Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Xem mộ Đức Gio-an Phao-lô II mà không phải đến Vatican?

Xem mộ Đức Gio-an Phao-lô II mà không phải đến Vatican?

03 tháng 11, 2017
Xem mộ Đức Gio-an Phao-lô II mà không phải đến Vatican?
Anilah | Shutterstock

Trong suốt tháng Mười Một Giáo hội tưởng nhớ những tín hữu đã qua đời, trong đó có các thánh.

Mộ Thánh Gio-an Phao-lô II là địa điểm hành hương nổi tiếng nhất trong Vatican, một điểm đến của các tín hữu, những khách hành hương và du lịch từ năm châu lục. Ước tính có khoảng 18.000 người cầu nguyện tại mộ ngài Karol Józef Wojtyła mỗi ngày trong mùa cao điểm của du lịch.
Với những tín hữu không thể đến được Roma, họ có thể thực hiện một chuyến hành hương ảo trên internet. Có thể quan sát nơi yên nghỉ của thân xác thánh nhân trực tiếp qua webcam. Hình ảnh được cập nhật hai phút một lần.
Mặc dù một số người vẫn đi tìm thánh nhân, vị thánh được Đức Giáo hoàng Phanxico được phong hiển thánh ngày 27 tháng Tư, 2014, tại nơi yên nghỉ ban đầu của ngài trong Vatican Grottoes (hang mộ) bên dưới Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, nhưng thi hài của ngài đã được chuyển vào trong Vương cung Thánh đường năm 2011.
Ngày nay, tín hữu và khách hành hương đến thăm Vatican có thể cầu nguyện tại mộ Đức Gio-an Phao-lô II trong Nguyện đường Thánh Sebastian, ngôi mộ nằm  ngay giữa lòng Vương cung Thánh đường. Đó là nguyện đường thứ hai ở bên phải khi đi từ cổng vào, khoảng giữa núi đá đặt bộ tượng “Pieta” (Đức Mẹ Sầu Bi) của Michelangelo và Nguyện đường Thánh thể Chí thánh.
Thư ký của Đức Giáo hoàng người Ba lan, Hồng y Stanislaw Dziwisz, chủ trì việc chuyển quan tài đến một địa điểm dễ quan sát và có thể tiếp cận sáu năm sau khi ngài qua đời và được phong Chân phước. Thi hài của ngài được đặt dưới bàn thờ, phía sau một phiến đá cẩm thạch khắc dòng chữ IOANNES PAVLVS PP. II. Mộ của Đức Gio-an XIII và Pi-ô X cũng được đặt trong các nhà nguyện bên trong vương cung thánh đường.



Đây là đường dẫn đến webcam quan sát mộ của thánh nhân. Lưu ý hình ảnh sẽ bị tối vào ban đêm.
Bài này được đăng lần đầu trong phiên bản tiếng Tây Ban nha của Aleteia.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 04/11/2017]


Chính phủ Hoa kỳ cam kết cấp quỹ tài trợ — nhưng phải hành động ngay lập tức để cứu Ki-tô hữu Iraq

Chính phủ Hoa kỳ cam kết cấp quỹ tài trợ — nhưng phải hành động ngay lập tức để cứu Ki-tô hữu Iraq

