Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Đức Thánh Cha Phanxicô: Muốn một mẫu gương cho lời cầu nguyện của chúng ta? Hãy nhìn vào Mẹ Maria (TOÀN VĂN)

Đức Thánh Cha Phanxicô: Muốn một mẫu gương cho lời cầu nguyện của chúng ta? Hãy nhìn vào Mẹ Maria (TOÀN VĂN)

© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxicô: Muốn một mẫu gương cho lời cầu nguyện của chúng ta? Hãy nhìn vào Mẹ Maria (TOÀN VĂN)

Tập trung vào Đức Mẹ trong buổi Tiếp Kiến chung, ngài nói rằng "Thật đẹp biết bao nếu chúng ta cũng có thể trở nên một phần giống như Mẹ của chúng ta!"

18 tháng Mười Một, 2020 10:41

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


Một mẫu gương cho lời cầu nguyện của chúng ta trong những lúc bình dị và khó khăn nhất? Đức Maria Trinh Nữ đầy Diễm phúc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời nhắc nhở này trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 18 tháng Mười Một hôm nay, được truyền hình trực tuyến từ Thư viện Tông tòa của ngài, tiếp tục không có người tham dự do sự tái bùng phát của COVID19 trong nước.

Đức Thánh Cha tiếp tục những bài giáo lý về việc cầu nguyện, tuần này hướng về Đức Mẹ.

Đức Giáo hoàng phân tích về việc Đức Maria đang cầu nguyện khi Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đến để mang thông điệp cho Mẹ ở Nadarét.

Ngài nói, “Lời thưa rất đơn sơ nhưng bao la “Này tôi đây” khiến toàn thể tạo vật khi đó nhảy mừng, là tiếp nối của nhiều câu “Này tôi đây” của nhiều người vâng lời tin cậy đi trước trong suốt lịch sử cứu độ, của nhiều người sẵn sàng đón nhận ý định của Chúa.”

Sẵn sàng và Chúa luôn đáp lời ...

Ngài lưu ý rằng không có cách cầu nguyện nào tốt hơn cho bằng giữ bản thân ở thái độ sẵn sàng.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, với tâm hồn luôn sẵn sàng cho Chúa người đó thưa rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn điều gì, khi nào Chúa muốn, và Chúa muốn theo cách như thế nào.” Nghĩa là, với tâm hồn sẵn sàng theo thánh ý của Chúa. Và Chúa luôn đáp lời”.

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Đức Mẹ ghi nhớ tất cả mọi điều và đưa nó vào cuộc đối thoại của Mẹ với Thiên Chúa.

“Có người đã ví tâm hồn của Mẹ Maria như một viên ngọc quý với sự lộng lẫy không gì sánh kịp, được tạo thành và rèn giũa bằng sự kiên nhẫn chấp nhận theo thánh ý Thiên Chúa qua những mầu nhiệm của Chúa Giêsu được suy gẫm trong lời cầu nguyện.”

Thật đẹp biết bao …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Muốn một mẫu gương cho lời cầu nguyện của chúng ta? Hãy nhìn vào Mẹ Maria (TOÀN VĂN)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Thật đẹp biết bao nếu chúng ta cũng có thể trở nên một phần giống như Mẹ của chúng ta! Với tâm hồn sẵn sàng cho Lời Chúa, với tâm hồn thầm lặng, với tâm hồn vâng phục, với tâm hồn biết đón nhận Lời Chúa và cho phép nó phát triển với hạt giống tốt cho Giáo hội.”

Dưới đây là văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh) huấn từ của Đức Thánh Cha:

***

Giáo lý về sự cầu nguyện – 15. Đức Maria Trinh nữ, người nữ cầu nguyện

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình những bài giáo lý về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp gỡ Đức Trinh Nữ Maria là người phụ nữ cầu nguyện. Đức Mẹ cầu nguyện. Khi thế giới vẫn chưa biết gì về Mẹ, khi Mẹ là một cô gái đơn sơ đính hôn với một người nam thuộc nhà Đavít, Mẹ Maria cầu nguyện. Chúng ta có thể hình dung cô gái làng Nadarét trầm tư trong thinh lặng, trong cuộc đối thoại liên tục với Thiên Chúa, là Đấng sẽ giao phó cho Mẹ một sứ mệnh.

