành trình suy niệm về Thánh Giuse. Sau khi minh họa môi trường nơi ngài sống, vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ và con người công chính của ngài và là chồng của Đức Maria, hôm nay cha muốn xét đến một khía cạnh cá nhân quan trọng khác: sự thinh lặng. Ngày nay chúng ta rất cần sự thinh lặng. Sự thinh lặng là quan trọng. Cha bị đánh động bởi một câu trong Sách Khôn ngoan mà khi đọc lên thì Giáng sinh hiện lên trong tâm trí, câu đó nói: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu”. Thời khắc thinh lặng nhất khi Thiên Chúa tỏ lộ mình ra. Điều quan trọng là hãy suy nghĩ về sự thinh lặng trong thời đại này khi nó dường như không có nhiều giá trị.

Các Tin Mừng không ghi chép một lời nào của Thánh Giuse người Nadarét nói: không một lời nào, ngài chưa bao giờ nói. Điều này không có nghĩa ngài là người lầm lì, không: có một lý do sâu xa hơn tại sao các sách Tin Mừng không kể một lời nào. Với sự thinh lặng của mình, thánh Giuse khẳng định điều Thánh Augustinô viết: “Đến mức độ khi Ngôi Lời – tức là Ngôi Lời làm người – lớn lên trong chúng ta, thì lời nói giảm đi”. [1] Đạt đến mức độ khi Chúa Giêsu, đời sống thiêng liêng, phát triển thì lời nói giảm đi. Những gì chúng ta có thể mô tả là “như vẹt”, nói như vẹt, liên tục, giảm đi một chút. Chính Gioan Tẩy Giả, người là “tiếng hô trong hoang địa: ‘Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa” (Mt 3:3) đã nói về Ngôi Lời rằng: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3:30). Điều này có nghĩa là Người phải nói và tôi phải thinh lặng, và qua sự thinh lặng của Thánh Giuse, ngài mời gọi chúng ta nhường chỗ cho sự Hiện diện của Ngôi Lời đã trở thành xác phàm, cho Chúa Giêsu.

Sự thinh lặng của Thánh Giuse không phải là tật câm, ngài không phải là người lầm lì; đó là một sự im lặng để lắng nghe, một sự im lặng cần cù, một sự im lặng làm bộc lộ tâm hồn cao cả của ngài. Thánh Gioan Thánh Giá nhận xét: “Chúa Cha đã nói một lời, và đó là Con của Người”. Chúa Cha đã nói một lời và đó là Con của Người - “và Lời đó luôn nói trong thinh lặng vĩnh viễn, và trong sự thinh lặng Lời đó phải được nghe bởi linh hồn” [2].

Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng trong “trường học” này, trong ngôi nhà ở làng Nazaret, với gương mẫu hàng ngày của Đức Maria và Thánh Giuse. Và không có gì ngạc nhiên khi chính Ngài đã tìm kiếm những không gian tĩnh lặng trong ngày của Ngài (x. Mt 14:23) và mời gọi các môn đệ của Ngài có kinh nghiệm như vậy bằng mẫu gương: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:31).

Thật tốt biết bao nếu mỗi người chúng ta, theo gương Thánh Giuse, có thể phục hồi chiều kích chiêm niệm của cuộc sống, mở rộng lòng trong thinh lặng. Nhưng tất cả chúng ta đều biết từ kinh nghiệm rằng điều đó không dễ dàng: sự thinh lặng làm chúng ta sợ hãi đôi chút, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta đào sâu hơn về bản thân và đối mặt với phần con người thật của chúng ta. Và nhiều người sợ thinh lặng, họ phải nói, nói, và nói, hoặc nghe radio hoặc truyền hình… nhưng họ không thể chấp nhận sự thinh lặng vì họ sợ. Nhà triết học Pascal nhận xét rằng “tất cả những bất hạnh của con người đều xuất phát từ một sự thật duy nhất, đó là họ không thể ở yên lặng trong phòng riêng của họ” [3].

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học nơi Thánh Giuse cách vun trồng những không gian cho sự thinh lặng, trong đó một Lời khác có thể xuất hiện, đó là Chúa Giêsu, Lời Chúa Thánh Thần cư ngự trong chúng ta, mà Chúa Giêsu mang đến. Không dễ để nhận biết Tiếng nói đó, vốn rất thường bị lẫn lộn với muôn ngàn tiếng nói của những lo lắng, cám dỗ, ham muốn và hy vọng đang ngự trị trong chúng ta; nhưng nếu không có sự rèn luyện từ việc thực hành thinh lặng này, thì lưỡi của chúng ta cũng có thể bị ốm. Nếu không thực hành thinh lặng, lưỡi của chúng ta cũng có thể bị đau bệnh. Thay vì làm cho sự thật sáng tỏ, nó có thể trở thành một vũ khí nguy hiểm. Thật vậy, lời nói của chúng ta có thể trở thành xu nịnh, khoác lác, dối trá, đàm tiếu sau lưng và vu khống. Có một sự thật đã được khẳng định rằng, như Sách Huấn ca đã nhắc nhở chúng ta, “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (28:18), lưỡi người giết người nhiều hơn lưỡi kiếm. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: ai nói xấu anh chị em mình, ai phỉ báng người thân cận, là kẻ giết người (x. Mt 5:21-22). Giết người bằng lưỡi. Chúng ta không tin điều này, nhưng đó là sự thật. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về những lần chúng ta đã giết người bằng lưỡi: chúng ta sẽ rất xấu hổ! Nhưng nó sẽ tốt cho chúng ta, sẽ rất tốt cho chúng ta.

