Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Đức Thánh Cha nói về việc Cứu Trái đất: Chúng ta hãy suy nghĩ về những chỉ thị của Chúa cho Thánh Phanxico Assisi ‘Hãy đi và Sửa chữa lại Nhà của Ta’

Đức Thánh Cha nói về việc Cứu Trái đất: Chúng ta hãy suy nghĩ về những chỉ thị của Chúa cho Thánh Phanxico Assisi ‘Hãy đi và Sửa chữa lại Nhà của Ta’
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha nói về việc Cứu Trái đất: Chúng ta hãy suy nghĩ về những chỉ thị của Chúa cho Thánh Phanxico Assisi ‘Hãy đi và Sửa chữa lại Nhà của Ta’

Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ tại Hội nghị Quốc Tế về Cứu lấy Ngôi Nhà Chung của Chúng Ta và Tương Lai Sự Sống trên Trái Đất

06 tháng Bảy, 2018 15:33
Chúng ta hãy nhớ lại tiếng gọi mà Thánh Phanxico đã nhận được từ Thiên Chúa trong ngôi nhà thờ nhỏ San Damiano: “Hãy đi và sửa chữa lại nhà của Ta, ngôi nhà như con nhìn thấy đang bị tàn phá.” Hôm nay, ‘ngôi nhà chung’ của hành tinh chúng ta cũng cần gấp rút được sửa chữa và bảo vệ cho một tương lai bền vững.

Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh điều này tại buổi khai mạc Hội Nghị Quốc Tế về Cứu lấy Ngôi Nhà Chung của Chúng Ta và Tương Lai Sự Sống trên Trái Đất, được tổ chức nhân kỷ niệm ba năm ra đời Tông huấn Laudato si’ (Chúc tụng Chúa) của Đức Thánh Cha Phanxico, trong Đại sảnh New Synod của Vatican từ 5-6 tháng Bảy, 2018, lưu ý rằng đang có một mối nguy thật sự là chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ tương lai sự hoang tàn, sa mạc, và chất thải.

Ngài bày tỏ hy vọng rằng “mối quan tâm về tình trạng của ngôi nhà chung chúng ta sẽ biến thành những nỗ lực có hệ thống và hài hòa nhắm đến một hệ sinh thái nhân văn toàn diện.”

Đức Thánh Cha cầu nguyện, “Xin Thánh Phanxico Assisi tiếp tục khơi gợi và hướng dẫn chúng con trên hành trình này, và ước mong những đấu tranh và lo lắng của chúng con về hành tinh này không bao giờ lấy mất niềm vui và hy vọng của chúng con.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “niềm hy vọng đó được đặt nền tảng trên niềm tin của chúng ta vào quyền năng của Cha trên Trời.”

“Đấng kêu gọi chúng ta quảng đại cam kết và hoàn toàn trông cậy vào Người, ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh cần thiết để tiếp tục trên hành trình của chúng ta.”

“Giữa lòng trần gian này, Chúa của sự sống, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, luôn hiện diện. Người không bỏ rơi chúng ta, Người không để chúng ta một mình, vì Người đã hoàn toàn hiệp nhất chính Người với trái đất chúng ta, và tình yêu của Người liên tục thúc bách chúng ta tìm ra những con đường mới để tiến bước. Xin chúc tụng Người!” (nt., 245).”

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận, ban Phép Lành và xin mọi người hiện diện cầu nguyện cho ngài.

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:

***

Thưa các Đức Hồng y,

Thưa quý ngài,

Thưa quý vị,

Tôi xin chào mừng tất cả quý vị tham dự trong Hội nghị Quốc tế này đánh dấu kỷ niệm năm thứ ba của Tông huấn Laudato Si’ về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi xin gửi lời chào đặc biệt đến Đức Tổng Giám mục Zizioulas, vì ngài cùng với Đức Hồng y Turkson đã trình bày Tông huấn ba năm về trước. Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị đã đến đây để “nghe bằng trái tim” những tiếng khóc đang ngày càng tuyệt vọng của trái đất và người nghèo, họ là những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ và quan tâm của chúng ta. Quý vị cũng nhóm họp để cho thấy rằng nhu cầu cấp thiết phải đáp lời lại cho tiếng gọi của Tông huấn cho sự thay đổi, phải có một sự hoán cải sinh thái học. Sự hiện diện của quý vị tại đây là dấu hiệu thể hiện cam kết của quý vị thực hiện những bước đi cụ thể để cứu hành tinh và sự sống nó cưu mang, được khơi gợi bởi giả định của tông huấn rằng “mọi sự đều có kết nối với nhau.” Nguyên tắc đó là trọng tâm của một sinh thái học toàn diện.