Mẹ đã đầy tràn ơn phúc và vô nhiễm ngay khi Mẹ chịu thai; nhưng Mẹ không biết gì về ơn gọi bất ngờ và phi thường của mình cũng như biển phong ba mà Mẹ sẽ phải vượt qua. Có một điều chắc chắn: Mẹ Maria thuộc về số rất đông những người có tâm hồn khiêm nhường mà các sử gia chính thức không bao giờ đưa vào sách của họ, nhưng là người mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Người đến.

Mẹ Maria không tự mình điều khiển cuộc sống của Mẹ: Mẹ chờ đợi Thiên Chúa làm chủ con đường của Mẹ và dẫn dắt Mẹ đến nơi Người muốn. Mẹ vâng nghe, và với sự sẵn sàng, Mẹ chuẩn bị cho những biến cố trọng đại mà qua đó Chúa đi vào thế giới. Sách Giáo lý nhắc lại sự hiện diện thường xuyên và đầy quan tâm của Mẹ trong bản thiết kế nhân hậu của Chúa Cha trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu (xem GLCG, 2617-2618).

Mẹ Maria đang cầu nguyện thì Tổng lãnh Thiên thần Gabriel hiện đến và mang thông điệp đến cho Mẹ ở Nazareth. Lời thưa rất đơn sơ nhưng bao la “Này tôi đây” khiến toàn thể tạo vật khi đó nhảy mừng, là tiếp nối của nhiều câu “Này tôi đây” của nhiều người vâng lời tin cậy đi trước trong suốt lịch sử cứu độ, của nhiều người sẵn sàng đón nhận ý định của Chúa. Không có cách cầu nguyện nào tốt hơn cho bằng giữ bản thân ở thái độ sẵn sàng, với tâm hồn luôn sẵn sàng cho Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con điều gì, khi nào Người muốn, và Chúa muốn theo cách như thế nào.” Nghĩa là, với tâm hồn sẵn sàng theo thánh ý của Chúa. Và Chúa luôn đáp lời. Không biết bao nhiêu người tín hữu sống lời cầu nguyện như thế! Những người có tâm hồn khiêm nhường nhất cầu nguyện như vậy: với sự khiêm nhường chân thành, chúng ta cứ diễn đạt theo cách đó; với lòng khiêm tốn đơn sơ: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, khi nào Chúa muốn và Chúa muốn theo cách nào”. Họ cầu nguyện như vậy và không buồn phiền khi đầy dẫy các vấn đề xảy ra trong ngày của họ, nhưng họ cố gắng đối mặt với thực tế, và biết rằng với tình yêu khiêm cung, tình yêu được dâng hiến trong mọi hoàn cảnh, chúng ta trở thành công cụ của ân sủng của Chúa. “Lạy Chúa, Chúa muốn con điều gì, khi nào Chúa muốn, và Chúa muốn như thế nào”. Một lời cầu nguyện đơn sơ, nhưng là lời cầu nguyện trong đó chúng ta đặt mình trong bàn tay của Thiên Chúa để Người hướng dẫn chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể cầu nguyện như vậy, gần như không có lời nói.

Cầu nguyện biết cách làm dịu đi những bồn chồn. Chúng ta háo hức, chúng ta luôn muốn có những thứ trước khi xin và chúng ta muốn có chúng ngay lập tức. Sự háo hức này gây hại cho chúng ta. Và lời cầu nguyện biết cách làm dịu đi sự háo hức, biết cách biến nó trở thành tinh thần sẵn sàng. Khi chúng ta háo hức, tôi cầu nguyện và lời cầu nguyện mở rộng tâm hồn tôi và khiến tôi mở lòng đón nhận thánh ý của Thiên Chúa. Trong những giây phút ngắn ngủi của sự Truyền Tin, Đức Trinh nữ Maria đã biết cách gạt bỏ nỗi sợ hãi, ngay cả khi cảm thấy rằng tiếng “xin vâng” của Mẹ sẽ mang đến cho Mẹ những thử thách vô cùng gian truân. Nếu khi cầu nguyện, chúng ta hiểu rằng mỗi ngày Chúa ban cho là một tiếng gọi, thì tâm hồn chúng ta sẽ mở rộng và chúng ta sẽ chấp nhận mọi thứ. Chúng ta sẽ học cách nói: “Lạy Chúa, Chúa muốn điều gì. Chỉ xin hứa với con rằng Chúa sẽ hiện diện trên mỗi bước đường con đi”. Điều này rất quan trọng: xin Chúa hiện diện trên mọi bước đường của chúng ta: để Người không để chúng ta một mình, Người không bỏ rơi chúng ta trong cơn cám dỗ, để Người không bỏ rơi chúng ta trong những giờ phút tồi tệ. Kinh Lạy Cha kết thúc theo cách như vậy: ân sủng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu xin với Chúa.