Sự khôn ngoan trong Kinh thánh khẳng định rằng “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả” (Cn 18:21). Và Thánh Giacôbê Tông đồ, trong Thư của ngài mà chúng ta đã đọc ở phần đầu, khai triển chủ đề cổ xưa này về sức mạnh, tích cực và tiêu cực, của lời nói bằng những ví dụ điển hình, và ngài nói: “Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng… Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn… Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa”(3:2-10).

Đây là lý do tại sao chúng ta phải học nơi Thánh Giuse để trau dồi sự thinh lặng: không gian nội tâm trong ngày của chúng ta, trong đó chúng ta trao cho Thần Khí cơ hội để tái sinh chúng ta, để an ủi chúng ta và sửa chữa chúng ta. Tôi không nói là tôi rơi vào sự câm lặng, không. Sự thinh lặng. Nhưng rất thường khi mỗi người chúng ta đều nhìn vào bên trong, khi chúng ta đang làm việc gì đó và khi chúng ta hoàn tất, chúng ta ngay lập tức tìm chiếc điện thoại của mình để gọi một cuộc gọi khác… chúng ta luôn như vậy. Và điều này không giúp ích được gì, điều này khiến chúng ta rơi vào tình trạng hời hợt. Sự sâu sắc của tâm hồn phát triển cùng với sự thinh lặng, thinh lặng không phải là tật câm như cha đã nói, mà là dành không gian cho sự khôn ngoan, suy tư và Chúa Thánh Thần. Chúng ta sợ những khoảnh khắc im lặng.

Chúng ta đừng sợ! Nó sẽ tốt cho chúng ta. Và lợi ích cho tâm hồn của chúng ta cũng sẽ chữa lành cái lưỡi, lời nói của chúng ta và trên tất cả là những lựa chọn của chúng ta. Thật vậy, Thánh Giuse đã kết hợp sự thinh lặng với hành động. Ngài không nói, nhưng ngài hành động, và do đó chứng minh điều Chúa Giêsu từng nói với các môn đệ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời” (Mt 7:21). Thinh lặng. Những lời giúp ích khi chúng ta nói, và chúng ta nhớ bài hát đó: “Parole, parole, parole…”, nói, nói, nói, và không có gì thực chất. Thinh lặng, nói đúng cách và cắn lưỡi một chút, đôi khi là tốt thay vì nói những điều dại dột.

Chúng ta kết thúc với một lời cầu nguyện:

Lạy Thánh Giuse là con người thinh lặng,

Ngài là người không nói một lời nào trong Tin mừng,

xin dạy chúng con kiêng những lời vô nghĩa,

để tái khám phá giá trị của những lời soi sáng, động viên, an ủi và nâng đỡ,

Xin gần gũi với những người chịu đựng những lời nói gây tổn thương,

như vu khống và đàm tiếu sau lưng,

và xin giúp chúng con luôn kết hợp lời nói với việc làm. Amen.

Cảm ơn anh chị em.


Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngày 15 tháng 12, 2021

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha gửi lời chào đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh, đặc biệt các nhóm đến từ Nigeria và Hoa Kỳ. Cha cầu nguyện cho từng người trong anh chị em, và gia đình, để có kinh nghiệm trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng với sự chuẩn bị hữu hiệu cho sự giáng thế của Hài Nhi Cứu thế. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Trong vài giờ qua đã xảy ra một vụ nổ kinh hoàng ở Cap-Heitien thuộc miền bắc Haiti khiến nhiều người, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng. Haiti thật đáng thương, hết biến cố này đến biến cố khác; họ là một dân tộc đau khổ. Chúng ta hãy cầu nguyện, chúng ta hãy cầu nguyện cho Haiti, họ là những người tốt, những người ngoan đạo, nhưng họ đang phải gánh chịu rất nhiều đau khổ. Tôi gần gũi với những người dân của thành phố đó và gia đình của các nạn nhân, cũng như những người bị thương. Tôi mời gọi anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho những anh chị em của chúng ta, những người đang bị thử thách rất lớn.

______________________________


[1] Discourse 288, 5: PL 38, 1307.

[2] Dichos de luz y amor, BAC, Madrid, 417, n. 99.

[3] Pensées, 139.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/12/2021]


Tại sao Đức Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống cây thông Giáng sinh ở Vatican

Tại sao Đức Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống cây thông Giáng sinh ở Vatican

Tại sao Đức Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống cây thông Giáng sinh ở Vatican

Antoine Mekary | ALETEIA

Philip Kosloski

14/12/21


Thánh Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên dựng cây thông Giáng sinh ở Vatican, bắt đầu truyền thống vào năm 1982.