Đến đây chúng ta hãy nhớ lại tiếng gọi mà Thánh Phanxico đã nhận được từ Thiên Chúa trong ngôi nhà thờ nhỏ San Damiano: “Hãy đi và sửa chữa lại nhà của Ta, ngôi nhà như con nhìn thấy đang bị tàn phá.” Hôm nay, “ngôi nhà chung” của hành tinh chúng ta cũng cần gấp rút được sửa chữa và bảo vệ cho một tương lai bền vững.

Trong những thập niên gần đây, cộng đồng khoa học đã liên tục mở rộng những đánh giá ngày càng chính xác hơn về vấn đề này. Thật vậy, “tốc độ tiêu thụ, chất thải và sự biến đổi môi trường đã kéo quá căng khả năng của hành tinh chúng ta đến mức lối sống hiện nay của chúng ta, vốn đã không ổn định, chỉ có thể đẩy nhanh đến những thảm họa, như những thảm họa hiện đang xảy ra theo chu kỳ tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới” (Laudato Si’, 161). Đang có một mối nguy thật sự là chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ tương lai sự hoang tàn, sa mạc, và chất thải.

Vì thế tôi bày tỏ sự hy vọng rằng mối quan tâm về tình trạng của ngôi nhà chung chúng ta sẽ biến thành những nỗ lực có hệ thống và hài hòa nhắm đến một hệ sinh thái nhân văn toàn diện. Vì “những hậu quả của tình trạng bất quân bình hiện tại chỉ có thể được giảm thiểu bằng hành động dứt khoát của chúng ta, ở đây và ngay bây giờ” (nt.). Nhân loại có kiến thức và điều kiện để hợp tác “gieo trồng và bảo vệ” trái đất một cách có trách nhiệm. Thật đáng lưu ý, những thảo luận của quý vị đã giải quyết một vài bước đi quan trọng trong năm nay theo hướng này.

Hội nghị Thượng đỉnh COP24, được tổ chức tại Katowice, Ba lan, vào tháng Mười hai, có thể chứng minh một mốc lịch sử trên con đường đã được vạch ra bởi Hiệp định Paris 2015. Chúng ta biết rằng còn nhiều việc cần phải làm trước khi áp dụng được Hiệp ước đó. Tất cả các chính phủ phải cố gắng trân trọng những cam kết đã được đưa ra tại Paris, để tránh được những hậu quả xấu nhất của sự khủng hoảng khí hậu. Việc giảm thiểu các loại khí thải nhà kính đòi hỏi sự trung thực, can đảm và trách nhiệm, trên hết tất cả là về phía các quốc gia mạnh thế hơn và gây ô nhiễm nhiều nhất” (nt., 169), và chúng ta không thể lãng phí thời gian nữa.

Cùng với các nhà nước, các giới chức địa phương, xã hội dân sự, và các tổ chức kinh tế và tôn giáo thì có thể thúc đẩy được văn hóa và thực hành sinh thái học toàn diện. Tôi tin rằng những sự kiện như Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Khí hậu Toàn cầu, sẽ được tổ chức từ ngày 12-14 tháng Chín tại San Francisco, sẽ có những câu trả lời phù hợp, với sự ủng hộ của các nhóm gây sức ép của công dân trên toàn thế giới. Như tôi đã nhận định, cùng với Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew, “sẽ không có giải pháp thật sự và lâu dài cho thách đố của sự khủng hoảng môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu nếu câu trả lời không mang tính phối hợp và chung nhất, nếu trách nhiệm không được chia sẻ và nghiêm túc thực hiện, và nếu chúng ta không đặt ưu tiên cho sự đoàn kết và phục vụ” (Sứ điệp ngày Thế giới Cầu nguyện cho Tạo vật, 1 tháng Chín 2017).