Mẹ Maria đã đồng hành suốt cuộc đời của Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, cho đến cái chết và sự phục sinh của Ngài; và cuối cùng, Mẹ tiếp tục và Mẹ đồng hành với những bước đi đầu tiên của Giáo Hội mới thành lập (xem Tông đồ Công Vụ 1:14). Mẹ Maria cầu nguyện với các môn đệ là những người đã chứng kiến sự ô nhục của thập giá. Mẹ cầu nguyện với Phêrô là người đã đầu hàng nỗi sợ hãi và đã khóc vì hối hận. Đức Maria ở đó với các môn đệ, giữa những người nam và người nữ mà Con của Mẹ đã kêu gọi để thành lập Cộng đoàn của Ngài. Mẹ Maria không hoạt động như một linh mục ở giữa họ, không! Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu cầu nguyện với họ trong cộng đoàn, như là một thành viên của cộng đoàn. Mẹ cầu nguyện với họ và cầu nguyện cho họ. Và, một lần nữa, lời cầu nguyện của Mẹ báo trước cho tương lai sắp được kiện toàn: nhờ công việc của Chúa Thánh Thần, Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa, và nhờ công việc của Chúa Thánh thần, Mẹ trở thành Mẹ của Hội thánh. Cùng cầu nguyện với Hội Thánh vừa được thành lập, Mẹ trở thành Mẹ của Giáo hội, đồng hành với các môn đệ trên những bước đi đầu tiên của Giáo hội trong lời cầu nguyện, trông đợi Chúa Thánh Thần. Trong âm thầm, luôn luôn âm thầm. Lời cầu nguyện của Mẹ Maria âm thầm. Các Tin Mừng chỉ kể lại một lời cầu nguyện của Mẹ Maria tại Cana, khi Mẹ xin Con của Mẹ cho những người khốn khổ sắp gây ra ấn tượng xấu trong bữa tiệc cưới. Chúng ta hãy tưởng tượng: có một tiệc cưới và nó sẽ kết thúc bằng sữa vì không có rượu! Ấn tượng thật tồi tệ! Và Mẹ cầu nguyện và xin Con của Mẹ giải quyết vấn đề đó. Về bản chất, sự hiện diện của Đức Maria là lời cầu nguyện, và sự hiện diện của Mẹ giữa các môn đệ trong Nhà Tiệc Ly, đang trông đợi Chúa Thánh Thần, là sự cầu nguyện. Như vậy Đức Maria sinh ra Giáo hội, Mẹ là Mẹ của Giáo hội. Sách Giáo lý giải thích: “Trong lòng tin của ngƣời nữ tỳ khiêm cung này, Hồng Ân Thiên Chúa,” tức là Chúa Thánh Thần, “đã được tiếp nhận xứng đáng, sự tiếp nhận Người đã chờ đợi từ thuở khai thiên lập địa” (GLCG, 2617).

Nơi Đức Trinh Nữ Maria, trực giác nữ tính tự nhiên được tôn quý bởi sự kết hợp phi thường của Mẹ với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Đây là lý do tại sao khi đọc Tin Mừng, chúng ta lưu ý thấy rằng có lúc Mẹ dường như biến mất, chỉ xuất hiện trở lại vào những thời điểm quyết định: Mẹ Maria mở rộng lòng đón nhận tiếng nói của Thiên Chúa hướng dẫn tâm hồn Mẹ, hướng dẫn những bước đi của Mẹ đến nơi cần có sự hiện diện của Mẹ. Sự hiện diện âm thầm của Mẹ như một người mẹ và một người môn đệ. Mẹ Maria hiện diện vì Mẹ là Mẹ, nhưng Mẹ cũng hiện diện vì Mẹ là người môn đệ đầu tiên, người đã học được đường lối của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp. Mẹ Maria không bao giờ nói: “Nào, tôi sẽ lo liệu mọi điều”. Thay vào đó, Mẹ nói: “Cứ làm theo những gì Người bảo các anh,” luôn luôn chỉ về phía Chúa Giêsu. Đây là thái độ tiêu biểu của người môn đệ, và Mẹ là người môn đệ đầu tiên: Mẹ cầu nguyện như một người mẹ và Mẹ cầu nguyện như một môn đệ.

