Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019

Roma: Đức Thánh Cha tiếp Chủ tịch Microsoft Brad Smith

Roma: Đức Thánh Cha tiếp Chủ tịch Microsoft Brad Smith
© Vatican Media

Roma: Đức Thánh Cha tiếp Chủ tịch Microsoft Brad Smith

Cùng tháp tùng có Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống

13 thánh Hai, 2019 20:24

“Quyền” Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Alessandro Gisotti, khẳng định rằng ngày 13 tháng Hai năm 2019 Đức Thánh Cha Phanxico đã tiếp kiến riêng Chủ tịch Microsoft, Brad Smith, tại Vatican, cùng tháp tùng có Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống.

Trong buổi gặp gỡ, ông Smith thảo luận về chủ đề trí thông minh nhân tạo để phục vụ ích chung và những hoạt động nhắm tới việc kết nối khoảng cách số (digital divide) vẫn còn tồn tại trên tầm mức toàn cầu. Trong phần kết luận, họ thông báo với Đức Thánh Cha rằng Microsoft, cùng với Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống, sẽ thúc đẩy một giải thưởng quốc tế về đạo đức về trí thông minh nhân tạo, chủ đề của hội nghị khoáng đại 2020 của Hàn Lâm viện.

Hội nghị Khoáng đại của Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Sự sống năm nay sẽ diễn ra tại Vatican từ 25 đến 27 tháng Hai năm 2019, để thảo luận về chủ đề, ‘Roboethics: Con người, Máy móc và Sức khỏe’, trong khi hội nghị khoáng đại 2020 sẽ tập trung về trí thông minh nhân tạo.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/2/2019]


Video Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới xây dựng thế giới vì lợi ích chung

Video Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới xây dựng thế giới vì lợi ích chung
Vatican Media Screenshot

Video Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới xây dựng thế giới vì ích chung

‘Thậm chí chúng ta có thể nói rằng lợi ích vẫn chưa hẳn là lợi ích nếu nó không phải là lợi ích chung.’

10 tháng Hai, 2019 16:31

Ngày 10 tháng Hai, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico gửi một thông điệp video đến cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh các Chính phủ Thế giới, diễn ra tại Dubai từ 10 đến 12 tháng Hai.

Trong video, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình huynh đệ giữa các nhà lãnh đạo thế giới để đạt được ích chung.

Đức Thánh Cha nói, “Chúng ta không thể thật sự nói đến sự phát triển bền vững nếu không có tình huynh đệ (x. Tông huấn Laudato Si’, 159). Thậm chí chúng ta có thể nói rằng lợi ích vẫn chưa hẳn là lợi ích nếu nó không phải là lợi ích chung. Bây giờ có lẽ hơn bao giờ hết, suy nghĩ và hành động đòi hỏi một cuộc đối thoại thật sự với người khác vì không có người khác thì sẽ không có tương lai cho tôi. Vì vậy, tôi hy vọng rằng trong các hoạt động của mình, quý vị đều bắt đầu từ những khuôn mặt của con người, từ ý thức về tiếng kêu của người dân và của người nghèo, từ việc suy tư về những câu hỏi của trẻ em.”



Toàn văn thông điệp Video của Đức Thánh Cha:

Các bạn thân mến, Al Salamu Alaikum / Bình an ở cùng anh em!

Tôi gửi đến các bạn lời chào và những lời chúc tốt đẹp nhất cho công việc của các bạn. Tôi khắc ghi trong lòng chuyến viếng thăm tôi vừa thực hiện đến Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và sự chào đón nồng nhiệt mà tôi nhận được. Tôi đã gặp được một đất nước hiện đại đang hướng đến tương lai nhưng không quên những cội nguồn của mình. Tôi đã nhìn thấy một đất nước đang tìm cách biến những từ ngữ khoan dung, huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau và tự do thành những hành động và sáng kiến cụ thể. Tôi cũng được nhìn thấy bằng cách nào mà hoa mọc lên và phát triển ngay cả trong sa mạc. Tôi trở về với hy vọng rằng nhiều sa mạc trên thế giới cũng có thể nở hoa như vậy. Tôi tin điều đó là có thể, nhưng chỉ khi chúng ta cùng nhau phát triển, bên cạnh nhau, với sự cởi mở và tôn trọng, sẵn sàng đón nhận các vấn đề của mọi người, đó là vấn đề của mỗi con người trong ngôi làng toàn cầu.

Tôi đang nghĩ về các bạn và cam kết của các bạn trong những ngày này, khi các bạn phải đối mặt với những vấn đề cơ bản trong đó có các thách đố về chính trị, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và sử dụng công nghệ. Hy vọng chân thành của tôi là câu hỏi làm nền tảng cho những suy tư của các bạn sẽ không chỉ hướng đến “đâu là những cơ hội tốt nhất để tận dụng”, nhưng còn là câu hỏi “chúng ta muốn cùng nhau xây dựng một thế giới như thế nào?” Câu hỏi này khiến chúng ta phải suy nghĩ về con người và nhân vị hơn là nguồn vốn và những lợi ích kinh tế. Đó là một câu hỏi không chỉ hướng riêng đến ngày mai, nhưng là hướng xa đến tương lai, đến trách nhiệm đè nặng lên chúng ta: trao thế giới này của chúng ta cho những thế hệ sẽ đến sau chúng ta, bảo vệ nó khỏi sự suy thoái môi trường, và thậm chí trước đó là bảo vệ khỏi sự suy thoái đạo đức.

Chúng ta không thể thật sự nói đến sự phát triển bền vững nếu không có tình huynh đệ (x. Tông huấn Laudato Si’, 159). Thậm chí chúng ta có thể nói rằng lợi ích vẫn chưa hẳn là lợi ích nếu nó không phải là lợi ích chung. Bây giờ có lẽ hơn bao giờ hết, suy nghĩ và hành động đòi hỏi một cuộc đối thoại thật sự với người khác vì không có người khác thì sẽ không có tương lai cho tôi. Vì vậy, tôi hy vọng rằng trong các hoạt động của mình, quý vị đều bắt đầu từ những khuôn mặt của con người, từ ý thức về tiếng kêu của người dân và của người nghèo, từ việc suy tư về những câu hỏi của trẻ em.

Với những suy nghĩ này, tôi xin cảm ơn các bạn và tôi hy vọng rằng những nỗ lực của các bạn phục vụ lợi ích chung có thể mang lại kết quả. Tôi nguyện xin Chúa chúc lành cho sự cam kết của các bạn về một thế giới công bằng và thịnh vượng hơn cho mọi người.

[00233-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/2/2019]