Cả các tổ chức tài chính cũng đóng một vai trò quan trọng, một phần vừa như là vấn đề vừa như giải pháp của nó. Một sự chuyển đổi mô hình tài chính là cần thiết, vì ích lợi của việc thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện. Những tổ chức quốc tế chẳng hạn Quỹ Tiền Tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới có thể khuyến khích những sự cải tổ hữu hiệu cho sự phát triển bao gồm và bền vững. Hy vọng rằng “tài chính … sẽ quay trở lại trở thành một công cụ hướng đến sự thịnh vượng và phát triển nâng cao” (BENEDICT XVI, Caritas in Veritate, 65), cũng như hướng đến sự chăm sóc cho môi trường.

Tất cả những hoạt động này bao hàm một sự thay đổi trên một tầm mức sâu xa hơn, cụ thể đó là sự thay đổi tâm hồn và tâm trí. Theo cách nói của Thánh Gioan Phaolo II: “Chúng ta phải khuyến khích và ủng hộ một ‘sự hoán cải sinh thái học’” (Giáo lý, 17 tháng Một 2001). Trong vấn đề này các tôn giáo, và đặc biệt là các Giáo hội Ki-tô giáo, có một vai trò then chốt để thực hiện. Ngày Cầu nguyện cho Tạo vật và những sáng kiến liên quan, đã bắt đầu từ Giáo hội Chính thống, đang bắt đầu lan rộng trong các cộng đoàn Ki-tô hữu trên khắp thế giới.

Cuối cùng, đối thoại và cam kết đối với ngôi nhà chung của chúng ta phải dành chỗ đặc biệt cho hai nhóm người đứng ở tiền tuyến của mọi nỗ lực thúc đẩy một sinh thái học toàn diện. Cả hai nhóm này sẽ là trung tâm điểm của hai Thượng Hội đồng kế tiếp của Giáo hội Công giáo: giới trẻ và các dân tộc thổ dân, đặc biệt những dân tộc ở vùng Amazon.

Về một mặt, “Giới trẻ đòi hỏi sự thay đổi. Họ thắc mắc bằng cách nào người ta tuyên bố sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn mà lại không nghĩ đến sự khủng hoảng về môi trường và những sự đau khổ của những người bị loại trừ” (Laudato Si’, 13). Chính giới trẻ là những người sẽ phải đối mặt với những hậu quả của sự khủng hoảng về môi trường và khí hậu hiện tại. Vì vậy, sự đoàn kết liên thế hệ “không phải là một tùy chọn, nhưng là một vấn đề căn bản của công bằng, vì thế giới mà chúng ta đón nhận cũng sẽ thuộc về những người sẽ đến sau chúng ta” (nt., 159).

Và cũng như vậy, “điều quan trọng là cũng phải thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với những cộng đồng thổ dân và những truyền thống văn hóa của họ” (nt., 146). 

Thật đau buồn với chúng tôi khi nhìn thấy những vùng đất của các dân tộc thổ dân bị chiếm đoạt và văn hóa của họ bị chà đạp bởi những âm mưu cướp phá và bởi những hình thức của chủ nghĩa thực dân mới, được tiếp sức bởi văn hóa lãng phí và chủ nghĩa tiêu thụ (x. THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, Amazonia: Những Con đường mới cho Giáo hội và cho một Sinh thái học Toàn diện, 8 tháng Sáu 2018). “Đối với họ, đất đai không phải là một món hàng nhưng là một món quà của Thiên Chúa và của tổ tiên họ là những người đã an nghỉ ở đó, là một không gian linh thiêng mà họ cần phải tương tác để họ duy trì bản sắc và giá trị của họ” (Laudato Si’, 146). Chúng ta cần phải học rất nhiều từ họ! Đời sống của các dân tộc thổ dân “là một ký ức sống động của sứ mạng Thiên Chúa đã trao phó cho tất cả chúng ta: bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta” (Huấn từ, Puerto Maldonado, Peru, 19 tháng Một 2018).