“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Theo đó, thánh sử Luca mô tả Mẹ của Chúa trong câu chuyện thời thơ ấu trong Tin Mừng của ngài. Mọi việc xảy ra xung quanh Mẹ đều được ghi nhớ và suy gẫm trong sâu thẳm tâm hồn Mẹ: những ngày tràn ngập niềm vui, cũng như những thời khắc đen tối nhất khi chính Mẹ cũng phải cố gắng để hiểu được đâu là những con đường mà Đấng Cứu thế phải đi qua. Mọi sự đều được ghi nhớ và suy gẫm trong lòng Mẹ để nó chuyển thành lời cầu nguyện và được biến đổi bởi nó: dù đó là những món quà của các Đạo sĩ, hay cuộc chạy trốn sang Ai Cập, cho đến ngày thứ Sáu thương khó khủng khiếp đó. Mẹ ghi nhớ mọi sự và mang nó đến với cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Có người đã ví tâm hồn của Mẹ Maria như một viên ngọc quý với sự lộng lẫy không gì sánh kịp, được tạo thành và rèn giũa bằng sự kiên nhẫn chấp nhận theo thánh ý của Thiên Chúa qua những mầu nhiệm của Chúa Giêsu được suy gẫm trong lời cầu nguyện. Thật đẹp biết bao nếu chúng ta cũng có thể trở nên một phần giống như Mẹ của chúng ta! Với tâm hồn sẵn sàng cho Lời Chúa, với tâm hồn thầm lặng, với tâm hồn vâng phục, với tâm hồn biết đón nhận Lời Chúa và cho phép nó phát triển với hạt giống tốt cho Giáo hội.

___________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trong tháng mười một này, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta đã qua đời, và cho tất cả những người đã chết, để xin Chúa với lòng nhân từ của Người sẽ đón nhận họ vào Nước Thiên đàng. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/11/2020]


‘Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo’ — Đức Tổng Giám mục Fisichella trình bày Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư

‘Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo’ — Đức Tổng Giám mục Fisichella trình bày Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư

ZENIT - Sergio Mora

‘Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo’ — Đức Tổng Giám mục Fisichella trình bày Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư

Mô tả những sáng kiến cho dù bị hạn chế bởi COVID nhưng vẫn hoạt động mạnh mẽ

12 tháng Mười Một, 2020 13:08

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


‘Hãy rộng tay giúp đỡ người nghèo …’

Đây không chỉ là chủ đề mà còn là sự động viên cho Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ tư sắp diễn ra vào ngày 15 tháng Mười Một năm 2020.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa, đã nhấn mạnh điều này trong một cuộc họp báo trực tuyến – do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 – từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh hôm nay, ngày 12 tháng Mười Một, để trình bày những sáng kiến của thời gian sắp tới. Tham dự còn có Đức ông Graham Bell, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng.

Đưa ra các tín hiệu cụ thể cho những người gặp khó khăn

Với một tầm nhìn xa, ngài chủ tịch của Hội đồng giải thích rằng Đức Giáo hoàng Phanxico muốn nhấn mạnh đến tính cấp bách mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho toàn thế giới. Đức Tổng Giám mục Fisichella tiếp tục giải thích các sáng kiến đã được thực hiện “để đưa ra một tín hiệu cụ thể về sự trợ giúp và hỗ trợ cho số lượng ngày càng nhiều các gia đình gặp khó khăn khách quan”.

Đức Tổng Giám mục Fisichella nhấn mạnh, “Một bàn tay giang ra là một tín hiệu, một tín hiệu ngay lập tức nói lên sự gần gũi, tình liên đới và tình yêu thương. Trong những tháng này, khi cả thế giới đang trở thành con mồi cho một loại virus mang đến sự đau đớn và cái chết, tuyệt vọng và hoang mang, chúng ta đã nhìn thấy không bao nhiêu bàn tay giang rộng!”

“Bàn tay giang rộng của các thầy thuốc… của các y tá… của những người quản lý … của các dược sĩ… của các linh mục,” ngài nêu ra.