Việc tu sửa lại những thị trấn của người Ki-tô hữu trên Đồng bằng Ni-ni-vê đang khẩn thiết cần nguồn quỹ tài trợ.
31 tháng Mười, 2017
Chính phủ Hoa kỳ cam kết cấp quỹ tài trợ — nhưng phải hành động ngay lập tức để cứu Ki-tô hữu Iraq
WIKIMEDIA COMMONS - Matt H. Wade
Cuối tháng Chín, trình bày trong Hội nghị ở Roma về việc tái định cư trên Đồng bằng Ni-ni-vê của Iraq, Ngài Phê-rô Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh của Vatican, lưu ý rằng ACN, cùng với những tổ chức Công giáo khác, “nhắm mục tiêu khôi phục lại những cộng đoàn Ki-tô hữu với môi trường của một đời sống bình thường, đặc biệt vượt qua được sự sợ hãi và tuyệt vọng; và nhìn về tương lai với nhiều hy vọng.”
Trong bản phân tích này, Chủ tịch George Marlin của ACNUSA chào đón lời hứa của Tổng thống Trump bắt đầu ngay lập tức cấp quỹ tài trợ trực tiếp cho các tổ chức tôn giáo nhằm giúp tiến trình tái định cư. Tuy nhiên, ông cũng thúc giục chính phủ Hoa kỳ và những quốc gia liên minh của Mỹ hành động nhanh chóng để ngăn cản một sự chạm trán về quân sự giữa Iraq và người Kurd bán tự trị có thể nhận chìm đồng bằng Ni-vi-vê trong chiến tranh và tàn phá trở lại, phá tan mọi hy vọng của người Ki-tô hữu được trở về quê nhà.
***
Chính phủ Hoa kỳ cam kết cấp quỹ tài trợ — nhưng phải hành động ngay lập tức để cứu những Ki-tô hữu Iraq
George J. Marlin
30 tháng Mười, 2017
THỜI GIAN quyết định tất cả. Trong một diễn văn ngày 25 tháng Mười, Phó tổng thống Mike Pence chuyển tải lời cam kết của Tổng tống Trump rằng Chính phủ Hoa kỳ sẽ rót trợ cấp trực tiếp cho người Ki-tô hữu, người Yazidi và những nhóm tôn giáo thiểu số bị bách hại ở Iraq.
Phó Tổng thống cam kết rằng “Từ hôm nay Hoa kỳ sẽ làm việc sát cánh với các nhóm tôn giáo và các tổ chức tư nhân để giúp đỡ những người bị bách hại vì đức tin của họ.” Ông nói, “Hoa kỳ sẽ không còn dựa vào Liên Hợp quốc để hỗ trợ cho những Ki-tô hữu và những cộng đồng thiểu số bị bách hại trước tình trạng diệt chủng và tàn sát của các nhóm khủng bố.”
Từ đó Chính phủ Hoa kỳ đã xem những tội ác của ISIS chống lại người Ki-tô hữu và các cộng đồng thiểu số khác là tội diệt chủng, các nhà lãnh đạo chính trị, giới giáo sĩ và tín hữu đã lên tiếng mạnh mẽ đòi mở cửa quỹ USAID để tài trợ cho việc tái xây dựng Đồng bằng Ni-ni-vê. Tiếng kêu của họ cuối cùng đã được lắng nghe.
Việc tu sửa lại hàng ngàn ngôi nhà và những cơ sở hạ tầng bị tan nát trong chín thành phố của người Ki-tô hữu thuộc Đồng bằng Ni-ni-vê đang khẩn thiết cần nguồn quỹ tài trợ. Tuy nhiên, hành động chính trị cũng không kém phần cấp thiết cho người tín hữu của Iraq: các lực lượng của Iraq và các đơn vị quân sự Peshmerga của người Kurd đang lăm le đụng độ quân sự đe dọa nhận chìm Đồng bằng Ni-ni-vê trong một vòng xoáy bạo lực và tàn phá khác.
Mùa hè năm 2014, ISIS đã chiếm khu vực này và đuổi hơn 100.000 người Ki-tô hữu ra khỏi nhà cửa và tài sản của họ. Hầu hết những gia đình này đã trải qua ba năm sống trong tình trạng Di tản Trong nước ở vùng Erbil, Kurdistan, hy vọng và cầu nguyện có cơ hội được trở về nhà. Cuộc đánh bại ISIS ở Iraq đã làm cho mong ước đó trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, một cuộc chiến dốc toàn lực giữa Baghdad và Erbil có thể khép lại cánh cửa của cơ hội tốt đẹp đó. Tình trạng đã diễn ra, thị trấn Teleskuf của người Can-đê — trong những tháng gần đây đã chứng kiến sự trở lại của ba phần tư số người Ki-tô hữu của thị trấn — hiện đang trải qua một cuộc di tản mới của người tín hữu; trước tình hình pháo cối lại dội xuống thị trấn có 850 gia đình đã phải di tản trước đây bây giờ lại đang sống trở lại cơn ác mộng. Những nguồn tin địa phương cho biết rằng người Ki-tô hữu trong các thị trấn lân cận đang chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.
Những gia đình này sẽ có khả năng cao nhất là chọn cuộc sống lưu đày hoặc di cư hơn là đặt niềm hy vọng của họ vào cơ hội trở về nhà lần thứ hai hầu như không thể xảy ra. Nếu một cuộc chiến mới nổ ra trong vùng, không ai dám nói rằng Kurdistan một lần nữa có thể là nơi trú ẩn an toàn cho những người Ki-tô hữu di tản và những nhóm thiểu số khác. Các thành phần tàn dư của ISIS và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác rất có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn của một cuộc xung đột khác.
Hoa kỳ, cùng với các đồng minh Tây phương và trong khu vực, phải nhanh chóng làm trung gian cho một nền hòa bình lâu dài giữa Baghdad và Erbil, một hiệp ước buộc hai bên phải đưa ra những nhượng bộ dưới sự đe dọa bị mất ủng hộ về kinh tế và ngoại giao của Tây phương. Mong muốn của Baghdad là toàn vẹn lãnh thổ phải hài hòa với khát khao của Erbil có quyền tự trị thật sự. Hoa kỳ phải sẵn sàng dùng sức ảnh hưởng của mình để kìm chế những tham vọng của người Iran và người Thổ Nhĩ kỳ trong vùng.
Sức mạnh chính trị phải ủng hộ cho cam kết của Hoa kỳ cấp quỹ tài trợ quảng đại và hiệu quả cho việc tái kiến thiết trung tâm của người Ki-tô hữu ở Iraq — và điều đó phải diễn ra ngay bây giờ! Thời gian rất, rất cấp bách. Và, bất kể chuyện gì diễn ra tiếp theo thì cam kết của Tổng thống phải được hiện thực hóa bằng việc cấp quỹ tài trợ ngay lập tức và trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ thuộc tôn giáo địa phương và của tư nhân. Sự tồn tại của Ki-tô giáo ở Iraq đang treo trân cán cân này.
Ông Marlin là Chủ tịch Hội Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn - Mỹ, một tổ chức bác ái quốc tế của giáo hoàng hỗ trợ những Ki-tô hữu bị bách hại và đau khổ trên khắp thế giới. Ông là tác giả quyển “Christian Persecutions in the Middle East: A 21st Century Tragedy” (Bách hại Ki-tô hữu ở Trung đông: Một thảm kịch của thế kỷ 21) (Nhà xuất bản Thánh Augustine).

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/11/2017]