Anh chị em thân mến, không bao giờ thiếu những thách đố! Tôi xin bày tỏ lòng tri ân chân thành đối với nỗ lực của quý vị trong việc phục vụ chăm sóc cho tạo vật và một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu của chúng ta. Có đôi lúc nó dường như là một trách nhiệm quá nặng nề, vì “có quá nhiều lợi ích đặc biệt, và các lợi ích kinh tế rất dễ dàng dẫn đến việc đè bẹp thiện ích chung và bóp méo thông tin để những kế hoạch riêng của họ không bị ảnh hưởng” (Laudato Si’, 54). Tuy nhiên “con người, có khả năng trở nên tồi tệ nhất, thì cũng có khả năng vượt lên chính mình, chọn lựa lại những gì là tốt, và thực hiện trở lại bước khởi đầu mới” (ibid., 205). Xin hãy tiếp tục hoạt động để “tạo ra một sự thay đổi triệt để mà các hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi” (nt., 171). Vì “sự bất công không phải là vô địch” (nt., 74).

Nguyện xin Thánh Phanxico Assisi tiếp tục khơi gợi và hướng dẫn chúng con trên hành trình này, và ước mong những đấu tranh và lo lắng của chúng con về hành tinh này không bao giờ lấy mất niềm vui và hy vọng của chúng con” (nt., 244). 

Cuối cùng, niềm hy vọng đó được đặt nền tảng trên niềm tin của chúng ta vào quyền năng của Cha trên Trời. Đấng kêu gọi chúng ta quảng đại cam kết và hoàn toàn trông cậy vào Người, ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh cần thiết để tiếp tục trên hành trình của chúng ta. Giữa lòng trần gian này, Thiên Chúa của sự sống, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng, luôn hiện diện. Người không bỏ rơi chúng ta, Người không để chúng ta một mình, vì Người đã hoàn toàn hiệp nhất chính Người với trái đất chúng ta, và tình yêu của Người liên tục thúc bách chúng ta tìm ra những con đường mới để tiến bước. Xin chúc tụng Người!” (nt., 245).

Tôi ban phép lành cho tất cả quý vị ở đây. Và xin nhớ cầu nguyện cho tôi.

Cảm ơn quý vị!

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/7/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-30/6, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-30/6, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 23-30/6, 2018

23 tháng Sáu: Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu rằng yêu thương là phục vụ, yêu thương có nghĩa là chăm sóc cho nhau.

24 tháng Sáu: Cũng như Thánh Gioan Tẩy Giả, người Ki-tô hữu phải tự hạ mình để Chúa có thể lớn lên trong tâm hồn của họ.

25 tháng Sáu: Niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô giải phóng chúng ta khỏi tội, sự buồn chán, sự trống rộng, sự cô lập. Đó là nguồn mạch của niềm vui không ai có thể lấy mất.

26 tháng Sáu: Tra tấn là một tội trọng! Các cộng đoàn Ki-tô hữu phải có trách nhiệm giúp đỡ những nạn nhân của nạn tra tấn.

27 tháng Sáu: Chúng ta hãy giúp đỡ người già, người đau bệnh và những thai nhi chưa chào đời: sự sống phải luôn luôn được bảo vệ và yêu thương, từ khi thụ thai đến khi kết thúc tự nhiên.

28 tháng Sáu: Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân Hồng y: mong rằng các ngài sẽ hỗ trợ tôi trong thừa tác vụ là Giám mục của Roma, cho sự tốt lành của toàn thể dân Chúa.

29 tháng Sáu: Mọi hình thức về sự nghèo khổ vật chất và tinh thần, mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại những anh chị em của chúng ta, đều xuất phát từ việc quay lưng lại với Thiên Chúa và tình yêu của Người.

30 tháng Sáu: Khi chúng ta được kết hiệp vững chắc với Thiên Chúa Đấng yêu thương và giữ gìn chúng ta, chúng ta có thể đứng vững trước mọi khó khăn và thách đố của cuộc sống.



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 1/7/2018]