Ngài Tổng Giám mục người Ý cũng ca ngợi bàn tay giang rộng của các người thiện nguyện đã giúp đỡ những người sống trên đường phố, và những người có nhà cửa nhưng không có gì để ăn, cùng với những người nam và nữ làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và sự an ninh.

Ngài lưu ý, “Chúng tôi có thể tiếp tục nói đến rất nhiều bàn tay giang rộng khác, tất cả đều tạo nên một khối đồ sộ những công việc tốt lành,” đặc biệt là những “bàn tay bất chấp sự lây nhiễm và sợ hãi để hỗ trợ và an ủi.”

Ngài lưu ý, Đức Thánh Cha nói: “Bây giờ là thời điểm tốt để khôi phục lại niềm tin rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm chung đối với tha nhân và thế giới.”

Các quy định hiện hành dẫn đến một số hạn chế

Đức Tổng Giám mục giải thích, “Như chúng ta có thể hình dung, các sự kiện theo thông lệ đã được thực hiện trong những năm gần đây, tôi đặc biệt muốn đề cập đến Nhà thương Lưu động ở Quảng trường Thánh Phêrô và bữa ăn trưa với 1500 người nghèo cùng với Đức Thánh Cha tại Khán phòng Phaolô VI, đã bị tạm ngưng để tuân thủ các quy định hiện hành.”

Tuy nhiên, ngài cho biết rõ rằng đại dịch “đã không ngăn cản việc đánh dấu Ngày này thông qua các tín hiệu cụ thể.”

Ngài lưu ý: “Trong phòng khám chữa bệnh dưới hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô, của Elemosineria Apostolica (Văn phòng Bác ái Giáo hoàng), những người nghèo phải tìm đến nhà tập thể hoặc những người muốn trở về quê có thể được xét nghiệm virus corona bằng phương pháp tăm bông.” Phòng khám mở cửa từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, và trong hai tuần, đã thực hiện 50 lần xét nghiệm tăm bông mỗi ngày.

Đồng thời, ngài lưu ý, đại dịch đã không làm giảm bớt lòng quảng đại của một số nhà hảo tâm. Ngài nói, “Ngược lại, nó đã làm lan tỏa và được thể hiện nhiều hơn. Vì lý do này, chúng tôi đã cố gắng thực hiện một số dấu chỉ đơn sơ thể hiện sự gần gũi và quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào thời điểm này”.

Hội đồng Giáo hoàng đang gửi 5000 gói nhu yếu phẩm đến các gia đình của khoảng sáu mươi giáo xứ ở Roma, những người đặc biệt đang gặp khó khăn trong giai đoạn này, được thực hiện nhờ lòng quảng đại của Roma Cares và lòng quảng đại của các Siêu thị Elite.

Mỗi hộp chứa nhiều loại thực phẩm, từ các thương hiệu rất uy tín, (mì ống, gạo, sốt cà chua, dầu, muối hạt, bột, cà phê, đường, mứt, cá ngừ, bánh quy và sôcôla), cùng với một số khẩu trang và một thẻ cầu nguyện in lời cầu nguyện của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài lưu ý rằng việc đóng gói và phân phát những hộp này được thực hiện nhờ vào công sức của một nhóm 20 bạn trẻ hiện đang chờ việc làm.

Theo cách tương tự, cũng trong năm nay, nhà máy mì ống “La Molisana” đã hỗ trợ những sáng kiến của hội đồng với 2,5 tấn mì ống nổi tiếng của họ, sẽ được chuyển đến các Mái ấm Gia đình và Hiệp hội Bác ái khác nhau.

Nhà máy cũng đã gửi một lô hàng đầu tiên gồm 350.000 chiếc khẩu trang, dành cho ít nhất 15.000 học sinh các cấp lớp khác nhau, đặc biệt là những học sinh đến từ các vùng ngoại ô rộng lớn của thành phố, để một lần nữa hỗ trợ các gia đình và giảm bớt chi phí cho những chiếc khẩu trang này.

Ngài nói: “Sự cố gắng này cũng hy vọng là một lời mời gọi các sinh viên trẻ của chúng ta không xem nhẹ những nguy hiểm của đại dịch, đặc biệt là với những hành vi có thể gây hại khi các em từ nhà trường trở về với gia đình có người già.”