Lễ Giáng sinh trước đây ở Vatican không phải luôn luôn có một cây khổng lồ dựng ở giữa Quảng trường Thánh Phêrô. Chính vị giáo hoàng người Ba Lan đã giới thiệu phong tục, hiện nay trở thành truyền thống hàng năm của Vatican.

Thánh Gioan Phaolô II yêu mến lễ Giáng sinh, đặc biệt là tất cả các truyền thống đến từ quê hương Ba Lan của ngài. Một người bạn của Đức Gioan Phaolô II giải thích trong quyển sách Những câu chuyện về Thánh Gioan Phaolô II (Stories About Saint John Paul II) của Wlodzimierz Redzioch rằng “Đức Thánh Cha rất nóng lòng muốn chúng tôi tổ chức các ngày lễ trong bầu không khí gia đình, theo truyền thống của Ba Lan… Đức Thánh Cha rất thích cây thông Giáng sinh”

Mãi đến gần đây thì người Ý mới chấp nhận truyền thống cây thông Giáng sinh, vì trước thế kỷ 20, đây là truyền thống chủ yếu của các nước Bắc Âu. Đây là lý do tại sao phải có vị giáo hoàng người Ba Lan giới thiệu truyền thống tại Vatican.

Các truyền thống cũng giúp gắn kết ngài trong tình liên đới với quê hương Ba Lan, quốc gia được thiết quân luật từ năm 1981-1983. Năm 1981, ngài đã áp dụng phong tục đặt một ngọn nến trên cửa sổ của ngài trong Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh để thể hiện sự gần gũi của ngài với người dân Ba Lan đang bị áp bức tại quê hương.

Sau đó vào năm 1999, Đức Gioan Phaolô II đã giải thích về tính biểu tượng của cây Giáng sinh trong một bài diễn từ trước những người hành hương đến từ Cộng hòa Séc.

Cây thông Giáng sinh cùng với máng cỏ tạo nên một bầu không khí Giáng sinh riêng biệt và có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sứ điệp cứu độ mà Chúa Kitô đã mang đến cho chúng ta qua sự Nhập thể của Người.

Từ chuồng chiên lừa ở Bêlem đến Thập giá trên đồi Golgotha, bằng cả cuộc đời Người, Người đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Theo Thánh sử Gioan, Người là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (1:9).

Những bóng đèn lấp lánh trên cây thông Noel tượng trưng cho Ánh sáng này, để củng cố kiến thức của chúng ta về mầu nhiệm cao cả: Đức Kitô là ánh sáng có thể biến đổi trái tim con người.

Ngài bày tỏ sự yêu thích cây cối của mình trong một diễn từ năm 2000 và ngài thích ngắm nhìn cây Giáng sinh từ cửa sổ của ngài.

Trong những ngày qua, mỗi khi tôi nhìn ra cửa sổ phòng làm việc của mình tại Quảng trường Thánh Phêrô, cây thông Giáng sinh đã nâng tinh thần tôi lên. Tại quê nhà tôi luôn yêu thích cây cối. Khi một người ngắm nhìn chúng, theo một cách nào đó chúng bắt đầu nói. Một nhà thi sĩ đã xem cây cối như những người rao giảng với một thông điệp sâu sắc: “Chúng không rao giảng những giáo lý hay giới luật, nhưng công bố luật sống căn bản”.

Năm 2004, Đức Gioan Phaolô II nhắc lại tính biểu tượng của cây thông Giáng sinh như một dấu hiệu của sự sống trường tồn.

Bên cạnh máng cỏ, như ở Quảng trường Thánh Phêrô, chúng ta nhìn thấy “cây thông Giáng sinh” truyền thống. Đây cũng là một truyền thống xa xưa đề cao giá trị của sự sống, vì vào mùa đông, cây linh sam thường xanh trở thành dấu hiệu của sự sống bất diệt. Quà Giáng sinh thường được treo trên cây hoặc sắp xếp dưới gốc của nó. Vì thế, biểu tượng này trở nên hùng hồn theo ý nghĩa Kitô giáo điển hình: nó gợi nhớ đến “cây sự sống” (x. Ga 2:9), một hình bóng của Đức Kitô, món quà tối cao của Thiên Chúa cho nhân loại.

Do đó, thông điệp của cây thông Giáng sinh là sự sống sẽ mãi luôn “xanh tươi” nếu chúng ta đón nhận như một món quà: không phải về vật chất, mà là chính cuộc sống: trong tình bạn và tình cảm chân thành, trong sự giúp đỡ và tha thứ của tình huynh đệ, trong thời gian được chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau.

Gần 40 năm sau, cây thông Giáng sinh vẫn tiếp tục là một hình ảnh mạnh mẽ ở Quảng trường Thánh Phêrô, tất cả đều từ vị giáo hoàng nhớ quê hương, muốn tổ chức lễ Giáng sinh như khi ngài còn ở quê nhà.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/12/2021]