Ngày thế giới vẫn sống động ngay cả khi bị giới hạn

Có thể thấy, Ngày Người nghèo Thế giới, mặc dù chỉ hạn chế trong các sáng kiến của nó, vẫn là một ngày mà các Giáo phận trên toàn thế giới hướng tới để duy trì sống động ý thức biết quan tâm và tình huynh đệ đối với những người bị gạt ra bên lề và thiệt thòi nhất.

Ngài nhắc nhở rằng ‘Pastoral Aid’ (Hỗ trợ Mục vụ) hàng năm, được tiếp tục chuẩn bị trong năm nay để hỗ trợ các giáo xứ và tổ chức giáo hội khác nhau, có thể được coi là một công cụ kịp thời “để Ngày này không chỉ giới hạn ở các sáng kiến bác ái, mà là những sáng kiến này được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của cá nhân và cộng đoàn là điều không bao giờ có thể thiếu để chứng tá của chúng ta được trọn vẹn và hữu hiệu.” Ngoài ấn bản in tiếng Ý của Edizioni San Paolo, Pastoral Aid đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếng Ba Lan, và các phiên bản của nó có sẵn trên website của Hội đồng Giáo hoàng Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa.

“Các Giáo hội cũng đã thông báo về sự tham gia tích cực của họ trong Ngày này, với những cố gắng tiếp cận thông thường cùng với sự tham gia tại nhà của mọi người để tránh sự lây lan của virus.”

Đức Cha nhắc nhở, những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp của ngài thể hiện rõ mục đích của những sáng kiến đó, cụ thể là câu ngài trích dẫn: “Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào” (Hc 7:36).

Nhắc nhở rằng có một chung cuộc hoặc mục tiêu mà mỗi chúng ta đang hướng tới, ngài lưu ý: “Đây là mục tiêu cuối cùng trong hành trình của chúng ta, và không có gì có thể khiến chúng ta sao lãng khỏi nó”.

Vì chung cuộc cho mọi hành động của chúng ta chỉ có thể là tình yêu, ngài động viên rằng dù chỉ một nụ cười hay một bàn tay giang rộng cũng có khả năng thể hiện sự gần gũi đó. Ngài nói: “Chính trong tinh thần này mà chúng ta đang chuẩn bị để sống Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư này.”

Dưới đây là văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh) toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục Fisichella:

****

Ngày Người nghèo Thế giới đã bước đến kỷ niệm lần thứ tư. Chủ đề của Ngày, được thể hiện trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ngày 13 tháng Sáu vừa qua nhân phụng vụ lễ nhớ Thánh Antôn thành Padua, lấy trung tâm là lời diễn đạt trong Kinh thánh: “Hãy rộng tay giúp người nghèo khó” (Hc 7:32). Với một tầm nhìn xa, trong Sứ điệp Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh đến tính cấp bách mà đại dịch Covid-19 đã gây ra cho toàn thế giới. Nhắc lại một số cách diễn đạt trong văn bản có thể giúp chúng ta hiểu được những sáng kiến đã được thực hiện để đưa ra một tín hiệu cụ thể về sự trợ giúp và hỗ trợ cho số lượng ngày càng nhiều các gia đình gặp khó khăn khách quan.

“Một bàn tay giang ra là một tín hiệu, một tín hiệu ngay lập tức nói lên sự gần gũi, tình liên đới và sự yêu thương. Trong những tháng này, khi cả thế giới đang trở thành con mồi cho một loại virus mang đến sự đau đớn và cái chết, tuyệt vọng và hoang mang, chúng ta đã nhìn thấy không bao nhiêu bàn tay giang rộng! Bàn tay giang rộng của các thầy thuốc… của các y tá… của những người quản lý … của các dược sĩ… của các linh mục. Những bàn tay giang rộng của các người thiện nguyện đã giúp đỡ những người sống trên đường phố, và những người có nhà cửa nhưng không có gì để ăn. Bàn tay giang rộng của những người nam và nữ làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và sự an ninh. Chúng tôi có thể tiếp tục nói đến rất nhiều bàn tay giang rộng khác, tất cả đều tạo nên một khối đồ sộ những công việc tốt lành. Những bàn tay đó bất chấp sự lây nhiễm và sợ hãi để hỗ trợ và an ủi” (s. 6). Đức Thánh Cha tiếp tục: “Bây giờ là thời điểm tốt để khôi phục lại niềm tin rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm chung đối với tha nhân và thế giới” (s.7).

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở rộng bàn tay của ngài với những sáng kiến khác nhau để làm cho Ngày này trở nên hữu hình hơn và cụ thể hơn. Ngày Chúa nhật, 15 tháng Mười Một, lúc 10 giờ sáng, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ để đánh dấu Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư. Sự kiện này sẽ được truyền trực tiếp trên kênh Rai 1, TV2000, Telepace và trên tất cả các đài truyền hình Công giáo trên thế giới có kết nối với Bộ Truyền thông, và nó sẽ được truyền phát trực tiếp trên cổng Vatican News (vaticannews.va) cho những người muốn tham gia trong khi giữ được sự an toàn của họ. Ngoài các người Thiện nguyện và các Nhà hảo tâm, chỉ có 100 người sẽ có mặt trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để đại diện tượng trưng cho tất cả người nghèo trên thế giới, những người đặc biệt cần sự quan tâm và tình liên đới của cộng đoàn Kitô giáo vào ngày này. Một số người, được các hiệp hội bác ái hỗ trợ hàng ngày, sẽ đọc các bài đọc.

Như chúng ta có thể hình dung, các sự kiện theo thông lệ đã được thực hiện trong những năm gần đây, tôi đặc biệt muốn đề cập đến Nhà thương Lưu động ở Quảng trường Thánh Phêrô và bữa ăn trưa với 1500 người nghèo cùng với Đức Thánh Cha tại Khán phòng Phaolô VI, đã được tạm ngưng để tuân thủ các quy định hiện hành. Tuy nhiên, đại dịch đã không ngăn cản việc đánh dấu Ngày này thông qua các tín hiệu cụ thể. Trong phòng khám chữa bệnh dưới hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô, của Elemosineria Apostolica (Văn phòng Bác ái Giáo hoàng), những người nghèo phải tìm đến nhà tập thể hoặc những người muốn trở về quê có thể được xét nghiệm virus corona bằng phương pháp tăm bông. Phòng khám mở cửa từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều, và trong hai tuần, đã thực hiện 50 lần xét nghiệm tăm bông mỗi ngày. Đồng thời, đại dịch đã không làm giảm bớt lòng quảng đại của một số nhà hảo tâm; ngược lại, nó đã làm lan tỏa và được thể hiện nhiều hơn. Vì lý do này, chúng tôi đã cố gắng thực hiện một số dấu chỉ đơn sơ thể hiện sự gần gũi và quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô vào thời điểm này.

Với sự hỗ trợ lớn lao của Roma Cares và lòng quảng đại của các Siêu thị Elite, chúng tôi hiện đang chuyển 5000 hộp nhu yếu phẩm đến các gia đình thuộc khoảng 60 giáo xứ ở Roma, những người đang gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn này. Mỗi hộp chứa nhiều loại thực phẩm, từ các thương hiệu rất uy tín, (mì ống, gạo, sốt cà chua, dầu, muối hạt, bột, cà phê, đường, mứt, cá ngừ, bánh quy và sôcôla), cùng với một số khẩu trang và một thẻ cầu nguyện in lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến ông Giám đốc điều hành của Roma, ông Guido Fienga (có mặt ở đây với chúng tôi) vì chương trình Roma Cares và Fedeli Family chủ sở hữu của các Siêu thị Elite (có mặt ở đây với chúng tôi là ông Franco Fedeli, người sáng lập và ông Marco Conti, Giám đốc điều hành). Về vấn đề này, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng việc đóng gói và phân phát những hộp này được thực hiện nhờ vào công sức của một nhóm 20 bạn trẻ hiện đang chờ việc làm.

Theo cách tương tự, cũng trong năm nay, nhà máy mì ống “La Molisana” muốn hỗ trợ những sáng kiến của hội đồng với 2,5 tấn mì ống nổi tiếng của họ, sẽ được chuyển đến các Mái ấm Gia đình và Hiệp hội Bác ái khác nhau. Điều quan trọng là phải nhắc đến công ty Société des Centers Commerciaux Italia s.r.l. và Quỹ Robert Halley cũng hỗ trợ các sáng kiến của Đức Thánh Cha với lòng quảng đại của họ hỗ trợ nhiều người nghèo trong thành phố và được nhiều tổ chức giáo hội trợ giúp.

Nhà máy cũng đã gửi một lô hàng đầu tiên gồm 350.000 chiếc khẩu trang, dành cho ít nhất 15.000 học sinh các cấp lớp khác nhau, đặc biệt là những học sinh đến từ các vùng ngoại ô rộng lớn của thành phố, để một lần nữa hỗ trợ các gia đình và giảm bớt chi phí cho những chiếc khẩu trang này.

Với sự hỗ trợ của UnipolSai Assicurazioni, chúng tôi đã gửi lô hàng đầu tiên gồm 350.000 chiếc khẩu trang, dành cho ít nhất 15.000 học sinh thuộc các cấp lớp khác nhau, đặc biệt là những học sinh đến từ các vùng ngoại ô rộng lớn của thành phố, để một lần nữa hỗ trợ cho các gia đình và giải tỏa bớt cho họ, ít nhất là chi phí dành cho khẩu trang. Sự cố gắng này cũng hy vọng là một lời mời gọi các sinh viên trẻ của chúng ta không xem nhẹ những nguy hiểm của đại dịch, đặc biệt là với những hành vi có thể gây hại khi các em từ nhà trường trở về với gia đình có người già.

Có thể thấy, Ngày Người nghèo Thế giới, mặc dù chỉ hạn chế trong các sáng kiến của nó, vẫn là một ngày mà các Giáo phận trên toàn thế giới hướng tới để duy trì sống động ý thức biết quan tâm và tình huynh đệ đối với những người bị gạt ra bên lề và thiệt thòi nhất. ‘Pastoral Aid’ (Hỗ trợ Mục vụ) được tiếp tục chuẩn bị trong năm nay để hỗ trợ các giáo xứ và các tổ chức giáo hội khác nhau, có thể được coi là một công cụ kịp thời để Ngày này không chỉ giới hạn ở các sáng kiến bác ái, mà là những sáng kiến này được hỗ trợ bởi lời cầu nguyện của cá nhân và cộng đoàn là điều không bao giờ có thể thiếu để chứng tá của chúng ta được trọn vẹn và hữu hiệu. Như hàng năm, ngoài ấn bản in tiếng Ý của Edizioni San Paolo, Pastoral Aid đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếng Ba Lan, và các phiên bản của nó có sẵn trên website của Hội đồng Giáo hoàng Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa (pcpne.va). Các Giáo hội cũng đã thông báo về sự tham gia tích cực của họ trong Ngày này, với những cố gắng tiếp cận thông thường và với sự tham gia tại nhà của mọi người để tránh sự lây lan của virus.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp của ngài thể hiện rõ mục đích của những sáng kiến này. Đức Thánh Cha viết: “Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào” (Hc 7:36)... Đây là những lời cuối cùng của chương này trong sách Huấn ca. Chúng có thể được hiểu theo hai cách. Trước hết, cuộc sống của chúng ta sớm muộn cũng sẽ kết thúc. Ghi nhớ vận mệnh chung của chúng ta có thể giúp dẫn đến một đời sống biết quan tâm đến những người nghèo hơn chúng ta hoặc thiếu cơ hội mà chúng ta đã có được. Thứ hai, có một chung cuộc hoặc mục tiêu mà mỗi chúng ta đang hướng tới … Đây là mục tiêu cuối cùng trong hành trình của chúng ta, và không có gì có thể khiến chúng ta sao lãng khỏi nó. “Chung cuộc” cho mọi hành động của chúng ta chỉ có thể là yêu thương … Yêu thương là chia sẻ, cống hiến và phục vụ, được sinh ra từ việc chúng ta nhận biết rằng chúng ta được yêu thương trước và được thức tỉnh để yêu thương. Chúng ta nhìn thấy điều này qua cách trẻ thơ chào đón nụ cười của người mẹ và cảm nhận được yêu thương đơn giản bởi nhân đức hữu thể sống. Ngay cả một nụ cười chúng ta chia sẻ với người nghèo cũng là một nguồn yêu thương và là một cách để lan tỏa niềm vui. Do đó, một bàn tay giang rộng luôn có thể được làm phong phú bởi nụ cười của những người âm thầm và khiêm tốn giúp đỡ, được truyền cảm hứng duy nhất bởi niềm vui được là người môn đệ của Đức Kitô” (s. 10). Chính trong tinh thần này mà chúng ta đang chuẩn bị để sống Ngày Người nghèo Thế giới lần thứ Tư này.

[01362-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý – bản dịch (tiếng Anh)]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/11/2020]